Seite auswählen
 28.01.2022

 

 

Tác giả thời học Đại Học Khoa Học Huế (1965)

 

Chân dung Nhất Linh

 

“Một lần. Buổi trưa. Lâu rồi. Mẹ tôi ngồi nhặt cau trên sâp gụ. Tôi nằm ngửa bên cạnh bà, hai tay cầm giơ trước mặt cuốn truyện Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Đọc đến đoạn cảnh mẹ chồng ác nghiệt với con dâu, tôi nhỏm dậy hỏi mẹ tôi: “Mợ này, mợ có phải chịu cảnh mẹ chồng nàng dâu như cậu tả trong truyện không?”. Mẹ tôi ngửng lên nhìn tôi nói: “Đấy là cậu viết tiểu thuyết… Bà nội con có khó tính thật nhưng đâu đến nỗi khắc nghiệt thế…”. Rồi mẹ tôi tiếp tục nhặt cau.”
Trên đây là phần đầu của hồi ký nhan đề “Bà Cẩm Lợi” tôi viết về mẹ tôi, bà Nhất Linh. Tôi rất tâm đắc bài viết này, đặc biệt là câu mở đầu “Một lần. Buổi trưa. Lâu rồi” mà tôi cho là một lối hành văn mới mẻ. Viết xong, vì muốn khoe bà chị, tôi in bản thảo gửi ngay cho chị Thoa ở bên Pháp đọc trước khi đăng trên tạp chí. Ít lâu sau tôi nhận được điện thoại của chị. Chị chê tôi: “Em không biết viết văn. Câu văn thì phải có chủ từ, phải có động từ; em không thể viết hai chữ “Một lần” rồi chấm ngang xương được. Chị có quen một bà bạn dậy Việt văn, chị đề nghị để bạn chị sửa lại bài ấy trước khi em cho đăng báo.” Rồi chị nói thêm: “Em phải học lối viết của cậu thì văn mới hay được.”
Chị tôi nói thế nhưng tôi không giận chị. Trái lại tôi yêu chị Thoa của tôi hơn vì câu nói thể hiện cái tính thật thà chơn chớt nó làm nên con người chị.
Chị Thoa bây giờ không còn nữa. Có thể chị đã được gặp lại cha tôi ở bên kia thế giới như chị từng mong ước khi chị còn sống. Và có thể chị đã thuật lại quãng đời sau này của chúng tôi cho cha tôi nghe. Ông nghĩ sao khi được biết, qua lời chị kể, nửa thế kỷ sau khi ông mất, tôi đã trở thành “một nhà văn không biết viết văn”.
Năm ấy tôi ở tuổi đôi mươi. Tôi là người duy nhất trong số các con của ông cụ thường hay bàn luận với cha về chuyện văn chương. Thời gian này cha tôi vừa viết xong cuốn tiểu luận “Viết và đọc tiểu thuyết” và chúng tôi bàn về cuốn sách này. Trong sách có đề cập đến “sự quan sát” và “tìm chi tiết” mà ông cụ cho là những yếu tố quan trọng để viết một quyển truyện. Trong lúc bàn luận tôi thuật lại với ông một chuyện tôi chứng kiến: một hôm ở Đà Lạt tôi đang đứng trước vườn nhà thì thấy ông cụ tôi tiễn một người khách đi qua vườn để ra về. Hai người dừng lại trước một cái cổng gỗ thấp. Ông cụ nhìn vào cái then cổng giơ tay toan gỡ cái then cài lên thì người khách – tưởng lầm cha định bắt tay – vội đưa tay ra bắt. Cha tôi bắt tay ông khách rồi sau đó một lát lâu mới giơ tay gỡ cái then cổng. Tôi hỏi ông có phải ông cố ý không mở cửa ngay là cốt để tránh cho khách cái ngượng biết là mình lầm. Cha tôi trả lời ông không nhớ chuyện ấy, nhưng “tránh cho người khác cái ngượng biết rằng mình lầm” là một nhận xét hay, khi viết truyện nên có những chi tiết như thế.
