Seite auswählen

Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: Lãi xuất âm (Bài 1)

 

9.12.2019

Blog – Đoàn Hưng Quốc

Lãi xuất tại nhiều nước gồm Đức, Nhật, Thụy Điển, Đan Mạch hiện nằm ở mức âm hay gần con số không. Tổng Thống Trump vào tháng 11/2019 lại đòi Mỹ phải hạ tiền lời xuống mức tương đương, trong khi cựu Thống Đốc Quỹ Dự Trử Liên Bang Alan Greenspan tiên đoán vào tháng 9/2019 rằng Hoa Kỳ rồi cũng sẽ tiến đến lãi xuất âm.

 Lãi xuất âm hiểu đơn giản thay vì con nợ trả phân lời để vay mượn như trước đây thì nay chính chủ nợ lại phải đưa tiền năng nỉ cho các nước công nghiệp và dân chúng Âu-Mỹ đi vay. Chủ nợ ở đây gồm cả tư nhân, các quỹ hưu trí và bảo hiểm cùng những nước đang mở mang muốn mua nợ công của các nước phát triễn hay cần bỏ tiền tiết kiệm vào các ngân hàng Tây Phương. Chủ nợ cũng lại chính là Ngân Hàng Trung Ương hạ thấp phân lời để thúc giục các ngân hàng con cho vay không lời hay chịu lổ để khuyến khích tư nhân mượn tiền đầu tư hoặc tiêu xài. Một thí dụ là ngân hàng Đan Mạch cho mượn tiền mua nhà với lãi xuất âm 0.5% mỗi năm, có nghĩa nếu mượn 100 đồng thì sau 10 năm chỉ cần trả 95 đồng cho chủ nợ!

 Nhiều người cho rằng tình trạng kỳ quặc này không hề có trong suốt 2000 năm Tây Lịch nên nếu kéo dài có thể làm đảo lộn hệ thống tư bản ở Âu-Mỹ, nhưng không ai biết sẽ đảo lộn như thế nào vì chưa từng xảy ra! Động cơ của tư bản là để dành tiền sau đó cho vay hay đầu tư để kiếm lời. Lãi xuất âm xảy ra khi những nước công nghiệp không đủ doanh nghiệp hay tư nhân mượn tiền đầu tư (do thiếu cơ hội đầu tư) hoặc tiêu xài (vì muốn dành giụm cho ngày mai.) Tình trạng này xảy ra có nhiều nguyên do:

1.  Nhiều doanh nghiệp hay tư nhân còn đang lo trang trải nợ nần trước đây do hệ lụy của quả bóng tài chánh bùng nổ năm 2007 ở Mỹ và 2010 ở Âu Châu – các chuyên gia gọi đây là balance sheet recession.

 2. Tình trạng lão hóa ở Đức, Nhật, v.v… khiến người già ít có nhu cầu tiêu thụ so với thời còn trẻ.

 3. Thặng dư tiết kiệm (savings glut) từ các nước đang mở mang vốn chú trọng vào xuất cảng nhằm thu vào ngoại tệ để rồi sau đó mua nợ công của Hoa Kỳ và Âu Châu để (a) kềm giá đồng bạc so với USD hay Euro (b) dự phòng trường hợp chảy máu ngoại tệ hay đầu tư ngoại quốc tháo vốn (c) đây là hai nơi gởi tiền an toàn.

 4. Ngân Hàng Trung Ương ở Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản liên tục hạ lãi xuất đồng thời bơm nhiều khoảng tiền khổng lồ để kích cầu từ năm 2008 đến nay.

