Vụ tấn công điện Capitol phơi bày thế đối kháng khó lường tại Mỹ, FBI mở điều tra về nội gián tiếp tay. Thủ lĩnh Cộng Hòa tại Thượng Viện tỏ dấu hiệu ủng hộ phế truất Donald Trump. Bầu cử Mỹ tháng 11/2020 – bị ông Trump cáo buộc gian lận, nhưng không đưa ra được bằng chứng – tiếp tục là tâm điểm thời sự tháng 1/2021, khi đông đảo cử tri Cộng Hòa không chấp nhận kết quả, gần 2/3 cử tri Cộng Hòa không coi cuộc tấn công là thách thức với nền dân chủ Mỹ.
Mục lục
Vì sao người biểu tình lọt vào Quốc Hội như « chốn không người » ?
Cuộc xâm nhập vào điện Capitol ở Washington DC ngày 06/01/2021, với kết quả ít nhất 5 người thiệt mạng, các nghị sĩ phải chạy trốn, tiếp tục gây sửng sốt, nhiều ngày sau biến cố này. Việc người biểu tình dễ dàng lọt vào khu nhà Quốc Hội, vốn được coi là một nơi an ninh được bảo vệ nghiêm ngặt, đặt ra nhiều câu hỏi về sự đồng lõa của lực lượng an ninh phụ trách bảo vệ cơ sở này. Nhiều nhân viên bị đình chỉ, hơn mười người bị điều tra, sau khi có nhiều hình ảnh cho thấy họ mở cửa cho các phần tử cực đoan, hay chụp ảnh chung với người biểu tình.
Trả lời RFI, nhà báo Phạm Trần (Washington) cho biết sơ lược về các điều tra của FBI, theo truyền thông Mỹ:
« FBI đang điều tra về các cựu cảnh sát, cựu quân nhân Hoa Kỳ có mặt trong hàng ngũ người biểu tình, tràn ngập nhà Quốc Hội. Trong số những người đó, họ tổ chức một đội gọi là tiền trạm. Đội đó là đội lãnh đạo, sẽ đi vào trước. Điều thứ hai là FBI bắt đầu điều tra xem liệu có sự tiếp tay từ bên trong của lực lượng cảnh sát có nhiệm vụ bảo vệ tòa nhà Quốc Hội hay không. FBI họ kiểm soát tất cả các hình ảnh, được quay phim. Họ thấy ba điều. Thứ nhất là khi đoàn biểu tình tràn lên nhà Quốc Hội, có những người cảnh sát kéo hàng rào. Thứ hai là khi những người đó tràn vào đến cửa, thì cũng đã có những hình ảnh, cho thấy rằng có những động tác mở cửa hay rút lui, để cho đoàn biểu tình đập phá, đập cửa kính để chui vào bên trong phòng họp Quốc Hội. Việc thứ ba, điều này rất là quan trọng, là khi lực lượng cảnh sát, lực lượng vệ binh quốc gia đã được điều động đến, dù là chậm, nhưng đã đầy đủ, để bao vây tòa nhà Quốc Hội, bảo vệ an ninh, và đi lục soát những người xâm nhập, thì người ta nhìn thấy những hình ảnh cho thấy đã có những nhân viên mở cửa để những người tràn vào biểu tình đó chạy trốn, để không bị bắt… ».
Theo chuyên gia Vida Johnson, đại học Georgtown, Barack Obama, tổng thống Hoa Kỳ vào thời điểm đó, đã không có đủ thế lực để loại trừ « các phần tử da trắng thượng đẳng » ra khỏi cảnh sát và quân đội Mỹ, đặc biệt khi ông là người da đen. Nhiều nhà quan sát ghi nhận ảnh hưởng của các phần tử da trắng thượng đẳng, kỳ thị chủng tộc trong lực lượng an ninh, quân đội đã có từ lâu, nhưng kể từ khi Donald Trump lên nắm quyền, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Nhiều nghiệp đoàn cảnh sát đã bị cáo buộc bảo vệ các cảnh sát kỳ thị chủng tộc.
McConnell – người « nắm » tương lai của Trump
Vào lúc cuộc tấn công nhà Quốc Hội Mỹ khiến nước Mỹ và cả thế giới phải bàng hoàng, tại Hoa Kỳ xuất hiện một tình thế chính trị mới. Nội bộ phe Cộng Hòa – vốn hoàn toàn đứng về phía Donald Trump, trong suốt bốn năm qua – bắt đầu phân hóa. Lãnh đạo phe Cộng Hòa tại Thượng Viện, thượng nghị sĩ Mitch McConnell, 78 tuổi, một chính trị gia thâm trầm, lão luyện, vốn được coi là đồng minh cật ruột của tổng thống mãn nhiệm, hôm 12/01, cho biết sẵn sàng đưa thủ tục phế truất ra thảo luận tại Thượng Viện, một khi được Hạ Viện thông qua, và để ngỏ khả năng ủng hộ.
McConnell, được một số người mệnh danh là « Lưỡi hái tử thần », bởi mọi dự luật của Hạ Viện do Dân Chủ kiểm soát trong hai năm vừa qua, khi đưa ra Thượng Viện, đều không thành công, nếu không được McConnell chấp thuận. McConnell là người đã bác bỏ thủ tục phế truất tổng thống Trump lần thứ nhất hồi đầu năm ngoái.
Nhưng lần này tình hình đổi khác. Việc ông Trump chống đến cùng kết quả bầu cử tổng thống đã khiến McConnell giữ khoảng cách với tổng thống mãn nhiệm. Vụ người ủng hộ ông Trump tấn công nhà Quốc Hội, ông Trump giữ thái độ lấp lửng trước bạo lực, là giọt nước tràn ly. Kể từ hôm đó, McConnell và Trump không còn liên lạc với nhau.
