Seite auswählen

Nam Nguyễn và Đông Âu Anh Hùng Truyện

DÒNG ĐỜI

Những năm 80 thế kỷ trước, nghe thì lâu nhưng cách đây có hơn ba chục năm thôi, nước ta đưa hàng chục vạn dân lao động xuất khẩu (LĐXK) sang Liên Xô, Bun, Tiệp, Ba Lan và Đức kiếm sống. LĐXK phần lớn là con em công nông lý lịch tốt, chen lẫn một vài con ông cháu cha nhác học, quậy phá bẩm sinh kiểu như Trịnh Xuân Th., Dương Chí D., Nông Quốc T… Gò lưng trong các nhà máy, trừ chi phí ăn tiêu rồi “tình phí” các kiểu các LĐXK tiết kiệm mỗi tháng được từ 20-50$, tùy thuộc đó là ở “thiên đường” nào.

Đùng một cái, cuối những năm 80 khối Đông Âu sụp đổ. Mấy chục vạn LĐXK bỗng dưng bơ vơ, không có vé quay về nước, phần lớn ở lại lang thang kiếm ăn bươn chải chốn trời tây. Ở Nga, đám lao động mất việc đó cộng với hàng ngàn người đói ăn trong nước mò sang, dân du học, công tác ở lại kiếm sống, du lịch tự túc… đều đổ xô, dồn hết về Mátxcơva. Cả lũ gà công nghiệp đó choáng váng, lóa mắt và đờ đẫn trước ánh nắng chói chang của nền kinh tế thị trường. Chúng loay hoay kiếm sống, theo kiểu dân Nga nói, “u karzdogo svoi schiot” – “mỗi người một cách”, chẳng ai giống ai. Dân Đôm 5 hầu như ai cũng biết X, một anh chàng nhỏ thó gầy gò, hàng ngày khổ sở cõng bia chai lên tầng bán cho anh em. Mỗi chai bia hắn mua tại cửa hàng cách đó cả chục ga metro giá 60 kô-pếc, chở về rồi cõng bộ lên tầng bán 1 rúp. Mỗi ngày bán được 100-200 chai, trừ chi phí hắn lãi được cỡ độ 5-7 $. Ai cũng cho hắn là đứa khổ sở, nghèo hèn nhất Đôm 5. Mấy ai biết hắn nguyên là trưởng phòng kỹ thuật một nhà máy lớn ở quê, đói quá bò sang Nga kiếm sống bằng cái cách khốn khổ chẳng giống ai như thế.

Một vài sếp to, lại có cách kiếm ăn nhờ hộ chiếu ngoại giao, gọi nôm na là “thẻ đỏ”. Lợi dụng luật miễn trừ ngoại giao, các sếp được đám buôn lậu thuê đi làm “cửu vạn” áp tải cả coupé hàng xuyên quốc gia, kiếm bộn tiền. Gọi là cửu vạn nhưng rất nhẹ nhàng, sếp chỉ việc ăn mặc đẹp, đến giờ được đưa lên tàu với đống hàng chuẩn bị sẵn. Đến biên giới, khi hải quan đến khám hàng, sếp chỉ việc giơ thẻ đỏ ra là chẳng ai khám xét gì dù hàng hóa đầy khoang. Đến nơi, có kẻ đến toa khiêng hàng đi, riêng sếp được đón về khách sạn 5 sao chăm sóc chu đáo, muốn gì chiều nấy! Có lần, một sếp lớn yêu cầu oái oăm, nhất thiết phải có người vui vẻ cùng sếp trên chuyến tàu Varsava-Mátxcơva. Khốn nạn, đòi hỏi đó thật khó quá lên giời! May sao, dịp đó MA, ca sỹ nổi tiếng nhất xứ Việt, vừa đoạt Grand Prix bên tây về qua Varsava. Soái VĐH ngay lập tức mò đến đóng vai thuyết khách Tô Tần. Đặt vấn đề một cách tế nhị, cô ca sỹ trẻ đẹp vui vẻ nhận lời, miễn sao “các anh cấp đủ bia cho em uống trên tàu thì sếp muốn gì em cũng chiều”. Quá đơn giản, một két Heneiken được bê ngay lên tàu trong sự vui mừng của cả MA lẫn sếp. Sướng mê tơi như được lên chín tầng mây, sếp cứ tiếc không có thời gian để làm thêm vài chuyến nữa. Hội đánh quả lẫn MA cũng vui, vụ đó cả làng đều vui mỹ mãn!

Có lẽ, chẳng có mánh kiếm ăn nào độc đáo, dễ kiếm tiền mà lại sướng đến như vậy…

 

NGHỀ NGỖNG

Nghệ sỹ nhân dân HQ sang Nga, kiếm sống bằng giọng hát nổi tiếng của mình. Hàng ngày anh đi hát cho cộng đồng người Việt ở đám cưới, quán ăn với cát-xê 10-15$/1 show và… một nồi cháo gà cho ấm giọng. Giáng sinh 1992 anh đến hát tại CLB Đôm 5. Đông và ồn ào quá, bực mình hai ông Cảnh H. và H. “lỳ” bỏ ra ngoài hành lang uống rượu và ư ử hát chế bài “Lá diêu bông”:

“Ngày đánh hàng, em đi qua Đôm 5,

trông (thấy) bịch ren hồng, khiến lòng em xôn xao!

