Có thể với ai đó, châu Phi gợi đến hình ảnh của những vùng đất xa xôi, khô cằn, nghèo đói và nhiều hiểm nguy ẩn chứa.
Nhưng đối với Trần Ngọc Huyền, hay ‘Huyền Maasai’, lục địa đen lại là nơi chị bị chinh phục bởi tình người ấm áp và để lại trong chị một ‘tình yêu dai dẳng’ luôn níu kéo chị trở về.
Từng sống và làm việc ở Kenya sáu năm, Huyền bắt đầu chia sẻ niềm đam mê châu Phi qua những bài viết blog về vẻ đẹp của Kenya.
Sau một chuyến đi chị tổ chức cho bạn bè đến thăm Kenya, thành công ngoài sức tưởng tượng đã khiến Huyền nhận ra điều chị thực sự muốn làm là khơi niềm đam mê đối với châu Phi cho nhiều người, nơi chị ‘tìm thấy những cảm giác không bao giờ tìm thấy ở nơi khác’.
Công ty Kỳ diệu Phi Châu – Maasai Travel ra đời từ đó, đưa khách du lịch Việt đến tới những điểm đến khá ‘độc’ như Kenya, Marốc và Nam Phi.
Vào những ngày cuối năm Mậu Tuất, BBC hỏi chuyện với Huyền qua Skype và nghe chị chia sẻ vì sao chị bị châu Phi lôi cuốn đến vậy, và vì sao nhiều định kiến của người Việt về châu Phi là ‘oan sai’ cho châu lục này.
Vì sao bị châu Phi lôi cuốn?
BBC: Từng sống và làm việc ở châu Phi nhiều năm, bạn thấy có điểm gì hay ở văn hóa và con người châu Phi? Có gì điểm gì tương đồng với văn hóa Việt không?
Huyền Maasai: Nếu mà nói về văn hóa châu Phi thì mình là một người khá là buồn cười, tức là đến nước phát triển thì mình cảm thấy không hẳn là mình thuộc về nó.
Còn khi đến những nước đang phát triển hay cụ thể là châu Phi thì tự nhiên mình cảm thấy rất là thoải mái, dễ chịu.
Có lẽ cái tính cộng đồng là điểm chung nhất mà mình thấy. Tức là mọi người có thể chào hỏi nhau, hay bạn bè đến nhà nhau rất thoải mái, ít riêng tư… một cái văn hóa mà mình cảm thấy rất gần gũi với Việt Nam.
Tất nhiên cũng có những cái rất khác với Việt Nam. Mọi người đang thấy mình mặc xanh đỏ lòe loẹt đây thì đó là ảnh hưởng của châu Phi.
Càng ở châu Phi thì mình càng yêu thích những màu sắc rực rỡ, cách thể hiện cơ thể hay thể hiện tính cách mà người châu Á không bao giờ đạt được đến mức hồn nhiên, tự nhiên hay quyến rũ đến như thế.
Mục lục
Định kiến của người Việt về châu Phi
BBC:Người Việt đi du lịch nước ngoài ngày càng nhiều, nhưng phần lớn thích đi châu Á, châu Âu, châu Mỹ. Phải chăng người Việt còn nhiều định kiến về châu Phi?
Huyền Massai: Định kiến của người Việt chính là lý do khiến mình quyết định mở công ty Masai Travel, hay là viết về châu Phi hay kêu gọi mọi người đến châu Phi.
Những gì mà người Việt biết về châu Phi, một châu lục rất xa, rất lạ, chỉ là những cái họ nhìn thấy trên TV. Trên TV thường chỉ là những tin tức gây chấn động như nghèo đói, bệnh dịch… nói chung là thường mang tính không tích cực. Và những cái đẹp và khác của châu Phi thì thường là rất ít người biết đến.
Định kiến lớn nhất của người Việt đối với châu Phi là châu Phi rất nguy hiểm – cả về an ninh và dịch tễ. Và đó là rất oan sai đối với châu Phi ở chỗ là mình không thể áp dụng suy nghĩ đó cho tất cả mọi vùng được. Châu Phi là một vùng lãnh thổ với 54 quốc gia và có vùng thế này, vùng thế kia. Kể cả trong một quốc gia cũng có vùng thế này vùng thế kia. Những vùng du lịch thì có thể là rất an toàn.
Cũng như Việt Nam, mọi người thường tự hào là Việt Nam là nước an toàn nhất thế giới, nhưng vẫn có những phố, những khu mà khi vào thì đảm bảo là sẽ bị cướp giật.
Điều đó đã tạo ra một cái định kiến chung mà mình hoàn toàn có thể hiểu được.
Còn những định kiến như người châu Phi xấu hay người châu Phi thế này thế kia là những định kiến mình rất phản đối.
Bị chinh phục bởi con người châu Phi
BBC: Khách du lịch Việt đến Châu Phi thường có ấn tượng nhất về điều gì?
