Seite auswählen

“Toàn bộ sự phát triển của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung cộng cả về quy mô lẫn năng lực đều đáng lo ngại”, Trợ lý Chỉ huy Thông tin Hải quân Mỹ Courtney Hillson nhận định với Newsweek trong một thông báo.

Gần đây, Newsweek đưa tin về hướng tiếp cận 3 mũi nhọn của quân đội Trung cộng nhằm mở rộng năng lực hải quân trên biển. Bà Hillson đã nhắc lại mối đe dọa này, đồng thời giải thích phương thức trên đang được Trung cộng sử dụng, kết hợp với các lực lượng tên lửa, để củng cố các yêu sách phi pháp của Trung cộng tại Biển Đông.

“Trung cộng đã triển khai một hạm đội đa tầng gồm Quân đội Giải phóng Quốc gia, hải cảnh và dân quân biển – lực lượng bổ trợ hải quân được ngụy trang là các tàu dân sự. Nước này sẽ tiếp tục cưỡng ép tài nguyên trọng yếu trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác, quân sự hóa Biển Đông và triển khai lực lượng tên lửa lớn nhất thế giới”, bà Hillson nhận định.

Dù vậy, bất chấp mối đe dọa này, bà Hillson đánh giá Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục đi qua các khu vực tranh chấp và phản đối những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm củng cố ảnh hưởng ở Biển Đông.

“Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động hàng hải, hàng không, cũng như hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Chúng tôi sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác để đối phó trước các hành vi xấu của Trung cộng, ngăn chặn và chống lại những nỗ lực của Trung cộng nhằm làm suy yếu một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do”.

Năm ngoái, báo cáo của Ngũ Giác Đài về lực lượng quân sự Trung cộng cho thấy: “Trung cộng đã bằng hoặc thậm chí vượt Mỹ trong một số lĩnh vực hiện đại hóa quân đội, trong đó có đóng tàu, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo theo quy ước phóng từ đất liền cũng như các hệ thống phòng không hợp nhất”.

Mỹ và Trung cộng cố gắng tránh lao vào những cuộc xung đột lớn trong những năm gần đây nhưng quân đội Mỹ thường xuyên tiến hành các chiến dịch “tự do hàng hải” nhằm thách thức các yêu sách của Trung cộng ở Biển Đông.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng nối bước chính quyền cựu Tổng thống Trump, xác định Trung cộng là mối đe dọa và là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại.

Quốc gia này được miêu tả trong “Chỉ dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời” của Tòa Bạch Ốc là “đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để gia tăng thách thức lâu dài với một hệ thống quốc tế mở và ổn định”.

Cùng lúc đó, giới lãnh đạo Mỹ cũng thảo luận về các cơ hội cho sự hợp tác song phương giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong một số lĩnh vực nhất định./.

Theo SOHA (09.03.2021)

 

 

Vì sao Biển Đông là ‘miếng bánh’ hấp dẫn với nhiều nước trên thế giới?

© Ảnh : U.S. Navy/MC3 Wade Costin

Hàng loạt tin tức liên quan đến Biển Đông vào đầu tháng 3 năm nay, cho thấy khu vực này đang là ‘miếng mồi béo bở’ đang thu hút sự hiện diện của tàu chiến các nước.

Vừa qua, hai chiến dịch FONOP (tuần tra tự do hàng hải) được chính quyền Mỹ triển khai liên tiếp để đi qua Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, Pháp lại đưa tiếp tàu đổ bộ Tonnerre và tàu khu trục Surcouf đi qua vùng biển này để tham gia cuộc tập trận hải quân chung quy mô đầu tiên với Mỹ, Anh, Úc và Nhật Bản vào tháng 5 tại châu Á – Thái Bình Dương. Trước đó, Pháp từng có động thái điều tàu ngầm tấn công hạt nhân Émeraude và tàu hậu cần Seine tới Biển Đông đầu tháng 3.

Hàng loạt các nước G7, trừ Italia, đều có kế hoạch cử tàu chiến đến đây. Cụ thể, tàu sân bay Anh lớn nhất HMS Queen Elizabeth vừa xuất xưởng cũng thực hiện chuyến đi xa đầu tiên của mình tới khu vực này. Đức thì tuyên bố kế hoạch cử tàu chiến tới Biển Đông tháng 8.

Tất nhiên không thể không thiếu sự ‘góp mặt’ của Trung cộng khi nước này đã triển khai một cuộc tập trận lớn kéo dài trong cả tháng 3. Với sự tham gia của 2 tàu sân bay và các khoa mục đổ bộ đánh chiếm đảo, Trung cộng muốn khẳng định quyết tâm với tên gọi không bỏ lỡ “một tấc đất nào do tổ tiên để lại” và chống mọi mưu toan sử dụng quyền tự do hàng hải, hàng không vào mục đích chính trị.

Nguyên nhân nào khiến Biển Đông sở hữu ‘sự hấp dẫn’ đối với các nước ngoài khu vực như Pháp, Anh, Đức đều là những nước ở xa và đều có quan hệ kinh tế quan trọng với Trung cộng?

 

Sự phụ thuộc ở địa phận Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Mục tiêu đầu tiên khi có mặt tại Biển Đông chính là nhằm tăng cường hiện diện trong khu vực để bảo vệ tự do hàng hải, bảo vệ thương mại cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Đây là động thái thực tế sau Công hàm chung của 3 nước Pháp, Anh, Đức ngày 16/9/2020 phản ứng với các yêu sách quyền lịch sử. Qua đó, Tứ Sa – cách vẽ đường cơ sở quần đảo cho các quần đảo xa bờ, mở rộng lấn chiếm trên các thực thể nửa nổi nửa chìm không phù hợp với Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) của Trung cộng cũng như yêu cầu tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không của các nước.

Đồng thời, Công hàm và việc cử tàu chiến thực hiện các hoạt động tự do di lại theo luật quốc tế cho thấy các nước này quan tâm tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhằm bảo vệ các quyền lợi kinh tế và muốn hợp tác với các nước thuộc nhóm Bộ tứ. Nếu như Pháp có các vùng lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế ở Ấn Độ Dương và nam Thái Bình Dương, thì Anh có mối quan hệ truyền thống với Hong Kong, có 12% thương mại hàng hải hơn 130 tỷ USD xuất nhập khẩu đi qua Biển Đông mỗi năm và 80 tỷ USD giao thương với Trung cộng (trong khi Trung cộng đầu tư vào Anh hơn 20 tỷ USD). Chính vì thế, Anh rất cần có sự ổn định vào thị trường Trung cộng và thực hiện chiến lược “nước Anh vĩ đại” sau Brexit. Đối với Đức, tuy không có các liên hệ lịch sử nhưng cũng đang muốn có vị thế trong khu vực có tầm quan trọng đáng kể này. Nguyên nhân là do đây là vị trí chính yếu để nước này thúc đẩy mối quan hệ an ninh chặt chẽ với các nước trong khu vực.

