Mục lục
Ai sẽ khởi tố công an đánh dân bất chấp tỷ lệ thương tích?
Khi công an còng tay và đánh một người dân, thì đó là hành vi tra tấn, là nhục hình.
Báo chí đưa tin có một người dân ở Nghệ An bị công an xã đánh bằng dùi cui khiến hai chân bị bầm tụ máu phải nhập viện, nhưng giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể là 0%.
“Khi về trụ sở, ông Ngọc còng tay anh Bang lên cửa sổ phòng làm việc. Do bức xúc về hành vi chửi bới, thách thức và dùng gậy chống lại lực lượng thi hành công vụ nên ông Ngọc và ông Quân đã dùng gậy cao su (công cụ hỗ trợ cấp cho công an xã) đánh vào mông, đùi và chân anh Bang” – trích bài báo “Công an tỉnh Nghệ An kết luận gì về vụ công an xã đánh dân?”, Thanh Niên số phát hành ngày 20-3-2022.
Bài báo cho biết giám định thương tích sau bị đánh… 48 ngày của Trung tâm Pháp y tỉnh Nghệ An kết luận, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên đối với anh Bang là 0%. Do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tin báo vụ việc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ.
Viện dẫn tỷ lệ thương tật 0% để ban hành quyết định không khởi tố của Công an tỉnh Nghệ An là không phù hợp khi tình tiết vụ việc cho thấy đây là hành vi tra tấn.
Xin được diễn giải chi tiết hơn.
Chương II Hiến pháp năm 2013 có 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật, không bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn…
Quyền không bị tra tấn hoặc đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người đã được quy định tại khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013, theo đó: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Quyền không bị tra tấn hoặc đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người cũng được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực hình sự, hành chính, dân sự… Đặc biệt, trong năm 2015, Quốc hội Việt Nam đã thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật với nhiều nội dung mới hoặc nội dung sửa đổi, bổ sung theo hướng tiến bộ hơn; chú trọng việc nội luật hóa các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về chống tra tấn.
Theo Công ước của Liên hiệp quốc về chống tra tấn mà Việt Nam là thành viên, thì “tra tấn” có nghĩa là bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì những mục đích như lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba, hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện, hoặc để đe doạ hay ép buộc người đó hay người thứ ba, hoặc vì bất kỳ một lý do nào khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi nỗi đau đớn và đau khổ đó do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức.
Khái niệm tra tấn không bao gồm những đau đớn hoặc đau khổ xuất phát từ, gắn liền với hoặc có liên quan đến các biện pháp trừng phạt hợp pháp.
Trong vụ việc xảy ra ở công an tỉnh Nghệ An như theo tường thuật của báo Thanh Niên, cho thấy căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 thì trường hợp có từ hai người trở lên cùng cố ý cùng thực hiện một tội phạm thì được gọi là đồng phạm.
Trong khoa học luật hình sự, đồng phạm được coi là hình thức phạm tội đặc biệt, có nhiều điểm khác biệt để phân biệt với trường hợp phạm tội riêng lẻ. Do đó, trong Bộ luật Hình sự đã quy định nguyên tắc xử lý có tính riêng biệt cho trường hợp phạm tội này và quy định bổ sung về trách nhiệm hình sự của đồng phạm và của từng loại người đồng phạm.
Hà Nguyên
VNTB (22.03.2022)
Công an dọa bắt vợ ông Bùi Văn Thuận nếu còn đấu tranh cho chồng
Facebooker Bùi Văn Thuận FB Thuan Van Bui
Công an Thanh Hóa doạ bà Trịnh Thị Nhung, vợ của nhà bất đồng chính kiến Bùi Văn Thuận, rằng bà sẽ bị bắt nếu tiếp tục đấu tranh cho chồng.
Từ khi ông Bùi Văn Thuận bị bắt hồi tháng 8 năm 2021, bà Trịnh Thị Nhung vẫn tích cực thông báo tình hình vụ án của chồng mình trên mạng xã hội, và làm đơn thư khiếu nại để đòi hỏi quyền lợi cho chồng.
Hôm 17 tháng 3 năm 2021, bà Nhung bị Cơ quan An ninh Điều tra của công an tỉnh Thanh Hoá triệu tập đến làm việc.