Huyền Maasai: Một điểm mà những người đi du lịch châu Phi sẽ thực sự cảm thấy bị chinh phục ngay từ ngày đầu đó là con người châu Phi.
Người châu Phi rất nồng ấm và họ luôn luôn đón chào mọi người với nụ cười tươi và một sự chân thành. Đây là điều mà khách du lịch luôn luôn tìm kiếm.
Hầu hết mọi người chắc đều biết đến bộ phim ‘Xa mãi Phi Châu’ (Out of Africa). Tất cả những người đã đến Kenya hay đến Phi Châu đều có một cái niềm chung, đó là một nỗi nhớ, một niềm thương và chả hiểu sao một tình yêu dai dẳng đối với châu Phi, thậm chí ngay cả khi chưa rời châu Phi.
Khi nhìn lại, mọi người thấy đó là vì con người châu Phi gần gũi, hay những điều rất giản dị và rất khác những nơi khác. Nó làm người ta tự hỏi vì sao mình lại tách rời những cái logic có tính rất nhân văn và con người như thế. Chính châu Phi đã làm mình hiểu thêm về thế giới, về tính nhân văn về con người đặt trong một thiên nhiên thuần khiết.
Rất nhiều người đi tour với bọn mình đều nhận xét và rất kinh ngạc vì sự giúp nhau một cách hoàn toàn vô tư những người xa lạ. Ở Kenya, không có dịch vụ cứu hộ khi xe hỏng, nhưng những tài xế khi đi trên đường mà gặp một xe hỏng thì họ dừng lại và giúp đỡ.
Người Việt Nam nhìn thấy thì đều choáng và bảo đúng là tính cộng đồng thật đáng ngưỡng mộ và xảy ra rất là tự nhiên. Tất cả mọi người đều mất thời gian trên đường nhưng không có ai phàn nàn về điều đó cả.
Kỷ niệm khó quên nhất
BBC:Bạn có thể chia sẻ một kỷ niệm khó quên nhất cùng các đoàn khách Việt?
Huyền Maasai: Một lần mình đi safari, đi xem thú trong thiên nhiên cùng với mọi người, tự nhiên chiếc xe đưa mọi người đi bị hỏng.
Tất cả mọi người phóng ra và chụp ảnh điên cuồng, mặc dù có thể có người khác hoảng sợ vì hỏng xe ở nơi không có ai cứu trợ rồi xung quanh toàn là thú.
Và một người trong đoàn, phó giám đốc một bệnh viện, bỗng nhiên nhảy xuống xe, ôm theo một chiếc radio và bắt đầu nhảy disco. Tất cả mọi người bắt đầu nhảy theo nhạc đấy. Mọi người cảm nhận vì sao mình lại có được cái cảm giác tự do ở một vùng đất như thế, vượt lên tất cả những sợ hãi, lo ngại, định kiến bình thường.
Thách thức không nhỏ
BBC:Bạn mở công ty du lịch Masaai Travel để đưa khách Việt sang Kenya, Marốc và Nam Phi được vài năm. Vậy những thách thức lớn nhất bạn gặp phải là gì?
Huyền Maasai: Mình khởi đầu là người viết blog về châu Phi hay vẻ đẹp của châu Phi. Mọi người thường nghĩ vẻ đẹp đó là vẻ đẹp họ có thể ngưỡng mộ, có thể thèm muốn nhưng không ở trong hoàn cảnh có thể sờ chạm tới.
Thứ nhất là vì định kiến họ rất nguy hiểm. Có thể nó rất đẹp rất hay nhưng nếu nó nguy hiểm hay nhiều bệnh tật là mọi người đã nói không rồi.
Thứ hai là vì giá đi du lịch châu Phi quá đắt. Nhiều người nghĩ, tôi chả biết gì về chỗ đấy, chả hiểu nó hấp dẫn đến mức độ nào. Có thể nó rất đẹp, nhưng cùng số tiền đấy tôi có thể đi châu Âu, châu Mỹ hay những nơi tôi mơ ước, những chỗ hào hoa bóng nhoáng thì tôi chả có lý do gì để đi châu Phi.
Giá thành cao cũng có lý do của nó. Ở những thành phố phát triển hay những nơi đông dân cư thì sự cạnh tranh cao các cơ sở hạ tầng và nguồn cung ứng đều dễ dàng và rẻ.
Còn ở châu Phi, một nơi thiên nhiên thuần khiết thì cái mật độ cơ sở hạ tầng mỏng. Có một cơ sở du lịch đáp ứng được yêu cầu của ngươi đi du lịch thì chi phí bỏ ra là rất lớn. Sự cạnh tranh cũng rất ít.
Để cho mọi người từ chỗ yêu thích châu Phi, vẻ đẹp của châu Phi cho tới khi mọi người muốn mua một chuyến đi châu Phi thì là một quãng đường thật là xa.
Nguồn: BBC
[envira-gallery id=”4772″]