Seite auswählen

Thành công đã qua, thách thức đang tới

Nguồn: After half a century of success, the Asian tigers must reinvent themselves”, The Economist, 05/12/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Bốn con hổ châu Á – Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan – đã từng mê hoặc thế giới kinh tế. Từ đầu những năm 1960 cho đến những năm 1990, họ thường xuyên đạt mức tăng trưởng hai con số. Một thế hệ lao động cực nhọc trong vai trò nông dân và công nhân đã chứng kiến con cháu họ trở thành những công dân có học thức thuộc loại tốt nhất trên hành tinh. Những con hổ bắt đầu bằng cách sản xuất áo sơ mi, hoa nhựa và tóc giả màu đen. Không lâu sau, họ đã sản xuất chip nhớ, máy tính xách tay và các công cụ tài chính phái sinh. Trong quá trình này họ cũng tạo ra một cuộc tranh luận học thuật sôi nổi về nguồn gốc dẫn tới thành công của họ. Một số cho rằng đó là nhờ sự chỉ đạo của chính phủ; những người khác chỉ ra vai trò của thị trường cạnh tranh.

Rồi thế giới quay lưng. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã phá hủy sự thần bí của họ. Trung Quốc trở thành ngôi sao phát triển mới, dù Trung Quốc cũng đã đi theo sự dẫn dắt của họ ở một mức độ nhất định. Các con hổ dường như mất đi tốc độ của chúng. Năm nay nước Mỹ đang trên đà đạt được mức tăng trưởng nhanh hơn cả bốn nước này.

Tất cả họ đều có những vấn đề dường như rất khó giải quyết: tiền lương trì trệ ở Đài Loan, sự thống trị của các doanh nghiệp lớn ở Hàn Quốc, một tầng lớp lao động nhập khẩu lương thấp ở Singapore, và, nóng bỏng nhất, chính là một chính phủ ở Hồng Kông vốn không muốn hoặc không thể lắng nghe người dân của mình.

Nhưng sẽ là sai lầm nếu bỏ qua hoàn toàn những con hổ châu Á này. Nhìn kỹ hơn vào hồ sơ kinh tế của họ chúng ta sẽ thấy trái ngược với sự ảm đạm đôi khi tràn ngập các quốc gia này, họ vẫn có nhiều điều để tự hào. Quỹ đạo GDP đầu người của họ, tính theo ngang giá sức mua, vẫn rất ấn tượng (xem biểu đồ). Họ đã vượt qua bẫy thu nhập trung bình từ lâu. Và Hàn Quốc sẽ sớm trở thành con hổ thứ tư vượt qua Nhật Bản, quốc gia từng là ông chủ thuộc địa và mẫu hình kinh tế của Hàn Quốc.

Họ cũng đã ngang ngửa nước Mỹ. Singapore đã vượt mức thu nhập của Mỹ vào những năm 1990; Hồng Kông đạt mức ngang bằng hồi năm 2013; và hai con hổ còn lại đã thu hẹp khoảng cách. Thật vậy, trong năm năm qua (2013-18), GDP bình quân đầu người của Singapore và Hồng Kông đã tăng nhanh hơn tất cả quốc gia khác xếp trên họ trong bảng xếp hạng thu nhập. Trừ một vài trường hợp ngoại lệ, điều tương tự cũng đúng với Đài Loan và Hàn Quốc.

Với sự trưởng thành kinh tế của họ, những con hổ này đáng được chú ý trở lại. Họ phải đối mặt với nhiều vấn đề tương tự như các vấn đề của phương Tây: làm thế nào để giảm thiểu bất bình đẳng; làm thế nào để tăng năng suất; làm thế nào để đối phó với tình trạng già hóa dân số; và làm thế nào để đạt được sự cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Họ không có tất cả các câu trả lời, nhưng họ có những cách tiếp cận mới, dù đôi khi vẫn còn chưa chuẩn xác, mà bản thân chúng có thể mang lại cho thế giới nhiều điều có thể học hỏi.

Những con rồng nhỏ

Báo cáo đặc biệt này sẽ xem xét bản chất thay đổi trong các nền kinh tế của bốn con hổ châu Á và đưa ra bốn lập luận chính. Đầu tiên là nhiều vấn đề của bốn con hổ này bắt  nguồn từ chính thành công kinh tế chứ không phải thất bại của họ. Họ đã giữ vững thị phần xuất khẩu toàn cầu của mình trong nhiều năm mặc dù chi phí nhân công và đất đai vẫn tăng đều. Nhưng giờ đây họ sẽ phải chiến đấu để mở rộng xuất khẩu của mình nhanh hơn trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy giảm. Họ cũng đã đạt đến biên giới công nghệ trong nhiều ngành công nghiệp. Điều đó sẽ làm cho sự cải tiến trở nên khó khăn hơn: họ không còn phải đuổi theo các công nghệ tốt nhất toàn cầu mà đang cố gắng phát minh ra những công nghệ mới.