Trong buổi làm việc này phía công an đã buông lời đe dọa bà Nhung vì những việc làm của bà để tranh đấu cho chồng.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, bà Trịnh Thị Nhung cho hay:
“Điều tra viên họ nói với tôi rằng tôi nên hạn chế đăng các bài viết về chồng tôi lên mạng, họ có thể bắt tôi bất cứ lúc nào, họ bảo là họ đủ cơ sở để bắt tôi. Và họ nói là tôi cũng không được đăng cái giấy triệu tập lên, việc đó là không đúng và không tốt cho tôi.”
Vợ của Facebooker Bùi Văn Thuận cũng cho biết đã bị nhân viên điều tra nhiều lần mớm cung trong buổi làm việc.
Cụ thể, phía an ninh muốn bà Nhung xác nhận tài khoản Facebook của chồng mình, và cả tài khoản mạng xã hội của bà.
Nhận thấy điều này không có lợi cho chồng mình, bà Nhung đã từ chối xác nhận các tài khoản Facebook mà phía công an yêu cầu, và sau đó tiếp tục bị phía công an đe doạ bắt bớ. Bà Nhung cho biết:
“Họ bảo rằng việc tôi từ chối cung cấp thông tin cá nhân của mình, và thông tin của anh Thuận là tôi không hợp tác, và họ có thể bắt tôi vì tôi không hợp tác với cơ quan điều tra.”
Phóng viên RFA gọi điện thoại cho cơ quan An ninh điều tra, công an tỉnh Thanh Hóa yêu cầu gặp điều tra viên Lê Hồng Kỳ để xác minh vụ việc, tuy nhiên người phụ nữ trực máy cho hay người phụ trách vắng mặt và đề nghị liên lạc lại sau.
Ông Bùi Văn Thuận bị cáo buộc dưới tội danh “phát tán tài liệu chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Trước khi bị bắt thì ông Bùi Văn Thuận được biết đến với loạt các bài viết trên Facebook, viết về các diễn biến liên quan của chính quyền địa phương các tỉnh ở Việt Nam, được ông đặt dưới tên “sới chọi chó”.
Hiện gia đình vẫn chưa được tiếp xúc với ông Thuận do ông này đang bị tạm giam để phục vụ điều tra.
RFA (21.03.2022)
Việt Nam: Một buổi quyên góp hỗ trợ nạn nhân chiến tranh Ukraina bị đình chỉ
Một hội chợ từ thiện diễn ra hôm 5/3/2022 ở Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội FB của Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội
Một phụ nữ mang thai và các con trên băng ghế của một trung tâm thể thao được chuyển thành một hầm trú ẩn chống bom tạm thời, thành phố cảng Mariupol, những ngày đầu cuộc xâm lược Nga. Ảnh chụp ngày 28/02/2022. AP – Evgeniy Maloletka
Một sự kiện gây quỹ từ thiện nhằm giúp đỡ người dân Ukraina, đang trong chiến tranh, do cộng đồng người Ukraina ở Hà Nội tổ chức, vừa bị đình chỉ. Sự kiện dự kiến diễn ra vào ngày hôm qua, thứ Bảy, 19/03/2022 tại một địa điểm ở phường Nhật Tân, Hà Nội.
Một nhóm công dân Ukraina, sinh sống tại Hà Nội, định tổ chức một hội chợ nhằm kêu gọi sự chú ý, gây quỹ từ thiện để ủng hộ nạn nhân cuộc xâm lược Nga tại Ukraina. Tuy nhiên chỉ một ngày trước khi diễn ra, ban tổ chức thông báo sự kiện đã bị huỷ bỏ do can thiệp từ phía chính quyền địa phương. Trước đó ngày 05/03/2022, một hội chợ từ thiện quyên góp cho Ukraina đã diễn ra tại Đại sứ quán Ukraina ở Hà Nội.
Về sự việc cuộc quyên góp theo sáng kiến của cộng đồng Ukraina bị đình chỉ, trả lời RFI tiếng Việt, đại biện lâm thời Cộng Hòa Ukraina tại Việt Nam, bà Nataliya Zhinkina, cho biết lý do hủy bỏ là do buổi quyên góp chưa đáp ứng các « quy định » của chính quyền thành phố Hà Nội.
Bà Nataliya Zhynkina, đại biện lâm thời Ukraina tại Việt Nam
Tuy nhiên, đại biện lâm thời Ukraina tại Việt Nam cũng cho biết nhiều sự kiện quyên góp hỗ trợ Ukraina đang được xúc tiến, trong đó có hoạt động phối hợp với UNICEF, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc.
