Mục lục
Biển Đông: Phải chăng Phi Luật Tân đã bạo dạn hơn trước Trung cộng?
Ảnh minh họa : Tàu tuần duyên Phi Luật Tân tuần tra ở khu vực Đá Ba Đầu ( Whitsun Reef ), Biển Đông. Ảnh do lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân cung cấp ngày 15/04/2021. via REUTERS – PHILIPPINE COAST GUARD
Sự cố xẩy ra từ hơn một tuần trước đó, nhưng mãi đến ngày 19/07/2021 vừa qua mới được tiết lộ công khai. Trong một thông báo, lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân cho biết: Một chiếc tàu tuần tra của họ hôm 13/07, sau khi phát hiện một chiến hạm Trung cộng trong vùng quần đảo Trường Sa thuộc hải phận Phi Luật Tân, đã dùng vô tuyến điện cảnh báo và đuổi được tàu Trung cộng ra khỏi hiện trường.
Sự kiện khá hiếm hoi này đặt ra câu hỏi là phải chăng tình hình đã đến mức “tức nước vỡ bờ”, và Manila đã không còn nhẫn nhịn chịu trận trước các hành vi lấn lướt của Bắc Kinh trên Biển Đông?
Báo Úc: Phi Luật Tân đã thay đổi chiến lược
Trong một bài phân tích công bố ngày 25/07/2021, trang thông tin bảo thủ Úc News.com.au, đã không ngần ngại cho rằng hành động bạo dạn của tuần duyên Phi Luật Tân, đã dám đuổi chiến hạm Trung cộng ra khỏi vùng biển của minh là dấu hiệu phản ánh việc Manila đã “thay đổi hoàn toàn chiến lược” của mình ở Biển Đông, “không còn tìm cách xoa dịu Bắc Kinh với hy vọng đạt được một thỏa thuận công bằng”.
Theo báo chí Phi Luật Tân, vụ chạm trán xẩy ra tại khu vực gần đá Đồng Thạnh (Marie Louise Bank) vùng quần đảo Trường Sa, nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân, giữa tàu tuần duyên Phi Luật Tân BRP Cabra và một chiến hạm treo cờ Trung cộng có tên bằng tiếng Hoa và số hiệu 189.
Sau khi phát hiện tàu Trung cộng, phía Phi Luật Tân đã lập tức đưa ra cảnh báo qua vô tuyến điện, nhưng tàu Trung cộng vẫn tiếp tục hành trình mà không phản hồi, buộc tàu Phi Luật Tân phải tiến lại gần hơn để nhắc lại cảnh báo bằng loa phóng thanh.
Chỉ đến lúc đó thì chiến hạm Trung cộng mới đổi hướng và rời khỏi khu vực trong sự theo dõi tiếp tục của tàu Phi Luật Tân. Theo Tuần Duyên Phi Luật Tân, phía Trung cộng chỉ lên tiếng sau khi tàu BRP Cabra ở cách xa 0,25-0,3 hải lý, nội dung yêu cầu tàu Phi Luật Tân “giữ khoảng cách 2 hải lý”.
Theo giới quan sát, việc tàu tuần duyên Phi Luật Tân “đuổi” chiến hạm Trung cộng, và nhất là loan báo công khai về vụ việc đánh dấu một thay đổi đáng kể trong cách hành xử của Manila đối với Bắc Kinh trên Biển Đông.
Lần đầu tiên chiến hạm Trung cộng bị đuổi?
Trong những năm gần đây, đặc biệt từ khi ông Rodrigo Duterte môt nhân vật bị cho là nhũn nhặn trước Trung cộng, lên làm tổng thống Phi Luật Tân, chính quyền Manila thường tìm cách giảm nhẹ các vụ xâm nhập cũng như yêu sách lãnh thổ của Trung cộng, để tránh làm phật lòng Bắc Kinh với hy vọng nhận được trợ giúp kinh tế.
Vụ tàu tuần tra Phi Luật Tân đuổi tàu Trung cộng là sự cố mới nhất trong một loạt những động thái có dấu hiệu cứng rắn của Manila đối với Bắc Kinh trên Biển Đông, đồng thời là một sự cố có thể nói là nghiêm trọng vì liên quan đến một chiến hạm Trung cộng.
