Seite auswählen

Thousands of New Yorkers joined members of the Protect the Results, taking the streets of Manhattan to celebrate the Biden-Harris ticket victory after winning the majority of the Electoral College votes

BBC News Tiếng Việt phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Đức An, phó giáo sư chuyên ngành báo chí tại ĐH Bournemouth (Anh), chung quanh cuộc công kích báo chí phương Tây trong các cộng đồng Việt trên mạng xã hội.

Về việc trên mạng xã hội tiếng Việt, từ bầu cử Mỹ tới nay đã có nhiều luồng dư luận cáo buộc và chỉ trích báo chí quốc tế là ‘thiên tả’, thậm chí dùng từ ngữ miệt thị là ‘thổ tả’, vì cho là họ hợp lực nhau chống lại Tổng thống Donald Trump, “người thắng cuộc”, Tiến sĩ Nguyễn Đức An đánh giá:

TS Nguyễn Đức An: Tôi đề nghị trong cuộc trò chuyện này, chúng ta nhìn vấn đề từ góc độ cả đối tượng bị công kích và đối tượng công kích.

Đúng như BBC nói, cả hệ thống báo chí phương Tây đồ sộ được gầy dựng mấy trăm năm gần đây bỗng dưng trở thành “thổ tả”, ác tâm, bất lương, đạo đức giả trong mắt nhiều cư dân mạng Việt.

Không chỉ có báo chí chủ lưu mà các mạng xã hội như Facebook và Twitter cũng bị tấn công, vì các nền tảng này – sau nhiều năm thả cho Tổng thống Donald Trump tung hoành với các ngữ điệu chia rẽ, thông tin tưởng tượng, ngược sự thật – gần đây phải ra tay ngăn chặn bớt do áp lực từ cả công chúng và giới lập pháp.

Dòng lũ công kích báo chí – truyền thông đó được tiếp năng lượng bởi không chỉ các thông tin loạn xạ do bạn bè chuyền nhau trên mạng mà cả vài tờ báo tiếng Anh gây nhiều tranh cãi ở Mỹ (Newsmax, Breitbart, Fox News…) và một số trang tiếng Việt chuyên trà trộn thông tin hoặc nêu chuyện huyễn hoặc, hoặc “nửa hư, nửa thật”, như Đại Kỷ Nguyên mà trang BBC News Tiếng Việt đề cập tuần trước.

Nó cũng đã tràn từ mạng xã hội vào ngay lòng vài tờ báo đáng kính trong nước, qua các bài phân tích ngây ngô, nguỵ biện hay lập lờ, đôi lúc đậm màu “thuyết âm mưu” – đại loại như “Báo chí Mỹ đang ‘chơi tất tay’ để loại ông Trump?”

BBC News Tiếng Việt: Theo quan sát của Tiến sỹ thì vì sao lại có sự “sụp đổ” chóng mặt trong niềm tin vào truyền thông như thế?

TS Nguyễn Đức An: Tôi nghĩ chúng ta cần nhìn chuyện này từ sự lung lay, nếu không nói là đảo lộn, hệ thống giá trị phổ quát mà đường lối chính trị chia rẻ của ông Trump đang gây ra.

Ông Trump xây thành luỹ chính trị bằng các thông điệp “chúng ta/chúng nó” (us/them) không khoan nhượng: bạn chỉ có thể hoặc là “phe ta” hoặc “phe địch”. Theo Trump là “chúng ta”, không theo là “chúng nó”, không có không gian để hai bên gặp nhau tìm sự hoà hợp.

Không chỉ báo chí chủ lưu mà các thành phần tinh hoa khác trong xã hội phương Tây – từ giới khoa học, học giả đến các nghệ sĩ lớn và các chính trị gia đáng kính lịch sử – cũng được gắn nhãn thiên tả hay “thổ tả”, chỉ vì họ đụng chạm ông Trump.

A small group of activists rally in support of U.S. President Donald Trump across the street from Trump Tower on 5th Avenue, June 18, 2019 in New York City

Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ đứng đầu nỗ lực chống Covid-19 của Mỹ, trở thành tâm điểm cho sự nhục mạ, quấy rối và đe doạ vì ông chỉ chịu nói theo khoa học, chứ không theo ý tổng thống.

