Seite auswählen

Vingroup lập VinFast Singapore: Nhận ưu đãi từ Việt Nam, nộp thuế cho nước khác?

 

Ông Thành cũng đặt câu hỏi vì sao quốc hội, chính phủ, và đảng cộng sản của Việt Nam chưa lên tiếng về việc chuyển ưu đãi ra nước ngoài. “Họ không thấy hay họ đã được đấm mõm?” ông Thành thắc mắc.


Hãng VinFast nói muốn chinh phục thị trường Mỹ với xe điện VF e35 and VF e36.

Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng vừa “tái cấu trúc nội bộ” với việc lập ra công ty con mới mang tên VinFast Singapore nằm trung gian giữa tập đoàn mẹ và hãng xe hơi VinFast, báo chí Việt Nam đưa tin hôm 5/12, dẫn lại thông tin từ lãnh đạo của Vingroup.

Quan sát động thái mới nhất của Vingroup, một số chuyên gia kinh tế và luật nhận định rằng việc đó giúp tập đoàn phần nào tránh được mức thuế cao và rủi ro tiềm tàng về pháp lý hoặc chính trị ở Việt Nam. Họ cũng cho rằng những ưu đãi mà chính quyền Việt Nam dành cho VinFast trở nên kém ý nghĩa khi hãng sẽ nộp thuế cho Singapore.

Các báo Việt Nam cho biết hội đồng quản trị của tập đoàn Vingoup đã phê duyệt việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trong hãng xe VinFast cho một công ty có tên đầy đủ là VinFast Trading and Investment Pte. Ltd., gọi tắt là VinFast Singapore. Đây là một công ty con mới của Vingroup có trụ sở chính tại Singapore.

Với bước đi này, Vingroup và các cổ đông hiện hữu của VinFast sẽ trực tiếp sở hữu 100% cổ phần của VinFast Singapore, từ đó, các cổ đông sẽ vẫn gián tiếp sở hữu 99,9% vốn VinFast. Trong đó, riêng Vingroup vẫn duy trì tỷ lệ lợi ích hơn 51% trong VinFast như hiện nay.

Việc này là bước đầu để chuẩn bị cho kế hoạch của tập đoàn về phát hành cổ phiếu VinFast lần đầu ra công chúng (IPO) ở Mỹ trong năm 2022, các báo Việt Nam tường thuật.

Trang CafeF hôm 5/12 hỏi bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Vingroup, vì sao tập đoàn “phải đi đường vòng” mà không trực tiếp IPO VinFast Việt Nam, và được bà trả lời rằng “việc niêm yết các công ty Việt Nam tại nước ngoài, nhất là tại Mỹ chưa thực hiện được do thiếu sự liên thông về pháp lý và các cơ chế phối hợp liên quan”.

Nữ phó chủ tịch của Vingroup nhấn mạnh thêm rằng “để có thể niêm yết tại Mỹ, VinFast bắt buộc phải thực hiện việc niêm yết qua VinFast Singapore vì Singapore là nước đã có sự liên thông với Mỹ trong lĩnh vực này”.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia người Mỹ gốc Việt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nói với VOA rằng đây là chiến thuật để nâng uy tín của hãng xe Việt Nam hiện vẫn chưa có tiếng tăm gì trên thế giới.

Ông Hiếu phân tích rằng các công ty ở Việt Nam không thể có xếp hạng tín nhiệm của riêng họ cao hơn mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia, trong khi đó, các hãng quốc tế xác định mức xếp hạng của Việt Nam chỉ là “junk bond”, tức là trái phiếu và chứng khoán của Việt Nam thuộc hạng không đáng để đầu tư.

Ngược lại, Singapore là một trong những nước có vị trí hàng đầu ở châu Á về điểm tín nhiệm quốc gia, vì vậy, khi VinFast Singapore làm IPO ở Mỹ, uy tín của công ty này “có thể sẽ tốt hơn” so với công ty ở Việt Nam, ông Hiếu nói.

Trên mạng xã hội, một số người am hiểu về kinh doanh và luật quốc tế nhìn vào một khía cạnh khác, cho rằng các ưu đãi mà nhà nước Việt Nam dành cho VinFast có nhà máy ở Hải Phòng nay thành ưu đãi cho công ty ở Singapore.

