„nếu sự thay đổi có ý nghĩa, hợp lý thì nên làm. Còn nếu sự thay đổi mẫu tự không làm thay đổi cách phát âm và ý nghĩa, thì chỉ là một việc làm mất thì giờ, vô ích!
Quý vị nào viết tiếng Việt mà còn ngần ngại, lo sợ không chắc đúng sai thì nên tìm lại những tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn mà đọc và học hỏi.“
Đỗ Văn Phúc
Bất cứ một sản phẩm gì do con người tạo ra cũng trải qua nhiều lần thử nghiệm trước khi giới thiệu cho quần chúng sử dụng. Ngay cả một thời gian sau đó, người ta vẫn còn thăm dò và sửa đổi khi phát hiện ra những điều trở ngại, sai sót. Con người cầu toàn, nhưng dường như trên đời này không có cái gì hoàn mỹ như ý.
Cách đây vừa đúng 400 năm, nhà truyền giáo người Portugal là Francisco de Pena sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ trên căn bản mẫu tự Latin. Sau đó, Giáo Sĩ Alexandre de Rhodes soạn cuốn Tự Điển đầu tiên. Sự áp dụng còn hạn chế trong hơn hai thế kỷ sau đó vì triều đình nhà Nguyễn vẫn còn duy trì Hán tự trong công việc triều chính, và trong dân gian thì chưa phát triển nền giáo dục phổ thông để xóa nạn mù chữ. Chữ Quốc Ngữ chỉ thực sự thịnh hành từ sau năm 1879, khi nhà cầm quyền thực dân Pháp ban lệnh bắt buộc dùng nó trong các chương trình giáo dục. Cũng cần biết là trước đó mười năm, chữ Quốc Ngữ đã thay thế hoàn toàn chữ Hán trong hành chánh công quyền. Từ đó đến nay, cũng đã có nhiều lần biến cải; nhiều chữ không còn giống như chữ thời ông Pena.
Trong thời đại chúng ta, đã có vài nhà nghiên cứu, nhà hoạt động văn hoá, chính trị từng đề nghị những cải cách để làm cho cách viết chữ Quốc Ngữ gọn hơn, hợp lý hơn. Điều này thiết tưởng cũng là nhu cầu chính đáng một khi trong sự áp dụng, người ta tìm ra những điểm không thích ứng.
Cải cách các mẫu tự:
Khi còn lang bạt bên Hoa Nam, Hồ Chí Minh có chủ trương cải cách chữ Việt với một số đề nghị thay một số các nguyên âm và phụ âm như chữ C thành chữ K, chữ PH thành chữ F, hai chữ GI, D thành chữ Z… Hồ đã viết cuốn Đường Kách Mệnh như một khuyến khích sử dụng chữ mới.
Cách đây vài năm, Bùi Hiền, phó “hiệu trưởng” trường Đại Học Ngoại Ngữ Hà Nội ở Việt Nam có đưa ra một đề nghị thay đổi gần như toàn bộ các mẫu tự.
Những nguyên âm mà ông ta đề nghị thay đổi:
C thay cho hai chữ Ch, Tr
D thay cho chữ Đ
G thay cho chữ G, Gh
F thay cho chữ Ph
K thay cho cả ba chữ C, Q, K
Q thay cho hai chữ Ng, Ngh
X thay cho chữ Kh
W thay cho chữ Th
Z thay cho chữ D, Gi, R
N’ thay cho chữ Nh
Như thế, các chữ ngôn ngữ sẽ thành qôn qữ, giáo dục thành záo zục, tiếng sẽ thành tiêq, chữ thành cử, hai chữ quả và của sẽ được viết giống nhau: kủa, Nguyễn Trung Dũng sẽ thành “Quyễn Cuq Zũq.”
Sau đây là một đoan văn
“Ngoại ngữ quy định trong chương trình giáo dục là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến trong giao dịch quốc tế. Việc tổ chức dạy ngoại ngữ trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác cần đảm bảo để người học được học liên tục và có hiệu quả.”
Mà theo cách viết của ông Bùi Hiền sẽ là:
“Qoại qữ kuy dịn’ coq cươq cìn’ záo zụk là qôn qữ dượk sử zụq fổ biến coq zao zịk kuốk tế. Việk tổ cứk zạy qoại qữ coq n’à cườq và kơ sở záo zụk xák kần dảm bảo dể qười họk liên tụk và kó hiệu kuả.”
