Mục lục
Nguyễn Hoài Nam đi tù vì tưởng Đảng chống tham nhũng thật
Gần một năm sau khi bị bắt, ông Nguyễn Hoài Nam, cựu phóng viên báo đảng, bị truy tố với cáo buộc thường được nhà cầm quyền CSVN dành cho giới bất đồng trong lúc ông này đặt mục tiêu dùng ngòi bút chống tham nhũng.
Ông Nguyễn Hoài Nam, cựu phóng viên báo đảng, đi tù vì tin tưởng Đảng CSVN thật lòng chống tham nhũng.Ông là tác giả của nhiều phóng sự điều tra đăng trên báo đảng. Courtesy of Facebook Hoai Nam
Hôm 18/2/2022, truyền thông nhà nước cho hay, ông Nguyễn Hoài Nam, 48 tuổi, cựu phóng viên các báo Thanh Niên,Pháp Luật TP HCM, VTV và Pháp Luật Việt Nam, bị truy tố với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331, Bộ Luật Hình sự CSVN.
Cáo buộc này khiến ông đối mặt với bản án 7 năm tù khi ra tòa.
“Đả kích các cơ quan, tổ chức và cá nhân”
Theo báo Zing, ông Nguyễn Hoài Nam bị cáo buộc đăng nhiều bài viết trên trang cá nhân để đả kích các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Cơ quan tố tụng xác định các tài liệu, chứng cứ thu thập được và kết luận giám định của Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM quy chụp cho ông Nam “xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trung tướng Trần Văn Vệ, cựu chánh văn phòng, phó thủ trưởng thường trực C01 và ông Trần Văn Quân, điều tra viên C01.
Tháng 12/2020, ông Trần Văn Vệ và ông Trần Văn Quân đã gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Hoài Nam đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an CSVN, khi ông Nam có bài viết phản đối quyết định tố tụng của C01, Bộ Công an, trong vụ án xảy ra tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Vụ án kết luận ba cá nhân bị khởi tố, truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, nhưng ông Nam cho rằng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an bao che, bỏ lọt tội phạm.
Theo cơ quan điều tra, các chứng cứ do ông Nam cung cấp đã được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, đánh giá trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Khi ông Nam tiếp tục tố cáo, cơ quan điều tra đã làm việc nhưng ông này bị cho là đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do dân chủ, đăng nhiều bài viết lên trang cá nhân.
Trước khi bị bắt và truy tố, ông Nguyễn Hoài Nam (trái) được biết đến là phóng viên điều tra, chống tiêu cực và nhiều lần nhận được giấy khen của các cơ quan ban ngành. Courtesy of Facebook Hoai Nam
“CSVN cần chấm dứt đối xử với các nhà báo như tội phạm”
Báo VnExpress thừa nhận, trước khi bị bắt và truy tố, ông Nam được biết đến là phóng viên điều tra, chống tiêu cực và nhiều lần nhận được giấy khen của các cơ quan ban ngành.
Hồi năm ngoái, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (CPJ) phát đi thông cáo kêu gọi nhà cầm quyền CSVN trả tự do ngay lập tức và xóa bỏ những cáo buộc đối với nhà báo Nguyễn Hoài Nam. Ngoài ra CPJ cũng yêu cầu Hà Nội ngưng bỏ tù các nhà báo dựa theo cáo buộc ngụy tạo chống chính quyền.
Theo ghi nhận CPJ, trên trang cá nhân có khoảng 8.000 người theo dõi, ông Nam viết về tình trạng tham nhũng của chính quyền, đưa chỉ trích thường xuyên nhắm vào các quan chức Đảng CSVN.
Đại diện cấp cao của CPJ tại khu vực Đông Nam Á, ông Shawn Crispin, được trích dẫn trong thông cáo rằng nếu nhà cầm quyền CSVN muốn được quốc tế xem là một nhà nước có trách nhiệm, thì cần chấm dứt đối xử với các nhà báo như tội phạm, phải ngưng sách nhiễu các thành viên của báo giới do công việc của họ.
Thống kê của CPJ cho thấy Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc là nước có số nhà báo bị cầm tù nhiều nhất châu Á.
Định Tường (ĐấtViệt, 18.02.2022)
Công đoàn độc lập có đe dọa về “độc quyền chính trị” của Đảng?
Trong cách nhìn bảo thủ, thì công đoàn độc lập chỉ nhằm ủ mưu thúc đẩy đa nguyên, đối lập…
Huỳnh Liên
Quy định mới của Bộ luật lao động (sửa đổi) cho phép người lao động được thành lập, gia nhập tổ chức đại diện của mình, có thể ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Việc chấm dứt độc quyền công đoàn này thông qua việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về lao động, trước hết là bởi yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do CPTPP và EVFTA mà Việt Nam đã ký kết. Đây là các hiệp định thương mại thế hệ mới đòi hỏi cao về tiêu chuẩn lao động.
Vấn đề tự do công đoàn hay đại diện ngoài công đoàn thật ra đã được quy định từ trước khi Việt Nam ký kết CPTPP, tuy nhiên chủ yếu là vẫn dừng ở lý thuyết, khi từ năm 2008, trong nghị định về cổ phần hóa đã có quy định nếu người lao động muốn thì có thể thành lập, trong những đơn vị chưa có công đoàn thì người lao động có thể bầu tổ chức đại diện cho mình.