Lee Kuan Yew, cha đẻ của Singapore, đã từng tuyên bố rằng sự hài hòa và ổn định là những yếu tố chính trong  các “giá trị Châu Á”. Bốn con hổ vẫn trân trọng những giá trị này (có nước nào mà không làm như vậy?), nhưng nhiều công dân của họ coi sự công bằng là điều kiện tiên quyết cho cả hai. Quan sát đó dẫn đến lập luận thứ hai của báo cáo này: khi một tầng lớp công dân có học thức khao khát dân chủ, việc kiềm chế khát vọng đó có thể là một điều thiếu thận trọng và bất công. Một số ý kiến ​​cho rằng nền chính trị ồn ào của Đài Loan và Hàn Quốc – với các vụ án tham nhũng cấp cao, các vụ ẩu đả trong phòng họp quốc hội và chiến tranh truyền thông dữ dội giữa các đảng phái – đã cản trở tăng trưởng kinh tế của họ. Nhưng nếu xét kỹ hồ sơ của bốn nền kinh tế này, chúng ta thấy rằng lập luận đó không có căn cứ. Thay vào đó, điều đã trở nên rõ ràng ở Hồng Kông là việc thiếu dân chủ là một hạn chế nghiêm trọng, gieo rắc sự bất mãn và mất lòng tin trong người dân.

Thứ ba, mức độ phát triển thấp của nhà nước phúc lợi ở các nền kinh tế này cũng trở thành một trở ngại. Các nhà lãnh đạo của họ thường lo lắng rằng việc phân phối lại thu nhập và chi tiêu cho phúc lợi xã hội sẽ làm giảm động lực làm việc của người dân. Nhưng sự bất an xã hội thay vào đó có nguy cơ khiến người dân của họ không muốn chấp nhận thay đổi công nghệ. Khi dân số các nền kinh tế này lão hóa, chính phủ của họ cũng phải đối mặt với nhiều áp lực hơn trong việc chi tiêu cho lương hưu và chăm sóc sức khỏe. Và họ cũng cần giảm bớt gánh nặng kinh tế vốn ngăn cản những người dân trẻ tuổi có con. Nói cách khác, các “nhà nước phát triển” vốn luôn bị ám ảnh bởi tăng trưởng kinh tế của các nước này phải trở thành các nhà nước phúc lợi thân thiện với tăng trưởng.

Cuối cùng, những con hổ này có vai trò quan trọng trong việc dự báo tăng trưởng kinh tế cho phần còn lại của thế giới. Họ rất dễ bị tổn thương bởi các chu kỳ toàn cầu về công nghệ, tài chính và địa chính trị. Những con hổ ngành chế tạo (Hàn Quốc và Đài Loan) đã thống trị những mảng hẹp trong chuỗi cung ứng công nghệ, tập trung vào các bí quyết kỹ thuật và bộ vi xử lý rất quan trọng đối với các mạng viễn thông 5G tốc độ cao và quy trình xử lý dữ liệu lớn. Trong khi đó, Hồng Kông và Singapore đã định vị mình là cầu nối tài chính giữa Trung Quốc và thế giới, khiến họ rất nhạy cảm với cả thành công của Trung Quốc lẫn những vấp ngã của nó. Và cả bốn con hổ đều phụ thuộc vào việc duy trì sự yên bình về địa chính trị trong bối cảnh nước Mỹ, siêu cường đang đứng đầu, điều chỉnh để đối phó với một đối thủ mới.

Các chu kỳ này có thể khó quản lý ngay cả khi chúng đang ở giai đoạn đi lên. Sự bùng nổ về tài chính và công nghệ có thể tập trung của cải trong tay một số ít người, chẳng hạn như các chaebol sản xuất chip của Hàn Quốc hoặc các ông trùm bất động sản Hồng Kông. Còn khi chu kỳ đi xuống, các mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn. Hai lần trong một phần tư thế kỷ qua, những con hổ này đã bị rung chuyển bởi các cuộc khủng hoảng tài chính. Sự bùng nổ kéo dài về nhu cầu đối với chip bán dẫn trong điện thoại thông minh và máy tính gần đây đã chậm lại, làm tổn thương Hàn Quốc và Đài Loan. Nhưng chính thách thức địa chính trị mới khiến họ lo lắng nhất hiện nay: một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ làm rung chuyển các nền tảng cho sự thịnh vượng và an ninh của các con hổ châu Á.

