Seite auswählen

Bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái tự nhiên để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

Cao Thành Nghiệp

11-10-2021

Hệ sinh thái tự nhiên rừng tràm ngập nước, sen súng, cỏ năng, cỏ ống, cỏ lát và hệ sinh thái rừng tràm ngập mặn ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long với đa dạng sinh học đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay. Diện tích đất lúa và nuôi trồng thủy sản tăng lên dẫn đến diện tích rừng tràm và hệ sinh thái rừng tràm tự nhiên vùng Đồng Bằng sông cửu Long bị thu hẹp nghiêm trọng. Các hệ sinh thái động thực vật xưa ở vùng này cũng dần dần mất đi. Trước nguy cơ các hệ sinh thái suy giảm nghiêm trọng, cảnh quan thiên nhiên thay đổi theo chiều hướng xấu.

Với diện tích tự nhiên 39.734 km2, từ lâu ở Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên rất độc đáo. Đó là hệ sinh thái rừng Tràm U Minh, hệ sinh thái rừng tràm kết hợp sen súng, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, hệ sinh thái rừng tràm kết hợp với nông nghiệp.

Ở những khu vực này, có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn chim, sân chim tự nhiên rất hấp dẫn cho du lịch sinh thái. Đặc biệt, hệ sinh thái rừng tràm đồng Tháp (Tràm chim), hệ sinh thái rừng tràm ngập mặn ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội (đặc biệt là du lịch), giữ cân bằng môi trường sinh thái cho toàn khu vực.

Trước tác động của biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra vấn đề đặt ra hiện nay là cần quan tâm bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tầm quan trọng

Đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 347.500 ha rừng các loại, trong đó rừng tự nhiên là 53.700 ha, rừng trồng là 294.500 ha. Như vậy, diện tích rừng che phủ trong toàn vùng đạt chưa đến 10% diện tích đất tự nhiên.

Trong đó, tổng diện tích rừng ngập mặn chưa đến 100.000 ha, tập trung ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Long An… Vùng rừng ngập mặn này luôn luôn chịu sự chi phối của thủy triều biển với hệ thực vật rừng phổ biến là các loài mắm trắng, đước, bần trắng, bần chua, vẹt tách, dà quánh, dà vôi, giá, cóc vàng, dừa nước.

Theo số liệu của ngành lâm nghiệp, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy tính đa dạng sinh học cao với 98 loài cây rừng ngập mặn; ngoài ra ở các hệ sinh thái đất ngập nước có đến 36 loài thú, 182 loài chim, 34 loài bò sát và 6 loài lưỡng cư; vùng biển và ven biển có đến 260 loài cá và thủy sản.

Ngoài ra, khu vực này còn có 10 khu đất thuộc vùng bảo tồn đất ngập nước đã được thành lập và đầu tư phát triển là Hà Tiên, Vườn quốc gia Tràm Chim, khu dự trữ thiên nhiên U Minh Thượng, Vườn quốc gia Đất Mũi, Rừng đặc dụng Vồ Dơi, Bãi bồi Cà Mau, Tính Dơi, Trà Sư, Láng Sen và Lung Ngọc Hoàng.

Có thể nói, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển với tác dụng chắn sóng, gió có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đường bờ biển, đê điều, tăng khả năng chống chọi với tác động của thay đổi khí hậu. Đặc biệt, rừng ngập mặn có vai trò bảo vệ đới bờ và cửa sông, hạn chế xói lở và tác hại của bão, sóng đối với hệ thống đê biển.

Theo một nghiên cứu tại Nhật Bản, một khu rừng ngập mặn có chiều rộng 100m có thể làm giảm 50% chiều cao của sóng triều và giảm 50% năng lượng của sóng. Nhờ có hệ thống rễ dày đặc trên mặt đất, rừng ngập mặn có thể làm chậm dòng chảy và thích nghi với mực nước biển dâng. Các cây con, trái và hạt có khả năng sống dài ngày trong nước nên cây ngập mặn sẽ phát tán rộng vào đất liền khi nước biển dâng ngập các vùng đó.

Khi rừng ngập mặn tự nhiên được bảo tồn hoặc được bảo vệ đủ rộng, sẽ tạo thành những bức tường vững chắc, bảo vệ bờ biển và chân đê khỏi bị xói lở do bão lụt và nước biển dâng.

Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thì tiếp cận hệ sinh thái là một chiến lược để quản lý tổng hợp đất, nước và các tài nguyên thiên nhiên nhằm tăng cường bảo vệ và sử dụng bền vững theo hướng công bằng. Nội dung cơ bản của tiếp cận hệ sinh thái bao gồm các nguyên lý của tiếp cận hệ sinh thái và các bước thực hiện, để tìm kiếm một sự cân bằng thích hợp giữa bảo vệ và sử dụng đa dạng sinh học.

