Mục lục
Phạm Đoan Trang sẽ được Đệ Nhất Phu nhân Mỹ vinh danh ‘Phụ nữ Can đảm Quốc tế 2022’
Nhà báo Phạm Đoan Trang.
Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm sẽ được bà Jill Biden, Đệ Nhất Phu nhân Hoa Kỳ, vinh danh Phụ nữ Can đảm Quốc tế 2022, cùng 11 phụ nữ khác trên khắp thế giới.
Buổi lễ trực tuyến trao giải thưởng này sẽ diễn ra vào lúc 10 giờ sáng giờ Washington, ngày 14/3, do Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken chủ trì, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Nhà báo Phạm Đoan Trang, hiện đang thụ án 9 năm tù vì tội “Tuyên truyền chống phá Nhà nước”, sẽ được Đệ Nhất Phu nhân Jill Biden xướng tên, ghi nhận “thành tích can đảm” vượt bậc.
“Phạm Đoan Trang là một tác giả, blogger, nhà báo và nhà bảo vệ nhân quyền được quốc tế công nhận, thông qua các bài viết và phỏng vấn của mình, bà đã sử dụng các lập luận pháp lý được nghiên cứu kỹ lưỡng để vận động cho nhân quyền, pháp quyền và đưa mọi tiếng nói vào các không gian chính trị ở Việt Nam”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết.
Bà Phạm Đoan Trang là tác giả viết sách và là đồng sáng lập nhiều tổ chức phục vụ cộng đồng, tập trung vào việc mở rộng sự tham gia chính trị và thúc đẩy nhân quyền, quản trị tốt và tiếp cận công lý. Là một nhà báo, bà đã mạnh dạn đưa tin về các vấn đề xã hội mà báo chí Việt Nam chưa từng đề cập đến trước đây, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ghi nhận rằng bà Trang đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế cho công việc của mình. Bà bị bắt vào ngày 6/10/2020 và bị kết án 9 năm tù vào ngày 14/12/2021, vì tội “Tuyên truyền chống nhà nước”, liên quan đến các bài viết của bà và bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa.
Những người được vinh danh năm nay cùng Phạm Đoan Trang đến từ các nước Bangladesh, Brazil, Burma, Colombia, Iraq, Liberia, Libya, Moldova, Nepal, Romania, và South Africa.
VOA, 12.03.2022
Lãnh sự Đức đến Buôn Ma Thuột gặp gỡ một số nhà hoạt động và thân nhân tù chính trị
Mục sư Tin Lành Mennonite Phạm Ngọc Thạch tại cuộc gặp với Tổng Lãnh sự Đức tại TPHCM- Bà Josefine Wallat hôm 9/3/2022. Courtesy MS Phạm Ngọc Thạch
Vào ngày 9 tháng 3 năm 2022, Tổng Lãnh sự Đức tại TPHCM- Bà Josefine Wallat đã có cuộc gặp với một số nhà hoạt động cho nhân quyền, tự do tôn giáo và gia đình các tù nhân lương tâm tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Có mặt tại buổi gặp gỡ, cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Ngọc Tuấn – thân phụ của nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy, hôm 11/3 cho RFA biết về cuộc gặp với bà Josefine Wallat:
“Hôm 9/3, lúc 6 giờ chiều tôi được bà Tổng Lãnh sự Đức mời đến dự bữa cơm tại một nhà hàng ở thành phố Buôn Ma Thuột. Tôi đi cùng anh Võ Ngọc Lục, Mục sư Phạm Ngọc Thạch, MS Khánh và cô Huỳnh Thị Kim Nga (vợ của tù nhân lương tâm Ngô Dũng)… Mục đích của cuộc gặp là bà Tổng Lãnh sự muốn biết về tình hình của Thục Vy hiện nay đang bị giam giữ ở đâu? Có được gặp gia đình chưa? Tôi có nói Vy đang bị giam ở trại Gia Trung, có gọi và gởi thư về nhà 3 lần. Chúng tôi không được gặp nhưng được gởi quà, gởi thư… thì bà nói như vậy cũng tạm ổn.”