Về phương pháp luận, báo cáo đặc biệt này đặt ra một câu hỏi rõ ràng. Liệu có hợp lý khi gộp các con hổ lại với nhau? Hai trong số đó là các thành phố; còn hai con hổ còn lại là các quốc gia có quy mô trung bình (dân số Đài Loan đã vượt quá 20 triệu người; còn Hàn Quốc là 50 triệu). Hai con hổ là thành viên có chủ quyền của Liên Hợp Quốc; một là lãnh thổ của Trung Quốc; còn con hổ còn lại không có địa vị ngoại giao. Đài Loan và Hàn Quốc là những nền dân chủ sống động; còn Hồng Kông và Singapore ít tin tưởng cử tri của họ hơn. Hai con hổ vẫn dựa vào ngành chế tạo; còn hai con hổ còn lại là các nhà cung cấp dịch vụ cao cấp.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những khác biệt này, bốn con hổ vẫn có nhiều điểm chung. Họ nằm trong số những nền kinh tế giao thương mở nhất thế giới, đi kèm với tất cả biến động mà điều đó mang lại. Tuy nhiên, họ vẫn duy trì tỷ lệ việc làm và mức tiết kiệm cao, ngay cả khi mức sống của họ đã được cải thiện. Ở các mức độ khác nhau, họ cũng bị mắc kẹt giữa Trung Quốc và Mỹ. Và cả bốn đều đang phải đối mặt với những vấn đề xã hội phức tạp xuất phát từ sự phát triển vượt bậc của họ trong nửa thế kỷ qua. Bốn con hổ đã đạt được sự thịnh vượng mà không tự mãn, giàu có mà không cần nghỉ ngơi. Những nỗ lực để tiếp tục dẫn đầu của họ không có gì đảm bảo sẽ thành công. Nhưng câu chuyện của họ chắc chắn vẫn còn rất hấp dẫn. ■

(Còn tiếp 6 phần)

Nghiên Cứu Quốc Tế

Bản gốc

Lợi và hại của mô hình dựa vào xuất khẩu

Nguồn: It has become harder for the Asian tigers to prosper through exports”, The Economist, 05/12/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Bonnie Tu phá lên cười. Bà vừa phát hiện ra chiếc mũ đỏ có khẩu hiệu “Make America Great Again” mà một đồng nghiệp để lại trên bàn để chọc bà. Chủ tịch của Giant, nhà sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới, không phải là người hâm mộ Donald Trump. Thuế quan của Trump đã làm rối tung chuỗi cung ứng của bà và khiến chi phí tăng lên. “Đó là thuế đánh vào việc đạp xe, hoạt động có ích cho sức khỏe nhất trên thế giới”, người phụ nữ 70 tuổi, bản thân là một người rất thích đạp xe đạp, nói. Đáp lại, Giant đã giảm quy mô sản xuất ở Trung Quốc và tăng công suất ở Đài Loan. “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác”, bà nói.

Giant không phải trường hợp đơn lẻ. Hàng chục công ty Đài Loan gần đây đã quay về, bao gồm Compal, một nhà sản xuất máy tính; Delta Electronics, một nhà cung cấp linh kiện điện; và Long Chen, một công ty sản xuất giấy. Năm 2018, chính phủ đã khai trương văn phòng “Invest Taiwan” (Đầu tư vào Đài Loan), hứa hẹn cung cấp các khoản vay chi phí thấp giúp các công ty trang trải chi phí di dời sản xuất. Văn phòng đã nhận được hồ sơ đăng ký từ hơn 150 công ty.

Tất cả điều này có thể làm người ta tưởng Đài Loan đã được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại. Singapore và Hàn Quốc cũng đã giành được thêm thị phần tại Mỹ từ  tay Trung Quốc. Nhưng sẽ là một sai lầm khi kết luận rằng cuộc chiến thương mại là có lợi cho những con hổ. Nhìn chung, nó gây tác hại thì đúng hơn. Cuộc chiến đang phá vỡ ba điều mà các nền kinh tế này phụ thuộc mật thiết: một hệ thống thương mại toàn cầu mở, mạng lưới sản xuất ở châu Á, và thị trường lớn nhất của họ, Trung Quốc. Các nhà phân tích của Goldman Sachs đã xem xét tăng trưởng của 13 nền kinh tế châu Á so với tiềm năng của họ trong năm nay; và các con hổ châu Á chiếm bốn trong số năm vị trí dưới cùng.

Việc xung đột thương mại làm họ lo lắng là điều tự nhiên. Rốt cuộc, xuất khẩu chính là trung tâm của sự thành công của họ sau Thế chiến II. Hàn Quốc bắt đầu với tôn, ván ép và dệt may. Các nhà xuất khẩu của họ được hưởng lợi từ tín dụng rẻ, miễn thuế nhập khẩu và việc phá giá đồng won vào năm 1964 (trớ trêu thay, điều này là do Mỹ khuyến khích). Từ tháng 2/1965 cho đến khi bị ám sát năm 1979, Tổng thống Park Chung-hee đã tham dự gần như mọi cuộc họp hàng tháng của ủy ban xúc tiến xuất khẩu nước này, xem xét mẫu sản phẩm và tập hợp các doanh nhân trong các bữa ăn trưa. Ông đã khóc khi xuất khẩu của Hàn Quốc vượt mức 100 triệu đô la vào năm 1964, công bố một ngày lễ quốc gia được gọi là “ngày xuất khẩu” (sau đổi tên thành Ngày Thương mại).

