Dich từ báo The Guardian, bài Only racist ignorance lets Rick Santorum think America was ‘birthed from nothing’
Mặc dù Hoa Kỳ nhanh chóng cáo buộc các quốc gia khác về tội diệt chủng, họ chưa thừa nhận tội ác diệt chủng đối với người bản địa của chính họ.
By Nick Estes, on 27-04-2021
Tuần trước, Rick Santorum đã nhắc lại một giai thoại được truyền bá rộng rãi về chủ nghĩa phi thường của Hoa Kỳ. “Chúng ta đến đây và gầy dựng một thế giới mới, chúng ta đã khai sinh ra một quốc gia từ con số không”, cựu thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và nhà bình luận của CNN phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức cánh hữu Young America (tạm dịch là Tổ chức Nước Mỹ Trẻ) . “Quốc gia này được sinh ra bởi những người đã đến đây.” Từ “Chúng ta” của ông ấy không bao gồm những người Bản địa đã sống ở đây từ trước đó hoặc những người Châu Phi bị mang đến đây trong xiềng xích. Và “thế giới mới” đó được xây dựng từ sự cướp bóc bạo lực ở hai lục địa – Châu Phi và Bắc Mỹ. Nếu Hoa Kỳ được “sinh ra từ con số không”, thì đất đai và lao động nô lệ làm nên sự giàu có của quốc gia này chắc chắn phải là từ trên trời rơi xuống – bởi vì nó chắc chắn không đến từ châu Âu.
Đây không phải là lần đầu tiên một nhân viên của CNN tán thành chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chống lại người bản địa. Tháng 11 năm ngoái trong bản tin trực tiếp về đêm bầu cử, CNN đã gọi các cử tri người Mỹ bản địa là “một cái gì đó khác”. Hiệp hội nhà báo người Mỹ bản địa (NAJA) đã yêu cầu CNN đưa ra lời xin lỗi nhưng họ từ chối thực hiện. Và mới tuần trước, người dẫn chương trình CNN Poppy Harlow đã xác định nhầm thống đốc Peggy Flanagan của bang Minnesota, một thành viên của Ban nhạc White Earth của Ojibwe, là “một phụ nữ da trắng”. Đài này vẫn chưa đính chính lỗi lầm của họ. NAJA (mà tôi là thành viên) kể từ đó đã kêu gọi sa thải Rick Santorum và các thành viên để tránh làm việc với CNN vì họ thiếu đạo đức và trách nhiệm giải trình đối với nhân viên của họ xung quanh các quan điểm phân biệt chủng tộc khác nhau.
Tuy nhiên, những miêu tả mang tính phân biệt chủng tộc về người bản địa trên các phương tiện truyền thông cho thấy một vấn đề tiềm ẩn sâu hơn. Việc xóa sổ lịch sử và dân tộc bản địa – tồn tại từ rất lâu trước đó và cho dù là một đế chế xem người da trắng là tối thượng – là nguyên tắc sáng lập của Hoa Kỳ. Trên thực tế, nó vẫn được hệ thống hóa trong luật pháp Hoa Kỳ. Vì vậy, khi Rick Santorum và những người bạn của ông ấy nhấn mạnh rằng người châu Âu sở hữu quyền thiêng liêng để chiếm lấy một lục địa, tạo ra một quốc gia từ “không có gì” và duy trì tính văn hóa ưu việt, họ không sai hoàn toàn. Đó là vị trí mặc định với một lịch sử lâu đời.
Và có lẽ Santorum và đồng minh của ông ta đã đúng khi họ coi Mỹ là một quốc gia thần quyền Cơ đốc. Rốt cuộc, các nguyên tắc cơ bản của việc trộm cắp, nô dịch và chiếm đoạt đất đai bắt nguồn từ những biện minh tôn giáo. Một sắc lệnh năm 1493 của Giáo hoàng được gọi là học thuyết về sự khám phá, đã biện minh cho cuộc chinh phục Châu Phi, Châu Á, Châu Đại Dương và Châu Mỹ của người Châu Âu theo đạo Cơ đốc. Thomas Jefferson, với tư cách là ngoại trưởng vào năm 1792, đã tuyên bố rằng học thuyết được thực hiện bởi các quốc gia châu Âu là luật quốc tế và do đó cũng được áp dụng cho đất nước Hoa Kỳ còn non trẻ.