Một lần khác khi xuất bản cuốn sách Giòng Sông Thanh Thủy ông đưa cuốn sách cho tôi đọc. Một tuần sau biết tôi đã đọc xong ông cụ hỏi ý kiến tôi. Tôi nói: “Con đọc xong và khi gấp sách lại con chỉ nhớ có một chi tiết, chi tiết rất nhỏ có lẽ người đọc chắc chẳng mấy ai để ý, đó là đoạn cậu tả lúc anh chàng Ngọc xuống suối đổ thuốc độc vào bi-đông đựng cà phê để đầu độc Nghệ và Tứ. Trong lúc chăm chú làm công việc này và chỉ chú ý sao cho thuốc độc khỏi đổ ra ngoài, nhưng tiếng nước róc rách vẫn lọt vào tai chàng và tuy không nhìn chàng cũng thấy hiện ra những gợn sóng nhỏ, những vân ánh sáng chạy lăn tăn trên nền cát trắng mịn. Đọc nhưng chi tiết này con thấy cậu tả rất sống động và rất thực, mặc dù trên đời mình chưa bao giờ có kinh nghiệm làm những chuyện như thế”.
Hồi đó tôi chưa viết văn, chưa hề có truyện nào đăng trên báo, chỉ thỉnh thoảng viết một truyện ngắn đưa ông xem và ông rất thích. Nhưng chính qua những lần nói chuyện như thế mà chúng tôi thấy rõ mối đồng cảm giữa hai bố con trong văn chương. Tuy thế cha tôi không hề khuyến khích tôi đi vào con đường văn của mình, mặc dù hồi đó ông đã khuyến khích vài cây bút trẻ trở thành những nhà văn có tên tuổi. Có thể là ông muốn để tôi tự do tuyệt đối trong việc lựa chọn đời mình, cũng có thể là ông muốn tôi chú tâm vào việc học hành (giống như ông thời bên Pháp theo học ngành khoa học, tôi hồi đó cũng đang theo học chương trình cử nhân của trường Đại học Khoa học Sài Gòn).
Tôi cho là chính vì tin tưởng vào khiếu văn nơi tôi mà ông cụ đã quyết định làm giấy ủy quyền trao cho tôi (thay vì một người con khác của ông) trách nhiệm trông coi hai nhà xuất bản Đời Nay và Phượng Giang và quyết định xuất bản những tác phẩm của ông trước khi ông từ trần.
Về cuộc sống tôi đã đi đúng con đường của cha tôi trong những năm đầu của tuổi thanh niên: cả hai chúng tôi đều tốt nghiệp Cử nhân Khoa học và cùng khởi nghiệp bằng nghề dậy học. Nhưng sau đó thì con đuờng của hai bố con khác hẳn: trong khi cha tôi bỏ nghề dậy để làm báo, viết văn…, nghĩa là không hề dùng tới kiến thức khoa học mà ông đạt được ở đại học Montpellier, thì tôi suốt đời vẫn sống bám vào kiến thức ấy (giáo sư Toán Lý Hoá ở Việt Nam hay chuyên viên Hoá Học ở Hoa Kỳ) cho đến ngày về hưu. Tôi đã không chọn đi theo nghiệp văn của ông cụ. Trong vòng gần nửa thế kỷ tôi không cầm bút, tôi chỉ viết hai bài về cha tôi theo yêu cầu xin bài của các tạp chí.
