Mục lục
Ngoại trưởng Úc kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Châu Văn Khảm
Ông Châu Văn Khảm ra toà ở TPHCM hôm 11/11/2019 AP
Ngoại trưởng Úc Marise Payne cho biết đã thảo luận việc trả tự do cho công dân Úc gốc Việt Châu Văn Khảm trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Việt Nam Bùi Thanh Sơn vào tuần qua và trong cuộc nói chuyện với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vào năm ngoái.
AP loan tin vừa nêu vào ngày 5/4, dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Úc với báo giới rằng liên quan vụ việc ông Châu Văn Khảm, Chính phủ Úc tôn trọng hệ thống pháp luật Việt Nam nhưng mối quan tâm của Canberra là tuổi tác và sức khỏe không tốt hiện nay của ông Châu Văn Khảm. Phía Úc đã đề nghị cân nhắc phù hợp về những thực tế đó và cho phép ông trở về Úc.
Ông Châu Văn Khảm (72 tuổi) bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt hồi tháng 1 năm 2019 khi về Việt Nam qua ngả Campuchia. Sau đó ông bị đưa ra xét xử cùng với hai người khác tại Việt Nam là Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền. Cả ba bị kết tội ‘Khủng bố nhằm chống lại chính quyền nhân dân’.
Án tuyên đối với ông Châu Văn Khảm là 12 năm tù giam, ông Nguyễn Văn Viễn 11 năm và ông Trần Văn Quyền 10 năm.
Dân biểu Liên bang Úc Chris Hayes nhiều lần thúc giục chính phủ Canberra yêu cầu Chính phủ Hà Nội trả tự do cho ông Châu Văn Khảm. Trong lá thư đề ngày 4/2/2022 gửi Ngoại trưởng Úc Marise Payne, ông Chirs Hayes cho biết kể từ khi bị bắt và bị án tù suốt ba năm rưỡi vừa qua, vợ và hai con của ông Châu Văn Khảm vẫn không được phép nói chuyện qua điện thoại với ông này.
Dân biểu Chris Hayes thừa nhận Chính phủ Canberra có thực hiện những chuyến thăm lãnh sự đối với tù nhân Châu Văn Khảm tại Việt Nam; tuy nhiên ông thúc giục phía Canberra cần có thêm những hành động khác nữa để chính phủ Hà Nội trả tự do cho ông này.
Ông Chris Hayes nêu trường hợp hai nhà hoạt động cho nhân quyền Nguyễn Văn Đài và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm). Hai người này bị án tù nhưng rồi nhờ sự vận động mạnh mẽ của các nước tiếp nhận nên đi lưu vong. Ngoài ra, còn có trường hợp công dân Mỹ gốc Việt Michael Phương Minh Nguyễn, bị giam cùng trại với ông Châu Văn Khảm, nhưng được trả tự do về lại Hoa Kỳ nhờ những hoạt động của Bộ Ngoại giao Chính phủ Washington.
RFA (05.04.2022)
FIDH và VCHR kêu gọi EU thúc ép Việt Nam chấm dứt đàn áp xã hội dân sự
Hình minh hoạ: người dân ở Hà Nội biểu tình phản đối Trung cộng sau các tấm rào cản do công an dựng lên hôm 2/6/2013 Reuters
Liên đoàn Dân chủ Quốc tế (FIDH) và Ủy ban Bảo về Quyền Làm người Việt Nam (VCHR) vào ngày 5/4 ra thông cáo kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) phải yêu cầu Chính phủ Việt Nam chấm dứt tình trạng đàn áp xã hội dân sự và thực thi những cam kết theo thỏa thuận Mậu dịch Tự do (EVFTA) đã ký kết.
Thông cáo được đưa ra trước vòng đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 6/4 ở Brussels, Bỉ.
