Seite auswählen

Tàu chiến và máy bay chiến đấu của Hải quân Trung cộng tập trận ở Biển Đông ngày 2/4/2018  Reuters

Trung cộng liên tục tập trận trên Biển Đông

Chính phủ Trung cộng mới tuyên bố là họ đang tiến hành một cuộc tập trận kéo dài hơn một tuần ở Biển Đông, đồng thời cảnh báo các tàu biển tránh xa.

Trong bản thông cáo bằng tiếng Hoa và tiếng Anh được công bố tối 04/03, Cục Hải Sự Hải Nam cho biết các cuộc tập trận kéo dài từ 04/03 đến 15/03 (1). Các tọa độ do họ cung cấp cho thấy khu vực tập trận nằm gần ngay chính giữa thành phố Tam Á của đảo Hải Nam và thành phố Huế của Việt Nam. Tam Á là nơi đặt căn cứ hải quân lớn của Trung cộng.

Trước đó, Trung cộng cũng loan báo lực lượng quân sự nước này tiến hành tập trận ba ngày trên Biển Đông, từ 27/2 đến 1/3 (2). Cuộc tập trận diễn ra khi Nga thực hiện chiến dịch xâm lược tại Ukraine mà nhiều người dự báo Bắc Kinh sẽ tùy theo phản ứng của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) để tiến hành kế hoạch đánh chiếm Đài Loan, đồng thời có các hoạt động hung hăng hơn nữa ở Biển Đông, bắt nạt các nước nhỏ phía Nam.

Cuộc diễn tập quân sự này được khởi động một ngày sau khi tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, châm ngòi cho hoạt động không quân dữ dội khi tám máy bay phản lực của Trung cộng xâm phạm Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan.

Máy bay J-15 của Trung cộng trên tàu sân bay Liêu Ninh ở Biển Đông hôm 2/1/2017. AFP

Có sự phối hợp với Nga?

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga diễn ra một ngày sau khi Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 kết thúc. Đó có phải là sự tôn trọng đối với Trung cộng hay là sự phối hợp “ngầm” với nhau?

Đã có nhiều cảnh báo việc Trung cộng lợi dụng cả thế giới đang tập trung vào chiến sự ở Ukraina để “tạo cơ hội” trên Biển Đông.

Tuy nhiên, Tòa Đại sứ Trung cộng tại Phi Luật Tân khẳng định Bắc Kinh “sẽ không lợi dụng cuộc chiến Nga-Ukraine” để hành động trên Biển Đông.

Tòa Đại sứ Trung cộng tại Phi Luật Tân đã gọi những suy đoán rằng Trung cộng sẽ lợi dụng việc Nga xâm lược Ukraine để tiến hành quân sự hóa Biển Đông là “điên rồ và vô lý”. Trong email trả lời câu hỏi về những suy đoán này, Tòa Đại sứ Trung cộng viết: “Trung cộng sẽ tuyệt đối không sử dụng sức mạnh để bắt nạt các nước nhỏ hơn và chúng tôi không bao giờ tin vào cách tiếp cận ‘ai thắng, người đó được tất cả’. (3)

Nhưng rất nhiều người thấy rằng, không thể tin tưởng Bắc Kinh dễ dàng như vậy được. Tập Cận Bình đã từng hứa không quân sự hoá các đảo nhân tạo trên Biển Đông, nhưng lại làm ngược lại. Lời hứa của ông Tập cũng giống như khẳng định của ông Putin trước đó là không có ý định tấn công Ukraina. Những lời hứa của những kẻ độc tài thì có gì để đảm bảo được đây?

Chính vì vậy, Thượng nghị sĩ kiêm ứng cử viên tổng thống của Phi Luật Tân Panfilo “Ping” M. Lacson, Sr. ngày 2/3 nhận định cuộc chiến Nga-Ukraine có thể “khích lệ” Trung cộng làm điều tương tự ở khu vực.

