“Tỷ lệ nói dối ở học sinh bậc tiểu học là 22%; ở bậc THCS là 50%; ở bậc THPT là 64% và ở bậc đại học là 80%.”
Ngày 6 Tháng Tám, báo Nông Nghiệp có bài “Báo động về sự dối trá len lỏi vào tận hang cùng ngõ hẻm xã hội”, đọc thấy cũng được.
Tôi nói cũng được vì đề tài đó cũ quá. Nhiều người nói tới nói lui rồi, cũng bày ra cách “để giải quyết việc này, chúng ta phải…” rồi cũng chẳng đi đến đâu.
Tôi đoán rằng tại người lớn nói dối nhiều quá, tụi trẻ nó không tin nữa, dù tụi nó bây giờ cũng nói dối như “vẹm”.
Giáo Sư Trần Ngọc Thêm và các cộng sự đưa ra số liệu về tỷ lệ nói dối của giới trẻ trong môi trường giáo dục (theo bài viết trên), như sau:
“Tỷ lệ nói dối ở học sinh bậc tiểu học là 22%; ở bậc THCS là 50%; ở bậc THPT là 64% và ở bậc đại học là 80%.”
Đang học đại học mà tỷ lệ nói dối đã là 80%, đó thực sự là một con số gây kinh ngạc.
Nền giáo dục dối trá sẽ tạo ra đất nước toàn dối trá – Biếm họa: DAD
Tai sao phải lươn lẹo, giả dối? Chẳng biết lời giải thích dưới đây của nhà báo Vũ Hữu Sự (ký tên dưới bài) hay lời Giáo Sư Thêm:
“Vì các cháu, các em sống trong một môi trường mà sự dối trá đang ngự trị. Có thể nói ở xã hội chúng ta đang sống bây giờ, nhìn đâu cũng thấy sự dối trá. Ngoài chợ, từ mớ rau thấm đẫm thuốc trừ sâu bị nói dối là rau sạch. Thịt thối, cá ươn được tẩy hóa chất biến thành đặc sản, tôm bị bơm hóa chất cho tăng cân. Lợn chết dịch biến thành xúc xích, thành giò chả…”
“Trong nhà trường thì thành tích giả, học trò lớp 5, lớp 6 không viết nổi tên mình vẫn được lên lớp. Thi tốt nghiệp PTTH thì điểm thi giả. Quan trường thì bằng giả, học giả bằng thật, lý lịch giả, lên chức giả bằng tiền rồi tham nhũng để ‘thu hồi vốn’ và thu lãi.”
“Rất nhiều quan chức hôm nay còn ngất ngưởng ngôi cao, cao giọng rao giảng đạo đức, hôm sau đã bị vạch bộ mặt thật là kẻ lừa đảo, tham nhũng công trình xây dựng thì kê khai khống khối lượng, rút lõi, công trình đưa vào sử dụng hôm nay, ngày mai đã xuống cấp.”
Ông còn viết nhiều thứ lắm, nhưng tóm lại là, “sự dối trá đã len vào tận hang cùng ngõ hẻm của xã hội, ngự trị từ tầng thấp đến tầng cao.”
Để giải quyết “căn bệnh mãn tính” này, cuối bài viết, tác giả Vũ Hữu Sự khẩn thiết đề nghị, “những nhà lãnh đạo đất nước, xin hãy làm thế nào để xã hội trung thực trở lại. Nếu không, thì có ngày, Việt Nam sẽ trở thành một đất nước dối trá nhất thế giới.”
Từ đầu bài đến trước đoạn cuối tôi đọc thấy được, vì nói trúng vấn đề, Cho đến khi đọc câu có chất “xu nịnh” cuối cùng, thì thấy bài viết toàn lời giả dối.
Xin lỗi ông giáo sư, và xin lỗi ông Vũ Hữu Sự, cho tôi nói đôi lời… thật bụng.
Từ hồi đảng Cộng sản của các ông thành lập năm 1930, rồi cướp chính quyền năm 1945, rồi cướp miền Nam, cướp Sài Gòn năm 1975, cho đến nay, hầu như chưa có lời nào của lãnh đạo đảng, lãnh đạo nhà nước là thật đâu!
Khi xã hội của các ông chưa vận hành bằng sự trung thực thì làm sao mà ông có thể bắt các lãnh đạo làm cho “xã hội “trung thực trở lại”?