Kể từ tháng Ba vừa qua, khi nổ ra vụ hàng trăm tàu Trung cộng bị Manila tố cáo là tàu dân quân biển tràn ngập vùng Đá Ba Đầu ở Trường Sa, bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân, chính quyền quốc gia Đông Nam Á này đã có nhiều động thái cứng rắn hơn nhằm khẳng định chủ quyền của mình, như gởi công hàm phản đối Bắc Kinh, điều phi cơ hay tàu tuần tra đển hiện trường giám sát và theo dõi, tổ chức thao diễn trong khu vực…
Trong những tuần lễ gần đây, theo lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân, họ đã có những động thái cứng rắn hơn như xua đuổi 5 tàu cá Trung cộng và 2 tàu cá Việt Nam đánh bắt bên trong vùng biển Phi Luật Tân vào tháng 6, hoặc là đuổi 7 tàu Trung cộng ra khỏi vùng Bãi Sa Bin (Sabina Shoal) ở Trường Sa vào tháng Tư trước đó.
Tuy nhiên lần này, tàu Trung cộng bị mời rời khỏi vùng biển Phi Luật Tân lại là tàu chiến của Hải Quân Trung cộng. Khi được hãng tin Mỹ Benarnews đặt câu hỏi sau khi thông tin về vụ đuổi tàu Trung cộng ra khỏi khu vực Đá Đồng Thạnh được tiết lộ, các quan chức Phi Luật Tân vẫn từ chối xác nhận là phải chăng đây là lần đầu tiên mà vụ đuổi tàu Trung cộng liên quan đến một chiến hạm.
Phán quyết quốc tế về Biển Đông được ủng hộ mạnh mẽ hơn
Giải thích về lý do khiến Manila có dấu hiệu cứng rắn đối với Bắc Kinh, giới phân tích nêu bật sự mất kiên nhẫn của Phi Luật Tân trước việc bị Trung cộng phớt lờ thái độ nhẫn nhịn. Bên cạnh đó, càng lúc càng có thêm nhiều cường quốc thế giới lên tiếng, đặc biệt tại Liên Hiệp Quốc, công khai ủng hộ phán quyết Biển Đông có lợi cho Phi Luật Tân, trong lúc nhiều nước Đông Nam Á bị Bắc Kinh chèn ép cũng không giấu nỗi bất bình.
Phải nói là từ hơn một năm nay, dưới tác động của Mỹ, phán quyết Biển Đông đã nổi lên thành một cơ sở để các cường quốc phương Tây chĩa “mũi dùi” vào các hành động của Trung cộng tại Biển Đông.
Những quốc gia như Úc, Nhật Bản, Canada, Anh, Pháp, và Đức đã gởi công hàm đến Liên Hiệp Quốc yêu cầu Trung cộng tôn trọng luật lệ quốc tế và hạn chế những hành vi phi pháp tại Biển Đông.
Thân thiện trở lại với chính quyền Hoa Kỳ của Biden
Sau một thời gian xa lánh Hoa Kỳ để chạy theo Bắc Kinh, với những tuyên bố sốc đòi chia tay với Mỹ, tổng thống Phi Luật Tân Duterte trong thời gian gần đây đã thay đổi thái độ, đặc biệt là từ khi ông Joe Biden lên cầm quyền tại Washington.
Một ví dụ điển hình là Hiệp ước về Các Lực Lượng Thăm Viếng, tên tắt tiếng Anh là VFA đã ký với Hoa Kỳ. Trong phần lớn nhiệm kỳ của ông cho đến gần đây, tổng thống Duterte thường tỏ ra nghi ngờ tương lai của hiệp ước phòng thủ quan trọng đó, quy định việc quân đội Mỹ hiện diện tại Phi Luật Tân.
Sau khi bị đe dọa xóa bỏ, tương lai của hiệp ước này có dấu hiệu được đảm bảo với việc ngày 21/07 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Phi Luật Tân Delfin Lorenzana thông báo việc VFA sẽ được điều chỉnh thay vì bị hủy bỏ, do các hành vi khiêu khích liên tục của Trung cộng.
Tuyên bố trên đã tạo ra một bầu không khí thuận lợi, chuẩn bị cho chuyến công du của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin khuôn khổ chuyến thăm Đông Nam Á bắt đầu vào hôm nay tại Singapore, và sẽ đưa ông đến Việt Nam và Phi Luật Tân, ba nước Đông Nam Á có quan hệ quốc phòng tốt với Mỹ.
