Seite auswählen

Cuối tháng 3 này lại có một phiên tòa hình sự xét xử nhóm người với tội danh lật đổ chính quyền được cho là liên quan đến một tổ chức tại hải ngoại.

Cái lạ ở đây là tổ chức tại hải ngoại này tuy được nhà chức trách Việt Nam xác định là “tổ chức khủng bố”, nhưng những người Việt nào đó sinh sống tại Việt Nam nếu tham gia tổ chức đó thì lại được cáo buộc về tội “lật đổ chính quyền”.

Ở đây có lằn ranh nhập nhằng giữa dân sự – hình sự trong vấn đề đấu tranh cho quyền dân chủ.

Sinh thời, ông Hồ Chí Minh cũng nói rõ với toàn dân là “Dân có quyền đuổi chính phủ”. Vậy nếu bây giờ ông Hồ chọn đấu tranh ôn hòa để “đuổi chính phủ” thì nhiều khả năng ông cũng sẽ bị bắt theo Điều 109 hoặc Điều 117 ở chương về an ninh quốc gia của Bộ luật hình sự.

Xin được dừng lại một chút về vấn đề đấu tranh ôn hòa trong luận bàn của lằn ranh dân sự – hình sự.

Kể từ năm 2007, thế giới có Ngày quốc tế bất bạo động (hay Ngày quốc tế không bạo lực). Đây là một ngày do Liên Hợp Quốc đặt ra để cổ vũ cho hòa bình, tránh dùng bạo lực. Ngày này được tổ chức vào ngày 02 tháng 10 – ngày sinh nhật của Mohandas Gandhi. Ngày này ở Ấn Độ được gọi là “Gandhi Jayanti” tức ngày nghỉ lễ sinh nhật Gandhi.

Gandhi, người đã giúp dẫn dắt Ấn Độ giành độc lập, là nguồn cảm hứng cho các phong trào bất bạo động vì dân quyền và thay đổi xã hội trên toàn thế giới. Trong suốt cuộc đời của mình, Gandhi vẫn cam kết với niềm tin bất bạo động, ngay cả trong những điều kiện áp bức và đối mặt với những thử thách dường như không thể vượt qua. Ông tin rằng người Ấn Độ không được sử dụng bạo lực hoặc hận thù trong cuộc chiến giành tự do khỏi chủ nghĩa thực dân.

Một nguyên lý chính của lý thuyết bất bạo động là quyền lực của những người cai trị phụ thuộc vào sự đồng ý của dân chúng, và bất bạo động do đó tìm cách làm suy yếu quyền lực đó thông qua việc rút lại sự đồng ý và hợp tác của dân chúng.

Tuy nhiên tính cho đến lúc này thì những nhà chính trị đang nắm quyền ở Việt Nam mặc dù luôn miệng khẳng định cơ đồ quốc gia chưa bao giờ được như hôm nay, nhưng lại không mấy tin tưởng vào sự ôn hòa của đấu tranh dân sự về quyền dân chủ.

Một tài liệu được giảng dạy tại trường Đại học An ninh nhân dân đã biện giải như sau về chuyện ngờ vực đó (trích):

“Thực tiễn các cuộc “cách mạng màu” ở một số nước không gian hậu Xô viết như: Gruzia (2003), Ucraina (2004), Kưrgưstan (2005)…; “Cách mạng hoa nhài” (“Mùa xuân Ả Rập”) ở một số nước Bắc Phi, Trung Đông cuối năm 2010, đầu năm 2011; “Cách mạng ô dù” ở Hồng Kông năm 2014; các cuộc biểu tình phản đối Dự luật Dẫn độ ở Hồng Kông, Trung cộng năm 2019… cho thấy vai trò đặc biệt to lớn của “bất bạo động”.

Được sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch bên ngoài, các lực lượng đối lập, phần tử chống đối chính phủ tại các quốc gia này triệt để lợi dụng sự khủng hoảng, tình trạng mất ổn định chính trị, xã hội trong nước, thông qua hô hào sử dụng “bất bạo động” đã kích động, lôi kéo được hàng vạn người dân xuống đường biểu tình, bạo loạn, lật đổ chính phủ cầm quyền tại các nước này.

(…) Gần đây, đặc biệt là sau khi hàng loạt các cuộc “cách mạng sắc màu” nổ ra tại một số nước không gian hậu Xô viết, với kịch bản được các thế lực thù địch áp dụng nhằm hậu thuẫn cho các lực lượng đối lập lật đổ chính quyền đương nhiệm tại các quốc gia này thì phương thức “bất bạo động” đã và đang được các thế lực thù địch, phản động triệt để sử dụng để chống phá Việt Nam với mục đích cuối cùng là lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta” (dừng trích).

Từ cách hiểu ở trên, có ý kiến đặt ra thế này: Đối với thực tiễn Việt Nam, những câu hỏi đặt ra là hiện nay người dân đã tức giận hay chưa? Và thể chế cộng sản đã thực sự suy yếu hay chưa?

Yếu tố người dân tức giận đã có, nhưng công bằng mà nói, đó chỉ là những phản ứng từ một bộ phận nào đó những người có luôn ý thức đầy đủ về các quyền tự do dân chủ, bộ phận dân oan, bộ phận những cán bộ nhà nước bị thất sủng mà thôi.

Về yếu tố chính thể suy yếu đã có, nhưng đó chỉ là sự suy yếu về “chính trị chủ nghĩa” vì lý tưởng cộng sản đã không còn. Nhưng từ nhiều năm nay hệ thống chính trị cầm quyền ở Việt Nam đã kịp thời biến tướng dù rằng trên danh nghĩa họ vẫn là những người cộng sản.

Xem chừng vẫn còn đó ít nhiều bi quan ở Việt Nam trong chuyện đấu tranh về quyền dân sự, đòi hỏi về tự do – dân chủ theo cách hiểu phổ quát của Luật nhân quyền quốc tế (International Human Rights Law).

Nguyễn Huyền

VNTB, 15.03.2022

 

 

Phạm Đoan Trang được tôn vinh tại lễ trao giải ‘Phụ nữ Can đảm Quốc tế 2022’

 

Chân dung nhà báo Phạm Đoan Trang tại lễ trao giải IWOC 2022. Photo YouTube State Department.

Hôm 14/3, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken chủ trì lễ trao giải thưởng “Phụ nữ Can đảm Quốc tế” (IWOC) cho nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang ở Việt Nam cùng 11 phụ nữ khác trên toàn cầu, biểu dương lòng dũng cảm, sức mạnh và khả năng lãnh đạo đặc biệt của họ trong việc vận động cho hòa bình, công lý, nhân quyền… bất chấp nguy hiểm đến tính mạng của mình.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu trực tuyến tại lễ trao giải thưởng Phụ nữ Quốc tế Can đảm, ngày 14/3/2022. Photo YouTube US Department.

Ngoại trưởng Blinken nhận định về đóng góp của nữ nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang đang bị giam cầm tại Việt Nam:

“Vào tháng 12 vừa qua, Phạm Đoan Trang bị kết án 9 năm tù tại Việt Nam vì viết về vấn đề dân chủ và nhân quyền. Bà viết về các cuộc đàn áp những người biểu tình và bí mật ghi âm cuộc thẩm vấn của công an. Trong khi các hãng truyền thông ngừng in bài viết của bà, bà thành lập trang mạng của riêng mình. Mặc dù phải đối mặt với những lời đe dọa liên tục, bà tiếp tục truyền đạt cho những người khác về quyền của họ”.

Chúng tôi lên án sự giam cầm bất công đối với bà. Chúng tôi kêu gọi phóng thích cho bà ngay lập tức.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang hôm 14/3/2022.

Ngoại trưởng Blinken nói thêm: “Chúng tôi lên án sự giam cầm bất công đối với bà. Chúng tôi kêu gọi phóng thích cho bà ngay lập tức”.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper phát biểu qua video:

“Phạm Đoan Trang, người không sợ hãi theo đuổi một xã hội toàn diện và không gian rộng rãi hơn cho tự do ngôn luận ở Việt Nam, đã thu hút sự công nhận của quốc tế”.