Năm 1964, nhân ngày giỗ đầu của ông cụ tôi, báo Văn Học ở Sài Gòn ra số đặc biệt Tưởng Niệm Nhất Linh, anh Phan Kim Thịnh xin tôi viết môt bài, và “Niềm Vui Chết Yểu”, bài viết đầu tiên của tôi xuất hiện trên báo. Bài ấy được khá nhiều người đọc và gây tiếng vang, một phần vì bài viết tiết lộ chi tiết cái chết và những giờ phút cuối cùng của Nhất Linh, một phần khác vì lối viết lạ, một thứ pha trộn giữa hồi ký và văn chương. Hai nhà văn Duy Lam và Nguyễn Thị Vinh (hai người được cha tôi đề nghị là thành viên tương lai của Tự Lực Văn Đoàn) khuyến khích tôi tiếp tục viết, nhưng trái với nhiều người mong đợi, tôi không hề cầm bút.
Mãi 21 năm sau, vào tháng 7 năm 1985 ở Hoa Kỳ, nhà văn Võ Phiến xin bài tôi nhân dịp tạp chí do anh chủ trương ra số đặc biệt về ông cụ tôi. Vì thế mà có bài viết thứ hai “Nhất Linh Cha Tôi” xuất hiện trên tờ Văn Học Nghệ Thuật.
Rồi 18 năm sau nữa tôi mới viết bài thứ ba “Cây Bàng Lá Đỏ” đăng trên tập san Thế Kỷ 21 số Xuân Quí Mùi 2003. Năm đó tôi vừa bước sang tuổi 63, và chỉ còn hai năm nữa là đủ tuổi về hưu. Tôi nghĩ trước trong đầu những chuyện tôi phải làm sau khi về hưu và quyết định thực hiện giấc mơ thời niên thiếu: viết.
Vì thế sau bài “Cây Bàng Lá Đỏ” tôi viết khá nhiều và đều đặn. Chủ bút tờ báo, anh Phạm Phú Minh ưu ái dành diễn đàn Thế Kỷ 21 cho tất cả những bài viết của tôi. Năm 2006, tôi tập hợp những bài ấy lại và xuất bản cuốn sách đầu tiên Nhất Linh Cha Tôi. Rồi tiếp theo những năm 2008 và 2012 hai cuốn sách nữa của tôi lần lượt xuất bản, tập truyện Mùa Hạ Năm Ấy và bút ký Căn Nhà An Đông của Mẹ Tôi. Từ đấy tôi được thiên hạ khoác lên vai tôi hai chữ “nhà văn”, một chức vị tôi không chọn trong đời.
Cùng thời gian tôi có sách xuất bản một người trong họ tôi, anh Nguyễn Lân, con của nhà văn Hoàng Đạo, cũng sáng tác và xuất bản sách. Một hôm nọ, nhân dịp Lân ghé Seattle tôi rủ Lân tới thăm nhà văn Thế Uyên, lúc này anh đã bị tai biến mạch máu não và phải ngồi trên xe lăn. Mặc dù một cánh tay bị liệt anh cũng ráng cầm ngược cái bút chì gõ đầu có cục tẩy lên phím máy chậm chạp gõ từng chữ từng chữ để sáng tác. Tôi nói với anh: “Trong họ mình chẳng bù với ông và Duy Lam viết từ nhỏ, trở thành những nhà văn có tiếng tăm từ lâu, Lân và tôi mãi trên 60 tuổi mới bắt đầu sáng tác, chúng tôi là những nhà văn muộn màng”. Lân nói thêm: “Nghĩa là tụi tôi thuộc loại hoa nở muộn”. Rất nhanh Thế Uyên đáp lại: “Không phải hoa nở muộn mà là hoa nở mượn”. Tôi hiểu ngay anh mỉa mai chúng tôi mượn danh cha mình để viết văn.
Đây là lần thứ hai tôi bị chê bởi một người thân trong họ. Nhưng cũng như lần trước với chị Thoa tôi không hề giận Thế Uyên vì tôi biết quá rõ tính thích châm chọc của anh. Tôi nói: “Tôi phục ông thật. Ông viết bài nói rõ ông bị stroke, não bộ của ông bị sứt mẻ, thế mà ông chơi chữ rất nhanh và tài tình, chứng tỏ bộ óc của ông còn rất sharp”.

