Seite auswählen

Ảnh minh họa: Trụ sở của Phủ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tại Genève, Thụy Sĩ. © FABRICE COFFRINI/AFP

Trong vòng ba ngày liên tiếp, chính quyền Việt Nam ra nhiều bản án tù nặng nề đối với bốn nhà bảo vệ nhân quyền. Hôm qua, 17/12/2021, Phủ Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) kêu gọi chính quyền Việt Nam « trả tự do ngay lập tức » cho những người vừa bị kết án.

Trả lời báo giới tại Genève, phát ngôn viên của Phủ Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, bà Ravina Shamdasani, nhấn mạnh Liên Hiệp Quốc « vô cùng lo lắng trước bản án khắc nghiệt đối với những người bảo vệ nhân quyền và quyền đất đai bị kết tội tuyên truyền chống Nhà nước ở Việt Nam ».

Nhà báo Phạm Đoan Trang bị kết án 9 năm tù trong một phiên tòa tại Hà Nội hôm 14/12. Trong hai ngày sau đó, đến lượt ba nhà tranh đấu « nổi tiếng » khác bị kết án vì tội chống Nhà nước. Ngày 15/12, ông Trịnh Bá Phương bị phạt 10 năm tù với 5 năm quản chế và bà Nguyễn Thị Tâm, 6 năm tù với 3 năm quản chế. Ông Đỗ Nam Trung bị kết án 10 năm tù, 4 năm quản chế. Cả bốn nhà tranh đấu đều bị kết án theo điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015 của Việt Nam, liên quan đến việc « Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ».

Ngày 31/12, đến lượt nhà báo Lê Trọng Hùng, người có ý định ra ứng cử đại biểu Quốc Hội, bị bắt hồi tháng 3/2021, sẽ bị xét xử với tội danh tương tự.

Các bản án gây lo sợ, « khuyến khích không khí tự kiểm duyệt » trong nước

Phủ Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đặc biệt lưu ý là các bản án nói trên « góp phần tạo ra bầu không khí tự kiểm duyệt trong nước, khiến người dân lạnh nhạt với tự do truyền thông », « ngăn cản mọi người thực hiện các quyền cơ bản, và tham gia vào các cuộc tranh luận công khai về những vấn đề quan trọng » của đất nước.

Thông cáo báo chí của Phủ Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh : « Các cáo buộc chống lại năm người này, những người đã có các báo cáo về nhân quyền và quyền đất đai, bị bắt trong năm 2020 và 2021, dường như là một phần của chiến dịch nhằm bịt ​​miệng và đe dọa những người lên tiếng bảo vệ nhân quyền ». Theo Phủ Cao Ủy Nhân Quyền, các nhà tranh đấu đã « bị giam giữ trong một thời gian dài trước khi xét xử và hoàn toàn không được liên lạc với bên ngoài, bị truy tố với tội danh mơ hồ là “tuyên truyền chống Nhà nước”, bị từ chối tiếp cận với luật sư », « các phiên tòa xét xử kín không tôn trọng các tiêu chuẩn xét xử công bằng quốc tế ».

Kêu gọi của Liên Hiệp Châu Âu

Trước đó, ngày 16/12/2021, Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi trả tự do cho nhà báo Việt Nam Phạm Đoan Trang. Cơ quan Ngoại Giao của Liên Âu ra thông cáo nhấn mạnh, việc chính quyền Việt Nam trừng phạt bà Phạm Đoan Trang vì các hoạt động truyền thông ôn hòa bảo vệ các quyền dân sự và chính trị « là vi phạm các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người của Việt Nam, đặc biệt là Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam tham gia từ năm 1982 ».

Liên Hiệp Châu Âu cũng kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho các nhà hoạt động nhân quyền Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Đỗ Nam Trung và « cho tất cả những người bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ tùy tiện và bảo đảm quyền được xét xử công bằng cho mọi cá nhân ».

RFI (18.12.2021)

 

 

Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết liên quan đến công nhân Việt bị cưỡng bức ở Serbia

Công nhân Việt Nam và lực lượng an ninh tại khu vực ký túc xá của nhà máy lốp xe Trung cộng đầu tiên tại Serbia ở Zrenjanin, Serbia.

Nghị viện châu Âu vừa thông qua một nghị quyết bày tỏ quan ngại về tình trạng lao động cưỡng bức đối với công nhân Việt Nam tại nhà máy lốp xe Trung cộng Linglong ở Serbia.

Nghị quyết được thông qua hôm 16/12 với đa số áp đảo, trong đó có 586 phiếu thuận, 53 phiếu chống và 44 phiếu trắng.

Nghị quyết nhấn mạnh mối quan ngại của Nghị viện về các cáo buộc lao động cưỡng bức, vi phạm nhân quyền và buôn người đối với khoảng 500 công nhân Việt Nam tại nhà máy lốp xe Linglong do Trung cộng làm chủ ở Zrenjanin, miền bắc Serbia.

Nghị quyết kêu gọi các nhà chức trách Serbia điều tra vụ việc một cách cẩn thận và đảm bảo tôn trọng các quyền cơ bản của con người trong nhà máy, đặc biệt là quyền lao động, cung cấp cho EU kết quả điều tra và buộc các thủ phạm phải chịu trách nhiệm.

Lưu ý về việc Serbia đang “cấp cho Trung cộng và các nhà công nghiệp Trung cộng ngày càng nhiều đặc quyền hợp pháp trong nước, ngay cả khi những đặc quyền này trái với luật của EU”, Nghị viện châu Âu bày tỏ quan ngại về những ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung cộng ở Serbia và trên toàn vùng Tây Balkan nói chung.

Nghị viện kêu gọi Serbia với tư cách là một quốc gia ứng cử viên của EU hãy “cải thiện cho phù hợp với luật lao động của EU và tuân thủ các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế liên quan mà nước này đã phê chuẩn”.

Các nghị viên châu Âu cũng nhấn mạnh rằng đây không phải là một nghị quyết chống lại Serbia và người dân Serbia, mà là một lời cảnh báo đối với chính phủ Serbia khi nước này đang muốn trở thành thành viên của EU.

Tháng trước, các tổ chức phi chính phủ của Serbia đưa ra một báo cáo cho thấy tình trạng bóc lột và có thể liên quan đến buôn người đối với khoảng 500 công nhân Việt Nam được thuê mướn làm việc cho nhà máy sản xuất lốp ô tô đầu tiên của Trung cộng tại châu Âu.

Báo cáo cho biết các công nhân Việt Nam đã được đưa sang Serbia qua công ty môi giới với giá từ 2.200 đến 4.000 đô la. Sau đó, họ được Tập đoàn Kỹ thuật Năng lượng Trung cộng Tianjin Electric Power Construction thuê, với hợp đồng không có ngày bắt đầu và thanh toán bằng tiền mặt.

