Cuộc đời đi làm của tôi mới hơn mười lăm năm, khi rảnh rỗi ngồi tính sơ sơ, chợt giật mình nhận ra tôi có gần chục “boss”. Nếu xét theo chuẩn “loyal employee – nhân viên trung thành “, chắc tôi không có thứ hạng nào, vì trung bình một năm rưỡi tôi lại thay chỗ làm. Nhưng sự thật không phải vậy, “dòng đời đưa đẩy” khiến tôi phải đổi chọn nhiều, chứ tôi thật lòng không phải người thích “bay nhảy”. Mỗi cuộc “chia tay” với “boss”, trừ người boss đầu tiên ở Việt Nam ra, cả chủ lẫn tớ đều bùi ngùi lưu luyến với nhau. Những người boss của tôi có đầy đủ thành phần, giới tính (nam, nữ và cả… gay)- từ ” thượng vàng” – bằng cấp treo đầy phòng, đến “hạ cám” chỉ biết đọc viết đủ để “ký check trả bill”. Tôi luôn biết ơn những ngày tháng thăng trầm với boss trên xứ sở cờ hoa đã dạy tôi “khôn lớn thành người”, giúp tôi rèn luyện tính cần cù, chăm chỉ và trái tim từ ái bao dung.
Boss đầu tiên của tôi ở Việt Nam, là một “cán bộ công chức XHCN” từ Bắc vào “tiếp quản”, rồi được đưa đi học ở Đức, và trở về làm trưởng phòng của một department thuộc một Viện lớn, gần giống như FDA của Mỹ. Ngày đó tôi mới tốt nghiệp, nhờ có “quen biết” mà được đi làm ngay, nên tôi trẻ nhất trong department, luôn được “ưu ái” ở lại “coi nhà, trực điện thoại” khi mọi người đi “công tác”. Khoảng 8 giờ sáng mỗi ngày, boss thong thả bước vào cổng, ghé lại “nói chút chuyện” với anh bảo vệ khoảng đâu nửa giờ, rồi đủng đỉnh đi lên phòng đọc báo. Thời gian ông ở phòng đọc báo lâu mau tuỳ thuộc vào tin tức ngày hôm đó có gì hấp dẫn hay không và có boss của các department khác ở đó hay không. Nếu hôm nào không phải phân chia công việc cho nhân viên, coi như tôi không thấy mặt ông cả ngày. Vì phong thái làm việc của ông như vậy, nên nhân viên cũng rất “tự do”. Ngày đó tôi thật vô tư, chỉ thấy mình đúng là ” số hưởng” vì nhiều người bạn học cùng thời tôi phải trầy trật xin việc, rồi làm công cho các công ty tư nhân đầu tắt mặt tối.
Tôi được giao nhiệm vụ “ghi báo cáo cuộc họp” mỗi tuần cho toàn department. Trong bản báo cáo của tôi, mỗi thành viên đều có một cột riêng trong đó ghi những ý kiến đóng góp cho công việc. Lần đầu tiên ghi báo cáo, tôi háo hức dành hẳn một cột to gấp hai lần so với cột của nhân viên cho “boss” vì nghĩ bụng thế nào ý của boss cũng nhiều nhất. Trái ngược với dự tính của tôi, cả buổi họp “boss” chỉ “ừ, à, thế nhé… cứ thế nhé”… theo mỗi đề nghị của nhân viên. Có lần cô A đưa ý kiến trái ngược với chị B, vậy mà không hiểu sao boss cũng “à, thế nhé…” làm mọi người trong phòng họp chưng hửng. Tôi ngồi bên cạnh boss phải nhắc khẽ ” chú, chú, vậy tuần sau thì mình phải làm theo cách A hay cách B?”. Lần duy nhất tôi thấy “boss” hào hứng trong cuộc họp là khi có tin bên trên sẽ chuyển về department 2 tỳ VN đồng (khoảng hơn 100 ngàn USD thời điểm đó) để mua sắm máy móc, phương tiện làm việc. Hôm đó boss chuẩn bị sẵn một cuốn catalog dầy cộm, say sưa bàn luận những thứ sẽ mua. Kết quả của buổi họp, department của tôi chi trọn vẹn số tiền 2 tỷ, phân nửa số đó là những món đồ xa xỉ cho computer, laptop, tủ lạnh, máy lạnh hiện đại… hoàn toàn không cần thiết cho công việc chuyên môn.