*

Trong lời Bạt cho cuốn sách Nhất Linh Cha Tôi, nhà văn Duy Lam viết: “Sống trong bóng rợp của một người cha nổi tiếng như Nhất Linh rồi cầm bút viết những đoạn thể hồi ký về chính cha ruột mình về mặt tâm lý không phải là chuyện dễ dàng.”
Nhà văn Duy Lam viết không sai. Bóng rợp của cha tôi khiến tôi viết không dễ như những nhà văn khác. Bởi vì cái bóng cha tôi rất đặc biệt, thế gian ít có: cha tôi nổi tiếng không phải chỉ vì là nhà văn Nhất Linh mà còn nổi tiếng vì là nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam. Sau cái chết của cha tôi năm 1963 và trong bối cảnh chính trị rất phức tạp của thời cuộc miền Nam Việt Nam những năm sau đó, chính cái bóng thứ hai của cha tôi ảnh hưởng trực tiếp vào đời sống tôi. Có thể nói, với tôi, bóng rợp của Nhất Linh là bóng mát, bóng rợp của Nguyễn Tường Tam là bóng đè. Một đằng bảo tôi viết đi, một đằng bảo tôi đừng viết.
Nói cho công bình cái thời mà tôi mới bắt đầu viết tôi có lợi thế hơn hẳn những nhà văn khác lúc khởi nghiệp. Bài viết của tôi không biết hay hay dở cũng được độc gỉa tò mò đọc để xem “con trai ông Nhất Linh viết văn ra sao?”. Nhưng lợi thế đó cũng làm tôi ngần ngại trước khi cầm bút. Tôi nghĩ trong đầu: mình viết dở sẽ làm mất mặt ông cụ. Chưa viết mà đã tự tạo cho mình một sự khó khăn, thành thử khi viết tôi đắn đo loay hoay khổ sở lắm. Viết vài trang, bỏ dở, vài ngày sau, đọc lại thấy nhạt nhẽo, vứt thùng rác. Cứ thế. Nhiều lần. Bài “Niềm Vui Chết Yểu” sở dĩ hoàn thành vì đã lỡ hứa với anh chủ bút báo Văn Học nên tôi phải ráng viết cho xong. (Tôi tự xét mình có một đức tính, trong rất nhiều tính xấu, đó là rất trọng lời hứa).
Bài viết ấy gây tiếng vang lớn làm tôi thích thú thì ít mà làm phiền nhiễu tôi thì nhiều, khiến tôi khổ sở còn hơn là cái khổ trong lúc viết bài. Vì sao? Bà Nguyễn Thị Vinh và anh Duy Lam không những “bắt” tôi viết tiếp (vì khen tôi viết hay) lại còn chưa chi đã bàn tính chuyện to lớn là tiếp tục… sự nghiệp Tự Lực Văn Đoàn. Chưa chi đã làm tôi sợ. Đấy là mới nói cái bóng Nhất Linh. Cái bóng thứ hai, cái bóng của Nguyễn Tường Tam, còn khiếp hơn: các đồng chí của ông cụ tôi, thấy tôi nổi tiếng, thay nhau đến quyến rụ và rủ tôi vào… đảng! Mà tôi thì lại chúa ghét chính trị (cái khổ của tôi hồi đó là không có can đảm nói thẳng điều đó). Của đáng tội tôi không trách họ rủ tôi vào đảng hoạt động chính trị, cũng lỗi tại tôi cả vì tôi đã “dại dột” lạc đường vào lịch sử: đêm đảo chánh ngày 1/11/1963 tôi cùng bốn sinh viên Nguyễn Hữu Đống, Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Trọng Cảnh và Dương Kiền chui vào Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, thảo truyền đơn ủng hộ cuộc đảo chính do Tướng Dương Văn Minh cầm đầu, tờ truyền đơn ký tên 5 sinh viên được loan trên đài phát thanh Sài Gòn sáng ngày 2/11/1963, như tôi đã thuật lại trong bài “Tờ Truyền Đơn”.
Sau bài “Niềm Vui Chết Yểu” cuộc sống vô tư của tôi cũng chết yểu theo. Tôi phải tự nhủ thôi đừng viết nữa, cứ im lặng sống khoẻ ru như các anh tôi, không bị ai kỳ vọng làm phiền. Hồi ấy tôi bị dụ vào những hoạt động này nọ vừa văn hoá vừa chính trị tốn rất nhiều thì giờ, ảnh hưởng đến việc học hành của tôi ở Đại học Khoa học mà môn học tự nó đã gay go rồi, lại phải học bằng tiếng Pháp. Cuối năm 1964 nghe nói ở Đại học Huế mới mở phân khoa Khoa học đầu tiên giảng dậy bằng tiếng Việt, tôi bèn khăn gói ra Huế học, một là để việc học dễ dàng hơn, hai là để trốn bầu khí chính trị xáo động ở Sài Gòn.