Họ phải làm việc theo ca 9 tiếng/ngày, 26 ngày/tháng và tất cả chi phí trang bị bảo hộ cá nhân đều bị trừ vào tiền lương. Nếu làm không đủ ngày, họ sẽ bị mất toàn bộ tiền lương tháng. Nếu đi làm muộn, họ có nguy cơ bị mất tiền lương cả ngày. Hộ chiếu của các công nhân đều bị tịch thu.

Mặc dù các nhà chức trách Serbia khẳng định điều kiện làm việc của họ vẫn ổn, nhưng các cuộc điều tra độc lập cho thấy những điều khoản trong hợp đồng mà công nhân Việt Nam ký với nhà thầu phụ của Công ty Shandong Linglong Tire của Trung cộng là vi phạm luật lao động của Serbia, từ điều khoản về giờ làm việc cho đến ngày nghỉ và các hình phạt về tài chính.

VOA (18.12.2021)

 

 

Việt Nam mở rộng đàn áp bất đồng chính kiến

Tòa án Việt Nam tuyên các bản án nặng đối với nhà hoạt động nhân quyền với cáo buộc tuyên truyền chống phá nhà nước 

Tòa án tại Việt Nam hôm thứ Năm đã tuyên án một nhà hoạt động nhân quyền 10 năm tù giam. Đây là nhà bất đồng chính kiến thứ tư đã kết án tù nặng trong ba ngày qua. Các nhà vận động cho rằng đây là việc gia tăng đàn áp của chính quyền cộng sản đối với bất đồng chính kiến ôn hòa.

Ông Đỗ Nam Trung, 40 tuổi, bị tòa án tỉnh Nam Định kết tội tuyên truyền chống nhà nước. Sau khi kết thúc án tù, ông Trung sẽ bị quản chế 4 năm tại gia. Trong hơn hai thập niên qua, ông Trung đã tham gia các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường và chống Trung cộng, đồng thời đăng trên mạng những ý kiến chỉ trích chính phủ tham nhũng và nghi ngờ gian lận tại các trạm thu phí trên đường cao tốc ởViệt Nam.

Trước đó, ông Trung đã bị giam 14 tháng vào năm 2014 khi đang chụp ảnh và quay phim một cuộc biểu tình chống Trung cộng vốn là một vấn đề nhạy cảm về chính trị ở Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền có quan hệ hữu nghị với ĐCSTQ nhưng người dân Việt Nam lại nghi ngờ Trung cộng khiến các cuộc biểu tình nổ ra và dẫn đến tình trạng bất ổn.

Hôm thứ Ba, tòa thủ đô Hà Nội đã kết án Phạm Đoan Trang, một trong những nhà hoạt động nổi tiếng nhất của Việt Nam, chín năm tù – nhiều hơn mức do các viện kiểm sát yêu cầu – vì tuyên truyền chống nhà nước.

Hôm thứ Tư, Trịnh Bá Phương, 36 tuổi và Nguyễn Thị Tâm, 49 tuổi, lần lượt bị kết án 10 và sáu năm tại Hà Nội vì có cáo buộc chống phá nhà nước. Ông Trịnh Ba Phương và bà Nguyễn Thị Tâm đã tham gia vào các cuộc biểu tình về quyền sử dụng đất đai.

“Họ nghĩ rằng khi họ bắt giữ tất cả những nhà hoạt động nổi tiếng như bốn người này, họ có thể bịt miệng tất cả các nhà hoạt động,” ông Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động nổi tiếng, nói với Financial Times. “Họ đang gửi một thông điệp rất rõ ràng rằng công an, có thể bắt giữ bất kỳ ai.”

Chính phủ Việt Nam đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Một nhà vận động nhân quyền nhận xét rằng các bản án trong tuần này là chính phủ Việt Nam muốn bịt miệng những người bất đồng chính kiến vào thời điểm cộng đồng quốc tế đang tập trung vào đại dịch.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam đang cố gắng xóa bỏ phong trào bất đồng chính kiến như hiện nay. Họ đang cố bắt giam các nhà hoạt động còn lại để khi thế giới hết bận tâm về Covid-19, thì họ sẽ chỉ thấy khởi đầu mới.”

Lê Trọng Hùng, một nhà bất đồng chính kiến khác đã bị bắt, sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 31 tháng 12.

Nguồn: Financial Times

VNTB (18.12.2021)

 

 

Liên Hiệp Quốc lên án các phiên toà xử những nhà hoạt động ở Việt Nam liên tiếp trong tháng 12

Những nhà hoạt động vừa bị kết án trong tháng 12/2021  Photo: RFA

Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 17/12/2021 ra thông cáo báo chí lên án các phiên toà dồn dập và các bản án nặng nề mà chính quyền Việt Nam dành cho các nhà hoạt động và nhà báo ở Việt Nam trong tháng 12 năm nay, đồng thời kêu gọi Hà Nội phải trả tự do ngay lập tức cho những người này.

Liên tiếp trong vòng ba ngày của tuần này, các toà án ở Việt Nam đã kết án bốn nhà hoạt động vì quyền con người bao gồm: Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm và Đỗ Nam Trung với các cáo buộc tội tuyên truyền chống Nhà nước.

Cụ thể, nhà báo Phạm Đoan Trạng bị tuyên án tù chín năm và năm năm quản chế sau hơn một năm giam giữ để điều tra; Trịnh Bá Phương – nhà hoạt động vì quyền đất đai – bị tuyên án tù 10 năm và năm năm quản chế trong cùng một phiên toà với bà Nguyễn Thị Tâm – người bị tuyên án sáu năm tù và ba năm quản chế; Đỗ Nam Trung – nhà hoạt động từng lên tiếng phản đối các trạm thu phí đường bộ BOT đặt sai quy định và tham nhũng – bị tuyên án 10 năm tù và bốn năm quản chế.

Trong khi đó, ông Lê Trọng Hùng, người từng ứng cử vào ghế đại biểu Quốc hội, cũng sẽ bị ra toà vào ngày 31/12 tới đây với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước.

Các cáo buộc chống lại năm người này, những người đã báo cáo về quyền con người và quyền đất đai và bị bắt giữ vào các năm 2020 và 2021, dường như là một phần trong một chiến dịch nhằm làm im lặng và đe doạ những người dám lên tiếng bảo vệ quyền con người”, thông cáo báo chí của UN viết.

Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhận định tiếp: “Tất cả các trường hợp này là nối tiếp một tình trạng lặp lại đáng lo ngại làm dấy lên vấn đề nghiêm trọng về việc suy đoán vô tội, tính pháp lý trong việc giam giữ họ, và sự công bằng của phiên toà. Có tình trạng giam giữ mà không không được tiếp xúc với bên ngoài trước khi xét xử, kết án với tội danh được định nghĩa mù mờ như “tuyên truyền chống Nhà nước”, từ chối không cho tiếp xúc với luật sư, xét xử kín không tuân thủ các tiêu chuẩn về xét xử công bằng của quốc tế”

Nhận định về việc Hà Nội dồn dập mở các phiên toà xét xử những nhà hoạt động trong tháng 12 với các bản án nặng nề, nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung ở TPHCM trả lời RFA qua tin nhắn:

Theo tôi có hai lý do chính quyền xử án những người đấu tranh dân chủ liên tục vào cuối năm, thứ nhất, cuối năm ngành công an cần chốt sổ, chốt thành tích để làm chiến công báo cáo và thứ hai các Tòa đại sứ, bộ ngoại giao các nước cũng tập trung nghỉ lễ Giáng Sinh và Năm Mới nên sẽ không có khả năng phản ứng.

Còn việc chính quyền xử án rất nặng những người đấu tranh dân chủ, theo tôi lý do chính là để răn đe những người đấu tranh khác, răn đe những ai đang muốn tham gia vào phong trào dân chủ. Một lý do nữa là chính quyền Việt Nam tự tin là các nước dân chủ cần Việt Nam đối trọng với Trung Cộng, vấn đề nhân quyền là thứ yếu nên họ vẫn xử án nặng, cũng là để người dân VN đừng hy vọng gì vào sự can thiệp quốc tế về vấn đề nhân quyền. Một điểm nữa là Bộ Công an muốn chứng tỏ uy quyền tuyệt đối so với Bộ Ngoại giao.”

Cao uỷ Nhân quyền LHQ trong thông cáo mới cũng kêu gọi Việt Nam huỷ bỏ các điều luật mù mờ dùng để kết án những người bất đồng chính kiến vì không phù hợp với thông lệ về nhân quyền của quốc tế, đồng thời cảnh báo những trường hợp kết án như vậy chỉ làm xấu thêm tình trạng tự kiểm duyệt và ảnh hưởng tới tự do báo chí.

“Các trường hợp như vậy cũng ngăn cản người dân thực hiện các quyền căn bản của mình và tham gia vào tranh luận công khai về các vấn đề quan trọng”, thông cáo báo chí của UN viết.

RFA (17.12.2021)

 

 

Huỳnh Thục Vy – Phạm Đoan Trang và những bất cập của Pháp chế Xã Hội Chủ Nghĩa

Đào Tăng Dực

Trên diễn đàn quốc tế, tháng 10 vừa qua, Thủ Tướng CSVN Phạm Minh Chính minh thị xác nhận, dưới quan điểm của Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa mà ông đang chủ trì tại Việt Nam thì: Nhân quyền chỉ đơn thuần là đủ cơm ăn và áo mặc.

 

 

Tuyên bố trên tuy rất “trần tục” nhưng không đáng ngạc nhiên. Phạm Minh Chính, dù tô son trét phấn, cũng chỉ là một đảng viên công an, được huấn luyện trong trường đảng theo truyền thống Đệ Tam Quốc Tế. Nhân dân chỉ là những súc vật trong một nông trại do đảng cai quản. Nhân quyền căn bản duy nhất là được cho ăn, không đến nỗi lõa lồ và không cần nhân quyền nào khác.

 

Khái niệm “thủ tục pháp lý công bằng” (due process) trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền không hề hiện hữu trong tâm thức của Phạm Minh Chính. Thủ tục này quy định rằng, nhà nước phải tôn trọng tất cả những quyền lợi pháp lý của người dân và bảo vệ con người cá thể khi đối diện với quyền lực nhà nước.

Các điều 9 và điều 10 của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc năm 1948 minh thị quy định rằng:

Điều 9: “Không ai có thể bị bắt bớ, giam giữ hay lưu đày một cách độc đoán”.

Điều 10: “Mọi người đều có quyền được xét xử hoàn toàn như nhau một cách công bình và công khai, bởi một tòa án độc lập và không thiên vị, để phán quyết về những quyền lợi và trách nhiệm của mình, và để phán xét về những cáo buộc có tính cách hình luật đối với đương sự.”

CSVN đã vi phạm các điều trên một cách nghiêm trong trong trường hợp các Cô Phạm Đoan Trang và Huỳnh Thục Vy cũng như nhiều nhân vật tranh đấu khác như Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm…

Phạm Đoan Trang bị bắt vào tháng 10 năm 2020. Tuy nhiên, Cô bị giam giữ trong khi công an điều tra cho đến mãi ngày 18 tháng 10 năm 2021 thì Viện Kiểm Sát Nhân Dân mới ban hành cáo trạng truy tố Cô về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại điều 88 Bộ luật hình sự 1999”.

Như vậy là trước khi bị tòa án kết tội, Cô đã phải ngồi tù khoảng một năm, tiếp tục ngồi tù cho đến ngày xử án 14 tháng 12, và khi bị kết án 9 năm tù giam, thì đến khi mãn án.

 

Cô ngồi tù chiếu theo điều 120 bộ Luật Tố Tụng Hình Sự, quy định thời hạn tạm giam điều tra có thể từ 3 tháng đến 16 tháng. Điều này vi phạm trắng trợn điều 9 của bản TNQTNQ.

Nhưng tại Úc Đại Lợi, cũng như Hoa Kỳ, theo hiến pháp, hình luật phần lớn thuộc thẩm quyền của các tiểu bang. Tại New South Wanes, là tiểu bang lớn nhất Úc Đại Lợi. Cảnh sát chỉ có quyền giam giữ một nghi can tối đa 6 giờ trong thời gian điều tra. Trong trường hợp cần thiết, phải có lệnh của tòa án, cảnh sát mới được giam giữ thêm 6 giờ nữa. Nếu không hội đủ yếu tố để truy tố trong thời gian quy định, cảnh sát bắt buộc phải trả tự do cho nghi can.

Ngoài ra, Sắc Luật Tại Ngoại Hầu Tra năm 2013 (Bail Act 2013) còn giả định rằng mọi nghi can sẽ được xét cho tại ngoại hầu tra (presumption of bail), trừ các tội hình sự nghiêm trọng có yếu tố tình dục, bạo động và có võ khí sát thương. Nghi phạm các trọng tội này vẫn có thể được tại ngoại hầu tra nhưng phải chứng minh các yếu tố sau đây:

  1. Sẽ không trốn ngày ra tòa;
  2. Sẽ không gây trọng án thêm;
  3. Sẽ không gây nguy hiểm cho nạn nhân, cá nhân hay cộng đồng hoặc;
  4. Ảnh hưởng đến các nhân chứng hay chứng cớ.

