Seite auswählen

Nam Dương bắt tàu cá VN, phản đối tàu TC ở Biển Đông

Getty Images

Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGESImage captionNam Dương đã nhiều lần bắt giữ, đánh chìm tàu cá Việt Nam và tàu các nước khác bị cho là vào đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển nước này

Nam Dương hôm thứ Hai lên tiếng phản đối Bắc Kinh về sự hiện diện của tàu tuần duyên Trung cộng tại vùng lãnh hải gần khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.

Cùng ngày, nước này tuyên bố đã bắt giữ ba tàu cá Việt Nam ở cùng vùng biển mà tàu Trung cộng xâm phạm.

Quan chức Bộ Hàng hải và Nghề cá Nam Dương, Tổng thư ký Nilanto Perbowo nói với BBC Tiếng Nam Dương tối hôm 30/12/2019 rằng “vài giờ đồng hồ trước” nước này đã bắt giữ ba tàu cá Việt Nam.

Thông tin về việc bắt giữ các tàu Việt Nam chỉ được công bố sau khi tàu chấp pháp Nam Dương đã đưa ba tàu này tiến vào sâu bên trong vùng an toàn của Nam Dương, ông Perbowo nói với BBC Tiếng Nam Dương.

Việc này, ông giải thích, là để nhằm tránh việc tàu tuần duyên Việt Nam đuổi theo giải cứu các tàu cá nước mình.

Tin cho hay ba tàu cá Việt Nam sẽ được tàu tuần tra thuộc Bộ Hàng hải và Nghề cá Nam Dương lai dẫn đến neo đậu tại Pontianak, Tây Kalimantan.

‘Tàu Trung cộng vi phạm vùng đặc quyền kinh tế’

Chiếc tàu tuần duyên Trung cộng đã tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Nam Dương, khu vực ngoài khơi quần đảo Natuna ở phía bắc, thông cáo của Bộ Ngoại giao Nam Dương cho biết.

Ban BBC Tiếng Nam Dương được biết tàu này đã ra ra vào vào vùng biển của Nam Dương trong hôm 10/12, với lần vào mới nhất là hôm 24/12. Lần nào tàu cũng bị tàu Nam Dương chặn đuổi.

Ngư dân Nam Dương nói họ thấy một tàu tuần duyên Trung cộng hộ tống các tàu cá Trung cộng nhiều lần trong những ngày gần đây, và họ đã báo cáo cho Cơ quan An ninh Biển Nam Dương.

Jakarta gọi việc này là “vi phạm chủ quyền lãnh thổ”, hãng tin Reuters tường thuật.

Trong lúc đó, truyền thông địa phương nói rằng các tàu cá Nam Dương đã thấy một tàu tuần duyên Trung cộng hộ tống các tàu cá Trung cộng nhiều lần trong những ngày gần đây, và họ đã báo cáo cho Cơ quan An ninh Biển Nam Dương.

Tuy nhiên, không có thông tin chi tiết về việc có bao nhiêu tàu Trung cộng tiến vào vùng biển quanh Natuna, và liệu các tàu đó có bị bắt giữ hay không.

“Bộ Ngoại giao đã triệu tập Đại sứ Trung cộng tại Jakarta tới và chuyển nội dung phản đối mạnh mẽ về vụ việc,” bản thông cáo nói thêm.

Tin cho hay đại sứ Trung cộng sẽ báo cáo về Bắc Kinh, nhưng hai bên quyết định vẫn duy trì quan hệ song phương hữu hảo, thông cáo của Bộ Ngoại giao Nam Dương khẳng định.

Jakarta giữ quan điểm Nam Dương không phải là một bên tham gia tranh chấp ở Biển Đông, và không có các vùng chồng lấn với Trung cộng.

Tuy nhiên, nước này trước đây đã có những đụng độ với Bắc Kinh về quyền đánh bắt cá quanh khu vực Quần đảo Natuna, và cũng đã tăng hiện diện quân sự tại khu vực.

BBC (30.12.2019)

Các nước ASEAN cứng rắn trước TC trong đàm phán quy tắc ứng xử trên biển Đông COC

Càng đến gần hạn chót đàm phán Quy tắc ứng xử trên biển Đông COC với Trung cộng, các nước thành viên ASEAN càng tăng cường cảnh giác, có những động cứng rắn hơn, phối hợp với nhau chặt chẽ và mạnh mẽ hơn.

Một tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông. (Ảnh qua Zing)

Một tàu hải cảnh Trung cộng hoạt động trên Biển Đông. (Ảnh qua Zing)

Bộ trưởng ngoại giao Mã Lai, đường 9 đoạn là một thứ ‘nực cười’

Trong diễn biến mới nhất, Mã Lai đã có động thái cứng rắn khi Bộ trưởng Ngoại giao Saifuddin Abdullah gọi đường 9 đoạn mà Bắc Kinh tự vẽ ra nhằm yêu sách phần lớn diện tích Biển Đông là một thứ ‘nực cười’.

“Với việc Trung cộng tuyên bố rằng toàn bộ Biển Đông thuộc Trung cộng, tôi nghĩ đó là chuyện nực cười”, ông Saifuddin phát biểu tại Kuala Lumpur hôm 20/12.

Những bình luận của Ngoại trưởng Saifuddin được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Mã Lai trình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc vào ngày 13/12, đề nghị thiết lập giới hạn thềm lục địa của nước này trên Biển Đông.

Mã Lai tuyên bố hồ sơ mới đệ trình của Mã Lai nhằm thiết lập giới hạn thềm lục địa trong phạm vi 200 hải lý là những gì xứng đáng thuộc về nước này và sẽ bảo vệ tuyên bố về vùng thềm lục địa đến cùng, bất chấp bất chấp việc Bắc Kinh cáo buộc Kuala Lumpur xâm phạm chủ quyền, vi phạm quy tắc quốc tế và kêu gọi Liên Hợp Quốc không xem xét hồ sơ của Mã Lai.