Trong một tuyên bố, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ khẳng định rằng tại Đông Nam Á, ông sẽ nhấn mạnh quyền tự do trên biển và bác bỏ “các đòi hỏi vô ích và vô căn cứ” của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Một chi tiết có thể khiến Manila phấn khởi: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 11/07 vừa qua từng nhắc nhở Trung cộng: Một vụ tấn công vào lực lượng võ trang Phi Luật Tân trên Biển Đông sẽ kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Phi Luật Tân ký kết vào năm 1951.
RFI (27.07.2021)
Đàm phán thất bại với Mỹ, Trung cộng tuyên bố tập trận ở Biển Đông
Ngay sau khi cuộc gặp giữa hai Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ – Trung kết thúc trong bế tắc, Cục Hải sự Quảng Đông thông báo Hải quân Trung cộng (PLAN) sẽ tập trận ở Biển Đông trong 3 ngày từ 27 – 29/7.
Trong thông cáo đăng tải trên trang web chính thức, Cục Hải sự Quảng Đông cho hay, cuộc tập trận sẽ diễn ra ở phía bắc Biển Đông từ 18h ngày 27/7 đến 22h ngày 29/7.
Theo trang Taiwan News, tuyên bố được đưa ra sau cuộc đối thoại thất bại giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và người đồng cấp Trung cộng Tạ Phong ở Thiên Tân hôm 26/7.
Cuộc gặp “thẳng thắn và mang tính xây dựng”, kéo dài 4 tiếng này rốt cuộc kết thúc mà không đạt được bất kỳ đồng thuận cụ thể nào. Tại sự kiện, ông Tạ tuyên bố với bà Sherman rằng, quan hệ song phương “đang lâm vào bế tắc” và đối mặt với “các khó khăn nghiêm trọng”, theo Bộ Ngoại giao Trung cộng.
Từ đầu năm đến nay, quân đội Trung cộng đã xúc tiến hoặc lên kế hoạch ít nhất 25 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có 10 cuộc tập trận ở Vịnh Bắc Bộ, theo các thông báo đăng tải trên trang web của Cục Hải sự Trung cộng (MSA).
Gần đây nhất, PLAN đã tiến hành cuộc tập trận kéo dài 6 ngày từ 17 – 21/7 ở Biển Đông, ngoài khơi tỉnh Chiết Giang, cách đảo Đài Loan 243km.
Cũng theo MSA, trong năm 2020, quân đội Trung cộng đã tiến hành ít nhất 20 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có 9 cuộc tập trận ở Vịnh Bắc Bộ và 5 cuộc tập trận trái phép xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tại cuộc họp báo ngày 10/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam trên Biển Đông.
Vietnamnet (27.07.2021)
Trung cộng tuyên bố tập trận ở Biển Đông
Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh Chính phủ Anh
Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông của Trung cộng hôm 26/7 tuyên bố Hải quân Trung cộng sẽ tiến hành tập trận ở Biển Đông từ sáu giờ chiều ngày 27/7 đến 10 giờ tối ngày 29/7. Trang tin Taiwan News của Đài Loan trích dẫn thông báo của Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông cho biết như vậy hôm 26/7.
Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Trung cộng Tạ Phong ở Thiên Tân, Trung cộng hôm 26/7. Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Trung cộng sau cuộc gặp cho biết quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung cộng hiện đang bế tắc. Trung cộng đổ lỗi cho phía Mỹ về bế tắc này khi tạo ra một “kẻ thù tưởng tượng” và đặt ra giọng điệu đối đầu trong cuộc gặp.
Theo hãng tin AP, tại cuộc gặp này, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi Trung cộng phải là một cường quốc có trách nhiệm.
Theo các thông báo được đăng tải trên trang web của Cục Hải sự Trung cộng, từ đầu năm đến nay, Trung cộng đã tiến hành ít nhất 20 cuộc tập trận ở Biển Đông, bao gồm chín cuộc ở Vịnh Bắc Bộ và năm cuộc ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam.
Mới đây nhất, từ ngày 17 đến 21/7, Trung cộng cũng tiến hành tập trận ngoài khơi tỉnh Chiết Giang, cách Đài Loan 243 km.
Trong khi đó, nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm của Anh Queen Elizabeth đã tiến vào Biển Đông, theo thông tin từ trang web của Chính phủ Anh. Nhóm tàu này đã tiến hành tập trận cùng Hải quân Singapore vào hôm 26/7.