Ông Nguyễn Sơn Hải, một doanh nhân Việt Nam đồng thời là chuyên gia về luật quốc tế, chia sẻ quan điểm này. Viết trên trang cá nhân và đồng ý để VOA đăng tải lại, ông Hải chỉ ra rằng các khoản miễn giảm về thuế và tiền thuê đất, hay hỗ trợ về hạ tầng điện, nước, v.v… của Việt Nam dành cho VinFast sẽ chuyển hóa thành lợi nhuận để hãng nộp thuế tại Singapore.

“Việt Nam chỉ nhận được từ VinFast tiền nhân công rẻ mạt như với Samsung, LG thôi”, ông Hải bình luận.

Một doanh nhân Việt Nam khác, ông Nguyễn Tấn Thành, có hơn 29.000 người theo dõi qua Facebook, viết trên trang cá nhân: “Các ưu đãi này sau khi qua Singapore, sẽ được quy thành tiền để bán qua cổ phiếu. Sự hỗ trợ của cả đất nước thành tiền bỏ túi”.

Ông Thành cũng đặt câu hỏi vì sao quốc hội, chính phủ, và đảng cộng sản của Việt Nam chưa lên tiếng về việc chuyển ưu đãi ra nước ngoài. “Họ không thấy hay họ đã được đấm mõm?” ông Thành thắc mắc.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia người Mỹ gốc Việt, phân tích thêm về vấn đề này với VOA:

“Nếu bây giờ VinFast thành lập ở Singapore rồi lại sở hữu tài sản của VinFast ở Hải Phòng, ở Việt Nam thì dĩ nhiên đây là công ty nước ngoài. Trong trường hợp đó, VinFast trở về Việt Nam, sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam thì họ được xem là một công ty FDI [có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài] chứ không phải là một công ty của Việt Nam nữa”.

Về sự được và mất giữa Việt Nam và Singapore khi Vingroup tái cấu trúc VinFast, doanh nhân kiêm chuyên gia luật Nguyễn Sơn Hải đưa ra dự báo rằng tập đoàn mẹ sẽ tìm cách để báo phần lớn lợi nhuận cho VinFast Singapore và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở Singapore, phần chịu thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ chỉ ở mức tượng trưng.

Theo ông Hải, lý do là mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở Singapore thấp hơn, kết hợp với các yếu tố là Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) yêu cầu rằng công ty IPO ở Mỹ phải có lợi nhuận, và cổ đông chiến lược nước ngoài chỉ tham gia vào VinFast Singapore với đòi hỏi là phải có lợi nhuận và chia cổ tức ở Singapore để không phải chịu thuế thu nhập cá nhân thêm như ở Việt Nam.

Vẫn ông Hải bình luận thêm về những hệ lụy từ thủ pháp kinh doanh của VinFast: “Nhân dân và chính quyền Hải Phòng đang kỳ vọng VinFast đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách thành phố sẽ chưng hửng. Bà con 3 xã của huyện Cát Hải đã vui vẻ nhường nhà đất tổ tiên ra đi, cho VinFast lấy hàng ngàn hectare đất làm nhà máy, và các quan chức đã ngày đêm ủng hộ VinFast để hãng đóng góp cho thành phố phát triển sẽ rất hụt hẫng với cú quay xe của VinFast”.

Đồng quan điểm với ông Hải, nhiều người bày tỏ trên mạng xã hội rằng chính phủ Việt Nam cần phải xem xét lại những ưu đãi về nhà xưởng, đất đai, thuế, v.v…

Với việc VinFast Singapore nay sở hữu VinFast Việt Nam, các chế độ về thuế, phí, thuê đất, v.v… phải áp dụng tương tự như các hãng xe nước ngoài như Toyota hay Honda đang lắp xe ở Việt Nam, họ đưa ra ý kiến.

Bên cạnh đó, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu và những người am hiểu về kinh doanh và pháp lý còn lưu ý về một điều nữa có thể nằm trong toan tính của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, đó là khi đặt công ty ở Singapore, hãng sẽ chịu rủi ro chính trị và pháp lý ít hơn so với ở Việt Nam. Ông Hiếu nói với VOA:

“Chẳng hạn như có chuyện gì đó, chính phủ Việt Nam muốn tịch thu tài sản của VinFast, thì trong trường hợp này, VinFast có thể tránh được biện pháp của chính phủ hoặc tránh được những phán quyết của tòa án Việt Nam. Đây có thể nói là một sự bảo vệ cho tài sản của VinFast”.

Hãng xe do tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập năm 2017 lâu nay thực hiện nhiều chiến dịch quảng bá trong nước xoáy vào lòng tự hào dân tộc để thu hút sự ủng hộ của khách hàng Việt.

