Seite auswählen

„Mong có được dân chủ là tâm trạng chung của đa số người Việt. Đây là tâm trạng kiểu “MUỐN” chứ không phải “CẦN” dân chủ. Bởi khi cần, người dân sẽ hành động bằng nhiều cách để có được nó, kể cả đánh đổi với nhiều hy sinh.“

 

Võ Ngọc Ánh

 

Thực trạng hiện nay, trong nước, đa phần người Việt thiếu trải nghiệm sống trong một xã hội dân chủ thật sự, chưa thể hiện sự khát khao, sẵn sàng hy sinh và chưa có một lực lượng đủ tầm vóc để lãnh đạo cuộc vận động cho dân chủ.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,  Đa phần người Việt thiếu trải nghiệm sống trong một xã hội dân chủ thật sự, chưa thể hiện sự khát khao cho dân chủ, theo tác giả Võ Ngọc Anh

 

Trong khi đó, các tổ chức, đảng phái người Việt ở hải ngoại chưa ngồi lại được với nhau để có cùng tiếng nói cho tiến trình dân chủ tại quê nhà.

 

Chọn bạo lực, hoặc “trở về giải tán Cộng Sản” là ảo tưởng

Sắp tới tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa ra xét xử 12 bị cáo với tội danh, “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo điều 109, Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017.

12 người này bị bắt hai năm trước vì tham gia vào, chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời. Đây là tổ chức do ông Đào Minh Quân lập ra vào năm 1990, tại Mỹ, nhưng không hề có uy tín hay thực lực tại hải ngoại.

Đầu năm 2018, chính quyền Việt Nam đưa chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời này vào danh sách tổ chức khủng bố. Có lẽ do nguyên nhân, các thành viên của tổ chức này đã sử dụng vũ khí thô sơ, tự chế nhằm gây thiệt hại.

Có thể, hành động tạo vũ khí chỉ nhằm mục đích gây tiếng vang, nhưng lại bất chấp hậu quả. Điều này cho thấy chóp bu của tổ chức này không suy tính đến sự an nguy của thành viên trong nước.

Việc chính quyền Việt Nam xem tổ chức này là khủng bố, đã đưa đến những bản án nặng nề hơn với người tham gia vào nó.

Đến thời điểm hiện nay, có khoảng 60 người trong nước đang bị bỏ tù với các bản án nhiều năm vì có liên quan đến chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời. Nhưng hoạt động thực sự cho tổ chức này chắc chỉ vài người nông nổi.

NGUỒN HÌNH ẢNH,HÌNH CẮT TỪ INTERNET Chụp lại hình ảnh,Ông Đào Minh Quân, quốc tịch Mỹ, bị cáo buộc là lãnh đạo của tổ chức phản động Chính phủ quốc gia VN lâm thời có trụ sở tại Mỹ

Tôi tin rằng, động cơ khiến những người này chịu cảnh tù đày vì, họ khao khát một xã hội tự do, dân chủ, công bằng hơn. Đây là nhu cầu chính đáng của mọi công dân. Nhưng chính sự nông nổi, thiếu thông tin và hiểu biết khiến họ bị lôi vào tổ chức manh động, vớ vẩn này.

Ba năm trước, qua mạng xã hội, một người phụ nữ tên Loan mời tôi tham gia vào chính phủ của ông Quân. Bị tôi chê, bà Loan block ngay vì không chấp nhận bất kỳ ai chê ông Quân và chính phủ bà đang tham gia.

Hồi tháng 9/2020, Việt Nam cũng xử 20 thành viên của nhóm Triều Đại Việt với tổng số 200 năm tù. Đây cũng là tổ chức chọn cách thức bạo lực qua việc tạo vũ khí, gây nổ tại các cơ quan công an. Cũng như nhóm Đào Minh Quân, nhóm Triều Đại Việt gần như không được ai biết tới tại hải ngoại.

Bất kỳ tổ chức, đảng phái nào ở hải ngoại chọn bạo lực, hoặc “trở về” giải tán Cộng Sản sẽ khó nhận được sự ủng hộ. Thành viên tham gia các tổ chức này chịu cảnh tù đày vô ích. Làm cho hình ảnh đấu tranh dân chủ trở nên xấu xí, khó chấp nhận.

Bởi, dù vẫn là một quốc gia độc tài, nhưng các nước dân chủ hiện nay không có ác cảm với chính quyền do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Hơn nữa, thế giới đang có khuynh hướng nhìn nhận Việt Nam là nền kinh tế năng động, gắn kết chặc chẽ với nền kinh tế toàn cầu.

