Seite auswählen

San Francisco Chronicle

Tác giả: Soleil Ho

Joaquin Nguyễn Hòa, lược dịch

13-5-2021

 

 

 

Nhà phê bình ẩm thực Soleil Ho tìm thấy một môi trường dễ tiếp thu trong thời điểm này để hiểu sự chiếm đoạt văn hóa ẩm thực và vì sao nó lại quan trọng. Nguồn: Kimberly Young Sun

Lời người dịch: Soleil Ho, hay Soleil Dan Vỹ Hồ, là một cây bút phê bình ẩm thực người Mỹ gốc Việt, sống ở California. Bài viết mới đây của cô trên báo San Francisco Chronicle, cho thấy, ẩm thực, văn hóa và chính trị tưởng chừng không có gì liên quan với nhau, nhưng lại có quan hệ rất chặt chẽ, nhất là ở nước Mỹ đa chủng tộc, đã và đang đối phó với nạn kỳ thị chủng tộc, bất bình đẳng sắc tộc và kinh tế bấy lâu nay.

***

Sau nhiều năm cố gắng giải thích về chiếm dụng văn hóa trong ẩm thực, trong nhiều bài viết, phỏng vấn, tôi gần như đã đầu hàng, không hy vọng người ta hiểu, vì sao chuyện đó quan trọng.

Có lúc tôi giống như là một đứa chuyên viết linh tinh về chiếm dụng văn hóa cho giới truyền thông, và tôi cứ thích thú lặp đi lặp lại những chuyện như là, oh có gì không nếu một người da trắng nấu cà ri ở nhà! Thế là tôi nhận được những phản ứng cứ tưởng tôi nói rất nghiêm túc, vì có nhiều cái đáng ngờ lắm.

Tôi đâu có nói người ta được phép nấu cái này hay cái kia, tôi cũng không nói người ta không được thưởng thức những món lạ. Tôi nói đi nói lại rằng, sự cá biệt về văn hóa [ẩm thực] là một phần nhỏ trong lịch sử của nhân loại: Một khía cạnh của việc tiếp nhận văn hóa có nguồn gốc từ thời thuộc địa và những kiểu bóc lột kinh tế khác. Tầm mức của việc này đi từ vụ nước Mỹ tước đoạt bằng bạo lực đến 1,5 tỷ mẫu Anh đất đai của người da đỏ, cho đến các công ty sô cô la phương Tây mua cacao giá rẻ mạt do trẻ em hái ở các nước miền Tây châu Phi. Những việc như vậy xảy ra trên một tín điều rằng, một nền văn hóa thống trị có quyền lấy đi những gì nó thích từ những nền văn hóa khác, và trục lợi từ đó.

Nhưng rất dễ để từ (những phê bình) đó mà nói rằng, những người da màu không muốn cho các bạn ăn mì ramen.

Điều lạ là, mối quan hệ giữa sự phân biệt chủng tộc có hệ thống và sự chiêm dụng văn hóa lại trở nên dễ dàng hơn hiện nay. Khắp nước Mỹ, người châu Á và Mỹ gốc Á lên tiếng về những hành vi chống lại họ, từ việc chửi mắng cho đến xâm phạm thân thể, dẫn đến chết chóc, và không giống như trước đây, hiện nay nhiều người lắng nghe hơn. Việc không ai quan tâm đến tội ác chống người châu Á gia tăng trong cộng đồng chúng ta, thêm một đường nét nữa vào hình ảnh bếp núc châu Á rất phổ biến trong bức tranh các nhà hàng ở Mỹ.

Trong các thành phố, người da trắng làm chủ các tiệm ăn châu Á đã trở nên phổ biến cả chục năm nay, từ những chuỗi cửa hàng Phở ở Anh, đến O Ya ở Boston, rồi Le Colonial ở San Francisco. Đó là những tiệm ăn bắt chước ẩm thực châu Á mà không bị nói nào là dơ bẩn, nào là rẻ tiền, nào là ăn những thứ linh tinh rất đáng ngờ. Các tiệm ăn này đang tước đoạt hay là đang trân trọng văn hóa, khi họ đang “tẩy” thức ăn và nghệ thuật châu Á? Bạn có thể hỏi rằng có gì liên quan giữa một quán ăn đầy những thứ “ngố Tàu” (chinoiserie) và bạo lực chống người châu Á. Thực tế cho thấy, những cái đó tồn tại trong một không khí xung đột như hiện nay là cả một vấn đề lớn. Phương Tây có thể một tay bán cho bạn món phở để nói rằng họ yêu văn hóa của bạn, tay khác thì ký giấy trục xuất bạn.