Theo thông báo, nhóm tàu sẽ có các cuộc tập trận chung khác với các nước trong khu vực bao gồm Malaysia, Australia và New Zealand để đánh dấu kỷ niệm 50 năm Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường (FPDA) gồm các nước Anh, Australia, New Zealand, Malaysia và Singapore.
RFA (27.07.2021)
TT Duterte: Gây chiến với Trung cộng ở Biển Đông, Phi Luật Tân sẽ bị “tàn sát”
Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte đọc Diễn Văn Quốc Gia tại Hạ Viện Phi Luật Tân ở thành phố Quezon (Phi Luật Tân) ngày 26/07/2021. AP – Jam Sta Rosa
Phi Luật Tân sẽ bị « tàn sát » nếu nước này gây chiến với Trung cộng về vấn đề Biển Tây Phi Luật Tân (tức Biển Đông), tổng thống Rodrigo Duterte phát biểu như trên vào hôm qua 26/07/2021 trong bài Diễn Văn Quốc Gia cuối cùng trước khi mãn nhiệm.
Theo trang mạng Inquirer, tổng thống Phi Luật Tân Duterte nói rằng Manila không thể gây chiến chống Trung cộng, trong bối cảnh có nhiều tiếng nói phê bình chỉ trích tổng thống Philippinnes về những bình luận trước đây của ông về vấn đề Biển Đông.
Ông Duterte nhấn mạnh Phi Luật Tân chưa phải là một « đối thủ có năng lực » của Trung cộng và tên lửa Trung cộng có thể được phóng đến bờ biển Palawan của Phi Luật Tân chỉ sau 5-10 phút, ngay cả trước khi máy bay của Phi Luật Tân có thể cất cánh.
Ông Duterte một lần nữa hạ thấp giá trị chiến thắng của Phi Luật Tân trước Trung cộng tại Tòa trọng tài thường trực quốc tế ở La Haye hồi năm 2016. Lý do ông nêu lên là vì Trung cộng không tham gia vụ kiện. Tổng thống Phi Luật Tân từng gọi chiến thắng này là một “mảnh giấy lộn” và ví nó như một thứ rác có thể vứt bỏ.
Bắc Kinh thông báo thao dợt quân sự ở vùng Biển Đông có tranh chấp
Về phía Trung cộng, trong bối cảnh thứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman hội đàm với ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị ở Thiên Tân, Bắc Kinh hôm qua 26/07/2021 thông báo tổ chức tập trận Hải Quân ở vùng Biển Đông đang có tranh chấp chủ quyền.
Trang mạng ANI News, trích dẫn Taiwan News, đưa tin cuộc diễn tập được tổ chức trong vòng 2 ngày, tại vùng biển giữa đảo Thương Xuyên (Shangchuan), tỉnh Quảng Đông và Biển Đông, từ 18 giờ ngày hôm nay 27/07 (giờ địa phương) và kéo dài đến 22 giờ ngày 29/07.
ANI News nhắc lại từ ngày 17 đến ngày 21/07, Hải Quân Trung cộng cũng tập trận ở Biển Hoa Đông, ngoài khơi tỉnh Chiết Giang. Khu vực thao dợt chỉ cách Đài Loan 243 km.
RFI (27.07.2021)
Hàng không mẫu hạm của Anh tiến gần Biển Đông, Trung cộng phẫn nộ
Hải Quân Mỹ trên trang mạng USNI News ngày 25/07/2021 thông báo, căn cứ vào các tín hiệu qua vệ tinh cho thấy hàng không mẫu hạm của Hải Quân Hoàng Gia Anh tiến gần đến Biển Đông sau đợt tập trận với hải quân Ấn Độ tại vịnh Bengal vừa qua. Global Times của Trung cộng cảnh cáo là cụm hàng không mẫu hạm này nên tránh thâm nhập khu vực 12 hải lý của Trung cộng.
Hàng không mẫu hạm của Hải Quân MHS Anh Queen Elizabeth được sự hộ tống của khu trục hạm săn tàu ngầm HMS Richmond, khu trục hạm có trang bị tên lửa HMS Defender, tàu chở dầu Tidespring, tàu ngầm Artful, khu trục hạm của Mỹ USS Sulivan, khinh hạm của Hà Lan Evertsen.
