Sau khi phỏng vấn 11 ứng viên trong 10 ngày liên tiếp, cuối cùng cựu Phó Tổng Thống Joe Biden đã chọn người ra đứng chung liên danh với ông, vào lúc chỉ còn có 83 ngày nữa là tới ngày bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 2020.
Người được ông chọn sau một thời gian cân nhắc là Thượng nghị sĩ đại diên bang California, Kamala Harris, một trong các đối thủ của ông trong đợt bầu cử sơ bộ trước khi Đảng Dân Chủ chọn mặt gửi vàng cho người đại diện đảng ra tranh chức với đương kim Tổng Thống Đảng Cộng hòa, Donald Trump.
Bất kể đảng nào thắng thế trong cuộc bầu cử có tính quyết định vào ngày 3/11 sắp tới, Kamala Harris cũng đã làm nên lịch sử khi trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ được chọn đứng chung liên danh tranh chức Tổng Thống của một chính đảng lớn.
Kamala Harris là ai?
Tên đầy đủ là Kamala Devi Harris, bà ra đời ngày 20/10/1964 ở Oakland, bang California, theo Britannica.com.
Được nuôi dưỡng trong một khu xóm nhiều người Mỹ gốc Phi ở Berkely, thời còn bé, Kamala được cha mẹ ẵm đi dự các cuộc biểu tình của phong trào dân quyền, và tham gia ca đoàn của một nhà thờ Baptist.
Tốt nghiệp Đại học Howard với bằng cử nhân Khoa học Chính trị và Kinh tế (1986), Kamala Harris tốt nghiệp trường Luật Hastings College năm 1989.
Công tố viên San Francisco
Năm 2003, Kamala Harris đánh bại xếp cũ của mình, ông Terence Hallinan, giành được chức vụ của ông: công tố viên quận San Francisco. Trong những thành tích của bà trong giai đoạn này, có sáng kiến “Back on Track”, cung cấp các khóa học và đào tạo để giúp những phạm nhân khinh tội có cơ hội trở về làm lại cuộc đời.
Bà bị chỉ trích vì giữ lời hứa khi vận động, từ chối kêu án tử hình đối với một thành viên băng đảng bị kết tội giết một nhân viên cảnh sát viên vào năm 2004.
Bộ trưởng Tư pháp California
Bà Kamala Harris tiếp tục thăng tiến trên con đường sự nghiệp khi dành được chức vụ Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang California tháng 11/2010, trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên, và cũng là người phụ nữ đầu tiên, nắm chức vụ này.
Trong cương vị này, bà thương thuyết thành công với 5 ngân hàng lớn nhất nước để các ngân hàng phải bồi thường về lối làm ăn thiếu chính đáng của họ trong lĩnh vực cho vay tiền thế chấp mua nhà, buộc các ngân hàng chi ra 20 triệu USD, cao gấp 5 lần con số do tiểu bang California đề nghị.
Bà Kamala Harris cũng gây bão về quyết định của bà, từ chối bảo vệ Dự luật 8, tu chính án được đề nghị để sửa đổi hiến pháp California nhằm thu hẹp định nghĩa của hôn nhân để chỉ công nhận sự kết hợp giữa hai người khác giới tính, gạt bỏ quyền kết hôn của những cặp đồng phái tính. Bộ trưởng Tư pháp Kamala Harris là người chủ trì cuộc hôn nhân đồng giới tính đầu tiên tại California vào năm 2013.
Thượng nghị sĩ
Bà chiếm được 1 ghế tại Thượng viện Hoa Kỳ trong các cuộc bầu cử quốc hội năm 2016 sau khi đánh bại đối thủ Loretta Sanchez.
Bà gây chú ý khi năm sau, 2017, bà trở thành người Mỹ gốc Ấn đầu tiên và phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên phục vụ trong cương vị Thượng nghị sĩ (Đảng Dân Chủ), đại diện cho bang California.
Tại Thượng viện, bà có chân trong nhiều tiểu ban quan trọng trong đó có Ủy ban an ninh nội địa và các vấn đề chính phủ, Ủy ban Đặc biệt về Tình báo, Ủy ban Tư Pháp, và Ủy ban phân bổ Ngân sách.
Trong cương vị thành viên của Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, bà Kamala Harris gây chú ý với khả năng chất vấn sắc bén, nhất là trong cuộc điều trần chuẩn thuận ông Brett Kavanagh vào năm 2018, lúc bấy giờ là ứng viên được đề cử vào Tòa án tối cao, và cuộc điều trần của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions năm 2017.
Bà thất bại trong cuộc vận động để được Đảng Dân Chủ chọn đại diện cho đảng ra tranh chức với Tổng Thống Donald Trump. Có lúc bà được coi là ứng viên dẫn đầu trong các cuộc bầu cử sơ bộ Đảng Dân Chủ.
Tên bà xuất hiện trên các hàng tít lớn khi bà tấn công ông Biden, lúc đó là đối thủ chính trị của bà, nhắc lại ông Biden đã từng chống đối dịch vụ xe buýt để hội nhập các trường học.