Đài Loan cũng bắt đầu với tín dụng rẻ và giảm thuế cho các nhà xuất khẩu. Các doanh nhân sớm trỗi dậy. Bà Tu nhớ người chú của mình, King Liu, người sáng lập Giant, nói với sự ngạc nhiên vào năm 1972 rằng “Người Mỹ đang mang tiền đến đây để mua xe đạp”. Ông sớm nhận thấy rằng các nhà cung cấp địa phương của Đài Loan không đáng tin cậy: lốp cao su thường bị rơi ra khỏi vành. Vì vậy, ông Liu đã đi vòng quanh đảo để thuyết phục các nhà sản xuất khác rằng tất cả sẽ được hưởng lợi nếu họ cùng tuân thủ các kích thước sản phẩm giống nhau.

Singapore và Hồng Kông thường được coi là trung  tâm trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Nhưng họ cũng đã từng là một ví dụ điển hình của sản xuất thâm dụng lao động. Có một thời gian, vào những năm 1970, Hồng Kông là nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới. Khi Singapore giành được độc lập năm 1965, nơi này đã quảng bá hình ảnh một trung tâm sản xuất. Sự hợp tác với Hồng Kông đã có ngay từ đầu: một trong những nhà đầu tư lớn đầu tiên của Singapore là GE, công ty đã thành lập một nhà máy sản xuất radio kèm đồng hồ ở Singapore do lo ngại rằng bạo lực trong Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc có thể lan sang Hồng Kông.

Ngay cả khi những con hổ đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, xuất khẩu vẫn là một phần trong DNA của họ. Các công ty trở nên tinh vi hơn theo thời gian, được thúc đẩy bởi các chính phủ (vốn thường có nhiều nhà công nghiệp đầy tham vọng). Tại Hàn Quốc, sau một thập niên thành công trong ngành công nghiệp nhẹ, các quan chức đã thúc đẩy các ngành công nghiệp nặng hơn, như đóng tàu và hóa chất. Đài Loan đã tạo ra các công viên khoa học dành cho các ngành công nghiệp tiên tiến từ quang điện tử đến chất bán dẫn. Singapore thành lập một Ủy ban Máy tính Quốc gia vào năm 1981 để đào tạo công nhân công nghệ cao.

Phần lớn thế giới đã mất ưu thế trước Trung Quốc trong vòng 20 năm qua. Tuy nhiên, thị phần xuất khẩu hàng hóa toàn cầu của các con hổ châu Á đã ổn định ở mức 10% (xem biểu đồ). Còn Nhật Bản, hình mẫu kinh tế trước đây của họ, đã chứng kiến ​​tỷ lệ của mình giảm xuống dưới 4%, bằng một nửa so với năm 2000.

Giống như các nền kinh tế giàu có khác, họ đã chuyển phần lớn sản xuất cơ bản sang Trung Quốc. Mang tính biểu tượng nhất là Foxconn, một công ty điện tử của Đài Loan hiện được biết đến như là nhà lắp ráp chính của iPhone. Công ty đã mở nhà máy đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 1988; 30 năm sau, công ty tuyển dụng khoảng 1 triệu lao động ở đó. Nhưng khi họ chuyển các công việc cấp thấp sang Trung Quốc, các con hổ cũng leo lên trên bậc thang chuỗi cung ứng. Hàn Quốc là nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới. Đài Loan có công suất lớn nhất về chế tạo chất bán dẫn. Do đó, mỗi bên đều chiếm hơn 12% nhu cầu cuối cùng của Trung Quốc đối với các sản phẩm điện tử và máy tính, gấp đôi so với bất kỳ đối tác thương mại nào khác. Nói một cách đơn giản, họ làm ra những thứ mà Trung Quốc không thể làm.

Họ cũng đã hưởng lợi từ thành công của Trung Quốc. Khi các công ty tập hợp lại với nhau ở Trung Quốc, châu Á nói chung đã trở thành một khu vực sản xuất mạnh hơn. Tỉ trọng của châu Á trong mua bán linh kiện toàn cầu tăng từ 19% năm 2000 lên 30% năm 2016. Trung Quốc đại lục là nơi có bốn trong số bảy cảng container bận rộn nhất thế giới; những cảng khác là ở Singapore, Busan và Hồng Kông.