Từ sáng Chủ Nhật 25/07/2021, tàu khu trục Defender đã cập cảng Brunei còn chiếc tàu chở dầu Tidesping thì đã rời cảng Singapore để tiến về Biển Đông. Hàng không mẫu hạm MHS Anh Queen Elizabeth chuẩn bị cập bến tại Singapore, đúng vào lúc bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Austin Lloyd đang có mặt tại nước này trong chuyến công du ba nước Đông Nam Á.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo trong ấn bản ngày Chủ Nhật 25/07/2020 đề cập đến sự kiện nói trên và cảnh báo : “Điều tàu chiến vào bên trong vùng 12 hải lý thuộc chủ quyền của Trung cộng là một thách thức trực tiếp nhắm vào các lợi ích cốt lõi của Trung cộng” tại Biển Đông và đó là “một sai lầm” của Anh Quốc. Cũng Hoàn Cầu Thời Báo trích lời một chuyên gia thuộc đại học Bắc Kinh cho rằng “tới nay Anh Quốc luôn từ chối theo chân Mỹ và sẽ không dễ đối đầu với Trung cộng hay trực tiếp khiêu khích Trung cộng”, do vậy phía Trung cộng chờ đợi là Hải Quân Anh sẽ “thận trọng, không bị Hoa Kỳ xúi giục và sẽ không tiến sâu vào vùng biển của Trung cộng ở Biển Đông”.
Anh gạt Trung cộng ra khỏi một dự án nhà máy điện hạt nhân
Thêm một dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Anh và Trung cộng đang xấu đi : Nhật báo tài chính Anh Financial Times ngày 25/07/2021 tiết lộ Luân Đôn đang nghiên cứu khả năng loại đối tác CGN của Trung cộng ra khỏi dự án nhà máy điện hạt nhân Sizewell. Đây là một dự án mà CGN hợp tác với nhiều tập đoàn khác, như EDF của Pháp, để cung cấp điện hạt nhân cho Anh. Trị giá toàn bộ hợp đồng lên tới hơn 20 tỷ bảng Anh.
RFI (26.07.2021)
Tàu Cảnh sát biển do Mỹ trao tặng đã về đến Việt Nam
Tàu cảnh sát biển CSB 8021 – chiếc tàu cỡ lớn lớp Halminton thứ 2 do Mỹ trao tặng đã về đến Việt Nam Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội
Tàu Cảnh sát biển CSB 8021do Mỹ trao tặng đã đến Việt Nam. Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam thông báo vào cuối tuần qua.
Tin đăng trên trang Facebook của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết, tàu Cảnh sát biển CSB 8021, tên gọi cũ là tàu USCGC John Midgett của Mỹ, cùng thủy thủ đoàn vừa cập bến an toàn ở Việt Nam. Tuy nhiên Đại sứ quán không đề cập cụ thể tàu đến vào thời điểm chính xác nào.
“Việc Chính phủ Mỹ trao tặng chiếc tàu này cho Việt Nam là một minh chứng của sự hợp tác an ninh biển mạnh mẽ giữa hai quốc gia và giúp đảm bảo một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông” – Đại sứ quán Mỹ tuyên bố trong Facebook post này.
Tàu CSB 8021 là tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton có trọng tải hơn 3.000 tấn, dài 115m và có thể làm nhiệm vụ 45 ngày liên tục trên biển với tầm hoạt động 20.000 km. Tàu được trang bị nhiều vũ khí và cảm biến nhưng hầu hết hệ thống radar và thiết bị đã được gỡ bỏ trước khi chuyển giao cho Cảnh sát biển Việt Nam, chỉ để lại pháo Otobreda cỡ 76 mm trước mũi.
Đây là tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton thứ hai được Mỹ tặng cho Việt Nam sau tàu Morgenthau năm 2017. Tàu CSB 8021 rời Mỹ để sang Việt Nam từ ngày 1/6/2021.
RFA (26.07.2021)
Sau 9 năm xây dựng, thành phố Tam Sa trở thành vỏ bọc cho tham vọng cường quốc biển của Trung cộng
Đảo Phú Lâm (Woody Island), thủ phủ thành phố Tam Sa mà Trung cộng lập ra trên Biển Đông, tháng 12/2020. Ảnh: Planet Labs, Inc/ RFA
Tóm tắt:
- Ngày 24/7/2012, Trung cộng đã chính thức lập thành phố Tam Sa. Thành phố này có tổng diện tích vùng đất và vùng nước lên đến 2 triệu km2, nhưng dân số chỉ khoảng 2.000 người, chủ yếu tập trung trên đảo Phú Lâm.
