Mục lục
Belarus bị cáo buộc có hành vi “không tặc cấp nhà nước”
Ngay từ hôm 23/05/2021, sau vụ chuyến bay Athens-Vilnius của hãng hàng không Ryanair khi qua không phận Belarus đã bị chiến đấu cơ nước này chặn đường buộc đáp xuống phi trường Minsk, chính quyền Loukachenko đã lập tức bị nhiều nước tố cáo là đã có hành vi không tặc cấp nhà nước, thâm chí là “khủng bố Nhà nước”. Những cáo buộc này dĩ nhiên đã bị Belarus và Nga bác bỏ.
Tại Litva, điểm đến của chiếc phi cơ, tổng thống Gitanas Nauseda cũng gọi đây là một vụ “không tặc” và là một cuộc “tấn công chưa từng có tiền lệ”, đòi hỏi cả Liên Âu lẫn NATO phản có phản ứng ngay lập tức.
Nước Pháp, qua lời quốc vụ khanh đặc trách Liên Âu Clément Beaune vào sáng nay, cũng không nói gì khác hơn khi cho rằng việc làm của Belarus là “một hành động không tặc cấp Nhà nước không thể không bị trừng phạt”. Ngay từ tối hôm qua, ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian đã nói đến một vụ không tặc do một Nhà nước tiến hành, đòi hỏi toàn khối Liên Âu phải có phản ứng đáp trả thống nhất và đích đáng.
Về phần mình, thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki còn nhấn mạnh đến vụ Belarus chận chiếc máy bay dân dụng để vụ bắt giữ một nhà đối lập, xem đấy là một “hành vi khủng bố Nhà nước”.
Dĩ nhiên là chính quyền Belarus đã bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc của phương Tây. Bộ Ngoại Giao nước này khẳng định trong một thông cáo trên trang Web của họ rằng hành động của các cơ quan chức năng Belarus đều phù hợp với các nguyên tắc quốc tế. Đài truyền hình Nhà nước Belarus thì cho rằng chiếc phi cơ chở khách đã phải hạ cánh xuống Minsk vì “báo động có bom”, còn nhà báo đối lập là một kẻ khủng bố chỉ bị lực lượng an ninh chú ý khi qua cửa kiểm soát ở phi trường.
Tất cả những lập luận trên đây là nhằm bác bỏ các thông tin được phe đối lập Belarus loan tải, theo đó việc buộc máy bay hạ cánh có mục tiêu bắt giữ nhà đối lập Roman Protassevitch, người có mặt trên máy bay, là nhân viên cơ quan KGB của Belarus đã theo chân nhà đối lập này từ Athens, sau đó gây sự cố trên máy bay khi phi cơ đi vào không phận Belarus, tạo cớ cho hành vi can thiệp thô bạo.
Vai trò của tổng thống Loukachenko rất đáng ngờ, vì theo chính các nguồn tin từ Belarus và Nga, ông là người ra lệnh cho chiếc chiến đấu cơ Mig-29 bay lên để chận bắt chiếc máy bay của hãng Ryanair.
Một số nhà quan sát còn bác bỏ lập luận chính thức của Belarus là khi có tin về “sự cố”, chiếc phi cơ chở khách gần Vilnius hơn là Minsk, nhưng vẫn bị bắt buộc phải đáp xuống phi trường thủ đô Belarus.
Dẫu sao thì hành động của chính quyền Belarus đã làm cho các tổ chức hàng không dân dụng quốc tế rất quan ngại. Trong một thông cáo công bố hôm qua, 23/05, Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế ICAO cho biết là sự cố đã vi phạm Công Ước về hàng không dân dụng quốc tế, tức là Công Ước Chicago năm 1944.
Theo Reuters, một tổ chức khác là Hiệp Hội Vận Tải Hàng Không Quốc Tế IATA cũng lên tiếng chỉ trích hành động của Belarus, bị cho là “không phù hợp với các quy định luật pháp quốc tế”./.
RFI
EU trừng phạt Belarus sau vụ ép máy bay hạ cánh
25.5.2021
EU áp trừng phạt kinh tế với Belarus và hãng hàng không quốc gia nước này sau vụ ép máy bay hạ cánh để bắt nhà báo đối lập.
Các lãnh đạo EU tối 24/5 nhất trí thông qua biện pháp trừng phạt với Belarus, đồng thời lên án việc nước này điều tiêm kích buộc máy bay của hãng hàng không Ryanair hạ cánh khẩn cấp xuống Minsk để bắt nhà báo đối lập Roman Protasevich và bạn gái Sofia Sapega.
Máy bay chở khách của hãng Ryaniar hôm 23/5 đang bay từ Athens đến Litva thì bị tiêm kích MiG-29 của Belarus áp sát khi bay qua không phận nước này. Máy bay được lệnh hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay ở thủ đô Minsk, chỉ hai phút trước khi rời không phận Belarus để tiến vào vùng trời Litva.
Sau khi phi cơ hạ cánh xuống sân bay tại Minsk, giới chức Belarus khám xét, bắt Protasevich và bạn gái, trong khi các hành khách khác được tiếp tục hành trình và đáp an toàn xuống thủ đô Vilnius của Litva.
EU tuyên bố sẽ áp loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với những quan chức, cá nhân liên quan tới vụ ép máy bay hạ cánh khẩn cấp cùng những doanh nghiệp tài trợ cho Belarus và lĩnh vực hàng không nước này.
Động thái của EU được đưa ra sau khi Belarus công bố video, trong đó Protasevich lên tiếng phủ nhận thông tin anh gặp vấn đề về sức khỏe kể từ khi bị bắt. Protasevich cũng thú nhận hành vi kích động bạo loạn, tội danh có thể chịu mức án tối đa 15 năm tù.