 5. Ai cũng cần có chổ an toàn để giữ tiền. Nếu chỉ 100 đồng thì bỏ túi, 10 ngàn đem giấu dưới gầm giường còn 100 triệu phải gởi ngân hàng do sợ bị cướp. Tư nhân là vậy nhưng với quốc gia thì chỉ có ít chổ gởi tiền an toàn như nợ công của Mỹ. Một phần tiền tiết kiệm có thể dành mua vàng nhưng vàng không đủ để bán và chưa chắc giá vàng tăng nhanh hơn đô-la, cho nên tư nhân, các quỹ hưu trí và ngoại tệ dự trữ của các nước đang phát triễn gồm cả Trung Quốc cùng các nước Đông Á và Trung Đông phải tiếp tục cho Hoa Kỳ vay mượn với giá rẽ mạt cho dù Mỹ đang mang núi nợ khổng lồ.

 Tiền bạc ứ động (!) do không đủ tư nhân vay mượn đầu tư hay tiêu xài cho nên giá cả và lạm phát không tăng mặc dù Ngân Hàng Trung Ương Âu-Mỹ đã nhiều lần hạ thấp phân lời. Tình trạng này ở Tây Phương gọi là suy trầm có hệ thống (secular stagnation) dẫn đến nhiều mất cân đối trong xã hội:

 1. Doanh nghiệp mượn tiền không phải để đầu tư mà dùng mua lại (thu hồi) cổ phiếu; cố phiếu hiếm đi trên thị trường thì giá trị tăng, ban điều hành được tưởng thưởng hậu hỉ trong khi các cổ đông cũng vui vẽ vì giá chứng khoáng tăng mạnh. Chỉ riêng việc này đã dẫn ra hai bong bóng: nợ của doanh nghiệp nhảy vọt cùng lúc với thị trường chứng khoáng tăng trưởng liên tục trong suốt kỷ lục 10 năm.

 2. Do giá nhân công cao nên đầu tư sản xuất (manufacturing) tại các nước công nghiệp không có lời. Thay vào đó tiền đổ vào các doanh nghiệp mạnh về sáng tạo và nghiên cứu (Apple, Amazon, Facebook, Google, Microsoft, v.v….) giúp giá chứng khoán của lãnh vực tin học tăng vọt. Những công ty này lại nằm ở miền Đông Bắc và Tây Hoa Kỳ khiến giá nhà nơi đây tăng vọt. Nói chung, giá nhà và cổ phiếu tăng nhanh so với lương bổng khiến khoảng cách giàu nghèo ngày càng sâu đậm bởi vì giàu mới dư tiền mua nhà và cổ phiếu trong khi thợ thuyền sống ngày qua ngày không được tăng lương.

 3. Tiền từ Âu-Mỹ lại đổ ngược vào những quốc gia đang mở mang tìm cơ hội cho vay và đầu tư (nhân công rẻ, quy định lỏng lẻo, ….) vì những nước này đang cần vốn để tăng trưởng. Nhưng các quốc gia nói trên lại đặt nặng về xuất khẩu nên nếu nền kinh tế của các quốc gia công nghiệp chậm lại không mua hàng hóa thì những nước đang mở mang sẽ rơi vào khủng hoảng.

 4. Ngược lại, tiền đổ vào những quốc gia đang phát triển cũng nhiều rủi ro do thất thoát và đầu tư kém hiệu quả. Cho nên khi kinh tế của Âu-Mỹ tăng trưởng trở lại, Ngân Hàng Trung Ương Âu-Mỹ-Nhật sẽ tăng lãi xuất nhằm ngăn ngừa lạm phạt thì tiền sẽ đổi dòng chãy ngược từ các nước đang mở mang vào những quốc gia công nghiệp. Tình trạng lạ lùng này từng xảy ra năm 2013 khi Quỹ Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ siết chặc chính sách tiền tệ trong nước Mỹ mà lại khiến các nước Đông Nam Á khủng hoảng (gọi là taper tantrum.)

 

Các mối liên hệ chằng chịt này là nhân quả của toàn cầu hóa. Làm thế nào để giải quyết lãi xuất âm tại các nước công nghiệp và tình trạng lệ thuộc vào xuất cảng của những quốc gia đang mở mang là hai vấn đề liên quan đến nhau. Những bất cân đối về mậu dịch lẫn chênh lệch giàu nghèo trong các nước công nghiệp và đang phát triễn sẽ là đề tài của loạt bài kế tiếp.

