Seite auswählen

Tròn một năm Hồ Duy Hải được minh oan

Em gái Hồ Duy Hải vui mừng với văn bản Kháng nghị Giám đốc thẩm được gửi đến gia đình vào ngày hôm nay của năm trước (28/11/2019). Ảnh: BS

Ngày 22/11/2019, Viện trưởng VKSN Tối cao đã ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị TAND Tối cao hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đã kết tội Hồ Duy Hải giết người và cướp tài sản để điều tra lại theo thủ tục chung.

Quyết định kháng nghị mới nhất này thay thế quyết định không kháng nghị của Viện KSND Tối cao tại thời điểm năm 2011.

Theo Viện KSND Tối cao, bản án sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ; nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ.

Các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng như: bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu; không đưa lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.

Bên cạnh đó, kháng nghị còn nêu rõ những mâu thuẫn từ lời khai, chứng cứ, dấu vết tại hiện trường chưa được làm rõ, cùng những thiếu sót, vi phạm tố tụng nghiêm trọng đã trực tiếp ảnh hưởng đến giá trị chứng minh của chứng cứ theo quy định pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những căn cứ kết luận hành vi phạm tội của bị cáo…

Vì vậy, Viện KSND Tối cao cho rằng những vấn đề trên cần phải khắc phục để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm.

Thế nhưng, kháng nghị của VKSND Tối cao bất ngờ bị Hội đồng 17/17 của TAND Tối cao “bác” tại phiên xử Giám đốc thẩm ngày 8/5/2020.

VKSND Tối cao trong và sau phiên xử vẫn bảo lưu quan điểm, báo cáo vụ việc lên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội.

Trong báo cáo gửi Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí khẳng định kháng nghị giám đốc thẩm là có căn cứ và cần thiết.

Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, đây là vụ án giết người và cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo bị áp dụng mức án cao nhất tử hình nhưng chứng cứ buộc tội chủ yếu là lời khai của bị cáo, không có chứng cứ vật chất trực tiếp;

Lời khai của bị cáo lại không nhất quán, mâu thuẫn với nhau (lúc nhận tội, lúc kêu oan) và mâu thuẫn với các tài liệu, chứng cứ khác. Nhiều tình tiết quan trọng chưa làm rõ, nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình điều tra…

Phản ứng trước kết luận của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao tại phiên giám đốc thẩm khi cho rằng những vi phạm đó chỉ là sai sót về tố tụng không làm thay đổi bản chất vụ án, ông Trí nhấn mạnh, kết luận này là trái với các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự như nguyên tắc “Suy đoán vô tội” (Điều 13), nguyên tắc “xác định sự thật của vụ án” (Điều 15) và nguyên tắc “Tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra” (Điều 19), trái với nguyên tắc “Trọng chứng hơn trọng cung”.

Như thế, những vi phạm nêu trên, ông Trí nhìn nhận, sẽ tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết các vụ án sau này, đó là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nhưng vẫn kết luận có tội với lập luận “có vi phạm tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”.

Tái khẳng định Quyết định kháng nghị ngày 22/11/2019 là có căn cứ, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền và cần thiết, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết không an tâm nên kháng nghị hủy án, yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành điều tra lại vụ án để khẳng định một lần nữa Hồ Duy Hải có tội hay không.

“Việc làm này là thể hiện sự thận trọng, khách quan, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, đồng thời củng cố lòng tin của người dân và xã hội đối với nền tư pháp Việt Nam”, ông Trí nói.

***

Hình minh hoạ. Phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải ở Hà Nội hôm 7/5/2020 Photo: RFA

Trên là sơ lược nội dung Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Tối cao và “hành trình” gian nan của nó, cũng như quyết tâm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, củng cố lòng tin của người dân và xã hội đối với nền tư pháp của tập thể VKSND Tối cao nói chung và cá nhân Viện trưởng Lê Minh Trí nói riêng.

Viện trưởng VKSN Tối cao ký ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm quan trọng nói trên vào 22/11/2019.

Thì ngày 28/11/2019, gia đình Hồ Duy Hải nhận được thông báo của VKSND Tối cao về việc đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Với họ, Hồ Duy Hải – con trai, cháu trai, anh, em trai họ – đã chính thức được “minh oan”.

Bởi trước đó, dù Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã báo cáo về hàng loạt sai sót trong điều tra, truy tố, xét xử; các luật sư, báo chí đã nêu ra hàng loạt các sai sót, khuất tất trong vụ án này. Nhưng đây là lần đầu tiên, cơ quan có chức năng thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nêu ra những sai sót nghiêm trọng trong vụ án.

Cơ quan chỉ ra sai sót và đề nghị hủy các bản án kết tội Hồ Duy Hải lại là cơ quan thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp Tối cao của quốc gia.

Họ càng vững tin rằng Hồ Duy Hải đã được minh oan, và không cá nhân, tổ chức nào có thể mang Hồ Duy Hải ra mà đề nghị thi hành án tử một lần nữa.

Họ càng yên tâm và tràn đầy niềm vui, khi Hồ Duy Hải ở trong trại tạm giam Công an tỉnh Long An (huyện Thủ Thừa) cũng đã nghe được nội dung kháng nghị qua đài phát thanh.

Trọn một năm đã qua, dù trải qua bao lo toan, đau khổ, dằn vặt, hi vọng rồi tuyệt vọng, Hồ Duy Hải vẫn chưa được trở về.

Báo Sạch, Tiếng Dân (28.11.2020)

VETO! – Dân biểu Đức Martin Patzel nhận bảo trợ cho ông Bùi Văn Thâm

Martin Patzelt, MdB, Dân biểu, báo cáo viên về Nhân quyền Đông Nam Á, nhận bảo trợ cho tù nhân PGHH Bùi Văn Thâm 

Ngày 26/11/2020, ông Martin Patzelt, dân biểu Quốc hội Liên Bang Đức, đã chính thức loan báo việc nhận bảo trợ cho ông Bùi văn Thâm, tín đồ Phật giáo Hoà Hảo, trong chương trình “Dân biểu bảo vệ Dân biểu” của Quốc hội Liên Bang Đức.

Dân biểu Patzelt là thành viên Quốc hội từ nhiệm khóa 2013. Ngoài một số trách nhiệm đối nội với trọng tâm giáo dục, xã hội, y tế và văn hóa, ông còn giữ chức vụ báo cáo viên về nhân quyền tại Đông Nam Á, thuộc Ủy ban về Nhân quyền và Viện trợ nhân đạo. 