Có ý kiến rằng sao cứ phải chính trị hoá vấn đề công đoàn?. Tại sao không mạnh dạn quy định trình tự, thủ tục thành lập tổ chức đại diện cho người lao động thật đơn giản, tránh làm phức tạp quy trình để rồi gây khó cho người lao động, cạnh tranh không bình đẳng giữa các tổ chức?
Trong các văn bản chính thức, cho đến nay, Việt Nam sử dụng thuật ngữ “tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn” để chỉ tổ chức đại diện của công nhân tại doanh nghiệp sẽ được thành lập theo cam kết trong CPTPP.
Giả dụ chấp nhận việc tiếp tục “chính trị hóa”, có thể thấy rằng cho đến nay, người ta vẫn chưa nhận diện được nền tảng lý luận về cái gọi là “tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn”, chưa tường minh, nội hàm về “tính độc lập”của tổ chức này cũng chưa được xác định rõ.
Trong hoàn cảnh như trên, vấn đề đáng chú ý trước tiên là, phải tránh xu hướng hiểu không đúng và không đầy đủ về “tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn”.
Hiện tại, quan sát qua các tường thuật trên báo chí “tuyên giáo Đảng”, cho thấy thái độ nhìn nhận của chủ thể theo hai xu hướng trái ngược nhau.
Xu hướng thứ nhất là hoài nghi, cho rằng “tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn” xa lạ và không phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa, có tác động tiêu cực là chủ yếu; từ đó, dẫn đến lo lắng, không ủng hộ, thậm chí tiêu cực hơn là tẩy chay và phản đối sự ra đời của “tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn”.
Xu hướng này sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện cam kết CPTPP nói riêng và thực hiện các tiêu chuẩn về lao động, công đoàn nói chung trong quá trình hội nhập quốc tế.
Xu hướng thứ hai, mang tính mơ hồ, cho rằng “tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn” ra đời là cứu cánh, phá vỡ rào cản, cởi bỏ nút thắt kìm hãm sự phát triển của phong trào công nhân, công đoàn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Từ đó, có thái độ lạc quan thái quá, dẫn đến chủ quan, nóng vội, thiếu thận trọng trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về lao động và công đoàn, cũng như trong thực hiện các bước đi, các giải pháp quản lý cần thiết; để ra đời những “tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn” gượng ép, không thực chất, không đáp ứng yêu cầu là đại diện thực chất của người lao động.
Cả hai xu hướng trên đều không có lợi. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải thống nhất về nhận thức để có hành động đúng.
Giờ đã là tháng 2-2022. Theo lộ trình ký kết các công ước về lao động thì mười tháng nữa, năm 2023 Việt Nam sẽ ký Công ước 87, là công ước cuối cùng trong bốn cặp công ước mà Việt Nam ký kết cho tiến trình hội nhập.
Công ước cuối cùng này mới là trực tiếp liên quan đến việc thành lập công đoàn độc lập. Dù muốn dù không, khi thay đổi một chính sách thì cần phải có thời gian nhất định, nhất là đối với Việt Nam, nên có lẽ cùng chờ đợi những bước tiếp theo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
VNTB (19.02.2022)
HRW: Việt Nam: Quyền đi lại của các nhà hoạt động bị cản trở
Cần chấm dứt việc tùy tiện ngăn cản các nhà bất đồng chính kiến trên toàn quốc
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận định trong bản phúc trình công bố ngày hôm nay rằng chính quyền Việt Nam cản trở một cách có hệ thống quyền tự do đi lại của các nhà hoạt động chính trị và nhân quyền. Nhà cầm quyền cần ngay lập tức chấm dứt mọi hạn chế đối với quyền đi lại và sửa đổi các điều luật có nội dung cản trở quyền tự do cơ bản của công dân trong việc đi lại trong nước và nhập, xuất cảnh Việt Nam.
Bản phúc trình dài 66 trang, với tiêu đề “Nhốt chúng tôi ở trong nhà: Hạn chế tự do đi lại của các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam,” ghi nhận các vụ vi phạm thường xuyên của chính quyền Việt Nam đối với quyền tự do đi lại và các quyền cơ bản khác bằng cách buộc các nhà hoạt động, các nhà bất đồng chính kiến, những người bảo vệ nhân quyền và những người khác phải chịu quản thúc tại gia vô thời hạn, sách nhiễu và nhiều hình thức câu lưu khác. Chính quyền câu lưu các nhà hoạt động trong thời gian vừa đủ lâu để ngăn họ không tham dự được các cuộc biểu tình, các phiên tòa hình sự hay cuộc gặp với các nhà ngoại giao và tổng thống Mỹ, cũng như nhiều sự kiện khác nữa.
“Chính quyền Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống các quyền dân sự và chính trị, khiến các nhà hoạt động và các nhà bất đồng chính kiến luôn phải đối mặt với rủi ro thường trực,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Nhà cầm quyền áp dụng các chiến thuật lạm dụng nhân quyền như quản chế các nhà hoạt động tại gia vô thời hạn, câu lưu khi họ rời khỏi nhà, và cấm xuất cảnh trên cơ sở các lý do an ninh quốc gia ngụy tạo.”