Ông Huỳnh Ngọc Tuấn cho biết, khi ông kể về những cuộc nói chuyện giữa Huỳnh Thục Vy và các con… thì bà Tổng lãnh sự Josefine Wallat cho biết rất buồn và xin chia sẻ cùng gia đình ông. Ông Huỳnh Ngọc Tuấn cho biết thêm về những kiến nghị ông gởi đến Tổng lãnh sự Đức:
“Bà có hỏi tôi có đưa ra yêu cầu gì không vì sắp tới bà sẽ gặp một số giới chức VN. Tôi có xin bà nói dùm cho gia đình chúng tôi một tiếng… là với những người lớn trong gia đình chúng tôi thì chịu khổ, chịu đau thương và vất vả quen rồi… nhưng với hai đứa nhỏ con Thục Vy thì đúng là một sự tổn thương tình cảm và tinh thần rất lớn… Nên tôi mong bà nói với họ để cho Thục Vy được gặp hai cháu. Tôi chỉ yêu cầu chừng đó thôi.”
Bà Huỳnh Thục Vy, 36 tuổi, là một blogger nổi tiếng và là một trong những thành viên sáng lập của Hội Phụ nữ Nhân quyền. Bà bị toà án tại Buôn Hồ vào ngày 30/11/2018 tuyên án hai năm chín tháng tù giam với cáo buộc “Xúc phạm Quốc kỳ” theo Điều 276 Bộ Luật Hình sự.
Bà Vy sau đó được tạm hoãn thi hành án vì nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Tuy nhiên bà đã bị công an bắt giữ lại vào ngày 1/12/2021 tại Đắk Lắk mà không rõ lý do, dù chưa hết thời gian hoãn thi hành án.
Năm 2012, bà Vy cùng cha mình là cựu tù nhân lương tâm – nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn được tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) trao giải Hellman/Hammett để “ghi nhận lòng dũng cảm và kiên định trước sức ép đàn áp chính trị”.
Tổng Lãnh sự Đức Josefine Wallat gặp gỡ các nhà tranh đấu hôm 9/3/2022. Photo courtesy of Vo Ngoc Luc.
Mục sư Phạm Ngọc Thạch, người cũng được mời gặp gỡ Tổng Lãnh sự Đức hôm 9/3, nói với RFA:
“Tôi được mời dùng cơm với Tổng Lãnh sự Đức, sau đó tôi mời bà về nhà để dùng bát cơm rau thắm mối tình quê trong sự thân ái. Không có sự cản trở nào từ phía chính quyền, tuy nhiên họ vẫn theo dõi sát sao. Sáng hôm nay họ vẫn còn gác nhà tôi đến 2 giờ chiều họ mới về. Tôi cũng nói với Lãnh sự về những tù nhân tôi giáo, đặc biệt những người án nặng, khi bà gặp chính quyền thì nói một tiếng để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, giúp cho những tù nhân tôn giáo sớm được trả tự do. Tôi thấy mọi chuyện cũng dễ, quan trọng là chính quyền có thương người dân Việt không thôi? Chứ tôi thấy họ không làm gì sai, họ rất tốt, chỉ biết Chúa… Hôm đó tôi thấy họ (an ninh) rất dè chừng, tôi gặp bà Lãnh sự về rồi mà không hiểu sao họ còn gác tôi từ sáng đến 2 giờ chiều, đến lúc bà lên máy bay thì họ mới về. Tôi thấy vậy là không cần thiết, không hay, tôi đi đâu cũng đi theo, mất đi sự tự do của tôi.”
Mục sư Tin Lành Mennonite Phạm Ngọc Thạch, một cựu tù nhân lương tâm từng bị án tù hai năm và liên tục bị sách nhiễu, hành hung về những hoạt động tôn giáo cũng như đấu tranh cho quyền con người tại Việt Nam.
