Mục lục
Điều tra nghệ sĩ bị tố chiếm đoạt tiền từ thiện để “lấy lại danh dự cho Mặt Trận Tổ Quốc” hay còn gì khác?
Sau hàng loạt livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Nam, tố cáo các nghệ sĩ ăn chặn tiền từ thiện của mạnh thường quân trong đợt bão lũ ở Miền Trung hồi năm 2020, Bộ Công an đã gởi văn bản yêu cầu cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước rà soát tài khoản của các ca sĩ, nghệ sĩ tại các tài khoản trong và ngoài nước.
Hôm 15/10, công an đã làm việc với ca sĩ Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng. MC Trấn Thành, Đại Nghĩa… nằm trong danh sách yêu cầu rà soát, sao kê các hoạt động từ thiện, nhằm xác minh theo nội dung của một số đơn tố cáo rằng các nghệ sỹ này đã lợi dụng bão lũ miền Trung để quyên góp tiền, nhưng không minh bạch trong quá trình giải ngân, có dấu hiệu “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Báo chí trong nước dẫn lời Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an, nói rằng “Cơ quan công an rà soát số tiền từ thiện để giúp giải tỏa những nghi ngờ, bức xúc của dư luận trước thông tin cáo buộc một số cá nhân lợi dụng việc kêu gọi tiền từ thiện nhằm trục lợi. Đây là việc làm rất kịp thời.”
Trong khi đó theo quan điểm của một số người cũng hoạt động thiện nguyện trong nước từ nhiều năm nay thì chính quyền còn có một số “động cơ” khác đằng sau cuộc điều tra ăn chặn tiền từ thiện trong thời điểm này.
Lấy lại danh dự cho Mặt trận Tổ quốc
Bà P, hiện đang ở Sài Gòn, có nhiều hoạt động thiện nguyện trong thời gian vừa qua, cho biết bà ủng hộ việc phải điều tra cho rõ có hay không chuyện nghệ sỹ đã chiếm đoạt tiền tiền từ thiện. Để từ nay về sau, những ai kêu gọi quyên góp tiền tự biết trách nhiệm giải trình, minh bạch với người đóng góp.
Tuy nhiên, bà P nói Chính quyền làm mạnh tay vụ này còn vì muốn “lấy lại danh dự” cho Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), cũng như các tổ chức từ thiện do Nhà nước quản lý. Bởi vì trong đợt bão lũ vừa qua, người dân không còn tin tưởng vào các tổ chức của Nhà nước nữa nên mới gửi tiền cho những người khác, đặc biệt là Thủy Tiên:
“Mình biết là không có bên nào hoàn toàn tốt. Mình nghĩ là một cá nhân khi nhận một khoản tiền nào đó thì họ phải có trách nhiệm đứng ra báo cáo minh bạch. Minh bạch cũng có nghĩa là bảo vệ danh dự cho người đứng ra làm từ thiện.
Về tính minh bạch trong chuyện làm từ thiện của Thủy Tiên thì mình không dám bàn tới. Tuy nhiên mình tin rằng là đây là một cú “vỗ mặt” rất lớn đối với Nhà nước, bên Ủy ban MTTQ cũng như là Hội Chữ thập đỏ vì họ không còn nhận được tiền của người dân gửi vào ủng hộ, cho nên bắt buộc họ phải có một động thái “dằn mặt”, nếu không thì họ cũng thất thu.
Theo kinh nghiệm làm từ thiện thì mình biết rằng là tai họa của người dân luôn luôn là cơ hội của người có chức quyền trong khu vực địa phương. Trong thiên tai hay dịch bệnh, người dân họ luôn ứng cứu nhau hơn rất nhiều so với Nhà nước.
Phải “dằn mặt” như thế thì nhân dân sau này nó mới gửi tiền cho các cơ quan của Nhà nước, chứ người dân cứ gửi cho cá nhân như thế thì các cơ quan ăn hại kia ăn cám à! Đó là suy nghĩ của mình.”