Cả Singapore và Hồng Kông đều tăng cường vai trò là trung tâm quản lý của “Nhà máy Châu Á”. Hơn 4.000 công ty đã chọn Singapore làm nơi đặt trụ sở khu vực, thường để giám sát hoạt động ở Đông Nam Á. Hồng Kông có ít hơn, với khoảng 1.500 trụ sở, nhưng nó đã thành công hơn nhiều so với Singapore trong việc thu hút các công ty Trung Quốc vào sàn giao dịch chứng khoán của mình. Thị trường chứng khoán của Hồng Kông trị giá hơn 4 nghìn tỉ đô la; của Singapore chỉ gần 700 tỉ.

Tất cả các kết nối này, dù hữu ích đến đâu, cũng  tạo ra sự dễ bị tổn thương. Cuộc chiến tranh thương mại của Mỹ là nhằm gây đau đớn cho Trung Quốc. Nhưng các con hổ, theo nhiều cách, cũng dễ bị thiệt hại vì họ nhỏ hơn và mở hơn. Ở Trung Quốc, xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 20% GDP. Ở Hàn Quốc, tỉ lệ là 45%; ở Đài Loan là 65%; còn ở Singapore và Hồng Kông là gần 200%.

Khi xé nát chuỗi cung ứng, chiến thuật của ông Trump đã gây nguy hiểm đặc biệt cho mô hình sản xuất toàn cầu của các con hổ. Họ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào đầu vào từ các quốc gia khác. Họ cũng phục vụ một loạt các khách hàng, kể cả một số người mà Mỹ không tin tưởng. Các nhà máy Đài Loan sản xuất chip cho các công ty hàng đầu của Mỹ cũng như cho Huawei, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc mà người Mỹ cáo buộc là có hoạt động gián điệp. “Chúng tôi là công xưởng của tất cả mọi người. Chúng tôi không loại trừ một ai”, một quan chức tại TSMC nói.

Đối mặt với tất cả sự bất định này, các con hổ có một vài lựa chọn. Một là đa dạng hóa khách hàng và sản phẩm của họ. Đài Loan từ lâu đã thúc đẩy các công ty của mình khám phá các thị trường mới nổi ngoài Trung Quốc. Chính phủ Hàn Quốc rất muốn thúc đẩy nhiều sản phẩm đa dạng hơn. Trong “Ngày Thương mại” gần đây nhất, Tổng thống Moon Jae-in của Hàn Quốc đã hoan nghênh các ngành công nghiệp mới như xe điện và robot.

Một phản ứng khác là cố gắng hoàn thiện trật tự thương mại toàn cầu. Trước năm 2000, các con hổ chỉ tham gia vào năm hiệp định thương mại khu vực; đến giờ họ đã tham gia thêm 49 hiệp định nữa. Singapore là người giúp khởi xướng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (một thỏa thuận thương mại từng nhắm vào Mỹ, Nhật Bản và mười quốc gia khác ở Thái Bình Dương) cũng như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, vốn bao gồm cả Trung Quốc. Singapore cũng là một trong những quốc gia đang cố gắng môi giới một thỏa hiệp giữa Trung Quốc và Mỹ để giúp cho Tổ chức Thương mại Thế giới tiếp tục hoạt động hiệu quả.

Nhưng các con hổ có rất ít khả năng để tránh được một cuộc đụng độ toàn diện giữa Trung Quốc và Mỹ. Hồng Kông có rủi ro cao nhất. Sự đặc biệt của nó được công nhận trong luật pháp Mỹ, vốn coi Hồng Kông như một lãnh thổ hải quan riêng biệt với phần còn lại của Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là Hồng Kông không bị ảnh hưởng bởi thuế quan áp vào Trung Quốc. Nhưng một số công ty dường như đang khai thác điều này, chuyển hàng hóa đi vòng qua trung gian ở Hồng Kông để giảm mức thuế mà họ phải đối mặt. Mỹ có thể thắt chặt giám sát đối với hàng hóa xuất đi từ thành phố này.

Các vấn đề ở châu Á cũng có thể xuất phát từ chính nơi đây. Một cuộc tranh chấp chính trị giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, có nguồn gốc từ sự chiếm đóng của Nhật Bản đối với Hàn Quốc trong nửa đầu thế kỷ 20, đã biến thành một cuộc xung đột thương mại thế kỷ 21. Nhật Bản đã hạn chế việc bán cho Hàn Quốc các vật liệu quan trọng để sản xuất chip bán dẫn. Sự phân chia lao động toàn cầu được tiến hành chặt chẽ đến mức các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc rất khó tìm được nguồn hàng thay thế khả dĩ.

