Phan Nguyên, biên dịch từ Nikkei Asia
10-9-2021
Sau Afghanistan, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có thể kết luận rằng Mỹ sẽ không can thiệp, theo lời nhà sử học Niall Ferguson.
Việc Mỹ đột ngột rút quân khỏi Afghanistan, và việc công chúng Mỹ nhanh chóng giảm ủng hộ đối với các nỗ lực quân sự ở Trung Đông nói chung, có thể gửi thông điệp sai đến Bắc Kinh, và thúc đẩy nước này hành động đối với Đài Loan, nhà sử học Niall Ferguson nói với Nikkei trong một cuộc phỏng vấn.
Sau đây là nội dung đã được biên tập của cuộc phỏng vấn.
Hỏi: Theo ông, ý nghĩa của 20 năm qua là gì?
Đáp: Hai mươi năm trước, có vẻ như rõ ràng là thời kỳ mà Francis Fukuyama gọi là “sự cáo chung của lịch sử” đã kết thúc, “sự hoan hỉ phi lý” thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, và Hoa Kỳ bắt tay vào một tiến trình khó khăn, đó là cố gắng không chỉ đơn thuần lật đổ các chế độ thù địch ở Afghanistan và Iraq, mà còn thực sự xây dựng các quốc gia ở đó.
Và, 20 năm trước, rõ ràng là nỗ lực đó sẽ thất bại. Lý do mà nó sẽ không thành công chủ yếu xuất phát từ trong nước, và trên thực tế gần như hoàn toàn là vì lý do trong nước.
Thứ hai, thâm hụt tài khóa, vốn đã là một vấn đề cách đây 20 năm, nhưng nay lại trở thành một vấn đề còn lớn hơn. Và thứ ba, cũng là quan trọng nhất, là thâm hụt sự chú ý. Dư luận Mỹ rất phẫn nộ sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9, nhưng sự phẫn nộ đó đã giảm dần, như có thể dự đoán được, sau khoảng 4 năm. Sự ủng hộ của người dân đối với cuộc chiến chống khủng bố đã giảm dần. Tất cả những điều đó hoàn toàn có thể đoán trước được ngay từ đầu.
Tôi nghĩ rằng, tất cả những điều này làm che khuất một thực tế rằng, Chiến tranh Lạnh vẫn chưa kết thúc. Lý do nó chưa kết thúc là vì lịch sử chưa cáo chung vào năm 1989; nó vẫn tiếp tục, vì [thảm sát ở] Quảng trường Thiên An Môn, và chiến thắng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bởi vì Đảng Cộng sản Trung Quốc sống sót sau khủng hoảng năm 1989, nên Chiến tranh Lạnh vẫn chưa kết thúc. Vì vậy, chính sự phân tâm lớn mà các chiến binh Hồi giáo tạo ra đã thu hút sự chú ý của chúng ta, các nguồn lực của chúng ta, và thực sự tạo ra một hành trình đi vòng đối với nước Mỹ. Vấn đề lớn chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Đáp: Tôi có hai suy nghĩ. Đầu tiên, bạn có thể rời bỏ một đất nước xa lạ một cách có trật tự. Hãy hỏi Đế chế Anh, nước phần lớn đã kết thúc các cuộc chiếm đóng thuộc địa của mình một cách có trật tự. Phải có một lý do nào đó lý giải việc tại sao Sài Gòn năm 1975 và Kabul năm 2021 lại lộn xộn như vậy. Và đây dường như là một vấn đề bản chất của Mỹ: không có khả năng thoát ra ngoài một cách gọn gàng.
Người Mỹ rất tệ trong việc này, rõ ràng là như vậy. Lời giải thích là, bởi vì sự ủng hộ trong nước đối với những nỗ lực này giảm xuống quá nhanh, nên Mỹ không thực sự có ý chí hoặc tâm trí, để thực hiện điều đó một cách gọn gàng và có tổ chức. Về cơ bản, bạn cắt đứt hết các nguồn lực. Đó là những gì đã xảy ra với Nam Việt Nam. Đó là những gì đã xảy ra với chính phủ Afghanistan. Bạn chỉ cần tắt hỗ trợ, và rồi sau đó bạn ngạc nhiên và sốc khi mọi thứ sụp đổ.
Nhưng có một suy nghĩ thứ hai lướt qua tâm trí tôi. Các thảm họa thường được đổ lỗi cho các tổng thống và thủ tướng, nhưng thường thì điểm thất bại nằm sâu hơn trong chuỗi mệnh lệnh, bởi vì các tổng thống nói chung không phải là người quản lý vi mô. Ai đó, ở đâu đó, đã quyết định từ bỏ Căn cứ Không quân Bagram.