Được biết, tại buổi gặp các nhà hoạt động, bà Tổng Lãnh sự Josefine Wallat cũng tìm hiểu thông tin về một số tù nhân lương tâm đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ. Cùng được mời tham dự cuộc gặp, bà Huỳnh Thị Kim Nga, vợ của tù nhân lương tâm Ngô Văn Dũng nói với RFA về cuộc gặp:
“Chị cũng nói với bà Lãnh sự là anh Dũng không được khỏe. Ăn tối xong rồi về. Cô có hẹn thăm nhà chị, thì hôm đó chị bị hai an ninh kèm sát luôn, không đi đâu được. Họ (an ninh) nói vô nhà Mục sư Thạch ăn cơm thôi, khỏi vô nhà chị… Chị mới nói việc của Lãnh sự sắp xếp muốn thăm nhà tôi thì họ về thôi, chứ làm sao mà tôi nói ‘không’ được… Bà Lãnh sự thăm nhà chị một chập cũng vui vẻ. Tôi có kể ngày 7/3 có Trần Thanh Phương, trong nhóm Hiến pháp là thành viên thứ 2 được về. Thì Phương có nói thần kinh anh Dũng giờ không bình thường, la hét… chị mới nói lâu nay anh Dũng bình thường, hay là do trận đánh năm 2019 ở số 4 Phan Đăng Lưu… nên ảnh mới bị vậy. Ý kiến từng người bà Lãnh sự ghi vào sổ hết.”
Bà Huỳnh Thị Kim Nga cho biết thêm, bà cũng bị an ninh canh gác, theo dõi cho đến khi bà Josefine Wallat lên máy bay vào lúc 2 giờ chiều.
Ông Ngô Văn Dũng cùng bảy người khác cùng bị kết tội âm mưu ‘phá rối an ninh’ do kêu gọi biểu tình. Trong thực tế, họ đều là thành viên nhóm có tên Hiến Pháp. Đây là một mạng lưới các phóng viên và những nhà hoạt động kêu gọi việc thực thi Điều 25 trong Hiến Pháp Việt Nam về quyền tự do báo chí.
Tổ Chức Phóng viên Không Biên Giới – RSF vào tháng 8 năm 2020 đã ra thông cáo báo chí kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Ngô Văn Dũng.
Bà Josefine Wallat là Tổng lãnh sự tại Tổng Lãnh Sự Quán Đức thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 8 năm 2019. Bà từng đích thân đến tham dự, quan sát phiên tòa xét xử ba nhà báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn hồi tháng 1 năm 2021. Bà cũng thường thăm hỏi thân nhân các tù nhân lương tâm đang bị cầm tù.
RFA , 11.03.2022
Toà Hà Nội xác định ngày xét xử nhà báo độc lập Lê Văn Dũng
Nhà báo Lê Văn Dũng Facebook Lê Dũng Vova
Sau khi trì hoãn một lần toà án Hà Nội cuối cùng đã thông báo lịch xét xử nhà báo độc lập Lê Văn Dũng vào ngày 23/3 tới.
Nhà báo 52 tuổi người Hà Nội bị bắt hồi tháng sáu năm 2021 dưới cáo buộc “phát tán tài liệu chống nhà nước”, theo Điều 117 của Bộ Luật Hình Sự.
Ông bị giam giữ để phục vụ điều tra đến nay đã chín tháng, sau một lần trì hoãn, toà án thành phố Hà Nội mới đây đã thông báo lịch xét xử nhà báo này.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Lê Văn Dũng, cung cấp thông tin mới nhất về sự việc:
“Mới ngày hôm qua thì thư ký toà người ta có gọi điện thông báo cho tôi là phiên xử sẽ mở vào buổi sáng ngày 23 tháng 3, tại toà thành phố Hà Nội.”
Trước đó, nhà báo có biệt danh Lê Dũng Vova được sắp xếp một phiên xét xử vào ngày 11 tháng 3, tuy nhiên theo luật sư thì phiên toà đó đã bị hoãn với lý do vị thẩm phán chủ toạ phiên toà bị nhiễm COVID-19.
Gia đình ông Dũng cho biết là không hy vọng rằng sẽ được tham dự phiên toà vì đã chứng kiến nhiều phiên toà xét xử người bất đồng chính kiến trước đó, với việc người thân của bị cáo bị ngăn cản không cho tiếp cận phiên toà.
Nói về ý nghĩa của việc người thân được có mặt trong phiên xét xử, luật sư Hà Huy Sơn cho hay:
“Những phiên toà mà có người thân tham dự thì tinh thần của bị cáo cũng tốt hơn.”
Ông cũng giải thích lý do mà cơ quan công quyền trước nay vẫn ngăn cản người thân tham dự các phiên toà có yếu tố chính trị là vì muốn ngăn cản việc đưa tin về diễn biến phiên xét xử.