Trong khi đó, mặc cho lập trường gần gũi với Bắc Kinh dưới thời Tổng thống Duterte, chính quyền Phi Luật Tân cũng đã công bố kế hoạch tham vọng nhằm mở rộng lực lượng phòng vệ bờ biển.

Các tàu hải quân của Mỹ và Thái Lan tham gia cuộc diễn tập quân sự chung đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN hồi tháng 9. (Ảnh qua laodong)

Các tàu hải quân của Mỹ và Thái Lan tham gia cuộc diễn tập quân sự chung đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN hồi tháng 9. (Ảnh qua laodong)

Phi Luật Tân tăng cường khoảng 10.000 nhân sự bảo vệ bờ biển

Theo Inquirer, Manila mong muốn tăng cường thêm khoảng 10.000 nhân sự vào cuối năm 2020 cho các nhóm phòng vệ bờ biển, mục tiêu cho đến hết năm 2025 là tăng thêm 45.000 nhân lực nữa.

Mục tiêu bổ sung thêm nhân sự của Phi Luật Tân diễn ra trong bối cảnh Manila đang phải đối mặt với thách thức ngày càng tăng từ các tàu cá và tàu tuần duyên Trung cộng. Các tàu này từng chặn các tàu của Phi Luật Tân trong cuộc đụng độ tại bãi cạn Scarborough, khu vực tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh tại Biển Đông, hồi năm 2012.

Trước đó, Việt Nam cũng đã công bố Sách trắng quốc phòng vào tháng 11. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2009. Sách trắng quốc phòng của Việt Nam nêu lên quan ngại trước các diễn biến gần đây trên Biển Đông, đặc biệt là các hành vi đơn phương vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam, đi ngược lại luật pháp quốc tế…

Thách thức với ASEAN khi đàm phán COC cùng Trung cộng

Được biết, Trung cộng đang đàm phán với 10 nước thành viên ASEAN về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC. Hai bên đặt mục tiêu đi đến thống nhất trước năm 2021.

Lực lượng hải quân TQ tập trận trên biển Đông hồi tháng 9/2016. (Ảnh qua laodong)

Lực lượng hải quân Trung cộng tập trận trên biển Đông hồi tháng 9/2016. (Ảnh qua laodong)

COC là tập hợp những quy tắc, quy định và trách nhiệm hay cách hành xử phù hợp của các cá nhân, tổ chức và bên có liên quan đến Biển Đông. COC được nêu ra từ thập niên 1990, bắt đầu được ASEAN và Trung cộng thảo luận từ năm 2002, trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông gia tăng.

Tuy nhiên, trong suốt những năm qua, quá trình đàm phán COC liên tục bị trì hoãn bất chấp nỗ lực của các thành viên ASEAN, chủ yếu là do khác biệt giữa Trung cộng và các nước trong khu vực trong cách nhìn nhận về COC…

Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, Trung cộng sẽ khó có thể đưa ra phản ứng mạnh mẽ trước các động thái mới đây từ phía các nước láng giềng. Bắc Kinh đang phải đối phó với áp lực quốc tế liên quan tới vấn đề Tân Cương, cuộc biểu tình tại Hong Kong, cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, đi cùng với nền kinh tế giảm tốc gây ra sức ép về đối nội.

Vũ Tuấn (t/h – 31.12.2019)

Việt Nam xây dựng hải đội dân quân tự vệ để bảo vệ Biển Đông

Tàu cá của những ngư dân ở Đảo Lý Sơn vào tháng 8/2012.

Tàu cá của những ngư dân ở Đảo Lý Sơn vào tháng 8/2012. AFP

Việt Nam sẽ ưu tiên đầu tư, xây dựng các hải đội dân quân tự vệ ở 6 tỉnh Nam Trung Bộ, sau đó mở rộng ra 14 tỉnh, để tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển.

Đó là thông tin được Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng – Thứ trưởng Quốc phòng, cho biết tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2020, được tổ chức sáng 31/12.

Báo trong nước cho biết Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh trong năm 2019, tình hình Biển Đông “có những diễn biến phức tạp”.

Vào tháng 7/2018, các thành viên Quân ủy Trung ương được nói đã đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng hải đội dân quân biển.

Quân ủy Trung ương khẳng định việc triển khai các hải đội dân quân biển làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia trong tình hình mới là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, có ý nghĩa quan trọng.

Từ giữa tháng 6/2019, Trung cộng liên tục điều các tàu thăm dò Hải Dương 08, hải cảnh, đội tàu dân quân tự vệ của nước này đến khu vực Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để gây rối hoạt động khai thác dầu của Việt Nam.

Căng thẳng Bãi Tư Chính leo thang đến tháng 8 sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần chính thức lên tiếng yêu cầu Trung cộng rút tàu và các chính phủ Mỹ, EU bày tỏ quan ngại hành động trên của phía Trung cộng.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung cộng và chính Ngoại trưởng Vương Nghị đáp trả và liên tục khẳng định các đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền nước này là “thuộc về lịch sử” và “không thể chối bỏ”.

Ngày 25/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận đội tàu Hải Dương 08 của Trung cộng đã rút khỏi khu vực biển Việt Nam.

Biển Đông đang là khu vực tranh chấp giữa các nước như Trung cộng, Việt Nam, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai, Brunei…

Trung cộng đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông bằng đường đứt khúc 9 đoạn tự vẽ đã bị Tòa trọng tài Quốc tế (PCA) bác bỏ tính hợp lệ vào năm 2016.

