Seite auswählen

MỞ ĐẦU BẢN TÓM TẮT

Tóm tắt này dựa vào bản dịch của TS Nguyễn Quang A, công bố trên mạng và bản dịch của Nguyễn Thị Kim Chi được NXB Trẻ phát hành sách giấy (2017).

Thất bại và Thành công là 2 mặt của 1 vấn đề.  Biết được nguyên nhân cơ bản của thất bại thì đồng thời cũng làm rõ cái đó của thành công.  Tìm đúng nguyên nhân cơ bản sự thành bại của các quốc gia là không hề dễ.  Các định kiến về học thuyết, về chủ nghĩa và phẩm chất tầm thường của người nghiên cứu làm che khuất, hạn chế tầm nhìn và suy nghĩ của họ, làm cho họ khi phân tích sự thất bại chỉ tim được vài nguyên nhân trực tiếp, vụn vặt rồi đổ lỗi cho thế lực thù địch và khách quan mà không thể tìm đến nguyên nhân cơ bản.

Xã hội Việt Nam đã trải qua một số thành công và thất bại.  Mỗi lần đại hội Đảng đều có đánh giá và chỉ ra nguyên nhân của mọi tai họa là sự thoái hóa, biến chất, sự tự diễn biến, tự chuyển hóa của một số đông cán bộ các cấp các ngành.  Đánh giá như vậy là không thấy nguyên nhân cơ bản, hay có thấy mà cố tình che khuất, cố tình không dám nói ra.

Sách “TẠI SAO CÁC QUỐC GIA THẤT BẠI” (Why Nations Fail) được xuất bản năm 2012 tại Mỹ, đã tạo nên tiếng vang lớn trên toàn thế giới.  Tiêu đề phụ của cuốn sách là: “Nguồn gốc của quyền lực, sự thịnh vượng, và nghèo khó”.  Đó là kết quả nghiên cứu trên 15 năm của hai nhà khoa học lớn về kinh tế: Daron Acemoglu và Jemes A.  Robinson.  Sách được nhiều học giả, nhiều bạn đọc đánh giá rất cao.  Nó cung cấp nhiều thông tin, nhiều phân tích và so sánh, làm phong phú nhận thức, làm cho suy nghĩ thêm sâu sắc và có những chuyển biến tích cực.  Tuy biết sách quý, số đông rất muốn đọc, nhưng không dễ gì tìm được sách, tìm được rồi cũng không có nhiều thời gian hoặc thiếu kiên nhẫn để đọc hết (vì dài quá).  Tôi xin tóm tắt hỗ trợ các vị.  Riêng với các nhà nghiên cứu, các học giả, cần và đã đọc toàn bộ, không chỉ một mà nhiều lần, tôi sẽ vô cũng biết ơn khi được các vị phản biện bản tóm tắt này.

Sách “Tại sao các quốc gia thất bại” gồm Lời nói đầu và 15 chương.  Tôi tiếp cận được 2 bản tiếng Việt.  Đó là bản dịch của Nguyễn Quang A và của Nguyễn Thị Kim Chi.  Sau 2 nguồn trên đã có khá nhiều bài viết và thuyết trình về vấn đề cuốn sách bàn đến.  Cũng đã có một vài bản tóm tắt và giới thiệu nội dung.  Như vậy tôi không phải là người đầu tiên tóm tắt và giới thiệu, chỉ là tôi làm theo cách của mình.  Tóm tắt bằng cách trình bày ngắn gọn nội dung từng chương, chép lại một số câu được lựa chọn, ngoài ra có thể thêm vài lời dẫn giải.