“Thông qua báo chí Việt Nam, Hoa Kỳ coi trọng quan hệ đối tác toàn diện của chúng tôi với Việt Nam. Chúng tôi làm việc để giúp khuyến khích một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập, và chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng để đất nước này phát triển, quốc gia này cần có sự cởi mở, minh bạch và hòa nhập và tôn trọng quyền của tất cả các công dân mà Phạm Đoan Trang đã không ngừng tìm kiếm thông qua các bài viết và vận động của mình”.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper ca ngợi sự tranh trấu dũng cảm của nhà báo Phạm Đoan Trang qua video hôm 14/03/2022. Photo YouTube State Department.

Đại sứ Knapper nói thêm: “Chúng tôi hoan nghênh bạn, Phạm Đoan Trang, vì công việc của bạn như một nhà đấu tranh cho nhân quyền. Bản lĩnh của bạn tiếp tục truyền cảm hứng cho mọi người ở Việt Nam và trên toàn thế giới”.

Đệ nhất Phu nhân Jill Biden, Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield, Trợ lý Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa Lee Satterfield tham dự và có bài phát biểu tại buổi lễ IWOC thường niên lần thứ 16 được tổ chức tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Đệ Nhất Phu Nhân Biden nói:

“Hôm nay, chúng tôi tôn vinh 12 người phụ nữ này và chúng tôi còn đi xa hơn, mang đến cho họ một nền tảng để nói lên sự thật bằng tiếng nói của họ.

“Chúng tôi nhận ra sức mạnh mà họ nắm giữ để đối mặt với những thách thức khủng khiếp nhất trong thời đại của chúng ta”.

Trong thông điệp gửi đến những phụ nữ được tôn vinh, Đệ Nhất Phu Nhân Biden nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với niềm đam mê và sự bền bỉ, với sự phát triển và dân chủ để ngăn chặn những kẻ muốn bịt miệng quý vị. Và chúng tôi sẽ kể những câu chuyện của quý vị ngay cả khi quý vị không thể kể được”.

Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ Jill Biden phát biểu trực tuyến tại lễ trao giải ‘Phụ nữ Can đảm Quốc tế 2022’, ngày 14/3/2022. Photo YouTube State Department.

Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang bị chính quyền Việt Nam bắt giam vào ngày 6/10/2020 và bị kết án 9 năm tù vào ngày 14/12/2021, vì tội “Tuyên truyền chống nhà nước”, liên quan đến các bài viết của bà và bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa, thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 8/3 cho biết.

Những người được vinh danh năm nay cùng Phạm Đoan Trang đến từ các nước Bangladesh, Brazil, Miến Điện, Colombia, Iraq, Liberia, Libya, Moldova, Nepal, Romania, và Nam Phi.

Kể từ tháng 3/2007 cho đến nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã trao giải này cho hơn 170 phụ nữ từ hơn 80 quốc gia.

Phạm Đoan Trang là phụ nữ thứ ba ở Việt Nam được trao giải IWOC, sau Blogger Mẹ Nấm hay còn có tên là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, được trao năm 2017, và Blogger Tạ Phong Tần, trao năm 2013. Điểm chung của ba người phụ nữ này là được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao giải khi họ đang thụ án tù 9-10 năm tại Việt Nam, với cùng cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước”, theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự 1999.

Hiện đang sinh sống tại Houston, Texas, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người từng bị chính quyền Việt Nam tuyên án 10 năm tù vào năm 2017, nêu nhận định với VOA về việc nhà báo Phạm Đoan Trang được trao giải IWOC 2022:

Bản án 9 năm tù giam mà Tòa án Nhân dân Hà Nội đã tuyên chính là đòn thù mà nhà cầm quyền Việt Nam đã dành để đáp trả cho lòng can đảm của Phạm Đoan Trang.

Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người được trao giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế năm 2017.

“Chúc mừng chị Phạm Đoan Trang với danh hiệu Phụ nữ Can đảm Quốc tế 2022. Đây là sự ghi nhận của Hoa Kỳ nói riêng và thế giới nói chung dành cho cá nhân Phạm Đoan Trang với những nỗ lực tranh đấu miệt mài, bền bỉ cho quyền con người, tự do ngôn luận tại Việt Nam. Bản án 9 năm tù giam mà Tòa án Nhân dân Hà Nội đã tuyên chính là đòn thù mà nhà cầm quyền Việt Nam đã dành để đáp trả cho lòng can đảm của Phạm Đoan Trang”.

“Tôi hy vọng rằng sự dấn thân của chị Đoan Trang sẽ tạo ra thay đổi tích cực trong một xã hội đầy sợ hãi, khiếp nhược. Và quan trọng hơn hết là sẽ không có thêm công dân Việt Nam nào bị kết án vì nói lên quan điểm chính trị, vì chống lại sự đàn áp, bất công. Không một công dân Việt Nam bị bỏ tù vì bày tỏ sự can đảm của mình trước nhà cầm quyền độc tài”, bà Như Quỳnh cho biết thêm.

VOA, 14.03.2022

 

 

Bị cáo buộc “hoạt động lật đổ”, đối diện án tử hình chỉ vì phát tán thông tin từ mạng xã hội

Toà án Nhân dân SÀI GÒN  FB Nguyễn Văn Miếng

Một toà án ở SÀI GÒN chuẩn bị đưa ra xét xử 12 người với cáo buộc “Âm mưu lật đổ chính quyền”, trong đó có 10 người bị truy tố ở khung cao nhất với hình phạt tử hình.

Phiên toà dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 29 và 30 tháng 3 năm 2022, tại trụ sở Toà án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Mười hai người bị đưa ra xét xử đều có chung cáo buộc vi phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 109 của Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Trong đó có 10 người bị truy tố theo khoản 1 của điều này với mức phạt cao nhất là tử hình, hoặc tù chung thân. Hai người còn lại bị truy tố theo khoản 2 với án phạt cao nhất là 12 năm tù giam.

Theo cáo trạng do Viện Kiểm sát SÀI GÒN ban hành thì những người này bị bắt và truy tố vì “lôi kéo người dân tham gia tổ chức Chính phủ Việt Nam Lâm thời”, và phát tán các tài liệu của tổ chức trên.

Trong số những người sắp sửa bị đưa ra xét xử, chính quyền cáo buộc bà Trần Thị Ngọc Xuân, 53 tuổi, là người đứng đầu. Tuy nhiên, theo luật sư bào chữa của bà Xuân thì sự thực lại không phải như vậy.

Đài Á châu Tự do phỏng vấn luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho bà Xuân để tìm hiểu thêm về cáo buộc do phía chính quyền đưa ra nhắm vào bà:

Bà Xuân bà ấy nói rằng chỉ quen với ông Xoan với lại hình như là một hay là hai người nữa, mà quen đã lâu rồi, thế thì khi bà ấy bị bắt các tỉnh có những vụ án liên quan đến cái tổ chức này thì họ chuyển hết về Công an SÀI GÒN để nhập lại thành một vụ.

Cho nên khi tôi hỏi bà ấy là trong 12 người này bà có quen ai không, bà ấy bảo không, chính thức là em chỉ tiếp xúc với ông Xoan, là nhân vật thứ hai, tại vì ông Xoan đã từ Nghệ An-Hà Tĩnh vào, nhưng mà thực ra chỉ là mới tiếp xúc. Thì khi gom vụ án này lại, 12 người trong một vụ, thì cô Xuân nói rằng không biết những người kia.”

Bà Trần Thị Ngọc Xuân vốn là một thợ may sinh sống ở thành phố Thủ Đức, bà bị bắt vào ngày 5 tháng 5 năm 2020. Sau gần hai năm kể từ khi bị bắt, bà mới được tiếp xúc với luật sư vào ngày 10 tháng 3 năm 2022.