 

Tại ngoại hầu tra là một quyền nền tảng giúp một bị cáo có rộng quyền tổ chức bào chữa cho mình, trước sức mạnh áp đảo của nhà nước.

Thành ngữ pháp trị tây phương có câu “Công lý bị trì hoãn là công lý bị khước từ” (Justice delayed is justice denied)

Sự kiện cô Phạm Đoan Trang, nhiều nhà tranh đấu và những nạn nhân khác của Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa, bị giam cầm lâu như thế, trước khi bị truy tố, không được tại ngoại hầu tra, đều là nạn nhân của sự khước từ công lý tại Việt Nam.

 

***

 

Trường hợp cô Huỳnh Thục Vy tiêu biểu cho một bất cập quan trọng nữa của Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa.

Khi tòa án Nhân Dân, Thị Xã Buôn Hồ, Đắk Lắk, ngày 30 tháng 11 năm 2021 ra quyết định gồm 2 điểm chính:

  1. Hủy quyết định hoãn chấp hành án phạt tù ngày 18 tháng 10, năm 2019 và
  2. Quyết định thi hành án hình phạt ngày 4 tháng 1, năm 2019.

Hai điều trên, chỉ bằng một quyết định hành chính đơn phương của tòa. Điều này cho thấy tòa đã vi phạm nghiêm trọng một nguyên tắc pháp lý nền tảng: đó là một tòa án (như một phần của tư pháp), khác với một cơ quan hành chánh (là một phần của hành pháp), không thể đưa ra một quyết định mà chỉ có thể đưa ra một án lệnh, sau khi đã công khai đăng đàn xử án. Trên nguyên tắc, quyết định ngày 30 tháng 11, trong bản chất phải là một án lệnh mới, hủy bỏ một án lệnh trước của tòa ngày 18 tháng 10 năm 2019.

 

Điều này đòi hỏi sự đăng đàn cho một phiên xử mới, trong đó Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao phải đưa ra những những chứng cớ Huỳnh Thục Vy vi phạm nghiêm trọng đến mức độ nào để phải hủy bỏ một án lệnh trước. Bên bị cáo cũng phải có luật sư, cơ hội biện hộ và đưa ra những dữ kiện đối chứng cần thiết. Đồng thời, vì đây là một phiên xử hầu hủy bỏ một án lệnh của một tòa án cấp thấp, thì Viện Kiểm Sát cần phải xin xử phúc thẩm ở một cấp tòa cao hơn. Chính vì thế, quyết định ngày 30 tháng 11 vừa qua, trong một chế độ pháp trị chân chính, không có giá trị pháp lý và vô hiệu lực.

Nêu trên là một nguyên tắc bình thường trong một nền dân chủ pháp trị. Tuy nhiên các thẩm phán CSVN, như Chử Phương Ngọc hay Nguyễn Văn Anh, một phần vì thiếu kiến thức luật pháp, một phần vì xuất thân từ hàng ngũ đảng viên chỉ biết tuân lệnh đảng, một phần vì Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa chỉ là độc tài công an trị, nên hành xử tùy tiện, phi nguyên tắc, đạp trên đầu cổ những người dân thấp cổ bé miệng.

Nêu trên chỉ là một vài trong vô số bế tắc của Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa. Lối thoát duy nhất của dân tộc là đạp đổ bạo quyền hầu xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên cho toàn dân.

Đào Tăng Dực

Tiếng Dân (18.12.2021)

 

 

Nhân quyền Việt Nam: Tại sao phương Tây và Mỹ ‘mềm mỏng’ với Hà Nội?

Sau khi chính quyền Việt Nam tiếp tục mở các phiên tòa kéo dài nửa ngày xét xử các nhà bất đồng chính kiến với án tù nặng, một số nhà quan sát quốc tế đã chỉ ra rằng có vài nguyên nhân mấu chốt khiến Mỹ và phương Tây nhẹ tay với nhân quyền Việt Nam.

Một số nhà quan sát cho rằng “Tầm quan trọng chiến lược của Hà Nội đối với Hoa Kỳ và các đồng minh đã cho phép Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều không gian hơn trong việc bịt miệng những người chỉ trích.”

Tầm quan trọng chiến lược của VN

Trong bài phân tích mới đây trên The Diplomat, David Hutt nhắc lại việc nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt tháng 10/2020 đúng vào ngày cuối cùng của cuộc thảo luận nhân quyền và tự do ngôn luận Mỹ – Việt và cho rằng việc này không khiến giới phê bình – những người từng cáo buộc các chính phủ phương Tây đã không làm gì để phản đối hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam – ngạc nhiên.

Việt Nam hiện là bạn thân của phương Tây vì có chung lập trường chống lại sự xâm lược của Bắc Kinh ở Biển Đông, cũng như tầm quan trọng về kinh tế và vị trí then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu của nước này, David Hutt phân tích.

Tuyên bố ngầm mà nhiều chính phủ phương Tây đưa ra là khi họ hợp tác nhiều hơn với Việt Nam, và khiến nước này ngày càng phụ thuộc vào các quan hệ kinh tế với phương tây, họ sẽ có thêm đòn bẩy để gây áp lực buộc Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) phải cải cách chính trị có chủ đích.

NGUỒN HÌNH ẢNH,OTHER Chụp lại hình ảnh, Các nhà bất đồng chính kiến đã và sẽ được đưa ra xét xử từ nay đến cuối năm 2021: (từ trái qua) Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm

Nhưng cái gọi là “thay đổi thông qua thương mại” đã không hiệu quả. Khi thương mại của phương Tây với Việt Nam gia tăng, các quyền chính trị ở Việt Nam trở nên tồi tệ hơn, vẫn theo David Hutt.

Liên tiếp từ 14-16/12, Việt Nam bỏ tù 4 nhà hoạt động, trong đó có Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, với án tù từ 6 – 10 năm.

Hiện có khoảng khoảng 170 tù nhân lương tâm hiện đang bị giam giữ tại Việt Nam, một con số cao kỷ lục trong lịch sử gần đây, theo số liệu năm 2020 của Tổ chức Ân xá Quốc tế. Trong khi Dự án 88 khẳng định rằng hiện có 217 nhà hoạt động trong tù và 306 người khác đang gặp nguy hiểm.

Freedom House, trong cuộc khảo sát mới nhất về các quyền chính trị trên toàn thế giới, đã hạ bậc Việt Nam xuống 19/100, thấp thứ hai ở Đông Nam Á, sau Lào – cũng là nước cộng sản.