Việt Nam là một trong 35 nước bỏ phiếu trắng nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, thông qua hôm 2/3, lên án trực tiếp cuộc xâm lược Ukraina của Nga
RFI (20.03.2022)
Đồng bào theo Đạo Thiên Chúa ở vùng Tây Nguyên bị chính quyền đàn áp
Trong 2 ngày 10 & 11 tháng 3, 2022 Hội Luận về Thiên Chúa Giáo tại Tây Nguyên được BPSOS tổ chức có sự tham dự của tân Đại Sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ, Ông Rashad Hussain; Uỷ Viên của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, Ông Frederick Davie, các nhà hoạt động cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực tự do tôn giáo hay niềm tin và các nhân chứng trong đó có ông Y Phic Hdok. Ông Y Phic Hdok đã chia sẻ lại câu chuyện bị bách hại từ chính quyền Việt Nam và tình trạng chung đã xảy ra của người dân bản địa tại Tây Nguyên.
*****
Kính chào tất cả quý vị có mặt trong cuộc họp ngày hôm nay, trước tiên cám ơn Chúa đã cho tôi cơ hội này:
Tên tôi là Y Phic Hdok, sắc tộc Ê đê, sinh ra và lớn lên tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Daklak, Tây Nguyên. Lý do tôi có mặt ngày hôm nay là để chia sẻ lại câu chuyện bị bách hại từ Chính quyền Cộng Sản Việt Nam và tình trạng chung đã xảy ra của người dân bản địa tại Tây Nguyên.
Khoảng năm 2012-2013, tôi bị bắt lên đồn công an bởi vì đã tải và nghe nhạc tiếng mẹ đẻ của mình, lúc ấy tôi 16-17 tuổi. Lần 1 họ mời tôi đến một quán cà phê, nơi đó họ tra hỏi tôi với nhiều hình thức ép dọa tinh thần.
Lần thứ 2 họ chở tôi lên trụ sở công an tỉnh. Lần thứ 3 bắt tôi lên đồn công an thành phố. Họ hăm dọa sẽ cho tôi vào tù nếu tôi không nhận là tôi lấy nhạc đó từ người ở tổ chức bên Mỹ, và làm việc với tổ chức ở bên Mỹ để tuyên truyền chống phá nhà nước. Thực sự lúc ấy tôi không biết gì hết. Họ đã đập bàn ghế,
chỉ vào mặt, lăng mạ, hăm doạ. Họ đã lấy chữ ký của người khác ký vào tờ giấy để ép tôi nhận tội. Họ hỏi tôi có thường xuyên đi nhà thờ không. Sau khi thả tôi về nhà họ dặn tôi không được kể chuyện này với ai, và chỉ vào mặt tôi sẽ nhớ mặt tôi đến suốt đời.
Từ đó cuộc sống của tôi trở nên bị dòm ngó nhiều hơn. Tôi cảm thấy mọi người xung quanh xem tôi với một ánh mắt khác, như một tên phạm tội, trong khi đó tôi chẳng làm gì sai với pháp luật. Ngay cả cô giáo cũng báo công an khi tôi không hát quốc ca.
Tôi không chịu nổi cuộc sống mất tự do, không thoải mái của mình nên đến năm 2014 tôi rời Buôn Ma Thuột để đến Sài Gòn để học và làm việc.
Tôi phụ giúp nhà thờ để dạy kinh thánh cho mấy em thiếu nhi trong một hội thánh tư gia. Trong thời gian vắng nhà thì tôi cũng bị chính quyền qua nhà để hỏi gia đình tại sao không thấy tôi ở địa phương. Lúc ấy tôi ít liên lạc với gia đình vì không muốn họ lo lắng.
Tôi rất muốn giúp đỡ trẻ em người Montagnards ở quê, nhưng vì đã từng bị đe dọa, liên quan đến với tôn giáo thì chắc rất khó để làm việc một cách cá nhân tự tổ chức, tất cả đều phải thông qua chính quyền, đã thông qua thì chuyện ấy sẽ không bao giờ được họ cho phép.