 Mục lục các chương

1- Gần thế mà vẫn rất khác nhau

2- Các lý thuyết không hoạt động

3- Tạo ra thịnh vượng và nghèo khó

4- Những khác biệt nhỏ và bước ngoặt

5- Tôi đã thấy tương lai và nó hoạt động

6- Trôi dạt ra xa

7- Điểm ngoặt

8- Không trên lãnh thổ của chúng tôi

9- Sự phát triển đảo ngược

10- Sự truyền bá thịnh vượng

11- Vòng thiện

12- Vòng đảo ngược

13- Vì sao các quốc gia thất bại ngày nay

14- Phá vỡ khuôn đúc

15- Hiểu sự thịnh vượng và nghèo khó

Bản tóm tắt 15 chương được chia đăng thành 8 đoạn.  Cuối cùng tôi có bài PHẢN BIỆN, nêu ra một vài bất đồng ý kiến với nghiên cứu và kết luận của Daron Acemoglu và Jemes A.  Robinson.

LỜI GIỚI THIỆU

Cuốn sách tìm câu trả lời cho câu một hỏi đơn giản nhưng đã làm cho nhiều học giả đau đầu trong nhiều thế kỷ qua: vì sao một số quốc gia giàu và nhiều quốc gia nghèo?

Ðã có nhiều lý thuyết (giả thuyết) tìm cách giải đáp cho câu hỏi này hay giải thích hiện tượng bất bình đẳng thế giới nhức nhối đó.  Có các giả thuyết về địa lý, văn hóa, sự thiếu hiểu biết của các nhà lãnh đạo quốc gia, nhưng các lý thuyết này đều không trả lời được một cách thỏa đáng cho câu hỏi đơn giản nêu trên.

Acemoglu và Robinson đưa ra giả thuyết về các thể chế (Institution) là cái quyết định chứ không phải địa lý, văn hóa, hay sự thiếu hiểu biết.  Theo các ông, có 2 loại thể chế (TC) quan trọng là TC chính trị và TC kinh tế.  Mỗi TC có 2 trạng thái cơ bản là: Inclusion (dung hợp, bao gồm hoặc bao dung) và Extractive (chiếm đoạt, khai thác hoặc bòn rút).

TC chính trị dung hợp thể hiện bởi nhà nước pháp trị, chính thể dân chủ với đa nguyên và tam quyền phân lập.  TC chính trị chiếm đoạt là kiểu toàn trị độc tài, quan liêu, thống trị của cá nhân hoặc của một đảng duy nhất.

TC kinh tế dung hợp, mọi thành phần trong xã hội tham gia vào các hoạt động kinh tế, có cơ hội phát huy khả năng và cống hiến, quyền lực được chia sẻ rộng rãi.  TC kinh tế chiếm đoạt tập trung quyền lực vào một số ít người hoặc nhóm lợi ích.  Các nhóm này nắm phần lớn tài sản QG và khai thác tài nguyên của đất nước (Bản dịch của NQA dùng TC Bao gồm và TC Khai thác)

Các trạng thái kết hợp thành 4 dạng.  Dạng 1 gồm các QG có chính trị dung hợp, kinh tế chiếm đoạt.  Dạng 2 có chính trị chiếm đoạt, kinh tế chiếm đoạt.  Dạng 3 có chính tri chiếm đoạt, kinh tế dung hợp.  Dạng 4- chính trị dung hợp, kinh tế dung hợp.

Dạng 4 gồm các QG thành công, phát triển theo vòng xoáy ốc đi lên.  Dạng 2- các QG luẩn quẩn trong đói nghèo, lạc hậu.  Dạng 1 và 3 thường biến động, có khả năng vươn lên 4 hoặc rớt về 2.

Phần tiếp theo của lý thuyết là động học của sự thay đổi thể chế.  Các tác giả nhấn mạnh đến tầm quan trọng của: các xung đột (conflict) luôn xảy ra trong xã hội.  Các xung đột dẫn đến sự trôi dạt thể chế, tại các bước ngoặt do những khác biệt nhỏ và sự tùy thuộc ngẫu nhiên chúng rẽ nhánh theo những con đường rất khác nhau và tạo ra sự phân kỳ thể chế.