Để chú tâm vào việc học, ở Huế tôi không tiếp xúc với bất kỳ ai và từ chối không tham dự mọi sinh hoạt dù văn hoá hay chính trị. Thế mà có yên đâu. Một chuyện xẩy ra cho tôi cứ như là trong truyện trinh thám: Một bữa nọ đi học về tôi đi bộ trên đường Lê Lợi dọc bờ sông Hương. Một chiếc xe hơi màu đen rà tới đậu gần tôi. Hai người đàn ông ăn bận lịch sự xuống xe tiến về phía tôi áp sát người tôi ép tôi lên xe. Hai người bắt cóc tôi ngồi hai bên hông tôi ở băng dưới. Tất cả 5 người trên xe đều im lặng. Chiếc xe chạy qua cầu Trường Tiền qua cửa Thượng Tứ tiến vào Thành Nội. Xe chạy lặng lẽ một hồi qua những con đường nhỏ nhiều bóng cây rồì đậu trước một căn nhà nằm khuất sau vườn cây rậm. Khi họ dẫn tôi vào nhà tôi thấy trong một căn phòng rộng đã có đầy người trong đó và không khí rất nghiêm trang. Ở cuối phòng một băng-rôn với hàng chữ đỏ, lớn: Tinh Thần Nguyễn Thái Học Bất Diệt. Phía dưới là di ảnh của Nguyễn Thái Học và cha tôi. Tôi sực nhớ ra hôm đó 16-7-1965, là ngày tưởng niệm 35 năm liệt sĩ Nguyễn Thái Học lên đoạn đầu đài.
Trước quang cảnh ấy trong óc tôi lóe lên hình ảnh đám tang của ông cụ tôi với chiếc xe tang có hàng băng-rôn ở đầu xe: Nguyễn Thái Học 16-7-1930, Nguyễn Tường Tam 7-7-1963.
Trong thời gian tôi ở Huế, một đảng viên cốt cán của VNQDĐ cũng là đàn em của ông cụ tôi, anh Lê Hưng, từ Sài Gòn đến thăm tôi tại Đại học xá Nam Giao. Anh Lê Hưng nói với tôi: “Anh biết là nhiều người rủ em vào đảng và em đã từ chối, lấy cớ bận học. Hôm nay, anh gặp em cốt hỏi em một câu, một câu thôi, em hãy trả lời thành thật: em có thích làm chính trị không?”. Tôi ngạc nhiên trước câu hỏi của anh. Trước đó người ta chỉ nói đến bổn phận, đến trách nhiệm phải làm một cái gì cho đất nước, không ai đặt vấn đề “thích” hay “không thích”. Tôi trả lời là thực bụng tôi không thích chính trị. Anh cám ơn tôi và nói từ nay về sau sẽ xem tôi như bạn và không đả động đến chuyện lôi kéo tôi nữa. Anh Lê Hưng giữ lời hứa này với tôi cho đến ngày anh mất, khoảng trên 20 năm trước đây, anh bị tử nạn vì đi bộ băng qua đường bị xe hơi cán chết ở tiểu bang California.
Tôi không nhớ rõ vào năm nào nhưng chắc khoảng vài năm sau khi chúng tôi định cư ở Mỹ một hôm tôi lái xe từ thành phố Tacoma đến Seattle thăm nhà văn Thanh Nam vì nghe nói anh bị bệnh. Lúc đến nhà mới biết anh bị đau cổ họng không nói chuyện được và chị Thanh Nam, nhà văn Tuý Hồng, thay anh tiếp chuyện tôi. Trong câu chuyện, chị Tuý Hồng hỏi tôi: “Hồi ở Việt Nam tôi có đọc một bài viết của anh về ông cụ. Sau bài đó tôi chờ đợi mãi không thấy anh viết. Nghĩ rằng anh có thể viết bài nhưng lại đăng ở tạp chí khác chăng, tôi đi lùng tất cả các báo để đọc, rồi lại hỏi thêm bạn bè, nhưng tuyệt nhiên không thấy bài nào của anh cả. Tại sao anh không viết?” Lúc ấy tôi im lặng không nói gì vì không biết trả lời chị ra sao.
Năm 2007 sau khi cuốn sách Nhất Linh Cha Tôi được xuất bản, tôi có gửi tặng nhà nghiên cứu và phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc ở bên Úc một cuốn. Anh Quốc cũng có thắc mắc giống hệt chị Túy Hồng, anh viết cho tôi bức điện thư đề ngày 11 Jan 2007 như sau:

Anh Nguyễn Tường Thiết thân,
Tôi đã nhận được cuốn hồi ký anh gửi hôm qua. Tôi cũng đã đọc xong. Đọc nhanh một phần vì một số chương là đọc lại. Ấn tượng chung rất thích. Ít có cuốn hồi ký văn học nào viết hay như vậy. Anh có khiếu quan sát và nhận xét tinh tế. Trí nhớ lại tốt. Đặc biệt, điều tôi thích nhất: viết có chất văn. Thường, phần lớn các hồi ký chỉ nhằm đến việc cung cấp tư liệu. Anh thì rõ ràng là viết hồi ký như một cách làm văn chương. Về phương diện văn chương, ngoài câu văn rất trong sáng và gợi cảm, một trong những cống hiến có ý nghĩa nhất là sự xáo trộn về thời gian: mảnh ký ức này chồng lên mảnh ký ức khác, quá khứ xa chồng lên quá khứ gần. Cái nhớ của con người, nhờ đó, trở thành phức tạp và đa tầng hơn. Và cũng nhờ đó, trở thành thú vị hơn.
Đọc cuốn hồi ký, điều dễ thấy nhất là tình yêu của anh đối với cha anh và với anh em, họ hàng của anh. Tuy nhiên, điều khác cũng dễ thấy là sự tỉnh táo của anh khi anh nhận xét về người thân. Tôi rất cảm động khi thấy anh ghi nhận cái-không-đẹp của mẹ anh hay sự chậm chạp của chị anh. Ghi nhận như vậy không phải chỉ là một sự thành thực và can đảm mà còn là một sự tỉnh táo ít thấy. Tôi cũng rất quý anh ở chi tiết hồi trẻ anh mê đọc VP (Võ Phiến) hơn đọc bố anh. Những sự thành thực như vậy làm tập hồi ký như sáng hơn. Tôi nghĩ thế, không biết có đúng không?
Điều tôi ngạc nhiên khi đọc tập hồi ký là cái khoảng trống vời vợi giữa bài đầu (Niềm Vui Chết Yểu) và bài sau (Nhất Linh Cha Tôi), hơn 20 năm, từ 1964 đến 1985. Tôi không hiểu sao anh có thể im lặng lâu đến như vậy? Tôi chỉ hy vọng là từ nay, về hưu rồi, anh sẽ viết thật nhiều.
Xin cảm ơn anh về cuốn sách. Mong gặp anh (và chị Thái Vân?)
Thân,
Nguyễn Hưng Quốc