Bịch ren hồng, dân Đôm 5 chen nhau tranh nhau,

Ôi bịch ren hồng! Sướng như ông H, như ô M…..”

Lát sau, dân chúng ào ào từ CLB tràn ra nghe 2 ông hát. Chẳng phải hai ông hát hay, hoặc nghệ sỹ HQ trong kia hát dở. Cái chính là chất giọng tenor tuyệt vời của nghệ sỹ HQ với “…Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây…” không đủ hấp dẫn bà con bằng thông tin sáng mai soái H. có một xe hàng về, hình như có rất nhiều áo ren. Vậy… cần ra nghe các ông ấy hát, may ra sáng mai ông ấy nhớ tới mà cho một bịch áo ren là “son” cả tuần!

Ca sỹ kiêm người mẫu nổi tiếng AT thủa 92 mới vào nghề có lần được mời sang Nga lưu diễn. Là vedette của đoàn, nhưng cô hát thì ít mà ngồi hầu chuyện nhận tiền bo của các anh thì nhiều. Sau hai tuần lưu diễn trời tây, cô kiếm được hơn ngàn “đô”, chủ yếu nhờ việc chăm chỉ ngồi thiền như vậy. Ca sỹ BT cùng đoàn kiếm được ít hơn, chỉ tám “ông Franklin”, đơn giản vì đã kém sắc lại còn “đông tuổi” hơn so với AT. Nghề tiếp viên karaoke có tay vịn ở ta bây giờ, nhẽ ra phải bái hai cô này làm tổ mẫu!

Ngoài sân bay, lại có bọn làm cái nghề hạ đẳng chẳng giống ai. Với một túi vải có đề tên sẵn, chúng vờ hòa lẫn với đám hành khách chân ướt chân ráo trong nước mới sang đang ngơ ngác tìm người quen trên sân bay. Chỉ cần sơ ý một chút là a lê hấp, một tên chụp ngay cái túi vải lên hành lý của bạn, kéo phéc mơ tuya và thế là xong, hành lý của bạn đã là hành lý của hắn với tên tuổi rõ ràng. Kể cả có nhìn thấy, cũng chẳng ai dám giúp bạn khi cả một lũ đầu gấu sẵn sàng nhảy xổ vào bênh đồng bọn. Đúng là “đạp cá đá dưa” thời “tiền A còng”. Bọn đó còn đông hơn hành khách, luôn kiếm ăn cãi cọ náo loạn cả sân bay Sheremechievo.

Thời đó ở sân bay khó mà chen lấy được chiếc xe đẩy vì “bộ đội Việt Nam” xí phần hết…

Y, một anh chàng kỹ sư sang Nga bị vỡ mộng đổi đời. Hiền lành cần mẫn và khỏe mạnh, hắn được soái H. ưu ái cho làm cửu vạn dỡ hàng container. Dỡ một container hàng 25-30 tấn là kiếm được 20$, một món tiền trong mơ đối với nhiều người thủa đó. Mỗi lần dỡ hàng xong, hắn lại ung dung ngồi xơi nguyên một chân giò luộc với chai bia lấy sức.

Sau vụ công an Nga cướp chợ Đôm 5 nổi tiếng dạo 1994, hắn là con nợ duy nhất tự động mang 1.200 “đô” đến giả ông H. món vay trước đó, vì “anh mất quá nhiều, em phải trả để may ra anh có chút tiền đánh hàng tiếp”.

Thương tình kẻ đói nghèo chất phác, ông H. chỉ lấy về 2 “vé”, và bảo hắn kiếm mấy con chim câu đến làm thịt cùng uống rượu giải buồn vì nỗi đau mất mát quá lớn!

Không vốn liếng thì bỏ sức làm “cửu vạn” có thu nhập đủ sống…

 

… ĐỐNG NGHỀ

Một ông cấp Vụ trưởng sang châu Âu dự hội nghị. Trên đường về, ông tranh thủ tạt qua Ba Lan thăm, nhân tiện giúp vợ bán hàng dưới đường hầm Varsava. Một tuần chịu khó đứng vẫy kimono, áo gió… cũng kiếm được ít tiền. Lợi bất cập hại, lúc tranh cử một vị trí lãnh đạo, ông thua cuộc vì bị cho là đã làm xấu mặt trí thức Việt nam. Thật bất công và vô lý, Bộ trưởng NTH buôn thuốc lá bị tóm còn chẳng làm sao thì cớ chi chê bai Vụ trưởng bán xịp “bông hồng” và kimono, áo gió!

