Đôi khi quyết định thay đổi múi giờ của một quốc gia có thể mang tính chính trị. Mặc dù có diện tích rộng lớn, nhưng cả nước Trung Hoa đại lục đều vận hành theo giờ Bắc Kinh – một quyết định do Mao Trạch Đông đưa ra vào năm 1949 nhằm tăng cường đoàn kết quốc gia. (Tội nghiệp cho những người dân Tân Cương ở vùng viễn tây của Trung Hoa đại lục, nơi đôi khi mặt trời vẫn chưa mọc cho đến tận 10 giờ sáng.) Trong gần ba năm, cho đến năm 2018, Triều Tiên duy trì một múi giờ riêng của mình, chậm hơn nửa giờ so với Hàn Quốc, điều phù hợp với khuynh hướng “ẩn dật” của nước này. Tuy nhiên, các quốc gia thường điều chỉnh thời gian trong ngày vì những lý do thực tế. Khoảng 70 quốc gia, chủ yếu ở Châu Mỹ và Châu Âu, áp dụng Giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày (Daylight Savings Time) trong những tháng mùa hè. Hầu hết các bang ở Mỹ (trừ Arizona và Hawaii) sẽ vặn ngược đồng hồ trở lại một lần nữa vào cuối tuần này (7/11). Nhưng liệu điều đó có cần thiết không?
Vào thế kỷ 18, Benjamin Franklin đã đề xuất ý tưởng vặn ngược đồng hồ một tiếng vào mùa hè. Nhưng cách làm này chỉ trở nên phổ biến trong Thế chiến I. Anh, Pháp và Đức đều tính toán rằng bằng cách thêm một giờ ban ngày vào buổi chiều tối, họ có thể tiết kiệm được than. Điều này sẽ giúp ích cho nỗ lực chiến tranh. Sau đó, các lợi ích khác càng củng cố thêm cho quyết định này. Nó có thể làm tăng chi tiêu của người tiêu dùng, vì người mua hàng được khuyến khích ở ngoài lâu hơn vào buổi chiều tối. Việc này thậm chí còn có thể làm giảm tội phạm. Như câu nói chúng ta thường nghe: “ánh sáng ban ngày càng dài, tôi càng ít làm sai” (the longer the daylight, the less I do wrong).
Bất chấp tất cả những điều đó, việc thay đổi giờ đồng hồ không được ưa chuộng. Vào năm 2019, Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu để chấm dứt thông lệ lâu đời này từ năm 2021 (mặc dù vấn đề đại dịch toàn cầu đã trì hoãn vô thời hạn quyết định này). Khi EU thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến các công dân của mình, họ đã thu thập được gần 5 triệu phản hồi. Hơn 80% muốn loại bỏ việc điều chỉnh thời gian hàng năm, và vì lý do chính đáng. Mặc dù chưa được chứng minh một cách chắc chắn, nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng việc thay đổi giờ đồng hồ sẽ làm rối loạn nhịp sinh học của con người. Một nghiên cứu nói rằng việc đổi giờ này giống như việc thay đổi một ít nhịp sinh học vì đi máy bay. Điều đó có thể làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Việc đổi giờ cũng có thể khiến tai nạn ô tô gia tăng, ví dụ như người lái xe thường đi lại vào lúc trời sáng đột nhiên phải chuyển qua lái xe lúc trời còn tối (hoặc ngược lại). Năng suất cũng có thể đi xuống. Có lẽ điều bất tiện nhất cho các doanh nghiệp là việc các quốc gia có thể thay đổi giờ đồng hồ của họ vào những thời điểm khác nhau. Hầu hết châu Âu quay ngược đồng hồ một tiếng vào ngày 31 tháng 10. Bất kỳ người châu Âu nào làm việc theo một thời hạn tính theo giờ của người Mỹ đều sẽ phải sắp xếp lại lịch làm việc của họ để bắt đầu sớm hơn bình thường một tiếng — và từ thứ Hai sẽ phải quên quy trình đó đi và quay lại thói quen cũ.
Liệu giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày có tiếp tục được duy trì? Không có dấu hiệu cho thấy EU sẽ sớm bãi bỏ nó. Ở Mỹ, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng đã đưa ra một dự luật gọi là “Đạo luật bảo vệ ánh nắng mặt trời 2021” (Sunshine Protection Act of 2021), theo đó sẽ dùng giờ mùa hè cho suốt cả năm, nhưng đề xuất này ít được ủng hộ. Mười chín cơ quan lập pháp tiểu bang đã thông qua các luật có quy định tương tự, trong số đó có California, Florida và Washington, nhưng việc thiếu sự chấp thuận của quốc hội có nghĩa là tất cả cư dân của họ sẽ vẫn phải vặn ngược đồng hồ của mình vào cuối tuần này. Giờ Tiết kiệm ánh sáng ban ngày vẫn chưa hết.
Nguồn: “Changing the clocks is unpopular. Why do it?”, The Economist, 04/11/2021.
Biên dịch: Trần Hùng
Nghiên cứu quốc tế (10.11.2021)