Song Thao
“Trai khôn tìm vợ chợ đông / Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”. Câu dạy khôn này ngày nay đã lỗi thời. Từ lâu rồi. Chốn “ba quân” ngày xưa, trước 1975, tại Việt Nam đã có bóng hồng. Đó là các nữ quân nhân. Nhưng hoạt động của những anh thư của đảng kaki ngày đó chỉ giới hạn trong phạm vi xã hội và y tế. Không ai nỡ mang hoa ra chiến trường.
Ngày nay, chị em phụ nữ Việt chúng ta ở bên Mỹ cũng mang đồng phục nhưng oai phong hơn nhiều. Họ cũng xông pha ra chỗ mũi tên hòn đạn ngang ngửa với các nam nhi. Nam nhi người Việt cũng như nam nhi người Mỹ, to như những ông hộ pháp. Cạnh tranh trong một tình thế lép vế như vậy nhưng chị em phụ nữ oai hùng chẳng kém chi ai. Chẳng phải là ngày phụ nữ, chẳng lễ mẹ chi, tự nhiên tôi muốn nhắc tới những bậc anh thư Việt Nam lỗi lạc này bởi vì tôi ngợp với những con cháu bà Trưng bà Triệu nơi xứ người.
Tướng gốc Việt trong quân đội Mỹ có năm vị. Dẫn đầu là Thiếu Tướng Lương Xuân Việt của Lục quân. Vệ Binh Quốc Gia có Chuẩn Tướng Lập Thể Flora. Thủy Quân Lục Chiến có Chuẩn Tướng William Seely. Không quân có Chuẩn Tướng John Edwards. Hải Quân có Phó Đề Đốc Nguyễn Từ Huấn. Vậy là Hải Lục Không Quân kèm thêm Thủy Quân Lục Chiến và Vệ Binh Quốc Gia, chúng ta đều có tướng. Chúng ta tự hào về những nam tướng gốc Việt trong mọi binh chủng này nhưng chúng ta tự hào hơn nếu biết là chúng ta còn có hai vị nữ tướng gốc Việt trong quân đội Mỹ. Đó là Chuẩn Tướng Danielle Ngô và Phó Đề Đốc Vũ Thế Thùy Anh.
Chuẩn Tướng Danielle Ngô được gắn sao trên ve áo vào tháng 6 năm 2019. Như vậy là bà đi từ cấp bậc thấp nhất lên tới tướng trong 29 năm quân ngũ. Danielle Ngô gia nhập Lục quân Hoa Kỳ năm 1990, phục vụ trong ngành Công Binh. Bà theo học khóa sĩ quan và được gắn lon Thiếu Úy vào năm 1994. Bà có mặt trong hàng ngũ công binh Nhảy Dù và công binh chiến đấu trên các chiến trường Iraq và Afghanistan. Chỉ trong tám năm, bà đã lên tới Trung Tá, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 52 Công Binh. Năm 2012, bà đã chỉ huy vụ dập tắt đám cháy rừng rộng lớn Waldo Canyon. Năm sau, bà lại hoàn thành vụ dập tắt đám cháy rừng lớn hơn Black Forest Fire ở Colorado. Thắng ông thần lửa, bà cũng thắng ông thần nước trong vụ mưa lũ làm sạt lở căn cứ tối mật của Không Quân xây ngầm trong núi Cheyenne Mountain cũng ở Colorado. Khi đó là tháng 9 năm 2013. Tháng 8 năm 2014, bà được vinh thăng Đại Tá. Năm 2017, bà Danielle Ngô đảm nhận chức Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn Công Binh 130, hoạt động trong khu vực Thái Bình Dương. Về học vấn, bà có bằng Cử Nhân Tài Chánh, Đại học Massachusetts, hai văn bằng Cao học tại trường Command and General Staff College và Đại học Georgetown.