 

Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: khoảng cách giàu nghèo trong xã hội (Bài 2)

 

12.12.2019

Khoảng cách giàu nghèo hiện đang là một trong các nguyên nhân chính làm chấn động nền chính trị ở Tây Phương, điển hình với Brexit ở Anh, phong trào áo vàng tại Pháp và Donald Trump đắc cử Tổng Thống ở Mỹ. Câu hỏi đặt ra là tại sao hố sâu giàu nghèo còn cách biệt hơn rất nhiều tại các nước đang phát triễn như Trung Quốc và Việt Nam nhưng lại không dẫn đến những xáo trộn tương tự như ở Âu-Mỹ?

Lý do thứ nhất vì khối quần chúng ở các nước đang phát triễn chưa đủ thế lực mạnh để làm thay đổi nền chính trị như tại Tây Phương cho nên những tiếng nói phản kháng thường bị dập tắt rất sớm.

Lý do thứ nhì khi cả nhà cầm quyền lẫn dân chúng ở các nước đang mở mang có được sự đồng thuận với gần 100% ủng hộ toàn cầu hóa. Ngược lại tại Anh, Pháp và Mỹ một con số không ít trong quần chúng hoặc chống đối hay đòi chậm lại tiến độ toàn cầu hóa vì cho rằng trào lưu này bị dàn dựng (rigged) chỉ có lợi cho thành phần thượng lưu trí thức (elite) mà thiệt hại cho công nhân, thợ thuyền và giới trung lưu. Chính sự đồng thuận nói trên ở các nước đang phát triển đã góp phần xây dựng ổn định xã hội vì ngay khi người dân tuy phản đối nhà cầm quyền nhưng phần nào đã tự giới hạn để những chống đối không cản trở tiến trình hội nhập vào thương mại toàn cầu. Trái lại tại Âu-Mỹ cả cánh tả lẫn hữu mạnh mẻ phản đối các hiệp ước thương mại quốc tế, việc hảng xưởng di dời sang nước ngoài, tình trạng xuất nhập khẩu mất quân bình và quy trách cho chính quyền về những thiệt hại mà giới công nhân và thợ thuyền phải gánh chịu khi bị thất nghiệp hay vì đồng lương không tăng từ 30 năm nay.

Lý do thứ ba liên quan đến móc ngoặc trong tiến trình công nghiệp hóa của một quốc gia được hoàn tất, thường gọi Lewis Turning Point (LTP) trong kinh tế. LTP là khúc quanh khi nguồn nhân lực chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp bắt đầu cạn dần. Một thí dụ tại Việt Nam hiện trong thời kỳ tiền LTP khi dân chúng thôn quê đổ dồn về thành thị đi tìm công ăn việc làm với thu nhập khá hơn so với canh tác. Khi số người tìm việc với doanh nghiệp tăng thì cung nhiều hơn cầu nên công nhân ở vào thế yếu nếu tranh đấu đòi tăng lương và cải thiện đời sống. Trường hợp này từng xảy ra ở Âu-Mỹ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Nhưng khi nguồn nhân lực đến từ nông thôn cạn dần, tức là đi vào ngã tẻ LTP như ở Trung Quốc hiện nay thì cung giảm dần so với cầu. Lúc đó công nhân ở thế mạnh để đòi lương cao và được hưỡng các quyền lợi an sinh xã hội bằng cách đình công hay qua công đoàn. Giai đoạn hậu LTP từng xảy ra ở Mỹ vào thập niên 1930-1950, Âu Châu 1950-1960, Nhật 1960-1970 và Nam Hàn, Đài Loan 1980-1990. Vào thời điểm hậu LTP người công nhân không cần đến bằng cấp cao nhưng vẫn có được mức sống trung lưu, thí dụ vào những năm 1960 thợ thuyền làm việc trong dây chuyền sản xuất của các hảng Ford hay GM tại Mỹ vẫn mua được nhà, xe hơi, được bảo đảm y tế sức khỏe và lương hưu trí (pension).