Hơn hai năm làm việc, tôi không học được gì đáng kể cho nghề nghiệp ngoài kinh nghiệm “ghi báo cáo” và sinh nhật boss thì phải đi đặt bánh ở đâu, mua những thứ quà gì… Đến ngày tôi gặp boss xin “giấy quyết định nghỉ làm” để đi sang Mỹ, boss cũng chỉ đáp lại bằng phong cách quen thuộc “à, ừ, thế hả, thế thì tốt quá…” Thật đáng buồn thay cho nước Việt, dường như cả đời của boss không có chuyện gì đáng lưu tâm hơn chuyện phải chi xài cho hết số ngân quỹ “nhà nước”.
Boss kế tiếp của tôi là một ông “Mỹ trắng”, chủ một hãng đồ ăn đông lạnh bắt đầu khởi nghiệp được vài năm. Kêu là hãng, thực ra đó chỉ là một căn nhà rộng khoảng 2500 sqft được sửa chữa lại cho đúng tiêu chuẩn yêu cầu của health department. Hầu hết công việc được làm phía dưới basement, còn tầng chính là văn phòng và kho lạnh.
Tôi bị “rớt” từ văn phòng máy lạnh với ghế da mềm mại ở Sài Gòn xuống cái basement lạnh buốt giữa mùa đông âm u miền Tây Bắc Hoa Kỳ. Tôi cứ muốn tin đây là chỉ là giấc mơ thôi, tỉnh dậy rồi sẽ là ngày tươi sáng. Khác xa với boss trước của tôi, ông boss Mỹ này có mặt ở chỗ làm trước cả nhân viên và vẫn còn loay hoay trong kho lạnh khi chúng tôi đã ra về. Ông làm việc chăm chỉ và cần mẫn, dồn cả tâm huyết vào từng món hàng dù nhỏ dù to. Tôi có dịp tiếp xúc với ông nhiều hơn khi được “tiến cử” lên làm việc văn phòng vài giờ mỗi ngày. Ông xuất thân từ gia đình lao động “blue-collar”, dành dụm gần hết cuộc đời để mở cái hãng nho nhỏ của ông…. Ông làm việc không ngơi tay, ngơi mắt nên dĩ nhiên đặt yêu cầu rất cao với nhân viên, bắt tôi phải sửa từng lỗi nhỏ cho đến khi nào hoàn hảo mới thôi. Đôi khi tôi chạnh lòng nhớ “boss Việt Nam”, còn trộm nghĩ chắc mình bị quả báo của việc “tham đó bỏ đăng” nên giờ mới cực nhọc như vầy..
Bữa tiệc đầu tiên của tôi trên đất Mỹ là tiệc Giáng Sinh do boss đãi ở một nhà hàng xinh xắn. Thật khác xa với sự nghiêm khắc thường ngày, boss vui vẻ và gần gũi với tất cả nhân viên, chuẩn bị bao thư và thiệp cảm ơn từng người, trong bao thư có kèm theo tờ chi phiếu tiền thưởng. Tôi mới vào làm chưa đầy hai tháng cũng được thưởng $50, số tiền nhỏ nhưng cũng đủ để tôi suy ngẫm… Đó là lễ giáng sinh đầu tiên trong cuộc đời đi làm của tôi không phải lo âu về việc chạy mua quà biếu cho boss mà còn được boss thưởng tiền..