Vụ trưởng ngày nay, chỉ nhặt phong bì đã hoa cả mắt, giàu nhanh lắm. Còn ông, đổ mồ hôi công sức kiếm tiền bằng chính lao động của mình, như các giáo sư trồng rau nuôi lợn thời đó, xấu xa gì đâu. Nhìn ông ngồi trong góc xúc cơm ăn lấy sức đứng bán hàng, xót xa nhưng cũng kính trọng ông gấp trăm lần các quan chức ăn tạp ở xứ mình ngày nay.

Bán hàng vải là một nghề rất phổ biến ở Đông Âu cũ (người đứng quầy thường bán thuê)

Những năm 50-70, việc điều khiển mạch điện thường bằng các bóng bán dẫn, còn gọi là transistor. Đó là các linh kiện điện tử có các chân cắm bé xíu, được mạ vàng để tăng độ tin cậy của tiếp điểm. Máy tính thời đó phải có hàng triệu transitor, nên đồ sộ như ngôi nhà 3 tầng mặc dù công suất kém hơn cái Casio bỏ túi thời nay. Đến những năm 80, các transistor được thay thế bằng vi mạch bé tí, nên thể tích các thiết bị điện tử giảm đi hàng vạn lần. Hàng loạt máy tính, trạm điện tử đồ sộ bị phá bỏ để thay thế bằng các thiết bị nhỏ gọn hơn. Dân Việt nảy ra sáng kiến đi thu gom các thứ phế thải điện tử đó, dùng kìm bẻ sạch các chân cắm bé xíu bằng cái mắt muỗi rồi đem phân kim lấy vàng. Một cái máy tính to bằng ngôi nhà 3 tầng có thể đem lại cả ki lô các chân cắm, đem phân kim kiếm được dăm gram vàng. Tính ra mỗi ngày toét mắt bẻ chân cắm tại các bãi phế liệu điện tử cũng kiếm được cỡ… 1 $. Và đó là nghề kiếm cơm của hàng ngàn người Việt ở Nga những năm 90. Tính ra, không biết cơ man nào máy tính, hệ thống điện tử… bị dân ta phá để lấy chân cắm, khi hàng tháng có tới cả ki lô vàng phân kim được giao dịch tại Đôm 5 nổi tiếng! Mấy ai biết, chồng con đi tây làm ăn mà thực ra là để hành nghề đồng nát như vậy?

“Phân kim” là tên gọi sang trọng cho nghề đồng nát này…

Một anh chàng kỹ sư đẹp trai, tính tình chu đáo lại có cách kiếm ăn khác người. Là đội trưởng kiêm phiên dịch tại một đơn vị XKLĐ có cả trăm cô gái, anh phải lo đủ mọi thứ bà rằn trong đơn vị. Thỉnh thoảng lại một cô dấm dúi nhờ anh đưa đến bệnh viện… phá thai, vì các cô không biết tiếng Nga. Tế nhị, anh khai với bệnh viện là bồ cô gái và chăm sóc cô ta cực kỳ chu đáo. Tiếng lành đồn xa, các cô gái ở nơi khác lỡ gặp sự cố đều đến nhờ anh giúp đỡ. Lâu dần thành quen, việc chăm sóc chị em phá thai trở thành nghề kiếm sống bất đắc dĩ của anh. Khổ thân, cách kiếm ăn lạ lùng đó khiến anh nổi tiếng là kẻ Đông Gioăng, khi tuần nào cũng mang một cô bồ đến viện.

Cuối những năm 80, ở ta rộ lên phong trào nuôi chó cảnh bán sang Tầu. Những kẻ nhạy bén ngay lập tức thiết lập cầu hàng không chuyển chó giống từ Nga về Việt nam, lãi hơn cả ti vi, bàn là, quạt điện. Mỗi lần máy bay Nga hạ cánh, cả sân bay Nội Bài ồn ào như ong vỡ tổ. Xuất hiện đầu tiên ở cửa ra là hàng trăm chú chó cảnh, được ưu ái thông quan trước cả đám khách VIP dù tây dù ta. Một số khách sạn phố cổ Hà Nội ngày nay chính là được xây nhờ vào lũ chó của những tháng năm ồn ào đó. Nhưng cũng khối chuyện cười ra nước mắt với chó. Có lần hỏi thăm ông anh về tình hình gia đình, ông buồn bã bảo: “Khổ lắm cậu ơi. Vợ mới đẻ con gái, chó lại sinh chó trai, nhục thế”!

 

TRẤN HAY CƯỚP

Thay vì kể về cách kiếm sống, hôm nay xin kể về một vài vụ bị cướp, giết để thấy sự khắc nghiệt trong cuộc mưu sinh. Chỉ kể những vụ việc được chứng kiến biết rõ, để thấy đó là chuyện thường ngày ở huyện. Chuyện đã lâu, ngày tháng và một vài tiểu tiết có thể không chính xác, mong các bạn lượng thứ. Và để tôn trọng quyền riêng tư, tên của các nhân vật đã bị thay đổi.

