Seite auswählen

„Giá Trị Và Quyền Lợi Không Mâu Thuẫn Nhau“

 

Tân ngoại trưởng Đức, Annalena Baerbock, 41 tuổi thuộc đảng Xanh, nói về chính sách ngoại giao của mình.

Bài phỏng vấn của Jörg Lau và Samiha Shafy, báo Die Zeit, ngày 22.12.21. Phạm Hồng-Lam dịch.

 

Zeit: Thưa bà Baerbock, hai tuần qua trong nhiệm vụ mới với những chuyến đi và những gặp gỡ đầu tiên: Có những điều gì trước đây một ứng viên thủ tướng không thấy và giờ đây một ngoại trưởng phải đối diện?

Baerbock: Chức vụ đòi hỏi mình phải có khả năng đồng cảm với kẻ khác, dù mình nhìn thế giới ở một góc độ hoàn toàn khác với họ. Đó là công việc của một trưởng ngoại giao.

Zeit: Những ngày đầu của Bà đã phải chạm trán với những thế lực chuyên quyền. Bà đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga và đã triệu tập đại sứ của họ, vì một toà án Đức đã xác định được hành động khủng bố của nhà nước Nga thực hiện ngay giữa Berlin. Nga đem quân đe doạ Ukraine. Tương quan giữa Đức với Nga  tồi tệ đến mức nào và có khả năng nổ ra chiến tranh không?

Baerbock: Hiện nay tình hình biên giới giữa Nga và Ukraine rất căng thẳng. Nhưng Nga vẫn là thành viên của mái nhà Âu châu. Âu châu không chỉ có Liên Hiệp Âu Châu (EU) mà thôi, song cả Hội Đồng Âu Châu (Europarat) với 47 quốc gia thành viên, trong đó có Nga. Vì thế chúng ta phải hết sức làm sao, để chiến tranh không xẩy ra.

Zeit: Làm sao để hạ nhiệt khủng hoảng?

Baerbock: Khủng hoảng này chỉ có thể giải quyết bằng con đường ngoại giao. Vì thế tôi đã gọi điện cho ngoại trưởng Nga Lawrow và nói với ông ấy, là chúng ta cần phải trở lại bàn hội nghị ở Normandie…

Zeit: … nghĩa là giữa Đức, Pháp, Ukraine và Nga…

Baerbock: Đúng. Nhưng trước nguy cơ của một cuộc leo thang quân sự chúng ta cũng phải lợi dụng những khả thể trong khuôn khổ của Nato, chẳng hạn như gặp nhau trong Hội Đồng Nato-Nga, một định chế đã đóng băng từ nhiều năm.

Zeit: Lần nói chuyện đầu tiên với Lawrow ra sao?

Baerbock: Đó là một cơ hội để nối lại mối dây đối thoại, cho dù quan điểm của hai bên có nhiều điểm rất mâu thuẫn nhau. Nhưng theo tôi hiểu, đấy là nền tảng của một ngoại giao vững mạnh: Hai bên mô tả thế giới như nó là và coi đó là nền tảng hành động, thay vì lớn tiếng tấn công nhau hoặc nói vòng vo quanh những chuyện nóng bỏng.

Zeit: Nhưng đã từ lâu hội nghị bốn nước ở Normandie và HĐ Nato-Nga không còn hiệu quả, vì Nga chẳng muốn ngồi vào đó nữa và lúc này họ muốn dùng phương tiện quyền lực.

Baerbock: Ngoại giao cũng giống như môn thể thao thi đua đạt thành tích. Cần phải dài hơi, có khả năng đeo đuổi và không được nản chí, nếu gặp thất bại. Phải tìm cách đối thoại bất cứ lúc nào, nhất là trong những tình huống căng thẳng, như hiện nay. Đồng thời điều này cũng quan trọng đối với tôi: Sống trong một nền dân chủ tự do, chúng ta phải nói rõ cho đối tác biết về những giá trị mà mình đang theo đuổi.

Zeit: Vì vậy mà thứ Sáu vừa rồi Bà đã gởi đổng lí văn phòng (Staatsminister) Tobias Lindner sang Ukraine?