Luật sư cũng cho biết là sẽ vào gặp nhà báo độc lập Lê Văn Dũng thêm một lần nữa trước khi phiên toà diễn ra, và cũng thông tin rằng đến giờ thân chủ của ông vẫn chưa quyết định về việc liệu sẽ có kháng cáo hay không nếu bị buộc tội ở phiên toà sơ thẩm sắp tới.
Nổi tiếng với các chương trình phát sóng trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với tên CHTV, nhà báo Lê Văn Dũng chuyên bình luận về các vấn đề chính trị-xã hội, và đặc biệt là giúp những người nông dân bị mất đất khiếu nại vụ việc của họ.
Theo luật sư, cho đến lúc này ông Dũng vẫn khẳng định mình không vi phạm pháp luật mà chỉ đơn thuần thực hành các quyền của công dân.
RFA ,11.03.2022
Cao Minh Quang bị bắt, Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn ‘vô sự’
Ông Cao Minh Quang, cựu thứ trưởng Y tế CSVN. Courtesy of VNExpress
Lần lượt hai thuộc cấp bị bắt, khởi tố trong vòng ba tháng, nhưng cựu nữ Bộ trưởng Y tế CSVN Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn “vô sự” dù vướng nhiều vụ bê bối trong những năm tại vị.
Hôm 11/3/2021, ông Cao Minh Quang, 66 tuổi, cựu thứ trưởng Y tế CSVN thời bà Nguyễn Thị Kim Tiến, bị bắt tạm giam với cáo buộc không kiểm tra việc đặt hàng sản xuất thuốc ở Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long.
Ông Quang bị cáo buộc không kiểm tra, đánh giá việc thực hiện điều khoản đàm phán giảm giá mua nguyên liệu khi thanh lý hợp đồng đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir với Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long.
Sai phạm này khiến nhà chức trách không phát hiện việc Dược Cửu Long đã được giảm giá mua nguyên liệu số tiền 3,8 triệu USD để thu hồi về Bộ Y tế, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước.
Ông Quang ngồi ghế thứ trưởng Y tế đến năm 2013 và nghỉ hưu.
Ông Trương Quốc Cường, cựu thứ trưởng Y tế CSVN, bị bắt tạm giam hồi tháng 12/2021. Courtesy of Zing
Trước đó, hồi giữa tháng 12/2021, ông Trương Quốc Cường, cựu thứ trưởng Y tế khác, bị bắt tạm giam sau hơn một tháng bị khởi tố với cáo buộc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án ở VN Pharma.
Hồ sơ của Bộ Công an CSVN cáo buộc ông Cường khi còn làm cục trưởng Cục Quản lý Dược giai đoạn 2007-2016, đã có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, xét duyệt và cấp số đăng ký đối với 7 loại thuốc giả gắn nhãn Health 2000 Canada.
Hồi tháng 1/2022, ông Cường bị truy tố đến 12 năm tù, do bị Viện Kiểm sát cáo buộc “không làm tròn trách nhiệm, để cho nhiều loại thuốc giả có tổng trị giá hơn 148 tỷ đồng được nhập khẩu, tiêu thụ tại Việt Nam”.
Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ bị cảnh cáo
Trong khi đó, bà Kim Tiến, cấp trên của hai ông Quang và Cường, hiện đã “hạ cánh an toàn”.
Hồi tháng 11/2021, bà Tiến bị Bộ Chính trị thức cảnh cáo, đồng thời miễn nhiệm chức vụ hữu danh vô thực là trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.
Bà Tiến bị cho là “thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Y tế và một số cơ sở khám, chữa bệnh vi phạm có hệ thống, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, ngành y tế và cá nhân”.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến khiến báo đảng tốn nhiều giấy mực vì nhiều vụ bê bối trong những năm bà tại vị. Courtesy of Zing
Ông Mai Bá Kiếm, cựu phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM, cho biết: “Phải mất 30 năm, Bộ Công an mới sờ gáy được Bộ Y tế về tội cho nhập thuốc giả.
Từ năm 1992 trở về trước, Vụ Quản lý Dược đã cấp số đăng ký “khống” cho 192 mặt hàng thuốc (không thông qua hợp đồng xét duyệt, hoặc không kiểm tra chất lượng thuốc mẫu tại Việt Nam, hay thuốc không có số đăng ký lưu hành tại nước sản xuất) tức là tỷ lệ “thuốc giả” được phép nhập chiếm tỷ lệ gần 13%.