Năm 1989 vợ chồng tôi đi công tác bên Nga, tạt qua đứa cháu ở ký túc xá trường Y ở phố Volgina. Một hôm có việc ra phố, lúc về tôi nghe tiếng thằng cháu la hét, rồi một thằng tây chạy vụt qua. Sẵn cái cặp diplomat, tôi táng thẳng vào thằng đó nhưng chỉ sượt qua vai, nó chạy mất. Vào phòng thấy bà xã mặt tái xanh, còn ông cháu bị đánh đang ôm đầu nhăn nhó. May mà khi thằng cướp vào, ông cháu lợi dụng sơ hở chạy tọt được vào phòng trong, đạp sập cửa và hét ầm lên, khiến thằng cướp bỏ chạy, chưa kiếm được gì.

Mấy tháng sau, một sinh viên Việt Nam ngoan ngoãn, đẹp trai sống tại chính ký túc xá đó bị kẻ xấu đột nhập vào phòng, đánh chết để lục tìm đô la. Đau quá, sinh viên đó thực chất không giàu có và cũng chẳng phải tay buôn đô la. Chỉ vì bố cậu là một bác sỹ danh tiếng, thường xuyên đi giảng ở Tây Âu tạt qua nên trông cậu có vẻ rất phong lưu mà thôi. Đã từng gặp cậu nhiều lần, thực sự xót thương khi nghe tin về vụ đó. Năm 92, vợ chồng tôi ở chung phòng với anh LXC, một giáo viên cùng khoa Toán Đại học Tổng hợp.

Tháng 7/1992, nghe tin học trò cũ là Vọng mới sang Moskva, anh LXC định rủ đến thăm, chưa kịp đi thì Vọng đã bị cướp giết tại căn hộ khi mới đặt chân lên đất Nga được một tuần. Tội nghiệp, anh Vọng là một con người hiền lành, hoàn toàn không biết gì về làm ăn, chưa hề bước chân đi mua bán gì cả.

Cướp Nga: áo da, quần thể thao. Cướp Việt khó nhận biết và hiểm độc hơn

Phú, là một tay đổi xanh có tiếng ở MGU. Giữa 7/1992 bác LXC cùng vợ con tôi đến trả băng video mượn của Phú (là cháu bác LXC), thì thấy công an đang phá cửa vào phòng, Phú đã chết trong đó vì bị cướp. Sự kiện khá ồn ào, vì Phú sống trong ký túc xá của trường Lô-mô-nô-xốp nổi tiếng, an ninh ra vào cực kì nghiêm ngặt.

Bắc, nghiên cứu sinh, trùm phân kim ở tại tầng 4, còn chúng tôi ở tầng 6 của Đôm 5. Một sáng 9/1992, còi báo động của xe cứu hỏa rú ầm ỹ khắp cả tòa nhà. Dân chúng hoảng hốt thấy phòng của Bắc khói vàng tỏa ra nghi ngút, mùi hóa chất sặc sụa. Lính cứu hỏa rầm rập phá cửa xông vào thì Bắc đã chết do bị rò rỉ a xít. Căng thẳng thần kinh vì sang mới nửa năm đã chứng kiến 3 vụ chết người, vợ tôi nằng nặc dắt hai đứa con về nước!

Lê, giáo viên ĐHTL, trước học khoa toán ĐHTH nên thân với tôi và ĐQV. Một chiều từ Xaliut đi về, gặp cướp và bị đánh vào đầu bất tỉnh, đưa vào viện đến sáng hôm sau thì chết. Một ngày trước đó, bọn tôi còn khuyên Lê nên tránh đi lại một mình.

Dân khoa toán Đại học Tổng hợp Hà Nội ở Mátxcơva có 5, 6 người làm ăn lớn hơn kẻ khác đôi chút. Tất cả bọn họ đều từng đôi ba lần là nạn nhân của các vụ mất mát, cướp giật hay trấn lột. May mắn sao không có ông nào bị giết, ơn trời!

“Trọc đầu” cũng là dấu hiệu đáng báo động…

Không kể hết được đâu vì những vụ trấn lột, giết người xảy ra như cơm bữa trên đất Nga. Chỉ biết những năm 92-95 cứ đôi ba tháng lại có thông báo xác minh danh tính người Việt, có nghĩa công an vừa tìm thấy xác ai đó trong rừng. Ngay tại Đôm 5, một ngày tháng 4/1994 nắng vừa lên, tuyết tan và thế là lộ ra 3 xác chết ngay nơi ngày nào cũng có cả trăm người Việt đứng đợi phân hàng! Thế mới thấy, đồng tiền kiếm được ở trời tây, không chỉ thấm đẫm mồ hôi, mà đôi khi còn mặn chát cả nước mắt và máu!

 

***

 

THA HƯƠNG

Người Việt bên Nga những năm 90, hầu như ai cũng phải tìm cách kiếm sống và gửi hàng về nhà. Cửu vạn, bán hàng, chạy mánh, đánh vòng bi, mua bàn là, đồ điện,…, ngàn lẻ một cách làm ăn, miễn sao kiếm được tiền, gửi được hàng về nuôi/cứu sống gia đình.