Ông H, người cũng đã ‘chạy ngược xuôi’ trao quà cho bà con nghèo trong suốt bốn tháng phong toả do dịch bệnh, nói với RFA rằng ông nhìn thấy rõ ràng chính quyền hiện không muốn cho tư nhân đứng ra làm từ thiện nữa, tất cả phải quy về một mối là MTTQ Việt Nam:
“Vấn đề là họ không muốn cho tư nhân làm về thiện nguyện nữa. Tất cả mọi thứ tập trung vào MTTQ Việt Nam. Bởi vì MTTQ Việt Nam đã bị mất tiếng từ lâu rồi.
Thiện nguyện tư nhân trong những đợt vừa rồi người ta làm quá tốt. Bây giờ nó muốn vực dậy MTTQ thì bắt buộc nó phải dập từ thiện tư nhân. Đương nhiên trong 100 hay 1.000 người làm từ thiện thì cũng có những người “nhúng chàm”. Nó chỉ việc kiếm những đứa đó rồi nó đẩy lên làm trọng điểm.
Họ biết chắc chắn là có thì họ mới điều tra, nhưng mục đích làm không phải để truy thu nguồn tiền đó, mà làm là để dập cái thiện nguyện tư nhân. Tất cả mọi thứ là để lấy lại danh tiếng cho bên các tổ chức Nhà nước”
Hồi tháng 10/2020, ca sỹ Thuỷ Tiên kêu gọi quyên góp tiền để cứu trợ cho đồng bao bốn tỉnh miền Trung đang gặp bão lũ. Chỉ trong chưa đầy một tháng, Thuỷ Tiên đã nhận được 178 tỷ đồng. Con số này do cô giải trình ngay sau khi kết thúc đợt cứu trợ.
Trong khi đó, MTTQ Việt Nam thông báo số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ thông qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương đạt trên 265 tỷ đồng. Đến nay, MTTQ chưa sao kê công khai sao kê các khoản giải ngân từ số tiền nêu trên.
Định hướng dư luận, che lấp yếu kém xử lý dịch bệnh
Một nguyên do khác khiến Bộ Công an vào cuộc điều tra ngay trong thời điểm này, theo bà P, là do muốn định hướng dư luận. Chính quyền muốn tập trung sự chú ý của dân chúng vào vụ lùm xùm “ăn chặn tiền từ thiện” của nghệ sỹ, mà bỏ qua những yếu kém, thất bại của lãnh đạo trong đợt bùng phát dịch COVID vừa qua ở các tỉnh phía Nam:
“Mình phải thừa nhận là xưa nay nhà cầm quyền rất thành công trong việc thao túng dư luận. Họ dùng những scandal (vụ bê bối – PV) này để nhận chìm những scandal khác, và mình nghĩ rằng vụ từ thiện này cũng không nằm ngoài mục đích “nhận chìm” những cái sự quan tâm của người dân về vấn đề tiêm vắc-xin và dịch bệnh, cũng giống như là sự tắc trách, phản ứng yếu kém của Nhà cầm quyền khi hỗ trợ người dân trước vấn đề dịch bệnh.
Tại sao khi bầu cử lại có thể làm cái trò mang thùng phiếu đến tận giường bệnh, nhưng mà hỗ trợ thì lại thiếu lên thiếu xuống suốt bốn tháng trời? Trong khi đó nếu không có những nhóm từ thiện tự phát thì mình tin rằng ở Sài Gòn này số người chết phải nhiều hơn rất nhiều.
Những ngày này cũng có thông tin lố bịch là ông Giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội nói rằng không có người dân nào bị bỏ lại, đói khổ vì dịch bệnh. Cho đến bây giờ mình sẵn sàng mời ông Tấn bỏ thời gian đi cùng với mình để thấy rằng đến bây giờ vẫn còn rất nhiều người khốn khổ.”