Năm 2016 tôi chọn Campuchia để đến làm việc và giúp đỡ trẻ em Việt Nam vô quốc tịch, sống ven sông, không có giấy tờ, họ không được cấp giấy tờ bởi chính phủ Campuchia, và Việt Nam cũng không nhận họ, mỗi ngày tôi dạy họ tiếng mẹ đẻ của mình, Kinh Thánh và tiếng Anh căn bản. Tôi cảm thấy rất vui khi làm được những điều mình mong muốn, giúp đỡ, xây dựng và khích lệ những người đang gặp hoàn cảnh bi đát. Từ lúc đấy thì sự chú ý từ công an đến tôi càng nhiều hơn, họ đến nhà ba mẹ ở VN, hỏi tôi đang ở đâu và kêu tôi về với đủ mọi lý do, như về khám sức khỏe để đi nghĩa vụ quân sự.
Cuối năm 2016, tôi được mời tham dự vào cuộc hội nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm tin được tổ chức bởi Amnesty International tại Bangkok Thai Lan. Sau đó chính quyền đến nhà tôi càng dồn dập hơn. Họ xông vào nhà không một sự tôn trọng, xúc phạm gia đình, bắt ép gia đình gọi tôi về, nếu không họ sẽ doạ giết một ai đó trong gia đình. Họ thường đến chỗ bố mẹ tôi làm rẫy, tất cả công an địa phương, trưởng thôn, tay sai và những công an chìm cũng là người quen ở trong buôn.
Có một công an viên tên là Nguyễn Minh Đức luôn nhắn tin, gọi điện qua Facebook để gọi tôi về.
Ông đến Sài Gòn để hẹn gặp uống cà phê, nhưng tôi biết chắc là để bắt tôi.
Tôi nghĩ rằng hết năm tôi sẽ trở về và giúp đỡ người trẻ Montagnards tại địa phương, nhưng cuối năm 2016 nghe tin bố đã bị bắt cóc và bị giết gần chỗ bố tôi làm rẫy một mình vì chính quyền ép tôi về nhà không được. Tôi rất muốn về, nhưng người nhà đã gọi điện dặn tôi không được về vì chính quyền đang bao vây và đang đợi để bắt tôi, sau khi họ cáo buộc là tôi được đào tạo ở nước ngoài để chống phá nhà nước.Cảm thấy không an toàn đến tính mạng nên tôi đã chạy đi Thái Lan để xin sự giúp đỡ từ Liên Hiệp Quốc. Năm 2017, tôi đã làm việc với cộng đồng, giúp đỡ những người trong tù tại Thái, tham gia huấn luyện lớp Phát Triển Xã Hội Dân Sự (CSDI), và làm việc với tổ chức quốc tế, gặp gỡ các đại diện của tổ chức USCIRF. Tham dự các cuộc hội nghị quốc tế để vận động cho người Tây Nguyên và đòi công lý cho bố của tôi.
Tháng 3 năm 2019, tôi đã tham gia hội nghị tự do tôn giáo tại Đài Loan để vận động cho người Hmong và Montagnards vô quốc tịch, và cũng đã gặp Đại sứ Tự do Tôn giáo Sam Brownback của chính phủ Hoa Kỳ.
Tháng 8 năm 2019, tôi được bộ Ngoại giao Hoa kỳ mời tham dự hội nghị Cấp Bộ trưởng về Tự do Tôn giáo tại Hoa Thịnh Đốn, DC để vận động cho người Montagnards và chia sẻ trường hợp của bố tôi.
Đến nay, chính quyền địa phương và báo chí quốc gia tiếp tục vu khống tôi và những người khác đang đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo. Tình trạng này không bao giờ chấm dứt và luôn có những nạn nhân bị bách hại, bỏ tù; và nhiều hội thánh tư gia bị cấm cản.
Vào tháng 7 năm 2019, Với mục đích tạo sự thay đổi tích cực cho người Tây Nguyên nói
chung, đặc biệt những người theo Thiên Chúa Giáo, tôi với những người bạn ở Thailand đã lập nên tổ chức Montagnards Stand for Justice (MSFJ). Chúng tôi vừa nâng ý thức và kiến thức cho người Tây Nguyên, vừa thúc đẩy cộng đồng quốc tế quan tâm đến họ. Mong rằng sẽ có sự tích cực thay đổi tốt hơn trong tương lai để người dân không phải sợ hãi khi bày tỏ niềm tin tôn giáo của mình.
Những điều cần tổ chức quốc tế cùng hỗ trợ cho cộng đồng Tây Nguyên:
– Chúng tôi mong muốn cộng đồng, tổ chức quốc tế khắp quốc gia, LHQ cũng như chính phủ Mỹ có sự quan tâm đặc biệt và biết đến tình trạng vi phạm nhân quyền, hành vi trả thù của chính phủ nhằm có biện pháp hỗ trợ kịp thời để ngăn chặn sự đàn áp, bắt bớ, tra tấn và bỏ tù.
