Seite auswählen

Phúc trình Safeguard Defenders tố cáo VN cưỡng bức nhận tội trên TV

Hôm 11/03/2020, tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders công bố một cáo báo lên án chính quyền Việt Nam về hành động cưỡng bức nhận tội trên truyền hình quốc gia.

Hôm 11/03, tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders công bố một cáo báo lên án chính quyền Việt Nam về hành động cưỡng bức nhận tội trên truyền hình quốc gia.

Việc vi phạm quyền của người bị giam giữ trước khi xét xử ở Việt Nam trở thành tâm điểm ngày nay với công bố nghiên cứu mang tên “Cưỡng bức trước camera: Thú tội trên truyền hình ở Việt Nam” của tổ chức Safeguard Defenders có trụ sở ở Tây Ban Nha.

Báo cáo này là nghiên cứu đầu tiên về việc chế độ cộng sản Việt Nam thực hành ép buộc người đang bị giam giữ để điều tra về cáo buộc hình sự phải thú tội và sau đó phát lời thú tội này trên truyền hình.

“Hành động ép buộc thú tội rồi phát trên truyền hình vi phạm các nghĩa vụ của Việt Nam theo luật quốc tế mà chế độ đã ký kết,” báo cáo của Safeguard Defenders viết.

Cưỡng bức trước camera cung cấp thông tin về tình trạng nhà cầm quyền Việt Nam thường xuyên phát các lời thú tội thu được từ việc ép buộc người đang bị giam giữ trước khi xét xử trên hệ thống truyền hình địa phương hoặc Đài truyền hình trung ương VTV, báo cáo cho biết.

Báo cáo đã thu thập và phân tích 16 video phát sóng truyền hình lời lời thú tội của nhiều người bảo vệ quyền bao gồm một số luật sư có tiếng tăm, nhà báo công dân và người nông dân, và hai cá nhân nghi can trong một vụ án tham nhũng và một vụ án giết người …trong số 21 lời thú tội trên truyền hình do nhóm nghiên cứu tìm ra và ghi nhận từ năm 2007 đến đầu năm 2020.

Các nạn nhân bị cưỡng bức nhận tội trên truyền hình quốc gia Việt Nam. Photo Safeguard Defenders.

Các nạn nhân bị cưỡng bức nhận tội trên truyền hình quốc gia Việt Nam. Photo Safeguard Defenders.

Trong báo cáo, tổ chức Safeguard Defenders thực hiện phỏng vấn 3 nạn nhân bao gồm Luật sư Nguyễn Văn Đài, Luật sư Lê Công Đinh và công dân Hoa Kỳ Will Nguyễn.

Phỏng vấn cho thấy cách công an thao túng hoặc đạo diễn lời thú tội trước máy quay, lừa hoặc ép buộc họ hợp tác và cách những người bị giam giữ bị từ chối tiếp cận với luật sư,” Safeguard Defenders viết.

Giống như ở Trung Quốc, các nạn nhân Việt Nam (bị buộc) thú nhận hành động chống Nhà nước và cảm ơn chính quyền đã cho họ thấy lỗi của họ nhưng nói chung các chương trình phát sóng được sản xuất đơn giản hơn, không tinh vi như các chương trình của Trung Quốc,” phúc trình có đoạn viết.

Việt Nam đang sao chép một số mánh khóe của Trung Quốc,” Safeguard Defenders nhận định – “bao gồm cả lời thú tội của một cựu quan chức nhà nước đã bị bắt cóc từ Đức vào năm 2017 và buộc phải nói rằng ông đã tự nguyện trở về để đầu thú [Trịnh Xuân Thanh],” phát sóng lời thú tội của người nước ngoài đầu tiên vào năm 2018 [Will Nguyễn], và trường hợp gần đây nhất vào tháng 1 năm 2020 khi 4 người nông dân đấu tranh để ngăn chặn nhà cầm quyền cưỡng chế đất nông nghiệp của họ bị buộc nhận tội trước máy quay [vụ Đồng Tâm].

So với Trung Quốc, những đoạn clip thú tội trên truyền hình tại Việt Nam kém tinh xảo hơn về mặt nội dung và giá trị. Tuy nhiên, thú tội trên truyền hình hai nước có nhiều điểm giống nhau: nạn nhân xin lỗi, mong được hưởng khoan hồng, khuyên mọi người không đi vào vết xe đổ và thú nhận phạm tội chống lại Nhà nước.