Bản dịch tiếng Việt  của tổ chức VETO! Human Rights Defenders‘ Network  

(VETO! Mạng lưới Người Bảo vệ Nhân quyền) 

Email: VETO.germany@gmail.com, Web: www.veto-network.org 
———————————————————————————

Thông cáo báo chí của Dân biểu Đức Martin Patzelt
Báo cáo viên về Nhân quyền Đông Nam Á
của Uỷ Ban nhân quyền và Cứu trợ Nhân đạo Quốc hội liên bang Đức 

Bảo trợ cho tín đồ Phật giáo Bùi Văn Thâm ở Việt Nam 

Vì tình trạng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam, tôi đã nhận bảo trợ cho ông Bùi Văn Thâm, một cư sĩ Phật Giáo Hoà Hảo (PGHH) sanh năm 1987, vào chương trình „Dân biểu Bảo vệ Dân biểu“ của Quốc hội Liên bang Đức . 


Bùi Văn Thâm đang thụ án oan tại Trại giam Xuyên Mộc. Từ năm 2005, Thâm và cha là ông Bùi Văn Trung giữ trách nhiệm điều hành Đạo tràng Út Trung của PGHH và dùng nơi này để học, cầu nguyện, cúng bái và giảng kinh sách PGHH. Cộng đồng Phật giáo này bị chính phủ Việt Nam coi là bất hợp pháp vì không đăng ký chính thức là một cộng đồng tôn giáo với chính quyền.

Thâm bị kết án sáu năm tù vào tháng 2/2018 vì tội “gây rối trật tự công cộng” và “chống người thi hành công vụ”. Cha và chị gái cũng bị bắt tù trong khi mẹ ông bị án treo. Những cư sĩ PGHH này đã chỉ đơn giản phản đối việc cản trở một số tín đồ PGHH tham dự một lễ giỗ tại Đạo tràng.

Nhiều ngày trước phiên tòa, tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã gửi ra một thư ngỏ yêu cầu chính phủ Việt Nam ngưng việc xét xử, để kiểm tra đây có thể là một trường hợp phân biệt đối xử với cộng đồng tôn giáo. Theo thông tin từ các nhà bảo vệ nhân quyền, Thâm đã bị tra tấn, bị biệt giam một vài lần, và gia đình khó được gặp ông để thăm nuôi. Toà Đại sứ Đức tại Hà Nội đã lên tiếng mạnh mẽ với chính phủ Việt Nam về trường hợp ông Bùi Văn Thâm.

Tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam chấm dứt mọi hình thức tra tấn, đối xử hay trừng phạt dã man và hạ thấp nhân phẩm, đồng thời xem xét lại toàn diện quy trình pháp lý, và trả tự do cho Bùi Văn Thâm. Trong khi chờ đợi , Thâm cần được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, tình trạng thăm nuôi phải được cải thiện để gia đình có cơ hội gặp và trao tay thực phẩm cho ông. 

Năm 2018, Việt Nam đã cam kết duy trì nhân quyền và tự do tôn giáo. 

Tôi đặc biệt nhắc nhở Việt Nam hãy giữ lời hứa.

———–Nguyên bản ———

https://www.martin-patzelt.de/lokal_1_1_611_Patenschaft-fuer-den-Buddhisten-Bui-Van-Tham-aus-Vietnam-.html

Neuigkeiten

26.11.2020, 13:16 Uhr 

Patenschaft für den Buddhisten Bui Van Tham aus Vietnam 

Wegen der Verfolgung Andersgläubiger in Vietnam habe ich die Patenschaft für den buddhistischen  Hoa-Hao-Laienpriester Bui Van Tham, geb. 1987, im Patenschaftsprogramm des Deutschen Bundestages  „Parlamentarier schützen Parlamentarier (PsP )“ übernommen. Bui Van Tham verbüßt eine ungerechtfertigte Strafe im Xuyen Moc-Gefängnis. Seit 2005 hatten Bui Van Tham und sein Vater Bui Van Trung die Leitung der buddhistischen “Ut Trung Prayer Hall” in Hoa Hao inne. Das ist eine Hauskirche zum Lernen, Beten und Predigen über die  Hoa Hao-Schriften. Diese buddhistische  Gemeinschaft wird von der vietnamesischen Regierung als illegal betrachtet, da sie nicht offiziell bei den Behörden als Religionsgemeinschaft registriert ist. 

Tham wurde im Februar 2018 wegen „Störung der öffentlichen Ordnung“ und „Widerstand gegen Vollstreckungsbeamte“ zu sechs Jahren Haft verurteilt. Auch Vater und Schwester mussten ins Gefängnis. Die Haft der Mutter wurde auf Bewährung ausgesetzt. Diese Buddhisten hatten dagegen protestiert, dass  die Teilnahme einiger Anhänger an einer Gedenkveranstaltung in der Gebetshalle verhindert wurde.

Bereits vor dem Prozess hatte Human Rights Watch die vietnamesische Regierung in einem offenen Brief aufgefordert, das Gerichtsverfahren einzustellen und zu prüfen, ob eine Diskriminierung von Religionsgemeinschaften vorliegt. Laut Informationen von Menschenrechtsverteidigern ist Tham während der Haft gefoltert und zeitweise in Isolationshaft gehalten worden. Besuche seiner Familie sind erschwert worden. Die Deutsche Botschaft in Hanoi hat sich gegenüber der vietnamesischen Regierung mit Nachdruck für Bui Van Tham eingesetzt. 

 Ich fordere die vietnamesische Regierung auf, jegliche Folter und grausame, unmenschliche oder erniedrigende Behandlung oder Bestrafung einzustellen, weiterhin eine gründliche Überprüfung des Gerichtsverfahrens in die Wege zu leiten und Bui Van Tham freizulassen. Bis dahin muss für seine Gesundheit ausreichend Sorge getragen wird. Der Familie müssen wieder Besuchsmöglichkeiten gewährt werden, damit sie ihm auch Lebensmittel bringen können. Vietnam hat 2018 zugesagt, die Menschenrechte und die Religionsfreiheit einzuhalten. Ich erinnere Vietnam nachdrücklich daran, seinem Versprechen nachzukommen.  

VNTB (28.11.2020)

TNLT Nguyễn Văn Hóa tuyệt thực sang ngày thứ 8

Hình minh họa. Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hoá. Photo: RFA

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, phóng viên của Đài Á Châu Tự Do đang tuyệt thực sang ngày thứ 8 để phản đối những gì anh cho là bất công trong trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam.

Bà Nguyễn Thị Huệ, chị của anh Hóa vào tối ngày 27-11-2020 cho biết như vừa nêu. Bà Huệ cũng cho biết cùng với Hoá còn có 2 TNLT khác là ông Nguyễn Bắc Truyển tuyệt thực sang ngày thứ 2 và ông Phạm Văn Điệp tuyệt thực sang ngày thứ 4.