– Xin chính phủ Mỹ làm việc với chính phủ VN để thả tất các tù nhân lương tâm, mục sư của các Hội Thánh. Yêu cầu chính phủ VN tôn trọng quyền đất đai của người dân bản địa và có chính sách hiệu quả để chính phủ VN thực thi một cách nghiêm túc.
– Đặc biệt quan tâm đến tình trạng người Montagnards đang tị nạn để họ có cơ hội đến nước thứ ba sau nhiều năm trú ẩn tại Thailand.
– Cám ơn tất cả các quý vị đã lắng nghe bài trình bày của tôi!
Xin Chúa ban Phước cho quý vị!
Quang Nguyên
VNTB (19.03.2022)
Hai người ở Khánh Hòa bị án tù với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”
Bà Tôn Nữ Thể Trang và ông Nguyễn Xuân Tĩnh tại Toà án Nhân dân tỉnh Khánh Hoà hôm 15/3/2022 Công Lý
Bà Tôn Nữ Thể Trang và ông Nguyễn Xuân Tĩnh ở Thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa vào ngày 15/3 bị tuyên án tù 12 năm và chín năm với cáo cuộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”. Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin dẫn nguồn từ tòa án tỉnh Khánh Hòa về phiên xử hai người vừa nêu.
Cáo trạng cho rằng trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến tháng 5 năm 2021, bà Tôn Nữ Thể Trang, sinh năm 1962 trú tại phường Cam Phúc Bắc, đã tham gia nhóm có tên ‘Tiên Rồng’. Nhóm này bị cơ quan chức năng Việt Nam cáo buộc là phản động, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.
Ông Nguyễn Xuân Tĩnh, sinh năm 1972 trú tại phường Cam Nghĩa, bị cáo buộc vào khoảng năm 2016 và năm 2019 dùng tài khoản Facebook cá nhân tham gia nhóm có tên ‘Việt Tân tương trợ’. Nhóm này bị cơ quan chức năng Việt Nam cáo buộc là tổ chức ngoại vi, chịu sự chi phối và chỉ đạo của tổ chức Việt Tân từ Hoa Kỳ mà Việt Nam cho là tổ chức khủng bố. Tổ chức này bác bỏ cáo buộc đó của Hà Nội.
Cáo trạng nêu rằng từ tháng sáu đến tháng bảy năm 2020, Nguyễn Xuân Tĩnh tham gia khóa huấn luyện có tên ‘Phù Đổng vì nước’ và có nhiều hoạt động bị cho là ‘chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.’
RFA (18.03.2022)
Bà Lê Thị Kim Phi bị phạt 6 năm tù do ‘ca ngợi’ VNCH và ông Đào Minh Quân
Bà Lê Thi Kim Phi tại tòa hôm 16/3/2022. Photo Chụp từ ANTV.
Một phụ nữ ở An Giang vừa vị toà án tuyên án tuyên 6 năm tù vì tham gia tổ chức “phản động” Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời, với cáo buộc “Lật đổ chính quyền”.
Truyền thông trong nước dẫn cáo trạng cho biết tang vật thu giữ để buộc tội bà Lê Thi Kim Phi là 6 video và 440 trang tài liệu đăng trên tài khoản Facebook “Phi Kim” mà cơ quan giám định thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang cho rằng có “những nội dung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và có nội dung hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.
Đài truyền hình ANTV của Bộ Công an hôm 17/3 loan tin rằng bà Phi đã “ca ngợi” chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và ông Đào Minh Quân, 70 tuổi, người đứng đầu tổ chức Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời ở Hoa Kỳ mà vào năm 2017 Bộ Công an cho là tổ chức “khủng bố”.
Cũng theo theo ANTV, bà Lê Thị Kim Phi, 63 tuổi, bị bắt vào tháng 7/2021 về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 109 Bộ luật Hình sự. Nhưng đến tháng 9/2021, truyền thông Việt Nam mới loan tin việc khởi tố và bắt giam bà Phi.
Chính quyền cáo buộc rằng từ khoảng tháng 9 đến cuối tháng 12/2020, bà Phi đã kết bạn với một số tài khoản Facebook là thành viên của tổ chức “phản động” Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời.