Kỹ thuật sản xuất của các chương trình thú tội cũng được cải thiện rõ rệt,” Safeguard Defenders nhận định thêm.

Các nạn nhân bị cưỡng bức nhận tội. Photo Safeguard Defenders.

Phát sóng trên truyền hình những lời thú tội thu được bằng cách ép buộc không chỉ vi phạm luật pháp của Việt Nam về quyền tiếp cận luật sư, xét xử công bằng và quyền được bảo vệ chống tra tấn-tự buộc tội, nhà cầm quyền Việt Nam còn vi phạm các nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên của các hiệp ước nhân quyền quốc tế bao gồm Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị và các biện pháp bảo vệ tư pháp khác.

Safeguard Defenders kêu gọi chính phủ Việt Nam tuân thủ trách nhiệm của mình với tư cách là quốc gia đã ký kết Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị và Công ước của Liên Hợp quốc về Chống tra tấn, và tuân thủ luật pháp của chính Việt Nam bằng cách ngay lập tức cấm việc cưỡng bức người đang bị giam giữ nhận tội rồi phát trên truyền hình. Thay vào đó, người đang bị giam giữ cần được bảo vệ theo đúng quy trình và quy định của luật pháp.

VOA (11.03.2020)

RSF: Việt Nam là kẻ thù của tự do báo chí trên mạng

Việt Nam vừa bị Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) xếp vào danh sách 20 nước bị coi như kẻ thù của tự do báo chí trên mạng năm 2020 trong báo cáo mới được công bố hôm 11/3.

Theo báo cáo này, Việt Nam được xếp vào những nước có tình trạng bóp méo thông tin và bị xếp vào hạng 176 trên 180 nước về tự do báo chí.

Danh sách của RSF chia 20 nước đội sổ thành 4 dạng bao gồm: sách nhiễu, có kiểm duyệt của nhà nước, bóp méo thông tin hoặc do thám, giám sát.

Trong phần nói về Việt Nam, RSF nhận định chính phủ Việt Nam đã sử dụng lực lượng 47 với khoảng 10.000 chiến binh mạng nhằm chống lại cái mà chính phủ Việt Nam gọi là lực lượng phản động trên mạng, tức những thông tin chỉ trích chính phủ.

Vụ đụng độ giữa người dân xã  Đồng Tâm ở ngoại thành Hà Nội và lực lượng cảnh sát hôm 9/1 vừa qua khiến 4 người thiệt mạng và một số người khác bị thương cũng được đề cập như một ví dụ về tình trạng bóp méo thông tin của lực lượng 47. RSF cáo buộc Việt Nam đã sử dụng lực lượng 47 trên mạng với các hình ảnh người dân Đồng Tâm bị bắt giữ và ép thú nhận tội trên truyền hình.

Theo Tổ chức theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW), trong năm 2019, đã có ít nhất 25 người ở Việt Nam bị kết án tù vì bày tỏ ý kiến chỉ trích trên mạng.

Theo thống kê của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) công bố hồi cuối năm ngoái, trong năm 2019, Việt Nam đã bỏ tù ít nhất 12 nhà báo và là một trong nhóm 10 nước đứng đầu thế giới về các biện pháp đàn áp đối với báo giới chỉ trích chính phủ.

RFA (11.03.2020)

Chết bất minh trong đồn công an vẫn tiếp diễn, nhưng sự phản kháng gần như không còn

Công an áp giải phạm nhân tại trại giam Hoàng Tiến ở ngoại thành Hà Nội. Minh họa. Reuters

Trường hợp chết trong đồn công an mới nhất xảy ra ở tỉnh Thanh Hóa hôm 9/3/2020, một nam thanh niên tử vong bất thường khi đang bị tạm giữ tại công an huyện Triệu Sơn, trong tư thế treo cổ.

Tin cho biết, nạn nhân tử vong trong nhà tạm giam có tên là L.K.N, sinh năm 1987, trú tại xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Anh L.K.N bị Công an tỉnh bắt giữ vào ngày 7/3 để điều tra làm rõ liên quan vụ trộm cắp tài sản.

Đây là trường hợp thứ hai chết bất minh trong đồn công an từ đầu năm 2020 đến nay.

Trước đó, vào ngày 3/1/2020, Công an Thành phố Tây Ninh cũng cho biết, ông Phan Quốc Thắng 47 tuổi ở phường 1, người đâm thượng úy công an trọng thương và bị bắt tạm giam một ngày trước đó, đã treo cổ trong buồng tạm giam, tử vong.