Tiếp cận sinh thái trong hoạch định chính sách phát triển ở khu vực ĐBSCL đã từng bước được sử dụng trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu nước biển dâng; Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu; Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Thực trạng bị tàn phá

Những năm qua, rừng ngập mặn ven biển bị tác động làm suy giảm mạnh mẽ. Số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn 1980-1995 các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã bị mất 72.825 ha rừng, bình quân hàng năm bị mất 4.855 ha với tốc độ 5%/năm.

Những năm gần đây, mặc dù công tác bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển đã được các tỉnh trong khu vực quan tâm thực hiện, đặc biệt là dự án trồng 5 triệu ha rừng của quốc gia và các dự án hợp tác quốc tế như dự án Phát triển và bảo vệ các vùng đất ngập nước ven biển tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh; Dự án Khu dự trữ quốc gia U Minh Thượng, Chương trình sử dụng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước khu vực sông Mêkông.

Tuy nhiên, những tác động tiềm ẩn vẫn đang tiếp tục đe dọa hệ sinh thái rừng ngâp mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trước tình hình đó, Chính quyền ở các địa phương phải có các giải pháp hữu hiệu trong quy hoạch các khu bảo tồn đất ngập nước ven biển, tổ chức khai thác kinh tế tài nguyên gắn liền với phát triển hệ sinh thái đặc thù này.

Minh chứng cụ thể là thời gian qua, việc phát triển diện tích nuôi tôm trong rừng ngập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là một tác nhân gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến công tác quản lý quy hoạch và khai thác bền vững nguồn tài nguyên ven biển. Nuôi tôm đem lại lợi ích kinh tế nhanh, nhưng hậu quả là làm suy giảm thảm rừng ngập mặn, làm biến đổi môi trường đất, môi trường nước và môi trường sinh thái. Trong khi đó, chúng ta lại chưa có các giải pháp hữu hiệu trong vấn đề phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững ở các vùng ven biển khu vực này.

Những tổn thất rừng ngập nước kéo theo hàng loạt các biến đổi về môi trường, sinh thái trong khu vực. Thảm rừng ngập mặn có độ che phủ cao trở nên trơ trọi, bị chia cắt; môi trường đất bị ô nhiễm do quá trình phèn hóa gia tăng ở quy mô lớn; đất đai bị phát quang làm gia tăng quá trình rửa trôi do mưa, gia tăng quá trình lan truyền phèn; giảm đi quá trình bồi tụ phù sa do mất rừng; đa dạng sinh học bị suy giảm nhanh chóng; mất cân bằng sinh thái trong khu vực. Hậu quả nhãn tiền là nạn tôm chết hàng loạt ở các khu ven biển đến nay vẫn tiếp tục diễn ra.

Ngoài ra, gần đây là quá trình mặn xâm nhập sâu ngày càng gia tăng đã tác động đến các hệ sinh thái nông nghiệp truyền thống trong khi khả năng thực thi các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Các dự án thủy lợi trong vùng mặn hóa, vùng luân canh lúa-tôm, vùng ngăn mặn xổ phèn chưa phát huy được tác dụng trong thực tiễn đang trở thành nỗi trăn trở của các cấp chính quyền, các ngành quản lý và người dân. Chất thải nuôi trồng thủy sản ven biển, đặc biệt là chất thải nuôi tôm, ngày càng nhiều làm gia tăng áp lực tới môi trường và độ bền vững của hệ thống canh tác thủy sản với bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Bảo tồn và phát triển:

Hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng tràm tự nhiên là một nguồn tài nguyên quý giá về nhiều mặt. Bảo tồn được hệ sinh thái này là bảo vệ được độ ổn định, cân bằng của cả hệ thống kinh tế và hệ thống môi trường trong quá trình phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, Bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm tự nhiên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang là một trong những yêu cầu cấp bách để đảm bảo sự phát triển bền vững khu vực trong thời gian tới.