Với thế địa chính trị và nền kinh tế của Việt Nam hiện nay, các nước dân chủ sẽ lôi kéo để tạo ra sự thay đổi từ bên trong chính quyền hơn việc ủng hộ các tổ chức đối lập thúc đẩy bạo lực, gây bất ổn từ bên ngoài đưa vào.

 

Các tổ chức vận động dân chủ chưa có một tiếng nói chung

Hồi mới qua Mỹ, tôi nhận được lời mời của hai đảng chính trị người Việt. Tôi từ chối, vì nhận thấy các đảng này tồn tại như một di sản của lịch sử, hoặc động lực của quán tính quá khứ. Tôi hoàn toàn không có niềm tin hai đảng trên giúp được gì cho tiến trình dân chủ ở quê nhà.

NGUỒN HÌNH ẢNH,FB HO HUY KHANG Chụp lại hình ảnh, Quang cảnh bên ngoài Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An hôm 18/9/2017, nơi xét xử ông Nguyễn Văn Oai, người nhận là thành viên của Việt Tân

Hiện tại ở Mỹ, Canada… có khoảng 30 tổ chức, đảng phái, chính phủ lưu vong được thành lập với mục đích chống Cộng, hoặc đấu tranh dân chủ cho Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức đang suy yếu dần, chỉ còn tên chứ không còn thực chất. Có tổ chức số thành viên lên đến hàng trăm, hàng ngàn người, nhưng cũng có tổ chức tổng số thành viên chưa đầy một chiếc xe Van bảy chổ Odyssey.

Với tôi, tại hải ngoại chỉ còn hai tổ chức đối lập là Việt Tân và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là có thực lực.

Đảng Việt Tân có vẻ ổn mặt tổ chức, tài chính. Nhưng đảng này lại thiếu một tư tưởng để phản biện với chính quyền trong nước. Việt Tân vẫn kiểu chống cộng hơn là xây dựng dân chủ cho Việt Nam. Dù có tiềm lực hơn, nhưng do hậu quả của chính lịch sử của đảng, nên Việt Tân cũng khó khăn trong việc quy tụ các tổ chức khác.

Tập hợp Dân chủ Đa nguyên tỏ ra rất vững về mặt trí thức, tư tưởng, dự án chính trị, được ủng hộ về tinh thần. Tuy nhiên, phương thức đấu tranh có lẽ khác so với cách suy nghĩ của nhiều người, nên vẫn chưa được sự hưởng ứng rộng rãi, chỉ mới giới hạn trong thành phần trí thức.

Ngoài hai tổ chức kể trên, đa phần còn lại tôi thấy thiếu những vấn đề cốt lõi, cơ bản để đấu tranh cho một Việt Nam có dân chủ.

Như đã nói, vấn đề chính vẫn là thiếu đoàn kết. Dù cùng mục đích cho Việt Nam có dân chủ, tuy nhiên trong nhiều chục năm qua họ không ngồi lại được với nhau để có một tiếng nói chung.

Có thể họ trông chờ kết quả lẫn nhau, chưa đủ lực để hút nhau, không chấp nhận sự khác biệt, thiếu một dự án chính trị cho dân chủ đưa ra để tập hợp lại.

Tuy nhiên, về mặt tích cực, việc tồn tại của các đảng phái, tổ chức này trong nhiều chục năm qua nuôi dưỡng được sự thức tỉnh dân chủ, hỗ trợ cho người đấu tranh trong nước. Ít nhiều với sự gây sức ép này chính quyền Việt Nam điều chỉnh chính sách theo hướng dân chủ hơn.

 

Dân chủ chỉ có khi người dân thấy “CẦN”

Việt Nam có được dân chủ hay không là nhu cầu, sự thức tỉnh của người dân trong nước.

Các đảng phái, tổ chức, người Việt ở nước ngoài chỉ có vai trò hỗ trợ, chia sẻ cách tổ chức, kiến thức, kinh nghiệm về dân chủ; hỗ trợ cho các nhà hoạt động dân chủ trong nước có thể sống được trước sự đàn áp bằng nhiều cách từ chính quyền Cộng Sản; tạo kênh truyền thông ở trong nước không thể có được và thu hút sự chú ý ở nước ngoài khi phong trào dân chủ diễn ra ở cao trào.

NGUỒN HÌNH ẢNH,OTHER Chụp lại hình ảnh, Hai ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức, các con ông Lê Đình Kình, bị Tòa phúc thẩm tuyên y án bản án tử hình trong vụ án Đồng Tâm hồi tháng 3/2021

Và để hỗ trợ được cho tiến trình dân chủ trong nước, các tổ chức, đảng phái hải ngoại phải giải được bài toán chia năm xẻ bảy như xưa nay. Cũng không thể bỏ qua sự tập hợp các nhà đấu tranh trong nước đang sống cảnh lưu vong mới tạo ra hiệu quả lớn nhất.