- Sau 9 năm xây dựng, chính quyền Bắc Kinh đã nâng cấp tiện ích trên rất nhiều hòn đảo thuộc thành phố, cả quân sự lẫn dân sự, đầu tư thu mua các công nghệ nước ngoài và thực hiện việc kiểm soát và giám sát hành chính từ tiền đồn của họ trên đảo Phú Lâm.
- Chính quyền Trung cộng đang dùng các phương tiện dân sự của thành phố Tam Sa để làm vỏ bọc cho tham vọng kiểm soát các vùng biển mà nước này có yêu sách trên Biển Đông.
Ngày 24/7/2012, Trung cộng đã tổ chức một buổi lễ khánh thành trên đảo Phú Lâm (Woody Island) để tuyên bố với các bên tranh chấp trên Biển Đông về việc thành lập một đơn vị hành chính có tên là thành phố Tam Sa (Sansha). Tam Sa là thành phố trực thuộc tỉnh Hải Nam (Hainan), và có thủ phủ đặt tại đảo Phú Lâm. [1]
Chính phủ Trung cộng tuyên bố, thành phố này được thành lập để quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa (Zhongsha Islands – cách gọi của Trung cộng để chỉ bãi cạn Scarborough và bãi Macclesfield). [2] Thẩm quyền pháp lý của chính quyền thành phố Tam Sa trải rộng trên hơn 280 hòn đảo, bãi cạn, rạn san hô, các thực thể khác và vùng nước xung quanh chúng. Tổng diện tích vùng đất và vùng nước là hơn 2 triệu km2. Tam Sa có dân số thường trú là 1.800 người, không tính lực lượng quân đội đóng trên các căn cứ của thành phố. [3]
Đến tháng 4/2020, Quốc vụ viện Trung cộng lại ra quyết định thành lập thêm hai đơn vị hành chính cấp quận cho thành phố Tam Sa (quận Tây Sa và quận Nam Sa). [4]
Một bản đồ của Trung cộng ghi rõ “đường lưỡi bò” và thành phố Tam Sa. Ảnh: SMCP.
Cho đến nay, thành phố Tam Sa đã phát triển nhanh chóng, không chỉ về khả năng kiểm soát hành chính, khả năng quân sự mà thậm chí còn cả về kinh tế, du lịch và an sinh xã hội cho người dân trên đảo. [5] Sự phát triển nhanh chóng của đơn vị hành chính này đang gây trở ngại khá lớn cho các bên tham gia tranh chấp trên Biển Đông, trong đó có Việt Nam.
Vậy, 9 năm sau khi thành lập, Tam Sa hiện giờ ra sao?
Phát triển các tiện ích dân sự
Sau 9 năm phát triển, đảo Phú Lâm, thủ phủ của thành phố Tam Sa, hiện đã trở nên nhộn nhịp hơn nhờ có bến cảng được mở rộng, kho đông lạnh thủy sản, máy phát điện dự phòng, nơi sửa chữa tàu, nơi tiếp nhiên liệu cùng hàng loạt công trình tiện ích khác. [6]
Trong Báo cáo Hàng hải Trung cộng số 12 của Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung cộng (China Maritime Studies Institute) thuộc trường Đại học Hải quân Hoa Kỳ (U.S. Naval War College – NWC), tác giả Zachary Haver (ông là chuyên gia nghiên cứu Trung cộng và Biển Đông, hiện đang là nhà phân tích tình báo của một công ty an ninh mạng Hoa Kỳ tên là Recorded Future) tường thuật rằng các tiện ích dân sự trên đảo cũng được đầu tư kỹ lưỡng, như nhà ở công cộng, trường học, các cơ quan tư pháp, phủ sóng mạng 5G, dịch vụ hàng không (phục vụ cho dân sự và giới học giả ngành hàng hải của Trung cộng). [7]
Trước đây, đảo Phú Lâm là nơi khan hiếm nước ngọt vì mạch nước ngầm trên đảo thường bị nhiễm mặn và nếu sử dụng lâu dài sẽ phá hủy hệ sinh thái trên đảo. Tuy nhiên, từ năm 2016, chính quyền thành phố Tam Sa đã khắc phục được vấn đề nước bằng các hệ thống lọc nước mặn và xử lý nước thải. [8]
