Trong buổi phỏng vấn với BBC Tiếng Việt, hai bạn trẻ người Mỹ gốc Việt Will Nguyễn, Nancy Nguyễn bày tỏ “mong có ngày về Việt Nam” dù cả hai từng bị trục xuất.
Hôm 5/12, anh Will Nguyễn, người bị Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh trục xuất khỏi Việt Nam hồi tháng 7/2018 với cáo buộc “Gây rối trật tự công cộng” xuất hiện trong chương trình Facebook live của BBC Tiếng Việt cùng với cô Nancy Nguyễn, người cũng bị VN trục xuất hơn hai năm trước.
Cuộc trò chuyện đã được phát hình trực tiếp trên trang fanpage của chúng tôi và thu hút hàng trăm bình luận và câu hỏi của bạn đọc dành cho anh Will và cô Nancy.
Anh Will Nguyễn nói: “Đương nhiên tôi muốn về. Trong phiên tòa hồi tháng 7/2018, Will cũng nói rằng muốn về Việt Nam càng sớm càng tốt. Vì tôi muốn đóng góp kỹ năng và kiến thức để xây dựng một đất nước dân chủ.”Trong khi đó, cô Nancy Nguyễn nói: “Quê hương mình thì bao giờ mình cũng muốn về thăm, một cách hợp pháp và đàng hoàng. Tôi cũng muốn bạn bè, người thân của mình được hưởng đời sống tương tự như mình có ở nước ngoài.”
‘Phải sống cho hơn cá nhân mình chứ’
Trong buổi phỏng vấn, anh Will Nguyễn cũng nói thêm: “Sự việc tôi bị bắt giam hồi tháng 6/2018 càng làm tôi thêm quyết tâm về việc góp phần thay đổi, đem lại dân chủ cho Việt Nam.”
“Sự kiện đó nhắc tôi rằng lời nói không quan trọng bằng hành động. Mình phải sẵn sàng dấn thân cho việc đấu tranh.”
“Tôi muốn bước vào con đường hoạt động vì nó sẽ đem lại lợi ích cho người dân Việt Nam. Trong lĩnh vực chính trị hoặc chính sách công cộng, những gì mình giúp hoặc đóng góp được thì tôi sẽ cố gắng làm.”
“Mình may mắn được lớn lên ở một nước văn minh, có tự do và điều kiện sống tốt, hưởng nền giáo dục tốt hơn ở Việt Nam thì phải sống cho hơn cá nhân mình chứ.”
“Tôi muốn những người khác cũng được hưởng những điều giống như mình.”
“Một khi tôi thấy mình cần phải đấu tranh thì tôi sẽ làm.”
“Vụ hồi tháng 6/2018, tôi quyết định xuất hiện trong cuộc biểu tình dù có trái với lời dặn của mẹ tôi là vì tôi hiểu được bức xúc của người dân về luật An ninh mạng và luật Đặc khu.”
“Người đấu tranh thì luôn có nguy cơ gặp phải nguy hiểm.”
“Lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ cho thấy những đấu tranh đều bị nhốt vô tù.”
“Sau khi tôi bị trục xuất thì mẹ tôi lại nói tự hào vì những gì tôi làm.”
” Khi tôi nói chuyện với những bạn trẻ người Mỹ gốc Việt khác, tôi thường khuyên họ ráng tìm bản sắc của mình.”
“Nếu mình giữ được gốc gác, tiếng mẹ đẻ và có đóng góp cho cộng đồng, thì mình mới đền đáp lại món nợ của thế hệ phụ huynh phải làm thuyền nhân để tìm đường đến nước Mỹ.”
“Theo quan sát của tôi trong thời gian sinh sống ở Singapore, tôi thấy đảo quốc này tuy mô hình là dân chủ đa đảng, nhưng nhìn sâu hơn thì thấy cũng là độc đảng như ở Việt Nam.”