Theo quan sát của VOA, sau khi Vingroup tiến hành tái cấu trúc với việc lập ra VinFast Singapore, nhiều người bày tỏ trên mạng xã hội rằng họ phải xem xét lại dự định mua xe của hãng cũng như sự ủng hộ dành cho hãng.

 

Thực hư việc VinFast nhận biệt đãi trong nước, đóng thuế cho nước ngoài?

 

VietnamNet

Việc Tập đoàn Vingroup chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại VinFast Việt Nam cho VinFast Singapore để chuẩn bị cho quá trình IPO tại Mỹ đang có một số ý kiến trái chiều.

Để rộng đường dư luận, báo VietNamNet đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup về việc này.

VinFast mãi là thương hiệu của Việt Nam

– Bà có thể cho biết sau khi chuyển nhượng toàn bộ vốn sang VinFast Singapore thì VinFast có còn là thương hiệu Việt nữa không?

VinFast 100% là thương hiệu ô tô Việt và mãi mãi là doanh nghiệp Việt. Việc Vingroup chuyển nhượng 51,52% và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam chuyển nhượng 48,38% vốn cổ phần trong VinFast Việt Nam cho VinFast Singapore chỉ là giải pháp kỹ thuật thuần túy, hoàn toàn không thay đổi chủ sở hữu công ty. Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam vẫn là doanh nghiệp Việt Nam và sở hữu Vinfast Singapore.  

– Nhưng về pháp lý rõ ràng VinFast Singapore là doanh nghiệp nước ngoài. Có ý kiến cho là những ưu đãi đặc biệt từ Nhà nước dành cho VinFast từ trước tới nay sẽ nghiễm nhiên chuyển thành lợi nhuận chuyển ra nước ngoài, thưa bà? 

Ý kiến như vậy là thiếu thông tin và thiếu hiểu biết. Thực tế, VinFast không được hưởng bất kỳ ưu đãi đặc biệt nào từ Nhà nước. Tất cả những gì chúng tôi được hưởng là theo chính sách ưu đãi chung áp dụng cho tất cả doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp FDI có dự án đầu tư trong khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng). Do vậy, dù là pháp nhân Việt Nam hay nước ngoài – cũng không có gì thay đổi về quyền lợi hay nghĩa vụ đang có.

– Còn nghĩa vụ thuế của VinFast với Nhà nước Việt Nam thì sao, có ý kiến cho rằng VinFast chuyển đổi nhằm né mức thuế cao và chuyển thành doanh nghiệp FDI để tranh thủ được nhiều lợi ích hơn từ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Bà nói sao về điều này?

Việc tái cơ cấu để chuyển đổi sở hữu VinFast Việt Nam thông qua VinFast Singapore không làm thay đổi việc VinFast Việt Nam vẫn là pháp nhân tại Việt Nam. Tất cả các nghĩa vụ pháp lý và nghĩa vụ thuế của VinFast hoàn toàn không thay đổi, bao gồm thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt… Chúng tôi vẫn phải tuân thủ đầy đủ luật pháp cũng như đóng thuế tại Việt Nam. Về việc tranh thủ lợi ích khi là doanh nghiệp FDI thì càng không có, vì pháp luật Việt Nam đối xử bình đẳng, không có phân biệt gì giữa doanh nghiệp nội hay ngoại.

– Dù thế nào thì người dân 3 xã ở Hải Phòng cũng đã phải nhường lại đất tổ tiên để VinFast làm nhà máy, nay VinFast thuộc sở hữu của một công ty nước ngoài thì sự hy sinh đó sẽ trở thành vô nghĩa, thưa bà?

Thứ nhất, nhà máy hiện tại của VinFast tại Hải Phòng được xây dựng chủ yếu trên đầm lầy biển và đất nuôi trồng thủy sản, làm muối trước đó, nay thuộc Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Thứ hai, đây là khu quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, đã được nhà nước thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng. Ban Quản lý Khu kinh tế giao lại cho các nhà đầu tư cả Việt Nam cả FDI triển khai dự án, trong đó có VinFast. Thứ ba, quan trọng hơn là VinFast vẫn thuộc sở hữu của Vingroup và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam nên sao có thể nói là nước ngoài được!

Thực hư việc VinFast nhận biệt đãi trong nước, đóng thuế cho nước ngoài?

Sản nghiệp và tương lai của Vingroup là tại Việt Nam

– Cũng có ý kiến cho rằng VinFast chịu sức ép của các nhà đầu tư nước ngoài, buộc phải tái cấu trúc theo yêu cầu của họ để không phải chịu thêm thuế thu nhập cá nhân khi chia lợi nhuận và chia cổ tức, thưa bà?