Cô Trịnh Kim Tiến, con gái ông Trịnh Xuân Tùng, người bị trung tá công an Nguyễn Văn Ninh ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đánh chết hồi tháng Hai năm 2011 vì chạy xe không đội mũ bảo hiểm, nhận định với RFA hôm 10/3 về vấn nạn chết bất minh trong đồn công an:

“Tôi nghĩ việc người dân chết một cách vô cớ trong đồn công an bây giờ đang trở nên rất là bình thường trong suy nghĩ của người dân. Trước đây, khi mà nghe dân chết trong đồn công an thì rất là nhiều người bức xúc, và đặt câu hỏi. Nhưng trước những giải thích vô trách nhiệm và coi thường người dân của cơ quan chức năng, người ta đang bình thường hóa việc người dân chết trong đồn công an. Vì khi người dân theo đuổi công lý mà không có kết quả thì sẽ dễ gây tâm lý chán nản và từ bỏ. Hiện tại, rất nhiều trường hợp chết trong đồn công an vẫn tiếp diễn, nhưng sự phản kháng gần như không còn nữa.”

Tình trạng người đang khỏe mạnh khi phải vào đồn công an rồi tử vong và cơ quan chức năng báo nạn nhân tự tử hay bị bệnh chết thường xảy ra tại Việt Nam khiến nhiều người nghi vấn.

Tuy nhiên, khi đại diện Bô Công an trả lời chất vấn trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào năm 2019, đã cho rằng một trong các nguyên nhân dẫn đến tử vong trong các cơ sở giam giữ của Việt Nam có thể là do “phạm nhân day dứt, dằn vặt về hành vi phạm tội của mình dẫn đến bi quan mà tự tử”, hoặc do phạm nhân mắc phải các căn bệnh hiểm nghèo từ trước khi nhập trại.

Trung tá Vũ Minh Trí, trước khi về hưu công tác tại Tổng cục 2, khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề này hôm 10/3 cho biết, những thông tin chính quyền công bố, thì ông không tin nó là sự thật khách quan 100%. Vì theo ông, ở Việt Nam, các cơ quan bảo vệ pháp luật như tòa án, viện kiểm sát, công an… làm việc không độc lập và đều chịu sự chỉ đạo chung của đảng. Ông nói:

“Tôi đã thấy có những phiên tòa xét xử, thì mới biết nhiều người từng bị tra tấn ép cung, như vụ ông Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, hay ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang… là những người bị kết án tử hình… sau này không những công an, kiểm sát viên, chủ tọa phiên tòa… đều bị truy tố. Hay vụ xét xử 5 công an ở Nha Trang tra tấn chết một nghi phạm…

Theo Trung tá Vũ Minh Trí, những vụ việc được báo chí đăng tải đã xử lý, có lẽ mới chỉ là một phần sự thật, có nghĩa việc tra tấn ép cung có thể phổ biến hơn, có thể nhiều hơn nhiều. Ông đưa ra ví dụ:

“Hồi năm ngoái, khi ra tòa, nguyên ủy viên bộ chính trị, bí thư thành ủy TPHCM Đinh La Thăng có nói câu ‘mong được đối xử như một con người’, có nghĩa rằng một người như Đinh La Thăng mà khi vào tù còn không được đối xử như con người. Thế còn những người thấp cổ bé họng, những người không hiểu biết, không tiền, không thế lực… thì khi vào trại giam, hay tạm giam, sẽ còn bị đối xử tàn tệ hơn nữa.”

Việt Nam ký Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hợp Quốc vào ngày 7/11/2013 và được Quốc Hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 28/11/2014. Đây được cho là 1 trong 9 công ước cốt lõi về quyền con người của Liên Hợp Quốc. Các tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền quốc tế đánh giá tình trạng công an sử dụng bạo lực đối với người dân đang trở nên tràn lan tại Việt Nam hiện nay.

Mẹ của tù nhân chính trị Nguyễn Văn Hóa, kể với RFA hôm 10/3 về việc Hóa bị tra tấn ép cung khi mới bị bắt:

“Lúc Hóa mới bị bắt thì họ giấu đi chín ngày, trong thời gian đó họ tra tấn, ép cung… điều này chính Hóa cũng viết trong đơn nói rõ bị đánh đập, ép cung. Thời gian họ tạm giam Hóa 1 năm ở trại giam Hà Tĩnh, thì đối với Hóa đó là những ngày tháng bóng tối bao phủ.”