Cuộc tấn công bất ngờ đó là một đòn đau đối với vợ chồng ông Biden, vì Kamala là bạn thân của Beau Biden, con trai ông Biden đã qua đời vì bệnh ung thư.
Tới bây giờ, một số thành viên trong Đảng Dân Chủ vẫn chỉ trích bà về vụ này.
Ảnh hưởng của gia đình
Kamala Harris mang hai dòng máu, con của hai người người di dân, cha là người Jamaica, mẹ là người Ấn Độ.
Cha của Kamala Harris, Donald Harris, là Giáo sư danh dự môn Kinh tế tại Đại học Stanford, mẹ bà là Shyamala, con gái của một nhà ngoại giao Ấn Độ từng tham gia đấu tranh bất bạo động cùng với Gandhi để dành độc lập cho Ấn Độ. Shyamala sang Mỹ theo học Đại học California-Berkeley, nơi bà gặp người chồng tương lai, Donald Harris.
Bà Shyamala sau này trở thành một nhà nghiên cứu bệnh ung thư danh tiếng.
Cha mẹ ly dị lúc Kamala lên 7 tuổi, hai chị em sống với mẹ và năm lên 12 tuổi, Maya và Kamala theo mẹ sang Montreal, tỉnh bang Quebec, Canada, khi bà được trường đại học Canada mời sang thỉnh giảng và nghiên cứu. Kamala học được tiếng Pháp tại đây, khi theo học Trường Trung học Westmount ở Quebec.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2009 dành cho Tổng Biên tập của báo Indian Abroad, tờ báo cộng đồng đã đóng cửa vì dịch Covid-19, bà Kamala Harris nói về ảnh hưởng của mẹ bà và nguồn gốc văn hóa của quê mẹ trong cuộc đời mình:
“Mẹ tôi rất tự hào về di sản văn hóa của bà, và dạy chúng tôi, em gái Maya và tôi chia sẻ với bà niềm tự hào về văn hóa Ấn Độ. Cứ vài năm là chúng tôi về thăm Ấn Độ. Một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đối với tôi, ngoài mẹ tôi, là ông ngoại P.V.Gopalan, ông từng giữ chức vụ tương đương với Bộ trưởng Ngoại giao của Mỹ. Ông ngoại tôi là một trong những nhà đấu tranh cho độc lập đầu tiên của Ấn Độ, và một số kỷ niệm thời nhỏ đáng nhớ nhất của tôi là đi dạo ngoài biển với ông sau khi ông về hưu và sống ở Besant Nagar, giờ gọi là Madras. Mỗi sáng ông thường đi dạo với những người bạn thân từng tranh đấu với ông, họ bàn chuyện chính trị, về công lý và sự cần thiết phải diệt trừ nạn tham nhũng. Họ bày tỏ ý kiến, tranh luận với nhau và thỉnh thoảng lại cười lớn… Những cuộc đối thoại đó có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi, tôi học hỏi nơi họ tinh thần trách nhiệm, phải trung thực và bảo vệ danh dự của mình…Cho nên phần đó trong lý lịch của tôi ảnh hưởng rất nhiều tới con người tôi trở thành ngày nay, cũng như những công việc mà tôi theo đuổi.”
Đời tư
Chồng bà Kamala Harris, Doug Emhoff, là một người gốc Do thái và là một luật sư có thành tích trong lĩnh vực giải trí.
Kamala và Doug Harris làm lễ cưới nhỏ do em gái Maya chủ hôn ngày 22/8/2014 ở Santa Barbara, California.
Năm nay 55 tuổi – cùng tuổi với vợ, ông Emhoff ra đời ở Brooklyn. Cha ông, một nhà thiết kế giầy phụ nữ, dọn về New Jersey. Gia đình Emhoff lại dời về Los Angeles khi Doug đang theo bậc trung học.
Ông tốt nghiệp Đại học California State, Northridge và Trường luật Gould School of Law thuộc University of Southern California.
Ông Emhoff có hai người con với vợ trước, đặt tên là Cole và Ella, theo thần tượng nhạc jazz John Coltrane and Ella Fitzgerald. Cả Emhoff và Harris thường nhắc đến mối quan hệ nồng ấm giữa Harris và con riêng của chồng, giờ đã trưởng thành, Cole và Ella vẫn gọi mẹ kế là ‘Momala’.
Nếu liên danh Biden-Harris đắc cử thì không những Hoa Kỳ lần đầu tiên sẽ có một nữ Phó Tổng Thống mà còn có một ‘Đệ nhị Phu quân’, một chức vụ chưa có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ, ít nhất đòi hỏi một số điều chỉnh trong các nghi thức lễ tân.
Ông Emhoff phần nào đã bước đầu làm quen với vai trò phối ngẫu của một chính khách khi ông ủng hộ vợ ông trong chiến dịch vận động trong nội bộ đảng để được chọn ra ứng cử Tổng Thống.
Nguồn: VOA