Nhà Văn & Nhà Báo Phạm Đoan Trang
Những nhà hoạt động sợ rằng luật an ninh mạng sẽ cho phép nhà cầm quyền đàn áp thô bạo những người cổ động tự do biểu đạt tư tưởng.
Thành Phố HCM, Việt Nam – Phạm Đoan Trang gẩy đàn tây ban cầm một cách nhẹ nhàng. Cô đang trình diễn một bài dân ca Việt Nam “Nước Cuốn Mây Trôi.” Đây là một bài hát được nhà nước Việt Nam cho phép. Chính quyền theo dõi chặt chẽ bất cứ một cuộc trình diễn công cộng nào.
Cô Trang, 39 tuổi, hiện đang bị đau khi đánh đàn. Không phải vì lời bài hát hay âm điệu cảm động, mà bởi vì cô đánh đàn một cách khó khăn. Vào tháng 8 vừa qua, Trang bị bắt giữ cùng với 50 người khác tại một buổi hòa nhạc tại một phòng trà ở thành phố HCM.
“Họ bất ngờ đột kích buổi hòa nhạc. Họ nói ca sĩ hát những bài hát bị cấm,” Trang nói.
“Họ có luật quy định rằng mỗi người soạn nhạc phải ghi tên để trình diễn và phổ biến bài hát. Có nghĩa là nếu bạn soạn một bài hát và trình diễn bài hát ở một nơi nào đó mà không xin phép, bạn đang làm một việc bất hợp pháp.”
Những nhân chứng theo dõi khi công an hành hung cơ thể Trang lúc cô đang ngồi với các khán thính giả. Trong khi đang bị giam giữ bởi công an, cô bị thương ở cả hai bàn tay. Nhiều tuần lễ sau, những vết thâm tím vẫn còn trên các ngón tay.
Cô không bao giờ bị kết tội nhưng hộ chiếu, điện thoại và máy điện toán nhỏ của cô bị tịch thu.
Đây không phải là lần đầu Trang bị bắt giữ hay bị hành hung. Vào 2015, cô tham gia vào một cuộc biểu tình chống lại việc chặt cây tại thủ đô Hà Nội. Công an đã đàn áp những người biểu tình và hai đầu gối của cô bị gẫy. Điều này làm cô bị đi khập khiễng.
“Kể từ khi tôi trở thành một người hoạt động, tôi đã bị tấn công, tấn công cơ thể, nhiều lần bởi công an. Bây giờ tôi là một người tàn tật,” Trang nói trong khi nhìn xuống bàn tay, đầu gối và những dụng cụ giúp cô di chuyển ở bên cạnh.
“Một khi bạn biết về tự do, rất khó để bạn có thể ngưng lại.”
Não bộ Cộng Sản
Trang là một trong những nhà văn bất đồng chính kiến phong phú. Cuốn sách gần đây nhất “Chính Trị Bình Dân” làm cho cô bị giam giữ một thời gian ngắn trong năm nay. Đây là một cuốn sách vỡ lòng cho những nhà hoạt động dân chủ.
“Nhiều người nói cuốn sách này có thể mang lại cho tôi một bản án 20 năm tù. Cuốn sách này có thể làm cho tôi bị án tử hình. Đây một suy diễn hợp lý,” Trang nói. “Tôi không biết chiến lược hay kế hoạch của họ như thế nào. Tôi muốn nói là một ý kiến trên Facebook có thể nhận được vài “thích”, không phải hàng trăm hay hàng ngàn, nhưng họ vẫn bị kết án 20 năm tù.Tôi không thể hiểu được não bộ của những người Cộng Sản.”
Nhà bảo vệ môi trường Việt Nam Lê Đình Lương bị y án 20 năm tù vào tháng trước – một trong những bản án lâu nhất áp đặt lên người bất đồng chính kiến. Ông ta bị kết tội “âm mưu lật đổ nhà nước.”
Blogger Việt Nam Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – được trả tự do và bị đưa đi lưu vong ở Hoa Kỳ sau khi đã thi hành hai năm tù của một bản án 10 năm tù. Bà bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” vào 2016.
Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) nói rằng có ít nhất 97 tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Theo Ô. Phil Robertson, Phụ Tá Giám Đốc đặc trách về Á châu của Human Rights Watch con số này lên đến hơn 130.
Riêng trong năm nay, 55 người hoạt động Việt Nam, bloggers và người dung Facebook đã bị bỏ tù theo một cuộc điều tra của cơ quan AFP.
Nhiều người Việt Nam tin rằng nhà nước dùng những tù nhân chính trị như Mẹ Nấm để đổi lấy những nhượng bộ của Hoa Kỳ và gần đây nhất là để cải thiện liên hệ thương mại với Liên Hiệp Âu Châu.
Luật sư nhân quyền Lê Công Định thi hành năm năm tù và được trả tự do vì Hà Nội bị áp lực.