Đồng thời, các nước này muốn thể hiện sự trung thành và ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Các nước muốn tranh thủ sự quay lại trong chính sách đối ngoại của Mỹ về khôi phục liên minh bền vững giữa EU, Úc, Nhật Bản, Trung cộng và mở rộng với Ấn Độ để giải quyết các vấn đề khu vực và thế giới. Qua đó, các nước này đều muốn được Mỹ tham vấn và nâng cao vai trò của mình trong các quyết sách chính trị đối với khu vực. Đối với Trung cộng, đây được coi là sự “theo chân” Mỹ trong việc triển khai một chiến lược riêng về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ngoài ra, Trung cộng cũng cho rằng tăng cường hiện diện quân sự của các nước gây bất ổn cho khu vực và nhằm đẩy mạnh xung đột, đẩy mạnh bán vũ khí.

Nguyên nhân cuối cùng là do hoạt động này nhằm thực thi cách tiếp cận cân bằng chiến lược, gây sức ép để đạt được các mục tiêu kinh tế, đồng thời cũng nhằm tránh gia tăng căng thẳng với Trung cộng. Vì vậy, có thể thấy hoạt động tàu chiến của các nước này sẽ khác với các chiến dịch của Mỹ tại vùng biển mà Trung cộng tuyên bố chủ quyền và khiêu khích Trung cộng và phạm vi có hạn. Chúng phục vụ cho mục đích và lợi ích của chính các quốc gia này. Do sức mạnh có hạn và các vấn đề nội bộ mỗi nước, các hoạt động này mang tính chất biểu tượng hơn thực chất, ít nhất trong giai đoạn đầu.

 

Nỗi lo ‘quân sự hóa’ nóng lên

Hiện tại, các nước trong khu vực vừa bất bình với các hành vi thái quá và sử dụng sức mạnh của Trung cộng ở Biển Đông, vừa mong muốn có các hoạt động cân bằng chiến lược, lại vừa lo ngại Biển Đông sẽ bị quân sự hóa quá nóng dễ gây ra xung đột và chiến tranh cục bộ, đồng thời không muốn bị đẩy vào lựa chọn khó khăn.

Thế nhưng hoạt động tự do hàng hải do Mỹ và các đồng minh tiến hành là một trong những phương thức thể hiện tính hiệu lực của luật pháp quốc tế. Hoạt động này tự thân nó không ngăn cản được tham vọng của Trung cộng. Song cùng với các hoạt động khác, nó góp phần quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, Đây không phải là vấn đề của quan hệ Trung cộng – Mỹ.

Chính vì thế, Biển Đông cần được xử lý trên cơ sở các nguyên tắc và quy phạm của luật quốc tế, nhất là của Công ước Luật biển 1982. Các hành vi cưỡng chế, yêu sách thái quá cần có sự phản ứng rõ ràng của thế giới và khu vực: “Một hành vi đã rồi không phải là hành vi được chấp nhận”. Tất cả các nước cần đoàn kết, phối hợp để có những hoạt động thiết thực bảo đảm tôn trọng trật tự dựa trên luật pháp.

Sputnik (09.03.2021)

 

 

Tình hình quốc tế hóa các tranh chấp Biển Đông

Trung cộng phải đối mặt với triển vọng về một mặt trận thống nhất của lực lượng hải quân hiện đại có năng lực cao từ các đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung cộng. Nếu Trung cộng ra tay sai, nước này có nguy cơ củng cố một liên minh các quốc gia dân chủ cùng chí hướng chống lại họ. Đây là một sự tiến triển đáng kể vì Trung cộng không thể trừng phạt một quốc gia mà không kích động sự đoàn kết giữa các quốc gia khác.

Các nhà hoạt động biểu tình chống Trung cộng tại một công viên ở Manila vào ngày 18/6/2019, sau khi một tàu Trung cộng va chạm với một tàu đánh cá Phi Luật Tân ở Biển Đông đang tranh chấp và bỏ đi. (Ảnh: TED ALJIBE / AFP / Getty Images)

Thayer Consultancy là tổ chức tư vấn chuyên cung cấp phân tích chính trị về các vấn đề an ninh khu vực hiện tại và hỗ trợ nghiên cứu khác cho các khách hàng được chọn. Thayer Consultancy chính thức được đăng ký hoạt động với tư cách là một doanh nghiệp nhỏ tại Úc vào năm 2002. 

Trên trang mạng Thayer Consultancy, Giáo sư Carl Thayer đến từ Đại học New South Wales (Úc) gần đây đã có bài cập nhật vệ tình hình quốc tế hóa các tranh chấp trên biển Đông. Bản tóm tắt của Tổ chức tư vấn Thayer này xem xét sáu vấn đề: (1) tầm quan trọng của hành vi của Trung cộng trong sáu tháng qua, (2) phản ứng của Hoa Kỳ, Canada và các quốc gia châu Âu, (3) tầm quan trọng của các đồng minh NATO thực hiện hành động phối hợp, (4 ) thông điệp sẽ là gì ngoài việc bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông, (5) tại sao Biển Đông là một vấn đề quốc tế đối với các quốc gia châu Âu, và (6) hàm ý của việc quốc tế hóa Biển Đông đối với Việt Nam. Báo NTDVN xin được trích đăng.

Chúng tôi đang thực hiện một loạt các báo cáo liên quan đến những diễn biến gần đây ở Biển Đông. Các báo cáo sẽ tập trung vào những căng thẳng từ cuối năm ngoái đến nay.

Câu hỏi: Ông đánh giá thế nào về hành vi của Trung cộng ở Biển Đông trong vài tháng qua? (Luật Cảnh sát biển mới, một cuộc diễn tập bắn đạn thật mới, và các luật khác). Chúng có ý nghĩa như thế nào?

TRẢ LỜI: Trung cộng đang tiếp tục thiết lập quyền bá chủ của mình trên Biển Đông thông qua việc tuân thủ luật pháp và phô trương sức mạnh và sức mạnh quân sự. Đây là hành động đang thu hút sự chú ý của cộng đồng thế giới vì cho đến nay, chưa có quốc gia nào trong liên minh các nước phát triển một chiến lược để ngăn chặn việc Trung cộng khẳng định cái mà họ gọi là “chủ quyền không thể chối cãi” trên Biển Đông.