Bill Gates – nhà tỉ phú chi rất nhiều tiền của, thời gian và năng lượng cho các mục tiêu y tế nhân đạo, nhất là tiêm chủng – trở thành “tội đồ” trung tâm trong những thuyết âm mưu quái gở vì ông lớn tiếng phê phán Trump.

Sự lung lay giá trị cũng thể hiện trong các chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử xã hội.

Từ ngày có ông Trump, nhiều thứ mà ta dị ứng lâu nay – như bổ nhiệm con cái, họ hàng, bạn bè không kinh nghiệm vào chính quyền, phỉ báng và khinh miệt phụ nữ, mắng chửi và hạ nhục cấp dưới trước bàn dân thiên hạ, hay nói láo và vu khống – đều trở nên chấp nhận được.

Một lần trà dư tửu hậu, người bạn doanh nhân ở VN “mắng yêu” là tôi dại, không biết tận dụng quan hệ “vàng” với nhiều người. Tôi nhớ mãi lời anh: “Cậu ngó qua Mỹ kìa, Trump vô Nhà Trắng là lập tức cho đám con cái, dâu rể và đệ tử vào bộ sậu mà có sao đâu?”

Ngay cả “thiên tả” thì có gì là xấu như những người phò Trump hàm ý?

Có gì là xấu khi đi theo các giá trị cấp tiến và tư tưởng hoà đồng, hướng đến lợi ích và an sinh cho các thành phần thấp cổ bé họng, dễ bị xã hội và thị trường bỏ rơi?

Có gì xấu khi tập trung giải quyết các vấn đề nhân văn toàn cầu, tương lai môi trường – sinh thái, nhất là biến đổi khí hậu?

Phần lớn giới hàn lâm – nơi khởi nguồn nhiều phát minh, sáng kiến và tư tưởng làm nền tảng cho thế giới – không ít thì nhiều đều “thiên tả” như thế.

Tất cả sự lung lay giá trị trên lại đang diễn ra vào thời điểm lịch sử mà người Việt cần được khai phóng để tiếp nhận, sàng lọc các giá trị tiến bộ để nhập vào quỹ đạo toàn cầu hơn bao giờ hết.

BBC News Tiếng Việt: Nhưng liệu có thể nói truyền thông bị phê phán oan? Nhiều người sẽ có lý khi nhận định các cơ quan truyền thông gạo cội rõ ràng là ‘nghiêng về phía tả’, thẳng tay chống và bài trừ ông Trump, đi ngược phong trào bình dân?

TS Nguyễn Đức An: Trước hết, tôi nói ngay rằng không phải cái gì về truyền thông phương Tây, nhất là báo chí Anh-Mỹ, đều tốt đẹp cả. Nó cũng mang trong mình rất nhiều căn bệnh kinh niên, vết thương trầm kha, độc tố cặn bã mà giới quan sát và nghiên cứu chúng tôi luôn theo dõi, nghiên. Các môn học tôi dạy đều mang một hàm lượng phê phán báo chí rất lớn, vì đó là cách rèn luyện tư duy phản biện nghề cho nhà báo tương lai.

Nhưng chúng tôi phê phán báo chí có hệ thống, trên tinh thần cầu thị vì một tương lai tốt đẹp hơn cho xã hội, chứ không phải để vu báo chí thành “tin giả” hay “kẻ thù của nhân dân” vì mục tiêu chính trị mị dân.

Không phải như một số nhà báo, vì niềm tin, ý thức hệ chính trị hay sùng bái cá nhân, tìm moi vài lỗi nghiệp vụ nhỏ nhoi kiểu “ghét nhau cau bảy xé ra làm mười” – rồi “vơ đũa cả nắm” báo Tây Mỹ nó “thổ tả”, “thương hàn” này kia.

Tôi muốn nói kiểu làm báo mà những người theo ông Trump gọi là “thổ tả” đó thực ra là một thứ báo chí không khoan nhượng với sự đặt điều và dối trá, lấy sự thật làm mục tiêu tối thượng – và nó đang cần kíp hơn bao giờ hết trong thời đại “hậu sự thật” (post-truth) mà làn sóng chính trị dân tuý và mạng xã hội đang tạo ra.