Các chuyên gia khác cũng cảnh báo Manila nên lưu tâm đến khả năng Trung cộng xúc tiến mạnh hơn các hoạt động quân sự hóa Biển Đông trong khi Mỹ và các đồng minh đang bận rộn đối phó với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Jaime B. Naval, giáo sư khoa học chính trị của Đại học Phi Luật Tân, kêu gọi coi chừng Trung cộng: “Bắc Kinh đã tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông ngay cả trong thời gian đại dịch bùng phát. Ở thời điểm hiện nay, khi tính toán rằng các cường quốc trong và ngoài khu vực đang bị vấn đề Ukraine làm cho phân tâm, Bắc Kinh có thể bắt tay thực hiện các hành động mạo hiểm hơn” (4).

Theo ông Naval, không ai đủ khả năng để bận rộn với hai cuộc chiến ở các khu vực khác nhau cùng một lúc: “Vì họ đang bận ở nơi khác, họ sẽ không có thời gian, nguồn lực, năng lượng và sự chú ý để bằng cách nào đó tích cực tham gia vào những gì đang diễn ra ở Biển Đông”.

Ông cho rằng hành động của Trung cộng không nhất thiết phải là một cuộc chiến mà có thể được thực hiện thông qua các phương tiện khác: “Trung cộng có thể đạt được những gì họ cần từ Phi Luật Tân bằng cách từ từ tiếp quản các đảo ven biển và thiết lập quan hệ đối tác kinh tế với các thành viên chủ chốt của giới tinh hoa Phi Luật Tân để đạt được sự thống trị về kinh tế cho phép họ định hướng chính sách của Phi Luật Tân.”

Renato C. de Castro, Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học De La Salle, thừa nhận: “Chiêu trò của Trung cộng là giành chiến thắng mà không thực sự chiến đấu trong việc đối phó với các quốc gia tranh chấp khác… Vấn đề Biển Đông chỉ có thể ngày càng phức tạp hơn khi vẫn còn căng thẳng ở Biển Hoa Đông cũng như eo biển Đài Loan” (5).

Thái độ của Bộ Tứ

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết các nhà lãnh đạo của nhóm “Bộ tứ” gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản ngày 3/3 đã thống nhất rằng những gì đang xảy ra đối với Ukraine không được phép xảy ra ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (6).

Cuộc họp trực tuyến của nhóm “Bộ tứ” được tổ chức vào thời điểm lo ngại đang gia tăng về an ninh cho Đài Loan và Biển Đông, đề phòng Trung cộng lợi dụng phương Tây mất tập trung để ra tay. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Australia và Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng Nhật Bản Kishida nói: “Chúng tôi cũng nhất trí rằng diễn tiến này càng cho thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy nhận thức về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Điều phối viên của Nhà Trắng về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell ngày 28/2 cho biết Mỹ vẫn duy trì tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bất chấp cuộc khủng hoảng Ukraine, mặc dù điều này sẽ khó khăn và tốn kém.

Việt Nam cần cảnh giác trước Bắc Kinh

Những điều các học giả cảnh báo Phi Luật Tân cũng là những cảnh báo tới Việt Nam.

Dư luận Việt Nam đang tập trung vào tình hình chiến sự ở Ukraina với những quan điểm khác biệt. Những cuộc cãi vã nhau do khác cách nhìn nhận đang bùng lên trên các mạng xã hội. Cùng lúc, Trung cộng lại tăng cường tập trận trên Biển Đông.

Liệu các cuộc tập trận liên tục này mang thông điệp gì đối với các quốc gia trên Biển Đông?

Trong bài trả lời phỏng vấn mới đây, ông Nguyễn Chí Vịnh – Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam có nhận định về cuộc xâm lược Ukraina: “Với Việt Nam, cần làm rõ: trước hết hòa bình thế giới bị đe dọa, tức là hòa bình Việt Nam bị đe dọa. Vì vậy, nhìn nhận việc này trước hết phải dựa trên nguyên tắc luật pháp, đạo lý và hòa bình thế giới nhưng mục đích rất rõ ràng là phải dựa trên lợi ích của chính Việt Nam ta.” (7)

Trong bài phỏng vấn này, ông Vịnh cũng đề cao chính sách “Ba không” mà dường như, ông ta chính là “cha đẻ” của chính sách này.

