Mục lục
Kamala Harris có dịp đứng lên cho dân chủ trong tuần này. Bà nên sử dụng nó
Tác giả: Will Nguyễn
Trúc Lam, chuyển ngữ
VNC hiệu đính
23-8-2021
Will Nguyễn là nhà hoạt động dân chủ người Mỹ gốc Việt, là người làm việc với các nhóm xã hội dân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và châu Âu.
Chỗ đi cầu, bồn rửa chén và rửa mặt của tôi đều có cùng một cái hố ở dưới đất. “Cái gối” của tôi là một bao đường nhỏ và giường của tôi là một manh chiếu mỏng bằng rơm, trải trên nền đá. Suốt 41 ngày trong năm 2018, tôi đã sống mòn mỏi trong một phòng biệt giam ở TP HCM, bị đánh đập và bị bắt vì đã giúp người dân Việt Nam thực hiện các quyền hiến định của họ.
Nhưng so với các vụ kết án chính trị ở Việt Nam, tôi là một trong những người may mắn. Tôi có nguồn gốc là người Việt Nam, nhưng do một ngã rẽ bất công của số phận, tôi đã được sinh ra ở Hoa Kỳ. Những công dân Việt Nam đang đấu tranh cho các quyền của mình phải chịu đựng những điều kiện [giam giữ] thời Trung Cổ này trong nhiều năm, có khi hơn một thập niên, việc họ ở sau song sắt trực tiếp liên quan tới những ý kiến bất chợt của cảnh sát, điều tra viên, công tố viên và các thẩm phán toà án, tất cả những người này đều do một đảng chính trị hợp pháp kiểm soát.
Sự bất công này có thể thấy rõ, và phó Tổng thống Harris có thể nỗ lực để giảm bớt nó khi bà đến thăm Việt Nam trong tuần này. Với tư cách là người đại diện cho một chính quyền, hứa sẽ tiếp tục nhấn mạnh việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, bà có cơ hội lên tiếng đòi phóng thích các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam, những người không làm gì ngoài việc yêu cầu Hiến pháp của chính họ được thực thi.
Trong số ít các nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa còn lại trên thế giới, Việt Nam là một nhà nước độc tài, do đảng cộng sản điều hành trên danh nghĩa, cai trị dân số thuộc nhóm thân tư bản và thân Mỹ nhất trên trái đất. Sự sụp đổ bất ngờ của Afghanistan cho thấy rằng, Hoa Kỳ không thể đơn giản áp đặt nền dân chủ, tự do lên các nước khác, ngay cả khi họ có chung một ưa chuộng tương tự như vậy. Mong muốn về quyền và cải cách phải xuất phát từ chính người dân. Và ở Việt Nam, đúng là như vậy.
Những người bất đồng chính kiến như Phạm Đoan Trang, là người không thể thiếu trong việc giúp đỡ người dân Việt Nam hiểu các quyền hiến định của họ, cô là người đồng sáng lập một nhà xuất bản sách bị Nhà nước cấm, chuyên ấn hành các cẩm nang chính trị, trao quyền cho đồng bào của mình. Hoặc bà Cấn Thị Thêu, người mẹ đứng đầu một gia đình gồm các nhà hoạt động đất đai, đã bị bỏ tù, là người đã cùng tôi và Phạm [Đoan Trang] giúp dân Việt Nam bị chiếm đất, bằng cách lưu giữ tài liệu và công khai các vụ cướp đất bằng bạo lực của chính quyền, làm tài liệu đối chứng với báo chí do nhà nước kiểm soát.
Kế đến là Nguyễn Thuý Hạnh, là người đã hỗ trợ tài chính chủ yếu cho những dân làng đã bị tước quyền và gia đình của những người bất đồng chính kiến, huy động tiền đóng góp từ cộng đồng và thành lập các quỹ độc lập. Và Trần Huỳnh Duy Thức là người chủ trương cải cách chính trị ôn hoà, đã bị nhốt sau song sắt từ năm 2009; ông đã thực hiện nhiều vụ tuyệt thực, khiến ông hiện nay chết dần trên giường bệnh.