Cho đến nay chưa có một thống kê chính thức nào của chính phủ Việt Nam về việc có bao nhiêu nạn nhân chết trong đồn công an. Nhưng theo thống kê của RFA, dựa trên những thông tin được truyền thông trong nước đăng tải, năm 2018 có nhất 11 người chết trong đồn công an; năm 2019 có ít nhất 3 người chết; và từ đầu năm 2020 đến nay đã có 2 người chết khi đang bị tạm giữ.

Vào tháng 9 năm 2010, Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền –Human Rights Watch, công bố phúc trình ‘Tình trạng công an bạo hành, nạn nhân chết trong khi bị tam giam lan rộng’. Theo ghi nhận trong 12 tháng trước khi công bố phúc trình,có 19 trường hợp công an bạo hành khiến 15 người thiệt mạng.

RFA (10.03.2020)

Việt Nam : Các tổ chức phi chính phủ tố cáo việc kết án blogger Trương Duy Nhất

Blogger Trưưong Duy Nhất tại tòa án Hà Nội, ngày 9/03/2020.

Blogger Trưưong Duy Nhất tại tòa án Hà Nội, ngày 9/03/2020. Vietnam News Agency / AFP

Sau khi blogger Trương Duy Nhất bị tuyên án 10 năm tù hôm 09/03/2020 vì tội « lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ », Phóng viên Không biên giới và Ủy ban Bảo vệ Nhà báo đã lên tiếng phản đối và đòi hỏi trả tự do ngay lập tức cho ông.

Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Paris tố cáo một bản án « hoàn toàn bất công ». Ông Daniel Bastard, giám đốc phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của RSF tuyên bố : « Lập luận được đưa ra để kết án nặng nề ông Trương Duy Nhất là không thể chấp nhận được ». Theo thông cáo của RSF, nhà báo tự do này phải trả giá cho việc hành nghề khi sở hữu « những thông tin quý giá », và chính quyền Việt Nam muốn « trấn áp để làm gương ».

Phóng viên Không biên giới nhắc lại, ông Trương Duy Nhất được trông thấy lần cuối vào ngày 26/01/2019 tại Bangkok, Thái Lan, nơi ông đang chờ đợi Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc xét hồ sơ. RSF cho rằng blogger này bị bắt cóc, và hai tháng sau có tin ông Nhất đang ngồi tù ở Hà Nội.

Ông Shawn Crispin, đại diện Đông Nam Á của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cũng cho rằng chính quyền Việt Nam muốn dập tắt tiếng nói chỉ trích của ông Trương Duy Nhất, đòi hỏi trả tự do vô điều kiện cho ông và không cản trở việc ông Nhất kháng án.

Reuters dẫn lời bà Bay Fang, giám đốc RFA lên án bản án nặng nề dành cho ông Nhất.

Theo báo chí trong nước, ôngTrương Duy Nhất đã tự ý ký ba công văn gửi UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị được mua nhà đất công sản. Ngoài ra còn thỏa thuận với Phan Văn Anh Vũ bán nhà đất được giao cho báo Đại Đoàn Kết, gây thiệt hại hơn 13 tỉ đồng.

Sau thời gian làm việc cho báo nhà nước, năm 2010 ông Nhất nghỉ việc ở báo Đại Đoàn Kết, lập blog « Một góc nhìn khác » để đăng những bài bình luận của mình. Ông bị bắt khẩn cấp năm 2013 và bị kết án hai năm tù vì tội danh « Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân » theo điều 258 Luật Hình sự. Hết hạn tù, ông tiếp tục viết blog cho RFA.

RFI (10.03.2020)

Blogger Trương Duy Nhất bị xử 10 năm tù

Ông Trương Duy bị xử 10 năm tù hôm 9/3/2020 tại Hà Nội. Photo Truyền hình Thông tấn

Ông Trương Duy bị xử 10 năm tù hôm 9/3/2020 tại Hà Nội. Photo Truyền hình Thông tấn

Hôm 9/3/2020, một tòa án ở Hà Nội đã xử blogger Trương Duy Nhất 10 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, điều mà ông bác bỏ trong một vụ án xảy ra hơn 15 năm về trước.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong hai luật sư bào chữa cho ông Nhất, cho VOA biết nhận định của ông về bản án này:

Ông Trương Duy Nhất bị phạt 10 năm tù giam. Có khá nhiều điểm vô lý trong vụ án này. Tôi cho rằng ông ấy hoàn toàn bị oan vì có rất nhiều chi tiết để nói như vậy.”