Thông cáo dẫn phát biểu của Tổng thư ký FIDH Adilur Rahman Khan rằng Chính phủ Việt Nam cam kết tôn trọng các quyền tự do dân chủ và nhân quyền như là yếu tố căn bản của thỏa thuận mậu dịch tự do với EU; tuy nhiên điều này trái ngược với thực trạng đàn áp xã hội dân sự đang diễn ra ở Việt Nam. EU không nên dung thứ thêm nữa cho những lời hứa sáo rỗng của Hà Nội và tận dụng vòng đối thoại nhân quyền và những công cụ khác để tìm kiếm những cải tiến thực sự tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
FIDH và VCHR nêu chi tiết việc đàn áp không ngưng nghỉ của Chính phủ Hà Nội đối với xã hội dân sự. Từ ngày 1/1 đến 31/12/2021 có ít nhất 30 người bị bắt. Họ là những nhà hoạt động, người lên tiếng nói chỉ trích chính phủ, và những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền; trong số này có ba phụ nữ.
Cũng trong thời gian này có 32 người bị kết án tù và mức án cao nhất lên đến 15 năm; trong số này có bảy phụ nữ. Đa số bị cáo buộc tội theo những điều khoản về an ninh quốc gia như Điều 117 và 331 (Bộ Luật Hình sự) ’lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước; quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân’.
Kể từ vòng đối thoại nhân quyền EU-VN gần nhất vào tháng hai năm 2020, FIDH và VCHR ghi nhận tình trạng leo thang tại Việt Nam về bắt giữ, xử án bất công, tuyên án tù nặng, hành xử bạo lực đối với những nhà bảo vệ nhân quyền, giới bloggers chỉ trích chính phủ, thủ lĩnh bảo vệ môi trường và thành viên các nhóm xã hội dân sự.
Ngoài FIDH và VCHR lên tiếng trước vòng đối thoại nhân quyền EU-VN năm nay như vừa nêu, vào ngày 4/4 Tổ chức Giám sát Nhân quyền Human Rights Watch cũng có kêu gọi VN phải cải thiện thành tích nhân quyền tồi tệ lâu nay.
RFA (05.04.2022)
Nhà báo Nguyễn Hoài Nam bị 3 năm 6 tháng tù ‘vì xúc phạm’
NGUỒN HÌNH ẢNH,FACEBOOK NGUYEN HOAI NAM Chụp lại hình ảnh, Ông Nguyễn Hoài Nam
Ông Nguyễn Hoài Nam – 49 tuổi, từng là phóng viên của một số cơ quan báo chí nhà nước – vừa bị tuyên án 3 năm 6 tháng tù về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
TAND TP SAIGON mở phiên tòa xét xử và tuyên án ông vào ngày 5/4.
Trước đó, vào ngày 3/4/2021, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã phê chuẩn các Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam của Cơ quan điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đối với ông Nguyễn Hoài Nam.
Cáo trạng viết gì?
Hôm 5/4, tường thuật trên báo chí nhà nước Việt Nam, dẫn lại cáo trạng, cho biết năm 2018, khi là phóng viên, ông Nam đã viết bài điều tra về những sai phạm tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Tháng 10/2018, ông Trần Văn Vệ – lúc đó là chánh văn phòng, phó thủ trưởng thường trực Cơ quan CSĐT Bộ Công an – được phân công chỉ đạo, điều tra vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Cơ quan chức năng đã khởi tố, truy tố ông Phạm Văn Thông – giám đốc Ban quản lý dự án, ông Vũ Mạnh Hùng – trưởng phòng kế hoạch đầu tư Cục Đường thủy nội địa Việt Nam – và ông Trần Đức Hải – phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải – về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Báo Tuổi Trẻ viết: “Còn 14 cá nhân đưa hối lộ cho Phạm Văn Thông, cơ quan chức năng cho rằng có dấu hiệu của tội đưa hối lộ, nhưng bản thân họ chính là nạn nhân của tệ nạn tham nhũng trong xã hội hiện nay.”
“Họ bị các công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước nhũng nhiễu và đều mong muốn có công ăn việc làm cho người lao động nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an không đặt vấn đề xử lý hình sự với 14 cá nhân này.”