Có những người sẽném đá cho là áp lực của phó tổng thống lên các nhà lãnh đạo Việt Nam để phóng thích những người bất đồng chính kiến như là một trường hợp khác của chủ nghĩa can thiệp của Mỹ. Nhưng quan điểm như vậy không chỉ làm Hoa Kỳ đi sai mục tiêu, phớt lờ tác dụng của chính những người Việt bản xứ đang bị bỏ tù vì đòi dân chủ; nó cũng là cách nhìn lịch sử thiển cận. Những hy vọng về nền dân chủ tự do như chúng ta biết, đã bắt đầu khởi động trước khi những đôi giày của Mỹ chạm đất. Trí thức Việt Nam được đào tạo ở phương Tây đã bắt đầu khuấy động, đòi các quyền cơ bản, tự do và bình đẳng khi Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp hồi thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Chính những khát khao về các quyền căn bản và tự do này vẫn tiếp tục cháy bỏng trong trái tim của những người Việt Nam bình thường. Tôi sánh vai cùng hàng ngàn người trong số họ vào cái ngày tôi bị bắt hồi tháng 6/2018, và tôi may mắn được gặp, nói chuyện và làm việc với nhiều người trong số họ những năm sau đó. Chính phủ Việt Nam công nhận tính phổ quát của những mong muốn này bằng cách ghi nhận những quyền cơ bản đó tại những Điều từ 14 đến 43 trong Hiến pháp của mình; đảng Cộng sản [Việt Nam] chỉ từ chối tôn trọng những điều đó.
Thật vậy, đối với Việt Nam việc bảo vệ các quyền tự do này là nền tảng, cũng như mối quan hệ đồng cảm tương thích của đất nước này với Hoa Kỳ. Bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam mà ông Hồ Chí Minh đọc năm 1945, có tham khảo phiên bản Mỹ của chúng ta. Bản tuyên ngôn viết: “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm; trong những quyền ấy, là quyền được Sống, quyền Tự do và quyền mưu cầu Hạnh phúc“.
Nhưng định mệnh khiến xui, Hoa Kỳ đã phớt trước lời đề nghị giúp đỡ của ông Hồ Chí Minh hồi năm 1946, trong cuộc chiến đấu giành tự do từ tay người Pháp. Cuối cùng, ông [Hồ] phải nhờ Liên Xô và Trung Quốc hỗ trợ, và phần còn lại, như họ nói về lịch sử là điều đáng tiếc nhất. Xin đừng bỏ qua niềm mong mỏi của người Việt, một lần nữa khao khát được tự do.
Tiếng Dân
Nhân quyền, một trong những vấn đề nhạy cảm và được nhiều người mong đợi, cuối cùng đã được nữ Phó tổng thống Kamala Harris đề cập đến trong ngày cuối cùng của chuyến công du đầu tiên đến Việt Nam. Tuy nhiên, một số nhà hoạt động kỳ cựu cho rằng nó chỉ được nhắc đến ở mức độ đúng như dự đoán và “kỳ vọng không cao” của họ trước đó.
Tại cuộc họp báo khi kết thúc một chuyến công du Việt Nam và Singapore, Phó tổng thống Hoa Kỳ cho biết bà đã nêu các vấn đề về vi phạm nhân quyền và hạn chế hoạt động chính trị trong các cuộc trò chuyện với các lãnh đạo Hà Nội trong những ngày qua.
“Những vấn đề đó đã được đưa ra và thảo luận, cũng như vấn đề nhân quyền, với cả các lãnh đạo chính phủ Việt Nam cũng như các lãnh đạo xã hội dân sự vì đó là mối quan tâm thực sự của Hoa Kỳ”, bà Harris nói cho biết, đồng thời khẳng định thêm rằng. “Chúng tôi không né tránh những cuộc trò chuyện khó khăn”.
Tuy nhiên, Phó tổng thống Hoa Kỳ không cho biết liệu có bất kỳ cam kết cụ thể nào từ phía Hà Nội hay không, hoặc có một giải thích nào về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam vốn vẫn bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đánh giá là không dung chấp bất đồng chính kiến, hạn chế nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và xã hội dân sự.
Trước chuyến đi của bà Harris, nhiều tổ chức xã hội quốc tế và Việt Nam đã gửi thư kêu gọi nữ Phó tổng thống đưa vấn đề nhân quyền ra trong các cuộc họp với các lãnh đạo Việt Nam và gây áp lực buộc Hà Nội phải thả các tù nhân lương tâm.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, đã chỉ trích bà Harris vì đã không lên tiếng đủ trong chuyến thăm bất chấp “sự quấy rối và đàn áp có hệ thống của Việt Nam đối với bất kỳ ai bất đồng với chính phủ”.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động kỳ cựu tại Việt Nam lại có một cái nhìn khác.
Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên nói với VOA rằng bà vốn không đặt quá nhiều kỳ vọng về vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm này của nữ Phó tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, bà có đưa ra đề xuất về một cuộc gặp trực tuyến giữa các nhà hoạt động độc lập với bà Harris nhưng điều này đã không trở thành hiện thực.