Chính vì thế trong lời phát biểu sau này tại phiên tòa, ông Trương Duy Nhất đã nói rằng bản án này là “đòn thù chính trị,” cũng theo lời Luật sư Mạnh.

“Những điều mà ông thố lộ có thể là nguyên do ông cho rằng đây không phải là vụ án xét xử bình thường về một hành vi vi phạm pháp luật. Nó là một hành vi trừng phạt, ngăn chặn ông ấy về một hành vi tiết lộ thông tin nào đó ….Vì vậy ông nói đó là “đòn thù chính trị.”

Báo VNExpress hôm 9/3 loan tin ông Trương Duy Nhất, 58 tuổi, “nhận 10 năm tù với cáo buộc vì động cơ cá nhân gây thiệt hại hơn 13 tỷ đồng, khi đảm nhận chức trưởng văn phòng Trung Trung Bộ, báo Đại đoàn kết ở Đà Nẵng vào năm 2003-2004.

Trang này trích cáo trạng cho biết ông Nhất với tư cách Trưởng văn phòng đã ký ba văn bản gửi UBND Đà Nẵng xin mua nhà đất công sản với ưu đãi, không áp dụng hệ số sinh lời.

“Hành vi làm trái công vụ” của ông Nhất đã giúp công ty của Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là Vũ “Nhôm” mua nhà đất công sản không đúng đối tượng, gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 13 tỷ đồng (giá trị tại thời điểm khởi tố vụ án vào tháng 4/2018), cũng theo trang VNExpress.

Báo Tuổi Trẻ trích lời Viện Kiểm sát cho biết hai ông Lê Quang Trang, cựu tổng biên tập, và Bùi Thượng Toản, cựu phó tổng biên tập, “đã buông lỏng quản lý” để Trương Duy Nhất tự ý ký các văn bản đề xuất mua cũng như chuyển nhượng nhà đất tại 82 Trần Quốc Toản nhưng “xét tính chất, mức độ hành vi, cơ quan điều tra không đề cập xử lý hình sự” đối với hai ông.

Ông Trương Duy Nhất ra tòa ngày 9/3/2020. Photo Tuổi Trẻ Online.

Ông Trương Duy Nhất ra tòa ngày 9/3/2020. Photo Tuổi Trẻ Online.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu bức xúc về việc cùng bị cáo buộc là làm thất thoát cùng một khối tài sản nhưng hai cựu lãnh đạo của ông Nhất được “miễn trách nhiệm hình sự” trong khi thân chủ của ông bị xử 10 năm tù:

Hai người này được miễn truy tố với lý do ghi trong kết luận điều tra rằng chỉ làm thất thoát 301 triệu đồng, thuộc trường hợp “ít nghiêm trọng” và thời hiệu truy cứu trách nhiệm hai ông chỉ là 5 năm. Và khi khởi tố vụ án vào năm 2018 thì đã quá thời hạn 5 năm này rồi.

“Thế nhưng trong cùng một vụ án, cũng với tài sản bị thiệt như vậy, ông Trương Duy Nhất lại bị áp theo thời giá năm 2018, tài sản đó lên đến hơn 13 tỷ đồng, chứ không theo giá năm 2004 là 301 triệu đồng như hai ông kia. Do giá trị thiệt hại hơn 13 tỷ đồng nên thuộc “rất nghiêm trọng” và thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Nhất lên tới 15 năm.”

Nhà báo Trương Duy Nhất, blogger của Đài Á Châu Tự Do, được cho là bị bắt vào tháng 1/2019 sau khi ông đến Văn phòng Cao ủy tị nạn LHQ tại Bangkok, Thái Lan để xin tị nạn chính trị.

Sau gần 2 tháng kể từ khi được cho là mất tích, gia đình ông được thông báo là ông đang bị giam ở T16 ở Hà Nội từ ngày 28/01/2019.

VOA (09.03.2020)

RSF và CPJ phản đối bản án 10 năm mà Việt Nam tuyên cho blogger Trương Duy Nhất

Blogger Trương Duy Nhất tại phiên tòa ở Hà Nội hôm 9/3/2020

Blogger Trương Duy Nhất tại phiên tòa ở Hà Nội hôm 9/3/2020

 Courtesy of Công An Nhân Dân

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) trụ sở tại Pháp và Ủy Ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) trụ sở Hoa Kỳ vào ngày 9 tháng 3 ra thông cáo báo chí phản đối bản án 10 năm mà tòa án Hà Nội tuyên cho nhà báo/blogger Trương Duy Nhất vào sáng cùng ngày.