Nhiệm vụ trước mắt của các địa phương có hệ sinh thái rừng ngập mặn cần tập trung tăng cường vai trò quản lý nhà nước của các cấp chính quyền tại địa phương; quy hoạch môi trường trong phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng ven biển gắn với bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập nước; phân vùng sinh thái trong quy hoạch bảo tồn và phát triển các vùng đất ven biển, trong đó tập trung tiếp cận tổng hợp đa ngành, đa mục tiêu nông-lâm-ngư; đẩy nhanh tiến độ các dự án bảo tồn, phát triển, trồng mới và tái sinh hệ sinh thái rừng ngập mặn; nghiêm cấm bao ví bãi bồi cửa sông để nuôi trồng thủy sản; quy hoạch các khu bảo tồn bảo vệ đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước

Biện pháp bảo tồn hệ sinh thái rừng tràm:

Thiết lập các biện pháp nâng cao tính đa dạng hệ sinh thái rừng ngập nước, nâng cao mức độ đa dạng sinh học Sân chim Bạc Liêu, Tràm Chim Đồng Tháp, nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng rừng và đất rừng.

Tăng cường vai trò quản lý nhà nước của các cấp chính quyền tại địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở và cơ quan chuyên ngành lâm nghiệp, môi trường trong công tác bảo vệ và phát triển hiệu quả hệ sinh thái rừng ngập nước ở khu vực ĐBSCL.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, các dự án trồng mới và tái sinh rừng ngập nước; nghiêm cấm bao ví bãi bồi cửa sông để nuôi trồng thủy sản làm hủy hoại diễn thế tự nhiên bồi tụ và phát triển rừng ngập mặn non trẻ. Đồng thời, tiến hành quy hoạch các khu bảo tồn đất ngập nước và bảo vệ đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước, các sân chim tự nhiên, các rừng đặc dụng ngập mặn phòng hộ ven biển có giá trị như là lá chắn bảo vệ môi trường ở ĐBSCL.

Tiếp cận hệ sinh thái để nghiên cứu sâu sắc mối quan hệ của các thành phần trong hệ sinh thái rừng ngập nước, đặc biệt là thành phần các loài về đa dạng sinh học, môi trường sống và điều kiện trú ngụ và phát sinh, phát triển của cả quần thể trong hệ sinh thái, để tăng cường các khả năng phát triển nguồn lợi về kinh tế và sinh thái trong khu vực.

Đánh giá khả năng tự làm sạch và mức độ chịu tải của hệ sinh thái rừng ngập nước nhằm tránh các tác động bất lợi đến hệ sinh thái, làm tổn thất các giá trị quý giá của hệ sinh thái rừng tràm ở khu vực ĐBSCL.

 

Bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long

 

Bảo tồn, phát triển và khai thác có trách nhiệm nguồn tài nguyên từ các hệ sinh thái độc đáo, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ĐBSCL.
Thanh Trà-Minh Hưng (TTXVN/Vietnam+)  

Khu du lịch Làng nổi Tân Lập, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. (Ảnh: TTXVN phát)

Khu du lịch Làng nổi Tân Lập, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày Môi trường thế giới năm nay có chủ đề là “Phục hồi hệ sinh thái” cho thấy sự cần thiết của việc bảo tồn, phát triển các hệ sinh thái, qua đó gìn giữ bền vững môi trường sống của chính chúng ta.

Là một trong những khu vực sở hữu nhiều hệ sinh thái đặc thù, song Đồng bằng sông Cửu Long là nơi đang chịu nhiều tác động tiêu cực của biển đổi khí hậu và việc khai thác tài nguyên thiếu bền vững.

Do vậy, việc tăng cường bảo tồn, hạn chế sự suy thoái của các hệ sinh thái, góp phần cải thiện sinh kế của người dân và giảm rủi ro thiên tai đang ngày càng được chú trọng thực hiện.

Bảo tồn, sử dụng hợp lý tài nguyên

Nằm ở phía Nam đất nước, Đồng bằng sông Cửu Long được xem là vùng đất châu thổ hình thành do sự bồi tụ liên tục của dòng chảy cùng nguồn phù sa sông Mekong và quá trình biển lùi trong quá khứ.

Theo các chuyên gia, khu vực này có hệ sinh thái đa dạng và đặc sắc từ hệ sinh thái biển, đảo, cửa sông cho đến đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao, như vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau); Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc (Kiên Giang); Vườn Quốc gia Tràm Chim ((Đồng Tháp), Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Láng Sen (Long An), Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang).

Bảo tồn, phát triển và khai thác có trách nhiệm nguồn tài nguyên từ các hệ sinh thái độc đáo, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các địa phương thuộc vùng.

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, để tăng cường bảo tồn hệ sinh thái biển đảo, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt Dự án Điều tra, khảo sát hiện trạng đa dạng sinh học, điều chỉnh phạm vi diện tích các phân khu trong Khu Bảo tồn biển Phú Quốc (thành phố Phú Quốc).

Trong đó, dự án xác định rõ phạm vi rà soát, phân vùng Khu Bảo tồn biển Phú Quốc thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc có diện tích trên 40.909ha mặt nước, bao gồm khu vực bảo vệ san hô và khu vực bảo vệ thảm cỏ biển với 3 phân khu là: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ hành chính và vùng đệm.