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội TPHCM phát biểu hôm 18/10 trong một cuộc họp của Hội đồng Nhân dân TP. HCM, rằng chưa có ai ở thành phố bị đói, hay thiếu mặc, lâm vào cảnh khốn khổ vì đại dịch.
Bà P, cho rằng đây cũng là một phát biểu nhằm khuấy động, điều chỉnh dư luận, nhưng theo bà đây là “một câu nói dối thô bỉ nhất mà tôi từng nghe.”
Livestream của bà Phương Hằng có lợi cho ai?
2021-10-27
Một nữ doanh nhân thành đạt, một nội tướng toàn tài cứu nguy cho sự nghiệp của chồng, một nhà thiện nguyện cứu trợ xã hội tiền tỉ …. Có thể nói bà Nguyễn Phương Hằng đã tạo ra nhiều hình ảnh đẹp, là idol cho không ít người. Thế nhưng không dừng lại ở đó, bà còn thành công ngoạn mục trong lĩnh vực truyền thông với hình thức sáng tạo livestream tố giác tội phạm trên YouTube và chỉ trong thời gian ngắn đã thành công ngoạn mục, được một số người ngưỡng mộ tôn xưng là hiệp sĩ thế thiên hành đạo.
Khởi đầu từ cuộc chiến vạch mặt “thần y” Võ Hoàng Yên, tiếp đến là vạch lá bắt sâu từ thiện trong giới văn nghệ sĩ, báo chí…., bà đã trở thành một YouTuber đình đám hiên ngang xông trận lật đổ hàng loạt những thần tượng từng làm run rẩy trái tim của bao nhiêu người hâm mộ.
Trước hết, phải khâm phục bà Phương Hằng về sự dũng cảm. Tình cảm hâm mộ, niềm tin vào thần tượng của công chúng đã tạo ra quyền lực cho các ngôi sao như là những ông vua không ngai. “Thần Y” Võ Hoàng Yên không chỉ chiếm lòng tin của người dân như một thiên sứ mà còn hớp hồn các quan chức cộng sản vô thần nhưng sở hữu nhiều tài sản và đương nhiên kèm theo đó là sở hữu ham muốn tột bực về sức khỏe thậm chí là sự trường sinh bất lão. Chính vì vậy trong một chế độ đầy rẫy những thủ tục hành chính, giấy tờ nhiêu khê rườm rà mà ngay với các thầy thuốc đào tạo bài bản, thủ tục chạy giấy phép hành nghề không dễ dàng thì “Thần Y” tay ngang một ngày học y lại được chính quyền tiếp rước đi trị bệnh từ Nam chí Bắc. Bao nhiêu thành quả tạo dựng của Thần Y đã tan thành mây khói sau mấy chập livestream dù cho Thần Y có vớt vát phản đòn bằng khúc băng ghi âm cuồn cuộn.
Tổ nghiệp, nhà thờ tổ là niềm tin thiêng liêng của giới nghệ sĩ xưa nay vốn được thờ chung trong Trụ sở Hội Ái hữu Nghệ Sĩ. Thế nhưng nghệ sĩ hài Hoài Linh đã tự xây nhà thờ tổ riêng trên đất riêng như một cách tiếm ngôi, thành người thờ tổ ngành sân khấu, việc xây dựng cũng cóc cần giấy phép của chính quyền. Báo chí khui ra, giới nghệ sĩ phản ứng, chính quyền lên tiếng nhưng rồi đâu cũng vào đó, ván vẫn đóng thuyền. Vậy mà sau mấy chiêu livestream của bà Phương Hằng, Hoài Linh đã phải ói ra 13 tỉ đồng tiền quyên góp từ thiện cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào vùng lũ miền Trung từ năm trước vẫn còn bỏ quên trong tài khoản Hoài Linh.
Đàm Vĩnh Hưng bị bà Phương Hằng bêu riếu mua hột xoàn trả góp và bị đe dọa sẽ công bố 13 kg sao kê tài khoản từ thiện thu chi bất minh.
Ca sĩ Thủy Tiên cũng bị bà Phương Hằng livestream tố cáo ém nhẹm hàng chục tỷ đồng từ thiện.