Muốn cho quốc gia không thất bại và giàu có thì phải tìm mọi cách để xây dựng các thể chế chính trị dung hợp.  Không có công thức sẵn có cho việc này.  Tuy vậy có nhiều việc có thể tạo thuận lợi, có thể thúc đẩy cho việc hình thành các thể chế chính trị như vậy.  Trao quyền (empowerment) cho nhân dân, hay cho các mảng rộng của xã hội là hết sức quan trọng để cho một quá trình như vậy có thể hình thành hay mang lại kết quả.  Xây dựng nền pháp trị thực sự, với những ràng buộc lên các chính trị gia, buộc họ phải có trách nhiệm giải trình và khó lạm dụng quyền lực.  Người dân biết quyền của mình và đòi một cách tích cực các quyền hiến định đó và tham gia vào các tổ chức chính trị.  Cần một nền báo chí tự do và quyền tự do ngôn luận.  Và như thế cần có một xã hội dân sự lành mạnh và sự tham dự tích cực của các công dân.  Ðấy là cách làm giàu bền vững nhất không chỉ cho chính mình mà cho cả con cháu nhiều đời sau.

LỜI NÓI ÐẦU

Cuốn sách này là về những khác biệt khổng lồ về thu nhập và mức sống mà tách biệt các nước giàu trên thế giới, như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, và Ðức, khỏi các nước nghèo, như các nước ở châu Phi hạ- Sahara, Trung Mỹ và Nam Á.  Gốc rễ của sự bất mãn tại một số nước là ở sự nghèo khó của chúng.

Vì sao Ai Cập nghèo hơn Hoa Kỳ nhiều đến vậy? Những ràng buộc nào kéo những người Ai Cập khỏi việc trở nên phát đạt hơn? Sự nghèo của Ai Cập có là bất biến, hay có thể được xóa bỏ? Ðối với những người Ai Cập, những cái, mà đã néo giữ họ lại, bao gồm một nhà nước không hiệu quả và thối nát và một xã hội nơi họ không thể sử dụng tài năng, khát vọng và sự khéo léo của mình và sự giáo dục mà họ có thể có được.  Nhưng họ cũng nhận ra gốc rễ của các vấn đề này là có nguồn gốc chính trị.  Tất cả những cản trở kinh tế mà họ đối mặt bắt nguồn từ cách mà quyền lực chính trị được sử dụng và bị độc chiếm bởi một elite hẹp.  Ðấy, họ hiểu, là cái đầu tiên phải thay đổi.

Chúng ta sẽ chứng tỏ rằng các nước nghèo là vì chính xác cùng lý do mà Ai Cập nghèo.  Trong cuốn sách này chúng ta sẽ nghiên cứu các hình mẫu tái tạo ra sao theo thời gian và vì sao đôi khi chúng thay đổi như chúng đã thay đổi ở Anh năm 1688 và ở Pháp với cách mạng 1789.  Việc này sẽ giúp chúng ta hiểu liệu tình hình ở Ai Cập đã thay đổi hiện nay và liệu cuộc cách mạng đã lật đổ Mubarak sẽ có dẫn đến một tập mới của các thể chế có khả năng mang lại sự thịnh vượng cho những người Ai Cập bình thường hay không.  Chúng ta sẽ thấy rằng một phong trào đấu tranh rộng rãi trong xã hội đã là một phần then chốt của cái đã xảy ra trong những biến đổi chính trị khác này.  Nếu chúng ta hiểu khi nào và vì sao những sự chuyển đổi như thế xảy ra, chúng ta sẽ ở vị thế tốt hơn để đánh giá khi nào các phong trào như vậy thất bại (như chúng đã thường thất bại trong quá khứ) và khi nào có thể hy vọng rằng chúng sẽ thành công và cải thiện cuộc sống của hàng triệu người.

CHƯƠNG 1- GẦN THẾ VÀ VẪN RẤT KHÁC NHAU

NỀN KINH TẾ CỦA RIO GRANDE

Thành phố Nogales bị cắt đôi bởi một hàng rào.  Phía Bắc là Arizona, (thuộc Mỹ).  Thu nhập của hộ gia đình trung bình khoảng 30. 000 USD một năm. Phía nam là Sonora (thuộc Mexico), chỉ cách vài mét, là khá khác, thu nhập của hộ gia đình trung bình ở đó bằng khoảng một phần ba ở Arizona.