Ngược lại Âu-Mỹ hiện nằm trong chu kỳ hậu công nghiệp với tự động hóa đi đôi theo sản xuất di dời sang các nước đang mở mang. Trước đây vào giai đoạn hậu LTP người công nhân dù không có bằng cấp cao vẫn được trả đồng lương đủ cho sống đời trung lưu, nhưng nay trong chu kỳ hậu công nghiệp thì học vấn và trình độ chuyên môn là hai yếu tố quyết định cho sự thành công. Cơ xưởng sản xuất bị đóng cửa và di dời ra nước ngoài để xử dụng nguồn nhân công giá rẻ và tay nghề thấp ở nước ngoài khiến giới trung lưu-công nhân Tây Phương bị tụt hậu so với thành phần trung lưu-học vấn. Các ngành nghề dịch vụ tuy nở rộ nhưng lương bổng không bằng sản xuất. Điều này dẫn đến sự phẩn nộ trong thành phần dân chúng không có bằng đại học do không tìm ra việc làm thay thế với mức sống tương đương trước khi hãng xưởng bị đóng cửa. Vì giới trung lưu là nền tảng của xã hội dân chủ nên tình trạng sói mòn của tầng lớp này tạo ra nhiều xáo trộn chính trị, và là nguyên nhân dẫn đến các trào lưu dân túy cánh tả chống doanh nghiệp, hay tâm lý bảo hộ và bài ngoại trong cánh hữu ở Tây Phương.

Nói tóm lại tại Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc cuộc sống của mọi người đều cải thiện dù nhanh chậm khác nhau; tại Hoa Kỳ và vài nước Tây Phương mức sống của giới trung lưu–công nhân chẳng những không tiến mà còn thụt hậu so với các tầng lớp khác, cho nên họ bi quan và phẩn nộ do không tìm ra lối thoát. Hoa Kỳ là nước hậu công nghiệp duy nhất với tuổi thọ của thành phần lao động da trắng sút giảm trong vòng 10 năm nay bởi tâm trạng lo buồn, bất mãn và bất lực.

 

Những bài sau sẽ phân tích nhiều hơn về các giai đoạn tiền LTP, hậu LTP và hậu công nghiệp.

 

Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: khoảng cách giàu nghèo trong xã hội (Bài 3)

 

17.12.2019

Khoảng cách giàu nghèo ở Tây Phương hiện gây ra những cơn chấn động về chính trị nhưng thiết tưởng cần nhận biết chính xác triệu chứng nằm ở đâu rồi sau đó mới đi tìm nguyên do và phương thuốc giải quyết. Tuy hai ứng cử viên dẫn đầu trong cuộc bầu cử Tổng Thống 2020 là ông Bernie Sander và bà Elizabeth Warren cáo buột thành phần 1% chóp bu trong xã hội tóm gọn phần lớn tài sản trong nước nhưng đây là kiểu nhìn Mác-Xít hô hào giai cấp thợ thuyền đấu tranh chống giới chủ nhân, nông cạn mang đầy tính khích động quần chúng nên đã dẫn đến những chủ trương sai lầm như dùng sưu cao thuế nặng để trừng phạt và triệt hạ giới tỷ phú.

 Trước hết phải thấy rằng tài sản được phân phối rất khác nhau giữa các nước Âu-Mỹ và những quốc gia đang mở mang. Bài viết này không rập theo khuông mẫu dùng trong kinh tế học mà dùng hình ảnh bình dân cho dễ hiểu:

 –          Tại Việt Nam và Trung Quốc giàu nhất là các đại gia, rồi đến giới trung lưu trí thức và sau cùng gồm đám đông quần chúng công và nông dân. Thành phần lao động được xem thuộc diện nghèo.