Từ năm 2009 – 2010, khi làm Cục trưởng Quản lý Dược, Trương Quốc Cường đã cấp giấy đăng ký thuốc ung thư giả H- Capita cho “sân sau” VN Pharma. Đến năm 2014, Bộ Công an điều tra VN Pharma nhập 9.300 lọ thuốc ung thư giả H- Capita giả nhãn mác Health 2000 từ công ty Helix Canada.
Hai năm sau đại án nhập thuốc ung thư giả (tháng 11/2016), Trương Quốc Cường nhảy lên ghế thứ trưởng thay cho tên tiền nhiệm ma đầu Cao Minh Quang bị các hãng dược tố cáo búa xua!
Ở ghế thứ trưởng, Trương Quốc Cường đã đối phó với Bộ Công an khá thành công! Sau hai lần cơ quan điều tra nêu quan điểm hành vi “chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự”. Nhưng, Viện Kiểm sát Tối cao cáo buộc Trương Quốc Cường ba lần nhận phản hồi của Bộ Y tế Canada và A03 (Bộ Công an) về thuốc giả song không thu hồi, tiêu hủy.
Ngày 10/12/2021, Thứ trưởng Trương Quốc Cường bị tạm giam để điều tra trong giai đoạn 2 của đại án thuốc giả tại Công ty VN Pharma. Ba tuần sau khi Cường bị bắt, ngày cuối năm 2021, vợ Cường đã nộp 1,8 tỷ đồng. Đây là một phần khắc phục hậu quả cho 51 lô thuốc giả, trị giá 149 tỷ đồng, được “nhập khẩu và tiêu thụ hết tại Việt Nam”.
Trương Quốc Cường ngồi ghế thứ trưởng, em chồng Bộ trưởng Kim Tiến làm phó tổng Pharma khiến vụ án đã kéo dài 7 năm với nhiều lần trả hồ sơ để làm rõ hành vi phạm tội, định lại tội danh đối với các bị cáo và xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan.”
Đất Việt, 11.03.2022
Ai là “Nhà nước” trong những sai phạm về quản lý đất đai?
Hầu hết các sai phạm về đất đai lâu nay đều có chung một nguyên nhân là “Nhà nước”.
Ở Việt Nam, nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu chung của toàn dân và được sử dụng phục vụ cho mục đích chung của toàn dân tộc, của nhân dân. Pháp luật ghi nhận nguyên tắc này là một trong những nguyên tắc hiến định.
‘Tàn tích’ của Xô-viết?
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác- Lênin luôn khẳng định: Trong chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất thì chế độ tư hữu về ruộng đất là vô lý nhất và quyền tư hữu về ruộng đất là hoàn toàn vô lý.
Lập luận đó cho rằng, loài người không tạo ra đất đai, nó rõ ràng là có trước con người. Vì thế không một ai có quyền sở hữu đất đai.
Tiếp tục kế thừa và phát triển những nhận định trên của C.Mac, V.I.Lênin đã đi đến kết luận rất khoa học về sự cần thiết phải quốc hữu hóa đất đai để xóa bỏ địa tô tuyệt đối nhằm mở đường cho sự phát triển lực lượng sản xuất trong nông nghiệp.
Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, hai ngày sau, chính V.I. Lênin đã soạn thảo và ban hành hai Sắc lệnh đầu tiên của Chính quyền Xô-viết là Sắc lệnh về hòa bình và Sắc lệnh về ruộng đất. Trong Sắc lệnh về ruộng đất đó, phạm trù “sở hữu toàn dân về đất đai” ở nước Nga xô-viết đã được luật hóa.
Bắt đầu từ 1980, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định trong Hiến pháp: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Phải chăng trăm sự đều tại “Nhà nước”?
Với tư cách là người đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, Nhà nước thực hiện các quyền năng sau: Thứ nhất, quyền định đoạt đối với đất đai, gồm có: Quyết định mục đích sử dụng đất (thông qua việc quyết định, xét duyệt quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất); Quy định về hạn mức giao đất và thời hạn sử dụng đất; Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Định giá đất.
Thứ hai, Nhà nước thực hiện quyền điều tiết các nguồn lợi từ đất đai thông qua các chính sách tài chính về đất đai, như: Thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Thu thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; Điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại.