Bây giờ thì người ta có thể hiểu chuyện gì bên cạnh sự chiếm dụng đó: Làm sao để kéo con người ta trở lại thực tại, cái gì thật sự đang diễn ra.

Tôi lại bắt đầu nghĩ về sự chiếm dụng văn hóa vài tuần trước đây khi có một độc giả cầu cứu tôi giải quyết những cảm xúc của họ về một nhà hàng Thái mới mở ra ở thành phố Sebastopol.

Quán có tên là Kham Loi, do nhóm Ramen Gaijin làm chủ và được nói là xuất phát từ ý tưởng của một người đồng sáng lập người da trắng, hay đi du lịch Thái Lan. Quán rất bề thế với một cửa kéo lớn dọc một bức tường, một phông tên nước trang trí đầy xương rồng giữa phòng ăn. Hồi tháng Ba, tôi có đọc thực đơn và thấy nói là bạn tìm thấy những món y như bên Thái. Ông đầu bếp quả là can đảm vì ông ta chỉ đến Thái như là một du khách, nhưng các nhà hàng có câu chuyện nguồn gốc tương tự thì phổ biến và đồ ăn “cay không thể tả”.

Mà thực đơn thì đầy tiếng Thái, như “cak kratha” được dịch ra là nấu bằng chảo, nhưng nhiều người Thái nói với tôi rằng không phải như thế. Hay là có một món pad Thai giá 18 đô, nấu bằng sợi bánh bản dày, trong khi món này thực sự phải nấu bằng bánh mỏng hơn. Những chuyện sai sót như vậy, một mặt cho rằng mình biết tất tần tật bấp núc lẫn ngôn ngữ Thái, mặt khác thu lợi nhuận từ đó, là một ví dụ điển hình về việc chiếm dụng văn hóa.

Thoạt tiên, tôi lo là tôi đang đi vào một nơi mà tôi bị hiểu lầm trước đây. Tôi có thể khơi mào cho một bài trên trang Breibart (một trang cực hữu ủng hộ Trump, chống di dân), rằng “Nhà phê bình trên báo Chronicle nói rằng người da trắng không thể nấu món pad thai”. Tôi biết là những tranh luận phức tạp về kinh tế có thể bị hiểu sai và đơn giản hóa nó với ý xấu.

Rồi chuyện những người thật thà có thể nghĩ chuyện chiếm dụng văn hóa như là làm sao để nấu ăn được “thuần túy”, trong sự tưởng tượng ra chuyện đúng và sai trong cách nấu. Nó cũng có thể đánh đồng chuyện tiêu thụ với thưởng thức văn hóa sao cho đúng. Nhưng làm sao chữa trị được những căn bệnh về chiếm dụng văn hóa kéo dài đã quá lâu, mà chỉ bằng chuyện ăn đúng món?

Vì tất cả những lý do đó, tôi quyết định luận bàn dựa trên khái niệm chiếm dụng văn hóa sẽ không đi đến đâu, tôi không muốn nói về nó nữa.

Trong khi đó, khuynh hướng bài Hoa, sự phân biệt chủng tộc chống người châu Á đã làm cho cuộc đối thoại về chiếm dụng văn hóa trở nên không thể kém nhầy nhụa hơn. Có thể là trong nền chính trị của người Mỹ gốc Á, người ta đang lo ngại. Nhiều người không quan tâm đến hoạt động xã hội bây giờ có thể thấy được mối quan hệ giữa sự mị dân chính trị và những tội ác phân biệt chủng tộc.

Gần đây người Nhật rất tức giận khi có một tiệm ăn Nhật tên là Shibumi ở Los Angeles viết trên Instagram, rằng đây là quán ăn duy nhất trong thành phố này có nấu món ăn “thuần túy” Nhật Bản. Ông chủ quán là một người da trắng tên là David Schlosser. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Eater LA, Schlosser cho rằng cách đây hai năm ông ta chắc là không nhận nhiều bình luận giận dữ như vậy (hơn 200 bình luận). Phiên dịch tiếng Nhật, Junko Goda, trả lời rằng, lời lẽ làm người ta giận dữ với sự thức tỉnh của cộng đồng châu Á và Thái Bình Dương, và cả trăm năm bị quên lãng.