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã lập hồ sơ các vụ cản trở một cách có hệ thống đối với hơn 170 nhà hoạt động, blogger và nhà bất đồng chính kiến, cùng với người thân của họ trong việc đi lại trong nước và quốc tế, bao gồm cả các vụ chặn giữ ở sân bay và cửa khẩu, cũng như từ chối cấp hộ chiếu hay các giấy tờ khác để họ đủ điều kiện xuất cảnh hay nhập cảnh. Nhà cầm quyền Việt Nam đã thực hiện hình thức trừng phạt tập thể, áp đặt cả việc quản thúc tại gia và lệnh cấm xuất nhập cảnh đối với người thân trong gia đình một số nhà hoạt động nhân quyền.
Các trường hợp được xem xét liên quan tới các vụ cản trở quyền đi lại từ năm 2004 đến năm 2021, dựa trên các tin tức báo chí độc lập, thông tin đăng tải trên mạng xã hội, blog độc lập và các trang mạng trong và ngoài nước Việt Nam, và trao đổi riêng với các nạn nhân, gia đình họ và các nhân chứng.
Nhà cầm quyền đã áp dụng nhiều phương pháp để kiềm tỏa người dân tại gia, như cử các nhân viên an ninh mặc thường phục đóng chốt ngoài tư gia, khóa cửa ra vào của người bất đồng chính kiến bằng khóa ổ, thậm chí đổ keo đa năng vào các ổ khóa, dựng rào chắn và các chướng ngại vật, và huy động côn đồ địa phương đe dọa người dân.
Tháng Giêng năm 2021, nhà cầm quyền Việt Nam quản chế tại gia một nhà vận động nhân quyền, bà Nguyễn Thúy Hạnh, suốt 10 ngày trong kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam. Bà viết trên trang Facebook của mình: “Đã điều bao nhiêu quân đội về Hà Nội để bảo vệ Đại hội Đảng, mà nhà cầm quyền vẫn chưa yên tâm, thản nhiên tước quyền đi lại của những công dân không phạm pháp chúng tôi bằng việc dùng công an nhốt chúng tôi ở trong nhà suốt kỳ đại hội.”
Tháng Năm năm 2016, các nhân viên an ninh kéo ông Nguyễn Quang A vào trong một chiếc xe và lái đưa ông đi lòng vòng để ngăn không cho ông đi dự cuộc gặp mặt với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama mà ông là một khách mời. Trong một số vụ việc, nhân viên an ninh cưỡng chế các nhà hoạt động lên tàu hỏa hoặc máy bay để buộc trở về nơi cư trú.
Các nhà hoạt động và blogger cũng thường xuyên bị câu lưu tại gia trong các dịp lễ kỷ niệm nhạy cảm, như các ngày quốc lễ của Việt Nam, các ngày kỷ niệm các vụ xung đột giữa Việt Nam với Trung Quốc, và các ngày lễ quốc tế, trong đó có ngày Quốc tế Nhân quyền, mồng 10 tháng Mười hai.
Các sự kiện chính trị, như Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam và các cuộc gọi là bầu cử Quốc Hội cũng thường dẫn đến các vụ đàn áp và kiềm tỏa. Các vị thượng khách nước ngoài cũng mang đến nguy cơ kiềm tỏa, trong đó có các chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton năm 2000, Barack Obama năm 2016 và Donald Trump vào tháng Mười một năm 2017 và tháng Hai năm 2019 trong Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim Jong Un. Nhà cầm quyền cũng ngăn cản các nhà hoạt động gặp gỡ với các chuyên gia nước ngoài của Liên Hiệp Quốc hay các tổ chức khác tới thăm Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Vì cách thức cản trở đi lại nói trên của chính quyền Việt Nam đã quá phổ biến, một số nhà hoạt động tìm cách khỏi nhà trước sự kiện sắp tới và tạm trú ở một nơi kín đáo. Tuy nhiên, an ninh vẫn thường phát hiện và ngăn chặn được họ.
“Chính quyền Việt Nam hiển nhiên coi việc một số người đi dự các sự kiện nhân quyền hay tự do tôn giáo, hoặc gặp gỡ các quan chức nước ngoài tới thăm Việt Nam là hành vi phạm tội,” ông Robertson nói. “Nhà cầm quyền Việt Nam cần ngay lập tức chấm dứt quản thúc tại gia và các hành vi cản trở việc đi lại của các nhà vận động nhân quyền.”
Nhà cầm quyền Việt Nam cũng thường xuyên cản trở các nhà hoạt động xuất cảnh hay nhập cảnh Việt Nam. Công an thường chặn hành khách tại sân bay hay cửa khẩu. Có người bị từ chối không cho nhập cảnh dù mang hộ chiếu Việt Nam.
Nhà cầm quyền Việt Nam tỏ ra quá nhạy cảm với khả năng các nhà hoạt động gặp gỡ các quan chức nước ngoài hay những người bất đồng chính kiến đang lưu vong đến nỗi cấm luôn họ xuất cảnh trong những chuyến đi với mục đích cá nhân, như đi du lịch hay tháp tùng người thân đi nước ngoài chữa bệnh.
Chính quyền không công bố danh sách cấm xuất nhập cảnh hay thông báo cho những người có tên trong danh sách biết việc họ bị cấm, hoặc thông báo cho họ biết thời hạn cấm là bao lâu. Các nhà hoạt động và blogger có thể chỉ biết được các điều đó khi bị công an chặn ở sân bay hay cửa khẩu. Trong một số trường hợp, người dân chỉ biết được mình bị ở trong danh sách cấm khi xin gia hạn hay xin cấp hộ chiếu.