Như mọi khi, trong chính sách đối ngoại Mỹ, đã có những cuộc tranh cãi nảy lửa, và tất nhiên, quân đội phản đối nhiều quyết định. Bộ chỉ huy lực lượng đặc biệt phản đối việc rút lực lượng đặc biệt. Nhưng tất cả họ đều bị rút trước khi rút nhân viên dân sự. Một lần nữa, đây là một quyết định điên rồ, bởi vì lẽ ra bạn nên giữ các lực lượng đặc biệt tại chỗ cho đến phút cuối cùng, và họ chính là những người bạn muốn có mặt ở đó cho đến phút cuối.
Vì vậy, một loại quy trình ra quyết định quan liêu kỳ lạ nào đó đã tạo ra những quyết định tồi tệ này, và tôi không chắc đó là [Tổng thống] Joe Biden, hay thậm chí là [cố vấn an ninh quốc gia] Jake Sullivan. Nó có thể đã nằm sâu hơn trong chuỗi mệnh lệnh.
Tôi nhớ [cố vấn an ninh quốc gia và sau này là ngoại trưởng] Henry Kissinger, vào những năm 1960, đã nói: “Người nước ngoài nghĩ rằng Mỹ có một chính sách đối ngoại. Nhưng, trên thực tế, chỉ có kết quả thực của tất cả các trận chiến giữa các ban ngành, và kết quả là một loại sản phẩm phụ của cuộc cạnh tranh giữa các ban ngành đó.”
Tôi nghĩ điều đó đúng với câu chuyện của Afghanistan. Ở mỗi giai đoạn, đã có một cuộc chiến giữa Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc, CIA và quân đội. Trận chiến đã quay đi quay lại 20 năm qua, có phần bất phân thắng bại, nhưng kết cục luôn là như thế.
Hỏi: Ông nói Chiến tranh Lạnh vẫn chưa kết thúc, nhưng các người chơi đã thay đổi. Ông thấy sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc như thế nào? Năm 2001 là năm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Mỹ và Trung Quốc cam kết hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố, điều không thể tưởng tượng được trong môi trường ngày nay.
Đáp: Khi cuộc chiến xoay quanh Huawei và 5G bắt đầu, tôi đã nhìn thấy một bản đồ thế giới mà trong đó chia ra các quốc gia nào sử dụng hoặc không cho sử dụng Huawei, và tôi đã nói với một trong những đồng nghiệp trẻ của mình, “Ồ, đó chính là Chiến tranh Lạnh.”
Vì vậy, tôi đã chậm một chút, nhưng tôi không phải ngoại lệ, vì hầu hết người Mỹ, và tôi nghĩ là hầu hết người châu Âu cũng vậy, đều phủ nhận điều này, cho đến khi đại dịch xảy ra. Và chỉ đến năm ngoái, họ mới đột nhiên bắt đầu nhìn thấy Trung Quốc của Tập Cận Bình với đúng bản chất thực sự của nó.
Người Mỹ đầu tiên để ý, là [cựu Tổng thống Donald] Trump. Trump là chính trị gia Mỹ đầu tiên nói “Trung Quốc chính là vấn đề.” Ngay khi ông ấy nói điều đó, nó giống như việc cho phép người Mỹ có thái độ thù địch với Trung Quốc. Điều đó rất quan trọng đối với sự thành công của ông trong bầu cử, bởi vì người Mỹ trung lưu đã ngầm cảm thấy trong nhiều năm rằng, họ đang gặp khó khăn về kinh tế.
Sau đó, tất cả giới tinh hoa hoạch định chính sách, cả phía Dân chủ lẫn Cộng hòa, nhận thấy rằng họ đồng ý với Trump, và Trump, đặc biệt, đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong thái độ của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, và đó là thời điểm mà người Mỹ bắt đầu thoát khỏi sự chối bỏ để nhận ra rằng, họ đang ở trong cuộc “Chiến tranh Lạnh thứ hai”.
Hỏi: “Chiến tranh lạnh” có nghĩa là hai siêu cường không gây chiến với nhau về quân sự. Ông có dự đoán tình trạng này sẽ tiếp diễn trong nhiều thập niên nữa hay không? Ông đánh giá xác suất xảy ra xung đột quân sự giữa hai nước như thế nào?