RFA (31.12.2019)

Biển Đông: Các nước nhỏ có thể buộc Bắc Kinh phải dè chừng

Hình ảnh vệ tinh của AMTI cho thấy Trung Quốc triển khai hệ thống vũ khí mới trên đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa, ngày 12/05/2018.

Hình ảnh vệ tinh của AMTI cho thấy Trung cộng triển khai hệ thống vũ khí mới trên đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa, ngày 12/05/2018. CSIS AMTI/Handout via REUTERS

Trung cộng muốn biến Biển Đông thành ao nhà, với ”ưu thế quân sự áp đảo” tại khu vực và sức mạnh kinh tế đang lên. Các quốc gia láng giềng, bị Trung cộng chèn ép tại Biển Đông, đang rơi vào thế bất lợi nhiều hơn. Tuy nhiên, các nước nhỏ vẫn có phương tiện buộc Bắc Kinh phải dè chừng. Trên đây là nhận định của một cựu chỉ huy Hải Quân Nhật Bản, phó đô đốc Yoji Koda.

Trong bài ”Japan’s Options in the South China Sea” đăng tải trên mạng The Diplomat, ngày 09/12/2019, hai tuần trước chuyến công du của thủ tướng Nhật đến Trung cộng, cựu chỉ huy Hải Quân Nhật khẳng định cho dù Bắc Kinh đang chiếm ưu thế về quân sự tại Biển Đông, nhưng Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác trong khu vực, vẫn có nhiều dư địa để hóa giải thách thức Trung cộng tại vùng biển này.

Một điểm then chốt mà bài viết lưu ý là các đảo nhân tạo mà Trung cộng bồi đắp và quân sự hóa quy mô đang trở thành mối đe dọa đáng sợ đối với tất cả các lực lượng khác tại Biển Đông. Đặc biệt kể từ năm 2015, Trung cộng đã hoàn thành việc xây dựng các sân bay lớn trên đảo Phú Lâm (Woody island) ở quần đảo Hoàng Sa, và ba đảo nhân tạo khác ở quần đảo Trường Sa. Quân đội Trung cộng đã triển khai các phi cơ tiêm kích J-11 và oanh tạc cơ H-6K tại đảo Phú Lâm, và các phương tiện này cũng có thể sớm được triển khai tại ba đảo nhân tạo Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Subi (SubiReef) và Đá Vành Khăn (Mischief Reef).

Trên các đảo nhân tạo, Trung cộng đã xây dựng nhiều công trình quân sự kiên cố, và triển khai nhiều phương tiện và vũ khí hiện đại như radar, tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm, pháo, các phương tiện chiến tranh điện tử. Bắc Kinh ngang nhiên xây dựng các căn cứ quân sự tại Biển Đông đúng vào khoảng thời gian đòi hỏi chủ quyền của Trung cộng tại vùng biển này bị một tòa án quốc tế bác bỏ (năm 2016, với vụ kiện của Phi Luật Tân).

Tuy nhiên, cựu chỉ huy Hải Quân Nhật khẳng định các hòn đảo được quân sự hóa nói trên hoàn toàn không phải là những pháo đài bất khả xâm phạm. Tại khu vực Biển Đông, Quân Đội Trung cộng cũng hoàn toàn không phải một ”siêu nhân” (superman), vì nhiều lý do. Tác giả đặc biệt lưu ý đến chiến lược ”vô hiệu hóa các đảo nhân tạo của Trung cộng” là biện pháp cần được ưu tiên.

Ông Yoji Koda nêu ”bài học đau đớn” của nước Nhật đế quốc trong thời gian Thế Chiến Hai. Mọi căn cứ trên các hòn đảo xa hậu phương tại khu vực Thái Bình Dương của Nhật đều không thể trụ lại trước các cuộc tấn công của Hải Quân và lực lượng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Cựu chỉ huy Hải Quân Nhật ví các hòn đảo xa hậu phương mà Trung cộng kiểm soát trên Biển Đông chỉ như ”những khúc củi khô”, khi chiến sự nổ ra.

Trong hiện tại, ở Biển Đông, Quân Đội Mỹ vẫn có vai trò hàng đầu trong việc ngăn chặn các thách thức của Quân Đội Trung cộng, tuy nhiên, các nước láng giềng ven bờ bị Trung cộng chèn ép, đặc biệt là Việt Nam và Phiippines, có thể buộc Bắc Kinh phải trả giá rất lớn trong việc tìm cách đối phó với các đe dọa, hoặc nhắm trực tiếp vào các hòn đảo xa xôi ở quần đảo Trường Sa, hoặc nhắm vào nguồn cung cấp hậu cầu cho các đảo nhân tạo này.

Lợi thế của Việt Nam là bờ biển nằm sát đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa. Lợi thế của đảo lớn Palawan của Phi Luật Tân là nằm sát quần đảo Trường Sa. Chỉ cần Việt Nam và Phi Luật Tân bố trí các tên lửa trên đất liền đúng vị trí, với tầm bắn đủ để trúng vào các đảo nhân tạo, thì cục diện của cuộc chơi đã thay đổi. Các đảo nhân tạo của Trung cộng sẽ chẳng khác nào ”một đàn ếch tuyệt vọng trước một con rắn lớn”, theo ví von của tác giả bài viết.

Riêng đối với Việt Nam, còn có một chiến lược khác, để buộc Trung cộng phải lo sợ. Đó là sử dụng sáu tầu ngầm lớp Kilo để cô lập đảo Phú Lâm, được coi là thủ phủ của Trung cộng tại Biển Đông (hòn đảo mà Việt Nam đòi hỏi chủ quyền). Trong trường hợp này, khả năng tiếp tế của Trung cộng cho các đảo Trường Sa sẽ trở nên hết sức khó khăn. Các biện pháp được miêu tả nói trên có thể là tương đối không đáng kể, thế nhưng chúng sẽ buộc Quân Đội Trung cộng phải tăng cường nỗ lực và cái giá phải trả sẽ vượt quá các nguồn lực hiện có.