Các hành động khác nhau của Trung cộng là nhằm đưa ra một thông điệp tới ít nhất 3 đối tượng riêng biệt: người dân trong nước của Trung cộng, các quốc gia có yêu sách và ven biển ở Đông Nam Á và Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác an ninh.

Đối với đối tượng đầu tiên, Trung cộng đang theo đuổi “giấc mơ Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình và vượt qua một thế kỷ tủi nhục để khẳng định lại điều mà Bắc Kinh coi là quyền lịch sử của Trung cộng.

Đối với đối tượng thứ hai, Trung cộng đang chứng minh rằng cuối cùng họ sẽ là kẻ thống trị tối cao và tốt hơn hết là nên chấp nhận sức mạnh của Trung cộng chứ đừng mong chống lại.

Đối với đối tượng thứ ba, Trung cộng đang chứng minh rằng nỗ lực chống lại họ thật yếu ớt và cuối cùng Trung cộng sẽ thắng thế.

Câu hỏi: Ông đánh giá thế nào về các phản ứng từ Mỹ và các đồng minh của họ, vì Anh, Đức, Pháp, Hà Lan và thậm chí cả Canada đang gửi tàu chiến đến Biển Đông?

TRẢ LỜI: Các quốc gia châu Âu, cả hai thành viên của Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh, đã xem xét các chính sách đối ngoại của họ và kết luận rằng tương lai của họ gắn bó chặt chẽ với sự thịnh vượng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Năm ngoái, ASEAN đã thay thế Trung cộng để trở thành thị trường lớn nhất của EU. Nói cách khác, an ninh và sự ổn định của các tuyến đường biển thông qua Biển Đông là hoàn toàn quan trọng đối với an ninh châu Âu. Sự bất ổn và / hoặc xung đột ở Biển Đông sẽ có tác động tàn phá đến sự thịnh vượng của châu Âu.

Trong vài năm qua, Canada đã âm thầm đánh giá lại chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và tăng cường triển khai hải quân tới Biển Đông. Chẳng hạn, vào tháng 9 năm 2018 , HCMS Calgary (khinh hạm phục vụ trong Lực lượng Canada và Hải quân Hoàng gia Canada) và tàu cung ứng MV Asterix đã có chuyến thăm hữu nghị đến Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Vào tháng 6 năm 2019, HMCS Regina (tàu khu trục từng phục vụ trong Lực lượng Canada và Hải quân Hoàng gia Canada) và MV Asterix đã ghé thăm Cảng quốc tế Cam Ranh .

Ngoài ra, tất cả các quốc gia châu Âu sẽ tham gia triển khai hải quân tới Biển Đông trong năm nay đều là đồng minh hiệp ước của Mỹ. Tất cả đều công nhận rằng việc Trung cộng đe dọa, bắt nạt và trưng bày quân sự sẽ làm đe dọa lợi ích của họ trong khu vực biển hòa bình và ổn định này.

Câu hỏi: Ý nghĩa của việc triển khai như vậy là gì khi chúng dường như hoạt động đồng loạt? Và chúng có ý nghĩa như thế nào?

TRẢ LỜI: Nếu theo kế hoạch, các tàu chiến của châu Âu và Mỹ tiến hành các cuộc tập trận quá cảnh và hộ tống cũng như các cuộc tập trận quân sự, điều này sẽ tạo ra một tình huống chiến lược mới cho Trung cộng. Trong quá khứ, Bắc Kinh đã đổ lỗi cho Mỹ vì đã đe dọa lợi ích của Trung cộng. Giờ đây, Trung cộng phải đối mặt với triển vọng về một mặt trận thống nhất của lực lượng hải quân hiện đại có năng lực cao từ các đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung cộng. Nếu Trung cộng ra tay sai, nước này có nguy cơ củng cố một liên minh các quốc gia dân chủ cùng chí hướng chống lại họ. Đây là một sự tiến triển đáng kể vì Trung cộng không thể trừng phạt một quốc gia mà không kích động sự đoàn kết giữa các quốc gia khác.

Câu hỏi: Thông điệp từ Mỹ và các đồng minh khi trước đây họ bác bỏ các yêu sách quá đáng của Trung cộng ở Biển Đông sẽ là gì?

 TRẢ LỜI: Việc Mỹ và các đồng minh châu Âu và Bắc Mỹ tiến hành các cuộc tập trận hải quân kết hợp sẽ góp phần tạo nên những phản đối ngoại giao của họ vào năm 2020.

Câu hỏi: Tháng 12 năm 2020, Đại sứ EU tại Trung cộng, Nicolas Chapuis, nói rằng Biển Đông “không chỉ là vấn đề của Trung cộng, nó là vấn đề quốc tế”. Ông nghĩ gì về tuyên bố và ý tưởng quốc tế hóa vấn đề Biển Đông? Quốc tế hóa Biển Đông có phải là một ý tưởng mà Liên minh châu Âu và các nước khác muốn thúc đẩy?

TRẢ LỜI: Đại sứ Chapuis chỉ nói rõ điều hiển nhiên. An ninh và thịnh vượng hiện tại và tương lai của các quốc gia châu Âu gắn bó chặt chẽ với sự ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Khu vực này là đầu tàu của tăng trưởng kinh tế thế giới. Tự do hàng hải và hàng hải truyền thống cho các hoạt động thương mại hợp pháp và quá cảnh quân sự là một thành phần quan trọng của trật tự dựa trên luật lệ trên toàn cầu và khu vực. Tóm lại, việc Trung cộng khẳng định các tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với Biển Đông là nguyên nhân khiến quốc tế hóa vì nó tác động tiêu cực đến lợi ích quốc gia sống còn của rất nhiều quốc gia có biển.

Câu hỏi: Ý nghĩa của quốc tế hóa vấn đề Biển Đông? Liệu nó có gây ra hậu quả gì nguy hại cho Việt Nam không? và Việt Nam phải cân nhắc kỹ điều gì nếu Hà Nội muốn thúc đẩy quốc tế hóa Biển Đông?