The Epoch Times

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà tín điều (beliefs) đang trở thành thành luỹ cho cảm xúc, trí tưởng tượng và đủ kiểu tin giả tung hoành, khiến nhiều người mất dần năng lực tiếp nhận, xâu chuỗi thông tin, dữ kiện. Trong môi trường thông tin nhiễu loạn giữa sự thật và tín điều, giữa dữ kiện khách quan và sự hư cấu, giữa lý trí và cảm xúc, xã hội cần báo chí đàng hoàng hơn bao giờ hết.

Đó chính là lý do vì sao mà từ ngày ông Trump tham gia chính trường, những “tội đồ tin giả” đứng đầu trong đám “kẻ thù của nhân dân” đó – như New York Times, Washington Post và CNN – lại thành công vượt trội.

Sau gần hai thập kỷ loay hoay tìm phương thức kinh doanh trong thế giới số, NYT tăng lượng thuê bao số (trả tiền) từ dưới một triệu vào đầu 2015 lên kỷ lục này đến kỷ lục khác, để vượt ngưỡng bảy triệu vào tháng rồi.

Trong thời vào mạng đọc tin tức miễn phí được coi là hiển nhiên, NYT làm nên kỳ tích hiếm hoi đó nhờ họ theo đuổi triết lý làm báo “thổ tả” kia.

Tôi không phủ nhận rằng đại đa số báo đài Mỹ thiên về “nắn gân” ông Trump. Nhưng họ làm thế với mọi tổng thống tả, hữu nắm quyền – Obama, Bush con, Clinton, Bush cha, Reagan, … đều bị chĩa mũi dùi khi đang tại vị – bởi vì họ tồn tại để theo dõi, giám sát quyền lực.

Với Trump, tần suất tấn công có lẽ cao hơn, mặc dù tôi biết ông cũng có những nỗ lực và chính sách hiệu quả. Nhưng trước khi gọi đó là thiên tả hay “thổ tả”, hãy hỏi vì sao, để nhớ rằng khói chỉ bốc lên từ lửa.

Ở mức nào đó, Trump thành công trong chiến thuật đổ lỗi hết cho truyền thông ngay từ khi lên cầm quyền đó vì ông đánh trúng tâm lý chán ngán và uất hận “hệ thống cũ”, kể cả báo chí, trong một bộ phận công chúng không nhỏ.

Hàng chục triệu người Mỹ hiện bỏ ngoài tai, thậm chí phỉ nhổ báo chí, để chỉ lắng nghe ông mà thôi, bất kể trắng đen, phải trái. Họ nhanh chóng và kính cẩn tin Tổng thống Trump hào hiệp không nhận lương, và cảm thấy bị khiêu khích, xúc phạm khi báo chí phanh phui rằng tỉ phú Trump lách đủ đường để chỉ đóng đúng 750 đô la thuế vào ngân sách liên bang trong một năm.

BBC News Tiếng Việt: Có ý kiến cho rằng TT Trump tuy thế đã làm tốt trong việc thúc đẩy kinh tế Hoa Kỳ phục hồi, và ông thua phiếu chỉ vì dịch Covid-19. Tiến sĩ quan sát việc ứng phó với dịch của cá nhân TT Trump, từ góc độ ứng xử truyền thông thì thế nào?

TS Nguyễn Đức An: Covid-19 giết hơn hai trăm ngàn người Mỹ và khiến cả thế giới tê liệt, nhưng về mặt dư luận, những người kiên trì theo tổng thống và những người đồng hội để tin rằng Covid chỉ là tưởng tượng hay chẳng có gì đáng sợ. Có những người Mỹ tin yêu ông Trump gần lìa đời vì Covid mà vẫn phủ nhận nó không tồn tại… Dư luận là vậy, còn đây cũng là thách thức với giới làm báo.

Getty Images

Nếu là một nhà báo Mỹ, bạn sẽ làm gì khi không ngày nào mà tổng thống không đưa ra phát ngôn hay dòng tweet xuyên tạc sự thật, bịa đặt hoặc vu khống?

Bạn sẽ làm gì khi tổng thống, giữa bao nhiêu tang thương và mất mác vì Covid, vẫn lớn tiếng kêu gọi bàn dân “đừng sợ” và cứ sống như bình thường?

Bạn sẽ làm gì khi tổng thống – vì “nước Mỹ trên hết” – phủ nhận cả sự tồn tại của biến đổi khí hậu, dù khoa học đã chứng minh rành rành?