Tác giả cũng cảnh báo là cần phải hết sức chú ý các hoạt động của Bắc Kinh tại Biển Đông, trong bối cảnh Trung cộng lợi dụng tình hình quốc tế đang sôi sục với nhiều điểm nóng, như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, căng thẳng Bắc Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân hay phong trào phản kháng Hồng Kông, để âm thầm thúc đẩy quân sự hóa vùng biển này.

Cựu chỉ huy Hải Quân Nhật khép lại bài viết với nhận định là Hoa Kỳ và Nhật Bản đương nhiên sẽ phải có các biện pháp kiên quyết với Trung cộng, thế nhưng cục diện ở Biển Đông cũng đồng thời phụ thuộc nhiều vào các quốc gia trong vùng. Với chiến lược kể trên liên quan đến các đảo nhân tạo Trung cộng kiểm soát, các nước nhỏ có thể trở thành một sức mạnh đáng sợ buộc một đại cường phải dè chừng.

RFI (30.12.2019)

Nam Dương phản đối tàu tuần duyên Trung cộng xâm nhập lãnh hải

Hôm 30/12, Indonesia cho biết đã phản đối Bắc Kinh về sự hiện diện của một tàu tuần duyên Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải gần Biển Đông. Photo The Jakarta Post.

Hôm 30/12, Nam Dương cho biết đã phản đối Bắc Kinh về sự hiện diện của một tàu tuần duyên Trung cộng đi vào vùng lãnh hải gần Biển Đông. Photo The Jakarta Post.

Hôm 30/12, Nam Dương cho biết đã phản đối Bắc Kinh về sự hiện diện của một tàu tuần duyên Trung cộng đi vào vùng lãnh hải gần Biển Đông đang có tranh chấp, nói rằng hành động này “vi phạm chủ quyền” của Nam Dương, theo Reuters.

Tàu xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Nam Dương, ngoài khơi bờ biển phía bắc đảo Natuna, Bộ Ngoại giao Nam Dương nói trong một tuyên bố, nhưng không cho biết thời điểm sự cố xảy ra.

Cơ quan An ninh Hàng hải (Bakamla) đã thúc giục Bộ Ngoại giao thực hiện hành động ngoại giao ngay lập tức đối với các hoạt động gần đây ở Biển Natuna, nơi các tàu Trung cộng đã bị bắt gặp xâm phạm vùng biển Nam Dương gần đây như tuần trước, theo Jakarta Post.

Cơ quan này đã ghi nhận rằng từ ngày 19 đến 24 tháng 12, ít nhất 63 tàu đánh cá và bảo vệ bờ biển của Trung cộng đã vào vùng biển Natuna ở tỉnh có tên gọi Quần đảo Riau mà không được phép.

Bộ Ngoại giao đã triệu tập đại sứ Trung cộng tại Jakarta và truyền đạt một sự phản đối mạnh mẽ về vụ việc này. Một công hàm ngoại giao về việc phản đối này cũng đã được gửi đi, theo Reuters.

Đại sứ sẽ báo cáo lại cho Bắc Kinh, nhưng cả hai bên đã quyết định duy trì quan hệ song phương tốt đẹp.

Các ngư dân địa phương đã nhìn thấy một tàu bảo vệ bờ biển Trung cộng hộ tống các tàu đánh cá nhiều lần trong những ngày gần đây và sau đó báo cáo những gì họ đã thấy cho Cơ quan An ninh Hàng hải, truyền thông địa phương cho biết.

Bộ Ngoại giao Nam Dương nhắc lại lập trường rằng nước này là một quốc gia không có yêu sách ở Biển Đông và nước này không có quyền tài phán chồng chéo với Trung cộng.

Tuy nhiên, Jakarta trước đây đã đụng độ với Bắc Kinh về quyền đánh bắt cá quanh Quần đảo Natuna và cũng đã mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực.

Trung cộng tuyên bố hầu hết Biển Đông, một tuyến thương mại quan trọng được cho là chứa một lượng lớn dầu và khí đốt tự nhiên.

VOA (31.12.2019)

2019: Việt Nam đối đầu với áp lực của Trung cộng trên Biển Đông

https://www.datviet.com/wp-content/uploads/2019/12/hakuryu_011-696x393.jpg

Giàn khoan JDC Hakuryu-5 và tàu hộ vệ ở ngoài khơi Vũng Tàu. Suốt ba tháng, các tàu Trung cộng liên tục quấy phá hoạt động của giàn khoan này tại bãi Tư Chính. Ảnh tư liệu chụp ngày 29/04/2019. REUTERS/Maxim Shemetov/File Photo

Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất trong thời sự Việt Nam năm 2019, đó là áp lực ngày càng tăng của Trung cộng đối với Việt Nam trên Biển Đông, thể hiện qua vụ Bắc Kinh đưa tàu khảo sát xâm nhập khu vực Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

 Trong khoảng thời gian từ ngày 04/07 đến 24/10/2019, Trung cộng đã điều tàu Hải Dương Địa Chất 8 đến tiến hành bốn cuộc khảo sát địa chất trong vùng biển 200 hải lý của Việt Nam, có lúc tiến gần bờ biển tỉnh Phú Yên khoảng hơn 65 hải lý. Trong cùng thời gian đó, tàu Hải Cảnh 35111 của Trung cộng quấy nhiễu hoạt động của giàn khoan Nhật Bản Hakyryu-5 do một công ty liên doanh Việt – Nga sử dụng tại Lô 06.01 nằm cách bờ biển Việt Nam 190 hải lý.

