Seite auswählen

„Khi nào người dân chưa đòi hỏi nhà cầm quyền cho biết về các quyết định quan trọng của quốc gia và nguyên do vì sao lấy những quyết định này, mà đó là quyền căn bản của mọi công dân, thì làm sao có tiếng nói hay ảnh hưởng nào đối với các vấn đề hệ trọng trên đất nước của mình. Chuyện làm chủ đất nước quả thật còn xa vời lắm!“

 

Phạm Phú Khải

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, phát biểu trong phiên họp đặc biệt về Ukraine vào ngày 1/3/2022.

 

Có ai biết một cách chính xác ai trong giới lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam hiện nay đưa ra những quyết định liên quan đến Ukraine không?

Việt Nam đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của LHQ lên án hành động xâm lăng của Nga lên Ukraine vào ngày 2 tháng 3, chọn không đứng chung với thế giới văn minh. Đúng một tháng sau khi Nga xâm lăng Ukraine, ngày 24 tháng 3 Đại Hội đồng LHQ ra nghị quyết “Hậu quả nhân đạo của sự gây hấn đối với Ukraine” mà 140 quốc gia khác đều ủng hộ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục thái độ như trước, bỏ phiếu trắng, mặc kệ bao nhiêu quốc gia và giới ngoại giao tìm cách vận động Hà Nội công khai lẫn kín đáo.

Ngoài ra, chính quyền đã cản trở một số nhà hoạt động dân chủ dự tính tụ tập ở Hà Nội để ủng hộ Ukraine vào ngày 5 tháng 3. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền/HRW đưa ra thông báo vào ngày 16 tháng 3 lên án vi phạm quyền đi lại của công dân Việt Nam.

Qua cuộc chiến tranh tại Ukraine hiện nay, chúng ta biết được quan điểm chính thức của Việt Nam, và qua đó tư duy/xu hướng nào vẫn còn đang chế ngự trong giới lãnh đạo Đảng/nhà nước Việt Nam bây giờ. Tuy nhiên, nhân vật cụ thể nào đưa ra quyết định này, và có ai khác không đồng ý, hay phản đối, thì dường như chẳng một ai biết. Tôi không nghĩ nội bộ ĐCSVN thống nhất, hay nhất quán, trong vấn đề này. Hay bao nhiêu vấn đề khác. Nghĩ khác nhưng không dám chia sẻ ý kiến chăng? Tất cả các chi tiết này hoàn toàn được giấu kín. Nó khá bất thường đối với nền dân chủ mà tôi biết hay tại Úc mà tôi đang sống.

Vậy tại sao người dân Việt Nam không đặt câu hỏi ai là thành phần chủ chốt đứng đàng sau những quyết định hệ trọng này? Câu trả lời, tất nhiên, là thành phần cao cấp nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhưng họ là ai? Tổng Bí thư? Ban Bí thư? Bộ Chính trị? Ủy ban Kiểm tra Trung ương? Ban Chấp hành Trung ương? Hay bên phía chính quyền Việt Nam, như Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao v.v… Hay chỉ một thiểu số nào đó đang thao túng mọi quyết định hệ trọng này? Ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung cộng lên các quyết định này là thế nào? Bao nhiêu câu hỏi mà không có câu trả lời nào cả.

Khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng mà truyền thông nhà nước Việt Nam lải nhải miết nghe cũng mệt thiệt.

Bài phát biểu của đại sứ Đặng Hoàng Giang tại Đại Hội đồng LHQ ngày 2 tháng 3 có nhiều điểm phải đạo, thích hợp với xu hướng cấp tiến chung của nhân loại. Phát biểu của ông Giang ngày 23 tháng 3 vẫn vậy, tuy không có gì mới. Nhưng khi lấy quyết định, Việt Nam vẫn bỏ phiếu trắng.

Phải chăng phía ngoại giao của Việt Nam là bồ câu, có nhiệm vụ nói cho phải đạo, và phía an ninh, quốc phòng, thành phần chủ chốt trong đảng, là diều hâu?

Bồ câu hay diều hâu không cần biết! Nhưng người dân cần biết và phải biết ai đứng đàng sau những quyết định hệ trọng này. Vì nó không chỉ quan trọng về mặt ngoại giao, về uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nó còn mang tính hệ trọng của tương lai Việt Nam sau này. Những quyết định như thế làm sao có thể biện minh hay bảo vệ được cho Việt Nam khi một nước khác, như Trung cộng, lấy lý cớ nào đó để xâm lăng Việt Nam sau này?

Trong các nền dân chủ, hầu như mọi quyết định của chính quyền (ngoại trừ một số vấn đề tối hệ trọng về an ninh quốc gia), đều phải công khai và minh bạch. Từ chuyện lớn đến nhỏ, lãnh đạo quốc gia phải trình bày quan điểm, lập trường, lý do tán thành hoặc tiến trình đi đến một quyết định chính trị quan trọng nào đó. Họ phải có trách nhiệm thuyết phục quốc hội, và người dân, một cách công khai. Mọi người dân đều có quyền liên lạc với các dân biểu, thượng nghị sĩ, hay bất cứ những người đứng đầu các bộ ngành của chính quyền để vặn hỏi mọi vấn đề, và họ phải có trách nhiệm trình bày hay chia sẻ thông tin. Tóm lại, họ phải chịu trách nhiệm với những gì họ nói và làm, không chỉ cho thế hệ hiện nay, mà còn với lịch sử và thế hệ tương lai.