Tỉnh đưa ra nhiều giải pháp bảo tồn như quan tâm nghiên cứu các ứng dụng mới nhằm phục hồi san hô và các nhóm nguồn lợi quan trọng trong các hệ sinh thái (bào ngư, bàn mai, hải sâm cát, ốc đụn, cá ngựa…) góp phần gia tăng quần đàn sinh sản, tăng sinh khối và khả năng bổ sung tự nhiên; tăng sản lượng khai thác bằng phương thức nuôi tự nhiên thân thiện môi trường; đồng thời đẩy nhanh quá trình phục hồi hệ sinh thái cũng như tái tạo nguồn lợi duy trì hoạt động nghề cá và tạo sinh kế mới cho cộng đồng ở Khu vực bảo tồn biển Phú Quốc và lân cận.

Tỉnh tiến hành phục hồi hệ sinh thái ở những khu vực suy thoái; tăng cường công tác quan trắc tài nguyên và môi trường đặc biệt đối với rạn san hô và chất lượng môi trường được tiến hành thường xuyên hàng năm nhằm theo dõi sự thay đổi tình trạng môi trường và tài nguyên đa dang sinh học và có giải pháp quản lý thích ứng.

Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn, để ứng phó biến đổi khí hậu, tỉnh còn đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ ven biển, thực hiện dự án gây bồi tạo bãi trồng cây ngăn mặn, bảo vệ đê biển xã An Thái, huyện Nam Biên và từ Bình Giang đến Bình Sơn (huyện Hòn Đất) với tổng diện tích trồng mới là 85ha rừng.

Từ cuối năm 2017 đến nay, tỉnh đã trồng được trên 540ha rừng đước, rừng mắm, đang thực hiện chăm sóc rừng năm thứ 2, thứ 3.

Cùng thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Cà Mau có Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Khu Ramsar thế giới) là Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

Theo thông tin từ Vườn quốc gia U Minh Hạ – một trong 3 điểm bảo tồn đất ngập nước tại Đồng bằng sông Cửu Long, Vườn có tổng diện tích vùng lõi là 8.527,8ha, vùng đệm là 25.000ha nằm trên địa bàn huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Vườn Quốc gia U Minh Hạ là bảo tồn hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn điển hình của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phục hồi duy trì phát triển độ che phủ thảm thực vật.

Bao ton va phat trien cac he sinh thai o Dong bang song Cuu Long hinh anh 1Con đường mòn xuyên qua cánh rừng tràm đưa du khách đến với Khu du lịch sinh thái Mười Ngọt. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Thời gian qua, nhiều dự án đã được thực hiện tại Vườn như trồng và khôi phục rừng cây gỗ bản địa trên toàn lâm phần; điều tra, xây dựng danh lục và tiêu bản thực vật rừng; xây dựng mô hình dự báo cháy và cân bằng nước để bảo vệ đa dạng sinh học; thực hiện các chương trình theo dõi, giám sát và đánh giá tài nguyên đa dạng sinh học của rừng…

Theo ông Huỳnh Minh Nguyên, Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ, để góp phần bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học với nhiều loài động thực vật, Ban Quản lý vườn phối hợp với các lực lượng chức năng nhiều lần tổ chức tiếp nhận, tiến hành thả vào khu vực rừng bảo vệ nghiêm ngặt nhiều cá thể động vật quý hiếm, bản địa của rừng U Minh Hạ, như trăn gấm vàng – loài động vật hoang dã có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới hay tê tê – loài động vật thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm.

Ý thức và hành động từ mỗi người

Hiểu được sự cần thiết bảo tồn, phát triển nguồn tài nguyên quý, từ đó đảm bảo cho sinh kế bền vững của chính cộng đồng dân cư sinh sống tại địa phương, anh Phạm Duy Khanh, Giám đốc Khu Du lịch sinh thái Mười Ngọt (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết, sống trên vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Hạ, anh và các hộ dân ở đây đều hiểu muốn đảm bảo sinh kế lâu dài cho mình, thu được những sản vật quý từ rừng như mật ong rừng tràm, các loài thủy sản, tinh dầu tràm,… trước hết phải luôn chấp hành đúng pháp luật bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái rừng với những loài động, thực vật đặc thù.

Phát triển du lịch sinh thái trên đất rừng, anh Khanh thường xuyên nhắc nhở nhân viên giữ môi trường trong lành, tích cực trồng rừng, mở rộng diện tích cây tràm – loài cây đặc trưng của rừng U Minh Hạ, tuân thủ các biện phòng, chống cháy rừng, không khai thác các loài thủy sản theo kiểu tận diệt mà bảo tồn, khôi phục hệ sinh thái vùng đất ngập nước trong rừng tràm tạo điều kiện thuận lợi cho các loại thủy sản phát triển.