Làm sao mà hai nửa của cùng một thành phố lại khác nhau đến vậy? Không có sự khác biệt nào về địa lý, khí hậu.  Nguồn gốc của người dân ở cả hai bên biên giới là khá giống nhau.  Khác nhau chỉ vì thể chế.

SỰ THÀNH LẬP BUENOS AIRES

 Năm 1516, người Tây Ban Nha, đã vào phía Ðông của Nam Mỹ.  Vùng này nguyên chỉ trồng sắn và ngô.  Người Tây Ban Nha đã chinh phục người bản địa, xây dựng nên Buenos Aires, “Paris của Nam Mỹ”.

TỪ CAJAMARCA

Việc chinh phục những người da đỏ Aztec bằng quân sự đã hoàn tất vào năm 1521. Chiến lược thực dân hóa của Tây Ban Nha đã rất hiệu quả.  Chiến lược và các thể chế chinh phục được hoàn thiện ở Mexico đã được chấp nhận một cách háo hức ở những nơi khác trong Ðế chế Tây Ban Nha

Khắp thế giới thuộc địa Tây Ban Nha ở châu Mỹ, các thể chế và các cấu trúc xã hội tương tự đã nổi lên.  Sau giai đoạn ban đầu của sự cướp bóc, và sự thèm khát vàng bạc, những người Tây Ban Nha đã tạo ra một mạng lưới các thể chế được trù tính để khai thác người dân bản địa.

ÐẾN JAMESTOWN

Người Anh đến Tân thế giới chậm hơn.  Họ đã chọn Bắc Mỹ không phải vì nó hấp dẫn, mà bởi vì đó là tất cả cái sẵn có còn lại.  Các phần “đáng mong muốn” của châu Mỹ, nơi dồi dào những người bản địa để khai thác và nơi có các mỏ vàng và bạc, đã bị chiếm mất rồi.  Người Anh đã nhận các phần còn thừa, họ lập nên các thuộc địa.

Vào các năm 1720, tất cả mười ba thuộc địa của cái sẽ trở thành Hoa Kỳ đã có các cấu trúc chính phủ giống nhau.  Trong mọi trường hợp đã có một thống đốc, và một hội đồng dựa vào quyền bầu cử của những người đàn ông chủ tài sản.  Chúng chưa phải là các nền dân chủ, nhưng các quyền chính trị đã là rất rộng so với các xã hội đương thời ở nơi khác.  Chính các hội đồng này và các nhà lãnh đạo của chúng là cái đã hợp lại để hình thành Quốc hội Lục địa Ðầu tiên (First Continental Congress) vào năm 1774, khúc dạo đầu cho sự độc lập của Hoa Kỳ.  Các hội đồng đã tin họ có quyền để quyết định cả tư cách thành viên riêng của họ lẫn quyền đánh thuế.  Ðiều này, như chúng ta biết, gây ra các vấn đề đối với chính phủ thuộc địa Anh.

CÂU CHUYỆN VỀ HAI HIẾN PHÁP

 Không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà Hoa Kỳ, chứ không phải Mexico, đã thông qua và thực thi một hiến pháp tán thành các nguyên tắc dân chủ, tạo ra các hạn chế về việc sử dụng quyền lực chính trị, và phân phối quyền lực đó một cách rộng rãi trong xã hội.  Văn kiện mà các đại biểu đã ngồi xuống để viết ở Philadelphia năm 1787 đã là kết quả của một quá trình dài được khởi đầu bằng sự hình thành của Ðại Hội đồng ở Jamestown năm 1619.

Sự tương phản giữa quá trình lập hiến xảy ra vào thời độc lập của Hoa Kỳ và quá trình xảy ra sau đó một chút ở Mexico lộ rõ hẳn ra.  Sự sụp đổ của nhà nước Tây Ban Nha với sự xâm lược của Napoleon đã tạo ra một khủng hoảng hiến pháp trên khắp Mỹ Latin thuộc địa.  Hệ quả là, elite Mexico đã xem xét Hiến pháp Cádiz, đã mở đường cho sự tham gia của nhân dân, Năm 1815, khi đế chế Âu châu của Napoleon sụp đổ, Vua Ferdinand VII quay lại nắm quyền và Hiến pháp Cádiz đã bị bãi bỏ.