Mặc dù chính sách “Ba không” đã chuyển sang “Bốn không, một tuỳ”, nhưng liệu chỉ với chính sách đó, biển đảo của Việt Nam có thể an toàn trước dã tâm của Trung cộng? Và thêm nữa, khi Nga bị cấm vận toàn diện như vậy, Việt Nam có thể tiếp tục dựa vào vũ khí mua từ Nga nữa hay không để có thể tự vệ trước cuộc xâm lược của Bắc Kinh?

Đây là những vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần chú ý.

Phùng Quang Thắng

_____________

Tham khảo:

  1. https://www.reuters.com/world/china-announces-south-china-sea-drills-close-vietnam-coast-2022-03-05/?taid=62231ae207024b000155f166&utm_campaign=trueAnthem:%20Trending%20Content&utm_medium=trueAnthem&utm_source=twitter&s=09
  2. http://eng.chinamil.com.cn/view/2022-02/28/content_10135732.htm
  3. https://www.bworldonline.com/china-says-it-wont-exploit-russia-ukraine-war/
  4. https://www.bworldonline.com/manila-warned-of-china-moves-amid-ukraine-war/
  5. https://www.bworldonline.com/manila-warned-of-china-moves-amid-ukraine-war/
  6. https://www.reuters.com/world/biden-quad-leaders-discuss-ukraine-thursday-white-house-2022-03-03/
  7. https://tuoitre.vn/xung-dot-nga-ukraine-khong-ben-nao-thang-20220304223912692.htm

RFA (06.03.2022)

 

 

Trung cộng tăng ngân sách quốc phòng thêm 7,1%

Quân nhân Trung cộng diễu hành qua Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, ngày 05/03/2022. AP – Ng Han Guan

Trung cộng quyết định đầu tư nhiều hơn cho quốc phòng. Ngày 05/03/2022, tại phiên khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khóa 13, bộ trưởng Tài Chính thông báo tăng thêm 7,1% ngân sách cho quốc phòng năm 2022, vượt qua cả mức tăng trưởng GDP, được thủ tướng Lý Khắc Cường thẩm định là 5,5%.

Theo AFP, tỉ lệ này cao hơn so với năm 2021 là 6,8% và là mức cao nhất kể từ năm 2019 (thêm 7,5%) được cho là nhằm đối phó với tình hình căng thẳng trên thế giới với việc Nga tấn công Ukraina, cũng như ở trong vùng liên quan đến Đài Loan, Biển Đông. Với ngân sách 1.450 tỉ nhân dân tệ (tương đương với 230 tỉ đô la), Trung cộng hiện đứng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ (740 tỉ đô la cho năm 2022) về chi phí quân sự.

Các nước trong vùng luôn nghi ngờ Trung cộng vì Bắc Kinh thiếu minh bạch về ngân sách chính xác dành cho củng cố quốc phòng. Ngoài ra, trước những đòi hỏi quá đáng của Bắc Kinh về chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Hoa Kỳ thường xuyên hiện diện và tuần tra vì tự do lưu thông hàng hải, khiến Trung cộng bất bình. Do đó, quân đội Trung cộng liên tục hiện đại hóa để bắt kịp tiến bộ công nghệ của Washington.

Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, năm 2021, có lẽ quân đội Trung cộng đã thử thành công máy bay siêu thanh, bay vòng quanh Trái Đất với vận tốc hơn 6.000 km/giờ và đã bắn một tên lửa trong quá trình bay. Washington bất ngờ vì Mỹ vẫn chưa có loại vũ khí này.

James Char, chuyên gia về các vấn đề quốc phòng tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, nhận định với AFP rằng quân đội Trung cộng ưu tiên hiện đại hóa trang thiết bị « để trở thành một lực lượng cơ giới hóa và tin học hóa hoàn toàn ».