Bạn sẽ làm gì khi tổng thống, sau thất bại bầu cử rõ ràng, cứ khăng khăng gieo rắc niềm tin trong đám đông ủng hộ rằng cuộc bầu cử gian lận và bị đánh cắp, dù không đưa ra được chứng cứ nào và liên tục bị toà án các cấp bác bỏ?

BBC News Tiếng Việt: Làn sóng dân tuý và xã hội “hậu sự thật” xảy ra trong lòng nền dân chủ Phương Tây, vậy tại sao nó lại lan sang Việt Nam, nơi không có thể chế tương tự?

TS Nguyễn Đức An: Thực ra chính trị dân tuý không chỉ có ở Phương Tây. Chúng ta có thể tìm thấy dáng dấp Trump trong Jair Bolsonaro ở Brazil hay Narendra Modi ở Ấn Độ.

Nền chính trị nào cũng đều cõ nhu cầu lôi kéo quần chúng, ổn định dư luận hay củng cố quyền lực. Chính trị dân tuý vẫn có thể nảy sinh ngay trong lòng các thể chế không có cạnh tranh dân chủ.

Tập Cận Bình được nhiều người xem là một lãnh đạo dân tuý, vẽ nên “Giấc mộng Trung Hoa” với vòm trời trong xanh và bầu không khí sạch để kiểm soát dư luận.

Ở Việt Nam, tôi nghĩ cũng có hiện tượng này ở quy mô nhỏ hơn và dạng thức “thô sơ” hơn, qua tung hô hay “sùng bái” vài chính trị gia muốn nổi lên bằng những phát ngôn, cử chỉ, hành vi “khác thường”, giải quyết mọi việc “nhanh gọn”, “hốt hết”, như các ông Nguyễn Bá Thanh hay Đinh La Thăng.

Nhớ hồi năm 2015, khi ở Đà Nẵng đúng vào dịp ông Thanh qua đời, tôi bị vài người thân, bạn bè phẫn nộ ra mặt khi tỏ ý kiến hơi khác về ông và về những đoàn người đổ về đám tang ông.

Getty Images

Còn về chuyện người Việt sùng Trump, tôi nghĩ phải nghiên cứu thật nhiều để tìm ra các nguyên nhân sâu xa từ lịch sử, văn hóa và tâm thức Việt.

Nhưng có lẽ một lý do dễ thấy là sự đối đầu không khoan nhượng ông Trump với Trung Quốc khiến nhiều người “sướng ngây”.

Nó đánh đúng vào nỗi sợ muôn đời và tâm lý bài Trung trong người Việt năm châu. Có niềm tin (tôi cho là ngây thơ) rằng Trung Quốc sẽ suy yếu và thậm chí sụp đổ dưới tay Trump một ngày gần đây thôi, và nhờ đó thì mọi thứ sẽ xảy ra tốt đẹp cho Việt Nam. Xảy ra thế nào, khi nào thì không ai nói.

Như nhiều cử tri Mỹ, họ đã “mê” rồi thì ông Trump nói gì cũng sáng đẹp, ngay cả khi họ biết ông ta nói sai sự thật.

Nhiều trí thức, lẽ ra làm người giữ cửa, cảnh báo dư luận thì lại hùa theo đám đông. Nhìn một hai vị giáo sư hải ngoại vào Facebook lên án báo chí và hàn lâm Mỹ “thiên tả, thiếu lương thiện”, bằng các khái niệm lập lờ, dữ liệu chọn lọc và quan điểm hàm hồ, tôi thấy “hậu sự thật” đã đi xa đến mức nào. Rất buồn.

Ông Trump rồi sẽ ra khỏi Nhà Trắng và báo chí Mỹ-Anh sẽ tiếp tục làm công việc “thổ tả” họ làm từ mấy thế kỷ rồi.

Nhưng vết thương chia rẽ trong cộng đồng Việt chung quanh họ sẽ không dễ nguôi nhanh.

Môi trường dễ kích động như Facebook sẽ không giúp người Việt hiểu nhau hơn trong các vấn đề liên quan đến Trump.

Tôi chỉ mong các bên – thiên tả hay thiêu hữu, yêu Trump hay ghét Trump – ngưng lại một tí, để mâu thuẫn không bị khoét sâu thêm nữa, để chúng ta tăng sức đề kháng với trận dịch thông tin trên mạng xã hội. Đất nước còn rất nhiều việc quan trọng khác cần sự chung tay từ hai bên./.

BBC