Seite auswählen
Ban nhạc Chicago trong một buổi họp báo ngày 12/04/1978 tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ.
Ban nhạc Chicago trong một buổi họp báo ngày 12/04/1978 tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ. ASSOCIATED PRESS

Peter Cetera, cây guitar bass, kiêm giọng ca chính luôn được mặc định là linh hồn của ban nhạc Chicago lừng lẫy. Sau khi Cetera tách khỏi nhóm vào năm 1985, Chicago vẫn hoạt động không ngừng nghỉ xuyên suốt nửa thế kỷ. Đồng thời, Cetera từ chối đứng chung trên sân khấu khi Chicago được vinh danh vào Rock and Roll Hall of Fame năm 2016. Chuyện gì diễn ra phía sau tấm màn nhung thành công của Chicago?

Chicago là một trong những ban nhạc thành công nhất trên nước Mỹ, xét về kỷ lục tiêu thụ các album hay các đĩa đơn. Với tổng số lượng đĩa hát tiêu thụ khoảng 40 triệu đơn vị, họ sở hữu tới 23 album vàng, 18 album bạch kim và 8 album siêu bạch kim. Nhóm nhạc thành lập từ năm 1967 có quyền tự hào về những bản hit xuất sắc đi cùng năm tháng như If you leave me now, Hard to say I am sorry, Look away.

Trải qua hơn một nửa thế kỷ tồn tại, ban nhạc luôn bị giới phê bình đánh giá thấp. Đơn giản vì họ quá tham vọng với số lượng đông đảo nhạc công. Thêm vào đó, ban nhạc theo đuổi quá nhiều dòng nhạc: rock pha trộn với classical, jazz, R&B và pop, mà không có định hướng sắc bén. Hơn thế, họ không lăng xê các cá nhân nổi trội. Tuy nhiên, âm nhạc của nhóm Chicago đủ sức lấp đầy khán giả trên các sân vận động khổng lồ và tiêu thụ số lượng đĩa hát kỷ lục. Họ còn là cái tên quen thuộc trên radio khắp nước Mỹ và hàng triệu fan hâm mộ.

Các nhóm nhạc ra đời cuối thập niên 1960 chịu ảnh hưởng không nhỏ của Bộ Tứ The Beatles về mặt nhân sự. Theo đó, hai người chơi guitar chính, một guitar bass, một tay trống. Chicago không phải ngoại lệ: theo trường phái rock and roll lại có thêm bộ kèn. Đây có thể coi là ảnh hưởng thể nghiệm của The Beatles trong ca khúc Got to get you in my life năm 1966.

Thành viên nòng cốt khi thành lập gồm có Peter Cetera chơi bass, Robert Lamm chơi keyboards, Terry Kath chơi guitar và cùng hát chính. Trong bốn thành viên còn lại, Danny Seraphine chơi trống và ba thành viên khác phụ trách bộ kèn gồm có Lee Loughnane – trumpet, James Pankow – trombone, Walter Parazaider chơi kèn gỗ. Bản hit If you leave me now (Nếu em rời xa tôi) thể hiện rõ nhất sự cộng hưởng của bộ kèn với các nhạc cụ khác của nhóm Chicago.

 

 

 

Peter Cetera, linh hồn một thuở

Trong các thành viên, Peter Cetera là cái tên được chú ý nhiều nhất. Sức hút nam châm của ông là chất giọng tenor cao vút. Độ sáng của Cetera khiến cho các thành viên còn lại bi lu mờ. Ông gắn bó với bạn nhạc trong vòng 17 năm, từ lúc thành lập đến mùa hè năm 1985. Giọng hát của Cetera chiếm sóng trên radio nước Mỹ, nổi tiếng là gương mặt đại diện cho nhóm Chicago từ cuối thấp niên 1970 đến giữa thập niên 1980.

Các bản hit của Chicago gắn với tên tuổi của ông như Hard To Say I’m Sorry, Get away rất được ưa chuộng trên radio khắp nước Mỹ. Đây là kết quả của quá trình hợp tác giữa Cetera và nhà sản xuất tài năng David Foster vào đầu thập niên 1980. Sự bùng nổ của bộ đôi chắc chắn tạo nên những rạn nứt bên trong ban nhạc. Chia sẻ với báo giới, Cetera từng tiết lộ: “Tôi không nhận ra mình là ai cho tới khi thực hiện album solo. Có thể đó là album cuối cùng tôi chơi với nhóm Chicago và album solo đầu tay, nó là chất giọng tôi, vị trí của tôi. Bạn sẽ cảm giác tự tin và thoải mái”.