TRẢ LỜI: Việc tiếp tục quốc tế hóa các tranh chấp ở Biển Đông sẽ gây áp lực lên các quốc gia có yêu sách ủng hộ các hoạt động của Mỹ và các đồng minh, đối tác của Mỹ. Hiện tại, các quốc gia tranh chấp – Phi Luật Tân, Mã Lai và Việt Nam cùng với Nam Dương – về cơ bản đồng ý về việc áp dụng luật pháp quốc tế bao gồm Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Đồng thời, cả ba quốc gia yêu sách cộng với Nam Dương đều nhận thấy rằng sự uy hiếp và đe dọa của Trung cộng đe dọa và làm suy yếu khả năng khai thác tài nguyên của họ trong các Vùng đặc quyền kinh tế cần thiết cho sự phát triển quốc gia. Riêng Phi Luật Tân, Mã Lai và Việt Nam không thể hy vọng có thể khiến Trung cộng ngừng các hành động gây hấn nhằm ngăn cản các công ty dầu khí nước ngoài hỗ trợ sự phát triển của khu vực. Tóm lại, mỗi quốc gia trong khu vực sẽ phải xác định mức độ sẵn sàng liên kết với liên minh các quốc gia Mỹ và châu Âu để đối đầu với Trung cộng.

Trung cộng có khả năng trừng phạt kinh tế đối với Việt Nam cũng như gây áp lực phi quân sự đối với các tàu chấp pháp trên biển và đội tàu cá của Việt Nam.

Tình huống khó xử của Việt Nam là quyết định xem mình sẵn sàng đối đầu với Trung cộng trong Vùng đặc quyền kinh tế của mình bao xa và sẵn sàng từ bỏ vị trí trung dung và tham gia với liên minh các quốc gia bên ngoài để đẩy lùi Trung cộng. Quyết định của Việt Nam phần lớn sẽ phụ thuộc vào mức độ ép buộc mà Trung cộng áp dụng và mức độ tin tưởng và tín nhiệm của Việt Nam đối với Mỹ và các đồng minh để bảo vệ lợi ích của mình.

Theo Scribd (NTDVN, 09.03.2021)

 

 

 

Hải quân Hoa Kỳ cam kết tiếp tục đối đầu với Trung cộng ở khu vực Biển Đông

 Reuters

Hải quân Hoa Kỳ mới đây đã bày tỏ lo ngại về sự lớn mạnh nhanh chóng của các lực lượng quân sự trên biển của Trung cộng, nhưng đồng thời cũng khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thách thức Trung cộng ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Trang tin Newsweek hôm 9/3 trích tuyên bố của Trợ lý Chỉ huy Thông tin Hải quân Mỹ Courtney Hillson cho biết: “Toàn bộ sự lớn mạnh nhanh chóng của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân cả về mặt quy mô lẫn năng lực là đáng lo ngại”. Tuy nhiên, “Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục bay qua, đi qua và hoạt động ở bất cứ đâu luật quốc tế cho phép”.

Bà Hillson đã chỉ ra 3 sức mạnh mà Bắc Kinh đang sử dụng cùng với quân đội để đảm bảo các lợi ích của Trung cộng ở các vùng nước tranh chấp bao gồm Biển Đông. Thông báo của Hải quân Mỹ viết: “Trung cộng triển khai đội tàu nhiều lớp bao gồm Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân, lực lượng Hải cảnh và dân quân biển để phá hoại chủ quyền của các quốc gia khác và thực hiện những đòi hỏi về chủ quyền phi lý (của Bắc Kinh)… Trung cộng tiếp tục cưỡng ép các nguồn tài nguyên quan trọng trong các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác, quân sự hoá các thực thể đang tranh chấp ở Biển Đông, và phát triển lực lượng tên lửa lớn nhất thế giới”.

Tàu sân bay USS Nimitz và Ronald Reagan đi qua Biển Đông. Ảnh: CNN

Mặc dù vậy, người đại diện Hải quân Mỹ cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thách thức Trung cộng ở khu vực Biển Đông.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc cùng với các đồng minh và đối tác để đối đầu với hành vi xấu của Trung cộng, ngăn chặn và thách thức các nỗ lực của Trung cộng nhằm từng bước phá hoại khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và mở”, thông báo của Hải quân Mỹ có đoạn viết.

Từ đầu năm đến nay, Hải quân Hoa Kỳ đã 2 lần điều các tàu chiến của mình đi sát vào các thực thể ở khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nơi Trung cộng đang có tranh chấp với các quốc gia khác bao gồm Việt Nam. Đây là các hoạt động nằm trong chương trình Tự do Hàng hải (FONOP) mà Hoa Kỳ vẫn thực hiện liên tục hàng năm tại Biển Đông, bất chấp những phản đối của Trung cộng.

Hôm 9/2 vừa qua, hai hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz cùng các hộ tống hạm của Hoa Kỳ cũng tiến hành tập trận chung trên Biển Đông.

RFA (09.03.3021)

 

Người Việt tại Nhật biểu tình chống Luật Hải cảnh của Trung cộng

Người Việt tại Nhật biểu tình phản đối Luật Hải cảnh Trung cộng trước Đại sứ quán Trung cộng ở Tokyo ngày 7-3-2021. Photo Antichicom via Hoang Dung

Một nhóm người Việt tại Nhật đã xuống đường biểu tình phản đối Luật Hải cảnh của Trung cộng vào cuối tuần. Với biểu ngữ “Phản đối Trung Cộng dùng luật hải cảnh ăn cướp biển đảo Việt Nam,” nhóm người Việt góp tiếng nói giúp cộng đồng và thế giới hiểu rõ sự hung hăng và bá quyền của Bắc Kinh.

Bà Hoàng Dung, một người Việt sinh sống tại Tokyo, chia sẻ với VOA về cuộc biểu tình trưa ngày 7/3, tại công viên Kogai trước Đại sứ quán Trung cộng và sau đó là tại khu Shibuya, trung tâm thương mại và nhà ga ở Tokyo.

“Luật Hải cảnh Trung cộng cho phép họ sử dụng vũ khí hạng nặng, nhẹ khác nhau để bắn vào tàu các nước. Tôi muốn lên tiếng để phản đối. Đây là việc làm quá phi pháp.”

“Chúng tôi biểu tình để cho người Nhật và thế giới nhận biết.”

“Chúng tôi không thể hèn nhát ngồi đó để cho Trung cộng xâm chiếm biển đảo của Việt Nam mình.”

 

Vào ngày 22/1, Trung cộng thông qua Luật Hải cảnh, công khai cho phép cảnh sát biển Trung cộng nổ súng vào các tàu nước ngoài, một động thái có thể làm dậy sóng các vùng biển đang trong vòng tranh chấp chung quanh Trung cộng. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/2.