Sau khi Cơ quan CSĐT kết luận điều tra vụ án đến khi bản án có hiệu lực pháp luật và cho đến thời điểm trước khi bị khởi tố bị can, ông Nguyễn Hoài Nam liên tiếp có đơn gửi các cơ quan chức năng và đăng tải trên tài khoản trang mạng Facebook cá nhân tố cáo trung tướng Trần Văn Vệ và một số điều tra viên thuộc Cơ quan CSĐT Bộ Công an có hành vi bao che, bỏ lọt tội phạm đối với cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Hoàng Hồng Giang và 14 cá nhân nêu trên.
Tháng 12/2020, ông Trần Văn Vệ và ông Trần Văn Quân đã gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Hoài Nam đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an, khi ông có bài viết phản đối quyết định tố tụng của Văn phòng Cảnh sát điều tra Bộ Công an trong vụ án xảy ra tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Thông tấn xã Việt Nam ngày 5/4 tường thuật: “Mặc dù các cơ quan có thẩm quyền đã có kết luận, trả lời đơn của Nguyễn Hoài Nam theo đúng quy định, nhưng bị cáo vẫn tiếp tục có đơn thư, đăng tải các bài viết tố cáo ông Trần Văn Vệ và các Điều tra viên thụ lý vụ án với nội dung: “Tướng Vệ cùng thuộc cấp bắt tay nhau bỏ lọt Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam năm 2018″…”
“Ngày 10/12/2020, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao làm việc với Nguyễn Hoài Nam. Ngày 22/1/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an có văn bản gửi Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, về việc chuyển tố giác tội phạm của ông Trần Văn Vệ và Trần Văn Quân đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố, thụ lý theo thẩm quyền.”
“Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố đã trưng cầu giám định các bài viết trên trang mạng xã hội cá nhân của Nguyễn Hoài Nam, được Sở Thông tin và Truyền thông kết luận là các bài viết có nội dung bịa đặt, sai sự thật, xúc phạm uy tín tổ chức, danh dự cá nhân, vi phạm Luật An ninh mạng, Nghị định 72/2013 của Chính phủ.”
Tòa tuyên án
Tại tòa ngày 5/4, ông Nam cho rằng cáo trạng truy tố ông là oan.
Báo Tuổi Trẻ cho biết: “Ông Nam cho rằng ông điều tra những sai phạm ở Cục Đường thủy nội địa hơn 2 tháng, thu thập nhiều tài liệu nhưng cơ quan chức năng xử lý không đúng quy định pháp luật.”
“Ông Nam khiếu nại nhưng không được nên ông tố cáo trên phương tiện thông tin đại chúng là Facebook của ông để các cơ quan pháp luật biết, giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm. Ông Nam cho rằng các cá nhân mà ông đề cập có vi phạm pháp luật nên không được coi là xúc phạm.”
Tòa đã tuyên phạt ông Nam 3 năm 6 tháng tù về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
BBC (05.04.2022)
Nguyễn Hoài Nam, phóng viên báo đảng, bị phạt 3 năm rưỡi tù
Ông Nguyễn Hoài Nam tại phiên tòa hôm 5/4
Cựu phóng viên tờ Thanh Niên, Pháp Luật TP SAIGON, bị phạt 3 năm rưỡi tù vì tin lời Nguyễn Phú Trọng “chống tiêu cực”.
Hôm 5/4, ông Nguyễn Hoài Nam, 49 tuổi, cựu phóng viên tờ Thanh Niên, Pháp Luật TP SAIGON bị Tòa án Nhân dân TP SAIGON tuyên phạt 3 năm rưỡi tù với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Nói lời sau cùng trước khi Hội đồng Xét xử nghị án, ông Nam đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án, cùng quan điểm với các luật sư trước khi tranh luận.
Theo ông, tòa cần cân nhắc các chứng cứ mà Viện Kiểm sát đã cáo buộc ông và động cơ của ông là gì, các bài viết trên Facebook của ông có đúng hay không?
