Nửa đêm 29/9/1994, Nicholas, 7 tuổi cùng gia đình đang trên đường về khách sạn. Bỗng một chiếc xe màu đen vượt lên, chạy song song với họ rồi hai phát súng vang lên.
Vài ngày sau, Nicholas, cậu bé người Mỹ đang đi nghỉ cùng gia đình ở Italy, qua đời vì trúng một trong hai viên đạn. Trước khi con trút hơi thở cuối cùng, bố mẹ em đã quyết định hiến tạng của Nicolas cho 7 gia đình người Italy.
Cảnh sát về sau bắt được hai nghi phạm là Francesco Mesiano và Michele Iannello. Hai người này khai là “nhầm mục tiêu”.
Vụ án kết thúc, nhưng tác động của nó vẫn chưa dừng lại ở đó. “Nó giống như một bàn tay lớn đang siết chặt lương tâm của mỗi người Italy”, tờ Time khi đó viết. “Thật đáng xấu hổ. Cậu ấy bị bắn khi đang nghỉ ở Italy, nhưng cha mẹ cậu lại hiến tạng con trai, giúp 7 gia đình người Italy có cuộc sống mới”.
Nhiều người Italy lúc đó không biết làm thế nào để bày tỏ lời xin lỗi và sự xấu hổ. Cuối cùng, họ quyết định đăng ký hiến tạng giống như gia đình Green.
Hành động hiến tạng của gia đình Green gần như đã thay đổi Italy, đất nước trước đó có tỷ lệ người đăng ký hiến tạng thấp nhất châu Âu. Sau cái chết của cậu bé, số người hiến tạng bỗng tăng vọt, đến mức người ta gọi đây là “Hiệu ứng Nicholas”.
Đến nay, ở Italy có hơn 120 địa danh được đặt theo tên của Nicholas như cầu vượt, nhà hát…
Reg Green, cha của Nicholas chia sẻ, hiến tạng con trai là việc duy nhất ông có thể làm để “trút bỏ sự phẫn nộ” và “giúp đỡ người khác”. Thời điểm đó, Reg không biết gì về những người được nhận tạng. Bốn tháng sau, ông được mời trở lại Italy và gặp gỡ những người đang mang một phần thân thể con trai mình.
Lần đầu gặp gỡ, một số người mỉm cười với bố của ân nhân, số khác khóc, còn lại không dám lại gần bắt chuyện. “Tôi cảm nhận được dấu vết con trai trên cơ thể của những người này”, Reg nói. Giờ đây, mỗi năm ông bay sang Italy hai lần, kêu gọi mọi người nâng cao nhận thức về hiến tạng.
Cô Maria, người Sicily từng cận kề cái chết khi đã hôn mê do suy gan. Khi được ghép gan của Nicholas, cô nhanh chóng hồi phục và sinh một cậu con trai sau đó hai năm, đặt tên là Nicholas. Cô kể, giai đoạn năm 1994, người dân Sicily hầu như không biết gì về hiến tạng. Nhưng bây giờ, họ đã tham gia cùng Reg Green trong những chiến dịch công khai về vần đề này.
Andrea Mongiardo, người nhận trái tim Nicholas, đã chết vì ung thư hạch năm 2017 ở tuổi 37. Trái tim Nicholas đã đập trong lồng ngực của anh 22 năm, nhiều gấp ba lần tuổi của cậu bé.
Mặc dù sự ra đi của Nicholas mang lại hy vọng và hạnh phúc cho nhiều gia đình, nhưng với Reg Green và vợ, đây là nỗi đau không thể xóa mờ. “Đó là nỗi buồn sâu sắc nhất trong cuộc đời. Bạn sẽ không bao giờ vui vẻ được nữa”, ông nói.
Vy Trang
Xem thêm bài viết đầy đủ trên trang mạng đài BBC bằng tiếng Anh:
My son died in 1994 but his heart only stopped beating this year