Một đoạn video được phát trên trang Facebook của Antichicom, Phong trào Phản đối Trung Cộng tại Nhật, cho thấy nhóm hàng chục người biểu tình hô vang các khẩu hiệu bằng ba thứ tiếng Nhật, Anh, Việt trước đại sứ quán Trung cộng: “Dừng ngay Luật Hải cảnh Trung Cộng!” Đả đảo Trung Cộng bá quyền ở Biển Đông.”

 EMBED SHARE

Ông Lê Đạt, một thành viên của Antichicom, viết trên Facebook hôm 9/3 về cuộc biểu tình ngày 7/3: “Đó là một ngày tôi có thể làm một việc mà tôi cảm thấy nó có ý nghĩa, khi mình đã góp phần lên tiếng được cho thế giới biết được về tình hình biển đảo của quê hương đang bị xâm chiếm bởi Tàu Cộng như thế nào.”

Ông Lê Đạt viết tiếp: “Với tâm thế đó tôi đến với cuộc biểu tình, sự chuẩn bị rất chỉnh chu từ người chào đón, âm thanh, hệ thống điều hợp… Tôi cảm thấy sự gần gũi từ mọi người, không phải vì chúng tôi là những người con xa xứ mà vì trong tâm các bạn và tôi đều có một tư tưởng giống nhau: Làm sao để đất nước chúng ta được toàn vẹn lãnh thổ.”

 

Cũng liên quan đến Luật Hải cảnh Trung cộng, hôm 7/3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng Vương Nghị khẳng định bên lề kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức quốc hội của Trung cộng, rằng đạo luật mới này “không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào,” và rằng đạo luật này là “phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế”.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến hôm 4/3, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Nhật đã chia sẻ những lo ngại sâu sắc về Luật Hải cảnh của Trung cộng, đồng thời tái khẳng định sự phản đối mạnh mẽ của Washington và Tokyo đối với những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng bức ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

VOA (09.03.2021)

 

 

 

Trung Cộng tập trận đổ bộ chiếm đảo ở Hoàng Sa

Theo bản tin của RFA, Bắc Kinh công bố đoạn phim ghi lại cuộc tập trận đổ bộ chiếm đảo của quân đội nước này ở đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Cộng xâm chiếm từ năm 1974.

Theo Đài Á châu Tự do (RFA), cuộc tập trận này có sự tham gia của hải quân, lục quân, thủy quân lục chiến và không quân với nhiều thiết bị và khí tài quân sự tân tiến như tàu đổ bộ Type 726, xe tăng chiến đấu chủ lực Type 96A, phi cơ chiến đấu Su-30MKK, trực thăng và một máy bay ném bom H-6K. Sự kiện này được tiến hành vài ngày sau các hoạt động của Hoa Kỳ ở khu vực và cuộc tập trận của Hải cảnh Đài Loan.

Lính Trung cộng đi tuần trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (Reuters)

Quân đội Trung Cộng cũng đang thực hiện cuộc tập trận kéo dài 1 tháng ở vịnh Bắc Bộ. Các hoạt động quân sự này của Trung Cộng đe doạ Đài Loan và các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam và Phi Luật Tân đều có đảo và tiền đồn ở vùng biển này.

Đầu năm nay, Bắc Kinh thông qua luật Hải cảnh cho phép lực lượng này quyền nổ súng vào tàu nước ngoài vi phạm chủ quyền lãnh hải của Trung Cộng. Tuy không nói rõ những vùng biển nào hải cảnh Trung Cộng có được quyền này nhưng có thể bao gồm cả Biển Đông, nơi tranh chấp giữa Trung Cộng và Việt Nam cùng nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á.

Theo VietBF (08.03.2021)

 

 

 

Luật sư Việt Nam kêu gọi CSVN dành một ghế trong quốc hội cho Hoàng Sa

Luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh tại Sài Gòn nói nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nên dành một ghế đại biểu quốc hội cho Hoàng Sa, một quần đảo của Việt Nam ở Biển Đông đang bị chiếm đóng bất hợp pháp bởi Trung Cộng. Nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, luật sư Mạnh cho rằng việc có đại biểu của Hoàng Sa trong quốc hội cộng sản Việt Nam mang lại nhiều lợi ích cả trên phương diện pháp lý lẫn chính trị.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (Danangxanh)

Về phương diện pháp lý, Việt Nam trước nay vẫn coi Hoàng Sa là của mình. Việc bị Trung Cộng chiếm giữ không thể làm gián đoạn chủ quyền của Việt Nam. Ông cho rằng việc có đại biểu quốc hội cho Hoàng Sa, vừa là nhu cầu “chính đáng” vừa “đáp ứng mong mỏi của người dân.” Thực hiện ý tưởng này cũng sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam trong việc khẳng định chủ quyền theo công pháp quốc tế.

Theo ông, cho dù không còn người dân Việt Nam nào ở Hoàng Sa nữa nhưng Việt Nam cần thực hiện những hành động mang ý nghĩa rằng Hoàng Sa vẫn thuộc về Việt Nam và Việt nam không có ý định thoái bỏ quyền lợi, quyền sở hữu đốivới quần đảo này.

Lợi dụng hai phía của Việt Nam đang bận giao tranh trong Chiến tranh Việt Nam, Trung Cộng đem quân thôn tính Hoàng Sa năm 1974 và kiểm soát quần đảo này kể từ đó. Bất chấp tình trạng tranh chấp chủ quyền và những phản đối gần đây từ Hà Nội, Bắc Kinh đến nay đã thành lập nhiều khu vực hành chính và có các chính sách hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp và người dân Hoa Lục đến Hoàng Sa sinh sống, đầu tư, và lập nghiệp.

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa, đặt quần đảo này dưới sự cai quản tượng trưng của thành phố Đà Nẵng. Giám đốc sở nội vụ thành phố kiêm chức chủ tịch uỷ ban của quận Hoàng Sa.

Theo VietBF (08.03.2021)

 

 

 

Duy trì chính sách thời Trump, chính quyền Joe Biden cùng với ‘Bộ tứ kim cương’ chống lại Trung cộng

Tổng thống Joe Biden đã sẵn sàng tổ chức hội nghị thượng đỉnh bộ tứ – Quad đầu tiên của Mỹ với các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, khi 4 nước tăng cường hợp tác chống lại sự bành trướng của Trung cộng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Chủ nghĩa cơ hội chiến lược của ĐCSTQ ở Biển Đông đã thúc đẩy hình thành một liên minh “bộ tứ” chống lại ĐCSTQ gồm các nước lớn trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. (Ảnh: Lt. Steve Smith/U.S. Navy qua Getty Images)

Chỉ 2 tuần sau khi nhậm chức, chính quyền Biden đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải đầu tiên ở Biển Đông và điều tàu chiến đi qua Eo biển Đài Loan. Tiếp theo, vào ngày 9 tháng 2 vừa qua, Hải quân Mỹ đã điều 2 tàu sân bay tập trận ở Biển Đông – dấu hiệu cho thấy quyết tâm của chính quyền mới trong việc duy trì “lập trường cứng rắn” với Bắc Kinh.