Theo bà Huệ, một ngày trước đó bà đi đến trại giam thăm Nguyễn Văn Hóa do tháng trước công an trại giam từ chối cho người nhà thăm gặp vì không mặc đồ tù và bất ngờ khi thấy sức khỏe cạn kiệt của em trai mình. Bà kể qua điện thoại như sau:

Gia đình buổi sáng sớm cũng có mặt rất sớm nên trại giam cũng làm thủ tục thông báo cho chị là chuẩn bị sang (phân trại) K2 để thăm gặp Hóa.

Khi lúc chị sang bên đó cũng như thường lệ thì cũng viết biên bản kê khai xong mọi việc thì họ cho đợi rất là lâu, tầm khoảng 5 đến 10 phút thì mới thấy Hóa đi ra.

Nhưng lần này lại thấy Hóa ra một cách rất là bỡ ngỡ, lúc đó chị không thể hình dung ra đó có phải là em của mình hay không.

Lúc đó nhìn thấy người của Hóa thì ‘xanh ngắt’ và phải có một người đỡ đi, có nghĩa là đỡ từ trong buồng giam ra cái buồng thăm gặp cũng rất xa.

Thấy họ đỡ Hóa cho đến cái chỗ mà hai chị em nói chuyện đó thì lúc đó chị thấy rất là hận trong người, thấy rất xót xa và đau lòng vì suốt bốn năm qua mà lần này vào thăm em thì mới thấy sức khỏe của em rất là cạn kiệt đi, thấy em nó suy nhược một cách trầm trọng luôn.

Theo lời bà Huệ thì người tù chính trị trẻ cho biết, cán bộ trại giam An Điềm vô cớ tịch thu thư của Hóa gửi về cho gia đình mà không có biên bản đồng thời ngăn cản anh Hóa chia sẻ thông tin về sai phạm của trại giam.

Cho tới giờ, anh Nguyễn Văn Hóa vẫn chưa nhận được bất kỳ nội dung trả lời nào liên quan đến đơn thư mà anh khiếu nại, tố cáo gửi Bộ Công an và cơ quan Tư pháp của Quốc hội trong năm nay.

Cũng theo chị gái của anh Hóa, trong tình huống khẩn cấp anh này đã đồng ý mặc đồ trại giam cấp để ra ngoài đế báo tin về việc tuyệt thực của anh và 2 người TNLT khác là Nguyễn Bắc Truyển và Phạm Văn Điệp.

Hai ông cũng tuyệt thực để phản đối những bất công trong trại giam An Điềm.

Anh Nguyễn Văn Hóa sinh năm 1995 là người cung cấp cho RFA các hình ảnh, video về những cuộc biểu tình, khiếu kiện của những người dân bị thiệt hại trong thảm họa môi trường do Formosa gây nên..

Anh bị bắt vào ngày 11-1-2017 và sau đó bị tuyên án 7 năm tù giam với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Hồi tháng 9, Văn phòng Dân biểu Hoa Kỳ ông Alan Lowenthal phát đi thông cáo cho biết, ông đã chính thức nhận bảo trợ tranh đấu cho nhà hoạt động trẻ tuổi và là tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, qua chương trình Defending Freedoms Project (Dự án bảo vệ tự do) của Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos trong Quốc Hội Hoa Kỳ.

RFA (27.11.2020)

HRW kêu gọi Việt Nam phóng thích thi sĩ bất đồng chính kiến

(New York) – Hôm 26.11.2020, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng nhà cầm quyền Việt Nam nên ngay lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc và phóng thích nhà bất đồng chính kiến, nhà thơ Trần Đức Thạch. Ngày 23 tháng Tư năm 2020, công an Việt Nam bắt giữ Trần Đức Thạch, một nhà bất đồng chính kiến có thâm niên ở Việt Nam, vì liên quan tới một nhóm ủng hộ dân chủ. Ông bị cáo buộc tội lật đổ và dự kiến sẽ bị đưa ra tòa vào ngày 30 tháng Mười một.

“Chính quyền Việt Nam muốn trừng phạt ông Trần Đức Thạch vì những việc ông đã làm để thúc đẩy nhân quyền và công lý, chụp mũ các hành vi thực thi quyền tự do ngôn luận của ông là tội hình sự,” ông John Sifton, giám đốc vận động châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Chính phủ các nước cần nêu quan ngại trước khi diễn ra phiên tòa xử ông và kêu gọi phóng thích ông Thạch.”

Từ khi bắt giữ ông Trần Đức Thạch, nhà cầm quyền không cho ông gặp luật sư cho tới tận ngày mồng 5 tháng Mười một, và lúc đó cũng chỉ được gặp dưới sự giám sát của công an. Luật sư bào chữa cho ông Thạch, Hà Huy Sơn, kể với báo chí rằng ông còn không được sao chụp các văn bản cáo trạng của ông Trần Đức Thạch mà chỉ được ghi chép bằng tay.

Ông Trần Đức Thạch, 69 tuổi, đã viết hàng trăm bài thơ, một tiểu thuyết và nhiều bài báo, đa số lên án nạn tham nhũng, bất công và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Là một cựu chiến binh Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông từng là hội viên Hội Nhà văn tỉnh Nghệ An. Cuốn tiểu thuyết viết năm 1988 của ông, Đôi bạn tù, tả về tính tùy tiện của hệ thống pháp luật Việt Nam và điều kiện giam giữ vô nhân trong các nhà tù Việt Nam. Các bài thơ đã xuất bản trong tập thơ có tiêu đề Điều chưa thấy nói về cuộc sống không có tự do và công lý.

Hồi ký ngắn của ông, Hố chôn người ám ảnh, kể lại câu chuyện bộ đội miền Bắc thảm sát hàng loạt thường dân ở ấp Tân Lập, tỉnh Đồng Nai hồi tháng Tư năm 2975 mà ông từng chứng kiến.

Nhà cầm quyền không ngừng sách nhiễu ông kể từ năm 1975. Năm 1978, để phản đối tình trạng bị ngược đãi, ông đã tự thiêu và bị bỏng nặng. Năm 2008, ông tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc và bị bắt hồi tháng Chín năm đó. Ông bị cáo buộc đã viết “nhiều bài có nội dung xuyên tạc sự thật, vu cáo, nói xấu Đảng và Nhà nước đăng tải trên tờ bán nguyệt san Tổ quốc,” một tạp chí bất đồng chính kiến xuất bản ngầm. Tháng Mười năm 2009, một tòa án xử ông có tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 của bộ luật hình sự. Ông bị kết án ba năm tù.