Biến họa: Dân làm báo
Chắc ông Vũ Hữu Sự nhớ những “câu nói để đời” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một ông lãnh đạo vừa mê “đầu tàu”, vừa mê “thủ phủ”, và mê “gái đẹp”. Tôi thử liệt kê ra đây:
– Việt Nam phải là thủ phủ tôm của thế giới
– Tây Nguyên là nóc nhà Đông Dương, là vùng cao về địa lý thì không thể và không nên là vùng trũng giáo dục của cả nước
– Khánh Hoà là hình mẫu của một chính quyền đối thoại
– Nghệ An phải là vùng đất khởi nghiệp và thu hút nhân tài
– Hà Tĩnh, Thanh Hoá là cực tăng trưởng mới
– Bắc Ninh phải là thủ phủ sản xuất điện tử sáng tạo của châu Á và thế giới
– Tây Nguyên là cô gái đẹp đang ngủ quên
– Quảng Nam phải trở thành một tỉnh giàu có toàn diện
– Bình Dương phải trở thành đầu tàu kinh tế phát triển mạnh nhất cả nước
– Bình Phước phải là thủ phủ của nông nghiệp công nghiệp cao
– Cao Bằng phải là một hình mẫu vượt khó vươn lên thoát nghèo
– Ninh Bình phải được xây dựng thành một trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế
– Bình Thuận phải trở thành trung tâm năng lượng sạch của Việt Nam
– Hà Nội phải là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo
– Thành phố Hồ Chí Minh phải là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông
– Đà Nẵng phải là thành phố độc đáo, độc nhất vô nhị trên toàn thế giới
– Đà Nẵng phải phát triển như Singapore và Hong Kong
– Hải Phòng phải là đầu tàu quan trọng của cả nước
– Đồng bằng sông Cửu Long phải là nền nông nghiệp thông minh
– Long An phải trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước
– Vĩnh Phúc sẽ vươn lên trở thành một đầu tàu kinh tế
– Quảng Ninh là đầu tàu kinh tế của cả nước
– Cần Thơ phải là đầu tàu phát triển của vùng
– Phú Yên như cô gái đẹp ngủ quên
Trong 24 câu, có đến 6 “đầu tàu”. Nếu chúng tỏa đi sáu hướng khác nhau thì chẳng biết đất nước sẽ về đâu?! Có ba “thủ phủ”, một “thủ phủ tôm”, một “thủ phủ điện tử sáng tạo”, một “thủ phủ của nông nghiệp công nghiệp cao”. Đặc biệt, ông Phúc phát hiện ra Tây Nguyên và Phú Yên là hai “gái đẹp ngủ quên”.
Lãnh đạo đâu chỉ có ông Phúc. Ông Nguyễn Phú Trọng tuy “lặn vừa sâu vừa lâu” nhưng mỗi khi “trồi” lên là ông “bắn” một phát lên tới “đỉnh”.
Biếm họa: Ba Bui
Hôm 11 Tháng Tám, báo Dân Trí đưa tin, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, ông Trọng có bài phát biểu “chỉ đạo, gợi mở, định hướng, và giao nhiệm vụ cho Chính phủ” phải làm theo nghị quyết đại hội Đảng. Nói chung, toàn những lời sáo rỗng, vô hồn, cứ dùng lặp đi lặp lại cho mỗi kỳ họp chính phủ.
Ông Trọng chỉ nói được một câu đúng, với các đồng chí của ông:
“Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!“
Câu này cho thấy, dù ông Trọng cảnh báo củi lò nhiều lần rồi, mà các đồng chí của ông vẫn lì mặt ra tham nhũng, khiến ông rất khó xử. Giờ ông phải nhắc lần nữa, ý là “tụi bay tém cái miệng lại, ăn lắm vào, lỡ chết (trong tù) có mang theo được đâu!”.
Người đời vẫn nói “thiếu cái gì, thèm cái đó”. Lãnh đạo ở Việt Nam bây giờ không thiếu tiền, thậm chí ăn mười đời cũng không hết. Cái mà bây giờ lãnh đạo đang thiếu, đang thèm, là “danh dự”, nhưng không thể nào có được, nên ông Trọng mới phải phải “gào” lên:
“Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”.
Theo SGN
Đất Việt (12.08.2021)