Seite auswählen

minh-luat

Một cuộc khảo sát ở 39 quốc gia về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với nhân quyền công bố hôm 24/6/2021, đánh giá việc thực hiện nhân quyền ở Việt Nam ‘tệ hơn mức trung bình’.

Biểu đồ đánh giá ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với việc thực hiện nhân quyền tại Việt Nam.(Nguồn HRMI)

 

Cuộc khảo sát do tổ chức Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền (Human Rights Measurement Initiative – HRMI), có trụ sở tại New Zealand, thực hiện từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2021, hỏi về ảnh hưởng của đại dịch đối với nhân quyền vào năm 2020.

Nội dung khảo sát đánh giá về việc thực hành các quyền kinh tế-xã hội và các quyền dân sự-chính trị theo ba nhóm chủ đề là: Chất lượng cuộc sống; An toàn trước nhà nước; và Trao quyền.

Theo kết quả khảo sát, về ‘Chất lượng cuộc sống’, nhìn chung Việt Nam đạt được mức độ khá tốt so với các quốc gia khác ở khu vực Đông Á trong việc việc thực hiện quyền sức khỏe, giáo dục, lương thực, nhà ở, và công việc. Tuy nhiên trong đại dịch COVID-19, việc thực hiện các quyền kinh tế và xã hội ở Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, có xu hướng ‘tệ hơn mức trung bình’.

Về vấn đề ‘An toàn trước nhà nước’, Việt Nam đạt được 4.1 điểm trên thang điểm 10, một kết quả khảo sát cho thấy nhiều người không được an toàn trước nhà nước về các vấn nạn như bắt giữ tùy tiện, tra tấn, tử hình hoặc hành quyết tùy tiện.

Những người tham gia khảo sát trả lời rằng, các đối tượng dễ bị bắt giữ tùy tiện bởi các đặc vụ chính phủ là những nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền, những người liên quan đến đối lập chính trị, các nạn nhân tranh chấp đất đai, những người chỉ trích chính phủ, hay phát tán thông tin về COVID-19 được chính phủ cho là sai sự thật.

Theo khảo sát Việt Nam đạt 2.2/10 điểm đối với chủ đề Trao quyền, được đánh giá ‚tệ hơn mức trung bình‘ (Nguồn HRMI)

 

Tại chủ đề Trao quyền, Việt Nam chỉ đạt 2.2 điểm trên thang điểm 10, một kết quả cho thấy người dân không được thụ hưởng các quyền tự do ngôn luận, hội họp và lập hội, và quyền tham gia vào chính phủ.

Những người được hỏi cho biết, đối tượng đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi các hạn chế về quyền hội họp và lập hội là một số nghi lễ tôn giáo bị cấm dưới chiêu bài COVID-19; Những người tham gia các tổ chức chính trị nằm ngoài sự kiểm soát của Đảng Cộng sản VN; Các tổ chức phi chính phủ không được công nhận; Những người dân tộc thiểu số theo đạo Thiên Chúa, Các blogger và nhà báo đưa tin chỉ trích chính phủ.

Chủ đề An toàn trước nhà nước và Trao quyền theo kết quả khảo sát đều xếp loại Việt Nam ‘tệ hơn mức trung bình’.

HRMI cho biết đây là năm thứ hai liên tiếp họ thực hiện cuộc khảo sát đối với Việt Nam. Những người được mời tham gia khảo sát là các nhà nghiên cứu, các luật sư, nhà báo và những người hoạt động nhân quyền, tất cả đều có thông tin trực tiếp về các vụ vi phạm nhân quyền và đều hoạt động độc lập với chính phủ.

HRMI là một sáng kiến khởi xướng từ năm 2016 bởi một nhóm chuyên gia kinh tế, nghiên cứu chính sách công và nhân quyền. Hiện nay tổ chức này đã thực hiện khảo sát nhân quyền ở 202 quốc gia.

Cơ sở dữ liệu từ cuộc khảo sát của họ được dùng để hỗ trợ những người hoạt động nhân quyền và các nhà hoạch định chính sách cải thiện cuộc sống cho người dân.

 

minh-luat’s blog (RFA, 26.06.2021)