CÓ MỘT Ý TƯỞNG, KHỞI ĐỘNG MỘT HÃNG VÀ NHẬN ĐƯỢC MỘT KHOẢN VAY

Cách mạng Công nghiệp đã bắt đầu ở nước Anh, lớn mạnh ở Mỹ nhờ các ý tưởng sáng chế.  Ðiều nổi bật ở Hoa Kỳ là, những người được cấp bằng sáng chế đến từ mọi loại xuất thân, Nhiều người đã kiếm được bộn tiền hay trở nên giàu có dựa vào các bằng sáng chế của mình.  Có thể bán sáng chế hoặc lập công ty để thực hiện nó. Ngân hàng sẽ tiếp sức bằng nguồn vốn cho vay.  Mục đích của ngân hàng là lợi nhuận.  Ở Mexico và ở Hoa Kỳ các ngân hàng theo các thể chế khác nhau. Ở hoa Kỳ cạnh tranh công khai và khốc liệt làm cho kinh tế phát triển nhanh chóng.  Ở Mexico, không có cạnh tranh giữa các ngân hàng, họ cấp tín dụng cho người có đặc quyền và người đã giàu rồi, những người sẽ sử dụng sự tiếp cận của họ để tăng sự kìm kẹp đối với các khu vực khác nhau của nền kinh tế.  Hình thức, mà ngành ngân hàng Mexico đã lấy trong các thế kỷ mười chín và hai mươi, đã là kết quả trực tiếp của các thể chế chính trị sau độc lập của nước này.

Không giống ở Mexico, ở Hoa Kỳ các công dân đã có thể kìm hãm và giải thoát khỏi các chính trị gia, những người lạm dụng chức vụ của mình để làm giàu cho mình hay tạo ra các độc quyền cho các cánh hẩu của mình.  Kết quả là, các độc quyền ngân hàng đã sụp đổ.  Sự phân bố rộng các quyền chính trị ở Hoa Kỳ, đặc biệt khi so sánh với Mexico, đã đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng đến tài chính và các khoản vay.  Ðiều này, đến lượt nó, lại đảm bảo rằng những người có các ý tưởng và các sáng chế có thể được hưởng lợi từ chúng.

SỰ THAY ĐỔI PHỤ THUỘC VÀO CON ĐƯỜNG

Thế giới đã thay đổi trong các năm 1870 và 1880.  Mỹ Latin đã không là ngoại lệ

Sự dai dẳng kéo dài vào thế kỷ hai mươi của một hình mẫu thể chế đặc thù không thân thiện với tăng trưởng ở Mexico và Mỹ Latin được minh họa rõ bởi sự thực rằng, hệt như trong thế kỷ mười chín, hình mẫu đã gây ra trì trệ kinh tế và bất ổn chính trị, các cuộc nội chiến và đảo chính, khi các phe nhóm tranh giành nhau vì các lợi ích quyền lực.  Cuộc Cách mạng Mexic được tiếp theo bởi các cuộc cách mạng khác ở Bolivia năm 1952, ở Cuba năm 1959, và Nicaragua năm 1979.  Trong lúc đó, các cuộc nội chiến kéo dài đã nổ ra ở Columbia, El Salvador, Guatemala, và Peru.  Sự chiếm đoạt hay sự đe dọa chiếm đoạt tài sản vẫn tiếp tục mau lẹ, với các cuộc cải cách nông nghiệp hàng loạt (hay các cuộc cải cách được thử) ở Bolivia, Brazil, Chile, Columbia, Guatemala, Peru, và Venezuela.  Các cuộc cách mạng, những sự chiếm đoạt và bất ổn chính trị đã đến cùng với các chính phủ quân sự và các chế độ độc tài thuộc nhiều loại.  Tuy cũng đã có một sự trôi dạt từ từ hướng về các quyền chính trị rộng lớn hơn, nhưng chỉ đến các năm 1990 thì hầu hết các nước Mỹ Latin mới trở thành các nền dân chủ, và thậm chí khi đó chúng vẫn sa lầy trong bất ổn.