Hy vọng bài viết này sẽ giải tỏa thắc mắc của anh Nguyễn Hưng Quốc về cái “khoảng trống vời vợi” trên 20 năm tôi im lặng không viết.

*

Viết, trong bóng rợp của người cha… Bóng rợp ấy ảnh hưởng thế nào đến cách viết của tôi?
Năm 2020 cuốn sách Nhất Linh Cha Tôi được xuất bản ở Việt Nam. Một buổi tọa đàm về cuốn hồi ký này diễn ra tại Quận 3 Sài Gòn vào ngày 4/7/2020. Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu trong phần giới thiệu cuốn sách có nói: “Nhất Linh Cha Tôi không phải chỉ là cuốn hồi ký thuần tuý của một người con viết về cha vì tác giả là nhà văn nên bút pháp sống động vô cùng. Tác gỉa cũng rất hay ở chỗ thoát ly khỏi văn phong của Tự Lực Văn Đoàn. Ông Nguyễn Tường Thiết là con của Nhất Linh nhưng văn của ông không phải là một “Nhất Linh con” hay “Tự Lực Văn Đoàn nối dài”. Văn trong cuốn hồi ký này rất hiện đại.”
Qua những lời giới thiệu trên và qua nhận định của những nhà phê bình như Thụy Khuê, Nguyễn Hưng Quốc thì rõ ràng là tôi có một lối viết khác biệt với cha tôi.
Nhưng cái khác biệt đó, theo tôi, chỉ khác biệt về bút pháp hay kỹ thuật viết, chứ về nội dung cơ bản thì không có gì khác nhau: từ lối hành văn trong sáng, câu văn giản dị, những nhận xét về người về cảnh, tâm lý nhân vật, tìm chi tiết… nhất nhất tôi đều học từ Nhất Linh.
Ngoài ra tôi còn học được bài học quý giá từ cha tôi khi ông khuyên tôi viết văn cần nhất ở sự chân thành. “Mình phải thành thật đối với chính mình”. Lời khuyên này là kim chỉ nam cho những bài viết của tôi. Trước khi đặt bút viết, lời khuyên này bao giờ cũng loé lên trong đầu tôi trước nhất.
Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Hưng Quốc nhận xét về cách viết của tôi đặc biệt ở chỗ thời gian xáo trộn: “mảnh ký ức này chồng lên mảnh ký ức khác, quá khứ xa chồng lên quá khứ gần”. Nhà nghiên cứu văn học Thụy Khuê tìm thấy trong hồi ký của tôi “mộng và thực giao thoa trong những mảnh đời anh, mảnh đời gia đình, được cắt dán chồng chéo một cách rất hiên đại, không trước sau, không thống nhất, như trong lối viết hồi ký cổ điển.” Nhà văn Phạm Xuân Đài đào sâu hơn khi ông viết: “Truyện của Nguyễn Tường Thiết xẩy ra luôn luôn cảnh vụt đi vụt vể của những mảnh thời gian khác nhau, đó là một kỹ thuật để diễn tả cái thực tại tâm viên ý mã của tâm trí con người, của những liên tưởng không dứt xẹt chỗ này chỗ kia nhanh như điện””
Tôi cho rằng chính cái “kỹ thuật để diễn tả thực tại” như nhà văn Phạm Xuân Đài nêu lên mới chính là điểm làm nên khác biệt giữa cách viết của hai cha con.
Trên nửa thế kỷ đã trôi qua kể tử khi cha tôi “ngừng bút” chấm dứt nghiệp văn, cho đến ngày tôi bắt đầu “gõ máy” để khởi đầu văn nghiệp. Hoàn cảnh thay đổi, phương tiện viết thay đổi, cách thưởng ngoạn của độc giả thay đổi… do đó tạo nên cách viết thay đổi.
Hãy nhìn khung cảnh viết của tôi, năm 2006, khi tôi ngồi trong quán cà phê Starbucks để viết “Đỉnh Gió Hú”. Khung cảnh là một chiếc bàn nhỏ có ba thứ đặt ở trên: ly cà phê, cái laptop và tập bản thảo dịch của ông cụ. Ly cà phê, cái laptop là hiện tại, tập bản thảo là quá vãng. Về không gian ba thứ ấy chỉ cách nhau có một gang tay nhưng về thời gian chúng cách nhau những nửa thế kỷ. Tay tôi nâng cốc cà phê, mắt tôi nhìn vào phím máy, óc tôi nghĩ về tập bản thảo. Tất cả xẩy ra đồng thời và chỉ trong nháy mắt. Thực tại của tôi lúc viết là những liên tưởng không dứt “xẹt chỗ này chỗ kia nhanh như điện” đúng như diễn tả của nhà văn Phạm Xuân Đài.
Để bắt kịp cái liên tưởng tâm viên ý mã ấy trong tâm trí tôi, tôi phải dùng kỹ thuật viết flashback để ghi lại những mảnh hiện tại, quá khứ chồng chéo lên nhau. Lối viết này tôi bắt chước kỹ thuật điện ảnh hiện đại với nhiều “xen” flashback rất đột ngột.
Ngày xưa ông cụ tôi viết tay. Bây giờ tôi gõ máy vi tính. Máy giúp tôi thực hiện flashback dễ dàng. Chỉ việc highlight, copy, paste tôi có thể nhào lộn thời gian, vứt đoạn này lên trên, bỏ đoạn kia xuống dưới trong nháy mắt, nhờ thế mà những mảnh quá khứ, hiện tại được cắt dán, chồng chéo lên nhau một cách dễ dàng nhanh chóng.
Khi viết xong tập hồi ký Nhất Linh Cha Tôi tôi in từ trong máy ra để có được “bản thảo” tác phẩm của mình. Bản thảo là một tập 300 trang giấy chữ in trông gọn gàng sạch sẽ vì mọi sửa đổi, thêm thắt, bôi xóa, nhờ máy đã không còn để lại một dấu vết nào. Trông nó sạch sẽ nhưng trơ trẽn, vô hồn.
Bản thảo Xóm Cầu Mới của cha tôi, trái lại, chứa đầy nét gạch xoá, sửa chữa, chú thích. Chính những tuồng chữ chép tay nhỏ nhí và run run này mới đích thực là bản thảo. Mỗi lần nhìn nó tôi lại rưng rưng trong người như thể có hình bóng và hồn thiêng cha tôi hiển hiện đâu đây trên những trang giấy.