Tại các sân bay và cửa khẩu, nhân viên an ninh đôi khi nói với các nhà hoạt động và blogger rằng họ không thể xuất cảnh vì những lý do an ninh quốc gia chung chung. Trong các trường hợp khác, người bị cấm được thông báo rằng lệnh cấm là theo yêu cầu của công an một thành phố hay tỉnh nào đó, hay một phòng ban cụ thể trong Bộ Công An. Trong một số trường hợp, công an còn tịch thu luôn hộ chiếu.
Cho dù những vi phạm nhân quyền cơ bản nói trên là rất nghiêm trọng, hầu hết các nạn nhân đều không có cơ hội khiếu nại, như đã quy định trong công pháp quốc tế về nhân quyền. Tuy nhiên, một vài người đã cố gắng phản kháng lại chế độ độc đảng đầy quyền lực ở Việt Nam và thách thức tính hợp pháp của các hành vi ngược đãi nhằm vào họ – một việc đầy khó khăn và thường bất khả thi tại hệ thống tòa án của Việt Nam do Đảng Cộng sản kiểm soát.
“Các nhà vận động nhân quyền Việt Nam phải đối mặt với sự đàn áp nặng nề của chính quyền chỉ vì họ dám tổ chức hay tham dự các sự kiện, hoặc tìm cách đi lại để làm việc của mình,” ông Robertson nói. “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại của Việt Nam cần nhận thức được sự cản trở đối với quyền tự do đi lại đang diễn ra hàng ngày và gây sức ép để chính quyền Việt Nam chấm dứt cách hành xử gây tê liệt người dân như thế.”
VNTB (18.02.2022)
‘Canh và chặn’: cách Hà Nội đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền
Cảnh sát canh gác trong một phiên tòa xét xử người bất đồng chính kiến ở thành phố Hồ Chí Minh hồi năm 2010
Cho người canh giữ trước nhà hay ngăn chặn việc đi lại là một cách làm ‘có hệ thống’ của chính quyền Việt Nam để đối phó với các nhà hoạt động nhân quyền, một phúc trình của tổ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa được công bố cho biết.
Phúc trình dài 66 trang có tựa đề ‘Bị nhốt ở trong nhà: Các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam bị hạn chế quyền tự do đi lại’ đã được HRW công bố tại một buổi họp báo vào sáng ngày 17/2 tại Bangkok để kêu gọi chính quyền Việt Nam ‘chấm dứt việc tùy tiện ngăn cản các nhà bất đồng chính kiến trên toàn quốc’.
Theo Human Rights Watch, cách làm ‘canh và chặn’ này khiến các nhà hoạt động và các nhà bất đồng chính kiến ‘chịu quản thúc tại gia vô thời hạn’.
Theo giải thích của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thì với cách làm này, các nhà hoạt động ‘bị câu lưu trong thời gian vừa đủ lâu để không tham dự được các cuộc biểu tình, các phiên tòa hình sự hay cuộc gặp với các nhà ngoại giao và tổng thống Mỹ’và bị hạn chế xuất nhập cảnh.
Hơn 170 trường hợp
Phúc trình đã ghi nhận các trường hợp của hơn 170 nhà hoạt động, blogger và nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam bị đàn áp kiểu này, trong đó có bị chặn trước cửa nhà, chặn trên đường đi, giữ lại không cho xuất, nhập cảnh ở sân bay, cửa khẩu và từ chối cấp hộ chiếu…
Trong một đoạn video được HRW trình chiếu tại buổi họp báo, ông Trịnh Bá Phương, một nhà tranh đấu về các quyền về đất đai ở Việt Nam đã bị tuyên án 10 năm tù, đã quay lại cảnh an ninh thường phục ‘dàn trận’ trước nhà ông và có hành động quát tháo, đe dọa và dường như đã hành hung ông. Một đoạn video khác cho thấy ông Nguyễn Quang A, nhà bất đồng chính kiến nổi bật ở Hà Nội, bị một số người trẻ mặc thường phục đẩy lại vào nhà khi đang trên đường đi.
Chính quyền cho ‘nhân viên an ninh mặc thường phục đóng chốt ngoài tư gia, khóa cửa ra vào của người bất đồng chính kiến bằng khóa ổ, thậm chí đổ keo đa năng vào các ổ khóa, dựng rào chắn và các chướng ngại vật, và huy động côn đồ địa phương đe dọa người dân’, phúc trình cho biết.
“Lúc nào sự ngăn chặn này cũng đi kèm với sự đe dọa về thân thể. Nếu các nhà hoạt động tìm cách trốn thoát thì họ sẽ bị đánh đập,” ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói tại cuộc họp báo công bố phúc trình.
Trong một số vụ việc, nhân viên an ninh cưỡng chế các nhà hoạt động lên tàu hỏa hoặc máy bay để buộc trở về nơi cư trú, cũng theo phúc trình.
Và khi cần đi ra nước ngoài hoặc khi làm thủ tục xin cấp hay gia hạn thì các nhà hoạt động này mới biết họ nằm trong danh sách cấm xuất nhập cảnh ‘với những lý do an ninh quốc gia chung chung’.