Nói về những việc làm của bà Xuân dẫn đến việc bị bắt, luật sư Miếng cho hay:

Bà ấy có nói rằng bà ấy có in một số thông tin lấy từ trên Facebook nói là đối với những người nghèo thì sẽ được hỗ trợ một số tiền từ nước ngoài. Thế thì khi bà ấy phổ biến như vậy thì bị một số người biết họ tố cáo với cơ quan công an, và công an đã điều tra và tiến hành bắt giữ bà Xuân.

Vị luật sư thuộc Đoàn Luật sư Thành phố HCM này cũng cho biết thân chủ của mình không hề có ý định hoạt động lật đổ chính quyền như cáo buộc của VIện Kiểm sát đưa ra, ông nói:

“Bà Xuân bà ấy nói rằng là em không có biết cái chuyện lật đổ, em hoàn toàn không có ý thức về cái chuyện lật đổ, em chỉ thấy rằng là những cái thông tin em phổ biến cho mọi người, là phổ biến đến những người dân nghèo. Họ nói rằng là họ giúp đỡ những người nghèo và do đó em là người phổ biến chuyện đó để xem xem những người nghèo đó họ có được giúp đỡ gì không.

Cho nên là khi mà bị bắt và họ nói rằng là em phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì em sợ lắm, em không biết là tại sao mình lại phạm cái tội tày trời đến như vậy, và khi là biết là mức án đến tử hình thì bà ấy càng sợ nữa.”

Được biết chỉ mình bà Trần Thị Ngọc Xuân là có luật sư bào chữa riêng, những người còn lại trong vụ án này đều được toà chỉ định luật sư.

Chính quyền VIệt Nam coi tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời là một tổ chức phản động, hay thậm chí là khủng bố, và vẫn thường khép tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” đối với những thành viên hoặc cảm tình viên của tổ chức này ở Việt Nam.

 

Hồi tháng 8 năm 2018, Toà án Thành phố HCM cũng đưa 12 người bị cáo buộc là thành viên của tổ chức trên ra xét xử, kết quả là những người này bị kết án từ 5 đến 14 năm tù.

RFA, 14.03.2022

 

 

Hoa Kỳ trao giải ‘Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm’ – IWOC- cho bà Đoan Trang và 11 người khác

NGUỒN HÌNH ẢNH,BBC READER Chụp lại hình ảnh, Nhà báo Phạm Đoan Trang trong ảnh chụp tại khu vườn rau Lộc Hưng rước khi bị công an VN bắt tháng 10/2020

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa ra thông báo về lễ trao giải Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm cho bà Phạm Đoan Trang và 11 người khác trên thế giới.

Phu nhân tổng thống Mỹ Jill Biden sẽ có bài phát biểu tại sự kiện trực tuyến hôm 14/03/2022, theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Bản thân sự kiện và tên tuổi 12 người phụ nữ dũng cảm, dám đấu tranh cho tự do báo chí, nữ quyền, nhân quyền và hoạt động xã hội dân sự, được Ngoại trưởng Antony Blinken công bố.

Thông cáo báo chí trên trang của Bộ Ngoại giao Mỹ nói giải thưởng Quốc tế cho Phụ nữ Dũng cảm – International Women of Courage (IWOC) Awards năm nay được trao cho 12 phụ nữ, ở 12 quốc gia khác nhau.

Đây là lễ trao không tiếp xúc trực tiếp, vì lý do dịch Covid, nhưng sẽ được truyền trực tuyến trên trang của Bộ Ngoại giao Mỹ, ở địa chỉ: https://www.state.gov/

Trong ASEAN, có hai người được trao giải là bà Phạm Đoan Trang, công dân Việt Nam, hiện đang bị chế độ xã hội chủ nghĩa cầm tù, và bà Ei Thinzar Muang của Myanmar, người từng bị xử tù năm 2015 vì hoạt động cho quyền phụ nữ thời kỳ phe dân chủ nước này còn là lực lượng đối lập.

Ngoài họ là các phụ nữ ở Iraq, Liberia, Libya, Romania, Nam Phi, Moldova, Colombia, Brazil, Nepal và Bangladesh.

Bà Phạm Đoan Trang được tặng giải thưởng này nhờ hoạt động báo chí tự do cho nhân quyền và nhà nước pháp quyền.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết:

“Bà Trang bị bắt ngày 6/10/2020 và bị xử chín năm tù giam vào ngày 14/12/2021 vì các bài viết, và vì thể hiện quan điểm của mình một cách hòa bình.”

 

‘Không hợp tác, không khai nhận và chưa từng nhận tội’

Chính phủ Việt Nam kiên quyết bác bỏ các chỉ trích về nhân quyền từ châu Âu và Hoa Kỳ.

Cáo trạng truy tố nhà báo, nhà hoạt động dân chủ Phạm Thị Đoan Trang của Viện Kiểm sát VN cuối 2021 nói bà Trang phạm tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại điều 88 Bộ luật hình sự 1999”.

Tuy nhiên, điều khiến bà bị xử tù nặng nề còn đến từ chỗ thái độ của bà “trong suốt quá trình làm việc, bà Trang không hợp tác, không khai nhận và chưa từng nhận tội”, theo một luật sư bào chữa cho biết trên Facebook.

Năm 2018, bà Đoan Trang được trao (khiếm diện) giải nhân quyền Homo Homini tại CH Czech.

Vào tháng 9/2019, Phạm Đoan Trang đã được Tổ chức Phóng viên Không biên giới trao cho Giải thưởng Tự do Báo chí, hạng mục “Ảnh hưởng”.

Bà Trang là người đồng sáng lập blog Luật Khoa Tạp Chí, nơi cung cấp thông tin về các vấn đề pháp lý để giúp người dân Việt Nam bảo vệ quyền của mình.

Bà cùng với nhà hoạt động người Mỹ gốc Việt Will Nguyễn từng công bố bản Báo cáo Đồng Tâm song ngữ Anh Việt.

Trong bức thư đề ngày 27/5/2019 của Phạm Đoan Trang do Will Nguyễn công bố, bà Trang viết về ba tâm nguyện bà muốn cộng đồng thực hiện:

Vận động thông qua luật bầu cử mới, luật tổ chức quốc hội mới; Quảng bá các sách bà viết; Biến việc bà đi tù thành cơ hội để giới dân chủ đàm phán với nhà nước; Đòi thông qua luật bầu cử mới và luật tổ chức Quốc hội mới.

BBC, 14.03.2022

 

 

 

 

 

Xác định nhầm tội danh?

 

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can, truy nã Ðào Minh Quân về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.

Đời sống chính trị ở miền Nam trước tháng 4-1975 rất quen thuộc với hai từ “đảo chánh”, tức lật đổ chính quyền.

Đảo chánh, hay còn gọi là đảo chính, là dùng bạo lực bằng lực lượng quân sự hay lực lượng quần chúng, có khi dựa vào sự hỗ trợ của nước ngoài, tiến hành việc thay thế chính quyền trung ương hiện hành bằng các cơ quan quyền lực khác ngoài khuôn khổ pháp luật.

Đảo chánh do giới quân sự tiến hành gọi là đảo chánh quân sự. Tính chất và xu hướng của việc đảo chánh có thể là tiến bộ hay không tùy theo mục đích của các lực lượng đảo chánh và lợi ích của thế lực mà các lực lượng đó đại diện.

Trong chính trị, cách mạng và đảo chánh có những điểm giống và khác với nhau: Cách mạng và đảo chánh đều được tiến hành nhằm lật đổ chế độ chính trị cũ, nhưng khác nhau ở mục tiêu sau đó: cách mạng là thay chế độ cũ bằng 1 chế độ mới tiến bộ hơn về cơ cấu và tính chất, còn đảo chánh là thay thế 1 chính quyền này bằng 1 chính quyền khác có bản chất giống như cũ.