Trên Đảo Cây (Tree Island), vào năm 2020, chính quyền Trung cộng đã tìm cách xây dựng các khu nhà ở và phát triển các khu trồng trọt, nông trại để biến nó thành một nơi thích hợp cho con người cư trú. Trong khi đó, ở Cồn cát Tây (West Sand) – một hòn đảo rộng khoảng 10 dặm vuông với một tòa nhà và một công trình trông giống máy bơm khử muối, Trung cộng đang tích cực trồng cây để ngăn không cho hòn đảo này bị xâm thực và xói mòn đất. [9]
Cũng theo Zachary Haver trong cùng báo cáo, [10] chính quyền thành phố Tam Sa còn thiết lập hoàn thiện hệ thống tổ chức đảng và chính quyền trên những đảo mà Trung cộng đang chiếm đóng và thiết kế các tour du lịch đến thành phố, cũng như khuyến khích các công ty hoạt động và phát triển nghề cá tại đây. [11]
Thu mua công nghệ
Theo RFA, thông qua thành phố Tam Sa, chính phủ Trung cộng đã mua hoặc lên kế hoạch mua các phần cứng, phần mềm, thiết bị giám sát hàng hải, giám sát đất liền, an ninh thông tin và các thiết bị khác từ 25 công ty có trụ sở tại Mỹ, Nhật Bản, Italy, Australia, Đài Loan và các quốc gia khác. [12]
RFA khai thác được 13 hợp đồng của chính phủ và các tài liệu liên quan cho thấy rằng từ năm 2016 đến 2020, 10 thực thể thuộc hệ thống đảng – nhà nước Trung cộng có liên kết với thành phố Tam Sa đã mua hoặc lên kế hoạch mua tổng cộng 66 mặt hàng với tổng giá trị lên đến 930.000 USD. [13] Hầu hết các hợp đồng đều được ký kết trong năm 2020.
Chi phí công nghệ nước ngoài mà thành phố Tam Sa mua lại (tính theo nhân dân tệ). Ảnh: RFA
Theo RFA, rất có thể những tài liệu mà họ tìm thấy chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm. Trong năm 2020, chính quyền thành phố đã phát hơn 700 thông báo đấu thầu, hợp đồng và các tài liệu có chứa bằng chứng chuyển giao công nghệ.
Khoảng ¼ các công nghệ được thành phố Tam Sa thu mua là để trang bị cho các tàu của lực lượng chấp pháp hàng hải,bao gồm tàu tuần tra, tàu đổ bộ, tàu tấn công và thiết bị dưới nước không người lái. [14] Tất cả các vật phẩm được thành phố thu mua đều nhằm mục đích sử dụng trên Biển Đông.
Kiểm soát hành chính
Chính quyền trung ương cũng ra sức phát triển năng lực quân sự và bán quân sự ở Tam Sa. Chính quyền thành phố đã thiết lập một cơ chế phòng thủ chung giữa quân đội và cảnh sát dân sự, phát triển lực lượng chấp pháp và dân quân biển, [15] và thành lập một trung tâm chỉ huy chung cho các lực lượng quân sự, cảnh sát biển dân sự và dân quân hàng hải. [16]
Sự phát triển nhanh chóng của thành phố Tam Sa là để đáp ứng được nhu cầu cấp bách phải kiểm soát các thực thể đang tranh chấp với Trung cộng trên Biển Đông. [17] Chính quyền Trung cộng đã dùng các phương tiện dân sự của thành phố Tam Sa để làm vỏ bọc cho tham vọng kiểm soát các vùng biển mà Trung cộng có yêu sách trên Biển Đông. Các nguồn lực để “chi viện” cho Tam Sa hầu hết đều được lấy từ đất liền.Việc kiểm soát Biển Đông thông qua thành phố Tam Sa là một phần trong chiến lược củng cố các tuyên bố chủ quyền của Trung cộng và ngăn chặn các quốc gia khác củng cố các tuyên bố chủ quyền của họ. [18] Trung cộng đã theo đuổi chiến lược này từ những năm 2000, sau một thời gian trì hoãn giải quyết tranh chấp trên Biển Đông./.
Đất Việt (26.07.2021)