“Chính quyền không công bố danh sách cấm xuất nhập cảnh hay thông báo cho những người có tên trong danh sách biết việc họ bị cấm, hoặc thông báo cho họ biết thời hạn cấm là bao lâu,” HRW cho biết.
Ngay cả khi xuất cảnh với mục đích cá nhân như đi du lịch hay đi chữa bệnh thì các nhà hoạt động vẫn bị chính quyền chặn lại do ‘quá nhạy cảm’ với khả năng họ gặp các quan chức nước ngoài hay các nhân vật lưu vong.
HRW đưa ra trường hợp bà Nguyễn Thúy Hạnh, người đang bị giam giữ về tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’, đã bị cầm giữ suốt 10 ngày hồi tháng 1 năm 2021 khi Đảng Cộng sản Việt Nam họp Đại hội 13, và ông Nguyễn Quang A bị nhân viên an ninh lôi lên xe đi vòng vòng hồi năm 2016 để ngăn ông đến gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama lúc đó đang ở thăm Hà Nội.
Tại buổi họp báo, ông Robertson cũng nêu lên trường hợp của bà Phạm Đoan Trang, một nhà báo độc lập đang thụ án 9 năm tù về tội ‘Tuyên truyền chống nhà nước’. Hồi năm 2016, bà Trang cùng một người bạn lái xe từ Sài Gòn ra Hà Nội để tham dự cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama nhưng ‘bị chặn lại khi cách Hà Nội 100km, bị câu lưu và bị buộc phải quay về’.
Còn về xuất nhập cảnh, phúc trình nêu các trường hợp của linh mục Nguyễn Đình Thục bị ngăn xuất cảnh sang Nhật nhân chuyến thăm của Giáo hoàng Francis hồi năm 2019 với lý do ‘bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội’.
Blogger Phạm Chí Dũng, người cũng đang thụ án tù, cũng từng bị chặn lại ở sân bay Tân Sơn Nhất hồi năm 2014 khi ông chuẩn bị đáp chuyến bay đi Geneva để điều trần về nhân quyền Việt Nam tại kỳ Xem xét Định kỳ Phổ quát của Liên Hiệp Quốc.
‘Ăn bánh canh’
Cách làm này của chính quyền trở nên quen thuộc đối với các nhà hoạt động đến nỗi nó trở thành ‘một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ’ và thậm chí còn được họ gọi đùa là ‘ăn bánh canh’ (eating guard soup), ông Phil Robertson cho biết.
Họ còn ứng phó bằng cách lên đường trước vài ngày trước khi xảy ra sự kiện nhạy cảm nào đó nhưng cuối cùng vẫn bị chặn lại, cũng theo ông Robertson.
Không chỉ bản thân các nhà hoạt động mà ngay cả người thân của họ cũng gặp các hạn chế về đi lại này trong hành động mà HRW gọi là ‘trừng phạt tập thể’.
HRW chỉ ra những sự kiện chính trị nhạy cảm như Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, các ngày lễ quốc tế về nhân quyền, các ngày kỷ niệm các vụ xung đột Việt-Trung, hay chuyến thăm của các nhà lãnh đạo nước ngoài, nhất là Mỹ, là những lúc nhà cầm quyền Việt Nam tăng cường các hoạt động canh giữ và ngăn chặn này.
“Chính quyền Việt Nam hiển nhiên coi việc một số người đi dự các sự kiện nhân quyền hay tự do tôn giáo, hoặc gặp gỡ các quan chức nước ngoài tới thăm Việt Nam là hành vi phạm tội,” ông Robertson nói.
Ông kêu gọi chính quyền Việt Nam ngay lập tức chấm dứt mọi hạn chế này và sửa đổi các điều luật cản trở quyền tự do cơ bản của công dân và kêu gọi các đối tác và nhà tài trợ cho Việt Nam ‘gây sức ép để chính quyền Việt Nam chấm dứt cách hành xử này’.
“Cộng đồng quốc tế cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa và đưa vấn đề này ra Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Nhân quyền,” ông Robertson nói.
Trao đổi với VOA từ Hà Nội, ông Nguyễn Lân Thắng, một nhà bất đồng chính kiến, cho biết việc canh và chặn đối với ông ‘thường xuyên xảy ra’, nhất là trong các cuộc tưởng niệm liên quan đến Trung Quốc, các cuộc biểu tình, các phiên tòa xét xử những nhân vật bất đồng chính kiến.
Ông nói do ông có cách tiếp cận ôn hòa nên không gặp phải thái độ căng thẳng của những người canh giữ ông, còn những bạn bè ông do ‘cố gắng bảo vệ quyền đi lại’ nên gặp phản ứng quyết liệt của phía an ninh.
“Mục đích của những người canh giữ là làm sao mình không đến địa điểm này, không tham dự sự việc này, sự việc kia,” ông Thắng nói.
Cũng theo lời ông Thắng thì việc quản thúc ông như vậy ‘không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống cá nhân’ của ông vì họ ‘không ngăn chặn tôi đi làm, đi chợ hay đi những công việc cá nhân’.
Để có được phúc trình này, HRW đã dựa vào báo chí độc lập, mạng xã hội, blog độc lập và các trang mạng. Họ cũng đã phỏng vấn trực tiếp các nạn nhân và gia đình cùng với nhân chứng.