RFI (05.03.2022)

 

Trung cộng thông báo tập trận ở Biển Đông, sát bờ biển Việt Nam

Chính phủ Trung cộng mới đây thông báo nước này đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự kéo dài hơn một tuần ở Biển Đông, tại khu vực giữa tỉnh Hải Nam và Việt Nam. 

Trung cộng thường tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với phần lớn tuyến đường thủy tranh chấp ở biển Đông, và đã xây dựng các đảo nhân tạo và sân bay trên một số bãi đá ngầm và đảo nhỏ của mình, gây lo ngại rộng rãi trong khu vực. 

Trong một tuyên bố vào cuối ngày thứ Sáu (4/3), Cục An toàn Hàng hải Hải Nam cho biết các cuộc tập trận sẽ bắt đầu từ cùng ngày và kéo dài đến ngày 15/3. 

Tọa độ tập trận là khu vực nửa chừng giữa Tam Á của Hải Nam và thành phố Huế của Việt Nam. Tam Á là nơi có một căn cứ hải quân lớn của Trung cộng. 

“Việc ra vào khu vực này bị cấm”, tuyên bố cho biết bằng tiếng Trung và tiếng Anh trên trang web của mình. 

Một phần khu vực tập trận này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam và Việt Nam trước đây đã chỉ trích Trung cộng về hành vi xâm phạm chủ quyền của họ. 

Năm 2014, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung cộng lên đến mức cao nhất trong nhiều thập kỷ khi một giàn khoan dầu của Trung cộng bắt đầu khoan ở vùng biển Việt Nam.

Đông A (theo Reuters, 05.03.2022)

 

 

Hải quân Mỹ hoàn thành trục vớt xác chiến đấu cơ đâm vào tàu sân bay từ đáy Biển Đông

Hải quân Mỹ đã trục vớt thành công xác chiếc máy bay chiến đấu tàng hình F-35 va vào tàu sân bay USS Carl Vinson ở Biển Đông hồi tháng 1.

Hình ảnh chiếc F-35C của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ khi rơi xuống biển. Ảnh: SCMP

Theo CNN, Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ ngày 3/3 xác nhận đã trục vớt được xác chiếc chiến đấu cơ F-35C từ đáy Biển Đông. Đây là phi cơ tàng hình đã đâm vào boong tàu sân bay USS Carl Vinson ở Biển Đông hồi tháng 1 năm nay.

Thông cáo của Hạm đội 7 cho biết, chiếc F-35C đã lao xuống biển sau khi hạ cánh bất thành xuống tàu USS Carl Vinson, trong lúc thực hiện “hoạt động bay thường lệ” vào ngày 24/1.

Để vớt xác chiếc máy bay này từ độ sâu “khoảng 12.400 feet” (gần 3.800 mét), một đội gồm các thành viên của Hải quân Mỹ đã sử dụng một phương tiện điều khiển từ xa có tên CURV-21 để gắn dây nâng và giàn đỡ chuyên dụng vào xác máy bay nằm dưới đáy đại dương, thông cáo cho biết.

Tàu hỗ trợ đã hạ cần trục xuống đáy biển và kết nối với hệ dây và giàn nâng. Sau đó nhóm trục vớt nâng xác máy bay lên bề mặt đại dương và đưa nó lên tàu để vận chuyển vào bờ.

“Máy bay sẽ được chuyển đến một cơ sở quân sự gần đó để hỗ trợ cho cuộc điều tra đang diễn ra và được đánh giá về khả năng vận chuyển về Mỹ”, bản thông cáo cho biết.

Nhóm nghiên cứu đã mất 37 ngày để trục vớt xác chiếc máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5. Nhóm này bao gồm các thành viên của Lực lượng Đặc nhiệm 75 – Hạm đội 7 cùng các Giám sát viên cứu hộ và lặn của Bộ Tư lệnh Hệ thống Biển Hải quân Mỹ. Họ đã sử dụng “tàu xây dựng hỗ trợ lặn Picasso” cho chiến dịch trục vớt.