 –          Ở Hoa Kỳ trên cùng là con số 0.001% tỷ phú chóp bu; rồi đến thành phần ưu tú (luật sư, bác sĩ, tài chánh, ngân hàng v.v…); giới trung lưu trí thức (kỷ sư, thuế khoá, dịch vụ thương mại v.v…); sau đó là giới trung lưu-công nhân; rồi mới đến dân nghèo (nông nghiệp chỉ dùng 1.3% lao động tại Mỹ nên tạm thời không xếp hạng). Nhiều người nghèo nhiều không đi làm chỉ để nhận trợ cấp xã hội, cho nên bài này chỉ quan tâm đến thành phần muốn và sẳn sàng đi làm nhưng vẫn không đủ sống. Khủng hoảng chính trị xảy ra vì giai cấp trung lưu là nồng cốt cho nền dân chủ nhưng giới trung lưu-công nhân bị hạ lương hay mất việc do toàn cầu hóa và tự động hóa nên thụt xuống thứ hạng nghèo, và trong tương lai không xa khi một số ngành nghề trung lưu trí thức cũng sẽ bị đe dọa bởi điện toán hóa và trí tuệ nhân tạo.

 Như vậy tại Việt Nam và Trung Quốc người lao động tranh đấu để tiến lên đời sống trung lưu. Riêng ở Hoa Lục 800 triệu người đã vượt ra khỏi ngưỡng cửa nghèo khó chỉ trong vòng 40 năm, con số còn lại tuy biết bị bóc lột nhưng vẫn sẵn sàng làm việc 12-14 tiếng mỗi ngày để bắt kịp. Nền kinh tế của các nước đang phát triển tăng trưởng giống như đoàn xe chạy lên đèo, tuy xe đầu vọt nhanh hơn xe cuối nhưng tất cả đều lên dốc. Trái lại ở Mỹ, Anh, Pháp giới trung lưu công nhân phật phòng lo sợ rơi xuống cảnh nghèo khi lương bổng và mức sống của họ chẳng những không tăng mà còn thụt lùi so với lạm phát. GDP của Hoa Kỳ tiến mạnh nhưng giống như chuyến tàu hỏa bị đứt mốc xích ở giữa nên hai toa đầu còn vọt lên nhanh hơn lúc trước trong khi các toa phía sau thụt lùi và bị bỏ rơi ngày càng xa.  Lèo lái hai khúc tàu không nối liền nhau còn hiểm nghèo hơn kéo cả một đoàn xe cùng lên dốc rất nhiều!

 Vào những thập niên 1950-1970 công nhân Mỹ tuy không có bằng đại học nhưng làm việc trong các hãng Ford, GM, những nhà máy thép và than đá cũng có thể mua sắm nhà và xe hơi. Họ có công ăn việc làm bền vững trọn đời, nhận bảo hiểm sức khoẻ và khi về già sống bằng hưu bổng (pension) của công ty. Mọi người đều dự phần khi kinh tế tăng trưởng. Nhiều nhà kinh tế cho rằng rằng lãnh vực sản xuất (manufacturing) chính là cỗ máy đưa những người tuy không cần học vấn cao nhưng vẫn tiến lên đời sống trung lưu, nhận xét này quan trọng vì trung lưu là nền tảng của dân chủ trong khi trong một nước không thể nào ai cũng có bằng đại học.