Sau khi thi hành xong án tù vào năm 2011, ông Trần Đức Thạch lại tiếp tục phê phán Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam. Ông tham gia Hội Anh em Dân chủ từ tháng Tư năm 2013. Ngày 23 tháng Tư năm 2020, công an bắt ông ở tỉnh Nghệ An và cáo buộc ông tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 109 của bộ luật hình sự. Trần Đức Thạch là thành viên thứ mười của Hội Anh em Dân chủ bị bắt trong mấy năm gần đây.

Hội Anh em Dân chủ, được nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài và các nhà hoạt động cùng chí hướng thành lập từ tháng Tư năm 2013 với mục tiêu được ghi rõ là “bảo vệ các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế thừa nhận” và “vận động xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam.” Nhóm này cung cấp một mạng lưới cho các nhà hoạt động trong và ngoài nước Việt Nam, những người muốn vận động cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam.

Bảy thành viên của nhóm – Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Văn Trội, Trần Thị Xuân, Nguyễn Văn Túc và Nguyễn Trung Trực – đang phải thụ án tù nhiều năm về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của bộ luật hình sự. Hai thành viên khác, Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà, bị đưa thẳng từ nhà giam đi lưu vong tại Đức.

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử ông Trần Đức Thạch có bề dày “thành tích” xử các nhà bất đồng chính kiến rất nặng nề. Thẩm phán Trần Ngọc Sơn và thẩm phán Vi Văn Chắt đã từng kết tội và xử án tù giam rất nặng đối với một số nhà vận động dân chủ. Tháng Mười hai năm 2011, ông Vi Văn Chắt chủ tọa phiên tòa xử blogger Hồ Thị Bích Khươngvà mục sư Nguyễn Trung Tôn về tội tuyên truyền chống nhà nước. Hai người bị kết luận có tội và phải nhận các mức án lần lượt là năm và hai năm tù. Tháng Giêng năm 2013, Trần Ngọc Sơn và Vi Văn Chắt là chủ tọa và thẩm phán trong phiên tòa xử 14 nhà hoạt động dân chủ, rồi kết luận họ có tội và xử mức án lên tới 13 năm tù. Tháng Tám năm 2018, hai vị này lại làm chủ tọa và thẩm phán trong phiên xử nhà vận động dân chủ Lê Đình Lượng và kết án ông 20 năm tù.

“Các tòa án Việt Nam đáng lẽ phải bảo vệ quyền tự do ngôn luận và các quyền con người khác, chứ không phải để củng cố địa vị độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản,” ông Sifton nói. “Ông Trần Đức Thạch sẽ không có được một phiên xử công bằng, vì Việt Nam hiện không có nền tư pháp độc lập và công chính.”

Nguồn: https://www.hrw.org/vi/news/2020/11/25/377120?

VNTB (26.11.2020)

HRW kêu gọi trả tự do cho thi sĩ bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch

Nhà hoạt động Trần Đức Thạch. Photo Facebook Huynh Thuc Vy

Hôm 25/11, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo trạng đối với nhà thơ – nhà văn bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch và yêu cầu trả tự do cho ông ngay lập tức.

Ông bị bắt từ tháng 4/2020 với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Nhân dân” theo Điều 109 Bộ Luật Hình sự 2015 và dự kiến ông được đưa ra xét xử vào ngày 30/11 sắp tới.

Ông John Sifton, Giám đốc châu Á của HRW, nói trong thông cáo: “Chính quyền Việt Nam muốn trừng phạt ông Trần Đức Thạch vì những việc làm của ông nhằm thúc đẩy nhân quyền và công lý, họ quy các hành vi thực thi quyền tự do ngôn luận của ông là tội hình sự”.

Ngoài ra, ông Sifton còn kêu gọi chính phủ các nước “cần nêu quan ngại trước khi diễn ra phiên tòa xét xử ông và kêu gọi phóng thích ông Thạch”.

HRW cho biết suốt thời gian từ khi bị bắt giam mãi cho đến ngày 5/11, cơ quan chức năng Việt Nam mới cho ông Thạch gặp luật sư bào chữa và lúc đó cũng chỉ cho gặp dưới sự giám sát của công an.

Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Thạch, cho báo chí biết rằng ông không được sao chụp bản bản cáo trạng của ông Trần Đức Thạch mà chỉ được ghi chép bằng tay, cũng theo HRW.

Ông Trần Đức Thạch, 69 tuổi, viết hàng trăm bài thơ, một tiểu thuyết và nhiều bài báo, đa số lên án nạn tham nhũng, bất công và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Là một cựu chiến binh Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông từng là hội viên Hội Nhà văn tỉnh Nghệ An.

Từ Diễn Châu, Nghệ An, bà Nguyễn Thị Chương, vợ của ông Thạch cho VOA biết vợ chồng bà làm nghề nông, chuyên trồng rau, và thỉnh thoảng ông Thạch viết bài vận động cho dân chủ và nhân quyền, chứ không làm gì sai.

“Anh ấy đưa lên [mạng] những điều bức xúc trong xã hội, những cái sai, tiêu cực … đấu tranh vì quyền tự do dân chủ của người dân, được quyền nói lên tiếng nói của mình”.

“Nhưng nhà nước và cái Đảng này đã kết tội thì đành phải chấp nhận thôi, không biết phải làm gì! Nhưng [chúng tôi] chống tới cùng”.

Ông Sifton thuộc HRW đưa ra nhận xét rằng “Các tòa án Việt Nam đáng lẽ phải bảo vệ quyền tự do ngôn luận và các quyền con người khác, chứ không phải để củng cố địa vị độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản”.

Vẫn người đại diện của HRW chuyên trách về châu Á dự báo rằng “ông Thạch sẽ không có được một phiên xử công bằng, vì Việt Nam hiện không có nền tư pháp độc lập hay vì công lý”.

Báo Công an Nghệ An vào tháng 4/2020 loan tin ông Thạch là “đối tượng từng có tiền án về tội xâm phạm an ninh quốc gia”, với việc từng bị kết án 3 năm tù giam về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” vào năm 2009.

Cũng theo trang này, sau khi ra tù vào tháng 4/2013, ông Thạch cùng các ông Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Tuyển thành lập “Hội Anh em Dân chủ” và ông Thạch được phân công giữ chức vụ “Trưởng đại diện miền Trung”.

VOA (25.11.2020)

CIVICUS: Chuyên viên LHQ quan ngại các vi phạm về quyền tại Việt Nam

Các nhà bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động và các nhà phê bình tiếp tục bị nhắm đến ở Việt Nam.