Đối với Hà Nội, rõ ràng đây là một mưu toan của Bắc Kinh nhằm biến “vùng biển không tranh chấp” thành “vùng biển tranh chấp”, lấy cớ để ngăn chận các nước ven bờ hợp tác với các công ty dầu khí quốc tế trong khu vực này.

Căng thẳng chỉ giảm bớt sau khi Trung cộng cho rút tàu khảo sát ra khỏi vùng biển Việt Nam hôm 23/10. Sau đó, vào cuối tháng 11, một phái đoàn do thứ trưởng Ngoại Giao Lê Hoài Trung dẫn đầu đã qua Bắc Kinh để thảo luận về những vấn đề quan hệ song phương, trong đó có Biển Đông. Bản thông cáo cho biết là phía Việt Nam đã “nêu rõ lập trường” của mình về Biển Đông, nhưng xác định rằng hai bên nhất trí “xử lý thỏa đáng các bất đồng” để duy trì ổn định trong khu vực. Bản thông cáo cũng không đề cập đến vụ Bãi Tư Chính.

Trong bài viết đề ngày 06/12/2019, đăng trên trang mạng East Asia Forum, ông Đỗ Thanh Hải, Học Viện Ngoại Giao Việt Nam, nhận định về căng thẳng Biển Đông năm 2019:

“Việt Nam chưa bao giờ loại trừ giải pháp quân sự để phòng thủ, nhưng rõ ràng dùng đến vũ lực có nghĩa là thất bại về ngoại giao. Mặc dù lực lượng quốc phòng đang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, nhưng chính sách của Hà Nội là tận dụng các biện pháp hòa bình. Các quan chức Việt Nam đã gởi hàng chục công hàm phản đối cho phía Trung cộng. Trong khi các đối tác ASEAN im hơi lặng tiếng về mặt ngoại giao, bộ Ngoại Giao Việt Nam đã ra 4 tuyên bố công khai lên án Trung cộng vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển UNCLOS”.

Về đối sách của Việt Nam đối với Trung cộng trong vụ Tư Chính, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore nhận định:

“Nhiều người cho rằng trong trường hợp này, Việt Nam tương đối đã kiềm chế và phản ứng có vẻ yếu ớt hơn rất nhiều so với vụ Trung cộng hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014. Cũng đã có những chỉ trích nhất định đối với cách ứng xử của Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào phản ứng của hai bên và so sánh với năm 2014, chúng ta có thể hiểu được ít nhiều tại sao lần này Việt Nam lại hành xử như vậy và không có những phản ứng quyết liệt như vào năm 2014.

Trong trường hợp này, chúng ta có hai lựa chọn. Thứ nhất là điều các tàu Việt Nam ra ngăn chận, cản trở các hành vi vi phạm của phía Trung cộng, như trong trường hợp năm 2014. Thứ hai là dùng các biện pháp phản đối ngoại giao và kiên nhẫn chờ Trung cộng rút tàu vì một lý do nào đó. Có lẽ Việt Nam đã cân nhắc thiệt hơn và cho rằng chọn phương án thứ hai thì hợp lý hơn, vì những lý do như sau :

Nếu sử dụng phương án thứ nhất thì sẽ đẩy căng thẳng lên cao và có thể dẫn tới các phản ứng tiêu cực, như các cuộc biểu tình, bạo loạn chống Trung cộng năm 2014. Đây là điều Việt Nam rất muốn tránh.

Thứ hai là, trong trường hợp Việt Nam đưa các tàu ra đâm, va vào tàu của Trung cộng, do tương quan lực lượng thì Việt Nam yếu hơn, số lượng tàu ít hơn, cho nên có thể gây ra các thiệt hại cho lực lượng Việt Nam, mà lại không nhất thiết dẫn đến các kết quả mà Việt Nam mong muốn.

Thứ ba, tôi nghĩ cũng là nguyên nhân quan trọng, đó là so với vụ Trung cộng năm 2014 hạ đặt giàn khoan trên vùng biển của Việt Nam, trường hợp tàu khảo sát của Trung cộng, mặc dù đi ra đi vào rất là ngang nhiên, trắng trợn, nhưng hành động khảo sát ấy không nghiêm trọng bằng việc hạ đặt giàn khoan, không tới mức mà Việt Nam phải hành động cứng rắn.

Như chúng ta đã thấy, sau hơn 3 tháng thì Trung cộng đã rút tàu khảo sát và tình hình đã trở lại nguyên trạng như lúc trước khi xảy ra vụ việc. Mặc dù vậy, rất có nhiều khả năng là trong thời gian tới, phía Trung cộng sẽ tiếp tục có những hành động gây hấn, xâm phạm vùng biển Việt Nam. Việt Nam cũng phải suy nghĩ thêm những cách đối phó khác hiệu quả hơn những sự vi phạm trở lại của Trung cộng đối với các vùng biển của Việt Nam”.

Căng thẳng Việt Trung đã lên cao đến mức mà vào đầu tháng 11/2019, thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Lê Hoài Trung đã tuyên bố, nếu các nỗ lực ngoại giao thất bại, chính phủ Việt Nam có thể sẽ sử dụng các cơ chế pháp lý quốc tế để ngăn chận đà bành trướng của Trung cộng ở Biển Đông. Đây cũng là đòi hỏi của công luận Việt Nam trong những tháng qua. Thế nhưng, vì sao Hà Nội chưa đưa vấn đề ra trước tòa án quốc tế, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp giải thích:

“Đưa Trung cộng ra một tòa trọng tài quốc tế để phân xử vẫn là lựa chọn mà Việt Nam đang suy nghĩ, cân nhắc và tôi hiểu là cũng cần có một sự chuẩn bị nhất định. Tuy nhiên, trong vụ Tư Chính cũng như trong các vụ việc khác, Việt Nam vẫn kiềm chế và chưa áp dụng biện pháp này.