Thứ ba, Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất và quy định quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất. Các cá nhân, tổ chức không có quyền sở hữu đất mà chỉ có quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng đất của các chủ thể này được xác lập do được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng.
Như vậy có thể nhận rõ một điều là hầu hết các sai phạm về đất đai lâu nay đều có chung một nguyên nhân là “Nhà nước”.
Cần chỉ thẳng địa chỉ chịu trách nhiệm: Đảng ủy các cấp
Dẫn chứng luôn, ngày 9-3-2022, chính quyền tỉnh Kon Tum vẫn đang chờ kết quả làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài Chính để có kế hoạch xử lý những sai phạm về đất đai mà Thanh tra Chính phủ vừa kết luận.
Theo Thanh tra Chính phủ, các sai phạm về sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng tại Công viên Tượng đài (thường gọi là Công viên Đắk Hà) và Vườn hoa trung tâm hành chính huyện Đắk Hà (thường gọi là Công viên 24-3) đã gây bức xúc trong dư luận.
Cụ thể, các công viên này đã bị chính quyền huyện Đắk Hà cho các cá nhân thuê đất dài hạn, chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất công viên sang đất thương mại dịch vụ.
Mặc dù các sai phạm trên đã được Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Kon Tum phát hiện, kết luận nhưng việc kiểm điểm của các cá nhân có vi phạm chưa tương xứng với hành vi vi phạm. Trong đó, người chịu trách nhiệm chính là ông Hoàng Nghĩa Trí, Uỷ viên Ban thường vụ Huyện uỷ, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Hà (hiện đã nghỉ hưu) chỉ bị kỷ luật khiển trách về mặt Đảng, kỷ luật cảnh cáo về mặt chính quyền.
Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra thực tế hiện trạng thấy một số vi phạm chưa được khắc phục về nguyên trạng, như: cửa hàng Viettel được xây kiên cố 2 tầng trong khuôn viên công viên, các công trình phụ trợ, quán cà phê vẫn chưa được dỡ bỏ… cần phải rà soát, xử lý dứt điểm những vi phạm đã được chỉ ra, nhất là việc xử lý kỷ luật công chức phải được tiến hành nghiêm túc, đặc biệt việc cưỡng chế phá dỡ các công trình xây dựng không phép, sai phép để trả lại nguyên trạng của 2 công viên.
Trường hợp các đơn vị, cá nhân không tổ chức thực hiện hoặc không thể khắc phục được sai phạm thì UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại huyện Đắk Hà, có 85 trường hợp giao đất không thông qua đấu giá là vi phạm. Trong đó, có một số công chức thuộc huyện được giao diện tích lớn như ông Nguyễn Thanh Dương, nguyên Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Đắk Hà được giao thửa đất số 28 tờ bản đồ M, diện tích 651 m2; ông Phan Văn Cường, nguyên Phó Ban kinh tế HĐND huyện Đắ Hà ( hiện là Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch) được giao thửa 29 (A20), diện tích 180 m2.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp được giao đất để ở, nhưng thực tế không có nhu cầu nên để đất hoang hóa hoặc chuyển nhượng đất để kiếm lời. Trong số này có ông Phan Đức Toàn, (con của ông Phan Đức Thuyên, nguyên Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk Hà) được giao 480 m2 đất, hiện đã bán một phần diện tích là 200 m2 cho người khác.
Còn rất nhiều trường hợp là lãnh đạo hoặc người nhà lãnh đạo các cơ quan thuộc Huyện ủy, UBND huyện… được giao đất nhưng để trống không sử dụng hoặc chuyển nhượng thu chênh lệch.
Trong số những trường hợp được giao đất, chỉ tạm tính tiền sử dụng đất của 13 trường hợp thì thấy giá giao đất thấp hơn giá thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước tối thiểu là trên 885 triệu đồng.
Với những ghi nhận như trên cho thấy “Nhà nước” trong cách hiểu “là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” đất đai, thực ra đầu dây mối nhợ đều quy về một điểm của vai trò “đại diện” là cơ quan Đảng – một pháp nhân không thuộc sự điều chỉnh của pháp luật dân sự lẫn hình sự.
Hoài Nguyễn
VNTB, 10.03.2022