Tổ chức CIVICUS Monitor đánh giá không gian dân sự Việt Nam là ‘đóng kín’. Trong những tháng gần đây, các chuyên gia Liên Hợp Quốc đã nêu quan ngại về việc giam giữ các nhà báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (Hội NBĐLVN) và các hành vi sách nhiễu đối với Nhà xuất bản Tự do (NXBTD) cùng các thành viên và độc giả của họ.

Chế độ độc đảng đã ban hành một sắc lệnh mới nhằm thắt chặt quyền kiểm soát đối với báo chí, trong khi Dự án 88 đã ghi lại cảnh tra tấn và đối xử vô nhân đạo đối với các tù nhân chính trị trong một báo cáo mới. Hơn nữa, các nhóm nhân quyền đã nêu lên những lo ngại về phiên tòa bất công nghiêm trọng và các cáo buộc tra tấn trong phiên tòa Đồng Tâm.

Các chuyên gia LHQ nêu quan ngại về việc bắt giữ các nhà báo và quấy rối Nhà xuất bản Tự do (NXBTD)

Vào tháng 9 năm 2020, các chuyên gia của Liên hợp quốc – bao gồm Báo cáo viên đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do quan điểm và biểu đạt; Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện; Báo cáo viên Đặc biệt trong lĩnh vực quyền văn hóa; Báo cáo viên Đặc biệt về quyền tự do hội họp ôn hòa và lập hội; và Báo cáo viên Đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền – đã gửi một thông báo tới các nhà chức trách Việt Nam

Họ nêu quan ngại về việc bị cáo buộc bắt giữ tùy tiện bốn nhà báo trực thuộc Hiệp hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (Hội NBĐLVN). Như đã được báo cáo trước đó, ông Phạm Chí Dũng, một nhà báo bất đồng chính kiến ​​nổi tiếng, nhà văn và người sáng lập Hội NBĐLVN đã bị bắt giam vào tháng 11 năm 2019. Hai thành viên khác của Hội NBĐLVN là Nguyễn Tường Thụy, phó chủ tịch và Lê Hữu Minh Tuấn, đã bị bắt vào tháng 5 và tháng 6. 2020. Lê Anh Hùng, thành viên Hội NBĐLVN và là cộng tác viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) Việt Nam bị bắt vào tháng 7 năm 2018.

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (Hội NBĐLVN) được thành lập vào ngày 4 tháng 7 năm 2014 với 70 nhà báo độc lập và các nhà bảo vệ nhân quyền trên khắp cả nước. Hội NBĐLVN là một mạng lưới tin tức và phân tích độc lập hàng đầu ủng hộ quyền tự do báo chí và các quyền tự do quan điểm và biểu đạt khác, bảo vệ các nhà báo, cũng như quyền tự do lập hội và hội họp ôn hòa. Các thành viên cũng đã tiến hành nghiên cứu và vận động chính sách về cải cách luật pháp ở Việt Nam, bao gồm cả việc cung cấp thông tin cho các cơ quan và cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc.

LHQ cũng nêu quan ngại về các hành vi quấy rối, bao gồm cả tấn công mạng, chống lại Nhà xuất bản Tự do (NXBTD), và giám sát, đe dọa, tịch thu tài sản và cáo buộc giam giữ tùy tiện các thành viên và độc giả, cũng như đe dọa gia đình của họ.

Nhà xuất bản Tự do (NXBTD) được thành lập vào tháng 2 năm 2019, với mục tiêu “thúc đẩy tự do thông tin và giáo dục khai phóng ở Việt Nam.” Về mặt chức năng, NXBTD là một nhà xuất bản độc lập chuyên xuất bản và phổ biến sách, kể cả những sách đã bị hạn chế do có nội dung chính trị.

Theo tài liệu trước đây của CIVICUS Monitor, hơn 100 cá nhân đã được nhắm mục tiêu được cho là đã mua hoặc đọc sách do nhà xuất bản in hoặc đã làm việc cho nhà xuất bản. Tình trạng quấy rối đã diễn ra ở ít nhất ba thành phố lớn, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Huế, ngoài các tỉnh Bình Dương, Quảng Bình, Quảng Trị và Phú Yên. Các cá nhân ở những nơi đó đã bị triệu tập đến đồn công an địa phương để thẩm vấn về những cuốn sách họ mua từ nhà xuất bản. Sau khi thẩm vấn, hầu hết đều bị áp lực phải ký vào những tuyên bố hứa rằng họ sẽ không mua sách từ Nhà xuất bản Tự do nữa.

Nhà hoạt động và nhà báo nổi tiếng bị bắt vì tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’

Nhà chức trách Việt Nam đã bắt giữ nhà bảo vệ nhân quyền Phạm Đoan Trang – một trong những nhà báo độc lập nổi tiếng nhất, vào tháng 10. Bà Trang bị bắt giam vào ngày 6 tháng 10 năm 2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh, cùng ngày Việt Nam và Hoa Kỳ tổ chức đối thoại nhân quyền thường niên Hoa Kỳ-Việt Nam lần thứ 24, bao gồm các cuộc đàm phán về các vấn đề như quyền tự do ngôn luận. Các nhà phân tích cho rằng việc bắt giữ bà là một phần của chiến dịch đàn áp các nhà hoạt động trước thềm đại hội đảng toàn quốc 5 năm của Việt Nam vào tháng 1 năm 2020.

Theo lời kể của nhân chứng, bà Đoan Trang bị bắt tại một chung cư. Bà bị khởi tố về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 và “làm, lưu trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017). Tội danh này có thể bị phạt 20 năm tù. Hành vi vi phạm an ninh quốc gia được xác định rõ ràng thường được đưa ra nhằm chống lại những người bảo vệ nhân quyền.

Theo báo cáo, lý do bà Đoan Trang bị truy tố cùng một tội danh theo cả bộ luật hình sự cũ và hiện hành là do chính phủ đã “điều tra” các hoạt động của cô ấy cả trước và từ tháng 1 năm 2018. Bà Trang đã được chuyển đến thủ đô Hà Nội và đang bị giam tại Trại giam số 1 (còn gọi là Nhà tù Hỏa Lò mới), huyện Từ Liêm, Hà Nội. Vào tháng 9 năm 2020, các chuyên gia Liên Hợp Quốc cũng đã nêu trường hợp của bà trong một cuộc trao đổi với các nhà chức trách.

Đoan Trang dự đoán mình sẽ bị ngay từ tháng 5 năm 2019 và yêu cầu bạn bà phát hành một lá thư có tiêu đề “Chỉ khi tôi bị bỏ tù” nếu bà bị bắt. Trong lá thư của mình, bà yêu cầu những người sẽ vận động cho tự do của bà nên ưu tiên các tù nhân lương tâm khác. Bà cũng viết về nhu cầu vận động cải cách dân chủ ở Việt Nam.