Nhìn vào các hàng chữ trên, chúng tôi chỉ thấy một hiện tượng khó chấp nhận. Nhiều học giả và ngay cả dân chúng bình thường đã phê bình rất gay gắt sự cải cách kỳ quái của Bùi Hiền. Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Bình của khoa ngôn ngữ học thuộc Đại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn Hà Nội chê đó là “một điều dở, một sự phát triển thụt lùi.” Một số phê bình khác như sau:
- Đi ngược tiến trình là tiếng nói (từ) có trước, chữ viết (tự) theo sau. Đàng này Bùi Hiền đặt ra chữ mới rồi hướng dẫn cách đọc.
- Bùi Hiền lấy giọng nói Hà Nội làm chuẩn nên không giải quyết được hết những chữ mà do cách phát âm khác biệt của những miền khác nhau trên nước Việt.
- Tạo thêm sự phức tạp thì đúng hơn là đơn giản hoá.
Có khoảng trên 100 triệu dân Việt Nam thuộc thế hệ này và ít nhất hai thế hệ kế tiếp đang sử dụng chữ viết hiện nay. Rồi phải tổ chức cho họ đi học cải cách ư? Mất thêm mấy chục năm nữa?
Một vấn đề cũng lớn lao không kém. Hiện có hàng triệu đầu sách, tài liệu, báo chí, với hàng tỷ ấn bản trong các thư viện, thư tàng, văn khố trong nước cũng như tại nhiều quốc gia khác. Một sự cải cách tận gốc như thế dẫn đến việc phải bỏ ra hàng chục năm với ngân khoản hàng trăm triệu đô la để thay thế các văn bản đó. Liệu có phải là điều nên làm hay không?
May quá! Đề nghị của Bùi Hiền không được sự đánh giá chính thức nào và như thế, chưa được công nhận của giới chuyên về ngôn ngữ học.
Nhận xét chung:
Gạt qua một bên vấn đề chính trị và tình cảm thương ghét, thân thù, Quốc Cộng, chúng tôi thấy trong hai đề nghị của Hồ Chí Minh và Bùi Hiền cũng có vài điểm hợp lý.
Hiện nay, Anh ngữ đang là sinh ngữ phổ biến nhất trên thế giới. Hoa ngữ tuy có gần một tỷ rưỡi người dùng, nhưng không dùng mẫu tự Latin và lại có quá nhiều giọng (dialect) khác nhau. Người Trung Hoa ở các tỉnh khác nhau còn chưa thể trò chuyện với nhau nếu không dùng tới chữ viết. Vì thế, tiếng Hoa có thể sẽ chẳng bao giờ trở thành thông dụng trên thế giới.
Bộ mẫu tự của tiếng Việt chúng ta lấy từ gốc Latin, vì thế, nó rất gần gũi với mẫu tự dùng trong Anh ngữ, Pháp ngữ. Chúng ta chỉ thiếu các phụ âm chính F, J, W, Z. Nhưng bù lại chúng ta có thêm các phụ âm Đ và phụ âm kép như KH, NG, NH mà người Tây Phương khó phát âm.
Những chữ cần thay:
- Thay mẫu tự Đbằng mẫu tự D.
Qua kinh nghiệm thực tế, khi tiếp xúc với ngôn ngữ Việt Nam, người ngoại quốc đã phát âm tên Dung thành Đung, Duy thành Đuy. Người Việt phải chua thêm chữ Z vào sau chữ D để họ biết cách đọc (Dzuy, Dzung).
Vì vậy, nên trả lại cách đọc Đ cho phụ âm D để mọi người đều có thể đọc như đúng như trong Anh và Pháp ngữ.
Ví dụ: Dộc lập, da doan, dồng ý…
- Còn mẫu tự Dcủa chúng ta đang dùng, nên thay bằng mẫu tự Zmà cách phát âm không sai chệch gì.
Ví dụ: Zuy, Zung, Zân tộc, Ziên Hồng. Trong Anh ngữ có Zoo, Zoom, Zebra…
- Thay GIbằng Y. Trong tiếng Anh, mẫu tự Y khi đứng trước một nguyên âm thì được phát âm như GI trong tiếng Việt Nam.
Ví dụ: Young, Yell, Year, You; so với Giận hờn, Giữ Gìn, Gia tài…
Những chữ không cần thay thế:
- Chữ QU(Quốc, Qua, Quyên…) trong tiếng Việt đọc không khác chữ QU trong Anh ngữ (Queen, Quota, Quit…)
- Phụ âm PHtrong Anh Pháp ngữ cũng có dùng (telephone, phonetic, phrase, pharmacy), và cũng đọc như phụ âm F (fight, fever, font). Vì thế cũng không cần thay PHbằng F.
- Chữ Cthay bằng chữ Kcũng không cần thiết vì cách đọc cũng chẳng khác nhau.