“Nếu mình tìm hiểu, thì mới thấy cách đảng cầm quyền hạn chế những đảng đối lập vươn lên.”
“Tôi được biết là nhiều giới chức ở Việt Nam cũng sang Singapore để học hỏi, tìm hiểu mô hình chính trị của đảo quốc này.”
“Trong một chế độ độc đảng thì sự phát triển kinh tế có thể diễn ra nhanh nhưng không bền vững trong thời gian dài.”
“Do vậy, cần có một chế độ dân chủ được lòng dân, để tránh sự bất ổn định, bất bình đẳng về thu nhập.”
“Theo như tôi thấy, ở Việt Nam, chính trị được cho là đề tài nhạy cảm.”
“Có thể chính quyền Việt Nam thiết lập chế độ công an trị là nhằm hạn chế thông tin về chính trị, giới bất đồng để tốt cho chính quyền.”
“Cho nên, tôi bước vào đường hoạt động thì tôi muốn đấu tranh cho dân chủ và quyền tự do thông tin của người dân.”
‘Quyền công dân’
Bình luận về chuyện nhà hoạt động người Mỹ gốc Việt, cô Nancy Nguyễn nói: “Có rất nhiều thứ cho tôi đấu tranh cho sự tiến bộ hơn ở Việt Nam: y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm… và chuyện đó không có gì xấu xa.”
“Nếu ai đó nói tôi “cực đoan” thì tôi không hiểu “cực đoan” như thế nào, tất cả các quốc gia đều phải đấu tranh cho cuộc sống tốt hơn cho người dân, trong ôn hòa hoặc cương quyết hơn.”
“Một trong các lợi thế mà người Việt Nam có so với các dân tộc khác là lượng người Việt đông đảo, 4, 5 triệu người trên toàn thế giới.”
“Khi đó người Việt tại các nước có thể dùng quyền công dân để gây áp lực với chính quyền sở tại, để yêu cầu họ có chính sách từ chuyện cứu tù nhân lương tâm đến chính sách đối ngoại, hiệp thương để đảm bảo nhân quyền và điều kiện lao động ở Việt Nam về lâu dài.”
“Ngoài ra ở góc độ nhỏ hơn, người Việt tại các nước đang giúp đỡ thân nhân các tù nhân lương tâm về chuyện tài chính.”
“Trong việc đấu tranh cho dân tộc, người Việt có lợi thế mà người Hong Kong không có được là tinh thần dân tộc mấy ngàn năm.”
“Theo tôi, việc đưa một đất nước đi lên giống như xây một con đường.”
“Người Việt có thể học hỏi cách thức làm, nhưng con đường thế nào, đi từ đâu đến đâu phải do mỗi dân tộc tự quyết định.”
Phản hồi của người xem
Bạn đọc Pham Thanhbình luận: “Bọn tôi sẽ lên tiếng về những vấn đề của Việt Nam đâu cần các bạn hải ngoại, các bạn có sống ở Việt Nam đâu mà hiểu Việt Nam?”
Bạn đọc Hoa Kim Ngo viết: “Rất vui khi có những bạn trẻ ở nước ngoài vẫn góp sức đấu tranh cho tự do dân chủ nước nhà. Cảm ơn hai bạn.”
Bạn đọc Tâm Lý viết: “Việt Nam đang không có tiếng súng, không bom đạn. Xin các người đừng mang cái dân chủ kiểu Mỹ đó về đây. Và cũng càng không cần thứ người nói tiếng Việt không rõ như mấy người đấu tranh đâu.”
Bạn đọc Thi Quang bình luận: “Người Pháp biểu tình chống chính phủ mấy ngày qua còn dương cờ Việt Nam, đòi hỏi chính phủ Pháp học tâp Việt Nam về chống bất công, bóc lột, bình đẳng và hạnh phúc. Sao các bạn trẻ cực đoan lại nói xấu Việt Nam.”
8.12.2018, Ben Ngô, BBC