Nguyễn Khoa
Cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam báo cho các nhà báo Việt Nam trong và ngoài nước biết rằng họ có thể tham gia vào một cuộc họp báo từ xa của chuẩn đề đốc Michael F. McAllister, chỉ huy lực lượng tuần duyên Mỹ tại vùng Thái Bình Dương.
Cuộc họp báo được dự dịnh bắt đầu vào 10 giờ sáng ngày 3/9/2021, giờ Hà Nội. Ông McAllister sẽ nói chuyện từ căn cứ của tuần duyên Hoa Kỳ tại Alameda, California.
Theo thông báo, cuộc họp báo sẽ xoay quanh việc triển khai tàu tuần duyên loại Munro của Mỹ tại vùng Tây Thái Bình Dương, sự hợp tác về tuần duyên của Hoa Kỳ với các đối tác trong khu vực.
Sự kiện này tiếp theo thông tin từ chuyến thăm Việt Nam của bà Kamala Harris, Phó Tổng thống Mỹ, rằng Washington sẽ chuyển cho Hà Nội một chiếc tàu tuần duyên đường dài thứ ba.
Toàn bộ những chuyện này nằm trong mục tiêu hợp tác an ninh của phía Mỹ đối với Việt Nam, mục tiêu quan trọng nhất của chuyến đi của bà Harris, ngoài ra còn là món quà 1 triệu liều vaccine Pfizer cho Việt Nam đang đối diện với cuộc khủng hoảng dịch bệnh chưa từng có.
Hai mục tiêu này trong chuyến đi được gọi là ngoại giao ve vãn (charm offensive) đã được giới quan sát bàn đến trước khi bà Harris rời Washington. Hai vấn đề đó lấn át hẳn mục tiêu đề cao vấn đề dân chủ và nhân quyền đối với chính quyền Việt Nam, vốn thường là thói quan của các viên chức cao cấp Mỹ khi đi thăm những quốc gia nằm trong chế độ toàn trị, hay độc tài, như Việt Nam.
Cuộc tấn công ngoại giao ve vãn này nối tiếp theo chuyến đi của tướng Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng đến Hà Nội trước đó vài ngày, và vài tháng sau chuyến đi cũng của ông Lloyd Austin cùng ngoại trưởng Anthony Blinken đến Nhật Bản và Hàn Quốc trước đó vài tháng.
Sự ve vãn Việt Nam của người Mỹ không có gì khó hiểu khi họ đang củng cố một vòng đai bao vây Trung Quốc ở phía Đông, kéo dài từ Tokyo sang Seoul, Đài Bắc, cho đến Singapore. Họ đã dứt khoát rời bỏ Afghanistan mặc cho nhiều chỉ trích về trách nhiệm đạo đức của quân đội Mỹ sau 20 năm chiến tranh tại đất nước Trung Á này. Afghanistan có cái giá trị của nó đối với cuộc chiến chống khủng bố sau ngày 11/9/2001, trước khi tiêu diệt được Bin Laden, cũng như miền Nam Việt Nam có giá trị của nó trước năm 1972 để chống thế giới cộng sản, trước khi người Mỹ tìm ra con bài Trung Quốc để xé toạc khối cộng sản. Giờ đây Hà Nội lại có giá trị đối với người Mỹ trong cuộc cạnh tranh đang và sẽ diễn ra với Trung Quốc.
Vì thế mục tiêu nhân quyền chỉ là thứ yếu.
Với tính thực dụng Mỹ, đâu phải là lần đầu tiên người Mỹ “chơi” với các chế độ phản nhân quyền.
Nhưng nếu như các mục tiêu về an ninh địa chính trị không quá nặng, không có dịch bệnh như hiện nay thì liệu bà Harris sẽ làm gì?
Có hai người Mỹ gốc Việt liên quan đến các vụ án chính trị được phóng thích. Bà Harris có gặp gỡ một số người đại diện cho nữ quyền và những người đồng tính.
Đó đây trên mạng xã hội, có những chỉ trích rằng bà Harris đã không có cuộc gặp nào với giới “bất đồng chính kiến”. Ông Lê Công Định, một gương mặt bất đồng chính kiến nói với đài BBC rằng bà Harris đã “nói lòng vòng” khi đề cập đến vấn đề nhân quyền.
Nếu muốn gặp giới bất đồng chính kiến thì bà Phó Tổng thống sẽ phải gặp ai? Đó là câu hỏi không khó để trả lời, vì đơn giản là không có ai cả!
Trong bốn năm qua các gương mặt lớn tiếng chỉ trích Hà Nội nhất, hoặc lần lượt vào tù, hoặc bị trục xuất ra nước ngoài. Các tổ chức sơ khai không do nhà cầm quyền cộng sản kiểm soát như Hội Anh Em Dân Chủ, Phong Trào Lao Động Việt,… đều thực sự tan rã. Một số hội nhóm tương thân tương ái có tính chất nghiệp đoàn, được nhen nhóm trở lại, thì hiện vẫn đang hoạt động bí mật.
Một số người đã ra khỏi tù, vẫn còn ở Việt Nam, nhưng đều không có thực lực, không có tổ chức, trong đó gồm cả ông Lê Công Định, trở thành “những nhà đấu tranh trên mạng” thuần túy.
Hãy xem là hoạt động trên mạng của họ cũng là hoạt động tự do ngôn luận, phản biện, nêu ý kiến khác biệt với chính phủ, nhưng một số rất đông những người này lại là những người có những phát biểu và hoạt động rất phản dân chủ qua việc họ hưởng ứng những nhóm phản đối kết quả bầu cử dân chủ ở Mỹ vào cuối năm 2020. Cuộc bầu cử này dẫn đến chiến thắng của Joseph Biden, tổng thống 46 của Mỹ.
Những cái tên như Nguyễn Ngọc Già, Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm), Huỳnh Thục Vy,… thực sự là những kẻ phản dân chủ, hay ít tệ nhất là họ cũng không biết thế nào là hệ thống dân chủ Mỹ. Họ chống lại truyền thông tự do của Mỹ và phương Tây, họ rất tích cực chia sẻ và loan tải những nguồn tin vịt từ giới cực hữu hay những kênh YouTube câu khách rẻ tiền.
Cũng không ít những “gương mặt dân chủ” là sản phẩm của thời kỳ mạng xã hội. Họ lớn tiếng trên mạng xã hội, hoạt động rất nhiều trên mạng xã hội, không phải để truyền bá những nguyên tắc dân chủ, không phải để cho công chúng biết thế nào là dân chủ, là xã hội dân sự, mà là để “thế giới biết mình là ai”!
Điển hình trong số này là một nhân vật có tên Bùi Văn Thuận. Ông này lên mạng xã hội bôi bác lãnh tụ cộng sản Hồ Chí Minh, và cũng lớn tiếng thóa mạ cuộc bầu cử tại Mỹ là gian lận. Ông Thuận đạt được mục tiêu là người ta biết ông ấy là ai, trong đó dĩ nhiên có công an Việt Nam.
Sau khi bà Harris rời Hà Nội vài giờ đồng hồ thì ông Bùi Văn Thuận bị bắt.
Người Mỹ có rất nhiều sai lầm khi họ giao tiếp với những nền văn hóa xa lạ, như Việt Nam, như Afghanistan, những nơi mà họ hay sử dụng lầm người cho các chế độ mà họ ủng hộ.
Nhưng lần này, Insha Allah, giữa biến động Afghanistan, bà Harris không tìm cách gặp Bùi Văn Thuận, kẻ từng lớn tiếng thóa mạ nền dân chủ mà bà đại diện.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 2-9-21