Tòa Bạch Ốc cho biết ông Biden có thể tổ chức cuộc họp trực tuyến vào tuần tới. Việc chọn một cuộc họp “Đối thoại An ninh Bộ tứ” cho hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của ông nêu bật kế hoạch tái phục hồi “Bộ tứ Kim cương” như một phần trong chiến lược chống Trung của ông.

Quad ra đời vào năm 2007 trong quá trình các quốc gia phối hợp cứu trợ Nam Dương sau trận sóng thần năm 2004. Nhưng sau đó tổ chức này không hoạt động, một phần do Ấn Độ và Úc lo ngại sẽ khiêu khích Trung cộng.

Cựu tổng thống Donald Trump là người đã hồi sinh Quad. Trong tình huống Canberra từ lâu đã quyết định quay lưng với Trung cộng, Ấn Độ cũng chuyển hẳn sang phía đối địch với Bắc Kinh sau căng thẳng đụng độ biên giới dẫn đến cái chết của rất nhiều binh sĩ ở Ladakh (Ấn Độ) vào mùa hè năm ngoái.

Theo AFP, trước đó, NATO cũng cảnh báo về sự trỗi dậy của Trung cộng. Ngày 19 tháng 2 vừa qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã kêu gọi các thành viên và đối tác thân thiết thắt chặt quan hệ vì sự trỗi dậy của Trung cộng “gây hậu quả” đối với an ninh xuyên Đại Tây Dương.

Phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich (Đức) ngày 19 tháng 2 năm 2021, ông Stoltenberg tuyên bố: “Sự trỗi dậy của Trung cộng là vấn đề hiện hữu đối với cộng đồng xuyên Đại Tây Dương với những hậu quả tiềm tàng đối với an ninh, thịnh vượng và lối sống của chúng ta”. “Vì vậy NATO nên hợp tác chặt chẽ với các đối tác thân cận như Úc và Nhật Bản, đồng thời thiết lập những đối tác mới trên toàn cầu”.

Theo Reuters, nếu như trước đây các ưu tiên của NATO thường tập trung vào đối phó các mối đe dọa từ Nga, thì nay sức mạnh ngày càng tăng của Trung cộng đang buộc tổ chức này phải định hình lại các ưu tiên của mình. NATO hiện tìm kiếm thêm đồng minh phương Tây để đối phó với một Trung cộng không còn là “đối tác thương mại thân thiện”.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng Vương Nghị, phát biểu tại một cuộc họp giao ban hôm Chủ nhật vừa qua, cáo buộc Mỹ “vu cáo” và âm mưu “xây dựng các nhóm quyền lực nhỏ nhân danh chủ nghĩa đa phương” nhằm chống lại Bắc Kinh.

Bà Anja Manuel, giám đốc Diễn đàn An ninh Aspen, cho biết đã có một “bước ngoặt lớn” trong việc Ấn Độ sẵn sàng rời bỏ chính sách không liên kết trước đây của mình trong nỗ lực chống lại Trung cộng. 

“Một thập kỷ trước, Ấn Độ vẫn giữ vững lập trường về phong trào không liên kết”, bà nói. “Điều đó nay đã biến mất, đặc biệt là với Thủ tướng Narendra Modi và với các cuộc đụng độ trên dãy Himalaya cao cách đây 2 năm và vào mùa hè năm ngoái”.

Sự thay đổi này được đánh dấu bằng sự kiện Ấn Độ mời Úc tham gia Malabar, một cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản  tháng 10 năm ngoái – đây là lần đầu tiên hải quân 4 nước tổ chức các cuộc tập trận chung kể từ năm 2007. Cuộc tập trận diễn ra khi quân đội Ấn Độ và Trung cộng một lần nữa rơi vào một tình thế căng thẳng về quân sự tại Ladakh.

Bà Brahma Chellaney thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách cho biết: “Sự gây hấn của Trung cộng ở Ladakh là một chất xúc tác lớn khiến Ấn Độ không chỉ hoàn toàn “nhập cuộc” mà còn đồng ý cho Bộ tứ mượn quân đội công để tập trận”.

Sau cuộc đụng độ đẫm máu nổ ra giữa binh lính Ấn Độ và Trung cộng ở khu vực biên giới Ladakh hôm 15/6, quan hệ giữa hai nước trở nên rất căng thẳng, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Ấn Độ dấy lên phong trào tẩy chay hàng hóa Trung cộng. (Ảnh: Getty)

Đô đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, mới đây phát biểu rằng hợp tác quân sự Mỹ-Ấn đã “tiến bộ rõ rệt” và có nhiều tiềm năng hợp tác hơn là chỉ dừng ở mức “cơ hội chiến lược” của thế kỷ 21.

Phát biểu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, ông cho biết quân đội đang chia sẻ nhiều thông tin tình báo hơn, đồng thời ca ngợi việc Ấn Độ mua máy bay do thám P-8, loại máy bay do Mỹ và Úc sử dụng, giúp tăng cường khả năng tương tác.

Tháng 1 năm 2021, Ấn Độ cũng tham gia cùng các thành viên khác của Quad và Canada trong cuộc tập trận tác chiến chống tàu ngầm Sea Dragon. Năm ngoái, họ đã lần đầu tiên thuê máy bay không người lái do thám Sea Guardian của Mỹ.

Bà Tanvi Madan, một chuyên gia về Ấn Độ tại Viện Brookings, cho biết New Delhi cũng đã ký thỏa thuận với Mỹ và Úc để họ tiếp nhiên liệu tại các căn cứ của Ấn Độ. Bà nói rằng mặc dù các động thái kể trên có thể xuất hiện nhỏ lẻ nhưng chúng lại có ý nghĩa hơn nhiều khi được xem xét trong một bức tranh tổng thể: “Nếu bạn xem xét tất cả các sự việc này một cách toàn diện, bạn sẽ bỏ lỡ thông điệp được ẩn giấu bên dưới lớp bề mặt”.

Bà Lisa Curtis, một chuyên gia về Ấn Độ từng là quan chức hàng đầu của NSC về Nam Á dưới thời Trump trong cuộc khủng hoảng biên giới Ấn Độ – Trung cộng, cho biết Ấn Độ đã đẩy lùi Trung cộng trong cả lĩnh vực kinh tế và hàng hải.