“Sau đó Hoa Kỳ đồng ý không chống Việt Nam vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Đó là lý do tại sao tôi ra khỏi nhà tù. Họ cố buộc tôi ra khỏi nước vào lúc đó nhưng tôi đã bác bỏ và quyết định ở lại và tiếp tục tranh đấu,” ông nói.
Lật đổ bằng Facebook?
“Từ Facebook Xuống Đường” là cuốn sách của Phạm Đoan Trang xuất bản chui tại Việt Nam vào 2016. Nó gây sự chú ý của nhà cầm quyền Việt Nam vì trình bầy những tài liệu liên quan đến phong trào môi trường phôi thai ở Việt Nam.
Trang rất cẩn thận về hoạt động trực tuyến. Cô biết rằng bất cứ phê bình nào cô đưa lên Facebook cũng có thể được sử dụng để khởi tố và bắt giam cô như những người đồng loại với cô.
Chính phủ Việt Nam tuyên bố đã sử dụng một tổ chức đặc nhiệm gồm 10.000 người để theo dõi những nhà hoạt động.
“Họ đang nghĩ gì? Họ có nghĩ rằng những người viết trên Facebook có thế lật đổ chính quyền không?” Trang hỏi.
Từ tháng 6 vừa qua, những cuộc biểu tình trên toàn quốc chống lại Đặc Khu Kinh Tế và luật an ninh mạng đã gây bất ngờ cho Hà Nội. Hàng trăm người bị bắt.
“Có gần 60 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook,” Vi Trần, đồng gíam đốc Sáng Kiến Pháp Lý cho Việt Nam, nói. “Nhiều cuộc biểu tình lớn chống lại chính quyền khắp nước đã bắt đầu từ Facebook.”
Bên trong Việt Nam, quá khứ cho thấy tin tức từ trên chuyển xuống qua cơ quan truyền thông quốc doanh, nhưng với sự phát triển của những mạng cá nhân và truyền thông xã hội, tin tức bây giờ truyền đi theo hàng ngang với những bloggers và nhà báo viết và trao đổi tin tức một cách độc lập.
Chỉ số tự do báo chí của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters Without Borders) xếp Việt Nam vào hạng thứ 175 trong số 180 nước – một điểm trước Trung Quốc. Tổ chức Freedom House nói Việt Nam không có tự do.
Nhưng không giống Trung Quốc, Facebook, YouTube, và Twitter ở Việt Nam không bị ngăn chặn. Theo luật an ninh mạng mới được chấp thuận, chính quyền Việt Nam yêu cầu những công ty kỹ thuật Hoa Kỳ mở văn phòng ở trong nước để lưu trữ dữ kiện tại địa phương.
Một bài hát cho tự do
Luật an ninh mạng sẽ bắt đầu có hiệu lực vào 1-1-2019, những đại công ty Facebook và Google được cho một năm để thi hành kể từ thời hạn trên. Human Rights Watch nói đây là một thảm họa cho tự do biểu đạt tại Việt Nam.
“Những nhà quan sát nói rằng luật an ninh mạng sẽ cung cấp cho nhà nước một khí cụ để bắt nhiều nhả hoạt động hơn,” LS Lê Công Định nói.
Những nhóm xã hội dân sự lo ngại rằng Facebook đã bắt đầu ngăn chặn hoặc đóng những chương mục do nhà cầm quyền yêu cầu. Hành động này có thể bịt miệng nhiều nhà bất đồng chính kiến đang sử dụng diễn đàn này để trao đổi tin tức và ý kiến.
“Tôi cảm thấy lo ngại cho những người khác. Tôi đã quá quen thuộc với sự đàn áp hung bạo và kiềm chế về mặt chính trị,” cô Trang nói. “Nhưng đối với những người khác, đây là một nguy hiểm thật sự bởi vì bây giờ họ có thể bắt giữ và bị án tù lâu vì tài liệu đưa lên mạng.”
Trang cực kỳ lo ngại về tình trạng nhân quyền đang trở nên tồi tệ ở Việt Nam, Nhưng cô lạc quan về những phương pháp ôn hòa, không hung bạo do đồng bào của cô sử dụng để bầy tỏ sự bất mãn đối với chế độ Hà Nội.
Trong khi chờ đợi, cô sẽ tiếp tục làm việc bên ngoài các mạng xã hội.
“Bàn tay của tôi bị đau nhưng tôi vẫn còn có thể đánh máy. Tôi đang viết một cuốn sách mới. Đó là một cẩm nang pháp lý cho những người có thân nhân bị tù,” Trang nói. “Tôi có thể soạn ngay cả một bài hát.”
Nguồn: Al Jazeera News, 15-11-2018
Adam Bemma Nguyễn Quốc Khải chuyển ngữ, Dân Luận