Xin gửi các bạn bản chế bài hát “Chiều trên bến cảng” nổi tiếng, mô tả một cách chân thực khát vọng của người Việt tha hương, như là một hoài niệm về những năm tháng xa xưa trên đất Nga bao la:

CHIỀU TRÊN ĐẤT BẠN

  1. Một chiều mùa hè, vượt biên sang nước bạn.

Ta chia tay nhau, trong lòng bao thương nhớ.

Anh đi sang Nga, lao động kiếm tiền.

Em nơi quê nhà, xây những ước mơ.

Một chiều mùa hè, gặp nhau trên đất bạn.

Ta gần nhau hơn, qua mỗi lần xa cách.

Ôi, mỗi chuyến đi Nga

Lại thấy bao nhiêu điều mới lạ!

Từng chiếc áo, chiếc quần bò

Là cuộc sống và tình yêu.

Qua mỗi chuyến đi xa

Càng thấy dân quê mình vất vả.

Mỗi quạt máy, mỗi bàn là,

Mỗi lô hàng từ nhà máy mà ta yêu mà ta quý.

Nghe nước Nga đang gọi mình đi!

Theo tiếng kêu của đồng đô!

Hỡi em yêu!

Trên đất bạn… một chiều hè.

  1. Một chiều mùa hè, cùng nhau đi đánh quả

Trên từng sân ga, công trường hay góc phố.

Anh đi xa khơi, chân trời góc bể.

Đến những bến bờ, theo những chuyến hàng.

Một chiều mùa hè, gặp nhau trên đất bạn.

Mưa bay mưa bay, sao lòng ta xao xuyến.

Ôi, mỗi chuyến đi Nga

Lại thấy bao nhiêu điều mới lạ.

Từng chiếc áo, chiếc quần bò

Là cuộc sống và tình yêu.

Ôi, đất nước ta yêu!

Mảnh đất những con người vất vả

Đã chiến đấu cho ngày nay,

Đã hy sinh cho ngày mai vì con em và cuộc sống.

Ôi, đất nước của người Nga Nuôi sống cả đời ta!

Hỡi em yêu!

Nghe tiếng gọi…

chiều phương xa!

 

“NHÌN RAU GẮP THỊT”

Tháng 11/91, quần bò bên Ba Lan giá 5$, cộng thêm chi phí tàu xe, thuế má… nên giá thành sang đến Moskva gần 6 $, chưa kể đến công sức. Thế mà giao chỉ được 5.5-5.7$, lỗ chỏng vó!

Tuy nhiên hai tay CH và QV vẫn miệt mài chuyển quần bò sang Nga trong sự ngạc nhiên của cả Varshava. Bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu, hai thằng ngu đó vẫn đều đặn cứ 3 ngày 1 chuyến hàng sang Nga. Ít lâu sau, lại thêm bọn TH-CT, HG-NH… nhập hội theo cùng CH, QV khiến dân tình ngơ ngác nhìn nhau. Chắc là bọn họ bị lây “bệnh ngu” từ hai tay CH và QV mất rồi, khổ thế! Và cứ vậy cả lũ ngớ ngẩn đó cần mẫn đánh quần bò sang Nga khi giá bán thấp hơn giá thành, thật là ngu không bút nào tả xiết.

Người Nga sẵn sàng nhịn ăn để sắm quần bò, áo da!

Phải cả tháng sau những bộ óc thông minh ở Varshava mới biết bọn ngu đó… chẳng ngu tý nào! Lỗ quần bò nhưng bù lại chúng thắng to cả vạn đồng hồ nấp sau đám quần bò vô duyên đó.

Thì ra kinh doanh đôi khi như vậy, mắt tuy luôn chăm chú nhìn rau nhưng tay lại nhanh nhẹn nhẹ nhàng gắp thịt!

Hiện, nhiều dự án ở xứ Đông Lào đang thua lỗ chổng vó. Nhiều người cho rằng đám xây dựng dự án ngu dốt, không lường được sự biến động của thị trường. Nhầm to, họ khôn nứt óc, thừa biết hết tất cả. Có điều họ không quan tâm tới được thua của dự án, mà chỉ nấp bóng để kiếm chác cá nhân. Dự án ì ạch thua lỗ nhưng họ kiếm được xe đẹp nhà to, của cải nổi chìm đầy đủ cả.

Tóm lại, cũng như việc đánh quần bò, đây là trò kinh doanh dựa vào triết lý bia hơi kèm lạc. Dự án thua nhưng quan phải được, cũng như bia có thể không lời nhưng lạc lãi to. Tin hay không thì tùy, tiếng là bán bia hơi nhưng bọn em chủ yếu sống nhờ vào lạc, các bác ạ!