RSF cho biết tổ chức này thấy rất sốc khi hay tin về bản án 10 năm mà tòa tuyên cho ông Trương Duy Nhất. Ông này là nhà báo bị từng bị phía Việt Nam sang Thái Lan bắt cóc vào tháng 1 năm 2019 khi đang xin quy chế tỵ nạn tại cơ quan Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đóng tại Xứ Chùa Vàng.

Ông Daniel Bastard, Trưởng Văn phòng RSF khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, được dẫn lời trong thông cáo báo chí rằng “Những cơ sở lập luận đưa ra cho bản án cực kỳ hà khắc này hoàn toàn không thể chấp nhận được. Khi chính thức bị tuyên án do lợi dụng chức vụ, bản thân ông Nhất thực sự phải trả giá đắt cho nghề nghiệp của ông; lý do chỉ vì rõ ràng ông có được những thông tin quí giá. Cơ quan chức năng Việt Nam chứng tỏ họ muốn lấy trường hợp ông Nhất để làm gương bằng cách khủng bố ông theo cách này. Do đó RSF đòi hỏi phải trả tự do ngay cho ông Trương Duy Nhất”.

CPJ cũng lên tiếng kêu gọi cơ quan chức năng Việt Nam không nên tranh luận về kháng án của ông Trương Duy Nhất và trả tự do ngay và vô điều kiện cho ông.

Ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao của CPJ tại Đông Nam Á cho rằng ông Trương Duy Nhất bị kết án chỉ vì nghiệp vụ báo chí của ông; chứ không phải những cáo buộc giả tạo mà cơ quan chức năng ngụy dẫn ra để dập tắt tiếng nói chỉ trích của ông Nhất.

CPJ cho biết có liên lạc với Bộ Công an Việt Nam qua thư điện tử để hỏi về bản án tuyên cho ông Trương Duy Nhất vào sáng ngày 9 tháng 3; nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Hiện chưa rõ ông Trương Duy Nhất sẽ bị chuyển đến trại giam nào từ Trại T-16 Bộ Công An sau khi có bản án 10 năm vào sáng ngày 9 tháng 3.

RFA (09.03.2020)

Đài Á Châu Tự Do lên án bản án dành cho blogger Trương Duy Nhất

Blogger Trương Duy Nhất ra tòa tại Hà Nội hôm 9/3/2020

Blogger Trương Duy Nhất ra tòa tại Hà Nội hôm 9/3/2020.  Courtesy of FB Hoang Le Thanh

Đài Á Châu Tự Do hôm 9/3 chính thức lên án bản án 10 năm tù mà Tòa án Nhân dân Hà Nội vừa tuyên trong cùng ngày đối với blogger Trương Duy Nhất, gọi đây là một kết án không có công lý.

Tổng giám đốc Đài Á Châu Tự Do, bà Bay Fang được trích lời trong tuyên bố nói rằng: “Hành động tồi tệ này của giới chức việt Nam là một đòn nhắm vào tự do biểu đạt và tự do ngôn luận”.

Blogger của đài RFA là ông Trương Duy Nhất bị Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên án tù 10 năm về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 356, Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015.

Blogger Trương Duy Nhất bị cáo buộc đã lợi dụng chức vụ quyền hạn là Trưởng văn phòng đại diện của Báo Đại Đoàn Kết ở miền Trung, làm trái công vụ, tự ý ký ba công văn gửi UBND TP Đà Nẵng đề nghị mua nhà đất công sản với giá rẻ hồi năm 2004.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho blogger tại tòa cho biết ông Trương Duy Nhất đã bác bỏ hoàn toàn cáo trạng này và gọi đây là một đòn thù chính trị đê hèn.

Blogger Trương Duy Nhất cũng từng bị tuyên án 2 năm tù vào năm 2013 với cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức công dân” theo ddieuf 258 Bộ luật Hình sự.

Năm 2015, sau khi ra tù, blogger Trương Duy Nhất đã cộng tác viết blog cho Đài Á Châu Tự Do với nhiều bài viết chỉ trích chính phủ.

Tổng giám đốc Đài Á Châu Tự Do trong tuyên bố mới của mình nói rằng “Việc thực thi sai công lý (trong kết án Trương Duy Nhất) chỉ càng củng cố thêm nhiệm vụ của RFA là cung cấp cho người dân Việt Nam những thông tin chính xác, cách nhìn không bị kiểm duyệt”.

RFA (09.03.2020)