“Tôi có thể tuyên bố rằng tôi không có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe, dù là tim mạch hay bất cứ phần nào trên cơ thể. Các sĩ quan cảnh sát đang đối xử với tôi theo đúng luật pháp. Tôi đang tiếp tục hợp tác điều tra”, Protasevich nói trong video.
Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án mạnh mẽ hoạt động bắt nhà báo đối lập Protasevich của Belarus, gọi đây là “sự coi thường tới các thông lệ quốc tế”. Ông hoan nghênh các biện pháp trừng phạt của EU, nói thêm rằng các cố vấn của ông đang đánh giá “phương án phản ứng phù hợp”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong khi đó cho biết hành động của chính quyền Belarus “chưa từng có tiền lệ” và “không thể tin nổi”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định vụ Belarus bắt nhà báo Protasevich không nên “đánh giá vội vàng và phải dựa vào các thông tin có sẵn”. Ông cũng chỉ ra các sự cố trước đây liên quan tới việc Áo buộc chuyến bay chở Tổng thống Bolivia Evo Morales hạ cánh năm 2013.
Protasevich, 26 tuổi, từng làm việc cho hãng tin Ba Lan Nexta và phát nhiều hình ảnh về những cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hồi năm ngoái qua ứng dụng Telegram. Nhà báo này bị truy nã tại Belarus với cáo buộc khủng bố, tổ chức bạo loạn và kích động thù ghét xã hội. Protasevich bác bỏ những cáo buộc này.
Những cuộc biểu tình ở Belarus kéo dài hơn 6 tuần hồi giữa năm ngoái sau khi Lukashenko, người cầm quyền 26 năm, tuyên bố tái đắc cử với hơn 80% phiếu bầu. Phe đối lập ở Belarus và EU không công nhận kết quả bầu cử, cho rằng cuộc bỏ phiếu bị gian lận.
Ngọc Ánh (Theo Guardian)
VNExpress
Xem thêm: Alexander Lukashenko và Nguyễn Phú Trọng
EU sẽ trừng phạt kinh tế Belarus sau vụ cưỡng bức phi cơ Ryanair
Tin ngày 27/05/2021 từ Liên hiệp châu Âu (EU) cho thấy xung khắc giữa các nước EU và CH Belarus đang tăng độ nóng và khối EU cho biết họ sẽ trừng phạt chế độ Lukashenko thật nặng về kinh tế.
Đầu tiên là các vụ liên quan đến lệnh cấm bay vào và bay qua không phận Belarus, nước có biên giới với ba quốc gia thành viên EU.
Không phận Belarus ‘trống vắng’
Hôm 26/05, Belarus vừa lên án hành động “không tặc” của châu Âu sau khi một chuyến bay Belavia của nước họ bị đuổi về vì Pháp cấm hàng không Belarus.
Chuyến bay Belavia 2869 trên đường từ Minsk đi Barcelona bị không lưu Ba Lan chiều 26/05 báo là Pháp không cho phi cơ bay qua.
Hai lần liên lạc để phối hợp tuyến đường với trạm không lưu ở Marseille, Pháp đều không đạt kết quả vì “Pháp cấm phi cơ Belarus bay qua”.
Phía Belarus nói họ không được thông báo rằng phi cơ của họ “không được quá cảnh qua bầu trời Pháp” để tới Tây Ban Nha, vì tin rằng Pháp chỉ cấm Belavia “bay vào Pháp”.
Nhưng theo Reuters, thứ trưởng Giao thông Pháp Jean-Baptiste Djebbari cho hay từ thứ Hai 24/05, Pháp đã thông báo cấm cả các chuyến bay của Belavia quá cảnh.
Cùng ngày, Air France thông báo hủy một chuyến bay từ Paris tới Moscow vì “phải bay qua Belarus”.
Pháp và nhiều nước EU đóng không phận với hàng không Belarus sau vụ một chuyến bay của Ryanair bị không quân Belarus buộc phải đáp xuống Minsk hôm 23/05.
Dù lý do là để “tìm bom” nhưng không thấy, an ninh Belarus đã bắt nhà báo phản đối chính phủ Roman Prostasewich trên đường từ Athen đi Vilnius cùng bạn gái người Nga của ông.
Hai người bay từ Athen về Vilnius, Lithuania, nơi ông Protasewich tỵ nạn.
Hãng Belavia của Belarus tuyên bố ngừng mọi chuyến bay tới EU cho tới 30/10 năm nay.
Trong hai ngày qua, không lưu châu Âu ghi nhận chỉ có hàng không Trung Quốc và Nga vẫn bay qua Belarus.
Cấm vận và trừng phạt chế độ Lukashenko
Sau cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao EU hôm 27/05/2021, EU cho hay họ sẽ cấm vận với potash, mặt hàng xuất khẩu đem lại 1,2 tỷ euro mà Belarus bán sang EU mỗi năm.
Potash xuất khẩu của Belarus chiếm 20% sản lượng thế giới.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Đức, Heiko Maas nói sau cuộc họp thì lệnh trừng phạt sẽ còn nhắm vào lượng sản phẩm dầu khí (1 tỷ euro) mà Belarus xuất khẩu, Reuters đưa tin.
Hiện Anh, Ba Lan và cả Đức nhập sản phẩm từ dầu thô của Belarus như dầu bôi trơn và chất đốt.
Nhưng EU còn muốn ngăn chặn cả trao đổi tài chính của Belarus trên thế giới.
Các biện pháp này sẽ được triển khai dần trong mùa hè này./.
BBC