Hậu quả cuối cùng của sự hỗn loạn này là các công ty ngày càng khó biết được nên hoạt động ở đâu và giao dịch với ai. Bà Tu từ Giant kết luận là các công ty cần nắm vững những gì mà họ có thể kiểm soát. “Chúng tôi phải tập trung vào năng suất và tự động hóa”, bà nói. Nhiệm vụ tăng năng suất là nhiệm vụ chung của tất cả các con hổ. Tự động hóa là một cách để đạt được điều đó. Nhưng các nước khác cũng làm như vậy.

Nghiên Cứu Quốc Tế

(Còn tiếp 5 phần)

Thách thức đổi mới trong kỷ nguyên 4.0

Nguồn: Asian-tiger governments are steering their economies with a lighter touch”, The Economist, 05/12/2019

Biên dịch: Phan Nguyên

Trong một chiến dịch bắt đầu từ Singapore, mọi thứ thật khắc nghiệt và đẫm máu. Tháng trước, Jack và 49 người khác đã lên một máy bay vận tải và nhảy dù xuống một hòn đảo. Nhiệm vụ của họ rất đơn giản: giết hoặc bị giết. Jack nhặt lựu đạn và tìm đường đến một nhà máy bỏ hoang. Anh ta cúi thấp mình để giữ an toàn, nghĩ rằng đã không bị phát hiện. Nhưng anh ta đã nhầm. Sau một loạt đạn là sự im lặng bao trùm. Jack đã một lần nữa không thể vượt qua level đầu tiên.

Chào mừng các bạn đến với Free Fire, một trong những trò chơi chiến đấu được download nhiều nhất dành cho điện thoại trong năm nay. Nhà phát triển của nó là Sea Group, một công ty internet được thành lập tại Singapore một thập niên trước, hiện trị giá 17 tỷ đô la. Bên cạnh trò chơi đình đám của mình, tập đoàn cũng có một ứng dụng thương mại điện tử, Shoppee, phổ biến hơn nhiều so với Amazon ở Đông Nam Á. Thành công của công ty phản ánh một sự thay đổi quan trọng trong nền kinh tế của các con hổ.

Trong những năm bùng nổ, nhiều công ty lớn nhất của các con hổ lớn lên là nhờ chính sách của chính phủ. Các chaebol Hàn Quốc đã được trao tín dụng rẻ và miễn giảm thuế. Các công ty dẫn đầu ngành bán dẫn Đài Loan là những thực thể tách ra từ các tổ chức nghiên cứu của nhà nước. Các ông trùm Hồng Kông đã nuôi dưỡng quan hệ chặt chẽ với các quan chức và được hưởng lợi từ các chính sách đất đai của họ. Các công ty lớn nhất Singapore sâu xa cũng thuộc sở hữu của nhà nước.

Sea đại diện cho một cái gì đó khác biệt. Thành công của nó có ít mối liên hệ trực tiếp đến chính sách của chính phủ. Các nhà kỹ trị của Singapore, tác giả của nhiều bản kế hoạch phát triển kinh tế chi tiết, có lẽ không bao giờ mơ về một trò chơi chiến đấu nhiều người chơi bao gồm các nhân vật như một nữ hoàng sắc đẹp trở thành trùm buôn bán vũ khí. Ông Lý Quang Diệu hẳn sẽ không thích. Nhưng các quan chức ngày nay lại cảm thấy biết ơn về điều đó.

Chính sách công nghiệp là một nhân tố lớn góp phần giúp các con hổ cất cánh. Ngay cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế, thông thường là một bên hay hoài nghi, đã xuất bản một bài báo dài trong năm nay nói về sự thành công của các mô hình do chính phủ lãnh đạo của họ. Nhưng những gì hiệu quả cho một quốc gia đang phát triển không nhất thiết cũng hiệu quả với một quốc gia giàu có. Vào những năm 1970, các con hổ có thể theo chân các quốc gia khác. Việc Hàn Quốc tập trung vào công nghiệp được sao chép tự do từ Nhật Bản. Họ cũng có thể mua các công nghệ tiên tiến, như Đài Loan đã làm trong lĩnh vực bán dẫn. Và họ có thể giành giật các nhà nghiên cứu.

Tiến bộ công nghệ không tự đến

Nhưng bây giờ thử thách rất khác. Khi các quan chức và doanh nhân nhìn về phía trước, họ chỉ thấy một màn sương khói mù mịt của tương lai. Nghe có vẻ hợp lý nếu phát triển các chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo hoặc điện toán lượng tử. Nhưng bằng cách nào? Không có công nghệ để sao chép vì chúng chưa được tạo ra. Những đổi mới thực thụ rất khó được xác định từ trước. Vì vậy, nhiệm vụ ở đây là tập trung vào việc tạo điều kiện thích hợp cho các công ty tiến lên phía trước và nắm bắt những bước đột phá khi chúng xuất hiện.