Đây là lần đầu tiên Tổ chức Theo dõi Nhân quyền xem xét một cách có hệ thống cách thức hạn chế tự do đi lại của chính quyền Việt Nam để công bố trong một phúc trình đầy đủ và toàn diện.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa có phản ứng gì về phúc trình của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhưng trước giờ họ vẫn khăng khăng cho rằng ‘không có vi phạm nhân quyền ở Việt Nam’.
VOA (18.02.2022)
Báo cáo của HRW nói hơn 170 nhà hoạt động Việt Nam bị bắt giữ và sách nhiễu
Chụp lại hình ảnh, Nhà báo VN hiện đang bị tù Phạm Đoan Trang được Canada và Anh trao giải Tự do Truyền thông (Media Freedom 2022) của hai nước vào ngày 10/02/2022
Trong một báo cáo mới, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch – HRW) cáo buộc chính quyền Việt Nam sách nhiễu và giam giữ hơn 170 nhà hoạt động trong hai thập kỷ qua.
Nhiều người bị công an Việt Nam cấm rời khỏi nhà của họ, và thậm chí một số người thấy khóa cửa nhà mình bị dính chặt bằng keo không mở được.
Tổ chức nhân quyền kêu gọi chấm dứt “hạn chế có hệ thống” quyền tự do đi lại của các nhà hoạt động.
Hai khái niệm được HRW nêu ra là “home locked-in” (bị khóa trong nhà riêng), và “locked-up” (bị giam) nhằm mô tả tình cảnh các nhà hoạt động đòi quyền cơ bản bị công an Việt Nam “xử lý”.
Theo BBC News bản tiếng Anh cùng ngày trong bài “Vietnam: 170 activists detained and harassed, says report” thì “Nhà nước cộng sản độc đảng của Việt Nam không dung thứ cho những bất đồng chính kiến, và thường xuyên bỏ tù những người chỉ trích.”
Trong bản báo cáo dài 65 trang được công bố hôm thứ Năm (17/2), HRW cho biết họ đã điều tra nhiều trường hợp bị ngăn cấm di chuyển do chính quyền Việt Nam áp đặt từ năm 2004 đến năm 2021.
Tổ chức này nói rằng chính phủ đã ngăn cản các nhà hoạt động đi lại trong nước và quốc tế, bao gồm cả việc chặn họ ở sân bay và cửa khẩu, đồng thời từ chối cấp cho họ hộ chiếu hoặc giấy tờ thông hành khác.
Các hạn chế cũng bị mở rộng với việc di chuyển trong lãnh thổ Việt Nam, vì các nhà hoạt động báo cáo rằng họ bị đe dọa bởi các nhân viên an ninh mặc thường phục đóng bên ngoài nhà của họ hoặc những kẻ côn đồ hàng xóm do nhà nước điều động; và thấy họ bị mắc kẹt ngay trong nhà của mình vì cửa đã bị khóa trái từ bên ngoài.
Trong một ví dụ từ năm 2016, nhà hoạt động vì quyền đất đai và vận động cho các tù nhân chính trị, ông Huỳnh Công Thuận thấy khóa cửa nhà ông đã bị dính chặt bằng keo để ngăn không cho ông ra khỏi nhà.
Trong một vụ việc khác vào tháng 01/2021, nhà chức trách đã thực hành quản thúc tại nhà 10 ngày với bà Nguyễn Thúy Hạnh, một nhà vận động nhân quyền, trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam.
NGUỒN HÌNH ẢNH,HUMAN RIGHTS WATCH Chụp lại hình ảnh, Nhà vận động nhân quyền Việt Nam Nguyễn Thúy Hạnh bị quản thúc tại nhà 10 ngày vào năm ngoái
“Chính quyền đã đưa rất nhiều binh lính đến Hà Nội để bảo vệ Đại hội Đảng, nhưng điều đó không khiến tâm trí của họ được thoải mái”, bà viết trên Facebook. “Họ đã cướp trắng trợn của chúng tôi, những công dân không vi phạm bất kỳ luật nào, quyền tự do đi lại của chúng tôi, và cảnh sát đã nhốt chúng tôi trong nhà trong suốt thời gian diễn ra đại hội.”
Các hạn chế đi lại đã dẫn đến việc các nhà hoạt động không thể tham dự các cuộc biểu tình, xét xử tội phạm, gặp gỡ các nhà ngoại giao nước ngoài và một tổng thống Mỹ – trong số nhiều sự kiện khác – để nói lên động cơ của họ, HRW cho biết.
Tổ chức nhân quyền kêu gọi chính phủ chấm dứt ngay lập tức mọi hạn chế đi lại và sửa đổi luật mà hạn chế những quyền cơ bản của công dân như là quyền tự do đi lại trong và ngoài Việt Nam.
Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của HRW cho biết: “Chính phủ Việt Nam dường như coi việc một số người tham dự các sự kiện về nhân quyền hoặc tự do tôn giáo, hoặc gặp gỡ các chức sắc nước ngoài đến thăm là một tội hình sự.”
Khác biệt về nhân thức liên quan tới nhân quyền
Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng bảo vệ cho hồ sơ nhân quyền của mình. Năm ngoái, nước này còn tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khi đó đã tuyên bố trong cuộc họp cấp cao của Hội đồng Nhân quyền rằng đất nước ông tiếp tục “ưu tiên thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản của người dân, kể cả trong thời điểm khó khăn nhất hiện nay”.