Đạt được sự tỉnh thức đó là nhờ vào phong trào Black Lives Matter của người da đen vào mùa hè năm 2020 với những đòi hỏi bãi bỏ nhà tù, cải tổ cảnh sát, những bàn luận về phân biệt chủng tộc của thanh thiếu niên trên TikTok, những bài bình luận trên các tờ báo lớn, những bàn tán trong các câu lạc bộ sách. Một cách bi kịch, phong trào này đã sử dụng một câu chuyện cá nhân là nạn nhân của bạo lực chống người da đen để khái quát lên vấn đề da trắng thượng đẳng trong lực lượng cảnh sát, và từ đó những phong trào khác có thể noi theo. Việc thức tỉnh về chủng tộc chấn động trong cả thế giới ẩm thực, người ta điểm tên trên Instagram những hành vi phân biệt chủng tộc, những môi trường làm việc độc hại trong các tiệm ăn.

Lâu nay chính trị của người Mỹ gốc Á tập trung vào tính đại diện, trong nhà hàng, trong công thức nấu ăn, trong điện ảnh. Tôi biết vậy vì tôi cũng là người trong cuộc. Nhưng dần dần tôi tự hỏi, vì sao chúng ta làm những việc đó dựa vào những định chế dòng chính của nước Mỹ, nơi có đa số người da trắng, nào là báo chí, đầu bếp nổi tiếng, truyền hình,… những việc đó lại là những việc cần có những kinh nghiệm và hiểu biết không thuộc về người da trắng. Việc “thể hiện” đúng không giải quyết được những vấn đề của chúng ta.

Tất cả những điều này có vẻ tách rời chúng ta ra khỏi những chuyện khác, như chuyện những người tỵ nạn Việt Nam và Cambodia bị trục xuất. Chuyện này mới chỉ được chính quyền Biden cho dừng lại. Tôi đã không nghĩ rằng khoảng cách đó, thường bị rối thêm bởi những chuyện giàu nghèo và sắc tộc, sẽ được thu hẹp lại. Trong khi đó, giữa không khí mà phong trào #StopAsianHate (Hãy ngưng việc thù ghét người châu Á) trở thành những cuộc tuần hành đầy nước mắt, những vụ giết người châu Á kinh hoàng như vụ xả súng ở Atlanta nhắc người ta định thần, nhìn lại vị trí của người châu Á ở Mỹ, người ta băng qua cái khoảng cách mà tôi nói trên kia dễ dàng hơn.

Trong một cuộc biểu tình tưởng nhớ những nạn nhân phân biệt chủng tộc người châu Á, tôi thấy một biểu ngữ: “Bạn hãy yêu chúng tôi như bạn yêu thức ăn của chúng tôi!” Nó vang lên như một nhịp trống Hàn Quốc trong không gian. Đừng chỉ lấy đi những gì chúng tôi tạo ra mà chẳng quan tâm đến chính người làm ra chúng!

Những người biểu tình đã lắp vào một khoảng trống giữa những gì nước Mỹ vô tư sử dụng của các sản phẩm của người châu Á, và bên kia là cái nhún vai của người Mỹ xuyên suốt lịch sử nước này khi nghe nói đến tội ác chống người châu Á. Chuyện hoàn toàn là bất thường khi chỉ đánh giá cao đồ đạc họ làm ra mà không nghĩ gì đến họ. Mà việc đó xảy ra hàng ngày. Nó là việc chiếm dụng nằm ở qui mô nhỏ, so với sự tước đoạt những tài nguyên khác. Việc đó hoàn toàn giống với những việc như sử dụng nô lệ trong ngành nuôi tôm ở Thái Lan, sự hủy hoại rừng rậm để trồng cao su ở Đông Dương, sử dụng lao động di dân không có giấy tờ, không được bảo vệ trong lĩnh vực nông nghiệp ở California.

Trên những ngọn đồi đó có vàng, và người ta cóc thèm quan tâm đến ai ở trên những ngọn đồi đó.