Ông Curtis, người đứng đầu Chương trình An ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ mới cho biết: “Ấn Độ đã tăng nhịp độ hoạt động hải quân của mình lên khá nhiều để giữ chân Trung cộng”: “Họ đã đưa ra tuyên bố rằng sự hợp tác của họ với hải quân Mỹ và Nhật Bản là một lời nhắc nhở đối với Trung cộng rằng nếu Bắc Kinh gây áp lực lên biên giới trên bộ, thì họ nên chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với chúng tôi trong lĩnh vực hải quân”.

Ông Rory Medcalfe, chuyên gia an ninh châu Á tại Đại học Quốc gia Úc và là tác giả của cuốn sách Indo-Pacific Empire, cho biết có những lĩnh vực khác mà Bộ tứ có thể hợp tác, bao gồm cả chuỗi cung ứng công nghệ và chính sách mạng.

Tờ Financial Times tuần này đưa tin 4 quốc gia này đang phát triển chiến lược tham gia ngoại giao phân phối vaccine ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, như một hình thức quyền lực mềm nhằm “dằn mặt” các nỗ lực tiêm vaccine của Trung cộng.

Ông nói rằng tuy việc coi Quad là một liên minh quân sự chính thức là điều “phi thực tế”, nhưng việc chính quyền Biden mong muốn làm được nhiều hơn thế, cùng với sự thay đổi của Ấn Độ, đã nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của quan hệ đối tác của “Bộ tứ kim cương”.

“Chúng tôi không đồng ý với quan điểm của một số nhà quan sát nói rằng Quad là một tổ chức mỏng manh và sẽ sớm tiêu tan, và rằng Ấn Độ là mắt xích yếu nhất trong chuỗi liên kết”.

Ấn Độ công khai khẳng định rằng Quad không nhằm vào Trung cộng. Một số người Ấn Độ bày tỏ lo lắng rằng Mỹ đang đưa họ vào một liên minh mà Ấn Độ không mong muốn.

Nhưng ông C. Raja Mohan từ Đại học Quốc gia Singapore cho biết Ấn Độ có thể điều chỉnh hoạt động hợp tác của mình vì nước này không phải là đồng minh hiệp ước của Mỹ, như Úc và Nhật Bản. “Ấn Độ có thể tạo ra mức ảnh hưởng lớn. . . Ấn Độ càng tích cực thì chương trình nghị sự về mặt an ninh càng có thể trở nên mở rộng hơn”.

Ông Abhijit Singh, một cựu sĩ quan hải quân Ấn Độ tại Quỹ Nghiên cứu Người quan sát, cho biết Ấn Độ không có khả năng theo đuổi hợp tác quân sự sâu rộng ngay lập tức với Quad do gần đây quân đội Trung cộng và Ấn Độ đã rút quân một phần. Ông cho biết Ấn Độ cũng “có một chút cảnh giác với việc Bộ tứ có thể bị biến thành một loại liên minh chống Trung cộng”.

“Chúng tôi muốn làm nhiều hơn nữa với các đối tác Quad của mình, nhưng tôi không nghĩ rằng sẽ có quá nhiều biến động trên mặt trận quân sự khi mà quá trình rút quân vẫn còn đang tiếp diễn”, ông Singh nói. “Nhưng nếu chúng tôi có thêm bất kỳ rắc rối nào từ phía Trung cộng, thì rất có thể quan điểm của chính quyền về vấn đề này sẽ thay đổi”.

Ngoài Bộ Tứ, Mỹ đã và đang củng cố mạng lưới liên minh trong khu vực để đối phó Trung cộng. Washington có kế hoạch gia hạn Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) với Phi Luật Tân trong bối cảnh Trung cộng mới thông qua Luật Hải cảnh đầy tranh cãi.  Ký kết vào năm 1998, VFA được coi là khuôn khổ pháp lý cho hàng nghìn binh sỹ Mỹ đồn trú tại Phi Luật Tân và cho phép hai nước tiến hành hàng trăm cuộc tập trận chung thường niên cũng như triển khai các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo.

Về phần mình, Trung cộng cũng đang tập hợp các đối tác chống lại liên minh do Mỹ dẫn đầu. Bắc Kinh tăng cường phối hợp với Nga và Iran – những quốc gia đang phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh. Vào tháng 12/2019, Nga, Trung cộng và Iran đã tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên ở Ấn Độ Dương và Vịnh Oman. Truyền hình nhà nước Iran gọi bộ 3 này là “tam giác quyền lực mới trên biển”. Còn truyền thông Nga cho biết, cả 3 bên đều có chung quan điểm phản đối “quyền bá chủ” của Mỹ. Tuần này, Nga và Iran đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung ở Ấn Độ Dương với mục đích tăng cường an ninh thương mại hàng hải quốc tế, chống cướp biển và khủng bố, trao đổi thông tin.

Lê Minh – Mộc Trà

Theo Finance Times  (08.03.2021)

 

 

Kế hoạch của Mỹ đối phó Trung cộng nếu xảy ra chiến tranh mới được tiết lộ

Tài liệu mới tiết lộ kế hoạch của Mỹ đối phó Trung cộng nếu xảy ra chiến tranh.Nhằm đối phó với sự nổi lên của Trung cộng, bản tài liệu The Longer Telegram đem lại một bằng chứng quan trọng về những lựa chọn mà Ngũ Giác Đài và Tòa Bạch Ốc đang xem xét như một chiến lược mới.

Trong một bài viết trên Nikkei Asia ngày 7/3, Đô Đốc James Stavridis, cựu Tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh của NATO, cho biết, tài liệu có tên The Longer Telegram do Hội đồng Atlantic biên soạn đã tiết lộ những bằng chứng quan trọng về kế hoạch triển khai các lực lượng của Mỹ ở khu vực Đông Á nhằm đối phó Trung cộng.

Dù việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thực hiện ở mức độ nào lập trường cứng rắn của tài liệu nêu trên vẫn còn chưa rõ, nhưng các yếu tố trong bản kế hoạch này đang được cân nhắc một cách nghiêm túc.

Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tham gia diễn tập đổ bộ tấn công ở Chonburi, Thái Lan hồi tháng 2/2020. Ảnh: AP

Theo Đô đốc James Stavridis, đội ngũ mới trong Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ với các chuyên gia hàng đầu về châu Á như Kurt Campbell, chắc chắn sẽ xem xét một loạt lựa chọn trong bản tài liệu về chiến lược mới này.