Thứ nhất, kiện về vấn đề nào, kiện ở tòa án nào vẫn là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi và có thể là chưa có sự đồng thuận trong phía Việt Nam để làm sao phương án này mang lại hiệu quả tối ưu cho Việt Nam, đồng thời giảm thiểu những hệ lụy về mặt chính trị, về mặt pháp lý mà Việt Nam có thể phải gánh chịu.

Thứ hai, biện pháp pháp lý, cho dù có thể mang lại chiến thắng cho Việt Nam, nhưng tác dụng thực tế có thể không như mong đợi. Chúng ta có thể nhìn vào vụ Phi Luật Tân kiện Trung cộng. Mặc dù Phi Luật Tân thắng kiện, nhưng điều đó không mang lại tác dụng tích cực, tức thì cho phía Phi Luật Tân và Trung cộng vẫn tiến hành các vi phạm như chưa từng có phán quyết đó.

Trong trường hợp của Việt Nam cũng vậy, nếu Việt Nam thắng kiện thì chưa chắc đã đảo ngược được tình thế và Trung cộng sẽ tiếp tục làm ngơ phán quyết đó và tiếp tục vi phạm các vùng biển của Việt Nam. Trong khi đó, nếu Việt Nam kiện Trung cộng thì sẽ khiến quan hệ song phương xấu đi rất nhiều. Tôi nghĩ phía lãnh đạo Việt Nam chưa sẵn sàng chấp nhận quan hệ căng thẳng hơn với Trung cộng, vì nó có thể gây ra nhiều hệ lụy, nhiều tác động, mà có thể phía Việt Nam chưa lường trước được hoặc chưa sẵn sàng để đối phó.

Việt Nam vẫn tiếp tục cân nhắc hành động pháp lý, nhưng đang trì hoãn thời điểm để thực hiện biện pháp đó và có thể sử dụng trong tương lai, khi mà thời điểm đã chín muồi hoặc là khi mà Việt Nam không có lựa chọn nào khác khả dĩ hơn để đối phó với các vi phạm của Trung cộng”.

Sách trắng Quốc Phòng mới của Việt Nam được công bố vào tháng 11 cũng phản ánh mối lo ngại về nguy cơ Trung cộng xâm lăng, như nhận định của chuyên gia phân tích cao cấp Lê Thu Hương, thuộc Viện Chính Sách Chiến Lược Úc (ASPI) trong một bài viết đăng trên trang mạng Foreign Policy ngày 06/12/2019.

Theo nhận xét của bà Lê Thu Hương, Sách trắng Quốc Phòng đầu tiên từ 10 năm qua không nêu chi tiết về những thay đổi trong cơ cấu và tổ chức lực lượng quân sự Việt Nam, nhưng điều đáng quan tâm nhất đó là Sách trắng này nói rõ về bối cảnh chiến lược và chiến lược quốc gia để bảo vệ Tổ quốc.

Sách trắng Quốc phòng 2019 của Việt Nam nhấn mạnh tranh chấp Biển Đông là một trong những yếu tố đe dọa đến ổn định, hòa bình và thịnh vượng của khu vực. Chuyên gia Lê Thu Hương còn ghi nhận một điểm mới trong Sách trắng Quốc Phòng 2019: “Việt Nam không chấp nhận hợp tác quốc phòng dưới áp lực hoặc dưới những điều kiện áp đặt nào”.

Điều này có nghĩa là Việt Nam bác bỏ mọi quan hệ đối tác bất lợi cho mình và khẳng định quyền tự chủ trong quyết định về các mối quan hệ quốc phòng và về các lợi ích an ninh, nhưng vẫn để mở cửa cho các hợp tác thân thiện để bảo vệ biên giới trên biển cũng như trên bộ. Lập trường này ngầm bác bỏ lập trường của Trung cộng về Biển Đông, vốn chỉ muốn giải quyết tranh chấp trên cơ sở song phương, không chấp nhận các giải pháp đa phương, cũng như sự can dự của một nước thứ ba, như Hoa Kỳ.

Việc Trung cộng gia tăng áp lực lên Việt Nam càng khiến Hà Nội xích gần lại Washington, nhưng Việt Nam trong thời gian tới sẽ vẫn duy trì chính sách “ba không” (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác), theo nhận định của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp:

Theo tôi, Việt Nam vẫn kiên trì chính sách “ba không”, như Sách trắng Quốc Phòng 2019 vừa đề cập. Nhưng đó là về mặt chính thức, còn trên thực tế Việt Nam không để cho chính sách “ba không” ràng buộc, trói tay mình trong việc phát triển quan hệ hợp tác với các đối tác khác, để giúp Việt Nam có một ưu thế chiến lược tốt hơn trên Biển Đông và có thể cân bằng lại các sức ép của Trung cộng. Chính vì vậy, trong thời gian qua, một mặt Việt Nam vẫn duy trì và tuyên truyền chính sách “ba không”, mặt khác vẫn kiên trì mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác quốc phòng với một số cường quốc chủ chốt, có chung các lợi ích chiến lược với Việt Nam trên hồ sơ Biển Đông, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Cả hai nước này đều đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong việc xây dựng năng lực hàng hải để giúp Việt Nam đối phó tốt hơn với Trung cộng trên Biển Đông. Những nước này cũng hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trên mặt trận ngoại giao, cung cấp cho Việt Nam những sự hỗ trợ cần thiết khi Trung cộng o ép Việt Nam trên Biển Đông.