Vấn đề của việc phê bình về chiếm dụng văn hóa là người ta không biết phải làm gì sau đó. Ừ thì chiếm dụng văn hóa là xấu, nhưng rồi làm gì nữa? Bạn sẽ tạo nên một thế giới thế nào với những chỉ trích và phê bình đó?

Khi nói về việc khai thác trục lợi trong bối cảnh đó, ta sẽ nghĩ đến một sự bình đẳng hơn trong tương lai cho tất cả các bên. Đó là một sự biện luận về kinh tế.

Chuyện giai cấp và kinh tế có liên quan với việc chống người châu Á hiện nay. Một người đầu bếp và vài nhân viên mát xa bị bắn chết ở Atlanta. Đây là những người làm những công việc khổ cực chỉ đủ để sống còn. Nhiều ông bà cụ châu Á ở vùng vịnh San Francisco bị tấn công, sống trong cảnh gần với mức nghèo khó trong “phố Tàu” bằng những chương trình trợ cấp thực phẩm, họ còn làm cả những việc thu lượm ve chai để kiếm sống nữa. Bản thân những kẻ tấn công, ít nhất trong vùng Vịnh San Francisco, lại cũng là những người đang sống trong những hoàn cảnh tuyệt vọng. May thay, những vấn đề được đưa ra qua các sự kiện trên, có những giải pháp hiện hữu: nhà ở tiến bộ hơn, chăm sóc sức khỏe tâm thần và các chính sách công bằng kinh tế khác.

Qua lăng kính kinh tế ta sẽ nhận rõ ràng vấn đề hơn, câu chuyện không phải là vẽ những hình vuông màu vàng và màu đen trên Instagram, mà câu chuyện là TIỀN. Bà Irene Li, một đầu bếp ở Boston viết ra tám hành động mà các chủ nhà hàng châu Á của người da trắng cần làm để giúp cộng đồng người châu Á và Thái Bình Dương (AAPI). Bà Li đề nghị chia sẻ lợi nhuận cho những tổ chức đấu tranh cho người AAPI, ủng hộ nhân viên người AAPI bị khách hàng phân biệt đối xử.

Có giải pháp tuyệt đối cho vấn đề đó không? Bà Li viết là không, nhưng ít nhất nó làm cho bạn suy nghĩ. Suy nghĩ sẽ dẫn đến hành động khi bạn sẵn sàng, và tham khảo tám hành động của bà Li.

Tiệm ăn Kham Loi lên tiếng chống lại nạn phân biệt chủng tộc chống người châu Á trên Instagram. Tiệm này viết hashtag: #stopasianhate, hãy chấm dứt việc lờ đi chuyện đang diễn ra trước mắt chúng ta.

Khi một người hỏi Kham Loi rằng, họ làm gì để ủng hộ người châu Á, quán ăn trả lời rằng, họ đang gây quỹ giúp cộng đồng AAPI, rồi họ thắt chặt quan hệ với các chùa Lào và Thái để bảo đảm mua nguyên liệu từ những cửa hàng do người châu Á làm chủ, cổ vũ mọi người ủng hộ những quán ăn, tiệm bán hàng của người châu Á, như tiệm Phnom Penh ở Santa Rosa, chẳng hạn.

Việc làm của Kham Loi đúng là sự tái phân phối của cải và đúng với mục tiêu mà những chỉ trích chống việc chiếm dụng văn hóa nhắm tới. Quán ăn Kham Loi, chủ và nhân viên vẫn là những người không phải Thái, vẫn là sự chiếm dụng, nhưng ít nhất họ bắt đầu tìm cách quan hệ với cộng đồng châu Á theo kiểu bớt trục lợi hơn.

Các nhà hàng khác như Earnest and State Bird Provisions ở San Francisco, SingleThread ở Healdsburg, gây quỹ ủng hộ các tổ chức AAPI, công khai kêu gọi ủng hộ chống nạn phân biệt chủng tộc chống người châu Á. Họ vẫn đang là thiểu số trong thế giới ẩm thực vùng Vịnh San Francisco, nơi có vô số chủ nhà hàng Á châu là người da trắng, lấy ý tưởng từ văn hóa Á châu. Chúng ta mong chờ nhiều hơn ở họ, từ việc lên tiếng trên mạng xã hội, cho đến giúp đỡ tài chính, đấu tranh cho bình đẳng sắc tộc.

Tôi chờ xem, và không phải chỉ có một mình tôi./.