“Hôm nay bà Harris đã không dành cho những người hoạt động xã hội dân sự độc lập, tôi phải nhấn mạnh từ độc lập ở Việt Nam, cụ thể là những người hoạt động nhân quyền, những người đối kháng với nhà nước Việt Nam một cuộc gặp, dù là một cuộc gặp trực tuyến. Trong khi các đại diện cá nhân, tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam chỉ riêng việc họ được đi gặp bà ấy mà không gặp một cản trở nào thì cũng đã là câu trả lời cho chúng ta họ là ai rồi. Tôi không kỳ vọng bất cứ điều gì về những gì họ truyền đạt cho bà Harris, cụ thể là họ chưa chắc đã dám nói về những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam cho bà Phó tổng thống nghe đâu”, nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên nói với VOA.
Truyền thống quốc tế cho biết tại cuộc họp báo ngày 26/8, bà Harris đã nói về sự cần thiết phải bảo vệ phụ nữ và quyền của người chuyển giới, nhưng bà không lên tiếng chỉ trích chính phủ Việt Nam về những lạm dụng nhân quyền của họ.
Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà vận động xã hội dân sự nổi tiếng của Việt Nam, nói với VOA rằng ông có quan điểm “rạch ròi” về những lĩnh vực khác nhau trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nên ông không đặt kỳ vọng quá cao rằng vấn đề nhân quyền Việt Nam sẽ được nữ Phó tổng thống Mỹ dành ưu tiên hay thậm chí gây áp lực lên Hà Nội như nhiều người mong đợi.
Ông nói: “Trong những ưu tiên hiện thời của nước Mỹ đối với Việt Nam thì vấn đề nhân quyền không phải là vấn đề trọng yếu nhất, giỏi lắm chỉ là thứ 4, thứ 5 thôi. Cho nên chuyện bà ấy có nói về nhân quyền và theo tôi biết bà có gặp một số đại diện của xã hội dân sự thì hoàn toàn phù hợp, bởi vì họ cũng không thể làm hơn được, vì vấn đề an ninh, COVID, kinh tế mới là những vấn đề trọng tâm nhất của chuyến đi này”.
Theo TS. Nguyễn Quang A, vì “những tiếng nói nặng ký như của bà Phó tổng thống hay của các chức sắc Mỹ luôn luôn có trọng lượng” nên chỉ riêng việc bà có đề cập đến vấn đề nhân quyền với các lãnh đạo Hà Nội trong chuyến thăm lần này thì chắc chắc sẽ có ảnh hưởng cho tương lai nhân quyền tại Việt Nam, mặc dù có thể hiệu quả trên thực tế lúc này là “không có gì cả”.
Ông phân tích: “Trong danh sách các lĩnh vực ưu tiên hiện tại của Mỹ với Việt Nam thì nhân quyền đứng hàng thứ tư, thứ năm gì đấy. Như thế là tốt rồi. Nhưng trong danh sách ưu tiên tương tự của Việt Nam thì nhân quyền và dân chủ đứng hàng chót. Tức là sự trùng nhau về những ưu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là không có hoặc rất xa nhau. Cho nên sẽ khó mà có kết quả gì ngay lập tức”.
Cũng như TS. Nguyễn Quang A, bà Phạm Thanh Nghiên cho rằng việc Phó tổng thống Harris đề cập đến vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm lần này chắc chắc sẽ có tác động tích cực về lâu dài cho nhân quyền tại Việt Nam khi nó buộc Hà Nội phải có những “điều chỉnh”, “cân nhắc” trong các mối quan hệ quốc tế.
Bà nói: “Nếu nói rằng không đạt được gì thì không đúng. Việc bà đã nhắc đến vấn đề nhân quyền và thêm cả nỗ lực của người dân Việt Nam thì tôi nghĩ trong tương lai sẽ đạt được những điều mà chúng ta mong muốn. Tuy nhiên trong thời điểm và bối cảnh như thế này, tôi nghĩ rằng việc cải thiện nhân quyền ở Việt Nam là rất khó”.
Trong suốt chuyến công du Việt Nam và Singapore tuần này, bà Harris nhiều lần nhấn mạnh đến mục tiêu thúc đẩy mối quan hệ tích cực với các nước, mở rộng hợp tác và tham gia của Hoa Kỳ trong khu vực, đồng thời bà liên tục chỉ trích và đưa ra cảnh báo yêu cầu Trung Quốc chấm dứt thói hung hăng ở Biển Đông./.