Phạm Đoan Trang đã nhiều lần bị chính quyền Việt Nam nhắm vào chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận một cách ôn hòa. Được biết, Đoan Trang đã lẩn trốn sau khi bị các quan chức an ninh thẩm vấn hơn mười giờ vào tháng 2 năm 2018. Vào tháng 8 năm 2018, các nhân viên chính phủ và những người mặc thường phục đột kích một buổi hòa nhạc tại một quán cà phê ở Thành phố Hồ Chí Minh và hành hung Trang. Sau đó bà bị lôi lên xe và đưa đến đồn công an, nơi bà bị đánh liên tục trong khi thẩm vấn.

Gần đây hơn, vào tháng 7 năm 2020, có thông tin rằng bà Trang đã rút khỏi Nhà xuất bản Tự do – một nhà xuất bản độc lập trong nước đã sản xuất sách về chính sách công và tư tưởng chính trị ở Việt Nam – sau khi bị cảnh sát quấy rối dữ dội vì công việc của bà cũng như bắt cóc và ngược đãi. các đồng nghiệp. Bà là một trong những người sáng lập NXBT.

Đoan Trang là tác giả của những cuốn sách sau: Chính trị bình dân, Cẩm nang nuôi tù, Phản kháng bất bạo lực, Chính trị của một nhà nước công an, và Báo chí công dân.

Y án 10 năm cho blogger Trương Duy Nhất

Vào tháng 8 năm 2020, tòa án TP Hà Nội đã giữ nguyên bản án 10 năm tù của blogger Trương Duy Nhất. Ông Nhất bị kết án vào tháng 3 năm 2020 sau một phiên tòa nửa ngày.

Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, tại phiên xử, ông Nhất đã phủ nhận các cáo buộc chống lại ông và nói rằng ông là nạn nhân của cuộc đàn áp chính trị. Ông bị kết án tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” khi là một phóng viên sau khi không tìm được đầy đủ chứng cứ kết tội ông về tội cưỡng đoạt tài sản trước đó.

Ông Nhất, một cộng tác viên thường xuyên của Đài Á Châu Tự Do, đã bị cảnh sát Thái Lan cưỡng bức biến mất khỏi Thái Lan vào tháng 1 năm 2019 và sau đó xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 3 năm 2019, nơi ông bị giam giữ. Trước đó, ông Nhất đã bị tù tại Việt Nam từ năm 2013 đến năm 2015 vì các bài viết chỉ trích chính phủ.

Nghị định mới đưa mức phạt nặng đối với truyền thông

Theo Defend the Defenders, chế độ độc đảng đã tăng mức phạt hành chính lên tới 200 triệu đồng (9.000 USD) và có thể bị đình chỉ 12 tháng đối với các vi phạm của các nhà báo và nhà xuất bản trong nỗ lực thắt chặt kiểm soát báo chí. Điều này có trong Nghị định 119/2020 mới của Chính phủ ban hành ngày 7 tháng 10 năm 2020 và sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 12 năm 2020.

Nghị định xử phạt hành chính từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng (6500 USD – 9000 USD) đối với hành vi “cung cấp thông tin chống phá nhà nước” hoặc “phá hoại quan hệ quốc tế của đất nước nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”; “Đăng tải, phổ biến thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc”; “Đăng thông tin có nội dung ảnh hưởng đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; và “đăng thông tin xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng hoặc xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc”, cùng những nội dung khác.

Quyền tự do báo chí đã bị hạn chế nghiêm trọng bằng nhiều luật và nghị định đàn áp. Đảng Cộng sản kiểm soát tất cả các phương tiện truyền thông in ấn, phát sóng, trực tuyến và điện tử, và quyền sở hữu tư nhân hoặc hoạt động của bất kỳ cơ sở truyền thông nào vẫn bị cấm. Các nhà báo đã bị truy tố hoặc tấn công thể xác bởi những người bị nghi ngờ có liên hệ với chính quyền vì vạch trần các hành vi lạm dụng của nhà nước.

Tra tấn và đối xử vô nhân đạo với tù nhân chính trị

Một báo cáo mới của nhóm nhân quyền Dự án 88 được công bố vào ngày 5 tháng 11 năm 2020 nhấn mạnh việc tra tấn và đối xử vô nhân đạo khác đối với các tù nhân chính trị trong giai đoạn 2018-19 là vi phạm rõ ràng các cam kết của Việt Nam với Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và hiến pháp của Việt Nam. Nhiều người trong số này là những nhà bảo vệ nhân quyền đã bị giam giữ theo các điều luật về an ninh quốc gia.

Báo cáo đã ghi nhận ít nhất 15 cá nhân phải chịu đựng nỗi đau về tâm lý và / hoặc thể chất. Hai là phụ nữ. Nhiều người trong số này đã bị cán bộ trại giam tấn công với mục đích ép buộc thú tội, thu thập thông tin hoặc trừng phạt những người bất đồng chính kiến ​​vì ý kiến ​​của họ.

Các vấn đề khác được ghi lại trong báo cáo bao gồm việc giam giữ trước khi xét xử bất hợp pháp kéo dài; không được phép gặp đại diện pháp lý và các phiên tòa không công bằng; bị từ chối điều trị y tế đầy đủ; điều kiện vật chất và hành chính khắc nghiệt trong tù; không được gặp mặt gia đình / chuyển trại trừng phạt; và biệt giam.

Dự án 88 kêu gọi cộng đồng quốc tế, và đặc biệt là tất cả các quốc gia đang hoặc có thể trở thành đồng minh chính trị hoặc thương mại lớn với Việt Nam, buộc Chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm trước các nghĩa vụ quốc tế của mình.

Theo Dự án 88, tính đến tháng 9 năm 2020, nhà nước Việt Nam đã giam giữ 257 tù nhân chính trị, bao gồm luật sư, nhà lãnh đạo tôn giáo và người theo đạo, các blogger, phóng viên, nhà hoạt động môi trường, người khiếu kiện đất đai, người dùng Facebook và các nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ. Có bằng chứng cho thấy nhiều người trong số họ đang bị tra tấn hoặc bị đối xử vô nhân đạo.

Vi phạm thủ tục tố tụng và cáo buộc tra tấn trong phiên tòa xét xử

Đồng Tâm Vào ngày 14 tháng 9 năm 2020, một phiên toà ở Việt Nam đã tuyên án tử hình hai anh em – Lê Đình Công và Lê Đình Chúc – vì vai trò của họ trong vụ giết chết ba cảnh sát trong một vụ tranh chấp đất đai khét tiếng vào tháng 1 năm 2020 sau một phiên tòa kéo dài 4 ngày. Cha của họ, một quan chức địa phương đã nghỉ hưu, ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, đã bắn chết khi công an tiến vào làng Đồng Tâm. 27 người khác bị xét xử bị tuyên các mức án từ tù chung thân đến 15 tháng tù treo.