 

 

 

Cetera tách riêng hát solo vì cái tôi và sức sáng tạo của ông không còn phù hợp với Chicago nữa. Sự nghiệp solo của Peter thành công không kém với nhiều bản ballad song ca với Cher After All, Glory of Love, The next time I fall song ca với Amy Grant. Hiện tại, ở tuổi 76, Peter nghỉ hưu vì mất giọng cũng như áp lực lưu diễn triền miên.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ban nhạc công nghiệp hóa nhất

Năm 2016, khán giả đổ dồn sự chú ý vào Cetera khi ông từ chối diễn chung với nhóm Chicago. Sự kiện Chicago được vinh danh trong Rock and Roll Hall of Fame đánh dấu mốc 50 năm phát triển. Peter cũng không có ý định tái hợp với ban nhạc và từ chối bình luận về mối quan hệ với các thành viên nhóm: “Đó không phải là nhóm Chicago ngày xưa. Tay trống khác, tay guitar khác, tôi thậm chí không biết nhạc công saxophone còn trụ lại không. Đó là một ban nhạc giống Chicago thôi”.

Sau khi Cetera rời đi, có rất nhiều thay đổi nhân sự tại Chicago trong vòng 36 năm. Khác với nhóm The Rolling Stones, Chicago chỉ có ba thành viên cốt cán trụ lại. Trong đó, Robert Lamm, keyboard kiêm hát chính, giữ vai trò thủ lĩnh ban nhạc, hai thành viên bộ kèn kiêm hát lót khác là Lee Loughnane, trumpet và James Pankow, trombone.

Trung bình 5 năm, ban nhạc lại tuyển dụng thành viên mới thay thế thành viên cũ rời nhóm. Để phục vụ cho cỗ máy lưu diễn hái ra tiền, Chicago mạnh tay tuyển dụng thêm khoảng 5-8 nghệ sỹ theo thời vụ. Xét về mặt quản trị, nhóm nhạc là ví dụ sinh động của nền công nghiệp âm nhạc thương mại hóa. Chicago hoạt động như một công ty thu nhỏ trong lĩnh vực biểu diễn. Chế độ nhân sự như tồn tại song song hợp đồng thời vụ và dài hạn.

Sự luân chuyển nhân sự không gây đổ vỡ như các nhóm khác. Trái lại, nhóm nhạc có thể coi đó là nhân tố mới để phát huy tính sáng tạo. Dường như họ đã biết cách tận dụng tối đa thương hiệu Chicago với logo biểu tượng đặc trưng để thu hút khán giả. Ngoài ra, tên các album của nhóm không mỹ miều mà rất công thức. Họ đánh số tăng dần theo thời gian như Chicago, Chicago III, Chicago 16, 17.

Ban nhạc chú trọng đổi mới nhất

Trong số các album, Chicago 16 và Chicago 17 gặt hái thành công nhất đầu thập niên 1980. Dưới bàn tay vàng của nhà sản xuất David Foster, hai album đạt hạng bạch kim tại Mỹ vào năm 1982 và năm 1984. Foster là người cách tân âm nhạc của nhóm: sử dụng nhạc cụ điện tử synthesizer, hạn chế sử dụng kèn, chuyển hướng sang các ballad mạnh mẽ.

Hai bản hit xuất sắc nhất Hard to say I’m sorry  You’re my inspiration đều là “trái ngọt” hợp tác giữa bộ đôi Peter Cetera và nhà sản xuất Foster. Sự đổi mới này tất nhiên sẽ gây chia rẽ trong ban nhạc. Peter Cetera đã nói rằng “Mọi người mang tới các ca khúc khá yếu kém, bởi vậy David Foster và tôi bắt đầu viết nhạc. Ca sỹ hát chính, diễn viên chính trong các clip âm nhạc đều là tôi. Điều đó gây ra xung đột ban nhạc, họ không thích điều đó. Vậy tôi phải làm gì, ngừng sáng tác nhạc ư? Vấn đề ở chỗ đó”.

 

 

 

Cùng với sự ra đi của Cetera, ban nhạc thay thế Foster bằng nhà sản xuất Ron Nevison, người đem lại thành công cho Rod Stewart và Steve Nicks. Tuy nhiên, di sản pop ballad của Foster và Cetera vẫn còn nguyên giá trị dưới thời kỳ Nevison. Nhóm Chicago tiếp tục khuấy đảo Hạng 1 bảng xếp hạng âm nhạc nhờ các ballad mạnh mẽ, sáng tác của phù thủy âm nhạc Diane Warren Look away  I Don’t Wanna Live Without Your Love. Ngoài ra, nhân tố mới, tay guitar bass Jason Scheff thế chân Cetera đem lại chất men thành công mới. Ca khúc What kind of man should I be do Jason sáng tác lọt vào top 5 Billboard.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết này hé lộ những nhân tố quan trọng phía sau tấm màn nhung của nhóm Chicago. Peter Cetera tài giỏi nhưng thiếu vắng anh, cỗ máy âm nhạc Chicago vẫn chạy tốt. Rõ ràng, đổi mới và đa dạng hóa nhân sự là chiến thuật hiệu quả để ban nhạc phá vỡ thách thức về thời gian./.

RFI