Các “lằn ranh đỏ” với Trung cộng

Bản tài liệu nêu ra những “lằn ranh đỏ” mà [nếu Trung Mỹ vượt qua] Mỹ có thể sẽ phản ứng bằng quân sự như:

– Bất cứ cuộc tấn công hạt nhân, hóa học hay vũ khí sinh học nào của Trung cộng hay Triều Tiên nhằm vào Mỹ hay các đồng minh của Mỹ.

– Bất cứ cuộc tấn công nào của quân đội Trung cộng nhằm vào Đài Loan hoặc các đảo xung quanh, trong đó bao gồm cả việc phong tỏa kinh tế hoặc tấn công mạng nhằm vào Đài Loan.

– Bất cứ cuộc tấn công nào của Trung cộng nhằm vào các lực lượng Nhật Bản bảo vệ quần đảo Senkaku mà Trung cộng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư, và các vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo này ở Biển Hoa Đông.

– Các hành động thù địch của Trung cộng ở Biển Đông nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý trong khu vực, cùng việc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông, sử dụng vũ lực với các nước trong khu vực, hay ngăn cản các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ và đồng minh.

– Khả năng Trung cộng tấn công vào lãnh thổ hoặc các tài sản quân sự của các đồng minh hiệp ước của Mỹ.

Các trụ sở của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng đang đặt ra cách tiếp cận mới trong việc bố trí và triển khai các lực lượng Mỹ. Những lựa chọn này sẽ được gửi về Lâu Năm Góc như một phần trong báo cáo tổng thể.

Các lựa chọn triển khai lực lượng Mỹ trong khu vực

Một trong số các lựa chọn là tăng cường vai trò của Lực lượng thủy quân lục chiến – lực lượng vốn tập trung vào chiến thuật trên bộ từ thời Thế chiến thứ 2 và điển hình là trong các “cuộc chiến không hồi kết” ở Trung Đông.

Thay vào đó, trong bối cảnh chiến lược đối đầu với Trung cộng hiện nay, Lực lượng thủy quân lực chiến của Mỹ sẽ chuyển hướng sang các chiến thuật trên biển để có thể di chuyển vào các khu vực ở Biển Đông, cũng như các chuỗi đảo mà Trung cộng sử dụng để phòng thủ.

Đường băng và các tòa nhà Trung cộng xây dựng trái pháp ở Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, anh chụp tháng 4/2017. Ảnh: AP

Sau khi vào được các khu vực này, Lực lượng thủy quân lục chiến sẽ sử dụng các máy bay không người lái có vũ trang, khả năng tấn công mạng, và lực lượng đột kích, cùng tên lửa phòng không và cả các vũ khí tấn công diệt hạm để tấn công lực lượng hải quân Trung cộng.

Các đảo nhân tạo mà Trung cộng tiến hành các hoạt động quân sự hóa trái phép ở Biển Đông cũng có thể là mục tiêu. Trong một số trường hợp, đây sẽ là kiểu tác chiến du kích từ ngoài biển.

Ngoài chiến thuật mới của Lực lượng Thủy quân lục chiến, Hải quân Mỹ cũng sẽ tiến hành các chuyến tuần tra mạnh mẽ hơn ở các vùng biển ngoài khơi Trung cộng. Mỹ sẽ sử dụng một chiến lược khôn ngoan: dần dần lôi kéo thêm tàu chiến đồng minh vào các cuộc tuần tra tự do hàng hải này. Làm như vậy, Mỹ có thể quốc tế hóa các nỗ lực ngăn cản Trung cộng tuyên bố chủ quyền phi lý đối với Biển Đông.

Ngũ Giác Đài hy vọng có thể lôi kéo Anh, Pháp và các đồng minh NATO khác vào các chiến dịch tự do hàng hải [ở Biển Đông]. Trong một cuộc họp cấp bộ trưởng quốc phòng NATO ở Brussels gần đây, các nước thành viên đã thảo luận về vai trò của liên minh quân sự này để đối phó với khả năng quân sự ngày càng lớn mạnh của Trung cộng.

Về lâu dài, Mỹ có thể sẽ thuyết phục Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và cả các nước Đông Nam Á tham gia vào các chiến dịch tự do hàng hải như vậy. Tài liệu The Longer Telegram cho rằng, Mỹ sẽ tạo ra một liên minh hàng hải toàn cầu để đối phó với các lực lượng của Quân đội Trung cộng.

Ngoài các hoạt động trên biển, Không quân Mỹ cũng sẽ tăng cường điều động thêm máy bay ném bom tấn công mặt đất tầm xa cùng các tiêm kích tới các căn cứ nằm rải rác ở nhiều nơi tại châu Á, trong đó có cả các khu vực xa xôi trên các đảo nhỏ. Các chiến dịch sẽ được hỗ trợ từ các căn cứ lớn hơn ở Guam, Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc.

Lực lượng Lục quân Mỹ sẽ tăng cường cả khả năng chiến đấu cũng như sự linh động trong việc triển khai các đơn vị hỗ trợ. Theo đó, Mỹ có thể sẽ tăng cường năng lực của các căn cứ tại Hàn Quốc và Nhật Bản theo hướng dễ dàng triển khai tới các đảo nhỏ hơn trong khắp khu vực.

Lực lượng Không gian của Mỹ sẽ chuyển trọng tâm sang tình báo và trinh sát trong khu vực, đồng thời thúc đẩy các lựa chọn tấn công mạng từ Bộ Tư lệnh Không gian mạng của Mỹ, với sự phối hợp của Cơ quan an ninh quốc gia.

Về tổng thể, có vẻ như rõ ràng là quân đội Mỹ sẽ đẩy mạnh sự hiện diện và khả năng chiến đấu ở Tây Thái Bình Dương và sẵn sàng cho một cuộc xung đột với Trung cộng trong những thập kỷ tới.

Bản tài liệu The Longer Telegram đem lại một bằng chứng quan trọng về những lựa chọn mà Ngũ Giác Đài và Tòa Bạch Ốc đang xem xét như một chiến lược mới nhằm đối phó với sự nổi lên của Trung cộng.

Đô Đốc James Stavridis hy vọng rằng với chiến lược ngoại giao chuyên nghiệp và sự phụ thuộc lẫn nhau của hai nền kinh tế Mỹ và Trung cộng, khả năng bùng nổ chiến tranh sẽ được ngăn chặn. Dù vậy, các nhà hoạch định chính sách quân đội Mỹ chắc chắn sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng mọi khả năng ngay từ thời điểm này

VietBF (08.03.3021)