Báo đảng dẫn cáo trạng quy chụp ông Nam đăng nhiều bài trên trang cá nhân để đả kích các cơ quan, tổ chức và các cá nhân gồm ông Trần Văn Vệ, cựu Phó thủ trưởng thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an CSVN và một số điều tra viên bao che, bỏ lọt tội phạm trong vụ án xảy ra tại Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam.
Những bài viết trên trang cá nhân của ông Nam bị cho là “có nhiều bình luận, chia sẻ với từ ngữ thiếu văn hóa, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân cũng như uy tín cơ quan bảo vệ pháp luật”.
“Cơ quan tố tụng nhận định ông Nam thực hiện hành vi với lỗi cố ý,” tờ Pháp Luật TP SAIGON tường thuật tin về phiên tòa xử cựu phóng viên của báo này.
Tin vào khẩu hiệu “Chống tham nhũng không có vùng cấm”
Theo công luận, Nguyễn Hoài Nam bị truy tố chỉ vì cái tội trót tin vào khẩu hiệu “Chống tham nhũng không có vùng cấm” và dấn thân chống tham nhũng như là lý tưởng. Nguyễn Hoài Nam đã dùng quyền ngôn luận để nói trên báo, trên diễn diễn đàn mạng yêu cầu phải xử lý tới nơi tới chốn những cá nhân tham nhũng và đã xâm phạm đến lợi ích của các cá nhân, tập đoàn tham nhũng đang nắm quyền trong các cơ quan tố tụng.
Nguyễn Hoài Nam sinh ra và lớn lên tại Bắc Giang XHCN, đi bộ đội, xuất ngũ đi làm báo và vận dụng kỹ năng, kiến thức quân sự trở thành nhà báo điều tra tầm cỡ lôi ra ánh sáng pháp luật hàng chục vụ án tham nhũng, buôn lậu tầm vóc quốc gia. Trong số đó có hai vụ án đình đám vụ nhận hối lộ lập quỹ đen gần 5 tỷ đồng ở Cục Đường Thủy nội bộ, và phá đường dây trộm tiêu thụ hàng triệu lít xăng dầu ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Cách tác nghiệp của Nguyễn Hoài Nam là đơn độc thâm nhập, điều tra thu thập đầy đủ chứng cứ các đường dây tội phạm rồi đăng báo trước, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khi có yêu cầu (vụ quỹ đen ở Cục Đường Thủy), hoặc chủ động cung cấp cho cơ quan chức năng phá án trước đăng báo sau (Đường dây trộm cắp tiêu thụ xăng dầu).
Đất Việt (05.04.2022)
HRW muốn Liên Âu gây áp lực với Việt Nam về nhân quyền
Logo của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch @HRW © HRW
Trong một thông cáo đưa ra hôm nay, 04/04/2022, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch (HRW) kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu gây áp lực để Việt Nam tuân thủ các nghĩa vụ về nhân quyền, chấm dứt đàn áp các nhà hoạt động và trả tự do cho tất cả các tù chính trị.
Lời kêu gọi này được đưa ra nhân dịp một cuộc đối thoại về nhân quyền giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 06/04/2022 tại Bruxelles.
Trong bản thông cáo, ông Claudio Francavilla, chuyên gia vận động Liên Hiệp Châu Âu của HRW nói: “ Liên Hiệp Châu Âu từng tuyên bố rằng quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam sẽ mang lại những tiến bộ về nhân quyền, nhưng kể từ khi hiệp định thương mại được thông qua vào năm 2020 Hà Nội lại gia tăng đàn áp hơn”. Theo lời ông Francavilla, “Bruxelles không nên tiếp tục dung thứ các vi phạm trắng trợn của chính quyền Việt Nam đối với nghĩa vụ và trách nhiệm về nhân quyền của họ.”