Một cuộc đảo chánh thường chỉ được thực hiện bởi một nhóm lãnh đạo nhắm vào một nhóm các lãnh đạo khác, trong khi một cuộc cách mạng thường được tổ chức bởi phần lớn quần chúng xã hội và thường lật đổ cả thể chế chính trị cũ của quốc gia.

Vậy thì “nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” có thể coi là một cuộc đảo chánh?

 

Nhúm người vầy thì làm sao để dẫn tới bạo lực cách mạng?

Tin tức pháp đình cho biết, tại tòa án nhân dân TP.HCM sẽ diễn ra phiên hình sự sơ thẩm vào hai ngày 29 và 30-3-2022 về tội danh theo Điều 109 Bộ luật hình sự.

Theo nội dung của Quyết định số 608/2022/HSST/QĐ do thẩm phán Huỳnh Văn Trực ký ngày 1-3-2022, thì bà Trần Thị Ngọc Xuân, 53 tuổi, nghề nghiệp thợ may, ngụ tại phường Tam Bình, thành phố Thủ Đức, TP.HCM, bị truy tố và xét xử về tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” sau gần hai năm bị tạm giam tại số 4 Phan Đăng Lưu.

Cùng ra tòa với bà còn có 11 người khác bị truy tố cùng tội danh, bao gồm:  Ông Nguyễn Thanh Xoan (50 tuổi, Nghệ An); bà Lương Thị Thu Hiền (54 tuổi, Đồng Nai); ông Trần Văn Long (67 tuổi, Đồng Nai); ông Y Hon Ênuôl (34 tuổi, sắc tộc Ê đê, Đắk Lắk); ông Y Tũp Knul (52 tuổi, sắc tộc Ê đê, Đắk Lắk); ông Y Phương Ding Riêh (44 tuổi, sắc tộc M’Nông, Đắk Nông); ông Nguyễn Minh Quang (62 tuổi, Lâm Đồng); bà Hồ Thị Xuân Hương (54 tuổi, Kon Tum); bà Nguyễn Thị Kim Phượng (55 tuổi, An Giang); ông Lê Ngọc Thành (50 tuổi, An Giang) và ông Phạm Hổ (73 tuổi, Phú Yên).

Bản cáo trạng dài 42 trang, truy tố 12 người trên về các hành vi như: Đăng ký, tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia Tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, thực hiện “Trưng cầu dân ý”, phát hành, tuyên truyền các tài liệu “Hiến ước lâm thời”, “Hiến pháp Đệ III Cộng hòa” và “Sơ lược tiểu sử Thủ Tướng Đào Minh Quân”…

 

Cách hiểu về “lật đổ” của những quan tòa ở  Việt Nam

Dấu hiệu pháp lý của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân lâu nay của cơ quan tố tụng ở Việt Nam như sau: Trước hết, khách thể trực tiếp của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, là sự tồn tại của chính quyền nhân dân, là an ninh chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đối tượng tác động của tội phạm là chính quyền nhân dân từ Trung ương đến địa phương.

Chính quyền nhân dân được hiểu là hệ thống các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tổ chức chính trị thực hiện quyền lực của nhân dân ở vị trí trung tâm.

Tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội có thể hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân ở một cấp nào đó, song mục đích cuối cùng của người phạm tội là lật đồ toàn bộ hệ thống chính quyền, thay thế chế độ hiện hành bằng một chế độ xã hội khác. Từ tính chất và tầm quan trọng của khách thể, có thể thấy được bản chất đặc biệt nguy hiểm cho xã hội của tội phạm này.

Thứ hai, mặt khách quan của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân được đặc trưng bằng hành vi hoạt động thành lập, hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Hoạt động thành lập tổ chức là hành vi nhen nhóm hình thành các tổ chức phản động hoạt động đối lập về chính trị ở Việt Nam.

Hành vi này có một số biểu hiện cụ thể như: đề xướng chủ trương, đường lối, vạch kế hoạch hoạt động của tổ chức thể hiện qua việc soạn thảo cương lĩnh, điều lệ, lời hiệu triệu của tổ chức; xây dựng cơ cầu, hình thành bộ khung của tổ chức; tiến hành các hoạt động nhằm công khai hóa tổ chức; tuyên truyền, lôi kéo người khác cùng hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức; tổ chức các hoạt động phá hoại để tạo tiếng vang cho tổ chức..

Tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là hành vi tự nguyện hoặc chấp nhận đứng trong hàng ngũ của tổ chức khi biết rõ tổ chức ấy có mục đích lật đổ chính quyền, xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đối tượng tham gia tổ chức phản động tiến hành các hoạt động phá hoại cụ thể theo sự chỉ đạo của tổ chức hoặc chỉ nhận lời tham gia tổ chức.

Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân hoàn thành kế từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi hoạt động thành lập tổ chức, không kể đã thành lập được tổ chức hay chưa, hoặc từ khi nhận lời tham gia vào tổ chức, không kể đã có hoạt động cụ thể gì hay chưa.

Thứ ba, chủ thể của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là người nào từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.

Thứ tư, mặt chủ quan của tội phạm được hiểu thuộc lỗi của người phạm tội là cố ý trực tiếp. Nghĩa là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Mục đích phạm tội là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thay đổi chế độ chính trị hiện hành ở Việt Nam.

 

Xác định nhầm tội danh?

Tháng 1-2018, Bộ Công an Việt Nam chính thức xếp “chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” vào danh sách các tổ chức khủng bố. Trước đó, vào tháng 8-2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can, truy nã Ðào Minh Quân về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.

Như vậy với những người được cho là liên quan đến tổ chức của ông Đào Minh Quân tại Việt Nam, nếu có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì cần xem xem xét điều chỉnh theo Điều 112 “Tội bạo loạn” hoặc Điều 113 “Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.

Hiền Vương

VNTB ,14.03.2022

 

 

Nhân sự kiện Gạc Ma, các tổ chức xã hội dân sự kêu gọi lãnh đạo Đảng tuân thủ Hiến pháp

Tất cả mọi công dân, đảng viên và lãnh đạo chỉ cần tuân thủ các quyền và nghĩa vụ đã được hiến định, ngoài ra không phải tuân theo bất cứ các ràng buộc nào khác.

Lập Quyền Dân

Biểu tình phản đối Trung cộng chiếm đá Gạc Ma nhân kỷ niệm 28 năm cuộc chiến tại Hà Nội hôm 14/3/2016  Reuters

Tất cả mọi công dân, đảng viên và lãnh đạo chỉ cần tuân thủ các quyền và nghĩa vụ đã được hiến định, ngoài ra không phải tuân theo bất cứ các ràng buộc nào khác.

Nhân ngày 14/3 – ngày Trung cộng cưỡng chiếm đảo Gạc Ma, ngày giỗ chung của 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng – tám Tổ chức Xã hội Dân sự (XHCD) vừa ra lời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân học tập và thực hiện nghiêm quyền và nghĩa vụ theo Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nội dung lời kêu gọi được công bố chi tiết tại “Tuyên bố từ sự kiện đảo Gạc Ma ngày 14/3”. Trước mắt, “Tuyên bố 14/3” kêu gọi, toàn Đảng từ trung ương đến cơ sở phải học tập và tuân thủ sống và làm việc theo Hiến pháp. Xác định rõ, Hiến pháp là văn bản để thực thi, không phải là văn bản để tuyên truyền và đối phó với nhân dân. Tất cả mọi quyền của công dân được Hiến pháp qui định thì công dân có quyền tuân thủ và thực thi, không cần chờ luật hay thông tư. Trên tinh thần ấy, Nhà nước không được phép tùy tiện sách nhiễu và trấn áp các Tổ chức và những cá nhân thực thi các quyền mà Hiến pháp đã long trọng tuyên bố khi chưa có luật điều chỉnh. (1)

*

Cụ thể, đối với mọi công dân tự do, cần được tạo mọi điều kiện để thực hiện ngay các điều: 1) Điều 25 của Hiến pháp 2013, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật qui định. 2) Điều 27, Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định. 3) Điểm 2 điều 28, Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước, xã hội; công khai minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân. 4) Nhà nước phải thực hiện các cam kết quốc tế về việc công nhân được thành lập ngay các công đoàn độc lập, hoạt động vì lợi ích của họ.