- Các mẫu tự kép KH, NH, NG, TRkhông có chữ đọc tương đương trong Anh hay Pháp ngữ; việc thay thế là không thực tế.
Xin viết thử một câu – với các mẫu tự vừa thay đổi – để
quý vị xem có khó coi lắm hay không.
Tôi di về hướng dông và gặp vài ya dình do cụ Ngô
Dình Ziệm dưa lên làm zinh diền.Sau một thời yan ngắn, họ dã zư zật và trở nên yàu có.
Một vài đề nghị cải cách khác:
Cách đặt các dấu về âm sắc (tone marks)
Tiếng Việt đặc biệt có âm sắc lên xuống trầm bổng khi nói. Đúng ra là có 6 ấm sắc mà lúc viết ra ngoài âm chính (neutral), phải dùng thêm 5 dấu để diễn đạt: huyền, sắc nặng, hỏi, và ngã.
Ví dụ: Ma, Mà, Má, Mạ, Mả, Mã.
Đối với những chữ chỉ có một nguyên âm, thì việc đặt dấu rất đơn giản. Nó đi theo nguyên âm đó.
Ví dụ: bông hoa, bồng em, cá bống, bộng (một loại nồi đất to), bay bổng, bỗng nhiên.
Đối với những chữ có hai nguyên âm đi liền nhau, việc đặt dấu thường có các khuynh hướng khác nhau.
- Một khuynh hướng cho rằng nên đặt dấu trên các “chủ âm.”
Ví dụ: Hoà nhã, luý tuý, Vĩnh Thuỵ. Không rõ họ có viết chữ baị hoaị như thế này không?
Khi hỏi thế nào là “chủ âm,” người cổ động cách đặt dấu này giải thích rằng “nhìn vào cái môi khi chúm lại để biết chủ âm là gì.” Câu giải thích này rất khó hiểu vì cái môi khi phát âm một chữ thường chúm lại hay mở ra tùy thuộc vào chữ cái cuối cùng hơn là nguyên âm trong chữ đó.
- Còn khuynh hướng thông thường có hàng trăm năm nay là đặt dấu sao cho cân đối. Cách đặt dấu như thế này thấy trong các tự điển Việt Nam.
Ví dụ: Hòa nhã, Diễm Thúy, bại hoại…
So sánh chữ Thúy và Thuý; dù cách đặt dấu thế nào thì chúng cũng được đọc như nhau, ý nghĩa cũng không thay đổi. Vì thế, có cần phải thay đổi cách đặt dấu mà chúng ta đã sử dụng hàng trăm năm hay không? Nhất là khi nhìn chữ Thúy có vẻ cân đối hơn chữ Thuý.
Viết chữ “i” hay “y”?
Có nhiều người chủ trương thay các chữ y thành i hay ngược lại.
Ví dụ: nhà văn nổi tiếng Nguyễn Ngu Í (ông tự đổi tên ông Ý thành Í).
Các vị này muốn viết bác sĩ thành bác sỹ, kỹ sư thành kĩ sư, lý sự thành lí sự.
Trong thực tế, không có sự khác biệt về hai mẫu tự này trong cách đọc của một chữ; ngoại trừ vài trường hợp mẫu tự i (i ngắn) hay y (i dài) nằm ở cuối chữ.
Các chữ I và y đọc giống nhau như: Chung quy/chung qui, kỹ sư/kĩ sư, mỹ thuật/mĩ thuật, kỹ nghệ/kĩ nghệ, mỹ nhân/mĩ nhân…
Nhưng nếu thay chữ y trong các chữ sau, cách đọc sẽ khác và nghĩa cũng khác luôn.
Ví dụ: Thúy vs. thúi, lụy vs. lụi, huy vs. hui, lạy vs. lại, hay vs. hai…
Trong trường hơp mẫu tự y đi kèm với một nguyên âm khác và nằm ở vị trí bên trong, nếu đổi thành i thì cũng chẳng thay đổi gì cách đọc và ý nghĩa; nhưng nhìn có vẻ kỳ kỳ thế nào ấy!
Ví dụ: Nguyễn vs. Nguiễn; Tuyển mộ vs. Tuiển mộ, luyến ái vs. luiến ái…
Nói chung, nếu sự thay đổi có ý nghĩa, hợp lý thì nên làm. Còn nếu sự thay đổi mẫu tự không làm thay đổi cách phát âm và ý nghĩa, thì chỉ là một việc làm mất thì giờ, vô ích!
Quý vị nào viết tiếng Việt mà còn ngần ngại, lo sợ không chắc đúng sai thì nên tìm lại những tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn mà đọc và học hỏi. Các nhà văn thời này viết rất chính xác và trong sáng.
Việt Nam Thời Báo (05.02.2022)