Giáo dục cho trẻ điều gì là quan trọng? Đó chính là chỉ ra cho chúng những khả năng để làm chủ bản thân mình và từ đó là dành sự tôn trọng cũng với các giá trị đó ở những đứa trẻ khác, một cách hoàn toàn tự nguyện và bằng những ý niệm tốt đẹp.
Khi dành cho chúng những tri thức để nhận biết về bản thân, về các giá trị mà chúng đã được thừa hưởng vào ngay thời điểm kể từ khi sinh ra, được bảo vệ và bao gồm sự loại trừ mọi sự xâm hại từ phía những người khác, bất kể là ai, từ cha mẹ cho đến giáo viên ở trường học hoặc bất cứ một nhân viên chính quyền nào.
Rõ ràng như vậy, khi cho chúng biết được các quyền của mình và nghĩa vụ tôn trọng nó ở những người khác, chúng cũng sẽ nhận ra rằng, chúng sẽ nhận được các sự bảo hộ từ những người trưởng thành hơn chúng vào bất kỳ lúc nào chúng cần tới. Và do đó, nhiệm vụ của giáo dục không chỉ nhằm đảm bảo cho chúng một tâm hồn giàu trí tưởng tượng và tự do, mà cần phải chỉ ra cho chúng nhận thấy được các phạm vi quyền lực của mình và ranh giới để không xâm hại vào những thứ đó ở những người xung quanh. Và chính từ những đảm bảo về phạm vi được bảo hộ của chúng, chúng mới có thể có đủ không gian và từ đó là dành toàn bộ tâm trí cho việc làm giàu trí tuệ của bản thân. Chúng sẽ có nhiều cơ hội để tập trung vào đúng mục đích của chúng hơn, đó là tìm lấy những gì mà tự chúng, một cách tự nội thân, có thể hình dung và kiến tạo nên.
Nếu giáo dục có thể đảm bảo được các cơ chế bảo vệ thực sự cho những đứa trẻ một cách hữu hiệu, tức là đầy đủ và kịp thời, những vấn đề chính của giáo dục lúc này chỉ còn nằm ở phương cách làm thế nào để có thể tạo ra những đứa trẻ có phẩm chất và phát huy hết được tiềm năng ẩn chứa trong mình. Nhiệm vụ của giáo dục là nhằm tạo ra những đứa trẻ làm chủ bản thân, làm chủ nhận thức (bao gồm tư duy và tư tưởng) và các giá trị của con người. Giáo dục không thể gò ép hoặc cưỡng buộc vào bất cứ mục đích chính trị nào. Ngược lại, giáo dục phải là một phương tiện và hành trình để giúp cho người học sau này sẽ làm chủ về chính trị.
Vì một khi các ngôi trường được lập nên bởi mục đích để truyền thụ cho các quan điểm của chính hệ thống quyền lực đang chiếm lĩnh việc điều hành quốc gia, nó sẽ cắt bớt và hoá trang tất cả các chương trình lẫn bài giảng sao cho chúng sẽ làm cho người học không còn nhận ra các phạm vi của sự đúng sai, xấu tốt, nên và không nên giữa con người với con người, mà các ngôi trường sẽ trở thành một cái nôi của môi trường quyền uy, chỉ còn lại chủ yếu là các bài học huấn dục với nội dung về phục tùng và trừng phạt. Phục tùng bằng cách ca ngợi hệ thống chính trị, thoả mãn các tiêu chuẩn, thành tích do chính quyền đặt ra. Nếu không thể đáp ứng, những người học sẽ trở thành đối tượng điển hình của những cái xấu xa, hư hỏng và tội lỗi.
Không thể tìm thấy được một chút hy vọng và điểm sáng nào với một cung cách giáo dục như thế. Và cũng bởi vậy, những ngôi trường kiểu đó sẽ làm rất tốt nhiệm vụ của một chiến binh, hoặc ít nhất là những kẻ chỉ có sự khôn lanh và trí trá, coi các thể nhân đang cùng theo học khác chỉ là đối tượng để giám sát và thực nghiệm quyền uy có tổ chức từ những người trưởng thành khác. Chính kiểu giáo dục này sẽ tạo ra những kiểu trật tự có vẻ như ổn định, nhưng thực chất nó tạo ra hoàng loạt các xung đột và mâu thuẫn theo kiểu hỗn loạn, bởi nó đã làm cho những con người thoả nhiên dẫm đạp lên các quyền lợi của người khác, mà tệ hơn là chúng còn coi đó là nghĩa vụ học tập cao cả hàng đầu của mình.
Một xã hội được vận hành và tổ chức theo phương châm như vậy, sẽ khiến cho người nhận được các sự giáo dục kiểu đó sẽ trở nên không lệ thuộc vào hệ thống thì sẽ phải lệ thuộc vào kẻ khác chỉ cần kẻ đó có vị thế hoặc ban phát quyền lợi cho chúng. Tức là vì chúng không thể tự chủ và được đào tạo để quản lý khả năng, nhu cầu của bản thân mà lệ thuộc vào sự phân công của người nào đó, nên bắt buộc chúng phải tham gia vào một tổ chức có tính phân cấp, phải đặt tận tay chúng các nhiệm vụ rõ ràng chúng mới biết mình sẽ làm gì, nếu không chúng sẽ mất phương hướng trong việc xác định giá trị, tố chất hoặc mục đích của bản thân.
Những lối giáo dục như vậy thường xuất phát và có thể được duy tồn vững chắc ở các thể chế độc tài hoặc là ở các dân tộc có một lề lối sống theo kiểu tôn ti trật tự quá rõ nét và đậm đặc. Và điều này không chỉ là một hệ quả của việc cai trị chuyên chế, mà nó cũng chính là sản phẩm của chính quyền độc đoán đang cai trị nhân dân trong toàn xã hội.
16.12.2018