Baerbock: Đúng. Trong tình thế căng thẳng này chúng ta muốn cho thế giới thấy rõ, là chúng ta muốn đoàn kết với ai. Chính tôi cũng đã nói chuyện điện thoại với ngoại trưởng của Ukraine. Chính sách ngoại giao của Đức ủng hộ chủ quyền độc lập của Ukraine và việc giữ nguyên trạng biên giới ở Âu châu. Người Đức chúng ta, vì quá khứ của mình, phải có phần trách nhiệm đặc biệt hơn.

Zeit: Đã từ lâu Ukraine yêu cầu viện trợ vũ khí để họ tự bảo vệ.

Baerbock: Lúc này, một cuộc leo thang quân sự lớn hơn sẽ không tốt cho nền an ninh của Ukraine. Vì thế tôi nỗ lực thúc đẩy các bên ngồi lại vào bàn thảo luận. Đóng góp mạnh nhất mà chúng ta có thể làm cho sự an ninh của Ukraine, theo tôi, là chúng ta cùng với Mĩ tác động lên Nga, để chấm dứt những hành vi đe doạ ở biên giới .

Zeit: Đức có thể nói cho tổng thống Putin hiểu rằng, bao lâu Nga còn tiếp tục đe doạ Ukraine, thì đường ống dẫn dầu Nordstream 2 sẽ không thể đi vào hoạt động. Bà có nói, đường ống Nordstream 2 cũng là một „yếu tố an ninh“. Nhưng thủ tướng Scholz mới đây lại bảo, đường ống dẫn dầu là „chuyện tư nhân“, nó sẽ được „quyết định hoàn toàn không dính dáng gì tới chính trị“. Chính quyền không có một chính sách chung về vấn đề này?

Baerbock: Có chứ, có. Rõ ràng chúng tôi nhìn vấn đề từ hai ngã khác nhau. Nhưng cả Thủ Tướng và tôi đều đã nói rõ, tiến trình chấp thuận cho đường ống hoạt động phải phù hợp với luật năng lượng của EU. Chính vì cơ quan mạng lưới điện của Đức đòi hỏi điểm này, nên mới đây việc cho phép đã bị đình chỉ. Không phải chỉ vì quyền lợi chính trị, mà cả quyền lợi kinh tế của chúng ta, nên năng lượng không thể là vũ khí gây bất ổn Âu châu. Cũng vì thế EU đã đề ra những đường lối mới về khí đốt. Vấn đề an ninh năng lượng cũng đóng một vai trò trong việc chuẩn thuận đường ống. Hơn nữa chính quyền trước đây của Đức đã thoả thuận với chính quyền Mĩ, là sự hoạt động của Nordstream 2 cũng lệ thuộc vào hành vi tiếp tục leo thang quân sự của Nga đối với Ukraine.

Zeit: Nghĩa là đã có một tín hiệu rõ ràng: Bao lâu còn căng thẳng ở biên giới Ukraine, bấy lâu đường ống vẫn nằm yên bất động?

Baerbock: Tình hình đúng như ông mô tả.

Zeit: Trong trường hợp Nga tấn công Ukraine, những nhân sự chung quanh Putin sẽ bị trừng phạt, hay Nga sẽ bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán tiền tệ quốc tế? (1)

Baerbock: Tôi hết sức nỗ lực, làm sao để căng thẳng không tiếp tục gia tăng. Vì thế, trong khuôn khổ G7, chúng tôi đã nói rất rõ, là nếu tấn công Ukraine, Nga sẽ phải đối diện với hậu quả kinh tế và ngoại giao nặng nề.

Zeit: Khủng hoảng quan hệ giữa Đức và Nga còn vượt trên cả mối xung đột hiện nay. Người ta vẫn thường nói, chúng ta phải có một „chính sách mới đối với phía đông“. Bà có thể nói rõ đôi chút về điểm này?

Baerbock: Vâng. Nhưng ta không thể đơn giản lấy câu trả lời cách đây 50 năm để ứng dụng cho một thế giới toàn cầu hoá và có màng lưới liên kết chặt chẽ như hiện nay. Chúng ta đang sống trong một thế giới, may thay, không còn chia khối chống nhau; nhưng đang sống với sự ganh đua giữa các thế lực chuyên quyền và các nền dân chủ tự do. Âu châu phải tìm cho mình một câu trả lời riêng và tự chủ trong lĩnh vực này.