Bản thông cáo cho biết, trong một tờ trình gởi Liên Hiệp Châu Âu trước cuộc đối thoại, HRW thúc giục Liên Âu đặt ra yêu cầu phải có các chỉ dấu rõ ràng, cụ thể và dễ đánh giá, hoặc các kết quả thực tế đánh dấu tiến bộ về nhân quyền phù hợp với các yêu cầu của chính Liên Âu và đặt ra các hậu quả nếu Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm.
Trong bản thông cáo, HRW ghi nhận xu hướng gia tăng đáng lo ngại về các vụ bắt bớ các nhà hoạt động xã hội và môi trường với cáo buộc trốn thuế. Tổ chức nhân quyền Mỹ nêu trường hợp của nhà báo Mai Phan Lợi và luật sư Đặng Đình Bách, bị chính quyền Việt Nam bắt giữ vào tháng 07/ 2021, với các cáo buộc ngụy tạo về trốn thuế, khi họ định tham gia một nhóm tư vấn mà cả hai phía Liên Âu và Việt Nam đồng ý thành lập để khối dân sự xã hội độc lập có thể giám sát việc thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Liên Hiệp Châu Âu – Việt Nam (EVFTA).
Theo thống kê của HRW, Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất là 153 tù chính trị. Tính riêng trong năm 2021, các tòa án ở Việt Nam đã kết tội ít nhất là 38 người vì lên tiếng phê phán chính quyền và kết án họ các án tù nặng nề. Tất cả đều bị cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước”, hoặc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”.
RFI (04.04.2022)
HRW kêu gọi EU gây áp lực Việt Nam trong đối thoại nhân quyền
HRW hôm 4/4/2022 kêu gọi EU gây áp lực để Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền. Photo HRW.
Hôm 4/4, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) hãy gây sức ép để Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền, đề nghị khối này cần đặt ra “chỉ dấu và chế tài rõ ràng” đối với những vi phạm của Hà Nội trong cuộc đối thoại nhân quyền thường niên sắp diễn ra.
EU cần kêu gọi Việt Nam tuân thủ các nghĩa vụ về nhân quyền, chấm dứt đàn áp các nhà hoạt động và phóng thích tất cả tù nhân chính trị, HRW cho biết trong một thông cáo.
Đối thoại nhân quyền song phương giữa EU và Việt Nam dự kiến sẽ được tổ chức ở thủ đô Brussels, nơi đặt trụ sở của EU, vào ngày 6/4/2022.
“EU từng tuyên bố rằng quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam sẽ mang lại những tiến bộ về nhân quyền, nhưng Hà Nội lại gia tăng đàn áp hơn kể từ khi hiệp định thương mại được thông qua vào năm 2020,” ông Claudio Francavilla, chuyên gia vận động EU của HRW nói. “Brussels không nên tiếp tục dung thứ các vi phạm trắng trợn của chính quyền Việt Nam đối với nghĩa vụ và trách nhiệm về nhân quyền của họ.”
Trong một tờ trình gửi EU trước cuộc đối thoại, HRW hối thúc EU đặt ra yêu cầu phải có “các chỉ dấu rõ ràng, cụ thể và dễ đánh giá hoặc các kết quả thực tế đánh dấu tiến bộ về nhân quyền phù hợp với các hướng dẫn của chính EU, và đặt ra các hậu quả nếu vẫn tiếp tục vi phạm”.
Trong thông cáo, HRW nhận định xu hướng gia tăng đáng lo ngại về các vụ bắt bớ các nhà hoạt động xã hội và môi trường với cáo buộc được công bố là “trốn thuế”.
HRW nêu các trường hợp các nhà hoạt động bị án tù từ 4-5 năm vì tội bị quy là “trốn thuế” như nhà báo Mai Phan Lợi và luật sư Đặng Đình Bách, và gần đây nhất là vụ bắt nhà hoạt động Ngụy Thị Khanh với cùng tội danh, và điều đáng nói họ là những người có tham gia các dự án xã hội dân sự do EU tài trợ.