NGUỒN HÌNH ẢNH,OTHER Chụp lại hình ảnh, Các nhà bất đồng chính kiến đã bị xử tù Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm
Thế nhưng, nhiều nhà quan sát đã chỉ ra hai cách nhìn về nhân quyền khá xa nhau, ở VN và trên thế giới.
LS Lê Quốc Quân trong một bài viết gần đây trên BBC News Tiếng Việt đã mô tả điều này:
“Nhân quyền theo cách hiểu của Việt Nam là công bằng trong tiếp cận vaccine, xóa đói giảm nghèo, quyền phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người đồng tính… đã được nâng cao. Trong khi đó, thế giới cho rằng nhân quyền quan trọng nhất là quyền về chính trị, nơi mọi người sinh ra đều có những quyền đương nhiên như “Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình“. “
Việt Nam còn gắn nhân quyền với các khái niệm về quyền tập thể của quốc gia.
Trong khi trên thế giới, nói đến nhân quyền là hướng đến quyền đương nhiên của từng cá nhân cụ thể trong xã hội loài người và không một quốc gia nào có thể “ngầm diễn dịch để phá hoại các quyền đó”, theo Điều 30, Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948…”
Ông Lê Quốc Quân, từ Hà Nội, nhận xét:
“Nhưng dù nói thế nào đi chăng nữa cũng không thể chứng minh sự cải thiện nhân quyền bằng việc bắt giữ và kết án nặng nề các nhà hoạt động.
Cách đây 10 năm, các tổ chức dân sự được thành lập rất nhiều và hoạt động khá sôi nổi, còn bây giờ chính quyền Việt Nam truy lùng đến các nhóm, trung tâm chưa thể hiện nhiều thái độ với nhà nước nhưng vẫn được coi là mầm mống của xã hội dân sự, nơi sẽ thách thức tính toàn trị của nhà nước.
Trường hợp bắt giữ nhà báo Mai Phan Lợi và luật gia Đặng Đình Bách tháng 7/2021 về tội trốn thuế, bị cho là do các ông này làm giám đốc các trung tâm có thể tạo nên nền tảng tự do cho các xã hội dân sự ở Việt Nam…”
Toàn văn Báo cáo Nhân quyền HRW 17/02/2022 bằng tiếng Anh.
BBC (17.02.2022)
Nhà bảo vệ môi trường Việt Nam từng đoạt giải thưởng quốc tế bị bắt
Bà Nguy Thị Khanh, người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng môi trường Goldman danh giá vào năm 2018, vừa bị bắt vì tội trốn thuế.
(Xin đọc Thông cáo báo chí việc trao giải thưởng Goldman năm 2018 ở phía dưới)
Bà Ngụy Thị Khanh đã vận động nhà nước Việt Nam nên sử dụng năng lượng xanh, khiến bà động chạm mạnh với nhà nước CSVN còn muốn gia tăng năng lượng than củi.
Bà Khanh, người sáng lập “Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh” (Green Innovation and Development Centre), đã bị bắt giữ vào tháng trước, nhưng mãi đến hôm thứ Tư 09/02/22 báo chí nhà nước mới xác nhân bà bị bắt. Văn phòng và nhà riêng của bà đã bị cảnh sát lục xoát, tịch thu nhiều tài liệu và các thiết bị khác.
Tháng trước, hai ông Đặng Đình Bách, giám đốc “Trung tâm Nghiên cứu về Luật pháp và Chính sách Phát triển Bền vững” (Law and Policy of Sustainable Development Research Center) đã bị kết án 5 năm tù cũng bị buộc tội trốn thuế, và nhà báo Mai Phan Lợi, giám đốc “Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng” (Center for Media in Educating Community) nhận bản án bốn năm tù vì gian lận thuế.
Đặng Đình Bách (trái) và Mai Phan Lợi (phải)
Cả hai ông đều là thành viên hội đồng quản trị của mạng lưới VNGO-EVFTA, một nhóm gồm bảy tổ chức cộng đồng tham gia giám sát việc thực hiện Hiệp Định Thương mại Tự do Châu Âu-Việt Nam EVFTA (viết tắt của cụm từ “European-Vietnam Free Trade Agreement”) thực sự sẽ có tác động như thế nào đến việc cải thiện tình trạng nhân quyền, quyền của người lao động, quyền đất đai và cải thiện môi trường. Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8 năm 2020.
Bảy tổ chức nói trên cho biết chính quyền Việt Nam đã bắt đầu kiểm soát các hoạt động của họ vào năm ngoái 2021 sau khi họ phát động chiến dịch thúc đẩy năng lượng sạch.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), tuyên bố: “Sau khi Hà Nội đã hoàn tất việc bỏ tù tất cả những người bất đồng chính kiến trong lúc thế giới bị phân tâm chia trí vì Covid-19, nay bộ máy đàn áp của nhà nước chĩa mũi dùi vào các tổ chức phi chính phủ về môi trường và xã hội. Chúng ta hãy hy vọng thế giới tranh đấu mạnh mẽ hơn cho các nhà hoạt động xã hội dân sự, so với những người bất đồng chính kiến, nhiều người trong số họ hiện đang phải chịu án tù dài hạn chỉ vì họ lên tiếng chống lại việc lạm dụng nhân quyền và tham nhũng”.