Phil Robertson, Phó giám đốc Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói bản án dành cho Phạm Đoan Trang là ” một bản cáo trạng nhức nhối… của Việt Nam độc tài. “

Trong khi đó, Bill Hayton, một cựu phóng viên tại Việt Nam và hiện đang làm việc cho Chatham House, được trích lời trong bài viết của David Hutt, nói rằng bản án tù dành cho bà Đoan Trang là ‘ngón tay thối’ của Bộ Công an Việt Nam cho Hoa Kỳ và những nước khác từng chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.”

“Ban lãnh đạo Việt Nam biết rằng họ có thể bỏ tù những nhà hoạt động như Trang vì Việt Nam đã trở thành một thành phần quan trọng trong chiến lược của các cường quốc bên ngoài ở Đông và Đông Nam Á,” theo lời ông Bill Hayton.

‘Mỹ ưu tiên địa chính trị hơn các giá trị khác’?

Joshua Kurlantzick, nhà nghiên cứu về Đông Nam Á ở Council on Foreign Relations (CFR), Washington, DC, nói với BBC News Tiếng Việt rằng tầm nhìn chiến lược đang là ưu tiên hàng đầu.

“Mặc dù chính quyền Hoa Kỳ, ở một mức độ nào đó, sẽ tập trung vào nhân quyền, nhưng tôi không nghĩ đó sẽ là ưu tiên trong quan hệ với Việt Nam, bởi vì các khía cạnh chiến lược của mối quan hệ Việt – Mỹ ở thời điểm này vượt trội hơn hầu hết các vấn đề khác, bao gồm cả vấn đề nhân quyền.”

Phil Robertson, từ Human Rights Watch, cũng cho BBC hay rằng căng thẳng Mỹ – Trung có tác động tới cách Hoa Kỳ và Việt Nam giao thiệp.

“Khi quan hệ kiểu chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung cộng ngày càng xấu đi, Việt Nam đang chơi một trò chơi khôn ngoan bằng cách thu hút đảm bảo an ninh từ Mỹ, đồng thời gạt bỏ những chỉ trích của chính phủ Mỹ về nhân quyền.”

“Hoa Kỳ cần khẩn trương hành động để đảo ngược xu hướng này, và cần nói rằng nên có những cải thiện nghiêm túc đối với nhân quyền, dân chủ và quản trị tốt ngay từ bây giờ để giúp cho cả nhà nước Việt Nam và người dân Việt Nam,” ông Phil Robertson cho biết quan điểm.

Còn theo David Hutt, sự xuống dốc của nhân quyền tại Việt Nam liên quan đến các chính sách cứng rắn hơn được đưa ra sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giành vị thế tại Đại Hội đại biểu toàn quốc năm 2016.

Chính sách này được duy trì cho tới nay – sau khi ông Trọng giành được nhiệm kỳ thứ ba tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 vào tháng Giêng.

Tuy nhiên, theo David Hutt, “quá dễ dàng để đổ lỗi cho ông Trọng, vì nếu vậy có nghĩa người ta mặc định rằng Phương Tây thực hiện phương pháp ‘thay đổi thông qua thương mại’ với Việt Nam từ trước năm 2016. Nhưng không phải vậy.”

“Phải thừa nhận rằng trong những năm trước năm 2016, ĐCSVN bắt giữ ít nhà hoạt động hơn. Nhưng các chính sách cứng rắn của ông Trọng đã tồn tại trong Đảng rồi. Thương mại tăng với Hoa Kỳ và Châu Âu rõ ràng không ngăn cản họ thực hiện chính sách này. Và các chính phủ phương Tây cũng chỉ dựa vào những lời hứa cải cách của Hà Nội, mà không cần đợi xem điều đó có thực sự xảy ra hay không,” David Hutt phân tích.

Về phía Mỹ, theo David Hutt, dù Tổng thống Biden tuyên bố chính sách đối ngoại của Mỹ dựa trên nền tảng dân chủ, nhưng lại đang thực hiện một cách tiếp cận hai hướng.

Việt Nam không được mời tham dự trong Thượng đỉnh dân chủ mới đây của Mỹ.

Nhưng cùng lúc đó, Việt Nam – nước có cùng quan điểm với Mỹ: coi Trung cộng là đối thủ – lại tránh được bị Mỹ trừng phạt do độc tài và vi phạm nhân quyền. Trong khi các quốc gia thân với Trung cộng hơn, như Campuchia, thì lại đang bị một loạt các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Các giá trị là quan trọng, nhưng chúng sẽ luôn là thứ yếu trong các mối quan tâm về địa chính trị của Hoa Kỳ, theo David Hutt.

Đời sống nước Mỹ đang xáo trộn

Trong cuộc trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt trước phiên tòa xét xử nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang, ông David Brown, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, nói rằng Mỹ hiện còn đang rối bời bởi các vấn đề nội bộ thì các nước khác có thể chờ mong gì được ở họ.

“Vai trò của Mỹ đối với vấn đề nhân quyền Việt Nam ư? Đời sống chính trị của Mỹ cũng đang xáo trộn, phần lớn là do hậu quả của bốn năm quản trị tồi tệ của những người theo chủ nghĩa Trump. Sự tôn trọng đối với các thể chế và sự lãnh đạo của Mỹ đã bị xói mòn nhiều.”

“Qua lịch sử của chúng ta, người Mỹ đã tự hào về việc trở thành tấm gương tốt. Điều đó bây giờ rất khó thực hiện. Cho đến khi Mỹ có thể tự điều chỉnh lại la bàn đạo đức của mình, không thể mong đợi họ gây ảnh hưởng như đã từng đối với các vấn đề thế giới. Tôi đã thất vọng vô cùng khi nhìn vào những thách thức do biến đổi khí hậu, do các hệ tư tưởng dân túy và do đại dịch hiện nay gây ra,” cựu nhân viên ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, David Brown, nói.

Giáo sư về quan hệ quốc tế Robert Sutter, từ Elliott School of International Affairs, Đại học George Washington, Hoa Kỳ, nói với BBC News Tiếng Việt hôm 17/11/2021 rằng nhân quyền vẫn là quan tâm của chính phủ Joe Biden.

“Ông Biden và đảng Dân chủ của ông rất quan tâm đến nhân quyền và dân chủ. Tuy nhiên, ông Biden cũng muốn mối quan hệ với Việt Nam tiến xa hơn vì họ có nhiều điểm chung. Vấn đề nhân quyền là quan trọng đối với chính quyền hiện nay nhưng nó không phải là trở ngại lớn để tăng cường quan hệ với Việt Nam.”

Quan điểm về nhân quyền của Việt Nam

Đầu tháng 12/2021, các báo VN đăng lời phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm về nhân quyền như sau:

“Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, đó là điều quan trọng nhất, phát huy tối đa yếu tố con người.

Đồng thời giữ vững ổn định chính trị. Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, không hy sinh an sinh xã hội, môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.”