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển từng lập công lớn với Đảng khi ăn năm con mực trong vụ ô nhiễm Formosa cùng với cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng bị bà Hằng lôi lên YouTube với hành vi gây quỹ từ thiện bằng tài khoản cá nhân.
Danh sách dính chưởng livestream của bà Phương Hằng còn dài và nạn nhân mới nhất là ông Lê Tùng Vân, 91 tuổi, tu tại gia, thờ Phật trong nhà mà không đăng ký với Giáo hội Quốc doanh. Cụ Tùng Vân đã nhận nuôi nhiều thế hệ trẻ mồ côi bằng chính công sức lao động trồng trọt chăn nuôi của cụ và các thành viên, không hề vận động quyên góp hay nhận cúng dường của bá tánh.
Ba thế hệ trẻ nuôi đã thành công trong các cuộc thi tài năng của đài truyền hình TP.HCM. Bà Huyền Trân đoạt á quân cuộc thi The Voice 2014, Nhất Nguyên, Hoàng Nguyên được hàng triệu views trong cuộc thi Tuyệt đỉnh song ca, nhòm thiếu nhi 5 chú tiểu hai năm liên tiếp quán quân cuộc thi Thách Thức Danh Hài. Ông Tùng Vân từng bị báo chí quốc doanh, chức sắc Phật giáo, quy chụp là tu giả, lừa đảo qua hàng trăm bài báo, phóng sự truyền hình. Một nhóm YouTuber bò đỏ cũng ngày đêm tố khổ thêu dệt bịa đặt hàng trăm clip dựng chuyện bôi bẩn nhóm gia đình ông Tùng Vân. Họ vẫn nhẫn nhịn sống bó gọn trong khuôn viên ngôi nhà được đặt tên là Thiền Am bên bờ vũ trụ, tạo dựng tiểu phẩm chương trình ca nhạc, thậm chí ghi lại những sinh hoạt đời thường của chính họ đưa lên YouTube và nhân được danh hiệu Nút Phím bạc, vàng của Google.
Đòn đánh dưới thắt lưng của bà Phương Hằng với cụ Tùng Vân là livestream tố cáo cụ Tùng Vân loạn luân với nhiều người và tất cả các thành viên trẻ trong nhà đều là con của cụ chứ không phải trẻ mồ côi. Người trực tiếp tố cáo là thanh niên có nhiều tiền sự trộm cướp, là con nuôi của em gái cụ Tùng Vân. Anh này tự nhận mình là con loạn luân của cụ với em gái mà không hề có chứng cớ nào.
Dư luận về hiện tượng bà Phương Hằng livestream có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cuồng nhiệt hoan hô uống từng lời vàng ngọc của bà. Một số người chỉ đồng tình với một số trường hợp lật mặt có cơ sở rõ ràng như trường hợp Võ Hoàng Yên, Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng. Một số khác lại băn khoăn về cách tố cáo tội phạm livestream là không phù hợp pháp luật và tạo ra những tiền lệ xấu trong sinh hoạt xã hội. Một số người chấp nhận về nội dung nhưng chê trách thái độ, lời lẽ của bà Phương Hằng hơi quá mức đời thường, ngấp nghé mức thô bỉ tục tĩu… Mặc khác, ông Yên, các ông bà nghệ sĩ và nhà báo cây đa cây đề sau thời gian “văn đấu” trên mạng xã hội đã chuyển sang “võ đấu” bằng luật pháp tố cáo lẫn nhau với công an các cấp. Đơn từ gửi đi như bướm.