 Nhưng đến giai đoạn hậu công nghiệp thì nền kinh tế chuyển đổi từ sản xuất (manufacturing) sang sáng tạo (innovation) và dịch vụ (services). Giới chuyên gia hô hào tự do thương mại toàn cầu sẽ nâng cao mức sống của mọi tầng lớp dân chúng một khi dây chuyền sáng tạo, sản xuất cho đến phân phối được hữu hiệu hóa và phân công phù hợp theo lợi thế của từng quốc gia. Hãng xưởng Tây Phương chạy theo toàn cầu hóa di dời từ Âu-Mỹ sang Đông Á nhằm khai thác nguồn nhân công rẻ, các quy định môi trường và luật lao động lỏng lẻo. Kết quả khiến thành phần trung lưu-công nhân ở Mỹ mất việc trở nên phẫn nộ cho rằng giới chủ nhân chỉ lao theo lợi nhuận mà bán đứng người lao động, trong khi nhà nước khờ dại ký kết vào các hiệp ước thương mại nhưng chỉ đem lại lợi ích bất tương xứng cho các nước đang phát triển thay vì bảo vệ quyền lợi dân chúng Hoa Kỳ. Họ cho rằng chính quyền và giới thượng lưu đã gạt gẫm dân chúng khi rao bán rằng toàn cầu hóa mang lợi đồng đều đến cho mọi người, nhưng rồi sau đó cấu kết lẫn nhau để xây dựng một trật tự thương mại chỉ có lợi cho thành phần ưu tú mà thiệt hại cho giới trung lưu (the system is rigged) nên nay đã đến lúc phải bị gạt bỏ (drain the swamp) mà đặt quyền lợi của nước Mỹ trên hết (America First – dịch từ tiếng Anh theo ngôn ngữ rất hìệu quả của Trump để thu hút cử tri lao động). Nếu chính phủ Mỹ chấm dứt ưu đãi thuế má cho xí nghiệp đầu tư ra nước ngoài, đòi hỏi tiêu chuẩn về lao động và môi trường đồng đều ở các quốc gia cạnh tranh, chống phá giá đồng bạc, chống hàng rào thuế quan ngăn chận hàng mua từ Hoa Kỳ thì người công nhân ở Mỹ sẽ tìm lại lợi thế so với các nước đang phát triễn.

 Trở lại với khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ thì người công nhân mất việc không tìm ra mức lương tương đương trong các lãnh vực khác. Xã hội hậu công nghiệp chú trọng về sáng tạo và dịch vụ: sáng tạo đòi hỏi bằng cấp và trình độ kỷ thuật cao; lương bổng tốt chỉ có trong các dịch vụ chuyên môn như y tế, tài chánh, thợ điện, thợ ống nước, v.v… còn làm việc trong nhà hàng, chợ búa hay lái taxi chỉ là những công việc tạm bợ sống qua ngày với đồng lương tối thiểu chớ không thể xem là có nghề nghiệp và tương lai vững chắc.

 Người lao động với đồng lương thấp không đủ trả tiền nhà, bảo hiểm y tế và giữ trẻ chớ đừng nói gì đến lo cho con cái lên đại học hay lúc tuổi già, cho nên giới trung lưu-công nhân phẩn nộ vì không thấy lối thoát cho chính họ và cho thế hệ tiếp nối. Tiền của trong xã hội không có chổ đầu tư vào lãnh vực sản xuất nội địa nên đổ đồn vào khu vực địa ốc và chứng khoán giúp cho các tỷ phú, giới ưu tú và trung lưu trí thức trở nên giàu có hơn nhờ vào mua bán những tài sản loại này. Cho nên khoảng cách giàu nghèo tăng vọt không phải chỉ so với giới 0.001% tỷ phú chóp bu mà chính là giữa 20% phần trên 80% dân chúng còn lại.

 Dân Mỹ không chống nhà giàu mà trái lại ngưỡng mộ các tỷ phú như Bill Gates (Microsoft) hay Jeff Bezzo (Amazon) vốn đã xây dựng sự nghiệp khổng lồ nhờ vào tài năng và trí óc. Thay vì trừng phạt nhà giàu thì nước Mỹ cần tạo môi trường để phát triễn thêm nhiều nhân tài và tỷ phú loại này để khai phá những lãnh vực mới, qua đó thúc đẩy kinh tế phát triển và tạo hàng triệu công ăn việc làm với mức lương cao. Cần phải giảm thuế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong nước nhưng bít các lổ hỏng để người giàu không trốn tránh thuế má.