Hôm cuối tháng 10/2021, khi nói chuyện với cộng đồng Việt tại Anh trong chuyến thăm đến Scotland dự hội nghị COP26, ông Chính nói:

“Nhân quyền lớn nhất là chúng ta ổn định chính trị. Để bảo vệ nhân quyền thì phải có pháp quyền, và chúng ta đang nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.”

BBC (17.12.2021)

 

 

Hàng loạt quốc gia phương Tây lên tiếng phản đối Việt Nam bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến

 AFP/ báo Bảo vệ pháp luật/ RFA edited

Hàng loạt các cơ quan ngoại giao của Mỹ, Canada, Liên Minh Châu Âu, Anh Quốc, và New Zealand… lên tiếng phản đối bản án mà chính quyền Việt Nam đưa ra đối với những nhà bất đồng chính kiến trong ba phiên tòa gần đây.

Úc thất vọng 

Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc hôm 17/12 đăng tải dòng trạng thái ngắn trên tài khoản Twitter của cơ quan này bày tỏ: “Australia thất vọng vì bà Phạm Đoan Trang – nhà báo và tác giả được quốc tế công nhận đã bị kết án 9 năm tù. 

Với tư cách là bạn thân và Đối tác chiến lược, Australia sẽ tiếp tục khuyến khích Việt Nam duy trì các cam kết về nhân quyền.

Hôm 14/12, Tòa án Hà Nội tuyên một bản án 9 năm tù đối với nhà báo Phạm Đoan Trang trong phiên tòa mà các luật sư đã chỉ ra các sai sót về mặt tố tụng. 

Anh: Bà Trang nhận “mức án 9 năm tù là vô cùng đáng lo ngại”

Hôm 15/12/2021, Tòa đại sứ Vương Quốc Anh tại Hà Nội đăng tải tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này trước kết quả phiên tòa. 

Bà Amanda Milling – Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Phát triển phụ trách khu vực châu Á của Anh, bày tỏ: 

Việc nhà báo Việt Nam Phạm Đoan Trang phải nhận mức án 9 năm tù là vô cùng đáng lo ngại. Bỏ tù các nhà báo chỉ vì họ bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa gửi thông điệp sai trái tới những người ủng hộ sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam.

Bà này cũng lặp lại quan điểm của Nhóm làm việc của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện, từng đưa ra về vụ bắt bà Trang là có tính chất tuỳ tiện và vi phạm các cam kết và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam về quyền con người. 

Quan chức ngoại giao của Anh Quốc gửi đi thông điệp mạnh mẽ và thẳng thắn khi kết luận rằng thông qua bản án mà nhà báo Phạm Đoan Trang phải chịu, thì chính quyền Việt Nam “gửi đi thông điệp chống lại quyền tự do ngôn luận.

Pháp lấy làm tiếc 

Trong cùng ngày, Người phát ngôn của Bộ Châu Âu và Ngoại giao Cộng hòa Pháp có tuyên bố bày tỏ, “lấy làm tiếc về việc nhà báo Phạm Đoan Trang đã bị kết án 9 năm tù”. 

Đồng thời, kêu gọi trả tự do cho nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng và cũng kêu gọi Hà Nội tôn trọng các cam kết quốc tế mà quốc gia Đông Nam Á đã tự nguyện tham gia. 

Liên Âu: “Việt Nam vi phạm các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người” 

Hôm 16 tháng 12, đến lượt cơ quan ngoại giao của Liên minh Châu Âu bày tỏ quan điểm chính thức sau chuỗi ba phiên tòa chính trị liên tiếp mà chính quyền Việt Nam thực hiện chỉ trong tháng cuối năm 2021. 

Cơ quan này gọi các bản án mà chính quyền Việt Nam áp đặt lên nhà báo Phạm Đoan Trang, các nhà hoạt động quyền đất đai gồm Nguyễn Thị Tâm và Trịnh Bá Phương, và nhà hoạt động chống “BOT bẩn” Đỗ Nam Trung, là “các phán quyết chống lại những người bảo vệ nhân quyền.” 

Người phát ngôn chính thức của Cơ quan chính sách đối ngoại EU Peter Stano cho rằng, việc bắt giữ tùy tiện người biểu tình ôn hòa và các nhà báo là “một điều trái ngược trực tiếp với luật nhân quyền quốc tế”, và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho những người này.

Phái đoàn Liên Âu tại Việt Nam đăng tải lại tuyên bố trên trang Facebook chính thức cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nhân quyền ở Việt Nam, và làm việc với các cơ quan chức năng nhằm cải thiện tình hình nhân quyền ở quốc gia độc đảng này. 

New Zealand quan ngại sâu sắc

Tòa án Hà Nội và Nam Định tuyên tổng cộng 35 năm tù giam đối với bốn nhà hoạt động ôn hòa, quốc gia mới nhất bày tỏ sự phản đối trước các bản án này là New Zealand. 

Hôm 17 tháng 12, Tòa đại sứ của quốc gia thuộc châu Đại Dương này cho biết họ bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các bản án mà bốn nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền trong các phiên toà ngày 14, 15, và 16 tháng 12. Và “phản đối mạnh mẽ việc bỏ tù những nhà hoạt động thể hiện ý kiến một cách ôn hòa.”

Việc chính quyền Việt Nam đem nhà báo Phạm Đoan Trang, các nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thị Tâm, Trịnh Bá Phương, và Đỗ Nam Trung ra xét xử và tuyên những bản án nặng nề từ 6 đến 10 năm tù, đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. 

Trước đó thì Hoa Kỳ và Canada, cùng với các tổ chức nhân quyền và các nhà xuất bản quốc tế cũng đã lên án các bản án mà chính quyền Việt Nam áp đặt lên những người bất đồng chính kiến. 

RFA (17.12.2021)

 

 

Các nhóm nhân quyền kêu gọi Việt Nam phóng thích bốn nhà hoạt động vừa bị tuyên án

Các nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Đỗ Nam Trung ra tòa từ ngày 14-16 tháng 12 2021, với mức án tổng cộng 35 năm tù. Photo chụp từ màn hình VTV, ANTV.

Hôm 16/12, các nhóm nhân quyền tại Hoa Kỳ đã kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho bốn nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm và Đỗ Nam Trung vừa bị tuyên án tổng cộng 35 năm tù trong ba ngày liên tiếp.

Hai tổ chức Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền cho rằng bốn nhà hoạt động này “hoàn toàn vô tội, họ chỉ thực hành những quyền căn bản được bảo đảm bởi Hiến pháp Việt Nam và Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế mà Việt Nam đã ký và cam kết tôn trọng.”