Tôi nghĩ là trong thời gian tới, xu hướng này sẽ tiếp tục. Việt Nam sẽ cố gắng thúc đẩy hơn nữa hợp tác chiến lược với các cường quốc này, đặc biệt Nhật và Mỹ. Tuy nhiên, do Việt Nam vẫn muốn giữ sự cân bằng giữa Trung cộng với Mỹ và các cường quốc khác, cũng như do các cam kết của Việt Nam với chính sách “ba không”, mặc dù thúc đẩy quan hệ với các cường quốc, nhưng Việt Nam sẽ cố gắng thận trọng về tốc độ, cũng như phạm vi hợp tác, để làm sao vừa nâng cao vị trí chiến lược của mình, đặc biệt là trên Biển Đông, vừa bảo đảm là không bị Trung cộng nhìn nhận là đã từ bỏ chính sách “ba không” hoặc chọn nghiêng về phía Mỹ và các đồng minh để chống lại Trung cộng.

Đây sẽ là xu hướng tiếp diễn trong những năm tới và là một sự lựa chọn không hề đơn giản, sẽ có nhiều khó khăn, thử thách đối với Việt Nam trong thời gian tới”.

Nhưng Hà Nội cũng ngày càng gặp khó khăn trong việc giữ thế cân bằng giữa hai siêu cường quốc đối địch, đó là nhận định của tờ Asia Times trong một bài viết đăng ngày 04/12/2019.

Lý do là vì, theo Asia Times, Trung cộng rõ ràng là gây áp lực ngày càng mạnh để buộc Việt Nam từ bỏ các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, và ngưng thăm dò dầu khí tại các vùng đang tranh chấp. Nhưng đồng thời, Hoa Kỳ cũng phản ứng mạnh mẽ hơn trước những mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh ở khắp vùng châu Á – Thái Bình Dương. Trong các Sách trắng Quốc Phòng do Lầu Năm Góc công bố, Trung cộng ngày càng bị chỉ đích danh là kẻ thù của Mỹ.

Nếu Hà Nội không còn giữ tư thế trung lập và ngả theo Trung cộng nhiều hơn thì họ gần như chắc chắn là sẽ phải từ bỏ một số yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, và đổi lại Bắc Kinh chắc là sẽ hứa gia tăng đầu tư và trao đổi mậu dịch với Việt Nam.

Cũng theo Asia Times, về mặt chính trị, ngả hoàn toàn theo Trung cộng sẽ làm xấu đi hình ảnh của đảng đối với người dân, vốn có tinh thần chống Trung cộng ngày càng mạnh. “Chơi với Mỹ mất chế độ, chơi với Trung cộng mất nước”. Nhưng theo Asia Times, ngả hẳn theo Trung cộng thật ra sẽ khiến chế độ Cộng Sản sụp đổ nhanh hơn là ngả hẳn theo Mỹ.

Tuy nhiên, Hà Nội chắc là vẫn nghi ngại không biết Hoa Kỳ có sẽ bảo vệ Việt Nam trong trường hợp xung đột vũ trang với Trung cộng hay không. Nhiều người trong khu vực vẫn còn nhớ là vào năm 2012, Washington đã không có phản ứng gì khi Bắc Kinh chiếm bãi cạn Scarborough từ Phi Luật Tân, một đồng minh đã ký hiệp định phòng thủ với Hoa Kỳ.

RFI  (30.12.2019)

Tranh chấp Biển Đông khó hạ nhiệt trong năm 2020

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2019/12/VN-tuong-niem-GacMa-1988-AFP-031416-696x463.jpg

Người dân Hà Nội biểu tình chống Trung cộng mỗi khi tưởng niệm 64 người lính hy sinh khi bảo vệ bãi đá ngầm Gạc Ma tại quần đảo Trường Sa năm 1988. (Hình: Getty Images)

Mã Lai: ‘Thật là quái đản khi Trung cộng tuyên bố chủ quyền tất cả Biển Đông’

Có nhiều chỉ dấu cho thấy tranh chấp Biển Đông giữa các nước nhỏ phía nam với Trung cộng vẫn khó giảm căng thẳng trong năm 2020 khi Việt Nam làm chủ tịch luân phiên Hiệp Hội ASEAN.

Ngày 12 Tháng Mười Hai, 2019, Mã Lai nộp hồ sơ tại Ủy Ban Về Giới Hạn Thềm Lục Địa (CLCS) trực thuộc Liên Hiệp Quốc thông báo xin công nhận thềm lục địa mở rộng theo Điều 76 của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), liên quan đến ranh giới thềm lục địa nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

Theo các nguồn tin tin tức quốc tế thuật lại, Mã Lai cho hay đây là bản đệ trình cho phần còn lại của thềm lục địa Mã Lai nằm ngoài 200 hải lý ở phía bắc Biển Đông. Mã Lai và Việt Nam mười năm trước đó, ngày 6 Tháng Năm, 2009, cũng đã cùng đệ trình về phần thềm lục địa của hai nước ở phía nam Biển Đông.

“Tôi nghĩ thật là quái đản khi Trung cộng tuyên bố chủ quyền chiếm tất cả Biển Đông.”

Báo Express của Anh Quốc hôm 30 Tháng Mười Hai, 2019, dẫn lời ngoại trưởng Mã Lai, ông Saifuddin Abdullah, bình luận.

Dĩ nhiên, trước sự việc như thế, Bắc Kinh liền lên án chính quyền Kuala Lumpur là “xâm phạm chủ quyền lãnh thổ” của Trung cộng, đồng thời thúc giục UNCS không cứu xét đơn của Mã Lai.

Trước đó chưa đầy ba tuần lễ, ngày 25 Tháng Mười Một, 2019, nhà cầm quyền CSVN công bố bản “Sách Trắng Quốc Phòng” qua đó lên án Bắc Kinh dù không chỉ đích danh “hành động đơn phương, áp đặt dựa trên sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế và các hoạt động quân sự hóa, làm thay đổi nguyên trạng, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo luật quốc tế…” trên Biển Đông.