Bao ton va phat trien cac he sinh thai o Dong bang song Cuu Long hinh anh 2Anh Phạm Duy Khanh, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Mười Ngọt (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) giới thiệu về khu rừng tràm và hệ sinh thái ngập nước đang được anh và các hộ dân gìn giữ và bảo tồn. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Đặc biệt, quá trình tổ chức cho du khách trải nghiệm nghề “gác kèo ong” (gác kèo cho ong về làm tổ)và hoạt động “ăn ong” (thu hoạch mật ong) phải hết sức chú ý, không được để xảy ra cháy rừng.

Tại thành phố đảo Phú Quốc, để góp phần bảo vệ môi trường, gìn giữ hệ sinh thái biển đảo, từ giữa năm 2019 đến nay, thành phố này đã duy trì hoạt động có ý nghĩa là chọn ngày thứ Bảy tuần đầu tiên của mỗi tháng thực hiện “Ngày vì môi trường Phú Quốc” với phương châm “Mỗi tổ chức, cá nhân một hành động vì môi trường đảo ngọc Phú Quốc thêm xanh, sạch, đẹp và an toàn, thân thiện.”

Vào ngày này, đông đảo người dân, cán bộ công nhân viên chức thành phố và cả du khách sẽ cùng tham gia các hoạt động tổng vệ sinh, làm sạch các bãi biển, không để rác thải trôi ra biển gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển-đảo; tuyên truyền đến người dân và du khách từng bước hạn chế việc sử dụng các chai nhựa, ống hút nhựa khó phân hủy.

Anh Võ Trường Giang, quản lý một quán ẩm thực ở khu vực Cầu cảng Quốc tế, Phú Quốc chia sẻ, là một người dân thành phố đảo, anh hiểu mình phải giữ gìn môi trường biển đảo luôn sạch, đẹp, bảo vệ nhiều rạn san hô đẹp, biển Phú Quốc xanh, ngày càng đón nhiều du khách, những người làm dịch vụ như anh mới có nguồn thu nhập lâu dài, ổn định.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh, Quản lý Dự án Phú Quốc hướng tới hòn đảo không còn rác thải nhựa (Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên – WWF) cho biết, Phú Quốc là một trong những thành phố tham gia thực hiện Chương trình hành động Đô thị giảm nhựa – chương trình được thực hiện từ sáng kiến của WWF nhằm kết nối các thành phố và các điểm đến du lịch cùng hành động chống lại ô nhiễm nhựa.

Cùng với thành phố Patong (Thái Lan) và Donsol (Philippines), đại diện lãnh đạo thành phố Phú Quốc đã cam kết loại bỏ ô nhiễm nhựa bằng cách xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể và thử nghiệm các giải pháp sáng tạo.

Thực hiện những nội dung đã cam kết, nhiều chủ cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng ở Phú Quốc đã có các hoạt động thiết thực góp phần bảo về môi trường, gìn giữ hệ sinh thái biển đảo cho thành phố đảo ngọc như giảm việc sử dụng chai nhựa, ống hút nhựa; trang bị túi thân thiện môi trường cho du khách nghỉ tại khách sạn, resort của mình khi đi mua sắm./.

 

Thanh Trà-Minh Hưng (TTXVN/Vietnam+)

Thập kỷ bảo tồn đa dạng sinh học – Việt Nam đã làm gì?

 

Việt Nam nằm trong tốp 16 quốc gia có sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới, song, tính chất đa dạng sinh học đang chịu áp lực ngày càng tăng do hoạt động của con người và tình trạng biến đổi khí hậu.
Trần Quang Vinh (TTXVN/Vietnam+) 
Thap ky bao ton da dang sinh hoc - Viet Nam da lam gi? hinh anh 1Mật độ che phủ của cánh rừng thông ở Vườn quốc gia Tam Đảo được đảm bảo, tạo cảnh quan và giữ gìn môi trường sinh thái. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Thập kỷ đa dạng sinh học 2011-2020 do Liên hợp quốc phát động sắp kết thúc nhưng thông điệp của Tổng Thư ký hồi đó, ông Ban Ki-moon, “nhân loại hãy sống hài hòa hơn với thiên nhiên, duy trì và quản lý sự đa dạng của tự nhiên vì sự phát triển của nhân loại,” vẫn còn dang dở.

