Seite auswählen
30.03.2021

Racism and Sexism Intersect
“Kỳ thị chủng tộc và kỳ thị phái tính có giao điểm”

Toàn thể Ban Biên Tâp Da Màu lên án bạo lực ngày càng gia tăng cùng các hành vi sách nhiễu đang nhắm vào cộng đồng người Châu Á, người Mỹ gốc Á và/hoặc xuất xứ từ quần đảo Thái Bình Dương. Chúng tôi đoàn kết với mọi nghệ sĩ, các nhà lãnh đạo cộng đồng, các nhà giáo dục, sinh viên, những người tích cực tham gia hành động chống bạo lực và sự kỳ thị chủng tộc hiện đang tranh đấu cho quyền lợi của những cá nhân và tầng lớp xã hội dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng người Á Đông ở Hoa Kỳ và quốc tế.  Cuộc thảm sát của tám nạn nhân ở thành phố Atlanta ngày 16 tháng 3 năm 2021, trong số này có sáu phụ nữ Mỹ gốc Á, là một biến cố gần nhất trong lịch sử dài hạn và thảm khốc của sự kỳ thị chủng tộc và phái tính, có ảnh hưởng trực tiếp đến công dân và cư dân Hoa Kỳ.

Với tư cách là những người viết quan tâm về ngôn ngữ, văn hóa, xã hội, và lịch sử của Việt Nam, cùng cộng đồng các giống dân Châu Á và các thiểu số khác tại Hoa Kỳ, chúng tôi coi trọng việc kiểm chứng và phân tích các yếu tố đã và đang tác động mạnh mẽ vào những thành kiến về các nhóm dân tộc ở Mỹ.  Sự leo thang gần đây của bạo lực hướng về những nhóm dân thiểu số không đơn giản là những hành vi biệt lập của từng cá nhân có bệnh tâm thần.  

Những hành vi kỳ thị và tội ác thù hận, nói chung—thường không được báo cáo với tỉ lệ chính xác, hoặc ít được giới truyền thông chú ý trừ phi là những vụ thê thảm nhất—dù sao vẫn đang gia tăng ở Hoa Kỳ: kể từ tháng 3 năm ngoái, Stop A.A.P.I.  Hate, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập trong thời đầu của mùa đại dịch để theo dõi sự kỳ thị chủng tộc nhắm vào với người Mỹ gốc Á và quần đảo Thái Bình Dương, đã nhận được gần 3800 báo cáo về các trường hợp–từ sách nhiễu, phỉ báng qua lời nói đến việc hành hung, xúc phạm thân thể, mà 68% nạn nhân trong số này là phụ nữ gốc Á. Trong một cuộc khảo sát với một số sở cảnh sát, Trung tâm Nghiên cứu Chủ nghĩa Thù hận và Cực đoan (the Center for the Study of Hate and Extremism), tại California State University, thành phố San Bernardino, đã thống kê được 122 tội ác thù hận và chống đối người Châu Á trên 16 thành phố của Hoa Kỳ vào năm 2020, tăng từ tổng số 49 vụ vào năm 2019. Và đã có 500 trường hợp kỳ thị người Châu Á được báo cáo chỉ trong hai tháng đầu của năm 2021. Sự gia tăng bạo lực chống người Châu Á dẫn đến vụ thảm sát ở Atlanta do đó không phải là một ngoại lệ mà đúng hơn là cao điểm của sự bất bình đẳng mà mùa đại dịch đã phơi bày và gây tệ hại hơn—Covid-19 là một thảm họa toàn cầu mà người Châu Á ở mọi nơi dường như đang bị đổ lỗi và trở thành mục tiêu công kích.