Zeit: Ở lại nơi sự thách đố của các thế lực chuyên quyền: Trong thoả ước liên minh cầm quyền, chính phủ đã cùng nhau quyết định, phải điều chỉnh lại mối quan hệ với Trung Quốc. Cụ thể ra sao?

Baerbock: Toàn Âu châu cần phải có một đường lối chung. Chúng tôi đồng í với nhau, Trung Quốc là đối tác của chúng ta trong các vấn đề toàn cầu, là kẻ ganh đua với ta trong lãnh vực kinh tế, nhưng cũng là đối thủ hệ thống chính trị của ta trước những giá trị mà chúng ta theo đuổi. Không được bỏ quên ba điểm này. Tiếc rằng không có được tiến triển nào về mặt nhân quyền. Mà ngược lại: Tình trạng ở Tân Cương, trường hợp của Peng Shuai, sự hạn chế các quyền tự do ở Hồng-công chứng minh điều đó. Trong lúc đó ta cần có sự hợp tác của Trung Quốc về mặt bảo vệ môi sinh, khí hậu và sức khoẻ toàn cầu.

Zeit: Thoả ước liên minh cầm quyền có đề cập tới những đề tài vô cùng nhạy cảm đối với Trung Quốc: tình hình ở Hồng-công, Tân-cương, Đài-loan. Thứ ngôn ngữ rõ ràng về những điểm xung đột này có gây nguy hiểm cho việc làm ăn kinh tế của Đức không?

Baerbock: Chúng ta đứng trước thực tế là EU có mối quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc, quan hệ kinh tế giữa Đức và Trung Quốc còn chặt hơn nữa. Chúng ta không thể và không muốn mất thị trường mênh mông đó. Nhưng một sự hợp tác kinh tế thành công về lâu về dài cũng phải dựa trên những đồng thuận về các giá trị và các tiêu chuẩn, nếu không, thì sẽ vỡ đổ. Quan điểm cho rằng, ta có thể chỉ nói chuyện kinh tế với từng quốc gia và loại bỏ các đề tài khác ra ngoài, không thể đứng vững được trong một thế giới toàn cầu hoá./.

Xem thêm

(1) ĐẨY NGA RA KHỎI SWIFT CÓ THỂ CHƯA PHẢI LÀ LỰA CHỌN GÂY CÔNG PHÁ TỘT CÙNG

 

Thư chúc mừng Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock

Kính gửi Quý vị và ACE thân hữu xa gần,

Như Quý vị và ACE đã rõ, từ ngày 08.12.2021 CHLB Đức đã có chính phủ mới liên minh ba đảng: đảng Dân Chủ Xã Hội (SPD), đảng Xanh (BÜNDNIS 90/DIE GRÜNEN) và đảng Dân Chủ Tự Do (FDP).

Thủ tướng là ông Olaf Scholz (SPD) và bà Annalena Baerbock (Đảng Xanh) nhậm chức ngoại trưởng.

Đường lối ngoại giao của chính phủ mới cũng thay đổi: cứng rắn hơn với các quốc gia độc tài như Nga, Trung quốc, Belarus, Triều Tiên, Việt Nam…

Trước khi chính thức nhậm chức, bà Annalena Baerbock (Đảng Xanh) trong một cuộc phỏng vấn báo chí đã lên tiếng chỉ trích gay gắt Trung Quốc.

 

„Diễn đàn Vietnam21“ đã có thư chúc mừng tân ngoại trưởng Annalena Baerbock.

Xin chuyển đến Quý vị và ACE nguyên bản lá thư viết bằng Đức ngữ và bản dịch qua tiếng Việt để cùng biết.

Chúng tôi cũng xin gửi kèm bài của báo Đức DIE ZEIT ngày 22.12.2021, phỏng vấn bà Annalena Baerbock với tựa đề „Giá Trị Và Quyền Lợi Không Mâu Thuẫn Nhau“.

Bài đã được bạn Phạm Hồng-Lam, thân hữu „Diễn đàn Vietnam 21“ chuyển dịch qua Việt ngữ.

Annalena Baerbock: „Werte und Interessen sind kein Gegensatz“ | ZEIT ONLINE

 

Kính

Duong Hong-An

-DIễn đàn Vietnam 21-

www.vietnam21.info

 

Brief an Frau Annalena Baerbock Bundesministerin des Auswärtigen

Thư gửi bà ngoại trưởng Annalena Baerbock