Viên nữ tướng gốc Việt thứ hai trong quân đội Mỹ là Vũ Thế Thùy Anh. Bà cũng được gắn sao trên ve áo cùng thời gian với bà Danielle Ngô, tháng 6 năm 2019, nhưng vì phục vụ trong Hải quân nên hàm chính danh của bà là Rear Admiral, Phó Đề Đốc, tương đương với Chuẩn Tướng trong các binh chủng khác. Chào đời vào năm Mậu Thân 1968, di tản qua Mỹ vào năm 1975, Thùy Anh sau đó theo học ngành Dược tại Đại học Maryland. Ra trường năm 1994, bà làm việc tại Đại học John Hopkins. Là con gái đầu của Hải Quân Đại Úy Vũ Thế Hiệp, bà quyết định theo nghiệp hải hồ của cha. Bà gia nhập U.S. Public Health Service, viết tắt là PHS, và trở thành sĩ quan quân dược của Hải quân. Nhiều người sẽ thắc mắc về tổ chức PHS này. Ra đời vào năm 1798, PHS được quân đội hóa vào năm 1889 với một chuỗi các bệnh viện Hải quân đặt ở các hải cảng quan trọng như Boston, Charleston, New Orleans…để kiểm soát dịch bệnh khỏi thâm nhập vào Mỹ. Thành viên của PHS là các bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, y tá. Họ mang cấp bậc quân đội và hoạt động cho cộng đồng khi có thiên tai, bão lụt, bệnh tật hay dịch bệnh. PHS có nhiệm vụ cách ly và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm trước khi nó bùng nổ và phát tán ra khắp nơi trong cả nước. Chính PHS đã đóng một vai trò quan trọng trong trận đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 và cộng tác với cơ quan phòng chống dịch Centers for Disease Control mà chúng ta biết tới với tên viết tắt là CDC trong trận chiến chống Covid-19 hiện nay.
Năm 2015, sau 12 năm phục vụ trong PHS, bà Vũ Thế Thùy Anh đã mang lon Đại Tá và, như chúng ta biết, bà đã được vinh thăng Phó Đề Đốc (Rear Admiral).
Như vậy là hiện tại chúng ta có 5 nam tướng và 2 nữ tướng gốc Việt trong quân đội Mỹ. Nhưng hình như chúng ta chỉ nghe nói nhiều tới các nam tướng. Kể cũng lạ! Ngày nay chốn “ba quân” đâu có phải chỉ toàn là các đấng nam nhi. Được đeo sao trên ve áo trong quân ngũ Mỹ không phải chuyện dễ, nam tướng hay nữ tướng cũng đều phải theo một trình tự khe khắt như nhau. Ở đây, chúng ta chỉ nói tới Chuẩn Tướng, cấp bậc của Danielle Ngô và Vũ Thế Thùy Anh. Thử nhìn vào con số trước. Số chuẩn tướng trong quân đội Mỹ hiện có như sau: Hải Quân: 110 Phó Đề Đốc; Coast Guard (Tuần Duyên): 19 Phó Đề Đốc; Thủy Quân Lục Chiến: 40 Chuẩn Tướng; Lục Quân: 150 Chuẩn Tướng; Không Quân: 139 Chuẩn Tướng. Tổng cộng là 439 Phó Đề Đốc và Chuẩn Tướng.
Các điều kiện để được đề nghị phong cấp Chuẩn Tướng khá khó khăn. Trước hết phải mang cấp Đại Tá được 3 năm. Sau đó phải là Chỉ Huy Trưởng xuất sắc. Tiến trình sau đó tuần tự như sau: được Hội Đồng Thăng Cấp chọn lọc, Tư Lệnh quân chủng đề nghị lên Bộ Trưởng Quốc Phòng, Thượng Viện duyệt xét, Tổng Thống quyết định bổ nhiệm. Thường chỉ có 3% các Đại Tá được đề nghị trở thành Chuẩn Tướng! (*)
Một nữ lưu gốc Việt được đề nghị lên tướng nhưng đã về hưu không kịp chờ ngày sao mọc trên ve áo. Đó là Đại Tá Bác sĩ Mylene Trần Huỳnh, tên Việt là Trần Thị Phương Đài. Bà là con của Bác sĩ quân y Dù Trần Đoàn và Dược sĩ Phan Thị Nhơn. Năm 1975, khi Sài Gòn Thất thủ, Mylene mới chỉ được 9 tuổi. Gia đình bị kẹt lại, Bác sĩ Trần Đoàn bị tống vào trại tù cải tạo. Cũng may ông chỉ ở tù một năm. Họ vượt biển thành công và tới được Manila, Phi Luật Tân. Tới Mỹ, bà đã tốt nghiệp bác sĩ tại Đại Học Virginia và phục vụ trong Không Quân Hoa Kỳ suốt 18 năm. Bà giữ chức Giám Đốc của Air Force Medical Service, viết tắt là AFMS, thuộc Chương Trình Chuyên Viên Y Tế Quốc Tế (International Health Specialist), trực thuộc văn phòng “Office of the Air Force Surgeon General”. Cựu Trung Tướng Lữ Lan đã ca ngợi Bác sĩ Mylene Trần Huỳnh trong buổi lễ bà được vinh thăng Đại Tá: “Thành tựu của Bác sĩ Mylene Trần không những là một niềm vinh dự của riêng cô mà còn là của cả cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Chỉ 35 năm trước đây khi những người tỵ nạn mới đặt chân lên miền đất hứa này, mấy ai nghĩ rằng cô bé “thuyền nhân” nhỏ nhắn đã đến đây từ 30 năm trước lại có ngày trở thành một y sĩ đáng kính trong ngành Quân y của quân lực Hoa Kỳ… Điều đáng ca ngợi nơi Mylene hơn nữa, trong khi đang sống một cuộc sống tự do và hạnh phúc nơi xứ sở Hoa Kỳ, cô vẫn không quên nguồn cội mình và người dân Việt Nam còn đang sống khốn khổ dưới chế độ cộng sản. Cô cùng toán y tế của mình đã nhiều lần trở về Việt Nam để săn sóc y tế cho người nghèo và những kẻ thiếu may mắn”.