 Nhà nước phải có chương trình đầu tư khổng lồ về hạ tầng để xử dụng nguồn nhân lực trong nước; cần lấp các lổ hổng trong những hiệp ước mậu dịch; phải hổ trợ giáo dục chuyên ngành như y tá, thợ sửa xe, thợ điện, v.v… chớ không thể hoàn toàn chú trọng vào bằng cấp 4 năm.

 Tuy nhiên câu hỏi chính vẫn là trong giai đoạn hậu công nghiệp tìm đâu ra một cổ máy kinh tế nhằm thay thế khu vực sản xuất để đưa đa số quần chúng dù không có bằng đại học vẫn tiến vào được giai cấp trung lưu? Các chính sách thuế má, đầu tư, giáo dục sẽ như thế nào để thúc đẩy sự hình thành và phát triễn của cổ máy kinh tế này?

 Đây sẽ là những vấn đề cho loạt bài sau. 

 

 

Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: đi tìm nguyên nhân khoảng cách giàu nghèo trong xã hội (Bài 4)

Đoàn Hưng Quốc

 

Có rất nhiều nghiên cứu về khoảng cách giàu nghèo ở Âu-Mỹ nhưng bài này chỉ chọn ra 2 giải thích được người viết xem như đáng chú ý nhất: quan điểm thứ nhất của kinh tế gia người Pháp Thomas Piketty cho rằng khoảng cách giàu nghèo là tất yếu một khi tài sản tích tụ trong xã hội tư bản, và lập luận thứ hai của kinh tế gia người Mỹ gốc Nhật Richard Koo cho thấy hố sâu giàu nghèo hiện là hậu quả của toàn cầu hóa. Hai gốc nhìn này có thể bổ túc lẫn nhau như giữa hai yếu tố nội tại và khách quan. Riêng phạm vi bài này sẽ sơ lược về Piketty và ảnh hưởng đến nền chính trị cánh tả Tây Phương, bài sau sẽ trình bày về Richard Koo và kế đó là một bài tổng hợp.

Thomas Piketty nổi tiếng với tác phẩm đồ sộ Vốn tư bản trong thế kỷ 21 (Capital in the Twenty-First Century) nhưng tóm gọn trong 2 câu nói dân gian là “nhà giàu ngày càng giàu” để rồi “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”.

Hố sâu giàu nghèo trong xã hội được san bằng sau khi trải qua một cơn đại biến như Trận dịch Đen (khiến 200 triệu người chết vào tế kỷ 14) hay Đại chiến (Thế chiến thứ II) tàn sát cả giới chủ lẫn người lao động. Vì tài sản bị hủy diệt cho nên chỉ còn lao động, trí tuệ và lương bổng của từng cá nhân là những yếu tố chính để mỗi người tự vươn lên. Những người thành công sau đó lại bắt đầu sở hữu tài sản. Trong khi lương bổng không thể chuyển nhượng từ cha sang con thì tài sản lại trở thành gia tài nên lâu ngày tích tụ trở thành yếu tố chính phân biệt giàu nghèo trong xã hội. Tài sản (nhà đất, cổ phiếu, v.v…) còn được dùng làm “vốn tư bản” (Capital) để đầu tư sinh lợi, và lợi tức từ tài sản có thể tăng nhanh hơn lương bổng (thí dụ giá nhà hay cổ phiếu có thể nhảy vọt 20% trong một năm trong khi lương chỉ tăng 5%). Một khi tài sản và lợi tức của xã hội tích tụ vào trong tay một thiểu số ưu đải thì lương bổng của đa số dân chúng còn lại không thể nào chạy theo kịp. Nói đơn giản nhà giàu ngày càng giàu.

Một thí dụ dễ hiểu là một gia đình có nhà trị giá 800 ngàn đô-la ở Sài Gòn để lại gia tài thì con tự động giàu, trong khi một thanh niên khác từ quê lên học và làm việc dù tài giỏi bậc nào cũng không thể nào mơ mộng mua được nhà ở thành phố nếu chỉ với đồng lương vài ngàn đô-la mỗi tháng.