Bảy người đã bị thương, bao gồm cả phi công, người kịp phóng ra khỏi máy bay, và sáu người khác trên tàu sân bay trong sự cố máy bay F-35 gặp nạn ở Biển Đông. Chiếc máy bay chiến đấu trị giá 100 triệu USD này là chiếc mới nhất trong hạm đội Hải quân Mỹ.

Video về vụ tai nạn xuất hiện ngay sau khi sự cố xảy ra, cho thấy máy bay bốc cháy khi lao vào sàn đáp của tàu USS Carl Vinson.

Sau vụ tai nạn, Hải quân Mỹ cho biết họ có kế hoạch trục vớt bất kỳ mảnh vỡ nào của máy bay từ đại dương. Lý do là F-35C chứa một số công nghệ tiên tiến nhất của Hải quân và các nhà phân tích cho biết Washington muốn đảm bảo chúng không lọt ra ngoài, đặc biệt là vào tay Trung cộng.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung cộng đã khẳng định họ biết một máy bay chiến đấu tàng hình của Hải quân Mỹ đã bị rơi ở Biển Đông nhưng sự cố này “không có lợi ích gì” với Trung cộng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Triệu Lập Kiên cho biết: “Chúng tôi khuyên [Mỹ] nên đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và ổn định của khu vực, thay vì phô trương sức mạnh ở mọi ngả trên [Biển Đông]”.

Sau vụ tai nạn, các quan chức Hải quân Mỹ cho biết thiệt hại đối với tàu Carl Vinson chỉ ở vỏ ngoài và tàu đã nhanh chóng hoạt động trở lại.

Mới đây, 5 thủy thủ Mỹ đã bị buộc tội vì để lộ video chiếc tiêm kích F-35 nói trên gặp nạn.
Hải quân Mỹ cáo buộc các thủy thủ này vi phạm quân luật vì để rò rỉ đoạn video cho thấy một tiêm kích cơ đa nhiệm tối tân F-35 gặp nạn trên tàu sân bay USS Carl Vinson.

Theo Báo Tin Tức (04.03.2022)

 

 

Biển Đông –  Tàu Trung cộng dồn về cụm Sinh Tồn

Những diễn biến mới ở bãi cạn Scarborough Shoal và cụm Sinh Tồn diễn ra giữa lúc có nhiều người lo ngại rằng Trung cộng sẽ tận dụng thời cơ Nga xâm lược Ukraine để tiến hành động thái gây hấn mới ở khu vực Biển Đông.

Biển Đông

  1. Trung cộng tập trận

Cục Hải sự Hải Nam tiếp tục thông báo một cuộc tập trận quân sự ở phía nam Tam Á trong ngày 2.3. Trung cộng vẫn thường xuyên tiến hành tập trận ở khu vực này nên không có gì bất thường.

Trong khi đó, thông báo về cuộc huấn luyện quân sự ở xung quanh Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương nhiều khả năng chỉ phục vụ cho vụ phóng tên lửa Trường Chinh 8 diễn ra vào ngày 27.2. Tên lửa này mang theo chòm vệ tinh Hải Nam vốn phục vụ cho việc quan sát Biển Đông.

  1. Bãi cạn Scarborough

Ngày 1.3, hai tàu tuần tra của Phi Luật Tân và hai tàu hải cảnh Trung cộng đã có cuộc rượt đuổi ở gần bãi cạn Scarborough.

Cuộc rượt đuổi diễn ra khi Phi Luật Tân triển khai hai tàu tuần duyên BRP Capones và BRP Malabrigo áp sát khu vực bãi cạn mà Trung cộng đang kiểm soát trên thực tế. Đáp lại, Trung cộng đã điều hai tàu hải cảnh 3103 và 3305 đang trú tại bãi cạn ra ngăn cản.

Các tàu này vờn nhau trong nhiều tiếng đồng hồ đến đêm 1.3. Hình ảnh vệ tinh cho thấy có thời điểm các tàu này chỉ cách nhau khoảng nửa hải lý.