Việt Nam hay các chế độ độc tài toàn trị hay cộng sản thì khác. Tất cả mọi quyết định quan trọng hay tế nhị nào của họ, cũng như tiến trình lấy quyết định, đều có thể bị liệt kê là bí mật quốc gia.

Bí mật quốc gia, thật ra, chỉ là chiêu bài của chế độ độc tài. Không có kẻ thù thật thì họ cũng tạo ra kẻ thù ảo. Để làm gì? Để biện minh cho sự tồn tại của họ bấy lâu nay và ngày càng bành trướng cho bộ phận an ninh, mật vụ và công an, thành phần mà mọi chế độ độc tài nương tựa vào để tồn tại.

Khi họ muốn phô trương thành tích, họ chủ động tiết lộ thông tin và chỉ thị truyền thông nhà nước rập khuôn tuyên truyền cho những điều có lợi cho họ; hoặc có khi chỉ là thủ thuật để tạo ra những điều làm cho người dân phân tâm (distraction). Khi gặp phải vấn đề tế nhị, khó xử, như liên quan đến quan hệ ngoại giao, điển hình là sự kiện Ukraine hiện nay, họ lại giấu kín, và chỉ thị mọi cơ quan truyền thông tự kiểm soát. Nói đúng hơn là tự bịt miệng lấy.

Cũng vì tư duy và cung cách quản lý như thế, người dân Việt Nam hoàn toàn không thể biết được ai là những người lấy quyết định sau cùng về bao nhiêu vấn đề hệ trọng của đất nước. Tin hành lang hay được rỉ tai không phản ảnh bức tranh toàn diện. Đôi khi chỉ là tin giả.

Gần 47 năm qua kể từ khi chế độ cai trị toàn bộ đất nước Việt Nam, người dân cho đến nay vẫn không được biết một cách chính thức bao nhiêu quyết định quan trọng nhưng sai lầm. Ngoại trừ những người đào ngũ, ra khỏi đảng hay ra nước ngoài, tiết lộ những thông tin này, ĐCSVN giấu kín toàn bộ thông tin và tài liệu này như bí mật quốc gia. Mọi cơ quan truyền thông của nhà nước chỉ đưa thông tin giới hạn, nếu xét thấy cần, nhưng hoàn toàn thiếu vắng những bài bình luận phân tích để người dân hiểu vì sao chính quyền hay Đảng/Nhà nước lấy các quyết định hệ trọng như thế. Thật hiếm thấy tiếng nói khác biệt, khoan nói đối lập, được chấp nhận trên các cơ quan truyền thông nhà nước.

Trên các cơ quan truyền thông ngoại ngữ của Việt Nam, bằng tiếng Anh như VNExpress InternationalVietnam+Viet Nam NewsVietnam Investment Review v.v… thì thông tin về chính trị, xã hội, kinh tế…, tuy tràn ngập, nhưng cũng chỉ một chiều. Tất cả những gì liên quan đến những vấn đề chính trị hệ mệnh của quốc gia, ai quyết định, tại sao, v.v… thì hoàn toàn một khoảng trống lớn.

Tại sao? Vì kiểm soát thông tin là sự sống còn của họ. Cho nên khi bị phản đối mạnh mẽ, Luật Đặc khu thì họ còn trì hoãn, nhưng Luật An ninh mạng thì không, vào đầu năm 2019.

Bất cứ thông tin nào tiết lộ về các vấn đề nội bộ tế nhị của đảng, về sai lầm, về đấu đá nội bộ v.v… đều bất lợi cho đảng. Có nghĩa là liên quan trực tiếp đến sự cai trị của họ, với mỹ từ “an ninh quốc gia”.

Người dân hoàn toàn có quyền tiếp cận thông tin, được bảo đảm trong hiến pháp và pháp luật, thì tại sao không dùng, không đòi, không yêu cầu được biết! Tại sao không đặt câu hỏi để xem nhà cầm quyền trả lời ra sao? Tại sao không dùng chính khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” để yêu cầu họ có chút tự trọng?

Khi nào người dân chưa đòi hỏi nhà cầm quyền cho biết về các quyết định quan trọng của quốc gia và nguyên do vì sao lấy những quyết định này, mà đó là quyền căn bản của mọi công dân, thì làm sao có tiếng nói hay ảnh hưởng nào đối với các vấn đề hệ trọng trên đất nước của mình. Chuyện làm chủ đất nước quả thật còn xa vời lắm!

Đòi hỏi, thay vì xin cho, là thái độ căn bản và cần thiết của mọi công dân để mọi chính quyền phải có trách nhiệm giải trình.

 

Phạm Phú Khải

VOA (29.03.2022)