Đối với Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 quy định, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước được quy định tại Điều 84, Điều 88, Điều 90, Điều 91. Theo tiêu chí về nội dung nhiệm vụ, quyền hạn, có thể phân chia các nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước thành hai nhóm lĩnh vực sau: 1) Nhóm các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến chức năng đại diện, thay mặt nước về đối nội và đối ngoại của Chủ tịch nước. 2) Nhóm các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến việc phối hợp với các thiết chế quyền lực nhà nước trong các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp của Chủ tịch nước (2). 

Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam có sáu nhiệm vụ và quyền hạn, trong đó đã được chi tiết hoá: 1) Lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật. 2) Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương. 3) Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 4) Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp. 5) Quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; tổ chức thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 6) Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (3)

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội được quy định tại Điều 64 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, theo đó: 1) Chủ tọa các phiên họp của Quốc hội, bảo đảm thi hành các quy định về hoạt động của đại biểu Quốc hội, các quy định về kỳ họp Quốc hội; ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. 2) Lãnh đạo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; chỉ đạo việc chuẩn bị dự kiến chương trình, triệu tập và chủ tọa các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội; ký pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội. 3) Chủ tọa hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức. 4) Triệu tập và chủ tọa hội nghị Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và một số Uỷ ban khác theo luật định 5) Giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội. 6) Chỉ đạo việc thực hiện kinh phí hoạt động của Quốc hội. 7) Chỉ đạo và tổ chức việc thực hiện công tác đối ngoại của Quốc hội; thay mặt Quốc hội trong quan hệ đối ngoại của Quốc hội; lãnh đạo hoạt động của đoàn Quốc hội Việt Nam trong các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực (4).

Để Việt Nam xây dựng thành công đất nước theo các tiêu chí dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, để Đảng thực sự ở trong lòng dân, để Việt Nam thực sự là hùng cường, bảo vệ được độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền cũng như ngoài hải đảo, các tổ chức XHDS trên toàn cõi Việt Nam kêu gọi tất cả mọi công dân, tất cả các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng toàn thể mọi tổ chức xã hội khác hãy gương mẫu thực hiện các quyền hiện định một cách đầy đủ và nghiêm túc nhất!

*

Theo giới quan sát trong nước, “Tuyên bố 14/3” không chỉ sẽ được sự chấp thuận của đại bộ phận nhân dân, mà có thể còn được sự hưởng ứng tích cực của một bộ phận lớn từ lãnh đạo các cấp. Chủ yếu nhờ ba lý do: Thứ nhất, thời điểm đưa ra Tuyên bố có ý nghĩa quốc tế. Việt Nam chưa bao giờ bị động và khó khăn như lúc này, khi mà cả thế giới tiến bộ đang lên án cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga – Vladimir Putin, trong khi đó, sau những ngày đầu chơi vơi, nay bước sang ngày thứ 16 và 17 của cuộc chiến, Việt Nam vẫn trong tình trạng lưỡng nan. Nếu kéo dài lập trường “đi hàng hai”, sẽ rất mất uy tín trước quốc tế và quốc nội. Thứ hai, nếu bỏ phiếu trắng tại LHQ mà không dám lên án Putin, nay mai nếu Tập Cận Bình làm theo đúng kế sách của Putin, mở các “chiến dịch quân sự đặc biệt” trên Biển Đông, ai sẽ là người đứng ra “sát cánh” cùng nhân dân Việt Nam? Thứ ba, xã hội Việt Nam đang trưởng thành, phân biệt được đúng sai, phi nghĩa và chính nghĩa trong cuộc chiến tranh hiện nay ở Ukraine. Bộ máy an ninh không được đàn áp các tổ chức XHDS và nhân dân nói chung khi họ “sát cánh cùng Ukraine” (Lời kêu gọi của EU gửi đến chính phủ Việt Nam).

Trong bối cảnh nói trên, “Tuyên bố 14/3” là lời kêu gọi chí lý chí tình, yêu cầu toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thấm nhuần và thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ được ghi Trong Hiến pháp CHXHCN Việt Nam, chắc chắn sẽ tháo gỡ được một phần khó khăn về đối nội và đối ngoại hiện nay. “Diễn biến tình hình thế giới rất khó lường, an nguy, đất nước đang bị thách thức, nếu nội lực Việt Nam không đủ mạnh, dân tộc Việt Nam không đoàn kết thì chắc chắn, Trung cộng sẽ xâm lược Việt Nam”, Tuyên bố 14/4 khẳng định và kêu gọi tiếp: “Các tổ chức xã hội dân sự chúng tôi chưa yêu cầu điều gì mới, chỉ yêu cầu Nhà nước thành tâm thực thi những điều qui định của Hiến pháp do chính đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng”. Cũng như Tuyên bố trước đây đòi huỷ bỏ ba điều của Bộ Luật Hình sự (5), Tuyên bố về vụ đại án Việt Á (6), Bức thư chung gửi Đại sứ quán Ukraine ở Việt Nam (7), “Tuyên bố 14/3” này sẽ có tiếng nói quan trọng đối với cả dân trí lẫn quan trí, góp phần phát triển, củng cố nội lực đất nước “để phát huy sức mạnh của sự nghiệp quần chúng, đưa Việt Nam thành một xã hội dân sự, dân chủ, tự do là con đường tất yếu cho sự phát triển và bảo vệ đất nước”.

___________

Tham khảo:

  1. https://basam.vet/2022/03/13/3184-tuyen-bo-tu-su-kien-dao-gac-ma-14-3-1988-nhung-viec-truoc-mat-can-lam-cua-lanh-dao-viet-nam/
  2. https://luatminhkhue.vn/nhiem-vu-quyen-han-cua-chu-tich-nuoc-theo-quy-dinh-cua-luat-hien-phap.aspx
  3. https://nganhangphapluat.thukyluat.vn/tu-van-phap-luat/bo-may-hanh-chinh/nhiem-vu-va-quyen-han–cua-thu-tuong-chinh-phu-139107
  4. https://nganhangphapluat.thukyluat.vn/tu-van-phap-luat/bo-may-hanh-chinh/nhiem-vu-quyen-han-cua-chu-tich-quoc-hoi-277682
  5. https://www.voatiengviet.com/a/cac-to-chuc-xa-hoi-dan-su-yen-cau-huy-bo-ba-dieu-cua-blhs-2015/6383799.html
  6. https://www.voatiengviet.com/a/tuyen-bo-dai-an-viet-a-xa-hoi-dan-su/6418225.html
  7. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-intelligentsia-and-independent-civil-societies-voice-support-for-ukraine-03012022072651.html

RFA, 14.03.2022

 

 

Kêu gọi Mỹ gây sức ép lên Việt Nam về tự do tôn giáo trước Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN

 

Hình minh hoạ: Một buổi lễ của người Công giáo ở Hà Nội năm 2015  AFP

Kêu gọi Mỹ gây sức ép lên Việt Nam về tự do tôn giáo trước Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN

Các nhóm nhân quyền quốc tế mong muốn Hoa Kỳ sẽ gây sức ép lên chính quyền Việt Nam về vấn đề tự do tôn giáo nhân Thượng đỉnh ASEAN – Mỹ tới đây, và cảnh báo tình trạng đàn áp nhân quyền đang gia tăng tại Việt Nam.