Mười năm sau, tôi vào các chợ Mỹ và thấy các món đồ đông lạnh của ông boss cuõ nằm thật “hiên ngang” trong tủ trưng bày, gõ tên hãng ông lên Google thì được biết hàng của ông giờ đã xuất khẩu sang cả Âu Châu. Dù thời gian làm việc với ông “boss Mỹ” đầu tiên chỉ khoảng vài tháng, nhưng hình ảnh người boss siêng năng vẫn luôn in đậm trong lòng tôi như một biểu tượng của nước Mỹ cần cù, chăm chỉ.
Sau khi nghỉ việc ở hãng đồ ăn đông lạnh, tôi xin vào làm “chạy bàn” cho tiệm phở để tiện giờ đi học. Hăm hở đón xe bus đi nhận việc, tôi định bụng sẽ gặp một boss Việt Nam, thì lại bật ngửa nhận ra kì này mình có ” boss Đại Hàn”. Ông chủ tiệm phở có vợ là người Việt, yêu vợ và yêu món phở Việt nên mở nhà hàng bán phở. Tôi hiểu vắn tắt như vậy vì boss nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh đầy “accent” Đại Hàn và tôi trả lời boss cũng với “accent” Việt Nam đặc sệt. “Gà vịt” nói chuyện với nhau một lúc thì tóm gọn lại là: tôi phải đến làm theo thời khoá biểu từ 6 giờ tối đến khi đóng tiệm, khi đi làm phải mặc áo trắng, mang giày bít mũi, sẽ phải làm tất cả mọi việc trừ xào nấu và chùi rửa nhà vệ sinh vì đã có 2 ông Mễ lo rồi.
Lần đầu tiên được giao việc pha cà phê phin cho khách, tôi lúng túng không biết cần phải để cái chặn nhỏ ở đâu vì tôi chưa bao giờ tự pha cà phê để uống.. Loay hoay một hồi, muốn “dấu dốt” nên tôi đoán mò là cứ theo công thức của boss, 2 muỗng đầy cà phê và rót vô chừng này nước rồi cứ vậy mà bưng ra cho khách… Chừng hơn năm phút sau, tôi thấy boss cầm ly cà phê trở vô, vẻ mặt hầm hầm “xổ” một tràng dài, tạm dịch là “trời đất ơi, sao cô làm ăn ẩu tả quá, pha cà phê mà không chụp cái chận lên trên, khách uống vô toàn bột cà phê đây nè…” Boss nói nhiều lắm, theo ngôn ngữ bình dân là “chửi xối xả, chửi cho khỏi ngóc mặt lên”. Tôi đứng chịu trận, chỉ biết nói xin lỗi, cố kềm lắm mà nước mắt cứ tuôn ra…. Tôi thật là tủi thân nghĩ sao có người chẳng biết “thương hoa tiếc ngọc” chút nào! Bao nhiêu giọt nước mắt tôi rơi cũng không ngăn được “dòng chảy” nóng giận ào ào tuôn trào của boss. Nếu có đồng hồ bấm giờ lúc đó, có thể tính được boss rầy la tôi chắc phải hơn 3 phút sau bếp, trước ánh mắt đầy thương hại của 2 ông Mễ !
Trên chuyến xe bus trở về nhà, tôi định bụng sẽ không làm ở đó nữa. Nhưng rồi ngày hôm sau, tan buổi học ở trường, tôi lại theo thói quen đón đúng chuyến xe bus đi lên tiệm phở. Bước xuống xe rồi, tôi vừa đi vừa tự an ủi là mình có lỗi nên bị vậy cũng đáng đời, thôi ráng cho qua thời kỳ gian khó. Nhớ tích xưa Hàn Tín còn “luồn trôn giữa chợ”, thì nay tôi bị rầy trước mặt 2 ông Mễ cũng có đáng gì! Thật ngạc nhiên, boss vẫn vui vẻ đối xử với tôi y như bình thường, chỉ dặn tôi cái nào không biết thì hỏi cho kỹ, đừng có “đoán mò” mà “hư bột hư đường” hết.