Kế hoạch của các con hổ ngày nay đôi khi nghe có vẻ giống như các chính sách công nghiệp lỗi thời. Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) của Đài Loan có “Kế hoạch các ngành công nghiệp sáng tạo 5+2”, để mắt đến các lĩnh vực như năng lượng xanh và máy móc thông minh. Singapore có 23 Bản đồ Chuyển đổi Công nghiệp, bao gồm mọi ngành, từ sản xuất thực phẩm đến hàng không vũ trụ. Hàn Quốc đặt mục tiêu đầu tư 30 nghìn tỉ won (hơn 25 tỷ đô la) trong năm năm vào tám ngành công nghiệp mới nổi, từ trí tuệ nhân tạo đến phương tiện tự hành.

Nhưng nếu nhìn kỹ hơn một chút, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt so với các kế hoạch quá khứ trở nên rõ ràng. Đây không phải là kết quả của sự thực thi từ trên xuống về mặt lập kế hoạch mà xuất phát từ các cuộc thảo luận với các công ty và chuyên gia. Và vấn đề không phải là đề xuất trợ cấp cho lĩnh vực này hay lĩnh vực kia mà là tìm ra những mảng ghép hỗ trợ cần thiết. “Quy trình xây dựng kế hoạch cũng quan trọng không kém gì sản phẩm cuối cùng”, Gabriel Lim, thư ký thường trực Bộ Công thương Singapore, nói.

Một số yếu tố là rõ ràng: cơ sở hạ tầng tốt, từ các bến cảng đến internet; cởi mở với thương mại; lực lượng lao động có trình độ học vấn cao; và chi tiêu nhiều cho nghiên cứu và phát triển (xem biểu đồ). Nhưng các con hổ cũng có những cách sáng tạo để thúc đẩy đổi mới.

Đài Loan có một trong những khuôn khổ mạnh mẽ nhất thế giới để khuyến khích cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), loại công ty có nhiều ý tưởng nhưng ít tài nguyên. Họ kết hợp một hệ thống chia sẻ thông tin tập trung hóa về hiệu quả của các công ty với các lựa chọn về đảm bảo tín dụng, giúp các ngân hàng tự tin hơn khi cho vay. “Khi tôi giải thích hệ thống của chúng tôi với các chủ ngân hàng ở các quốc gia khác, bạn có thể thấy họ chảy nước miếng”, Lee Chang-Ken, chủ tịch Cathay Financial Holdings, tập đoàn tài chính lớn nhất Đài Loan, nói. Các khoản cho vay dành cho SME hiện chiếm 64% số khoản vay của các ngân hàng dành cho doanh nghiệp tư nhân ở Đài Loan, tăng từ mức 41% hồi năm 2005. Singapore đã tạo ra một nhà máy trình diễn lớn cho phép các SME tiếp cận với thiết bị robot và máy in 3D tối tân. Các cơ sở tương tự cũng tồn tại ở Hồng Kông. Nếu một doanh nhân có một ý tưởng tuyệt vời, họ không còn cần phải có một số vốn khổng lồ để đưa nó vào cuộc sống.

Tuy nhiên, các quan chức của các con hổ cũng biết giới hạn của họ. Những quyết định lớn ngày nay được đưa ra trong các phòng họp của công ty: món cược của Samsung vào điện thoại màn hình gập; khoản đầu tư khổng lồ của TSMC nhằm nâng cao công suất tại Đài Loan; sự trỗi dậy của các công ty khởi nghiệp như Sea ở Singapore; hay việc Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông muốn duy trì vị thế thị trường tài chính hàng đầu châu Á (ngay cả khi nỗ lực của họ nhằm mua lại Sở giao dịch chứng khoán Luân Đôn đã thất bại). Các quản chức quản lý kinh tế bây giờ điều hành từ phía sau hậu trường.

Các con hổ cũng đã bắt đầu tập trung vào các bộ phận của nền kinh tế vẫn còn cách xa biên giới công nghệ. Mặc dù có thế mạnh về chế tạo, năng suất của ngành dịch vụ của họ vẫn chỉ mới bằng một nửa so với Mỹ, theo một số ước tính. Một phần lý do là sự hạn chế của quy mô thị trường: một chuỗi bán lẻ ở một quốc gia có 6 triệu dân bị hạn chế hơn nhiều so với một thị trường 1,3 tỷ người chẳng hạn. Nhưng một phần hạn chế này là do họ tự gây ra. Hàn Quốc áp đặt các rào cản pháp lý cao đối với các ngành công nghiệp dịch vụ của mình, cao hơn bất kỳ thành viên OECD nào khác ngoại trừ Bỉ.