Chúng tôi không có bất kỳ sức ép nào cả vì khi IPO tại Mỹ, VinFast sẽ chỉ bán từ 5 – 10% cổ phần, tức là nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ nắm giữ tối đa 10% vốn điều lệ công ty. Còn việc nộp thuế thì thực tế khi có phát sinh lợi nhuận, trước tiên VinFast phải nộp thuế tại Việt Nam theo quy định. Nếu có chuyển lợi nhuận về VinFast Singapore thì VinFast Singapore lại phải chia cho các cổ đông của mình, tức là Vingroup và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam. Do đó, chúng tôi không nhìn thấy có điểm tối ưu về thuế nào trong việc này.

– Công phu vòng vo, chịu thiệt đơn thiệt kép như vậy có phải vì mục tiêu quan trọng là chuyển toàn bộ sản nghiệp của Vingroup ra nước ngoài không, thưa bà?

Các cổ đông chính của chúng tôi đã ở nước ngoài hơn 20 năm rồi, và đã chuyển phần lớn tài sản của mình về quê cha đất tổ đầu tư. Mong muốn của chúng tôi là tạo ra một thương hiệu Việt Nam đẳng cấp cao trên thế giới, vậy tại sao chúng tôi lại phải chuyển sự nghiệp của Vingroup ra nước ngoài? Theo anh ý kiến này có phải quá ngây ngô không?

– Như bà nói thì việc chuyển đổi của VinFast không mang lại lợi ích nào về thuế, phí, ưu đãi, cũng không phải mục tiêu chuyển cơ nghiệp ra nước ngoài, trong nước Chính phủ và nhân dân lại rất ủng hộ. Vậy tại sao VinFast lại nhất quyết chuyển đổi thành VinFast Singapore?

Chính vì được Chính phủ và nhân dân yêu thương, ủng hộ nên chúng tôi càng phải nỗ lực để VinFast lớn hơn, mạnh hơn và có khả năng đưa thương hiệu Việt đi xa hơn trên trường quốc tế. Việc tái cấu trúc VinFast cũng như IPO không có một mục tiêu nào khác ngoài việc thu hút nguồn vốn dồi dào từ thị trường tài chính lớn nhất thế giới, kết nối đầu tư công nghệ và kỹ thuật để phát triển VinFast theo đúng tầm nhìn và định hướng đã đặt ra.

Tuy nhiên, để có thể niêm yết tại Mỹ, VinFast phải thực hiện việc niêm yết qua VinFast Singapore vì mặc dù quy định của pháp luật Việt Nam cho phép một doanh nghiệp Việt Nam được IPO ở nước ngoài, bao gồm cả tại Mỹ, nhưng lại chưa có đủ các quy định chi tiết và và sự liên thông pháp lý với thị trường Mỹ trong khi Singapore là nước đã có sự liên thông như vậy như vậy. Đây thuần túy chỉ là giải pháp kỹ thuật để IPO chứ không thay đổi chủ sở hữu.

Một lần nữa, chúng tôi khẳng định tầm nhìn của VinFast là phải trở thành thương hiệu toàn cầu, do vậy IPO tại Mỹ trước hết là để hiện thực hóa tầm nhìn này, sau đó là mở rộng kênh huy động vốn và hợp tác công nghệ. Chúng tôi tin rằng, đó cũng là kỳ vọng mà Chính phủ cũng như người dân Việt Nam gửi gắm vào VinFast. 

Xin cảm ơn bà!

Các ưu đãi DN được hưởng khi đầu tư vào khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng) trong đó có VinFast

Thuế thu nhập doanh nghiệp: Được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% áp dụng trong 15 năm, kể từ khi dự án bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh. Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo.

Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: Doanh nghiệp không phải chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong các trường hợp sau:

– Hàng hóa từ khu phi thuế quan xuất khẩu ra nước ngoài.

– Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan.

– Hàng hóa đưa từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác.

Thuế giá trị gia tăng (VAT)

Hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau tại Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải không phải chịu thuế VAT. Đồng thời, hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng trong khu phi thuế quan được áp dụng mức thuế suất VAT bằng 0%.

Thuế tiêu thụ đặc biệt

Miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho nhiều loại hàng hoá hập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan; Hàng hoá từ nội địa bán vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; Hàng hoá được mua bán giữa các khu phi thuế quan với nhau, trừ xe ôtô chở người dưới 24 chỗ.

Minh Tuấn