Không phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng phải coi bảo tồn đa dạng sinh học là “vấn đề đạo đức” trong bài phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh (trực tuyến) về Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc được tổ chức tại New York (Mỹ) vào ngày 30/9 vừa qua.

Một thông điệp dang dở

Gần 10 năm trước, ông Ban Ki-moon với tư cách là Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã kêu gọi toàn nhân loại bảo vệ sự đa dạng sinh học trên Trái Đất. Theo ông, sự phát triển bền vững của con người phụ thuộc nhiều vào sự đa dạng sinh học.

Ông Ban Ki-moon nói: “Nhân loại có thể không bao giờ biết được những cơ hội quý báu về những bệnh nan y có thể được chữa khỏi hoặc những phát hiện bổ ích khác từ thiên nhiên bởi nhiều hệ sinh thái bị hủy hoại vĩnh viễn hoặc đất đai bị ô nhiễm không thể sử dụng được.”

Giai đoạn 2011-2020 được Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 19/12/2011 tuyên bố là “Thập kỷ Liên hợp quốc về đa dạng sinh học” nhằm đạt được sự cam kết chung của các quốc gia trong việc bảo vệ hơn 8 triệu loài động thực vật đang bị đe dọa để cân bằng sự sống trên hành tinh của chúng ta.

Chỉ có nhận thức đúng và hành động cùng nhau thì nhân loại mới có thể ngăn chặn tiến trình tuyệt chủng của động, thực vật diễn ra nhanh hàng trăm, hàng nghìn lần (so với quy luật sinh tồn tự nhiên) do tác động của con người.

Kết quả của ngót một thập kỷ qua như thế nào?

Hội nghị Thượng đỉnh về Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc với chủ đề “Hành động khẩn cấp về đa dạng sinh học vì sự phát triển bền vững” được tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng 9 năm nay.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi các nước tích cực: đầu tư vào các hành động mang tính bền vững; không hỗ trợ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm; chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch; tính đến sự rủi ro đối với lĩnh vực khí hậu trong tất cả quyết định chính sách và tài chính; cùng nhau hành động; không ai bị bỏ lại phía sau.

Theo số liệu được đưa ra tại hội nghị này, sự đa dạng sinh học trên Trái Đất vẫn đang suy giảm với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Hơn 1 triệu loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cận kề.

Các hoạt động của con người làm cho 75% bề mặt đất và 66% diện tích đại dương bị thay đổi mạnh mẽ.

Thap ky bao ton da dang sinh hoc - Viet Nam da lam gi? hinh anh 2Nhiều loài chim quý hiếm được nuôi dưỡng, bảo tồn tại khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Đa dạng sinh học là sự phong phú của nhiều dạng, loài và các biến dị di truyền của mọi sinh vật trong đời sống tự nhiên, sự đa dạng và phong phú này được chia làm nhiều cấp độ tổ chức sinh giới, đặc biệt là với các dạng hệ sinh thái của môi trường trên Trái Đất.

Trên hành tinh của chúng ta hiện có khoảng 30 triệu loài sinh vật và giữa chúng có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, thậm chí dựa vào nhau mà sống, loài này là thức ăn của loài kia.

Chẳng hạn, cây cối chuyển hóa năng lượng Mặt Trời, trở thành thức ăn của động vật và thực vật lại nhờ động vật giúp thụ phấn hoa, phân tán quả đi khắp nơi…

Con người với các hoạt động của mình đã đẩy rất nhanh tốc độ tuyệt chủng của nhiều giống loài.

Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ước tính có khoảng 7 triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng trong khoảng 30 năm tới; 3/4 loài chim trên thế giới đang lụi dần; 1/4 loài có vú có nguy cơ biến mất khỏi Trái Đất.

Sự đa dạng sinh học tự nhiên trên toàn cầu bị suy giảm nghiêm trọng bởi kỹ thuật canh tác hiện đại; nạn phá rừng; sự hủy hoại môi trường sống ở những vùng đầm lầy và trên đại dương…

Việt Nam nằm trong tốp 16 quốc gia có sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Song, tính chất đa dạng sinh học đang chịu áp lực ngày càng tăng do các hoạt động của con người và tình trạng biến đổi khí hậu.

Sự suy giảm đa dạng sinh học ở Việt Nam cũng thuộc các nguyên nhân cơ bản như ở mọi nơi khác: Các giống loài động vật, thực vật mất đi nơi sinh cư do con người chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đốt rừng làm rẫy, khai thác tài nguyên quá mức, ô nhiễm môi trường…

Bảo vệ sự đa dạng sinh học ở Việt Nam

Ngày 30/9, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc với chủ đề “Hành động khẩn cấp về đa dạng sinh học vì sự phát triển bền vững,” Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ Việt Nam nêu rõ: “Chúng ta thậm chí có thể thấy rõ ràng “lời nguyền của tự nhiên” từ nhiều quốc gia, trong đó có đất nước chúng tôi, một quốc gia với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú đang phải hứng chịu hậu quả từ việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên đa dạng sinh học, và đây là minh chứng rõ ràng về mối quan hệ nhân quả giữa con người và thiên nhiên.”