Những quan điểm đó sau đó đã truyền cảm hứng cho học thuyết Monroe khẳng định quyền tối cao của Hoa Kỳ đối với bán cầu tây, một vận mệnh mang tính hiển nhiên, và là biện minh về mặt ý thức hệ cho sự bành trướng và thực dân hóa về phía bờ tây của Hoa Kỳ. Một vụ kiện của tòa án tối cao Hoa Kỳ năm 1823, Johnson v M’Intosh, ủng hộ học thuyết này, tạo đặc quyền cho các quốc gia châu Âu và những người kế vị như Hoa Kỳ, thông qua tiêu đề “khám phá” các vùng đất của người bản địa. Các quốc gia bản địa và tính chủ quyền của họ, tòa án phán quyết, “bị giảm sút là một điều cần thiết”.
Thực tế chính trị và pháp lý như vậy đối với người Bản địa trở thành điều hiển nhiên đến mức nó hiếm khi được đề cập đến trong sách lịch sử chứ đừng nói đến các bài bình luận chính thống. Thay vào đó, một nền văn hóa lãng quên tràn ngập Hoa Kỳ. Nhưng việc quên có mục đích không thể xóa bỏ chủ ý, nó chỉ gây thương tích. Xóa bỏ làm cho việc chiếm đất của người bản địa dễ dàng hơn.
Mặc dù Hoa Kỳ nhanh chóng cáo buộc các quốc gia khác về tội diệt chủng, họ vẫn chưa thừa nhận tội ác diệt chủng đối với người Bản địa của chính họ. Để khẳng định điều đó có nghĩa là phải thực hiện các biện pháp để ngăn chặn điều đó xảy ra một lần nữa. Điều đó có nghĩa là ngăn chặn nạn trộm cắp và phá hủy đất đất, văn hóa và quốc gia bản địa đang diễn ra. Tiếp theo đó là một quy trình về công lý. Toàn bộ trật tự pháp lý làm nền tảng cho các quan điểm và thực tiễn phân biệt chủng tộc đối với người bản địa sẽ phải bị xóa bỏ. Đất đai bản địa và các quyền chính trị cần phải được khôi phục. Một quốc gia man rợ được xây dựng bằng bạo lực không kể hết cuối cùng sẽ phải trở nên văn minh và đền bù lại cho những người dân và quốc gia mà họ đã cố gắng tiêu diệt. Rốt cuộc, việc loại bỏ các quốc gia Bản địa không chỉ là việc chiếm đoạt đất đai, mà nó còn là việc phá hủy một viễn cảnh tiềm năng khác – một thế giới được xây dựng và tồn tại bằng các mối quan hệ tử tế thay vì một thế giới phân biệt chủng tộc giai cấp hệ thống dựa trên tài sản và chinh phục.
Thế giới đó vẫn tồn tại, và những câu chuyện của nó vẫn cần được kể bởi những người Bản địa.
Đó là một sứ mệnh khó khăn đòi hỏi ý chí, lòng dũng cảm và những lời trung thực mà chúng ta không thể thấy phát ra từ các tòa soạn của các tâp đoàn như CNN, chứ đừng nói đến giới thượng lưu chính trị và cầm quyền ở đất nước này. Việc sa thải Rick Santorum sẽ không giải quyết được những bất bình đẳng và phân biệt chủng tộc đối với người bản địa đã bắt rễ sâu xa. Nhưng sự phủ nhận diệt chủng đối với người bản địa – một hình thức văn hóa hủy bỏ cao nhất – không nên được phổ biến nếu chúng ta muốn vượt qua các quan điểm phân biệt chủng tộc của thế kỷ 15 đã được hệ thống hóa trong học thuyết khám phá.
Người dịch: Quan Ly
Biên tập: Le Tran
The Interpreter
Nick Estes là một người dân Bộ lạc Lower Brule Sioux. Ông là trợ lý giáo sư khoa Mỹ học tại Đại học New Mexico. Năm 2014, ông đồng sáng lập The Red Nation, một tổ chức kháng chiến của người bản địa. Ông là tác giả của cuốn sách Our History Is the Future: Standing Rock Versus the Dakota Access Pipeline, and the Long Tradition of Indigenous Resistance (Lịch sử của chúng ta là tương lai: Tảng đá chống lại đường ống dẫn vào Dakota và Truyền thống lâu đời về kháng chiến của người bản địa (Verso, 2019))