Cũng theo cáo trạng, vào đầu năm 2021, bà Phi làm hồ sơ xin tham gia tổ chức này, tham gia các cuộc họp trực tuyến và được giao nhiệm vụ “tuyên truyền, khuếch trương thanh thế cho tổ chức và Đào Minh Quân; móc nối, lôi kéo người tham gia tổ chức”.
Ông Đào Minh Quân và tổ chức Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời có trụ sở ở bang California chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA về bản án đối với bà Phi và cáo buộc của chính quyền An Giang.
Từ trước đến nay, chính quyền Việt Nam phạt án tù cao đối với các thành viên của tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời.
Vào tháng 8/2021, một tòa án ở Phú Yên đã tuyên phạt ông Ngô Công Trứ 10 năm tù và một tòa án ở Nghệ An đã tuyên phạt ông Trần Hữu Đức 3 năm tù giam, cũng với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” do đã tham gia tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời.
VOA (18.03.2022)
Theo Dõi Nhân Quyền lên án Công an Hà Nội cản trở dân Việt ủng hộ Ukraine
Các nhà hoạt động chụp ảnh chung với bà Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam FB Bong Tuyet
Tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch ra tuyên bố lên án việc chính quyền Hà Nội ngăn cản người dân tới dự buổi gây quỹ của tòa đại sứ Ukraine.
Tuyên bố trên được tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố hôm 16 tháng 3, nhằm phản ứng trước việc lực lượng công an ở Hà Nội canh cửa và giam lỏng nhiều công dân hôm 5 tháng 3.
Ngay hôm đó, đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam tổ chức một sự kiện gây quỹ từ thiện nhằm giúp nạn nhân của cuộc chiến tranh do Nga gây ra.
Tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ này cáo buộc chính quyền Hà Nội đã nhiều lần tiến hành giam lỏng những người mà họ coi là mối đe dọa như những nhà hoạt động nhân quyền, người bất đồng chính kiến, và các nhà hoạt động xã hội.
Việc làm này của phía nhà nước xảy ra thường xuyên đến mức tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã liệt kê ra được một cách chính xác những thời điểm mà nó sẽ diễn ra.
Những thời điểm này bao gồm khi có biểu tình, khi có phiên toà xét xử người bất đồng chính kiến, và khi có nguyên thủ các nước phương Tây đến thăm Việt Nam.
Và hôm mùng 5 tháng 3 vừa qua, chính quyền đã một lần nữa áp dụng cách thức này để ngăn cản nhiều người đến bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine.
Từ thủ đô Bangkok, Thái Lan ông Phil Robertson bày tỏ về vụ việc mà ông gọi là sự vi phạm nhân quyền với đài RFA:
“Các nhân viên an ninh Việt Nam vẫn thường xuyên vi phạm quyền tự do đi lại của giới hoạt động xã hội, cản trợ họ rời khỏi nhà để đến dự các sự kiện mà chính quyền cho là có vấn đề.
Giờ đây, chính quyền Việt Nam còn mở rộng chính sách đàn áp của họ đối với những nhà hoạt động, bằng cách ngăn cản họ đến thể hiện sự ủng hộ đối với người dân Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá”.
Hồi tháng 2 năm 2022, tổ chức này đã công bố một bản báo cáo dài 82 trang, trình bày chi tiết điều mà tổ chức này gọi là sự vi phạm “có hệ thống và trên quy mô rộng” đối với quyền tự do đi lại của các nhà hoạt động ở Việt Nam.
Ông Phil Robertson gọi tình trạng này là sự vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn, và kêu gọi quốc tế lên án chính quyền VIệt Nam. Ông nói:
“Lực lượng cảnh sát và an ninh ở Việt Nam đã quấy rối và đe doạ những người bất đồng chính kiến và giới hoạt động xã hội một cách không thể trắng trợn hơn, và hầu như không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào.
Các chính phủ quan tâm đến vấn đề này cần phải ngay lập tức lên án sự vi phạm có hệ thống này và yêu cầu nhà nước Việt Nam chấm dứt hành vi vi phạm quyền tự do đi lại của người dân.”
Ngoài canh nhà và chặn cửa đối với nhiều người hôm 5 tháng 3, cũng có những thông tin cho thấy chính quyền cử an ninh mặc thường phục canh giữ bên ngoài đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội.
RFA, 17.03.2022