Như đã báo cáo trước đó, vào ngày 9 tháng 1 năm 2020, cảnh sát đã phát động một chiến dịch tại làng Đồng Tâm, cách thủ đô Hà Nội 40 km. Người dân Đồng Tâm đã phản đối việc cho một công ty viễn thông quân đội thuê đất trong nhiều năm. Một báo cáo được công bố nói rằng dân làng chỉ chống trả sau khi bị cảnh sát hành hung.

Khi tình hình ở Đồng Tâm nhận được sự quan tâm rất lớn của cư dân mạng, chính phủ Việt Nam đã sử dụng những nỗ lực mạnh tay để kiểm duyệt các cuộc thảo luận về vụ tranh chấp này. Các nhà hoạt động bị bắt liên quan đến các bài đăng trên mạng xã hội về vụ tranh chấp ở làng Đồng Tâm, trong khi hàng chục người dùng Facebook cho biết họ bị hạn chế hoạt động. Cảnh sát cũng cô lập các blogger hàng đầu, có trụ sở cách đó 25 km ở Hà Nội, ngăn họ báo cáo về vụ việc.

Theo The 88 Project, chỉ vài ngày sau khi vụ việc xảy ra, các phương tiện truyền thông nhà nước đã đăng tải những câu chuyện phỉ báng dân làng. Hơn nữa, ngay sau khi vụ việc xảy ra, toàn bộ thôn Hoành của Đồng Tâm đã được đặt trong tình trạng giới nghiêm hoàn toàn.

Trong suốt phiên tòa, quyền và đặc quyền của các luật sư bào chữa đã không được tôn trọng. Theo Hội Luật sư vì Luật sư, các luật sư đã không được tiếp cận với thân chủ của họ cho đến khi bị có cáo trạng và sau đó chỉ [được tiếp xúc] khi có sự chứng kiến ​​của quản giáo, vi phạm nguyên tắc giữ bí mật giữa luật sư và thân chủ. Ngoài ra, các luật sư bào chữa không được tiếp xúc hồ sơ vụ án cho đến vài ngày trước phiên tòa, và chỉ sau khi Đoàn Luật sư Hà Nội can thiệp và yêu cầu được tiếp cận.

Đã có báo cáo rằng nhiều người trong số những người bị bắt đã bị tra tấn trong quá trình điều tra. Theo tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền, trong ngày thứ ba của phiên tòa khi luật sư hỏi về việc bị tra tấn trong thời gian tạm giam trước khi xét xử, 19 cá nhân, trong đó có Lê Đình Công, đã gián tiếp xác nhận rằng họ bị đánh khi thẩm vấn. Ông Công cho biết anh bị điều tra viên đánh hàng ngày sau khi bị bắt. Công an đã dùng dùi cui cao su để đánh ông. Theo Asia Sentinel, lần lượt tù nhân này đến tù nhân khác đã đưa ra những lời thú tội gần như giống hệt nhau.

_____________

Nguồn: https://monitor.civicus.org/updates/2020/11/24/un-experts-raise-concerns-about-violations-vietnam-ngos-document-unfair-trials-and-torture/

VNTB (25.11.2020)

Theo dõi Nhân quyền Quốc tế kêu gọi Việt Nam hủy mọi cáo buộc đối với nhà thơ Trần Đức Thạch

Hình minh hoạ. Nhà thơ Trần Đức Thạch FB Trần Đức Thạch

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) vào ngày 25 tháng 11 lên tiếng kêu gọi Chính phủ Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do ngay lập tức cho nhà thơ bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch.

Thông cáo báo chí của HRW dẫn phát biểu của ông John Sifton, Giám đốc vận động Châu Á của HRW, rằng Chính phủ Hà Nội muốn trừng phạt ông Trần Đức Thạch chỉ vì ông này hoạt động cổ xúy cho nhân quyền, công bằng. Việt Nam cho việc hành xử một cách ôn hòa quyền tự do ngôn luận là một tội; do vậy các chính phủ khác cần phải bày tỏ quan ngại trước khi diễn ra phiên xử ông Trần Đức Thạch, cũng như kêu gọi trả tự do cho ông này.

Theo HRW, Công an Việt Nam bắt ông Trần Đức Thạch vào ngày 23 tháng 4 vừa qua, vì ông có liên quan đến một nhóm ủng hộ dân chủ tại Việt Nam. Ông bị cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền và theo kế hoạch sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 30 tháng 11 tới đây.

Từ khi bị bắt đến ngày 5 tháng 11 vừa qua, ông mới được phép gặp luật sư tại nhà giam dưới sự giám sát của công an. Luật sư bào chữa cho ông không được phép sao chụp hồ sơ để tìm hiểu vụ việc.

Nhà thơ Trần Đức Thạch, năm nay 69 tuổi, là một cựu chiến binh Quân đội Nhân dân Việt nam. Ông từng là hội viên Câu lạc Bộ Nhà Văn tỉnh Nghệ An.

Hồi ký ngắn ‘Hố chôn người ám ảnh’ của ông kể lại vụ thảm sát những người dân bởi bộ đội miền Bắc ở xã Tân Lập, nay là xã Xuân Lập, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai hồi tháng Tư năm 1975. Ông là nhân chứng vụ việc.

Ông cũng là tác giả của hằng trăm bài thơ, một cuốn tiểu thuyết, nhiều bài viết lên án tham nhũng, bất công, vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

Cơ quan chức năng Việt Nam thường xuyên sách nhiễu ông. Vào năm 1978, để phản đối tình trạng này, ông tự thiêu khiến bị bỏng nặng.

Vào năm 2008, ông tham gia biểu tình chống Trung Quốc. Ông bị bắt vào tháng 9 năm 2008 với cáo buộc của cơ quan chức năng Việt Nam là ‘viết bài bóp méo sự thật, nói xấu, phỉ bang đảng và nhà nước. Vào tháng 10 năm 2009, ông bị tuyên án 3 năm tù.

Sau khi mãn án vào năm 2011, ông tiếp tục lên tiếng phản biện. Ông tham gia Hội Anh em Dân Chủ vào tháng 4 năm 2013, và là thành viên thứ 10 của hội này bị bắt kể từ năm 2015 trở lại đây.