 

ĐỔI ĐÔ – NGHỀ NGUY HIỂM

Đánh hàng từ Ba Lan sang Nga bán lấy tiền rúp, hiển nhiên sau đó bạn phải đổi rúp ra đô la và chuyển trở lại Ba lan để quay vòng tiếp. Do vậy xuất hiện hai công đoạn nguy hiểm bậc nhất thời bấy giờ: đổi rúp sang đô la và chuyển đô la về Ba Lan. Đó cũng là hai cách kiếm ăn đầy bất trắc, mạo hiểm của một số người Việt tại Nga và Ba Lan nữa.

Đô la ở Nga, những năm trước 1996, bị cấm không được lưu hành. Các sinh viên ngoại quốc, nhân viên sứ quán, người nước ngoài có tiền đô hợp pháp có thể đổi đô la lấy rúp tại ngân hàng để tiêu, nhưng giá chưa bằng 1/5 giá chợ đen! Đời không có lắm thằng ngu, sẽ chẳng ai làm thế nên 99% đô la đều chạy thẳng ra chợ đen. Do vậy thị trường buôn bán lậu đô la chợ đen là mảnh đất vô cùng màu mỡ, cho cả kẻ bán lẫn người mua. Và cảnh sát Nga thích bắt đô la hơn cả heroin, vì cứ tóm được đô la là… tiền tươi đút túi ngay và luôn!

“Đổi đô” là hành động phạm pháp, nhưng được chính quyền lờ đi, giống ở nước nào đó…

Đổi “đô”, ban đầu chủ yếu là đám sinh viên các trường đại học có nhiều sinh viên nước ngoài. Trong nhà các trùm đổi đô, luôn có hàng cặp diplomat đầy tiền tươi thóc thật, sẵn sàng chuyển đổi từ rúp sang đô và ngược lại.

Cũng như ở Việt Nam, những tay đổi đô thường kiêm luôn chuyện mua vàng. Đơn giản do vàng ở Nga rất nhiều, rẻ hơn ở Ba Lan cỡ 10% nên đó là một kênh buôn lậu, chuyển tiền cao cấp từ Nga sang Ba Lan, được các “soái” lớn vô cùng ưa thích.

Khốn thay, mật mỡ càng nhiều ruồi nhặng càng lắm. Do đặc thù kinh doanh vốn lúc nào cũng phải sẵn nên các trùm đổi đô, mua vàng luôn là đối tượng yêu thích của các băng nhóm maphia đông như kiến cỏ, cả Nga, “đầu đen” Trung Á lẫn Việt Nam. Đôi ba tháng lại có tin một tay nào đó bị maphia đập hộp hỏi thăm. Nhẹ thì bị cướp dăm ba chục ngàn đô, nặng thì không những mất sạch tiền mà còn bị đánh, giết. Đến nỗi lâu lâu không thấy vụ trấn lột nào, mấy tay kinh nghiệm lại tạm nằm yên dăm ba hôm tránh bão.

Sinh nghề tử nghiệp, biết nguy hiểm là vậy nhưng đã vào cuộc thì chẳng tay nào bỏ nghề, dẫu ai cũng đôi ba lần dính chưởng.

 

***

 

CHUYỂN NGÂN

Chuyển tiền từ Nga đi sang các nước khác, còn khó khăn gấp bội so với đổi đô la bên đó, vì nước Nga quyết liệt chống chảy máu ngoại tệ.

Dân Việt nam đi qua cửa khẩu Nga – Ba Lan vào những năm 88-95 luôn bị kiểm tra ngoại tệ cực kỳ gắt gao. Đơn giản vì dân Việt qua đây chủ yếu đi buôn, mà đã đi buôn thì bắt buộc phải chuyển tiền, phải giấu đô la đâu đó. Với cặp mắt cú vọ, đám hải quan săm soi tìm kiếm đô la khắp nơi trong khi bọn mũi tẹt da vàng cứ giả vờ ngu ngơ như bò đội nón.

Có ba cách cơ bản để chuyển tiền từ Nga sang Ba Lan, cách nào cũng tiềm ẩn hiểm nguy cả.

Cách đơn giản nhất là học theo bá tước Monte Christo, quấn chặt tiền như quấn pháo rồi đút vào hậu môn, thoát qua cửa khẩu thì cho ra theo đường tự nhiên. Sau đó, đám đô la này sẽ được tẩm qua nước hoa, là phẳng và đưa vào lưu thông. Những đồng đô la đó thực sự hôi tanh theo đúng nghĩa đen, nên dân chúng kỵ nhất thói quen nhấp nước miếng khi đếm tiền. Kỷ lục chuyển tiền theo kiểu Monte Christo là 30.000 đô, tương đương một dây dài cỡ 20 quả pháo đùng! Một tay kém kinh nghiệm, sau khi cho pháo vào bụng lại thòng lòng một sợi dây để kéo ra cho dễ. Đen như chó mực, một lần nghi hắn dấu tiền trong quần lót nên đám hải quan lột trần ra để kiểm tra. Thấy sợi dây lạ lùng, họ kéo thử và ngỡ ngàng lôi ra cả chục viên pháo!