Đáp: Cần nhớ rằng trong “Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất”, trong một khoảng thời gian rất ngắn, đã xảy ra một cuộc chiến tranh nóng trên bán đảo Triều Tiên. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, có xác suất đáng kể, là cuộc “Chiến tranh Lạnh lần thứ hai” cũng sẽ có một giai đoạn nóng, và nơi rõ ràng có thể xảy ra điều đó chính là Đài Loan. Điều đó có thể xảy ra sớm.
Câu hỏi mà tất cả chúng ta phải cố gắng trả lời là, “Tập Cận Bình sẵn sàng đánh cược hành động quân sự như thế nào?”. Tập biết rằng đối đầu với Hoa Kỳ là cực kỳ rủi ro, nhưng ông ta cũng biết rằng đây có lẽ là thời điểm tốt nhất để làm điều đó, vì Hoa Kỳ không có khả năng răn đe tốt, đáng tin cậy trong vấn đề Đài Loan.
Các cuộc chiến lớn thường xảy ra khi kẻ xâm lược nghĩ rằng, thời gian không có lợi cho mình, và tốt hơn hết là nên hành động càng sớm càng tốt. Việc chính quyền Biden từ bỏ Afghanistan là một loại tín hiệu cho thấy, họ có thể sẽ không muốn chiến đấu vì bất cứ điều gì. Nếu bạn là Tập Cận Bình, [bạn sẽ nghĩ] rằng như những gì xảy ra ở Crimea, chính quyền Biden, cũng giống như chính quyền Obama trước đây, sẽ chỉ thực hiện các biện pháp trừng phạt tài chính mà thôi.
Vì vậy, nếu bạn chuẩn bị sẵn sàng chịu đòn đó, bạn có thể thực hiện được cuộc thôn tính của mình một cách trót lọt. Trong trường hợp này, nó thực sự không phải là một cuộc thôn tính, bởi vì bạn, tức Trung Quốc, đã nói rằng Đài Loan thực sự thuộc về Trung Quốc, và Hoa Kỳ về cơ bản đã chấp nhận điều đó, kể từ những năm 1970. Vì vậy, tôi lo rằng người Trung Quốc sẽ nghĩ rằng, họ có thể hành động ngay, rằng tốt hơn là nên tiến hành ngay bây giờ, hơn là chờ thêm 10 năm nữa. Và Hoa Kỳ theo cách nào đó đã khuyến khích điều này, qua cách mà chính quyền Biden đã hành động trong năm nay.
Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra. Nếu năm sau, có một cuộc xâm lược Đài Loan bất ngờ, họ sẽ làm gì? Jake Sullivan sẽ nói gì với Joe Biden?
Theo cảm nhận của tôi, với chính quyền Biden, họ có thể thực sự bước vào chiến tranh, bởi vì lựa chọn còn lại là từ bỏ ưu thế của mình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nó sẽ giống như cuộc khủng hoảng Kênh đào Suez, nếu họ không bảo vệ Đài Loan. Vì vậy, có thể người Trung Quốc sẽ sai. Họ đánh cược rằng Hoa Kỳ không hành động, nhưng sau đó Hoa Kỳ sẽ hành động, và rồi chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc chiến tranh thực sự lớn. Đối với một nhà sử học, đó không phải là một chuỗi sự kiện đáng ngạc nhiên; đó sẽ là một trong những mẫu hình thực sự quen thuộc.
Hỏi: Hãy nói về nền kinh tế. Năm 2001, câu chuyện thường nghe là về việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, toàn cầu hóa và cạnh tranh tự do. Ngày nay, các chủ đề khá khác biệt. Chúng ta nghe nhiều hơn về sự phát triển bao trùm, bất bình đẳng và chia sẻ công bằng. Chuyện gì đã xảy ra?
Đáp: Tôi muốn gọi đó là “sự trả thù của Keynes.” John Maynard Keynes đã có một thời kỳ rút lui, và Milton Friedman đã có một thời kỳ thăng hoa, và bạn có thể xác định khoảnh khắc đó vào khoảng năm 1979. Chủ nghĩa tư bản trở nên thống trị, thị trường được ưu tiên hơn so với nhà nước, và “đồng thuận Washington” nổi lên, đại diện cho quan điểm của Friedman về thế giới.