Phụ chú: bài này viết dựa theo tài liệu của báo Anh quốc “The Guardian” ngày 09.02.2022
“Award-winning Vietnamese environmentalist arrested as rights groups fear ‘clamp down’”
Xin mở link dưới để xem nguyên bản Anh ngữ
Kính
Duong Hong-An
-Mạng hành động “Save Vietnam’s Nature” (SVN)-
-Aktionsnetzwerk “Save Vietnam’s Nature” (SVN)-
________________________
Thông cáo báo chí của tổ chức „Goldman Environmental Foundation“ (do chính tổ chức viết bằng tiếng Việt) về giải thưởng năm 2018
Giải thưởng Môi trường Goldman vinh danh 7 Anh hùng môi trường
Giải thưởng công nhận các nhà hoạt động từ Colombia, Pháp, Việt Nam,
Philippines, Nam Phi và Hoa Kỳ
SAN FRANCISCO, ngày 23 tháng Tư năm 2018 — Quỹ môi trường Goldman hôm nay công bố bảy người nhận Giải thưởng Môi trường Goldman năm 2018, giải thưởng lớn nhất thế giới dành cho các nhà hoạt động môi trường cơ sở.
Được trao tặng hàng năm cho các anh hùng môi trường từ sáu khu vực lục địa trên thế giới, Giải thưởng Môi trường Goldman công nhận những nhà hoạt động cơ sở vì những thành tựu quan trọng trong việc bảo vệ môi trường.
Những người đoạt giải sẽ được trao Giải thưởng tại buổi lễ chỉ bao gồm các khách mời vào lúc 5:30 chiều nay tại Nhà hát lớn San Francisco (sự kiện này sẽ được trình chiếu trực tuyến tại www.goldmanprize.org/ceremony). Buổi lễ tại Tòa nhà Ronald Reagan và Trung tâm Thương mại Quốc tế ở Washington, D.C., sẽ diễn ra vào Thứ Tư 25 tháng 4, lúc 7:30 tối.
Những người đoạt giải năm nay là:
FRANCIA MÁRQUEZ, Colombia
Một nhà lãnh đạo nổi tiếng của cộng đồng người Colombia gốc phi, Francia Márquez đã gây áp lực lên chính phủ Colombia và tổ chức những người phụ nữ của La Toma, khu vực Cauca, ngăn chặn việc khai thác vàng trái phép trên mảnh đất tổ tiên của họ.
CLAIRE NOUVIAN, Pháp
Một người bảo vệ không biết mệt mỏi của các đại dương và đời sống biển, Claire Nouvian đã dẫn đầu một chiến dịch vận động tập trung dữ liệu chống lại thực tiễn khai thác hủy diệt của việc đánh bắt hải sản ở tầng đáy sâu. Công việc của cô đã giành được sự ủng hộ của Pháp thông qua lệnh cấm khai thác, làm tiền đề cho một lệnh cấm của toàn EU.
MAKOMA LEKALAKALA & LIZ MCDAID, Nam Phi
Là những nhà hoạt động cấp cơ sở, Makoma Lekalakala và Liz McDaid đã xây dựng một liên minh rộng lớn để ngăn chặn thương vụ đàm phán hạt nhân khổng lồ của Nam Phi với Nga. Công việc của họ đã dẫn đến một chiến thắng pháp lý mang tính bước ngoặt đối với thỏa thuận bí mật trị giá 76 tỷ đô la, bảo vệ Nam Phi không trở thành nơi chứa chất thải hạt nhân của thời đại.
MANNY CALONZO, Philippines
Manny Calonzo đã đứng mũi chịu sào trong chiến dịch vận động chính sách nhằm thuyết phục chính phủ Philipine ban hành lệnh cấm sản xuất, sử dụng và bán sơn chì. Những nỗ lực của ông đã bảo vệ hàng triệu trẻ em Philippine khỏi bị ngộ độc chì.
LEEANNE WALTERS, Hoa Kỳ
LeeAnne Walters đã dẫn dắt phong trào công dân kiểm tra nước máy ở Flint, Michigan, và phơi bày cuộc khủng hoảng nước Flint, buộc các chính quyền địa phương, tiểu bang và liên bang phải hành động để đảm bảo phương thức tiếp cận với nước uống sạch.
KHANH NGUY THI, Việt Nam
Khanh Nguy Thi đã sử dụng các nghiên cứu khoa học và thúc đẩy các cơ quan nhà nước Việt Nam tham gia vào vận động cho các dự án năng lượng dài hạn bền vững và giảm sự lệ thuộc nguồn than ở Việt Nam. Những nỗ lực của bà đã giúp loại bỏ được 115 triệu tấn khí thải carbon dioxide từ Việt Nam mỗi năm.
—
Về giải thưởng môi trường Goldman
Giải thưởng Môi trường Goldman được thành lập vào năm 1989 bởi các nhà lãnh đạo công dân San Francisco và các nhà từ thiện Richard và Rhoda Goldman. Những người đoạt giải được lựa chọn bởi một ban giám khảo quốc tế từ những đề cử bí mật do một mạng lưới các tổ chức và cá nhân môi trường trên toàn thế giới đệ trình.
Nguồn: 2018 Press Resources – Goldman Environmental Foundation (goldmanprize.org)