KIẾM MỘT HAY HAI TỶ

Những hệ lụy kéo dài của tổ chức xã hội thuộc địa, và của các di sản của các xã hội đó, định hình những sự khác biệt hiện đại giữa Mỹ và Mexico.  Sự tương phản giữa Bill Gates (Mỹ) và Carlos Salim (Mexico) đã trở thành hai người giàu nhất thế giới thế nào –Sự thăng tiến của Bill Gates ai cũng biết, nhưng địa vị của Gates với tư cách người giàu nhất thế giới và nhà sáng lập của một trong những công ty đối mới sáng tạo nhất về mặt công nghệ đã không ngăn cản Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đệ trình các vụ kiện dân sự chống lại Công ty Microsoft ngày 8- 5- 1998, cho rằng Microsoft đã lạm dụng sức mạnh độc quyền.

Ở Mexico, Carlos Salim đã không kiếm tiền bằng đổi mới sáng tạo.  Lúc đầu ông ta đã trội hơn về các giao dịch chứng khoán, và về mua và tân trang các hãng không có lời.  Phi vụ lớn nhất của ông ta đã là việc thôn tính Telmex, công ty viễn thông độc quyền của Mexico được tư nhân hóa năm 1990.  Cho dù Carlos Salim đã không đặt giá cao nhất, ông đã thắng thầu.  Thay cho việc trả tiền ngay cho các cố phiếu, Salim đã dàn xếp được việc thanh toán chậm, sử dụng cổ tức của bản thân Telmex để trả cho cổ phiếu.  Cái từng là độc quyền nhà nước nay đã trở thành độc quyền của Salim, và nó đã sinh lợi khổng lồ.

Các thể chế kinh tế, mà đã biến Carlos Salim thành người là ông ta, là rất khác với các thể chế ở Hoa Kỳ.  Nếu bạn là một doanh nhân khởi nghiệp ở Mexico, các rào cản gia nhập đóng một vai trò quyết định tại mọi giai đoạn của sự nghiệp của bạn.  Các rào cản này bao gồm các giấy phép đắt tiền mà bạn phải kiếm được, tệ quan liêu mà bạn phải vượt qua, các chính trị gia và những người đang ở trong ngành đứng cản đường bạn, và sự khó khăn để kiếm được tài trợ từ một khu vực tài chính mà thường móc ngoặc với những người đang trong ngành mà bạn thử cạnh tranh với.  Các rào cản này hoặc có thể là không thể vượt qua được, ngăn không cho bạn vào các lĩnh vực sinh lợi, hay là chiến hữu lớn nhất của bạn, giữ không cho các đối thủ cạnh tranh của bạn đến gần.  Sự khác biệt giữa hai kịch bản, tất nhiên, là, bạn biết ai và có thể ảnh hưởng đến ai – và phải, bạn có thể đút lót ai. Carlos Slim, một người có tài, có tham vọng, từ một nền tảng tương đối khiêm tốn của những người nhập cư Liban, đã là một bậc thầy về nhận được các hợp đồng độc quyền; ông đã tìm được cách để độc chiếm thị trường viễn thông béo bở ở Mexico, và sau đó mở rộng tầm với của ông ra phần còn lại của Mỹ Latin.

Slim đã kiếm được tiền trong nền kinh tế Mexic phần nhiều nhờ các mối quan hệ chính trị của ông.  Khi đánh bạo sang Hoa Kỳ kinh doanh, ông đã không thành công.  Khi Slim phải chịu các thể chế của Hoa Kỳ, các chiến thuật thông dụng của ông để kiếm tiền đã không có kết quả.