Để bảo vệ sự đa dạng sinh học tự nhiên thì bên cạnh nhận thức và những lời tuyên bố, rất cần có những hành động cụ thể.

Xây dựng các khu bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam và biến những nơi này thành khu du lịch thân thiện với môi trường là một hướng đi đúng cần phát huy.

Việt Nam hiện tại có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2,5 triệu ha, trong đó có 33 vườn quốc gia, 66 khu dự trữ thiên nhiên, 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh cùng 56 khu bảo vệ cảnh quan.

Đặc biệt, 9 cơ sở được công nhận là “khu dự trữ sinh quyển thế giới,” 3 cơ sở là “khu di sản thiên nhiên thế giới” do tổ chức UNESCO công nhận, 9 khu ramsar (đất ngập nước), 10 khu vườn di sản ASEAN.

Diện tích rừng ở Việt Nam là hơn 13,8 triệu ha, tỷ lệ che phủ đạt 41,89 %.

Hệ thống 33 vườn quốc gia trải đều từ Bắc vào Nam, từ miền núi xuống biển với tổng diện tích khoảng 10.665,44 km2 (trong đó có 620,10 km2 là mặt biển), chiếm khoảng 3% diện tích lãnh thổ đất liền.

Tại khu vực miền Bắc có 11 vườn quốc gia Du Già (Hà Giang); Phia Oắc – Phia Đen (Cao Bằng); Hoàng Liên (Lào Cai); Ba Bể (Bắc Kạn); Bái Tử Long (Quảng Ninh); Cát Bà (Hải Phòng); Xuân Sơn (Phú Thọ); Tam Đảo (Vĩnh Phúc); Ba Vì (Hà Nội); Xuân Thủy (Nam Định) vàCúc Phương (Ninh Bình).

Khu vực miền Trung-Tây Nguyên có 13 vườn quốc gia gồm Bến En (Thanh Hóa); Pù Mát (Nghệ An); Vũ Quang (Hà Tĩnh); Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình). Bạch Mã (Thừa Thiên-Huế); Chư Mom Ray (Kon Tum); Kon Ka Kinh (Gia Lai); Yok Đôn vàChư Yang Sin (đều ở Đắk Lắk); Tà Đùng tỉnh (Đắk Nông); Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng); Phước Bình và Núi Chúa (đều ở Ninh Thuận).

Khu vực Nam Bộ có 9 vườn quốc gia là Bù Gia Mập (Bình Phước); Nam Cát Tiên (Đồng Nai); Lò Gò Xa Mát (Tây Ninh); Tràm Chim (Đồng Tháp); Phú Quốc và U Minh Thượng (đều ở Kiên Giang); Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu); U Minh Hạ và Mũi Cà Mau (đều ở Cà Mau).

Trong hệ thống các vườn quốc gia thì Vườn quốc gia Pù Mát (phía Tây tỉnh Nghệ An) có vị trí đặc biệt. Được thành lập theo quyết định số 174/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/11/2001 về việc chuyển hạng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Mát thành Vườn quốc gia.

Vườn quốc gia Pù Mát hiện được xác định là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An do UNESCO công nhận năm 2007.

Tổng diện tích của Vườn quốc gia Pù Mát là 94.804ha, vùng đệm rộng 86.000ha.

Tại Pù Mát 1.144 loài thực vật có mạch được ghi nhận, trong đó có 3 loài là mới là Cleistanthus spp. nov., Phyllagathis spp. nov. và Phrynium pumatensis. Tại đây có 3 loài thú đặc hữu Đông Dương: sao la (Pseudoryx nghetinhensis), thỏ sọc Bắc Bộ (Nesolagus spp. nov.), vượn đen má trắng (Hylobates leucogenys), vượn má hung (Hylobates gabriellae).

259 loài chim cũng đã được phát hiện ở đây, trong đó 22 loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Sao la (tên khoa học: Pseudoryx nghetinhensis), còn được gọi là “Kỳ lân châu Á” là một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn và được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1992.

Sao la được xếp hạng ở mức nguy cấp (có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao) trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong Sách đỏ Việt Nam.

Loài này được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam vào tháng 5 năm 1992.