Không ở trong quân ngũ, không lon, không sao nhưng được mệnh danh là “Bomb Lady”, bà Dương Nguyệt Ánh đúng là một anh thư kiệt xuất. Bà sanh năm 1960, rời Việt Nam tỵ nạn tại Mỹ bằng trực thăng năm 1975. Sau thời gian ở trại tạm cư tại Pennsylvania, gia đình bà đã tới định cư tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Bà tốt nghiệp các văn bằng kỹ sư hóa học, khoa học điện toán và hành chánh. Bà làm việc tại Trung Tâm Nghiên Cứu của Hải Quân tại Maryland. Là Giám Đốc Khoa Học và Kỹ Thuật (Director of Science and Technology) của chi nhánh Indian Head Division thuộc Trung Tâm Vũ Khí Hải Quân Hoa Kỳ (Naval Surface Warfare Center), bà đã đoạt được nhiều giải thưởng. Thành quả nổi đình nổi đám nhất của bà là người đã chế ra bom áp nhiệt (thermobaric bomb). Bom áp nhiệt là gì? Trong bài phỏng vấn bà Dương Nguyệt Ánh của báo Washington Post, số ra ngày Chủ Nhật 30/4/2006, có đoạn viết như sau: “Chuyên gia về chất nổ Dương nguyệt Ánh chỉ huy một nhóm khoa học gia, chỉ trong 67 ngày đã chế tạo ra trái bom áp nhiệt đầu tiên của Hoa Kỳ, loại bom mà khi nổ sẽ tạo ra một vầng mây hóa chất và một làn sóng chấn động có khả năng hủy diệt tất cả những gì trong tầm sát hại của nó.. Được gọi là “bom diệt hầm ngầm”, đây là loại vũ khí dùng để hủy diệt các hang động, địa đạo được dùng làm căn cứ chỉ huy của đối phương trong cuộc chiến A Phú Hãn sau vụ khủng bố 11/9”. Ngoài trái bom “chấm dứt chiến tranh A Phú Hãn” này, bà còn cùng một toán chuyên viên chế tạo ra 18 vũ khí khác trong chỉ có 12 năm. Coi bà như…tướng chắc cũng không có chi quá đáng!
Bà Dương Nguyệt Ánh được cộng đồng người Việt trên khắp thế giới biết nhiều rồi. Nếu cần nói thêm chúng ta phải nhắc tới chuyện bà đã đi nhiều thành phố trên nhiều quốc gia để nói lên tiếng nói của hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 29/4/2017 bà đã tới thành phố Montreal nơi tôi ngụ cư và tôi đã tham dự buổi nói chuyện của bà. Là một nhà khoa học nhưng bà không nói chi về việc làm của bà mà chỉ nói tới tấm lòng của bà với tổ quốc Việt Nam. Bà tri ân những người lính đã chiến đấu can trường trong cuộc chiến đầy chính nghĩa trước 1975 và muốn con cháu chúng ta biết rõ những hy sinh của những người đi trước để tự hào về dòng giống của chúng ta.