 

HƯỚNG TỚI MỘT LÝ THUYẾT VỀ BẤT BÌNH ĐẲNG THẾ GIỚI

Chúng ta sống trong một thế giới bất bình đẳng.  Những sự khác biệt giữa các quốc gia là gống như những khác biệt giữa hai phần của Nogales (Arizona- Bắc và Sonora- Nam, cách nhau một hàng rào), và chỉ trên quy mô lớn hơn.  Tính bất bình đẳng này không chỉ có các hậu quả đối với cuộc sống của từng con người trong các nước nghèo; nó cũng gây ra nỗi bất bình và oán giận với những hậu quả chính trị khổng lồ ở Hoa Kỳ và những nơi khác.  Hiểu vì sao những khác biệt này tồn tại và cái gì gây ra chúng là tiêu điểm của chúng ta trong cuốn sách này.

Lý do mà Arizona, giàu hơn nhiều so với Sonora, là đơn giản; chính bởi vì các thể chế rất khác nhau ở hai bên biên giới, mà các thể chế đó tạo ra những khuyến khích rất khác nhau cho cư dân của Arizona, đối lại Sonora.  Hoa Kỳ ngày nay cũng giàu hơn Mexico hay Peru rất nhiều bởi vì cách các thể chế kinh tế và chính trị của nó định hình các khuyến khích của các doanh nghiệp, các cá nhân, và các chính trị gia.  Các thể chế kinh tế định hình các khuyến khích kinh tế.  Chính quá trình chính trị là cái xác định các thể chế kinh tế nào mà nhân dân sống dưới, và chính các thể chế chính trị là cái xác định quá trình này hoạt động ra sao.  Các thể chế chính trị bao gồm quyền lực và năng lực của nhà nước để điều tiết và cai trị xã hội.

Vì các thể chế ảnh hưởng đến ứng xử và các khuyến khích trong cuộc sống thực, chúng tạo ra sự thành công hay sự thất bại của các quốc gia.  Tài năng cá nhân là quan trọng ở mọi mức của xã hội, nhưng ngay cả cái đó cũng cần một khung thể chế để biến nó thành một lực tích cực.

Cuốn sách này sẽ chứng tỏ rằng các thể chế kinh tế là cốt yếu cho việc xác định liệu một nước là nghèo hay giàu, chính trị và các thể chế chính trị là cái quyết định một nước có các thể chế kinh tế nào.  Lý thuyết của chúng ta về sự bất bình đẳng thế giới cho thấy các thể chế chính trị và kinh tế tương tác với nhau thế nào trong việc gây ra sự nghèo khổ và sự thịnh vượng, Tuy các thể chế là chìa khóa cho các khác biệt giữa hai phần của Nogales và giữa Hoa Kỳ và Mexico, điều đó không có nghĩa rằng sẽ có sự đồng thuận ở Mexico để thay đổi các thể chế.  Không có sự tất yếu nào đối với một xã hội để phát triển các thể chế tốt nhất cho tăng trưởng kinh tế hay cho phúc lợi của các công dân của nó, bởi vì các thể chế khác có thể thậm chí còn tốt hơn cho những người kiểm soát chính trị và các thể chế chính trị.  Những kẻ có quyền thế lớn và những người còn lại của xã hội thường không đồng ý về tập nào của các thể chế nên giữ nguyên và tập nào phải thay đổi Bởi vì không có sự đồng thuận như vậy, việc xã hội kết thúc với các quy tắc nào được quyết định bởi chính trị: ai có quyền lực và quyền lực này có thể được sử dụng thế nào.  Carlos Slim có quyền lực để có được cái ông ta muốn.  Quyền lực của Bill Gates bị hạn chế hơn rất nhiều.  Ðó là vì sao lý thuyết của chúng ta không chỉ là về kinh tế học mà cũng về chính trị học.  Nó là về các tác động của các thể chế lên thành công hay thất bại của các quốc gia – như thế là kinh tế học về nghèo khó và thịnh vượng; nó cũng là về các thể chế được xác định và thay đổi thế nào theo thời gian, và chúng thất bại ra sao để thay đổi ngay cả khi chúng tạo ra sự nghèo khó và khốn khổ cho hàng triệu người – như thế là chính trị học về nghèo khó và thịnh vượng.

Xem Phần 2

Nguyễn Đình Cống

6-12-2018

Báo Tiếng Dân