Một cuộc thảm sát vô nghĩa có thể làm sáng tỏ một cách đau đớn về tình trạng một đất nước. Như cái chết của George Floyd và nhiều nạn nhân Mỹ gốc Phi châu đã chứng minh cho chúng ta thấy, sự kỳ thị chủng tộc đã cùng lúc trở nên thường tình và bệnh hoạn.  Những lời nói mang tính kích động của một cựu Tổng thống đề cao chủ nghĩa da trắng thượng đẳng kết hợp với sự tuyệt vọng do một đại dịch chưa từng có đã làm nổi bật sự hiện hữu rất bấp bênh của một nhóm người thiểu số ở Mỹ. Người dân Mỹ gốc Á sinh sống trong thời đại dịch vừa cảm thấy bất lực trước con virus chết người vừa phải đề kháng với bệnh kỳ thị cũng là sự truyền nhiễm gây tử vong.  Đây là cảm tưởng bị kẹt bẫy trong một thảm kịch Hoa kỳ cùng lúc bị phủ nhận quyền lợi hiến pháp của một công dân Mỹ.

Thật khó để định nghĩa toàn diện vấn nạn kỳ thị người Châu Á khi nước Mỹ vẫn còn thiếu sót một lịch sử mạch lạc về chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc. Đây là một lịch sử có nhiều khúc rẽ, đứt quãng, và cũng bị chi phối bởi quyền lực, chủ nghĩa đế quốc, và những mâu thuẫn phức tạp của lý tưởng đoàn kết trong tinh thần đa nguyên—de pluribus unum—mà cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ đã đề xướng hơn hai thế kỷ qua. Nhiều khi sự kỳ thị, nếu không tự giác, sẽ phát hiện như một phản ứng hồn nhiên hoặc vô thức. Chuyện giới truyền thông Mỹ quen nhìn người Mỹ gốc Á như ngoại nhân vĩnh viễn là một thí dụ điển hình. Trong vụ thảm sát ở Atlanta, ngay cả giới báo chí muốn giúp người gốc Á chống kỳ thị cũng vô tình mô tả các nạn nhân là những người di dân mới sang Mỹ, thay vì là công dân Mỹ hợp pháp. Ngoài ra, một số người Châu Á ở Mỹ cũng có chiều hướng gắn bó nhiều với truyền thống, dân tộc của họ, hoặc với tổ quốc đã rời bỏ, hơn là với xã hội Hoa kỳ hay với một cộng đồng người Mỹ gốc Á hỗn hợp và đa diện.

Phạm vi của cuộc tranh đấu kỳ thị chủng tộc trên mạng xã hội cũng thường bị cô lập hoặc nhân rộng qua nhiều nỗ lực trùng hợp nhưng không hẳn liên kết, như những hashtags #StopAAPIHate, #ProtectOurElders, #NotYourModelMinority, v.v. Trong thời đại của Black Lives Matter, ước muốn được tạo dựng một vị trí chính trị rõ ràng và thống nhất trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, những chia sẻ trong nội bộ Da Màu gần đây đã cho thấy trải nghiệm của người Mỹ gốc Á—ngay cả quan điểm trong cộng đồng người Việt ở Mỹ—không hẳn nhất quán với định nghĩa về khái niệm nạn nhân hay tội ác.

Vụ thảm sát ở Atlanta là lời nhắc nhở chua chát, cho ta thấy rằng sự kỳ thị dân Châu Á thường đi kèm với sự căm thù phụ nữ—cả hai vấn nạn này thường nhắm vào phụ nữ châu Á với tỉ lệ cao hơn những nhóm khác. Kẻ giết người cho rằng các nạn nhân–bao gồm sáu phụ nữ Mỹ gốc Á—có liên quan đến hoạt động mại dâm, và vì vậy hắn bắt buộc phải chĩa súng vào họ để hủy diệt “sự cám dỗ tình dục” mà họ đã gây ra cho hắn. Đối với chúng tôi, đây là một tội ác xảy ra ở giao điểm của chủng tộc và phái tính, và chúng tôi không thể tiếp tục làm ngơ việc sử dụng các yếu tố đan xen này trong nhiều thập kỷ để hợp lý hóa bạo lực đối với phụ nữ Mỹ gốc Á.

Chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc mà người Mỹ gốc Á phải đương đầu thường được thảo luận qua khuôn mẫu hàn lâm hay khái quát, tước bỏ các đặc thù mà sự kỳ thị phái tính cộng với kỳ thị chủng tộc thường tạo ra nhiều nguy cơ cho phụ nữ Mỹ gốc Á, là nhóm đã phải chịu đựng nhiều định kiến lâu đời từ chính văn hóa gốc của họ. Một mặt, phụ nữ Châu Á thường bị coi là khác lạ, nhút nhát, và dễ bảo, điều này có thể khiến họ dễ trở nên mục tiêu của các tội ác như sách nhiễu tình dục và hiếp dâm. Ở mặt khác, do những yếu tố liên hệ đến văn hóa, sĩ diện, hoặc quyền lực của kẻ xâm phạm, nhiều trường hợp kỳ thị chủng tộc hoặc sách nhiễu tình dục ít khi được các nạn nhân phụ nữ Châu Á báo cáo.

Ngay cả khi phụ nữ Mỹ gốc Á được tôn vinh là “những đóa hoa sen” (lotus blossoms) nhu mì và phục tùng, họ cũng cùng lúc bị kết tội ​​là những “mụ rồng cái” (dragon ladies)[1] đe dọa nam tính và phẩm cách đạo đức của đàn ông Mỹ. Nhiều người có thể đã nghe qua Đạo luật Loại Trừ Người Trung Quốc (Chinese Exclusion Act) năm 1882 từ chối những người Trung Quốc nhập cảnh vào Hoa Kỳ vì lý do chủng tộc. Ít người biết về Đạo luật Page (The Page Act) ra năm 1875, do Dân biểu Horace F. Page (Cộng hòa-California) đề xướng, nhằm loại trừ bất kỳ người di dân Trung Quốc nào trong thành phần “vô loài/không ưu tú”—nhóm này bao gồm phụ nữ Trung Quốc, vào thời đó bị coi là tham gia vào sinh hoạt mại dâm toàn cầu và do đó có thể làm “băng hoại nền luân lý” của Hoa Kỳ.

Từ đó đến nay, phụ nữ Mỹ gốc Á tiếp tục hiện hữu như biểu tượng để củng cố những định kiến của Hoa Kỳ về phái tính và tình dục. Anna May Wong, ngôi sao điện ảnh người Mỹ gốc Hoa đầu tiên—nổi tiếng trong thập niên 1920—nhận thấy rằng hầu hết các vai diễn điện ảnh dành cho cô đều quy vào nhân vật “rồng cái” gian tà, bí hiểm, đầy ma lực. Xu hướng này tiếp tục với phim Full Metal Jacket năm 1987 của đạo diễn Stanley Kubrick, trong cảnh một cô gái điếm Việt Nam gạ gẫm lính Mỹ với câu chào hàng bằng tiếng Anh bồi đã thành phổ quát, “me so horny, me love you long time.”

Tóm lại, kỳ thị chủng tộc và kỳ thị phái giới biến phụ nữ Mỹ gốc Á cùng lúc thành nạn nhân yếu ớt và mối đe dọa trường kỳ. Điều này ảnh hưởng trầm trọng đến giới phụ nữ Mỹ gốc Á trong các ngành dịch vụ và công việc mại dâm, nơi thành kiến ​​coi phụ nữ Mỹ gốc Á vừa bất lực vừa gian tà có thể gia tăng nguy cơ tại nơi làm việc của họ như chuyện bị khách hàng sách nhiễu, xúc phạm, cùng với các cuộc truy quét đầy bạo lực của cảnh sát, hoặc sự bất công trong cách họ bị cộng đồng và giới cầm quyền đánh giá thấp nhân phẩm hay tính mạng, so với những thành phần nạn nhân khác.

Những đối thoại về bạo lực từ nay cần có sự kiểm chứng và phân tích những khía cạnh mà chuyện kỳ thị chủng tộc và kỳ thị phái tính dẫn đến việc bôi xóa phụ nữ Châu Á, như trường hợp mà hung thủ đã áp dụng để biện minh cho hành động giết người của y ở Atlanta. Những định kiến chủng tộc và phái tính, dựa trên hoang tưởng, đã tạo xương tủy cho Đạo Luật Page vào năm 1875, lại được hồi sinh trong năm 2021 để hủy diệt phụ nữ Châu Á. Chúng tôi không thể dung túng mãi sự lạc hậu vô nhân đạo này.