Sự trả thù của Keynes bắt đầu vào năm 2008, thời điểm khi đối mặt với khủng hoảng tài chính, một bộ phận rất lớn của ngành kinh tế học, dẫn đầu bởi Paul Krugman, về cơ bản cho rằng Keynes đã đúng, và chúng ta cần thực hiện các chính sách kiểu Keynes ngay bây giờ, nếu không sẽ rơi vào Đại suy thoái.
Sự hồi sinh phi thường của chủ nghĩa Keynes vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Và, thực tế, chúng ta còn trở nên Keynes hơn cả Keynes, bởi vì giờ đây chúng ta nghĩ ra những ý tưởng như lý thuyết tiền tệ hiện đại, vốn vượt xa bất cứ điều gì Keynes từng nói.
Bây giờ, tôi không chắc nó hoàn toàn đơn giản như vậy, bởi vì một số ý tưởng của Friedman vẫn sống sót. Thu nhập cơ bản phổ quát là một ý tưởng của cánh hữu thuở xưa, mặc dù nó được cho là một sự thay thế cho nhà nước phúc lợi, chứ không phải bổ sung cho nhà nước phúc lợi.
Quan điểm của Friedman về cuộc Đại suy thoái có ảnh hưởng lớn hơn đến [cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang] Ben Bernanke, so với quan điểm của Keynes, bởi vì khi bạn nhìn vào những gì các ngân hàng trung ương đã làm, đó thực sự là một phản ứng dựa trên chính sách tiền tệ, không chỉ trong năm 2008-2009, mà còn cả trong đại dịch.
Vì vậy, sự thăng hoa trở lại của Keynes là một loại câu chuyện về lịch sử trí tuệ, còn nếu bạn nhìn vào những gì các ngân hàng trung ương thực sự đã làm, tôi nghĩ, theo nhiều cách, đó là một chiến thắng âm thầm của Friedman.
Một sự thay đổi thực sự thú vị đã xảy ra tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nơi mà “Đồng thuận Washington” phần lớn đã bị loại bỏ, để chuyển sang một bộ nguyên tắc khá khác biệt, và điều đó bắt đầu khi họ nói rằng, kiểm soát vốn là chuyện bình thường.
Chúng ta đã âm thầm chuyển sang một thế giới của các loại tiền tệ có tỉ giá bán cố định, kiểm soát vốn, đặc biệt là ở Trung Quốc, và đó là một cách tiếp cận rất khác.
Vì vậy, ngành kinh tế học đã trở lại thời điểm trước khi Friedman thống trị, và các nhà hoạch định chính sách về cơ bản đã chấp nhận điều này, và nó có thể dẫn đến lạm phát.
Một trong những điều bạn phải tự hỏi là, “Ờ nhỉ, tại sao Friedman từng trở nên thống trị?” Và câu trả lời là bởi vì, trong những năm 1970, các chính sách của Keynes đã dẫn đến lạm phát. Tôi cảm thấy như mọi thứ sẽ chỉ quay vòng lại, và chúng ta sẽ phải hồi tưởng lại những năm 1970, để nhớ lại lý do tại sao chúng ta đã trải qua những năm 1980 như vậy.
Hỏi: Kế hoạch “Xây dựng trở lại tốt hơn” của Biden sẽ đòi hỏi một số tiền chi tiêu rất lớn. Liệu nó có trở thành một chính sách thành công hay không?
Đáp: Không, nó sẽ không thành công, bởi vì hệ số nhân sẽ không tồn tại. Hoa Kỳ hoàn toàn không có khả năng biến một khoản kích thích tài khóa lớn thành loại hình đầu tư có hệ số nhân đáng kể. Chúng ta đã biết kết quả sẽ như thế nào. Nó sẽ không thực sự mang lại một lợi ích kinh tế vĩ mô đáng kể.
Đó một phần là do chính quyền không thể chống lại được việc trộn lẫn những thứ khác với từ “cơ sở hạ tầng”. Cơ sở hạ tầng bây giờ có nghĩa là tất cả mọi thứ. Nếu bạn muốn làm chính sách môi trường, chính sách “xanh”, thì đó là cơ sở hạ tầng.
Tôi nghĩ rằng phần “xanh” của nó sẽ tự chuốc lấy thất bại, bởi vì sự thật về các thương vụ “xanh”, hoặc các thương vụ mới, là nếu bạn thực sự nghiêm túc về điều đó, nó sẽ làm đội chi phí. Nếu nghiêm túc, bạn sẽ tránh xa khí đốt tự nhiên, tránh xa khí đá phiến, và làm tăng chi phí cho hỗn hợp năng lượng bạn sử dụng. Đó là thực tế.