Từ California, ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban Điều hành của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, nói với VOA:

“Sau các vụ xử ba ngày liên tục ba vụ án lớn, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền cùng ra một bản lên tiếng chung để lên án việc xử án một cách bất công đối với những người tranh đấu ôn hòa như chị Phạm Đoan Trang, anh Trịnh Bá Phương, chị Nguyễn Thị Tâm và anh Đỗ Nam Trung.

“Họ tranh đấu một cách rất ôn hòa và đòi hỏi chính đáng. Họ bị kết án một cách bất công và bản án rất nặng. Rõ ràng hệ thống tư pháp của chính quyền Việt Nam là một công cụ để đàn áp những tiếng nói bất đồng mà thôi”.

“Chúng tôi yêu cầu phải thả ngay lập tức và vô điều kiện những người này cũng như những tù nhân lương tâm ở các trại tù,” ông Nguyễn Bá Tùng cho biết thêm.

Hai tổ chức này nhận định rằng việc xét xử diễn ra “vội vàng, không tuân thủ các thủ tục tố tụng hình sự của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế về một phiên toà công minh.”

Ngoài ra, các nhóm nhân quyền “khẩn thiết” kêu gọi các chính phủ có quan hệ ngoại giao và thương mại với Việt Nam “dùng các biện pháp chế tài mạnh mẽ nhất đối với chế độ độc tài toàn trị Việt Nam vì những vi phạm quyền con người một cách thô bạo qua các phiên tòa nêu trên để buộc Hà Nội nghiêm chỉnh thực thi các cam kết quốc tế về nhân quyền,” theo bản lên tiếng.

Hôm 16/12, Liên minh Châu Âu (EU) ra tuyên bố yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho bốn nhà hoạt động này, cho rằng “việc bắt giữ tùy tiện những người biểu tình ôn hòa và các nhà báo là một điều trái ngược trực tiếp với luật nhân quyền quốc tế”.

Trước đó, tổ chức Ân xá Quốc tế và Theo dõi Nhân quyền (HRW) cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích những nhà hoạt động này.

Riêng trường hợp của Phạm Đoan Trang, chính phủ các nước như Hoa Kỳ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Cộng hòa Czech, Australia, New Zealand… và nhiều tổ chức như Phóng viên Không biên giới (RSF), Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Hội các nhà xuất bản Quốc tế (IPA), Văn bút Quốc tế (PEN International)… đã lên tiếng phản đối bản án 9 năm tù và kêu gọi trả tự do cho bà.

Theo The 88 Project, một tổ chức nhân quyền khác tại Hoa Kỳ, tính đến tháng 12/2021, đã có 30 trường hợp nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền Việt Nam bị bắt và bỏ tù trong vòng một năm chỉ vì họ bày tỏ chính kiến bất đồng một cách ôn hòa. Theo hồ sơ của tổ chức này, kể từ năm 2019 đến nay, đã có tổng cộng 111 vụ bắt giữ các nhà hoạt động và 227 trường hợp ngược đãi khác tại Việt Nam.

Chính quyền Việt Nam luôn phủ nhận “cái gọi là tù nhân lương tâm” hay việc bắt bớ “những người hoạt động vì nhân quyền” và rằng chính quyền chỉ giam giữ, kết án những người “vi phạm pháp luật.”

VOA (17.12.2021)

 

Việt Nam kết án nhà hoạt động: LHQ và ngoại giao bốn nước G7 bất bình

NGUỒN HÌNH ẢNH,VNXPRESS Chụp lại hình ảnh, Bà Phạm Đoan Trang tại phiên tòa 14/12/2021 (ảnh chụp qua màn hình)

Ravina Shamdasani, người phát ngôn Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền, hôm 17/12 bày tỏ lo ngại về các vụ kết án tại Việt Nam mới đây đối với các nhà hoạt động xã hội.

Thông cáo nói: “Chúng tôi vô cùng lo lắng trước bản án khắc nghiệt đối với những người bảo vệ nhân quyền và đất đai bị kết tội truyền bá tuyên truyền chống Nhà nước ở Việt Nam.”

Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền chỉ ra rằng trong ba ngày của tuần này, bốn “nhà bảo vệ nhân quyền nổi bật” – Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Đỗ Nam Trung và Phạm Đoan Trang – đã lần lượt bị kết án tù.

Thông cáo nhắc đến người thứ năm, nhà báo Lê Trọng Hùng sẽ bị xét xử vào ngày 31 tháng 12 sau khi bị giam từ tháng Ba mà “không có luật sư và không được phép gặp gia đình”.

Ravina Shamdasani, người phát ngôn Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền, lên tiếng:

“Các cáo buộc chống lại năm người này, những người đã báo cáo về nhân quyền và quyền đất đai, bị bắt vào năm 2020 và 2021, dường như là một phần của chiến dịch nhằm bịt miệng và đe dọa những người lên tiếng bảo vệ nhân quyền.”

“Tất cả các trường hợp đều tuân theo khuôn mẫu đáng lo ngại tương tự, làm nảy sinh các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến giả thiết vô tội, tính hợp pháp của việc giam giữ họ và tính công bằng của việc xét xử.”

“Có một thời gian dài họ bị giam giữ trước khi xét xử, bị truy tố với tội danh mơ hồ là “tuyên truyền chống Nhà nước”, bị từ chối tiếp cận với cố vấn pháp lý và các phiên tòa kín không tôn trọng các tiêu chuẩn xét xử công bằng quốc tế,” thông cáo nói ngày 17/12.

Ngoại giao nước ngoài nói gì?

Các cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ, Anh và Canada chỉ trích Việt Nam vì bản án nặng với nhà báo Phạm Đoan Trang hôm 14/12.

Cơ quan ngoại giao một số quốc gia thuộc nhóm G7 vừa lên tiếng sau khi tòa tại Việt Nam xử tù nặng với một nhà báo, nhà bất phục chế độ Phạm Thị Đoan Trang.

Tòa tại Hà Nội chiều ngày 14/12 tuyên án 9 năm tù với bà Đoan Trang về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Tin cho hay một số nhà ngoại giao quốc tế đã được vào quan sát phiên toà, gồm đại diện của các Tòa đại sứ Hoa Kỳ, Canada, Đức và Liên minh Châu Âu.

Pháp lên án

Chính phủ Pháp vào ngày 15/12 đã lên án việc kết tội và tuyên án 9 năm tù đối với nhà báo Phạm Đoan Trang, người mà họ mô tả là một trong những nhà bảo vệ nhân quyền nổi tiếng nhất tại Việt Nam và là một trong ba người nhận Giải thưởng Tự do Báo chí của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) năm 2019.

Bộ Ngoại giao Pháp trên trang web bộ này kêu gọi trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang và tái khẳng định cam kết về quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt.