Tàu hỏa từ Nga sang Ba Lan phải thay bánh

Cách thứ hai cũng khá thông dụng, đó là dùng tua vít tháo các thứ vách ngăn, lò sưởi, thùng rác… trên tàu rồi giấu tiền vào đó, coi như ôm bom đánh bạc với đời. D, một tay liều lĩnh đã thành công với mánh đó khá nhiều lần. Tuy nhiên một ngày tháng 6/1992 trời đẹp, hắn bị tóm với hơn một trăm ngàn đô chuyển lậu. Đám hải quan lôi cổ hắn vào đồn, cất tiền vào két và… tế nhị cho hắn ra ngoài ăn sáng, cafe cho tỉnh táo trước khi thẩm vấn. Hiểu ý, hắn bỏ của chạy lấy người chuồn thẳng, mặc cho đám hải quan lặng lẽ chia nhau số tiền đủ mua chục con Mẹc một năm tuổi thời đó.

Cách thứ ba, là sử dụng dịch vụ chuyển tiền, một loại võ công bí hiểm bậc nhất trong giới làm ăn. Một kẻ nào đó thu gom tiền của anh em để làm dịch vụ và lấy phí 2-5% tùy thời điểm, còn vận chuyển thế nào thì chỉ hắn với trời mới biết. Chỉ cần chuyển 2-3 ngàn tờ là hắn đã ăn ngon dăm chục mỗi chuyến rồi. Cách này có vẻ an toàn, tuy nhiên đó chẳng qua là chuyển sự mạo hiểm từ ta sang kẻ khác mà thôi. Khi tay chuyển tiền gặp sự cố, bạn cũng sẽ mất toi luôn những đồng tiền thấm đầy mồ hôi nước mắt của bạn. Ngoại trừ lần duy nhất một tay quân tử nghiến răng trả vốn, lũ còn lại đều dở võ ù té quyền. Tranh cãi, thậm chí vác súng dọa dẫm các kiểu cũng hòa cả làng, vì có giết ai thì bạn cũng chẳng lấy lại được xu nào cả.

Sau vụ của tay D nêu trên một tuần, đến lượt soái CVĐ bị tóm tại Brest với trên nửa triệu đô tiền mặt. Và một tuần sau lại một đường dây khác mất gấp rưỡi chừng đó, nghe đâu là bị cướp dù tiền đã được chuyển về tận Varsava. Thời ấy chỉ ngàn đô là kiếm được căn nhà ngon lành ở Hà Nội, nên tổng trị giá ba vụ mất đó bét ra cũng tương đương vài ngàn tỷ bây giờ!

Ba vụ mất trong vòng một tháng khiến toàn bộ giới làm ăn Nga-Ba Lan sững sờ, tê liệt. Nếu biết một vụ vỡ hụi ngàn tỷ đã có thể đẩy hàng vạn gia đình vào cảnh khốn cùng, may ra bạn mới hình dung được nỗi đau uất nghẹn của những ai dính đòn trong mấy vụ chuyển tiền này. Tưởng chừng họ sẽ gục ngã, không bao giờ đứng dậy nổi sau mất mát bất ngờ quá lớn!

Sau cú sốc ban đầu về một vụ trấn lột hay mất tiền, mọi việc lại dần dần quay về lối cũ. Chó cứ sủa và đoàn người vẫn đi, miệt mài tiếp tục cuộc mưu sinh bấp bênh đầy hiểm nguy trên đất bạn.

 

***

 

DÒNG ĐỜI XÔ ĐẨY

Loạt bài vừa qua, vẽ lại bức tranh cuộc sống khó khăn của người Việt trên đất Nga trong các năm 1990-1995. Ai từng trải qua đều thấy bóng hình của bè bạn trong đó, ai chưa chứng kiến thì cho là quá khủng khiếp, có lẽ hư cấu mà nên. Thực sự, những năm 80 đất nước ta gặp vô vàn khó khăn. Sau cuộc chiến chống Mỹ, chưa kịp hồi phục xây dựng lại đất nước thì chúng ta lại phải chiến đấu chống Pôl Pốt phía tây nam, chống Tàu phía bắc. Mấy cuộc chiến hao người tốn của liên tiếp đó đã làm đất nước hoàn toàn kiệt quệ về kinh tế. Chính phủ buộc phải đổi mới, cho phép mở cửa bung ra kinh doanh sản xuất, kêu gọi nhân dân hãy tự cứu mình trước khi trời cứu.

Ba mươi vạn thanh niên trẻ khỏe được xuất khẩu lao động sang Liên xô, Bun, Đức, Ba Lan và Tiệp vừa để giải quyết công ăn việc làm, vừa tạo nguồn thu cho đất nước. Đến năm 1990, phe XHCN tan rã, không có nhu cầu thuê lao động nữa. Đức đền bù và cấp vé cho 3-4 vạn lao động hồi hương, còn các nước khác mặc kệ. Nhà nước cũng đành đem con bỏ chợ, vì không thể có tiền mua vé cho trên 25 vạn người còn lại về nước. Vậy là 1/4 triệu lao động đó bơ vơ ở lại xứ người, không nghề ngỗng vốn liếng, không biết tiếng tăm và không chốn nương thân. Không ai thuê họ làm gì vì ngay cả dân bản xứ lúc đó cũng nghèo kiết xác.