Phát biểu nhân Hội nghị ‘Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin khu vực Đông Nam Á 2022’ diễn ra vào ngày 10 và 11/3 vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành Boat People SOS (BPSOS) văn phòng chính tại Washington DC, cho biết:

“Chúng tôi  được biết tổng thống Biden vừa gửi lời mời nguyên thủ đến các quốc gia Đông Nam Á đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa kỳ -ASEAN cuối tháng ba này. Chắc chắn Việt Nam sẽ cử phái đoàn cao cấp, và có lẽ chính Thủ tướng Việt Nam sẽ là người hướng dẫn phái đoàn đến Hoa Kỳ.”

Đây là cơ hội để Ủy hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, Tòa Bạch Ốc cũng như các vị Dân biểu, Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ lên tiếng trực tiếp với phái  đoàn cao cấp Việt Nam về vấn đề tự do tôn giáo.”

Hội nghị về tự do tôn giáo lần này tập trung chủ yếu vào các cộng đồng Cơ Đốc giáo và Thiên Chúa giáo vùng Tây Nguyên Việt Nam.

Về câu hỏi vì sao hội luận trong hai ngày tập trung nhiều vào Tây Nguyên, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng trả lời:

“Vì Tây Nguyên là nơi mà chính sách tôn giáo rất khắt khe. Trong gần 100 tù nhân lương tâm vì lý do tôn giáo thì một nửa đã là người Tây Nguyên. Rất nhiều người Tây Nguyên đã chết trong tù hoặc chết sau khi ra tù vì bệnh hoạn, vì bị đánh đập.”

“Không chỉ riêng người Thượng ở Tây Nguyên, gần đây hơn 200.000 ngươi H’mong, trong đó một số không nhỏ người H’mong theo đạo Tin Lành vùng Thượng du Bắc Việt bị đàn áp  đã chạy xuống TâNguyên, tiếp tục bị phân biệt đối xử, bị khống chế.”

“Bên cạnh đó, người Tây Nguyên theo Công Giáo, chẳng hạn những người theo đạo Hà Mòn, cũng bị đàn áp. Gần đây hoặc gần đây, linh mục Trần Ngọc Thanh bị chém chết, Trước đó, một vị linh mục khác cũng đã bị chém ở tại Kon Tum. Những điều này cho thấy Tây Nguyên là nơi xảy ra rất nhiều vi phạm về quyền tự do tôn giáo”. 

Trẻ em người H’mong ở Hoà Bình. Reuters

Ông Fredirick Davie, Ủy viên USCIRF, Ủy Hội Mỹ Về Tự Do Tôn Giáo Thế Giới, cho biết Ủy hội Mỹ về Tự Do Tôn Giáo Thế Giới có nhiệm vụ theo dõi nhằm công bố báo cáo thường niên về tự do tôn giáo tại nhiều nước trên thế giới. Trong nỗ lực đó, báo cáo của UCIRF thường yêu cầu Bộ Ngoại Giao Mỹ chỉ định bất kỳ quốc gia nào có sự vi phạm nghiêm trọng vào danh sách CPC các quốc gia cần quan tâm đặc biệt vì thiếu tự do tôn giáo

Báo cáo thường niên gần đây nhất, năm 2021, USCIRF vẫn coi Việt Nam là một quốc gia cần quan tâm đặc biệt vì đàn áp, kiểm soát và vi phạm quyền tự do tín ngưỡng đối với người dân một cách có hệ thống. Mặc dù được Bộ Ngoại Giao Mỹ loại khỏi danh sách CPC từ năm 2006, USCIRF vẫn khuyến nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách này  vì những vi phạm liên tục và nghiêm trọng vẫn xảy ra bất kể một vài cải cách khiêm tốn những năm qua.”

“Đi vào chi tiết, USCIRF đặc biệt chú trọng đến cuộc đàn áp hà khắc của chính phủ Việt Nam chống lại những người dân tộc H’mong ở miền Bắc và những người dân tộc Tây Nguyên theo đạo Tin Lành, còn gọi là Cơ Đốc giáo, ở miền Trung.  Nhiền nhóm Tin Lành hoặc Thiên Chúa giáo ngưởi dân tộc không những bị từ chối đăng ký với chính quyền mà còn  bị gán cho là kỳ lạ, sai trái , ị giáo”.

Tại các địa phương ở Việt Nam, ông Fredirick Davie trình bày tiếp, những tín hữu Cơ Đôc người dân tộc thiểu số là những thành phần dễ bị tổn thương nhất. Họ bị chà đạp, bắt giữ, giam cầm, tra tấn và buộc phải bỏ đạo. Nhiều nhà truyền giáo người Tây Nguyên, ông nói, đang bị giam tù nhiều năm chỉ vì không chịu chối bỏ đức tin của mình: 

“Chính quyền Việt Nam từ chối cấp hộ khẩu, căn cước, biến họ thành những kẻ vô quốc tịch, tước quyền sống và chức năng công dân của họ. USCIRF tin rằng chính phủ Hoa Kỳ nên tiếp tục gây áp lực để  chính quyền  Việt Nam cải thiện và thăng tiến lãnh vực tự do tôn giáo. Việt Nam phải có hành động tiến bộ bằng cách ngưng phân biệt đối xử,  cấp thẻ căn cước, giấy tờ hộ khẩu và các hỗ trợ cần thiết khác cho tất cả cư dân Kitô giáo và Tin Lành đang là những người vô quốc tịch trên Tây Nguyên. Hơn thê nữa, phải để cho tất cả các nhóm tôn giáo ở Tây Nguyên được thể hiện đức tin của mình mà không sợ hãi”.

Tiếp tục vi phạm, tiếp tục đàn áp tôn giáo, Việt Nam chỉ gây thêm trở ngại cho mối quan hệ bang giao tốt đẹp giữa hai quốc  gia, là kết luận của Ủy viên USCIRF Frederick Davie.

Luật sư Sean Nelson của ADF International, tổ chức bao gồm các luật sư nhân quyền Thiên Chúa giáo, có trụ sở tại thủ đô Vienna, Áo xác định công việc  của ADF International, cũng như của luật sư Sean Nelson, là hỗ trợ pháp lý cho vấn đề tự do tôn giáo toàn cầu.

Rất nhiều dữ kiện thực sự mang lại sự hiểu biết về những gì đang xảy ra cho những tín hữu Cơ Đốc giáo người miền núi ở khắp Việt Nam, là nhận định của luật sư Nelson:

“Điều này diễn ra trong nhiều thập kỷ, và thật không may, tôi nghĩ, có rất nhiều khó khăn trong việc khiến cộng đồng quốc tế chú ý tới và không bỏ qua những cái đang xảy ra đó.”

Công khai hóa là một trong những cách vận động quốc tế liên quan việc người Tây Nguyên theo đạo Tin Lành bị khủng bố, bị bách hại. Và để vận động thành công, ông Nelson nhấn mạnh, nỗ lực đó phải bền bỉ và liên tục: :

“Khi thấy một chính phủ, một chính quyền địa phương, tìm cách hủy diệt hay phá vỡ niềm tin của một cộng đồng thiểu số, thì cách phản ứng hay nhất là phải có sự phản hồi của cộng đồng quốc tế.”

ADF nhận thấy vận động quốc tế cho tự do tôn giáo là hành động có hiệu ứng và hiệu quả thực sự. Những tiến bộ hay cải thiện khiêm tốn, mà Ủy viên USCIRF Frederick Davie đã nhắc, trong việc đối xử với người Thượng theo đạo Tin Lành ở Việt Nam, thực sự là hiệu quả tốt và có thể được coi là mô hình vận động ban đầu”.

