Mỹ đã thông qua một Đạo luật nhằm từ chối thị thực cho các quan chức Trung Quốc.
Theo hãng tin FT, Đạo luật hạn chế du lịch tới Mỹ đối với các quan chức Trung Quốc được coi là có liên quan trong việc ngăn cản hoặc hạn chế những cá nhân hoặc phái đoàn nước ngoài đến Tây Tạng. Đây là bước đầu tiên nhắm vào giới tinh hoa Trung Quốc, liên quan đến chính sách nhân quyền.
Đạo luật này được đưa ra trong bối cảnh Quốc hội Mỹ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt trực tiếp đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về các trại cải huấn ở vùng biên giới Tân Cương, nơi có khoảng 1 triệu người Hồi giáo Trung Quốc thuộc dân tộc Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ. Sự thúc đẩy này đã làm dấy lên lo ngại trong giới tinh hoa Trung Quốc rằng họ là mục tiêu tương tự như mục tiêu trong Đạo luật Magnitsky.
Khu tự trị Tây Tạng hiện là khu vực duy nhất ở Trung Quốc yêu cầu thị thực riêng cho du khách nước ngoài, cư dân nước ngoài, các nhà báo hoặc nhà ngoại giao. Những thị thực như vậy thường xuyên bị từ chối, bao gồm cả việc thăm viếng thủ đô Lhasa của Tây Tạng, trong nhiều tháng trong năm – tương ứng với những ngày kỷ niệm các cuộc biểu tình của Tây Tạng chống lại sự cai trị của Trung Quốc.
Giống như Trung Quốc, nhân quyền Việt Nam cũng được “quy hoạch” theo xu hướng: ký kết các điều ước quốc tế về nhân quyền nhưng không thực hiện; tiến hành truy tố và tống giam những người thực hiện hành vi nhân quyền; và ngăn trở những nhà quan sát nhân quyền quốc tế, những người giám sát độc lập.
Đạo luật Nhân quyền Magnitsky – một di sản của cựu Tổng thống Obama hiện vẫn đang được xem là nguồn chế tài duy nhất nhằm cải thiện nhân quyền Việt Nam, vì nó đánh trực tiếp vào quyền lợi của giới tinh hoa Việt Nam. Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều về phạm vi và mức độ áp dụng, cũng như sự “ấm lên của quan hệ Việt – Mỹ”, tuy nhiên, nhiều người trông đợi rằng, sau Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, Đạo luật Magnitsky sẽ sớm áp dụng cho Việt Nam. Điều này càng trở thành một nhu cầu bức thiết trong bối cảnh, Hà Nội gia tăng việc bắt bớ liên quan đến thực hành nhân quyền trong thời gian gần đây, mà mới nhất là lệnh truy nã dành cho 02 người với tội danh “lật đổ chính quyền nhân dân”.
Tuy nhiên để áp dụng được Luật Magnitsky vào Việt Nam, cần phải có một tác động đủ lớn đối với chính quyền Mỹ. Sở dĩ Tây Tạng nằm trong danh sách vì tồn tại các trại cải huấn đối với người Duy Ngô Nhĩ với số lượng lên đến 1 triệu người; có báo cáo liên tục và sự vận động liên tục của chính phủ lưu vong Tây Tạng ở Mỹ kết hợp với 21 nhóm nhân quyền Tây Tạng, trong đó có cả Mạng lưới Tây Tạng Quốc tế, và tất nhiên là người đỡ đầu tinh thần Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong khi tại Việt Nam, con số này chỉ ở mức 0.1%, và sự vận động cho dự luật này chỉ mới được tổ chức BPSOS tiến hành là chính; các yếu tố về tổ chức lẫn người đỡ đầu tinh thân như Tây Tạng đều không có, nghĩa là nó chưa thành một sự quy mô ngay trong nội tại cộng đồng người Việt ở Mỹ hay nhóm nghị viên bảo trợ nhân quyền Việt Nam ở các nước. Bản thân nhóm đấu tranh nhân quyền Việt Nam ở hải ngoại cũng chưa tin tưởng hoặc hiểu hết về tính chế tài của Magnitsky nên thiếu một sự quan tâm đúng mức đến nó, một trong số đó có thể kể đến nhà báo Mặc Lâm (RFA), người cho rằng, đạo luật này không tác động lớn.
Tuy nhiên, đạo luật lớn hay không là do cách mà người Việt vận động. Bởi nhân quyền Việt Nam chỉ sáng hơn khi mà hình thành sự tương tác giữa vi phạm trong nước với sự vận động nhân quyền dựa trên báo cáo ở bên ngoài một cách liên tục và có hệ thống. Do đó, dồn nội lực hỗ trợ BPSOS, hỗ trợ báo cáo xoay quanh BPSOS là phương cách không tồi lắm nhằm hiện thực hóa Magnitsky tại Việt Nam
Ngoài ra, một dự luật tương tự Magnitsky sẽ được cộng đồng EU biên soạn, mà bản thân người đứng đầu BPSOS – TS. Nguyễn Đình Thắng cho rằng, nó sẽ tạo ra một tác động không nhỏ. Tất nhiên, để đảm bảo một đạo luật mang tính “trừng phạt hơn”, thì vẫn cần một sự vận động liên tục và tích cực như đã nêu ở trên. Cụ thể hơn nữa là bản thân các hội đoàn dân sự độc lập trong nước và cộng đồng nhân quyền hải ngoại phải thống nhất về chương trình hành động chung, ít nhất là đảm bảo về một chương trình, để tránh hiện trạng mạnh ai nấy làm. Nhân quyền suy cho cùng là sự áp dụng mang tính ràng buộc trên sự thống nhất, còn đa dạng nhân quyền chỉ áp dụng tại một quốc gia dân chủ hơn là độc tài.
Khó có thể nói trước điều gì cho nhân quyền Việt Nam sắp đến sẽ chuyển biến như thế nào, nhưng những gì đã và đang diễn ra với Trung Quốc nói chung và cộng đồng Tây Tạng nói riêng là cơ sở để tin rằng, nếu thực sự vận động theo đúng hướng chế tài, thì khả năng kiềm chế lạm dụng nhân quyền, gỡ bỏ “nhân quyền hình thức”, hay đàn áp nhân quyền sẽ phần nào được giảm thiểu.
Hoa Nghi (VNTB)