Gần một năm làm cho tiệm phở, tôi tự nhiên có cảm tình với boss Đại Hàn vì ông rất là đàng hoàng sòng phẳng. Tiền tip của waiter, waitress ông chia rất đồng đều, không thiếu một xu. Tuy nghiêm khắc và nóng nảy trong giờ làm việc, nhưng khi vắng khách, boss rất rộng rãi, luôn nhắc nhân viên tranh thủ ăn uống. Tiệm của ông cũng rất gọn gàng sạch sẽ. Từ một cô gái xa lạ với việc bếp núc, tôi học được gần hết những món vén khéo trong “công dung ngôn hạnh” từ cái tiệm phở của ông. Sau này có dịp làm chung văn phòng với một “sếp” Đại Hàn khác, tôi hiểu được văn hoá của Đại Hàn là như vậy, rất cẩn thận, tỉ mỉ, làm cái gì cũng phải tới nơi tới chốn nhưng họ rất nóng nảy, nếu không muốn nói là vô cùng “cộc tính”… và họ rất thích phở Việt Nam, có thể ăn phở mỗi ngày mà không ngán. Mỗi lần nghĩ lại những ngày tháng “chạy bàn”, tôi lại hình dung ra bóng dáng tất tả của boss Đại Hàn, sau khi dọn dẹp xong nhà bếp, là tới cảnh boss ôm “tô phở xe lửa thập cẩm” lên bàn, rồi boss ăn như ông chưa hề được ăn phở cả tháng qua.
Tôi chuyển trường học, nên phải chia tay với Boss Đại Hàn để qua làm cho tiệm phở tiện đường xe bus của tôi. Vậy là tôi “trôi dạt” thêm vài tiệm nữa, cho đến khi tôi ra trường, làm việc full-time.
Boss của tôi kỳ này là người Mỹ gốc Do Thái.
Ông boss Do Thái làm chủ chuỗi tiệm nữ trang khắp các thành phố lớn trong vùng Tây Bắc Hoa Kỳ. Tôi hiếm khi được gặp ông vì phần lớn thời gian ông “travel” khắp các chi nhánh. Nghe kể ông cũng gầy dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, thật là đáng ngưỡng mộ.
Cho tới một ngày hè, tôi thấy boss xuất hiện ở trước cửa văn phòng cho cuộc họp không có “schedule” từ trước. Ngày hôm đó chúng tôi được biết tin buồn là hãng tôi sẽ phải đóng cửa chỉ trong vòng hai tháng, ngân hàng sẽ bắt đầu đi khắp các chi nhánh để kê biên tài sản. Tôi thấy mắt boss đỏ hoe, tiến đến bắt tay từng nhân viên thật chặt, boss xin lỗi vì đã không giữ được việc làm cho mọi người, và chúc mọi người may mắn tìm được công việc mới.
Đó là cuộc họp buồn nhất đời tôi, tôi nghe tim se thắt không chỉ vì lo âu cho những tháng ngày sắp tới sẽ thiếu hụt “income”, mà còn vì cảm giác “the American Dream” -giấc mơ tương lai vững bền và no ấm như đang vỡ tan trong lòng boss, trong lòng các bạn đồng nghiệp của tôi… Chúng tôi cùng đến mảnh đất này, cùng làm việc cật lực để dựng tạo dựng giấc mơ, cần mẫn xếp gạch mong sẽ xây lên những lâu đài, rồi cuộc suy trầm kinh tế như cơn đại hồng thủy bỗng từ đâu đến cuốn trôi lâu đài mơ ước… Bao nhiêu năm tháng trôi qua, tôi vẫn không bao giờ quên lần mất việc đầu tiên trong đời, hình ảnh những đôi mẳt đỏ hoe, cảm giác nồng ấm của những cái ôm, những cái siết tay thật chặt chúc nhau vững bước gầy dựng lại tương lai….