RFA (25.11.2020)

Tổ chức Minh bạch Quốc tế: 64% người Việt Nam cho rằng tham nhũng là vấn nạn

Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố kết quả khảo sát tại Việt Nam cho biết 64% người dân cho rằng tham nhũng của chính quyền là một vấn nạn nghiêm trọng, ngày 24/11/2020. Photo TI via ISSUU

Hôm 24/11, Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố kết quả khảo sát tại Việt Nam cho biết 64% người dân cho rằng tham nhũng của chính quyền là một vấn nạn nghiêm trọng, trong đó phần lớn cho rằng cảnh sát giao thông, công an và cán bộ thuế đứng đầu danh sách tham nhũng.

Kết quả khảo sát đối với 1.085 người dân ở Việt Nam từ ngày 12/7-18/8/2019 cho biết có đến 64% người được khảo sát nói rằng tham nhũng tại đất nước này là “một vấn nạn hay một vấn nạn nghiêm trọng”, trong khi có đến 15% trong số này (tức khoảng hơn 160 người) tiết lộ rằng họ đã chi tiền “lót tay” cho công chức Việt Nam trong 12 tháng trước đó.

Cuộc khảo sát của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International – TI) có tên Thông số Tham Nhũng Toàn cầu- Khu vực Châu Á (Global Corruption Barometer- Asia) được công bố vào ngày 24/11 còn cho biết đối tượng công chức nào ở Việt Nam nhận hối lộ nhiều nhất.

Kết quả khảo sát của Transparency International về tham nhũng, hối lộ tại Việt Nam.

Khi được hỏi “hầu hết hoặc tất cả công chức nào nhận hối lộ”, 25% người được hỏi ý kiến cho rằng cảnh sát giao thông Việt Nam có nhận hối lộ; 17% nói công an có nhận hối lộ; 14% nói cán bộ thuế có nhận hối lộ; 10% nói viên chức chính phủ có nhận hối lộ.

So sánh mức độ tham nhũng với 12 tháng trước đó tại Việt Nam, 39% cho rằng tình trạng tham nhũng “vẫn gia tăng”, 24% nói tình trạng tham nhũng “có giảm”, trong khi 29% cho rằng tham nhũng “vẫn như cũ”.

Đánh giá công tác chống tham nhũng của chính quyền Việt Nam, 46% cho là “tốt”, 43% nói “kém” và 5% nói “không có gì thay đổi”.

Vào tháng 1/2019, Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế, có trụ sở chính tại Đức, công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) năm 2018, cho biết Việt Nam chỉ đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu, bị xem là ở mức “rất nghiêm trọng”.

Trong những năm qua, Việt Nam được cho là đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, nhưng tệ tham nhũng hiện vẫn là một vấn đề nhức nhối ở Việt Nam, TI cho biết trong một tuyên bố.

TI đưa ra khuyến cáo cho Việt Nam: “cần kết hợp với các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả như tăng cường liêm chính trong khu vực công, thực hiện hiệu quả công tác kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức”.

Diễn đàn Facebook, VOA (25.11.2020)

Tù chính trị Hoàng Bình không được gặp người thân vì từ chối mặc đồ tù

Anh Hoàng Đức Bình, giữa bên phải, và anh Nguyễn Nam Phong, giữa bên trái, tại tòa án tỉnh Nghệ An hôm 6/2/2018 AP

Tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình (hay còn gọi là Hoàng Bình) bị cán bộ công an trại giam An Điềm tiếp tục từ chối cho gặp mặt người thân hôm 24-11-2020. Lý do cán bộ đưa ra là ông Bình vi phạm quy định của trại vì không đồng ý mặc áo tù.

Ông Hoàng Nguyên, em trai ông Hoàng Bình thuật lại vụ việc với phóng viên Đài Á Châu Tự Do vào chiều 25-11 như sau:

Ngày hôm qua thì tôi vào trại giam An Điềm thăm gặp anh (Hoàng Bình) như thường lệ thì bên phía trại giam họ cũng tiếp tôi nhưng mà lần này họ thông báo cái lý do không cho thăm gặp là do anh không chịu mặc đồ của trại giam cấp thì thành ra họ không cho gặp thôi.

Hồi tháng Sáu khi mà trong dịch Covid thời gian mà giãn cách xã hội đấy thì tôi vào thăm gặp, lần đó là lần gần nhất.

Tháng trước vào dịp tháng 10 thì chúng tôi cũng vào thăm gặp nhưng mà họ đã đã từ chối không cho anh gặp người nhà lý do là anh Bình không chịu mặc đồ tù.”

Một viên công an trại giam An Điềm tên Huỳnh Quang Đại viết trực tiếp vào sổ thăm nuôi của người nhà ông Hoàng Đức Bình với nội dung như sau: “Ngày 24-11-2020 cán bộ trại không giải quyết thăm gặp cho phạm nhân Hoàng Đức Bình vì lý do phạm nhân Bình không chịu mặc đồ của trại, vi phạm vào khoản 1 điều 6 Thông tư 14 ban hành ngày 10-2-2020 do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.

Ông Hoàng Bình bị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên 14 năm tù giam hồi tháng 2-2018 với các cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” và “Chống người thi hành công vụ” sau khi cùng những người dân đến tòa án Hà Tĩnh để nộp đơn kiện công ty Hưng Nghiệp Formosa.

Ngày 23-9-2020 vừa qua, cán bộ Trại giam An Điềm lập biên bản về việc ông Hoàng Đức Bình không mặc quần áo do trại cấp và trả lại quần áo do trại cấp.

Ông Hoàng Bình ký tên vào biên bản và khẳng định: “Tôi không phải là phạm nhân, từ trước tới nay tôi chưa bao giờ chấp nhận bản án này vì đây là 1 bản án oan sai đối với tôi.

Yêu cầu chuyển tôi về gần nơi gia đình tôi cư trú để thuận tiện cho việc kêu oan và điều trị bệnh tật.”

Ông Hoàng Nguyên cho biết ông Bình đang bị các bệnh bao gồm viêm tai, thị lực suy giảm và viêm xoang nặng.

Trong khi đó, tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa – phóng viên của Đài Á Châu Tự Do hiện đang bị giam tại Trại giam An Điềm cũng không mặc đồ tù và bị từ chối cho  người thân thăm gặp.

Theo Điều số 5 của Thông tư 14 của Bộ Công an ban hành thì thủ tục giải quyết cho phạm nhân gặp thân nhân không có điều nào quy định phải mặc áo tù.

Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 6 của Thông tư 14 lại quy định trách nhiệm là “phạm nhân phải mặc quần áo dài của cơ sở giam giữ phạm nhân cấp bảo đảm gọn gàng, sạch sẽ”.

RFA (25.11.2020)