Tài sản lại sản sinh ra quyền lực bóp méo nhà nước nhằm ưu đãi thành phần chóp bu trong khi bỏ rơi đại đa số còn lại. Hố sâu giàu nghèo một khi trở nên sâu rộng sẽ đe dọa đến nền dân chủ do quyền lực bị tập trung và dân chúng bất mãn chống đối. Trở lại thí dụ ở Việt Nam có tiền thì cho con cái du học lấy bằng đại học Hoa Kỳ trong khi thanh niên học giỏi ở dưới quê cố hết sức thì cũng chỉ lấy được mảnh bằng kém giá trị trong nước. Cho nên “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Một khi lớp người ăn trên ngồi trước thụ hưởng lợi tức của xã hội bằng thế lực và tài sản được hình thành – Piketty gọi đây là “rent seekers” tạm so sánh với những đại điền chủ không đi cày ruộng mà vẫn hưởng lợi tức cao – thay vì bằng lao động và trí tuệ thì nền dân chủ lẫn hệ thống tư bản đều bị khủng hoảng.

Cánh tả ở Mỹ gồm hai ứng cử viên Tổng thống ông Bernie Sander và bà Elizabeth Warren chủ trương đánh thuế tài sản (wealth tax) thay vì chỉ thu thuế lợi tức (income tax) để san bằng khoảng cách giàu nghèo. Tiền thuế được dùng đầu tư vào giáo dục, y tế và an sinh xã hội nhằm tạo cơ hội đồng đều cho đa số dân chúng còn lại.

Điểm mạnh của cánh tả ở chổ đề cập đến vấn nạn mà cánh hữu không hề nhắc đến tức tình trạng chênh lệch tài sản làm tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, và nếu kéo dài sẽ đe đọa đến nền dân chủ một khi quyền lực bị tập trung và dân chúng bất mãn nổi loạn. Hố sâu này còn đe dọa đến sức sống của nền tư bản khi cá nhân thành công nhờ vào thế lực và tài sản thay vì trông cậy vào lao động và trí tuệ của chính mình. Điểm yếu của cánh tả là chỉ đưa ra giải pháp tái phân phối tài sản (wealth distribution) qua thuế má – tức là theo kiểu xã hội chủ nghĩa – thay vì khuyến khích tạo ra tài sản (wealth creation) – tức là tư bản chủ nghĩa. Thành quả xã hội như chiếc bánh kinh tế không cần phân chia đồng đều mà phải tìm cách làm chiếc bánh nở to ra để mọi người có thêm phần trong đó. Thuế má càng cao thì người tài không có động cơ thúc đẩy làm giàu để tạo hàng triệu công ăn việc làm mới như trường hợp của các nhà tỷ phú Bill Gates (Microsoft), Jeff Bezzo (Amazon), Mark Zuckerberg (Facebook). Tài sản thu vào từ thuế má lại bị nhà nước tiêu xài phung phí khiến xã hội trở nên lười biến và ỷ lại dựa vào bổng lộc như y tế miễn phí, giáo dục miễn phí, giữ trẻ miễn phí, v.v… (cái gì cũng miễn phí thì dân chúng đừng có lo để nhà nước no) thay vì dùng tiền thuế đầu tư thúc đẩy dân chúng làm việc cho tương lai. Cho nên trong mùa tranh cử ứng viên nào đòi tăng thuế thì phải xem xét cẩn thận là tiền thuế để xài bậy (tax and spend) hay đầu tư (tax and invest) có hiệu quả, vì các chính trị gia chuyên mập mờ đánh lận con đen gọi tiêu xài là đầu tư.

Bài sau sẽ bàn về các yếu tố khách quan từ toàn cầu hóa khiến hố sâu giàu nghèo tăng vọt.

Đ.H.Q.