*

Bây giờ ở tuổi bát tuần tôi xem như ngừng bút hẳn. Có lần tôi tự hỏi: nếu trời cho mình được trẻ lại, được sống một lần thứ hai thì mình sẽ chọn đời sống ấy ra sao và làm gì? Một câu hỏi ngớ ngẩn nhưng tôi nghĩ ai mà trong đời chẳng có lúc tự đặt câu hỏi “giá mà”?
Vâng, giá mà tôi trẻ lại ở tuổi đôi mươi tôi sẽ chọn đi lại đúng cuộc đời cũ của mình vì tôi bằng lòng với nó, chỉ khác một điều là tôi sẽ chọn nghiệp văn và để cả cuộc đời thứ hai này viết một tác phẩm duy nhất, một tác phẩm vĩ đại dầy gần mười ngàn trang; đó là tiếp tục công trình tâm huyết mà cha tôi đã bỏ dở dang để hoàn tất trường giang tiểu thuyết Xóm Cầu Mới (Bèo giạt).
Đây là một cuốn tiểu thuyết mang hoài bão lớn nhất của ông cụ tôi. Cuốn sách theo dự tính sẽ dầy “gần vạn trang” là “một cuốn Đông Chu Liệt Quốc của những đời sống tầm thường, vui lẫn buồn, những vui buồn nhỏ nhặt hàng ngày của những nhân vật, những gia đình sinh hoạt ở trong một cái xóm nhỏ ở đầu một chiếc cầu gỗ từ lúc cầu bắt đầu mọt cho đến khi cầu gẫy và xóm nhỏ và các gia đình cũng tan tác theo với chiếc cầu gỗ. Những đời “bèo giạt” đến tụ hội ở xóm nhỏ cũng như những bèo giạt đến, trong ít lâu, vương bám vào chân cầu, rồi lại trôi đi theo dòng nước, không biết về đâu” (Nhất Linh).
Hoài bão thực hiện cuốn trường thiên tiểu thuyết đó, giống như chính cuộc đời ông, bỗng dưng đứt đoạn khi ông đột ngột qua đời ở tuổi năm mươi bẩy. Cho tới khi nhắm mắt Nhất Linh hoàn toàn không hay biết là tác phẩm dang dở này của mình sẽ được xuất bản. Và tôi là người xuất bản cuốn sách đó lần đầu tiên ở Việt Nam năm 1973, và tái bản lần thứ nhất ở Hoa Kỳ năm 2002.
Viết trong bóng rợp của người cha là thái độ tôi tự chọn. Không bao giờ tôi có ý muốn thoát ly khỏi bóng rợp đó, cho dù có nhiều người khuyên tôi (trong số có nhà phê bình văn học Thụy Khuê) là hãy từ bỏ cái bóng Nhất Linh để trở thành một nhà văn độc lập.

Bìa Xóm Cầu Mới (mới xuất bản ở Việt Nam)

Hôm nay là ngày hai mươi ba tháng chạp Âm lịch, khi tôi viết những dòng chữ kết thúc bài này thì thiên hạ đang chuẩn bị đón Tết Nhâm Dần. Trong không khí rộn ràng đón Xuân ấy riêng tôi có một niềm vui cuối năm: cuốn tiểu thuyết tâm đắc nhất của cha tôi, cuốn Xóm Cầu Mới (Bèo giạt) vừa in xong và được tái bản lần đầu tiên ở Việt Nam sau năm 1975.

Nguyễn Tường Thiết
Seattle, ngày 25/1/2022

Da Màu