Tôi trở lại trường, tìm thêm nhiều lớp học và tìm được việc part-time ở hãng bán sỉ cho các chợ Á Châu trong vùng của một boss người Tàu Chợ Lớn. Boss mới rất vui vẻ và giản dị, cứ khoảng mười giờ sáng là lật đật ôm cái nồi cơm điện đi xúc gạo, nấu cơm cho cả văn phòng. Ông nói tiếng Việt không rành, cứ hay chêm “nị, ngọ”, đặc biệt là ai ông cũng gắn thêm chữ A đầu, gọi tên đặc sệt kiểu Tàu. Tôi vô làm kế toán cho ông, nên nghiễm nhiên trở thành “A Tố”. Hãng mướn thêm một anh Mễ vô để lái xe giao hàng, anh Mễ có tên “cúng cơm” là Rolando, nhưng boss tôi cứ quên hoài. Boss lại không phát âm được chữ “R”, vậy là boss đem nguyên cả đất nước Mễ Tây Cơ mà đặt đằng sau chữ A quen thuộc của boss, cứ gọi Rolando là “A Mễ”!
Có một lần, tôi phát hiện những chuyến hàng đi giao từ chiếc xe truck của Rolando- “A Mễ” đã hơn hai tháng vẫn chưa thấy thanh toán tiền, trong đó nhiều phần là “cash discount” – nghĩa là trả tiền mặt thì sẽ có giảm giá. Tôi cho boss biết, chúng tôi cùng tìm ra được Rolando đã giấu lại những phần tiền mặt khách trả. Boss gọi Rolando lên, và anh ta thú nhận là gia đình ở Mễ gặp khó khăn nên “mượn tạm”, đợi gom đủ tiền lương rồi sẽ trả lại cho boss. Boss thoạt đầu rất là nóng giận, nhưng ngày hôm sau, boss nói với tôi, “A Mễ” là người siêng năng nhất chỗ làm, ông quyết định cho anh ta cơ hội chuộc lỗi. Kể từ ngày đó, Rolando biết ơn boss và làm việc chăm chỉ hơn, làm bằng hai bằng ba những nhân viên khác, không còn thấy xảy ra mất tiền lần nào nữa.
Những khi 8 chiếc xe truck lớn của ông đi giao hàng hết, chỉ còn có hai chủ tớ trong phòng, boss hay kể chuyện đời cho tôi nghe, kể về ngày boss bị “đánh tư sản” ở Chợ Lớn, rồi ôm mớ vàng dấu lại được xuống Bến Tre vượt biên, mang theo 2 con gái nhỏ. Về những ngày đầu tới Mỹ, làm đủ thứ nghề, đi hái cherry, đi rửa chén nhà hàng, đi lau dọn văn phòng, trường học…. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ gương mặt phúc hậu của boss, nụ cười híp mắt kể về ngày ông nhận được việc làm mà ông gọi là “cái job thơm nhứt” ông tìm được: job đi “bỏ báo”. Hân hoan chưa được bao lâu thì boss bị gọi lên văn phòng và đưa cho cái “final check”: boss bị than phiền là mỗi ngày ông đánh thức cả cái “neighbor” dậy lúc 4,5 giờ sáng để “đọc báo” vì tiếng ồn như “tiếng máy cày” từ chiếc xe truck cũ kỹ của ông! Boss năn nỉ ỉ ôi, đem cả vợ dại con thơ ra kể lể, thì được cho làm trở lại, với điều kiện không được gây tiếng ồn trong xóm. Chưa đủ tiền để đổi xe, boss kể ông phải đậu xe thật xa ngoài đường lớn, rồi đi bộ lên các đồi dốc Seattle để giao báo qua mấy mùa đông.
Trải bao cay đắng ngọt bùi, ông cùng vợ tạo dựng cơ nghiệp, mua được cái building lớn để làm kho hàng bán sỉ, nuôi dạy 2 cô con gái nên người. Ông cũng biết tôi chỉ làm tạm, đợi khi nào có “job thơm” rồi cũng sẽ “bay đi” và thật lòng cầu chúc cho tôi. Biết tôi có lớp buổi tối ở trường, cứ gần 5 giờ chiều là ông nhìn đồng hồ rồi giục “A Tố để đó đi, mai vô làm tiếp, đi đi kẻo trễ….”