Điều kỳ lạ là trong xứ sở được Đảng lãnh đạo toàn diện, ‘bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao’, mọi ý kiến, tưởng chừng như cả hơi thở không hợp ý Đảng và Nhà nước đều bị khởi tố bắt giam xét xử thì bà Nguyễn Phương Hằng lại được hưởng quy chế dân chủ đặc biệt. Nhà báo Trương Châu Hữu Danh và nhóm Báo Sạch đang bị xét xử về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ mà cáo trạng không thấy ghi nhận hành vi viết sai sự thật vẫn bị kết án nặng nề vì để người khác lợi dụng xuyên tạc. Nhiều người chỉ than vãn vì tình trạng quẫn bách trong dịch bệnh cũng bị bắt giam. Riêng bà Phương Hằng vẫn ung dung một cõi trời nam. Bộ Thông Tin Truyền Thông có nhắc nhở, bà có hứa thôi nhưng rồi lại tiếp tục livestream. Hoang mang hơn nữa bà còn có clip tâm sự nỗi lòng với cụ Tổng (Nguyễn Phú Trọng), bày tỏ sự ngưỡng mộ và lòng trung thành với sự nghiệp đốt lò như là một đảng viên thứ thiệt. Ngay với hàng tá đơn bà Hằng tố cáo người khác và ngược lại các cơ quan điều tra cũng tuần tự nhi tiến mời các bên đến ghi nhận, lắng nghe.
Cách thức ứng xử cởi mở, trân trọng của cơ quan công quyền với bà Phương Hằng cho thấy Việt Nam là đất nước tự do ngôn luận nhất thế giới. Đặc biệt trên mạng xã hội lại hình thành một lực lượng mới nguy hiểm hơn AK 47 nương theo, tán dương các lập luận tố cáo người khác không cần chứng cứ của bà Phương Hằng và gọi đó là “quyền tự do ngôn luận”. Các fan cuồng của bà Phương Hằng đã đưa ra một lập luận pháp lý lộn ngược đầu là người bị tố cáo phải chứng minh mình vô tội. Sau livestream tố cáo ông Tường Vân loạn luân lại rõ lên làn sóng dư luận yêu cầu ông cụ 91 tuổi và các cháu bé phải đi xét nghiệm ADN để chứng minh là trong sạch.
Ở một góc độ khác, thử hỏi ai sẽ hưởng lợi sau các livestream của bà Phương Hằng? Chắc chắn là mùa lũ lụt năm nay người dân vùng lũ chỉ còn trông đợi vào Mặt Trận Tổ Quốc. Hiếm có cá nhân, tổ chức nào dám đứng ra vận động quyên góp. Nếu có thì cũng bị dư luận xem xét với sự dè dặt. Với chứng cứ hiện tại về 13 tỷ bỏ quên của Hoài Linh và các kết quả sắp tới, chắc chắn Nhà nước có cơ sở để ra đời một quy định mới dành cho các tổ chức, cá nhân ngoài quốc doanh một khe cửa thật hẹp, thậm chí là trói tay. Những mầm mống của hoạt động tín ngưỡng, từ thiện bé nhỏ nhất dù ở quy mô gia đình như Thiền Am bên Bờ Vũ Trụ cũng sẽ bị bóp nát từ trong trứng nước.
Đặc biệt là các fan thật giả của bà Phương Hằng thả sức gieo rắc sự hoài nghi, thả sức vu cáo những điều tồi tệ nhất với các cá nhân, tổ chức tôn giáo, từ thiện bất phục tùng, không gia nhập guồng máy tôn giáo, từ thiện quốc doanh.
Có thể nói vô tình hay hữu ý, các livestream của bà Phương Hằng đã đóng góp rất hiệu quả cho việc củng cố chế độ toàn trị.
Tuyên bố mới đây của Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ rằng “Tiền trong dân còn nhiều” làm người ta băn khoăn. Phải chăng sắp có một sách lược điều tiết thu nhập của toàn xã hội tương tự như đổi tiền hay cải tạo tư sản trước đây? Vingroup đã vung tiền mua thuốc trị COVID-19, nhập công nghệ sản xuất vắc-xin. Tân Hiệp Phát đã đầu tư năm triệu liều Sinopharm phòng chống dịch. Mỗi đại gia đều có cách góp của góp công với đảng và Nhà nước. Lành thay!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.