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2019/12/Tau-Canh-Sat-Bien.jpg

Tàu của lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. (Hình: Getty Images)

Việt Nam lập đi lập lại rất nhiều lần tuyên bố chủ quyền “với các bằng chứng lịch sử không thể tranh cãi” đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển phụ cận, dù hiện nay quần đảo Hoàng Sa đã bị Bắc Kinh cướp đoạt từ năm 1974. Bắc Kinh chỉ xua tàu tới cướp một số bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa từ năm 1988, hiện đã bồi đắp và xây dựng 7 đảo nhân tạo thành 7 căn cứ quân sự quy mô khổng lồ.

Bắc Kinh muốn bồi đắp bãi cạn Scarborough thành một đảo nhân tạo khổng lồ như 7 đảo nhân tạo đã bồi đắp nhưng trước áp lực của Mỹ và cũng để lôi kéo ông tổng thống Duterte của Phi Luật Tân ra khỏi tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ, kế hoạch hiện đã bị treo lại.

Biến cố thời sự nổi bật nhất trong năm 2019 là chuyện đối đầu của các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư của Việt Nam với nhóm tàu hải giám, hải cảnh, dân quân biển của Trung cộng hộ tống tàu nghiên cứu địa chất Haiyang Dizhi 8 ở khu vực bãi Tư Chính và các vùng biển phụ cận, nằm trong phạm vi đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Kéo dài hơn ba tháng từ đầu Tháng Bảy đến giữa Tháng Mười, cuộc đối đầu chỉ chấm dứt khi giàn khoan Hakuryu-5 mà liên doanh Petro Vietnam – Rosnef (Nga) thuê của Nhật rời khu vực.

Nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 không những xâm phạm vùng biển Tư Chính mà còn đi tới gần bờ biển miền Trung Việt Nam, điểm gần bờ biển Phan Rang Việt Nam nhất chỉ khoản 83 hải lý hay 153km.

Song song với nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 quấy rối, kiếm chuyện với Việt Nam, Bắc Kinh còn cho khảo sát địa chất khác xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của Mã Lai, Phi Luật Tân, như để chứng minh họ hoạt động trong phạm vi chủ quyền “Lưỡi bò” ngang ngược, không ai chấp nhận.

Việt Nam là chủ tịch luân phiên Hiệp hội các nước ASEAN năm 2020. Một số nhà phân tích cho rằng Hà Nội sẽ thúc đẩy các nước thành viên khác trong hiệp hội cứng rắn hơn đối với tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông. Tuy nhiên, ASEAN đã nhiều lần lộ rõ sự phân hóa nội bộ do bị Bắc Kinh mua chuộc.

“Tôi hy vọng rằng khi chúng tôi nhận chức chủ tịch luân phiên của Hiệp Hội ASEAN, Trung cộng sẽ chứng tỏ kiềm chế với những hoạt động này.”

Thứ Trưởng Ngoại Giao CSVN Nguyễn Quốc Dũng được hãng thông tấn Reuters dẫn lời ông phát biểu tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore ngày 17 Tháng Mười Hai.

“Những gì Trung cộng đã làm gây lo lắng và đồng thời như đe dọa không những Việt Nam mà cả những nước khác cũng thấy nguy cơ bị đe dọa trong tương lai,” ông Dũng nói với Reuters.

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2019/12/Ngu-Dan-Viet-Nam.jpg

Ngư dân Việt Nam mỗi khi ra khơi phải đối mặt với sự hiểm nguy từ các tàu tuần tra của Trung cộng trên Biển Đông. (Hình: Getty Images)

Sau khi bị Tòa Án Quốc Tế tại The Hague, Hòa Lan, hồi Tháng Bảy, 2016 bác bỏ tuyên bố chủ quyền gần hết Biển Đông theo 9 cái vạch nối lại giống như hình “Lưỡi bò,” Bắc Kinh cậy sức mạnh quân sự ăn trùm các nước nhỏ phía nam, giở giọng nói càn rằng phần lớn Biển Đông là của “tổ tiên” để lại từ ngàn xưa.

Ngày 11 Tháng Mười Hai, 2019, đại diện Việt Nam tham dự phiên họp toàn thể Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về chủ đề “Đại Dương và Luật Biển” tại New York, Mỹ, đã “bày tỏ quan ngại về một số sự kiện diễn ra gần đây tại Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.”

Trong khi ông Nguyễn Quốc Dũng phát biểu ở Singapore thì Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Taro Kono cáo buộc trên diễn đàn Doha Forum tại Qatar hôm Chủ Nhật là “Trung cộng đang có những hành động đơn phương và chèn ép nhằm thay đổi nguyên trạng dựa trên chủ trương của mình nhưng lại không tương ứng với trật tự quốc tế đang hiện hữu” tại Biển Đông cũng như vùng biển Hoa Đông.

Hai ngày trước đó, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper thêm một lần nữa lên án Trung cộng hà hiếp các nước nhỏ, ngang ngược tại Biển Đông, tham vọng khống chế toàn khu vực. Trong một bài phát biểu tại Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại (Council on Foreign Relations) ở New York hôm 13 Tháng Mười Hai, 2019, ông Esper lại một lần nữa cáo buộc Bắc Kinh “ngang ngược tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp trên biển” đồng thời đe dọa chủ quyền trên Biển Đông” của các nước nhỏ láng giềng phía Nam trong khu vực.

Với những chỉ dấu như thế, vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ khó lòng hạ nhiệt khi Bắc Kinh vẫn nhăm nhe muốn nuốt cả.

Người Việt (30.12.2019)