Cái tôi tâm phục nơi bà là dáng vẻ lịch thiệp và cách nói tình cảm nhưng không thiếu sôi động của bà đã tỏ ra là một con dân một đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời. Nếu tìm hiểu về dòng dõi của bà, chúng ta sẽ không ngạc nhiên về phong thái của bà. Bà là dòng dõi của cụ nghè Dương Khuê, một khuôn mặt văn học rất nổi tiếng, thơ văn được giảng dạy trong nhà trường Việt Nam. Dòng họ này có cách dùng chữ lót trong họ tên theo từng thế hệ, tương tự như đế hệ của hoàng tộc nhà Nguyễn. Chữ lót cho tên phái nam cho các thế hệ tiếp nối là: Tự, Thiệu, Hồng, Nghiệp. Bên nữ là : Hạ, Nguyệt, Vân, Thúy. Như vậy bà Dương Nguyệt Ánh đồng vai vế với nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và Giáo sư Dương Thiệu Tống.
Bà Dương Nguyệt Ánh là anh thư chế bom, bà Giao Phan là anh thư đóng hàng không mẫu hạm loại xịn nhất của Hải quân Mỹ. Đó là hàng không mẫu hạm lớp Ford, lớp tàu hiện đại nhất của thế giới. Chức vụ của bà là Tổng Giám Đốc của Program Executive Office-Aircraft Carrier, Cơ Quan Điều Hành Chương Trình Hàng Không Mẫu Hạm của Hải quân Hoa Kỳ. Bà cho biết trong cuộc phỏng vấn của đài VOA: “Cơ quan của tôi đảm nhiệm tất cả các việc liên quan đến hàng không mẫu hạm, từ A tới Z. Từ lập kế hoạch, thiết kế, xây dựng, bảo trì, sửa chữa. Tóm lại, từ đầu tới cuối. Người lãnh đạo cơ quan của tôi là một vị tướng hai sao của Hải quân là Đề Đốc Brian Antonio. Tôi là phó của vị này, đứng vị trí thứ hai, là cấp chỉ huy dân sự cao cấp nhất trong tổ chức. Chúng tôi có ngân sách 40 tỷ đô la để điều hành”. Nói cho vui, đứng ngay sau ông tướng hai sao, nếu chúng ta có gắn cho bà một sao cũng là chuyện không có chi quá đáng! Bà đã trông coi việc đóng ba hàng không mẫu hạm lớp Ford tối tân nhất trên thế giới. Đó là các tàu USS Enterprise, USS Kennedy và USS Gerald R. Ford. USS Gerald R. Ford có 5 đặc điểm ăn trùm thiên hạ: giúp máy bay cất cánh bằng điện từ (electro-magnetic aircraft launch system): hệ thống phát năng lượng tối tân nhất; thiết kế mới cho kích thước và vị trí của phi đạo; hệ thống tác chiến hợp nhất (integrated warfare system) và hệ thống điều hòa không khí tối tân nhất.
Hàng Không Mẫu Hạm USS Gerald R. Ford.
Hai bà không sao mà như có sao Dương Nguyệt Ánh và Giao Phan làm người Việt chúng ta tự hào. Nhưng chưa đeo sao cũng có thể là loại xịn. Xịn trên chiến trường đàng hoàng. Đó là hai nữ phi công gốc Việt xuất sắc trong quân đội Mỹ: Trung Tá Michelle Vũ và Trung Tá Elizabeth Phạm.
Trung Tá Michelle Vũ là nữ phi công duy nhất trong phi đội Kỵ Binh 6-17. Hoa lạc giữa rừng gươm! Tốt nghiệp Đại học năm 22 tuổi, Michelle nhập ngũ, học lái máy bay trực thăng trong hai năm, tham gia chiến trường Iraq. Phi đội Kỵ Binh 6-17 gồm 35 thành viên, chỉ có bà là nữ.