Tôi lưu luyến chia tay boss rời Seattle để nhận việc full-time, trong lòng luôn thấy thật ấm áp mỗi khi nhớ về người chủ với mái tóc trắng lơ thơ, lúc nào cũng cười tươi rói, làm luôn tay luôn chân từ trong nhà kho tới văn phòng.
Tôi sang Cali, làm việc ở một văn phòng kế toán được hơn ba năm với một boss “typical high class” Mỹ trắng ở Beverly Hills. Tôi được may mắn trải nghiệm gần hết những nhà hàng, quán ăn xinh đẹp và sang trọng ở Beverly Hills vì hãng “ăn nên làm ra” nên boss rất rộng rãi với nhân viên. Lẽ đương nhiên “tiền nào của nấy”, tôi phải tập trung làm việc rất căng thẳng, luôn phải chắc chắn hoàn thành những “projects” cho kịp ngày giao cho khách. Cũng nhờ vậy, tôi học được rất nhiều điều từ boss mới, từ cách ăn uống “healthy”, cách cẩn thận tỉ mỉ khi trả lời email cho khách đến những kiến thức vững vàng cho công việc chuyên môn. Có hôm tôi đến văn phòng, thấy còn sớm nên tôi đi thẳng lên tầng thượng của toà building. Nhìn xuống phố phường sang trọng và náo nhiệt trong nắng sớm Cali, tôi lâng lâng nghĩ sau này về hưu, biết đâu tôi sẽ viết một cuốn hồi ký với tựa đề “Từ Seattle basement tới Beverly Hills rooftop” cho cháu chít đọc và ngưỡng mộ “tấm gương vượt khó” của cụ cố ngày xưa!
Tôi mua nhà và chuyển về làm ở gần nhà để tiện việc chăm sóc gia đình. Ngày tôi nói lời chia tay với boss, cả chủ lẫn tớ đều bùi ngùi, cùng siết tay thật chặt và boss tôi cứ lặp đi lặp lại “welcome back anytime!”
Chuyển về gần nhà, tôi làm cho một boss người gốc Mễ Tây Cơ, gia đình bà đã ở Cali từ xa xưa lắm. Boss mới của tôi chăm chỉ và thân thiện, bà nói dòng máu Mễ Tây Cơ vẫn tràn trề trong huyết quản của bà, nên bà làm việc gấp ba gấp bốn lần người thường. Ngoài việc chuyên môn, tôi còn có thể “hầu chuyện” bà đủ thứ đề tài, từ con cái, rể dâu đến chuyện con chó pit bull của ông hàng xóm. Làm với bà càng lâu, tôi càng có cảm giác thật gần gũi, thân thương như mình là bà con cật ruột của bà. Tôi hay tình nguyện ở lại làm thêm giờ mỗi khi thấy bà làm không kịp, có khi chủ tớ bước ra khỏi văn phòng thì thấy mặt trời đã ló dạng phía xa xa. Cho đến một ngày, bà gọi tôi tới bàn làm việc và hỏi tôi bằng giọng rất nghiêm trang, tạm dịch là “Tố, cô có thời gian để nói chuyện với tôi bây giờ không?” Tôi trả lời “Dạ, dĩ nhiên rồi!” mà trong dạ thật lo âu, cố gắng nhớ lại gần đây mình có làm gì sai trái. Càng lục lại trí nhớ, tôi càng không nghĩ, không đoán được chuyện gì sẽ xảy ra.. Thôi thì “nhắm mắt đưa chân”, dù gì mình giờ cũng “kinh nghiệm đầy mình”, đi ra tìm việc chắc cũng không đến nỗi…
Tôi ngồi xuống ghế và bà bắt đầu dịu giọng “Tố, cô có thích làm việc ở đây không? Có nghĩ là sẽ ở lại đây lâu dài không?” Tôi thở phào nhẹ nhõm, trả lời rằng tôi rất vui khi làm việc với bà. Bà tiếp tục: “Tôi muốn Tố ở lại với tôi mãi mãi, không đi đâu nữa hết, Tố sẽ trở thành partner của tôi ở cái hãng này, với cổ phần là như vầy… Nếu Tố suy nghĩ và chấp nhận với cổ phần như thế, thì ngày mai mình sẽ ký giấy tờ, ra nhà băng làm lại cái account, tôi sẽ không là boss của Tố nữa, mà hai chúng ta sẽ làm việc cùng nhau, cùng đưa cái hãng này phát triển…” Tôi tưởng như mình đang nằm mơ, giấc mơ ngọt ngào nhất kể từ những năm tháng tha hương…
Kể từ ngày đó, tôi không có thêm boss nào khác nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn còn ám ảnh lần mất việc vì cuộc suy thoái kinh tế, nên vẫn không dám “ngủ quên trên chiến thắng”. Tôi luôn cố gắng học cho thật nhiều kiến thức để phòng thân, vì tôi luôn nhớ lời “boss Mỹ” đầu tiên của tôi hay nói, tạm dịch là “ở Mỹ, làm thầy thì phải ra thầy, thợ thì phải ra thợ, đừng dở dở ương ương sẽ không được việc gì!”