Trước đó, việc phế truất Donald Trump để hoàn tất cần sự ủng hộ của ít nhất 67 thượng nghị sĩ là điều coi như bất khả, nay đang trở thành điều có thể, với sự thay đổi quan điểm của một số chính trị gia Cộng Hòa có thế lực. McConnell đã ngỏ khả năng Thượng Viện ra quyết định về vấn đề này, sau khi Joe Biden nhậm chức.
Trả lời đài France 24, luật gia Olivier Piton giải thích vì sao viễn cảnh phế truất ông Trump có thể trở thành hiện thực, khi thủ tục được McConnel bật đèn xanh:
« Điều đó dù sao cũng cho phép có hơn một tuần để thương lượng, đàm phán trong nội bộ các thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa, để thảo luận về việc họ sẽ bỏ phiếu phế truất tổng thống mãn nhiệm Donald Trump hay không.
Cả Liz Cheney cũng như Mitch McConnel đã cho biết, hoặc một cách trực tiếp và công khai, hoặc để ngỏ khả năng là họ sẽ ủng hộ việc phế truất. Như vậy, việc hai nhân vật trụ cột của đảng Cộng Hòa có thể ủng hộ việc phế truất, khiến cho viễn cảnh của kịch bản trở nên khó đoán định hơn nhiều, là so với cách nay 48 giờ.
Cần biết là, thủ tục phế truất có thể tiếp tục ngay cả sau khi ông Trump đã mãn nhiệm. Cho dù lần gần nhất một thủ tục phế truất nhắm vào một lãnh đạo chính quyền đã mãn nhiệm tại Mỹ là vào năm 1876, tuy nhiên điều này hoàn toàn có thể xảy ra ».
Gạt bỏ Donald Trump: Đảng Cộng Hòa Mỹ trước trách nhiệm « lịch sử »
McConnell « nắm trong tay » vận mệnh chính trị của Donald Trump là nhận định của một số nhà quan sát. Tuy nhiên, theo France 24 tỏ ra thận trọng hơn, khi ghi nhận thái độ nước đôi, lấp lửng của lãnh đạo Cộng Hòa tại Thượng Viện. Sau khi để ngỏ với báo chí về khả năng ủng hộ phế truất, ông McConnell đã lại cho biết hiện vẫn chưa có quyết định nào, và chờ nghe các luận cứ về pháp lý được trình bày trước Thượng Viện sắp tới.
Giới quan sát ghi nhận sự tương phản rõ rệt giữa giới chính trị gia Cộng Hòa và giới cử tri Cộng Hòa. Nếu như tuyệt đại đa số giới chính trị gia đảng này lên án cuộc tấn công nhà Quốc Hội, thì 68% cử tri Cộng Hòa lại không cho rằng hành động này đe dọa nền dân chủ Mỹ, 45% thậm chí còn ủng hộ cuộc tấn công, 83% phản đối việc phế truất (điều tra của Viện YouGov, có trụ sở tại Anh, thực hiện ngay sau cuộc tấn công nhà Quốc Hội Mỹ).
Một số nhà nghiên cứu như nhà chính trị học Pháp Gerard Grunberg cho rằng « sự tan vỡ của đảng Cộng Hòa là điều không thể tránh khỏi », khi đại đa số chính trị Cộng Hòa buộc phải chọn bên: Hoặc đứng về phía ông Trump, để lấy lòng nhóm cử tri đông đảo, ủng hộ các biện pháp bạo lực, hoặc đứng về phía chế độ dân chủ pháp quyền. Tuy nhiên, đây là một sự lựa chọn không hề dễ.
Chọn lấy lòng nhóm cử tri trung thành tuyệt đối với Donald Trump, không lên án bạo lực, không kiên quyết với người bị cáo buộc đứng sau bạo lực (tức tổng thống mãn nhiệm) thì chính họ sẽ đánh mất đi tính chính đáng trong con mắt của đông đảo cử tri Mỹ. Ngược lại, có thái độ dứt khoát với Donald Trump, ắt hẳn sẽ mất đi một lực lượng lớn cử tri truyền thống, và thất bại trong cuộc bầu cử hai năm tới là khó tránh.
Chính trị gia McConnell ắt cũng đối mặt với thách thức tương tự. Tuy nhiên, vụ tấn công nhà Quốc Hội đã mang lại một thay đổi đáng kể. Theo một số thăm dò dư luận, tỉ lệ ủng hộ ông Trump nói chung tại Mỹ xuống thấp chưa từng thấy, số người lên án ông Trump tăng vọt (63% cử tri lên án vào vai trò của Donald Trump trong vụ Điện Capitol bị tấn công – điều tra của PBS NewsHour/Marist Poll, ngày 07/01).
Theo nhiều nhà quan sát, chủ tịch phe Cộng Hòa ở Thượng Viện đứng trước một « cơ hội lịch sử », gần như là duy nhất. Đó là không cho phép ông Trump ra tái ứng cử, loại trừ vĩnh viễn khả năng Donald Trump trở lại đứng đầu nước Mỹ. Cơ hội và cũng là trách nhiệm. Nhiều người – như cựu thống đốc bang California, chính trị gia Cộng Hòa Arnold Schwarzenegger – lo ngại sự trở lại của Donald Trump sẽ đồng nghĩa với việc các quan điểm cực đoan bạo lực, thậm chí xu thế phát xít hóa sẽ thắng thế trước hết trong đảng Cộng Hòa, khiến nội bộ nước Mỹ vốn đã phân hóa sẽ ngày càng trở nên đối kháng./.