Singapore là con hổ mạnh dạn nhất trong việc cố gắng đưa khu vực dịch vụ của mình lên cao, từ các nhà hàng đến các công ty xây dựng. Nước này đã tinh chỉnh các biện pháp đo lường năng suất (ví dụ, diện tích sàn được xây dựng bởi một công nhân mỗi ngày). Họ xác định các công ty triển vọng và cung cấp trợ giúp: phát triển các kế hoạch kinh doanh mới, ví dụ như hướng dẫn họ mở rộng ra nước ngoài. Edward Robinson, kinh tế trưởng của Cơ quan Tiền tệ Singapore, tin rằng các nước giàu châu Á có lợi thế trong việc hiện đại hóa lĩnh vực dịch vụ của mình. Do có rất nhiều người được đào tạo để làm các công việc công nghệ cao, họ có điều kiện để triển khai các công cụ kỹ thuật số nhằm phục vụ người dân hiệu quả hơn.

Không theo kịp

Ở Hwaseong, cách Seoul 35km về phía nam, một khu làng mới xây có tốc độ mạng 5G làm bất cứ thành phố nào cũng phải ghen tị. Du khách cũng sẽ tìm thấy những tiện nghi thiết yếu khác, như trường học, tiệm rửa xe và nhà hàng phục vụ món chân gà. Nghe hấp dẫn là vậy nhưng thực ra các tòa nhà đều là giả. Thị trấn mô hình, được xây dựng bởi Viện Nghiên cứu và Thử nghiệm ô tô Hàn Quốc, được sử dụng để kiểm tra các phương tiện tự lái, giống như chiếc xe Kia đã hoàn thành một hành trình quanh làng vào một buổi chiều gần đây. Đạt tốc độ gần 70 km/h, chiếc xe đã đối phó được với những tia sáng mặt trời chói lòa và vạch kẻ đường phản quang có thể gây nhầm lẫn cho thị giác máy tính. Kỹ thuật viên ngồi ghế lái khoanh hai tay trên ngực khi vô lăng tự xoay.

Hàn Quốc có những cơ sở hạ tầng tốt nhất thế giới cho các phương tiện tự lái, bao gồm các nhà sản xuất chip và nhà sản xuất ô tô đẳng cấp thế giới, cũng như mạng lưới 5G đang phát triển. Chính phủ luôn hỗ trợ, cho phép vận hành thử trên những cung đường thật đối với các phương tiện đã hoàn thành thử nghiệm tại các địa điểm thử. Vậy tại sao theo công ty tư vấn KPMG, Hàn Quốc chỉ xếp thứ 13 trong danh sách các quốc gia chuẩn bị tốt nhất cho xe tự hành?

Một lý do là sự ngờ vực của nước này đối với các công nghệ liên quan khác, chẳng hạn như các ứng dụng chia sẻ xe. Một dịch vụ phổ biến, Kakao Mobility, đã bị phản đối mạnh mẽ bởi các tài xế taxi truyền thống tại các cuộc biểu tình ở Seoul. Để phản đối sự xuất hiện của các ứng dụng như vậy, bốn tài xế lớn tuổi đã tự thiêu.

Sự đổi mới, mặc dù được tôn vinh bởi các doanh nhân và các nhà hoạch định chính sách, không giúp nền kinh tế tăng năng suất cho đến khi nó được áp dụng rộng rãi. Như Paul David của Đại học Stanford từ lâu đã chỉ ra, phải đến những năm 1920, bốn thập niên sau khi nhà máy điện đầu tiên của Thomas Edison ra đời, các nhà sản xuất mới nắm bắt được một “ứng dụng sát thủ” của điện, qua đó thiết kế các nhà máy phù hợp có các dây chuyền lắp ráp dựa vào mô tơ điện.

Sự cảnh giác của Hàn Quốc đối với các ứng dụng chia sẻ xe làm nổi bật một cơ sở hạ tầng mà các con hổ thiếu nhất: hệ thống an sinh xã hội hoạt động tốt. Chìa khóa để tiến bộ trong một công nghệ mới, như xe tự hành chẳng hạn, có thể không phải là một mạng 5G tốt hơn mà là một hệ thống lương hưu tốt hơn. Nếu không có một tấm đệm dành cho những người bị bỏ lại phía sau bởi tiến bộ công nghệ, việc hỗ trợ cho bản thân các tiến bộ công nghệ đó sẽ khó khăn hơn ngay từ đầu.

Những con hổ luôn giỏi huy động các nguồn lực một cách nhanh chóng. Họ cũng đang trở nên giỏi hơn trong việc phân bổ chúng một cách sáng tạo. Nhưng như những dấu hiệu gần đây của sự bất mãn xã hội cho thấy, một số con hổ trong số đó hiện đang vật lộn để có thể thu hút được sự ủng hộ của công chúng một cách hiệu quả. ■

(Còn tiếp 4 phần)

Nghiên Cứu Quốc Tế

Bản gốc