Ngồi nghĩ chuyện đời, tôi càng tin tưởng vào “ngôi sao ăn uống” trong lá số tử vi của mình. Ngày ở Việt Nam, nơi tôi làm hầu như có tiệc tùng liên tu bất tận. Sau ngày tới Mỹ, các boss của tôi, dù khác biệt sắc tộc màu da nhưng đều rất chú trọng chuyện “no đói” của nhân viên. Tôi được thưởng thức “free” đủ thứ từ Phở Việt Nam nóng hổi, thịt quay ngon nhất Chinatown, “organic Italian food” ở Beverly Hills tới món “taco ” chiên giòn kiểu Mễ. Đến mùa thuế là hầu như ngày 3 buổi ăn không kịp tiêu hoá… Mỗi người boss của tôi, khi tới Mỹ đều mang theo văn hóa từ quê hương bản quán, cùng nhau tô điểm nước Mỹ thành một bức tranh xinh đẹp rực rỡ sắc màu. Để nối tiếp “truyền thống” đãi ngộ nhân viên, tôi cũng hay chiêu đãi đồng nghiệp các món gỏi cuốn, chả giò, bún thịt nướng Việt Nam,.. như một cách trả ơn đời, ơn người.
Một thoáng ngậm ngùi về chuyện ăn “free”, tôi thấy mình thật “tội lỗi” khi đã từng ăn uống bằng tiền “nhà nước”, từng vô tình no say trên “mồ hôi nước mắt” của dân tôi. Thật xót xa mỗi khi tôi nhớ về những ngày tháng ở Việt Nam, cạnh bên bàn tiệc đầy “sơn hào hải vị” là hình ảnh những em nhỏ đánh giày, cụ già bán vé số với hình hài gầy guộc đến thảm thương, ánh mắt thèm thuồng nhìn những chén đồ ăn còn thừa lại… Ăn “free” ở Mỹ thì khác hẳn, tôi hiểu đó là “bonus” cho công sức làm việc chăm chỉ của mình, và xung quanh tôi cũng không thấy ai đói khổ thiếu ăn.
Cảm ơn nước Mỹ đã cho tôi những tháng năm trải nghiệm, cho tôi cái duyên được gặp, được học hỏi nhiều điều từ những người boss “hiệp chủng quốc” của tôi… Trải qua bao nhiêu cơn “mưa nắng quê người”, tôi thấy cuộc đời như con sông nhỏ trước nhà ngoại tôi ở chốn quê xưa, có khi “nước ròng” cạn nhìn thấy tận đáy sông rồi cũng đến lúc “nước lớn” từ biển về dâng lên dào dạt…
Nước Mỹ bao la với vòng tay rộng mở đã chắp cánh cho bao mảnh đời về nương náu từ khắp mọi nơi trên quả địa cầu, xin hãy cứ chăm chỉ và lương thiện, rồi sẽ có ngày hái trái ngọt hoa thơm.
Tố Nguyễn