Thực tế, các cuộc biểu tình diễn ra ở Việt Nam trong 15 năm qua đều liên quan đến yếu tố Trung Quốc, hoặc nhỏ lẻ hơn của dân oan đất đai. Chưa có những cuộc biểu tình nào diễn ra do nhu cầu dân chủ đất nước của người dân.

Đây là khác biệt giữa biểu tình ở Việt Nam với biểu tình đòi dân chủ ở Thái Lan, Myanmar, Ukraine và tại nhiều quốc gia khác.

Những gì đang diễn ra tại Ukraine cho thấy, quốc gia này không khiếp nhược trước sức mạnh áp đảo của Nga. Họ can đảm đứng lên bảo vệ nền dân chủ non trẻ, dứt khoát bác bỏ chế độ độc tài kiểu Nga là giá trị mà người Ukraine đang được cả thế giới khâm phục và ủng hộ.

Vì dân chủ, người dân Myanmar sẵn sàng đối mặt với cái chết, đứng lên chống lại giới quân sự muốn áp đặt độc tài cai trị thêm một lần nữa.

Không như người dân Ukraine, hay Myanmar, đại đa số người dân tại Việt Nam chưa có kinh nghiệm sống trong môi trường dân chủ thật sự. Họ chưa sẵn sàng hy sinh để có dân chủ. Nhất là khi chưa có được một lực lượng dân chủ có tầm vóc để động viên và lãnh đạo cuộc vận động dân chủ.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, ‘Người dân và lãnh đạo Ukraine không khiếp nhược trước sức mạnh áp đảo của Nga’

Dân chủ vừa là nhu cầu của sự phát triển, vừa tình cảm, nhưng cần phải lý trí, hành động chứ không phải chuyện trông mong như cách mê tín dị đoan.

15 năm trước ở Việt Nam, trong một lần uống cà phê với những người thân quen đều học xong đại học, họ hỏi tôi, có biết về tiên tri Trần Dần không. Qua cách nói chuyện, tôi nhận thấy họ đặt niềm tin vào những lời của ông Trần Dần. Họ hy vọng năm tới (2009) ông Trần Dần sẽ về giải tán chính quyền cộng sản.

Mong có được dân chủ là tâm trạng chung của đa số người Việt. Đây là tâm trạng kiểu “MUỐN” chứ không phải “CẦN” dân chủ. Bởi khi cần, người dân sẽ hành động bằng nhiều cách để có được nó, kể cả đánh đổi với nhiều hy sinh.

Việt Nam hiện nay vẫn có nhiều người đáng trân trọng đang dấn thân cho dân chủ. Nhưng cũng giống như ở hải ngoại, họ còn chia rẽ Bắc – Nam, nhóm này nhóm kia… Do đó, chưa tạo ra được một tiếng nói đủ mạnh để thức tỉnh, động viên, tạo can đảm cho một dân tộc.

Số đông dân Việt vẫn xem những người đấu tranh dân chủ là “phản động” theo quan niệm chụp mũ, xuyên tạc của chính quyền. Điều này dẫn đến thay vì đồng cảm, hỗ trợ với người đấu tranh họ lại xa lánh.

Cuộc đấu tranh nào cũng không tránh khỏi có nhiều người phải chịu cảnh lao tù. Để sự hy sinh là xứng đáng, không phải trả giá vô ích, người đấu tranh cần cùng đứng trong một tổ chức đủ nền tảng, có cương lĩnh và dự án chính trị rõ ràng và không thể thiếu kế hoạch đấu tranh.

để Việt Nam có được dân chủ cũng không thể loại bỏ những người đang cầm quyền hiện nay. Cần có một tổ chức đủ quyết tâm, sức mạnh để áp đặt sự đối thoại với chính quyền. Cần thuyết phục được đảng Cộng Sản, tham gia vào cuộc chuyển hóa về dân chủ là lối thoát trong danh dự cho chính họ, không ai hồi tố vì lý lịch đảng phái.

Đấu tranh cho dân chủ chắc chắn không phải để phục dựng chế độ Việt Nam Cộng Hòa, mà tạo ra một xã hội người dân thực sự có dân chủ, xây dựng một Việt Nam thịnh vượng. Có như thế mới thu hút được giới trẻ và quảng đại quần chúng.

 

Võ Ngọc Ánh, Tacoma, Washington

BBC (30.03.2022)