  1. Tàu hải cảnh, khảo sát Trung cộng

Ngày 28.2, tàu nghiên cứu Đại Dương của Trung cộng đã thả neo ở Tam Á trong khi tàu Hải Dương Địa Chất 8 đang hoạt động ở phía bắc quần đảo Hoàng Sa.

Tàu hải cảnh lớn nhất của Trung cộng 5901 cũng xuất hiện ở khu vực Hoàng Sa, cùng với các tàu 4108 và 4304.

Liên quan đến hoạt động của tàu nghiên cứu/khảo sát Trung cộng, tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) vừa công bố báo cáo mới tổng kết phạm vi hoạt động của các tàu này trong vài năm qua ở khu vực Biển Đông.

  1. Cụm Sinh Tồn

Những ngày qua, một số lượng lớn tàu dân quân biển và tàu cá Trung cộng đã xuất hiện ở cụm Sinh Tồn.

Hình ảnh vệ tinh ngày 27.2 cho thấy khoảng vài trăm chiếc tàu Trung cộng có mặt tại đây. Chúng tập trung ở hai khu vực Đá Ba Đầu và gần Đá Huy Gơ.

Tàu Trung cộng ở Ba Đầu

Trung cộng vẫn thường xuyên duy trì một số tàu ở Đá Ba Đầu, nhưng số lượng đã tăng đột biến. Thậm chí có thể còn nhiều hơn thời điểm tháng 3 năm ngoái, khi Phi Luật Tân lên tiếng báo động về sự tập trung của tàu Trung cộng ở Ba Đầu.

Tàu Trung cộng ở gần Huy Gơ

Những diễn biến mới ở bãi cạn Scarborough Shoal và cụm Sinh Tồn diễn ra giữa lúc có nhiều người lo ngại rằng Trung cộng sẽ tận dụng thời cơ Nga xâm lược Ukraine để tiến hành động thái gây hấn mới ở khu vực Biển Đông.

Trung Hiếu tổng hợp từ nhiều nguồn

(02.03.2022)

 

Trung cộng tập trận ở Biển Đông vào ban đêm

Hình minh hoạ: Hình chụp hôm 2/1/2017 – Máy bay J-15 của Trung cộng trên tàu sân bay Liêu Ninh trong một cuộc tập trận ở Biển Đông  AFP

Trung cộng vừa tiến hành một cuộc tập trận ở Biển Đông vào đêm ngày 1/3, theo thông báo mới đăng trên trang web của Cục Hải sự Trung cộng.

Thông báo được đưa ra vào khoảng 21 giờ 30 ngày 1/3. Theo đó, cuộc tập trận sẽ diễn ra từ 23 giờ ngày 1/3 đến 0 giờ ngày 2/3.

Khu vực tập trận nằm ở phía đông nam đảo Hải Nam. Thông báo không cho biết quy mô của cuộc tập trận, chỉ yêu cầu tàu thuyền không đi vào khu vực này.

Trước đó, vào ngày 25/2, Cục Hải sự Trung cộng cũng thông báo một cuộc tập trận ở Biển Đông từ ngày 27/2 đến ngày 1/3  ở phía đông bắc đảo Hải Nam của Trung cộng.

Vào ngày 16/2, Cục Hải sự Trung cộng cho biết Trung cộng tiến hành nột cuộc tập trận bắn đạn thật ở phía bắc Biển Đông và ngày 17/2.

Những cuộc tập trận liên tục của Trung cộng tại Biển Đông diễn ra vào khi có những căng thẳng trong khu vực.

Hoa Kỳ mới đây đã cho tàu chiến đi qua Eo biển Đài Loan vào ngày 26/2 trong hoạt động được Hải quân Hoa Kỳ gọi là chuyến đi thường xuyên của tàu chiến Mỹ trong khu vực nhằm thể hiện cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do.

Trung cộng gọi hành động này của Mỹ là gây hấn.

RFA (02.03.2022)