“Các quyền và tự do này được bảo đảm bởi Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã tham gia.

“Pháp kêu gọi Việt Nam tuân thủ các cam kết quốc tế mà nước này đã tự do thực thi,” thông cáo viết.

Anh lên tiếng

Vào ngày 15/12, sứ quán Anh Quốc tại Hà Nội đưa lên Facebook bình luận của Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Phát triển phụ trách khu vực châu Á, Amanda Milling với nội dung như sau:

“Việc nhà báo Việt Nam Phạm Đoan Trang phải nhận mức án 9 năm tù là vô cùng đáng lo ngại. Bỏ tù các nhà báo chỉ vì họ bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa gửi thông điệp sai trái tới những người ủng hộ sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam.”

Vương quốc Anh, dòng trạng thái này viết tiếp, cùng các thành viên của cộng đồng quốc tế, đã bày tỏ quan ngại trước cách Phạm Đoan Trang bị đối xử kể từ khi cô bị bắt vào tháng 10 năm 2020, và đưa ra quan điểm của mình với Chính phủ Việt Nam.

“Nhóm làm việc của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện đã kết luận việc bắt giam Phạm Đoan Trang được xếp vào hành động giam giữ tùy tiện, vi phạm các cam kết và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam về quyền con người. Trong suốt hơn 1 năm bị tạm giam, Phạm Đoan Trang chỉ được gặp luật sư đúng một lần và chưa được gặp mặt gia đình. Bản án này đã gửi đi thông điệp chống lại quyền tự do ngôn luận”.

Tiếng nói của Hoa Kỳ

Trong khi đó Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội cũng vào ngày 15/12 đăng tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 14/12 lên án việc kết án 9 năm tù đối với tác giả Việt Nam Phạm Đoan Trang “người không làm gì khác hơn là bày tỏ chính kiến của mình một cách ôn hòa”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price ngày 14/12 nói, theo bản dịch của Sứ quán Mỹ.

“Hoa Kỳ lên án việc kết tội và tuyên án 9 năm tù đối với tác giả, nhà báo Phạm Đoan Trang, người không làm gì hơn ngoài việc bày tỏ ý kiến của mình một cách ôn hòa.”

“Chúng tôi cũng ghi nhận ý kiến gần đây của Nhóm công tác của Liên hợp quốc về giam giữ tùy tiện, cho thấy việc giam giữ bà Trang là tùy tiện và vi phạm các cam kết và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam về nhân quyền.”

NGUỒN HÌNH ẢNH,US EMBASSY IN HANOI Chụp lại hình ảnh, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 14/12 lên án việc kết án 9 năm tù đối với tác giả Việt Nam Phạm Đoan Trang

Tuyên bố của Mỹ nói tiếp: “Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà Trang, người đã được quốc tế công nhận về nỗ lực thúc đẩy nhân quyền và quản trị tốt ở Việt Nam, đồng thời cho phép tất cả cá nhân ở Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm của mình mà không lo sợ bị trả thù. Chúng tôi cũng hối thúc chính phủ Việt Nam đảm bảo rằng luật pháp và các hành động của họ thống nhất với các điều khoản về nhân quyền của Hiến pháp Việt Nam cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam.”

Canada bày tỏ quan điểm

Vào ngày 14/12 trang Facebook của Tòa đại sứ Canada bày tỏ “vô cùng quan ngại việc tuyên án này.

“Chúng tôi cũng quan ngại về những nỗ lực không ngừng của các cơ quan chức năng Việt Nam nhằm hạn chế quyền tự do truyền thông, một nhân tố thiết yếu của việc bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản.

“Chúng tôi cũng kêu gọi nhà chức trách Việt Nam cho phép các nhà báo hành nghề mà không sợ bị bắt giữ, sách nhiễu hoặc bị trả thù, đồng thời chấm dứt kiểm duyệt và kiểm soát diện rộng đối với các phương tiện truyền thông và nới rộng hơn tự do ngôn luận. Chúng tôi khuyến khích tất cả các quốc gia tuân thủ các nghĩa vụ nhân quyền của họ theo luật pháp quốc tế, bao gồm quyền tự do quan điểm và biểu đạt.”

Trong khi trang Facebook của Văn phòng Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho tới 15/12 chưa ra thông cáo gì về vụ xử này, còn Facebook tòa đại sứ Đức đăng thông điệp về “Quyền con người trong chính sách đối ngoại của Đức”.

NGUỒN HÌNH ẢNH,CANADA EMBASSY IN HANOI Chụp lại hình ảnh, Tòa đại sứ Canada:” Chúng tôi khuyến khích tất cả các quốc gia tuân thủ các nghĩa vụ nhân quyền của họ theo luật pháp quốc tế, bao gồm quyền tự do quan điểm và biểu đạt”.

“Số hóa và các công nghệ mới đang thay đổi cuộc sống của chúng ta. Trong quá trình này, việc tuân thủ các quyền con người luôn đóng vai trò trung tâm. Chính vì vậy, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phòng chống tội phạm không được phép dẫn tới nạn phân biệt đối xử.

“Nước Đức nỗ lực xây dựng một khung pháp lý quốc tế về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên cơ sở quyền con người, dân chủ và nhà nước pháp quyền. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ “Liên minh tự do trực tuyến”, chúng tôi nỗ lực thúc đẩy bảo vệ quyền riêng tư, tự do biểu đạt và tự do báo chí trên internet. Các quyền con người là phổ quát – đối với tất cả mọi người và mọi nơi”, thông cáo viết.

Trang Facebook của Tòa đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam hôm 14/12 có bài video về Tự do báo chí.

Bản tiếng Việt của bài viết:

“Xã hội dân chủ sẽ không thể tồn tại nếu thiếu tự do báo chí.Các nhà báo có quyền tự do và độc lập khi đưa tin về những vấn đề mà công chúng quan tâm mà không bị cản trở bởi những người có quyền lực.

Tuy nhiên, trên khắp thế giới, nhiều nhà báo đang bị trả thù hoặc đối mặt với tình trạng bạo lực hay tù tội chỉ vì họ đang thực hiện nhiệm vụ của mình.”

Trước đó, hôm 10/12, nhân ngày Nhân quyền quốc tế, Đại sứ Anh, Gareth Ward cùng nữ Đại sứ Canada Deborah Paul công bố video, nói:

“Chúng tôi cảm ơn tất cả các nhà báo trên khắp thế giới, những người đã phản ánh những bất công, cho chúng ta sự thật để chúng ta được tự do suy nghĩ và phản biện về thế giới xung quanh, đồng thời, tưởng nhớ tất cả những nhà báo đã thiệt mạng trong khi thực thi nhiệm vụ”.

BBC (17.12.2021)