Việc khám phá ra loài sao la đã gây chấn động trên thế giới vì giới khoa học đã từng cho rằng việc tìm thấy một loài thú mới có tầm vóc lớn vào cuối thế kỷ 20 là chuyện khó có thể xảy ra.

Thap ky bao ton da dang sinh hoc - Viet Nam da lam gi? hinh anh 3Đàn Voọc Chà vá chân xám phát hiện tại núi Hòn Dồ, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Hữu Trung, Văn Tuấn/TTXVN)

Theo cách hiểu chung trên toàn cầu, vườn quốc gia là một khu vực trên đất liền hay biển được bảo tồn bằng các quy định pháp luật của chính quyền sở tại. Vườn quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt khỏi sự khai thác, can thiệp của con người.

Vườn quốc gia thường được thành lập ở những khu vực có hệ sinh thái phong phú, có nhiều loài động vật, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây Việt Nam đã thành lập thêm 3 vườn quốc gia.

Thứ nhất, Vườn quốc gia Du Già trên Cao nguyên đá Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang. Vườn rộng hơn 15.000ha, được thành lập vào năm 2015 trên cơ sở sáp nhập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mũi hếch Khau Ca và Khu bảo tồn thiên nhiên Du Già.

Đây là khu vực tự nhiên có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm vọoc mũi hếch Bắc Bộ, vượn đen má trắng, sơn dương nâu, bách xanh, bách xanh núi đá, nghiến, đinh.

Thứ hai, Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Đén thuộc tỉnh Cao Bằng. Cơ sở này được thành lập vào năm 2018 trên cơ sở toàn bộ diện tích khu bảo tồn thiên nhiên trước đây.

Vườn rộng hơn 10.245ha, trong hơn đó 4.035ha là khu bảo vệ nghiêm ngặt. Phia Oắc-Phia Đen có 352 loài thực vật, 58 loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

Thứ ba, Vườn quốc gia Tà Đùng thuộc ở tỉnh Đắk Nông với diện tích gần 21.000ha. Vườn được thành lập vào năm 2018 trên cơ sở chuyển đổi từ khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng.

Nơi đây có hơn 1.000 loài động vật, thực vật, nhiều loài có trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như nai, cà toong, báo hoa mai, các loài linh trưởng, công, trĩ…

Các loài này đang có nguy cơ bị tuyệt chủng hoặc suy giảm mạnh về số lượng. Tà Đùng là một trong bốn vùng chim đặc hữu của Việt Nam (chiếm 1/8 số loài chim của cả nước) và là một trong 222 vùng chim đặc hữu của thế giới.

Bên cạnh các vườn quốc gia, tại Việt Nam các khu rừng ngập mặn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn sự đa dạng sinh học.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long có hơn100.000ha rừng ngập mặn (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Long An).

Đây là nơi sinh trưởng của 98 loài cây, 36 loài thú, 182 loài chim, 34 loài bò sát và 6 loài lưỡng cư; vùng biển và ven biển có 260 loài cá và thủy sản.

Việc bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển được Chính phủ quan tâm. Trong số các giải pháp phải kể đến dự án trồng 5 triệu ha rừng của Việt Nam và các dự án hợp tác quốc tế như dự án Phát triển và bảo vệ các vùng đất ngập nước ven biển tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh; dự án Khu dự trữ quốc gia U Minh Thượng, chương trình sử dụng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước khu vực sông Mekong…

Mới đây nhất, ngày 1/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giới thiệu Chương trình Vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn các loài hoang dã giai đoạn 2010-2020 nhằm ghi nhận những đóng góp, sáng kiến trong công tác bảo tồn sự đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Việt Nam rất cố gắng trong việc bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, loài sinh vật và các nguồn gen phong phú, đặc hữu, quý, hiếm và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Báo cáo quốc gia về đa dạng sinh học lần thứ 6 cho biết Việt Nam có khoảng 51.400 loài sinh vật đã được xác định, gồm khoảng 7.500 loài/chủng vi sinh vật, khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, khoảng 10.900 loài động vật trên cạn, khoảng 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, hơn 11.000 loài sinh vật biển khác.

Các loài mới tiếp tục được ghi nhận và công bố hằng năm. Từ năm 2014 đến tháng 9/2018 có 344 loài sinh vật mới được mô tả và công bố trong các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới và tạp chí Sinh học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Công tác điều tra, giám sát đa dạng sinh học, cứu hộ, bảo tồn tại chỗ các loài hoang dã đã đóng góp quan trọng cho bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, góp phần giảm nguy cơ tuyệt chủng của các loài nguy cấp ở Việt Nam./.

Trần Quang Vinh (TTXVN/Vietnam