Và vì vậy, cảm nhận của tôi về việc chúng ta quay lại những năm 1970 là, ngoài việc kích thích tài khóa và tiền tệ quá mức, bạn còn thực hiện “lạm phát xanh”. Dù tình trạng lạm phát đó không lớn bằng cú sốc dầu mỏ những năm 1970, nhưng chính sự gia tăng chi phí bên cung sẽ gây ra lạm phát, theo những cách mà các nhà ủng hộ môi trường không muốn nói đến.
Vì vậy, tôi không nghĩ rằng nó sẽ hiệu quả. Thực sự, tôi nghĩ rằng nó sẽ nhanh chóng được chứng minh là một chiến lược không thành công, đặc biệt là nếu lạm phát tỏ ra tồn tại lâu hơn nhất thời, điều mà tôi không thể biết chắc chắn. Tiền lương thực tế đã giảm ở Hoa Kỳ. Bạn có thể nói tất cả những gì bạn thích về “Xây dựng trở lại tốt hơn”, nhưng nếu tiền lương thực tế giảm xuống, đừng mong đợi các cử tri sẽ say mê quá lâu.
Hỏi: Vậy 20 năm tới sẽ ra sao?
Đáp: Điều luôn quan trọng là chống lại xu hướng tin vào lý trí thông thường, và nên hoài nghi về những gì có vẻ giống như điều hiển nhiên. Điều hiển nhiên lúc này là “Hoa Kỳ đang suy tàn, Trung Quốc đang vươn lên, thế kỷ châu Á đã bắt đầu”, và tôi nghĩ tất cả đều sai.
Cũng giống như Liên Xô, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, xét cho cùng, là một câu chuyện không bền vững, trong đó việc tập trung quyền lực vào tay một số lượng người rất nhỏ, và tình trạng thiếu trách nhiệm giải trình về mặt pháp lý của đảng, tạo ra các kết quả có thể dự đoán được là tham nhũng, và cuối cùng là một mô hình kinh tế đổ vỡ.
Và nó đang đổ vỡ. Tình trạng nhân khẩu học là rất tồi tệ, núi nợ rất khủng khiếp, và tính chính danh của toàn bộ hệ thống ngày càng dựa vào một bộ máy giám sát khổng lồ, cũng như bộ máy tuyên truyền ngày càng thô bạo.
Khi một nhà lãnh đạo tuyên bố rằng, bản thân ông ta có thể quyết định trẻ em nên dành bao nhiêu thời gian cho các trò chơi điện tử, bạn biết rằng kết cục đang ở trong tầm mắt. Vì vậy, tôi đặt cược rằng, trong vòng 20 năm tới, sẽ có một cuộc khủng hoảng trong hệ thống Trung Quốc, và đồng thời sẽ có sự trỗi dậy của Hoa Kỳ, chủ yếu dựa trên nhập cư.
Chỉ cần Hoa Kỳ cho nhập cư tài năng, đem tài năng vào, thì Hoa Kỳ sẽ thắng. Nó sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến trí tuệ nhân tạo, nó sẽ thắng cuộc chiến điện toán lượng tử, Mỹ chiến thắng vì có tài năng, có nguồn tài năng toàn cầu, còn Trung Quốc chỉ có đội ngũ nhân tài của Trung Quốc.
Điều có thể ngăn cản kết quả đó chính là những bệnh lý nội tại ở Mỹ, như phong trào “tỉnh ngộ” (“wokeness”), và kiểu điên rồ của các trường đại học ngày nay. Nhưng tôi cho rằng đó là một dạng điên rồ tạm thời, cuối cùng nó sẽ không phá hủy xã hội mở, giống sức mạnh của các công ty Big Tech cũng chỉ là một hiện tượng nhất thời.
Với sự ra đời của tài chính phi tập trung và thế hệ tiếp theo của Internet, sức mạnh của các nền tảng này sẽ giảm dần.
Vì vậy, tôi sẽ đặt cược rằng, 20 năm tới sẽ giống như 20 năm trước năm 1989. Có nghĩa là, có vẻ như Hoa Kỳ đang gặp rắc rối lớn, và chế độ Cộng sản sẽ chiến thắng, và mọi người sẽ cứ nói rằng tất cả đã kết thúc. Và rồi sau đó hóa ra không phải vậy, bởi vì Hoa Kỳ tự đổi mới mình, khắc phục các vấn đề của mình, còn các chế độ toàn trị thì rơi vào các mâu thuẫn nội tại của chính họ.