Người nữ quân nhân gan dạ, quả cảm và nhiều máu phiêu lưu nhất không ai khác ngoài Trung tá Thủy Quân Lục Chiến Elizabeth Phạm. Nhỏ con nhưng chơi đồ chơi thứ xịn nhất: chiến đấu cơ siêu thanh F-18. Tốt nghiệp Đại học UCSD, University of California San Diego, bà gia nhập Không quân và được học lái máy bay tại trường T34 của Hải quân Hoa Kỳ tại Florida. Tiếp tục học cao hơn tại trường T45 Goshawk thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Meridian tại tiểu bang Mississippi, bà tốt nghiệp thủ khoa “Top Hook”. Bà là phi công đầu tiên được chọn để lái chiến đấu cơ siêu thanh F-18. Tại chiến trường Iraq, bà phục vụ tại không đoàn nổi tiếng“Bats”, không đoàn Dơi, có nhiệm vụ yểm trợ cực cận cho các lực lượng bộ binh. Những phi công của không đoàn này là những phi công ưu tú nhất được tuyển chọn. Là nữ phi công duy nhất của không đoàn, bà có khả năng yểm trợ hỏa lực chính xác nơi những mục tiêu chỉ cách bộ binh 180 thước! Muốn yểm trợ chính xác như vậy, bà phải bay thấp và đã nhiều lần trúng đạn tại chiến trường Iraq. Bạn đồng ngũ đặt cho bà biệt danh “Miracle woman”. Hiện nay bà đang phục vụ tại vùng Thái Bình Dương, đặt căn cứ tại Nhật Bản.
Trung Tá Elizabeth Phạm giữa gia đình và đồng hương.
Thiệp mời lễ gắn cấp bậc cho Trung Tá Elizabeth Phạm được tổ chức trên Chiến hạm Midway ở San Diego.
Sanh ngày 13/1/1978 tại Mỹ, bà là con của Bác sĩ Phạm văn Minh, một quân y sĩ của quân đội Việt Nam Cộng Hòa trước đây, hiện vẫn còn hành nghề tại Seattle. Sanh tại Mỹ nhưng bà nói rành tiếng Việt. Trong buổi lễ nhận lon Trung Tá vào ngày 13/4/2019 tại Viện Bảo Tàng Hàng Không Mẫu Hạm USS Midway, bà nói trên diễn đàn bằng tiếng Việt: “Bố là trụ cột, là người lãnh đạo của gia đình và dạy cho con sự quan trọng của nghĩa vụ, của sự hy sinh. Bố lúc nào cũng là người hùng trong lòng con. Mẹ là tấm gương của sự mạnh mẽ, kiên trì và lúc nào cũng khuyên con nên tranh đấu cho những gì mình nghĩ là đúng. Mẹ cũng hay khuyên con nên cố gắng hết mình, để trở thành một người đứng đầu và con luôn làm theo lời mẹ. Con xin cám ơn bố mẹ”.
Tôi tin trong thời gian sắp tới, chúng ta sẽ có thêm ít nhất một nữ tướng. Bà Trưng ngày xưa cưỡi voi mà nên tướng, con cháu bà ngày nay cưỡi chiến đấu cơ siêu thanh F-18 trị giá 66 triệu đô thì lên tướng cấp kỳ là cái chắc!
Song Thao
06/2020
(*) ĐÍNH CHÍNH
Trong bài “Anh Thư” của tôi được phổ biến mới đây, có đoạn viết về hai Đại Tá gốc Việt là Danielle Ngô và Vũ Thế Thùy Anh được thăng cấp ChuẩnTướng vào tháng 6/2019. Nay tôi nhận được e-mail của ông BMH ở Washington D.C. cho biết là các vị này chỉ mới được đề nghị lên cấp tướng nhưng chưa được chuẩn thuận.
Khi viết bài, tôi dựa theo hai bài báo: bài “Nhị Vị Nữ Tướng Mỹ Gốc Việt” của báo Người Việt Tây Bắc ngày 23/4/2020 và bài “Nhị Vị Nữ Tướng” của báo Trẻ ngày 26/2/2020. Bài báo của Người Việt Tây Bắc không có tên tác giả, bài báo của báo Trẻ ghi tên tác giả là ký giả Ian Bùi.
http://nvnorthwest.com/2020/04/nhi-vi-nu-tuong-my-goc-viet/
https://baotreonline.com/van-hoc/something-anything/nhi-vi-nu-tuong.baotre
Ký giả Ian Bùi bước trước một bước nên bước hụt. Tôi bước hụt theo. Hai vị Danielle Ngô và Vũ Thế Thùy Anh chưa đeo sao nhưng những thành tích của hai vị, cùng với các nữ lưu gốc Việt khác tôi đã kể trong bài, cũng đã đủ xứng đáng là những “anh thư” nước Việt. Chúng ta hy vọng trong một bước tới, chúng ta sẽ có những nữ tướng gốc Việt trong quân đội Hoa Kỳ.