Trên 10 vạn lao động tứ cố vô thân như vậy từ khắp nước Nga và Bulgarie đổ xô về Moskva kiếm sống. Thực tế với họ vô cùng cay nghiệt, những đồng tiền tiết kiệm cạn dần. Đói ăn vụng túng làm càn, chỉ cần 2-3% những người khốn khổ đó quẫn chí làm liều trong một ngày gió tuyết như Giăng Văn Giăng, thì Moskva đã có thêm hai ba nghìn tay trộm cướp tiềm năng. Đám đó không dám cướp người Nga vì sợ công an nước bạn, cũng chẳng cướp đám lao động nghèo kiết xác “trên răng dưới các- tút” quân nhà mình. Đối tượng của chúng, là khoảng hai, ba ngàn người trong đám du học sinh, nghiên cứu sinh hay cán bộ dính chút buôn bán có máu mặt lúc bấy giờ. Nghĩa là trung bình mỗi ai có tý tiền đều có một thằng cướp người Việt ngồi sau ngắm nghía. Hắn cứ việc dạo chơi theo dõi, đợi khi bạn béo lên thì mới rủ đồng bọn ra tay làm thịt. Được cả cướp Việt lẫn Nga chăm sóc chu đáo nên đã làm ăn thì sớm hay muộn kiểu gì bạn cũng dính chưởng, khác nhau chỉ là nặng hay nhẹ mà thôi!

May quần bò là việc người Việt dạy cho “tây lông”

Những người Việt khốn khổ trên khắp trời Âu thời 90-95 phải nghiến răng làm đủ mọi việc để tồn tại. Nếu ở Việt Nam, có giáo sư đạp xích lô, nuôi lợn,… hay thậm chí

“Đầu đường đại tá bơm xe,
Cuối đường trung tá bán chè đỗ đen…”

để kiếm sống, thì bên trời tây cũng vậy. Đến Giáo sư Tiến sỹ còn phải đi chợ bán hàng thì làm cửu vạn, bán thuốc lá hay mua hàng đánh quả chỉ là chuyện vặt mà thôi. Dòng đời xô đẩy, cái đói nghèo khốn khó khiến ai cũng phải như vậy, ngoại lệ may chăng chỉ 1% những kẻ sống trong tháp ngà.

Chuyện thời hàn vi, kể lại để thấy bây giờ ta quá sướng, để càng thêm quý trọng những gì ta đang có hôm nay. Và ước mong ngày xưa không bao giờ trở lại, để ta vĩnh viễn quên đi những kỷ niệm kinh hoàng và khốn khó thuở nào.

 

BONUS: BẠN BÈ, TRÍ THỨC VÀ LÀM ĂN

Dạo bên Nga, cái thằng tôi không làm được gì nhưng cũng giúp cho khá nhiều anh em bạn bè, đồng nghiệp. Gặp bất kỳ ai quen biết ở trường TH HN, SP V, Viện KHVN … đều nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn….

Tuy nhiên tôi có một nguyên tắc kỳ lạ: hầu như không bao giờ chung vốn làm ăn cùng với dân trí thức, dù là bạn thân! Nhiều người ngạc nhiên, nhưng mình không giải thích tại sao. Thực ra, lý do cực kỳ đơn giản: dân có chữ hiếm có kẻ nào biết làm ăn, chỉ lý luận suông là giỏi. Đã thế lại gàn bát sách, lý lẽ đầy mình, tranh luận đến cùng những ý tưởng lóe sáng trong đầu. Tất cả những thứ đó cản trở mọi sự hợp tác làm ăn, nên thôi cứ tránh đi cho nó lành, đỡ cãi nhau ảnh hưởng đến hòa khí bè bạn. Đi dọc phố hàng Ngang, hàng Đào…. cả ngày, may ra tìm được một anh có chữ thì đủ biết, trí thức và làm ăn ở ta nó đối lập với nhau thế nào.

Hôm qua, nói chuyện phiếm với mấy ông bạn thân về một việc nhỏ, lại gặp y đúc chuyện cũ, tức như bò đá. Mấy ông dở người, chỉ nói chuyện sách vở thì giỏi chứ một xu thực tế cuộc sống không có. Đã thế còn bảo thủ và hiếu thắng, cổ họng ông nào cũng to, ông nào cũng như gà sống!

Bực ghê, chửi đổng bỏ đi. Chợt thấy, thì các ông ấy cũng giống như mấy tay Hùng “hói”, Kiên “shxt”, … mà thôi, bực với các ông đó thì có mà bực cả đời!

Bỏ đi uống rượu, thấy đời vui lên hẳn.

Cung Trí thức Hà Nội vừa khánh thành đã xuống cấp

 

Nam Nguyễn

Trích “Đông Âu Anh Hùng Truyện”

Viet-studies