Sóng vai đối diện với đại dịch toàn cầu giúp chúng tôi thấy rằng mọi cộng đồng, ở bất kể mọi cấp độ, rất cần có sự đoàn kết chặt chẽ. Chúng tôi hiểu rằng ngoài những điểm tương đồng, việc chấp nhận sự khác biệt của mọi thành viên là điều cần thiết cho tinh thần nhân bản và sự sáng tạo. Chúng tôi lên án mọi trường hợp mà sự thiếu hiểu biết, lòng căm thù và cảm giác tự ti đã khiến các hung thủ gây ra những tội ác vô nhân tính––tước đi không chỉ nhân tính của người khác, mà của chính họ, và của toàn thể chúng ta.

Chúng tôi rất mong quý bạn lên tiếng nếu quý bạn chứng kiến những tuyên bố và/hoặc hành vi kỳ thị chủng tộc, phái tính, giới tính, khuynh hướng tính dục, tôn giáo, ý thức hệ, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu.

Chúng tôi kêu gọi những đối thoại cởi mở giữa những thế hệ người viết, các nhà giáo dục, phụ huynh, học sinh, sinh viên, hầu trao đổi kiến thức, quan điểm, và trải nghiệm—cũng là cách tạo cảm thông và giảm đi những tị hiềm, đau thương.

Để báo cáo các trường hợp sách nhiễu hoặc kỳ thị, hoặc để yêu cầu các biện pháp hỗ trợ về giáo dục hoặc việc làm, hãy liên lạc với các cơ quan địa phương, tiểu bang và/hoặc liên bang có nhiệm vụ bảo vệ sự công bằng và bình đẳng—nhiều nơi có sẵn các mẫu báo cáo trên mạng. Để báo cáo trường hợp thù hận hoặc thành kiến (hate/bias report), có thể xem thủ tục báo cáo của tiểu bang California ở đây.

Như chúng ta đã thấy trong những vụ thảm sát, bạo lực do súng đạn vừa là một triệu chứng của sự thù hận/kỳ thị chủng tộc, vừa là một cuộc khủng hoảng bao quát, không phân biệt màu da ở Hoa kỳ, đã một lần nữa xảy ra ở Boulder, Colorado vào ngày 22 tháng 3, chưa đầy một tuần sau vụ thảm sát ở Atlanta. Theo thống kê mới nhất, hơn 30.000 người Mỹ mỗi năm bị chết vì súng đạn.  Ngoài những tranh đấu chống kỳ thị người Mỹ gốc Á, chúng tôi ủng hộ những cải cách liên hệ đến việc kiểm soát súng đạn—bao gồm Đạo luật Lưỡng Đảng Kiểm Tra Lý Lịch năm 2021 (Bipartisan Background Checks Act of 2021) vừa được Hạ viện Mỹ thông qua — để ngăn ngừa thương tích và tử vong cho mọi người dân trên lãnh thổ Hoa kỳ.

Cuối cùng, chúng ta đến với nhau qua văn chương và nghệ thuật—hai lãnh vực mang tính cách cảm thông vô cùng mạnh mẽ. Ban Biên Tập Da Màu nguyện tận dụng năng lực sáng tạo của chúng tôi để duy trì một sân chơi an toàn trong việc tiếp tục vun xới những thành quả đa nguyên cho nền văn hóa của cộng đồng người Việt, trong nước cũng như toàn cầu.

Trân Trọng,

Toàn thể Ban Biên Tập Da Màu


[1] “Hoa sen” và “rồng cái” cùng lúc biểu hiện sự nhu nhược và ác hiểm của phụ nữ Châu Á là những thành kiến sáo mòn được truyền bá qua phim ảnh và văn hóa bình dân của Hoa Kỳ từ đầu thế kỷ 20. Xin đọc bài nhận định của nhà văn Jessica Hagedorn, “Phụ Nữ Á Châu Trong Phim Ảnh: Không Hả Hê, Không May Mắn” (bản dịch Nguyễn thị Hải Hà), đăng trên Da Màu ngày 04-03-2011.