Thế nhưng các nỗ lực như vậy khá là ít và không thường xuyên xảy ra, luật sư Nelson nói tiếp:

Và  thật không may, thay vì cải thiện tốt đẹp hơn trong chính sách hay trên diện rộng, thì thay  vào đó là chỉ một hai ngôi làng nhỏ, trong lúc xu hường đối xử với người Tin Lành miền núi vẫn là thái độ hung hăng, bạo lực” 

“Là một tổ chức chuyên hỗ trợ  pháp lý cho người Ki Tô giáo, ADF cũng  đang bảo vệ các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, trong đó tự do tín ngưỡng là phần quan trọng của tự do tôn giáo toàn cầu. Những nơi có hồ sơ tôn giáo và nhân quyền tồi tệ, mà đáng tiếc trong đó có Việt Nam, và nhất là dân tộc Tây Nguyên của đất nước này, thì những trường hợp cụ thể về từ nhân tôn giáo nêu lên buổi nay không phải là chuyện lạ”.

Những tù nhân lương tâm người thiểu số này bị chính phủ hiện hành cấm đi từ nơi này qua nơi khác, bị cho là thế lực thù địch vì có sự liên hệ với bên ngoài…Đây là sự gán ghép khiên cưỡng, một  cáo buộc không tương xứng với những người chỉ đơn giản  muốn được sinh hoạt, thờ phượng theo đức tin của mình mà thôi: 

“Mà ngay cả những quyền cơ bản này cũng bị nhà cầm quyền phủ nhận, sách nhiễu, cấm đoán. Đó là những  điều bất thường ở Việt Nam. Thế nhưng nhiều nhóm Tin Lành hay Cơ Đốc  giáo ở Việt Nam đã kiên trì  khẳng định quyền lợi của mình theo luật pháp và Luật Tôn Giáo của Việt Nam, trong lúc chính phủ trung ương và chính quyền địa phương đang cố gắng kiểm soát và hạn chế đức tin của người dân tộc, xem các hoạt động này là mối đe dọa an ninh và sự bình ổn của đất nước.”

Trong thời gian qua, vẫn lời ông Sean Nelson, Chính phủ Việt Nam đã dựa vào dịch COVID-19 để siết chặt, tạo thêm khó khăn cho người miền núi. Ngoài đức tin bị kiểm soát,  người Thượng  Tây Nguyên còn bị tước đoạt quyền sống, quyền sở hữu đất đai và cả quyền tự do đi lại, luật sư Nelson khẳng định.

Một người Thượng đang khẩn cầu sau khi ra khỏi rừng ở tỉnh Ratanakiri, miền đông bắc Campuchia. Reuters

Luật sư Sean Nelson đi đến kết luận rằng kêu gọi Chính phủ Việt Nam chấm dứt bạo lực đối với các nhóm Tin Lành hay Thiên Chúa giáo người miền núi là việc cần làm:

“Trong mọi trường hợp, tất cả những điều này đều vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Càng vi phạm nghiêm trọng hơn khi tìm cách trả thù cá nhân hay cộng đồng vì lý do liên lạc với bên ngoài. Việc USCIRF tiếp tục khuyến nghị Bộ Ngoại Giao đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC các nước cần đặc biệt quan tâm vì thiếu tự do tôn giáo là một khuyến nghị chính đáng”.

Tham luận viên H’biap Krông, tín đồ Tin Lành người dân tộc Ê Đe, vì hoạt động hỗ trợ người Tin Lành bị đàn áp, mà phải trốn qua Thái Lan để tránh bị trừng phạt. Cô cũng là người đã phát biểu tại nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế về quyền phụ nữ dân tộc thiểu số và người bản địa.

Tự cho mình là người nói lên tiếng nói của những tín hữu Tin Lành thấp cổ bé miệng ở Tây Nguyên, cô H’biap Krông bày tỏ cũng như trao đổi với hai vị diễm gia trước cô về kinh nghiệm  vận động cũng như quan điểm từ người tranh đấu trở thành người bị áp bức:

“Trong nhiều năm qua tôi đã lên tiếng trên những diễn đàn nhân quyền và tôn giáo từ khu vực sang đến các nước Phương Tây. Các dân tộc thiểu số Việt Nam sống qua nhiều thế hệ trên lãnh thổ Việt Nam, chủ yếu ở năm tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Mặc dù được gọi là ‘dân tộc anh  em’  nhưng  người miền núi năm tỉnh miền Trung Việt Nam vẫn bị phân biệt đối xử chỉ vì sự chênh lệch văn hóa và sự khác biệt trong niềm tin”.

“Có thể nói trong năm tỉnh Tây Nguyên, hết 90% người dân tộc theo Kitô giáo. Thứ hai, lý do họ trở thành mục tiêu bị đàn áp là vì những liên hệ ít nhiều trong quá khứ với quân đội nước ngoài.  Phần này tôi sẽ không đi vào  chi tiết  vì tôi nghĩ các tham luận viên khác sẽ nói cụ thể hơn. Tôi muốn nói lòng trung thành của đa số người Tây Nguyên vơi chế độ cũ, mà họ từng bộc lộ ra, đã khiến họ bị căm ghét. Chế độ hiện tại đàn áp và theo dõi suy nghĩ của các thế hệ người Thượng sau này như chúng tôi. Trong lý luận của họ, người Thượng kém hiểu biết và dễ bị lôi cuốn vào các hoạt động phi pháp mà trong đó là tôn giáo. Đó là số phận các Giáo hội Tin Lành Tây Nguyên không được Nhà Nước công nhận”. 

Trong sáu năm qua, đàn áp tôn giáo trở  nên khốc liệt đối với những nhóm Tin Lành mà Nhà nước chưa cho phép. Cô H’biap Krông cho biết cô có danh sách những giáo đồ Tin Lành Tây Nguyên bị cầm tù.

Đây là tài liệu cần thiết, cô nói, được trình ra trước các diễn đàn mà cô từng phát biểu, nhằm vận động sự quan tâm của quốc tế về tình trạng tôn giáo bi đát của người Tin Lành Tây Nguyên Việt Nam.

Ông Sharad Hussain, Đại sứ Lưu động Mỹ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, bên cạnh các nhà hoạt động về tự do tôn giáo cho Việt Nam cùng với các thành viên MSFJ, tổ chức Người Thượng Vì Công Lý ở Việt Nam cũng cho biết:

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tôi đề cập, trong đó có vấn đề đang ảnh hưởng đến cộng đồng người miền núi theo Kitô giáo. Tôi ghi nhận và cảm ơn những khó khăn  trong việc giám sát, báo cáo về tình hình tôn giáo ở Việt Nam và  các nơi khác trên thế giới. Nỗ lực này thực sự rất quan trọng vì đó là tiếng nói thay cho những người không được nói” .

Tổng thống Biden, Bộ trưởng Ngoại giao Blinken và tôi làm việc chặc chẽ với nhau hầu thúc đẩy và bảo vệ tự do tôn giáo cho mọi người ở khắp mọi nơi, trong đó có Việt Nam. Đây là cam kết của trái tim, của niềm tin vào việc mang lại tự do tư duy và tự do tín ngưỡng. Chúng tôi tin rằng con người có quyền tự do tôn giáo bất kể họ sống ở đâu, bất kể họ tin hoặc không tin vào điều gì.”

Tôi thừa nhận Việt Nam đã cố gắng thực hiện những bước tiến đáng kể, bao gồm việc mở rộng sự công nhận cấp quốc gia đối với một số tổ chức Tin Lành, cho phép một số giáo hội được đăng ký. Tại các thành phố lớn thì vấn đề chừng như ít hơn các địa phương, nhiều nơi bắt đầu cấp giấy tờ tùy thân cho cộng đồng  Cơ Đốc giáo người H’mong và người Tây Nguyên. Đó là kết quả vận động từ những cá nhân, đoàn thể dũng cảm, tận tuy bên trong và bên ngoài, được minh chứng bằng những thay đổi từ chính quyền Việt Nam”. 

Phải tiếp tục thúc đẩy sự thay đổi, Đại sứ Hussian khẳng định, và tất nhiên không dễ dàng khi mà thành kiến, sự quyết đoán và sự phân biệt đối xử đã ăn sâu vào não trạng lãnh đạo Việt Nam. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, tất cả chúng ta đều hiểu tôn giáo và nhân quyền là điều kiện tối cần cho một  xã hội an toàn, hòa bình, ổn định.

“Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ Việt Nam để đảm bảo họ phải thay đổi. Chúng tôi nhận thấy trong những năm qua, nhiều tổ chức  tôn giáo bao gồm Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, đặc biệt Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, bị gạt ra ngoài vòng pháp luật. Những nhóm này phải đối mặt với sự xâm nhập và chỉ đạo quá mức từ phía chính phủ. Tự do tôn giáo hoặc niềm tin không thể tồn tại nếu thiếu quyền tự do biểu đạt, hội họp và thờ phượng trong ôn hòa.”

Không có tôn giáo hay niềm tin thì con người không thể phát huy hết tiềm năng của mình cũng như không thể đóng góp trọn vẹn cho đất nước. Một thể chế  nhân quyền có tự do tôn giáo là yêu cầu và thông điệp rõ ràng cho Việt Nam nói riêng và khắp nơi trên thế giới nói chung, ông Đại sứ Rashad Hussain kết luận bài  nói chuyện của ông như vậy. 

Anh Y Phích H’dok, một nạn nhân cũng là thành viên tổ chức Người Thượng Vì Công Lý cho biết vì tranh đấu cho tự do tôn giáo mà bản thân bị liên tục khủng bố, cha mẹ bị bắt, bị hành hạ và bị dọa giết. Năm 2016, Y Phích H’dok bị truy lùng vì tội tuyên truyền chống Nhà Nước nên chạy trốn qua Thái Lan. Anh khởi sự lên tiếng cho người Tin Lành Tây Nguyên từ đó:

Tháng 8/2019 tôi được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ mời tham dự Hội nghị cấp bộ trưởng về Tự do Tôn giáo ở Washington DC để vận động cho người miền núi và chia sẻ trường hợp của tôi.”

“Tình trạng đàn áp, bắt bớ, tra tấn, bỏ tù người Tây Nguyên theo Thiên Chúa giáo không bao giờ chấm dứt. Luôn có những nạn nhân bị bách hại, bỏ tù và luôn có những hội thánh tư gia bị cấm cản. Mong rằng chính phủ Mỹ và các tổ chức quốc tế làm việc chặt chẽ để chính phủ Việt Nam để có sự thay đổi tích cực trong tương lai”.

Hội nghị trực tuyến hai ngày 10 và 11/3 được coi là dài nhất với nhiều tham luận đoàn nhất so với các buổi hội luận về tự do tôn giáo trước nay.

RFA, 13.03.2022

 

 

Diễn biến đáng quan tâm vụ Vườn rau Lộc Hưng

Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình mở cửa tiếp người dân Lộc Hưng khiếu kiện vào sáng ngày 15-3-2022 – Thấy gì qua động thái mới của chính quyền?

Ngày 10/3/2022, Văn phòng Ủy ban nhân dân quận Tân Bình đồng loạt gửi GIẤY MỜI số 58/GM-VP đến nhiều hộ dân, đại diện hộ dân bị thu hồi đất canh tác và bị cưỡng chế tháo dỡ nhà ở vào ngày 08/01/2019 tại khu đất VƯỜN RAU LỘC HƯNG, đến Văn phòng tiếp công dân vào lúc 8 giờ sáng ngày 15/3/2022 với nội dung: quận Tân Bình thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, “tổ chức buổi tiếp người dân trực tiếp canh tác, có quyền và nghĩa vụ liên quan đến Khu đất công trình công cộng Phường 6, quận Tân Bình để ghi nhận các kiến nghị, xem xét phúc đáp theo quy định pháp luật và thông tin tiến độ triển khai dự án”.

Giấy mời của UBND quận Tân Bình. Ảnh trên mạng

Đây là lần đầu tiên sau hơn 3 năm xảy ra câu chuyện cưỡng chế thu hồi đất và tháo dỡ nhà một cách tàn khốc, bộc lộ rõ sự sai trái trong hành xử công vụ của chính quyền Phường 6 và quận Tân Bình, với sự khiếu nại kiên quyết của người dân và sau nhiều văn bản của Thanh tra Chính phủ, chính quyền quận Tân Bình tổ chức buổi tiếp dân có quy mô lớn, do Chủ tịch Nguyễn Bá Thành chủ trì, để giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan đến khiếu kiện của người dân.

Trước động thái mới của chính quyền, nhiều người đặt ra nghi vấn, thậm chí không đồng ý với cách thức tổ chức tiếp dân của nhà chức trách, đặc biệt bà con mất đất, mất nhà tỏ ra dị ứng với cụm từ được dùng trong Giấy mời là “Khu đất công trình công cộng Phường 6, quận Tân Bình”, rồi thì “thông tin tiến độ triển khai dự án”?!?

Bởi trong nhận thức của người dân, chính quyền mắc sai lầm nghiêm trọng khi tiến hành cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng, đẩy 124 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu chủ yếu là bà con Công giáo di cư bị nhân tai khốc liệt, 48.000m2 đất thổ vườn bị chiếm giữ, 503 căn nhà kiên cố bị phá huỷ, gần như toàn bộ tài sản bị chiếm đoạt, dân lành bỗng chốc bị mất nhà, mất đất, mất tài sản, mất nguồn sống, trở thành dân oan, suốt thời gian dài kêu cứu, khiếu nại, tố cáo, nhiều lần kéo thành đoàn ra Hà Nội làm việc với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số cơ quan Trung ương, nhiều văn bản của Thanh tra Chính phủ đề nghị giải quyết khiếu nại bị địa phương vô hiệu hóa, chính quyền nợ dân vụ việc tày đình, trách nhiệm công vụ bị đùn đẩy, né tránh, hành xử vô pháp và tội phạm không bị xử lý, cưỡng chế thu hồi trái phép đất của dân chiếm hữu ngay tình và hợp pháp hơn nửa thế kỷ, đủ điều kiện cấp sổ đỏ rồi bỏ hoang phế, dân tình sống chết mặc kệ…!!!

Trong bối cảnh câu chuyện Vườn rau Lộc Hưng ở tình trạng “u u minh minh”, khi nhìn ở giác độ tích cực, chúng tôi nhận thấy động thái tổ chức họp dân qua Giấy mời của Ủy ban nhân dân quận Tân Bình là tín hiệu lạc quan, đáng mừng. Thông qua Giấy mời, chính quyền đã đặt người dân Vườn rau Lộc Hưng vào đúng tư cách pháp lý của họ: họ là chủ thể khiếu kiện. Thông qua nội dung làm việc được công bố theo Giấy mời, ít ra người dân Vườn rau Lộc Hưng được “ghi nhận các kiến nghị”, được “xem xét, phúc đáp theo quy định pháp luật” và họ được “thông tin tiến độ triển khai dự án”. Điều quan trọng, khi đã xác lập đúng tư cách pháp lý, sau khi tổ chức tiếp xúc, ghi nhận các ý kiến của người dân, trả lời các yêu cầu của người dân, công khai dự án đang triển khai, chính quyền sẽ tiếp tục thực hiện tiến trình giải quyết khiếu nại theo luật định, trong đó sẽ mở ra nhiều buổi đối thoại với người dân, đặt ra và thực hiện lộ trình thương lượng đền bù với các hộ dân, tìm giải pháp khả dĩ hợp lý cho câu chuyện gần như bế tắc trong thời gian qua.

Dù con đường khiếu kiện của bà con Vườn rau Lộc Hưng gặp vô vàn khó khăn và nhận thức giữa cơ quan giải quyết khiếu nại với người khiếu nại còn nhiều dị biệt, chúng tôi vẫn có niềm tin vững chắc vào câu chuyện Vườn rau Lộc Hưng sớm kết thúc có hậu, như chúng tôi đã từng tin vào tính chính danh, nắm giữ phần chính nghĩa của người dân Vườn rau Lộc Hưng vậy!

Trịnh Vĩnh Phúc

Tiếng Dân, 13.03.2022