Cũng theo HRW, Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất là 153 tù nhân chính trị. Tính riêng trong năm 2021, các tòa án ở Việt Nam đã kết tội ít nhất là 38 người vì lên tiếng phê phán chính quyền và kết án họ với án tù giam nhiều năm. Ngoài ra, công an hiện đang tạm giữ ít nhất 25 người khác trong các trại tạm giam chờ xét xử, với các cáo buộc “có động cơ chính trị”, trong đó có nhà bảo vệ nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Thúy Hạnh và nhà vận động nhân quyền Đinh Văn Hải.
“Cuộc đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam sắp tới không nên chỉ là việc đánh dấu tích cho có nữa,” ông Francavilla nói. “Chính quyền Việt Nam đã chấp nhận các cam kết có ràng buộc về việc tôn trọng nhân quyền, và EU cần dứt khoát rằng việc gia tăng đàn áp nhân quyền sẽ mang lại hậu quả đối với giới lãnh đạo Việt Nam.”
HRW nói rằng EU cũng cần gây áp lực để nhà cầm quyền Việt Nam chấm dứt hạn chế tự do đi lại và sách nhiễu quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của người dân.
Vào tháng trước, nhân dịp Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế 2022 cho nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang đang thụ án tù ở Hà Nội, Liên minh châu Âu ra tuyên bố ủng hộ sự kiện này, nói thêm rằng “EU cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam và trên toàn thế giới”.
Tuyên bố viết: “EU kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho tất cả những người bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ tùy tiện và bảo đảm quyền được xét xử công bằng cho mọi cá nhân”.
Hồi tháng 6/2021, Cơ quan Đối ngoại Liên minh châu Âu (EEAS) công bố “Báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới năm 2020”, trong đó ghi nhận tình hình nhân quyền Việt Nam “đặc biệt đáng lo ngại” với “mức độ nghiêm trọng của những hạn chế và việc tuyên án trong các vụ việc liên quan đến thực hành quyền tự do ngôn luận trên mạng và trên thực tế”.
“Người dùng truyền thông xã hội ngày càng phải đối mặt với việc kiểm duyệt tùy tiện khi chia sẻ những quan điểm chính yếu trực tuyến”, báo cáo của EEAS cho biết.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng báo cáo nhân quyền của EEAS là “chưa khách quan” và “không phản ánh đúng thực tế tại Việt Nam”.
“Như đã nhiều lần khẳng định, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói.
VOA (04.04.2022)
Tổ chức sinh hoạt tôn giáo tại nhà riêng có vi phạm pháp luật không?
Ngày rằm tháng giêng năm Nhâm Dần, tại tư gia ông Võ Thành Tâm thiết lễ Thượng Thánh Tượng Thiên Nhan chi lễ Hương Đạo Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Chính quyền và lực lượng công an xã đến chụp hình quay phim và lập biên bản và gửi giấy mời, quy chụp đồng đạo chân truyền 1926 tu hành tôn giáo trái phép.
Theo Khoản 10 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, có hiệu lực 01-01-2019 thì sinh hoạt tôn giáo là việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo. Sinh hoạt tôn giáo là một trong những hoạt động tôn giáo. Cụ thể , tại Khoản 11 Điều 2 Luật Tín ngưỡng tôn giáo thì, “Hoạt động tôn giáo là hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo”.
Và tại Khoản 2 Điều 7 Quy định quyền của tổ chức tôn giáo,tổ chức tôn giáo trực thuộc, có quy định quyền tổ chức sinh hoạt tôn giáo.
Điều kiện đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung được quy định tại Điều 16 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo như sau:
“1. Tổ chức tôn giáo đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho tín đồ tại những nơi chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho những người thuộc tổ chức khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- a) Có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo;
- b) Nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung có người đại diện là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;
- c) Nội dung sinh hoạt tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 của Luật này”.
Nội dung Điều 5 như sau:
“Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm
- Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
- Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.
- Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
- Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:
- a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;
- b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
- c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;
- d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
- Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”.
Như vậy với những gì xảy ra tại tư gia ông Võ Thành Tâm thiết lễ Thượng Thánh Tượng Thiên Nhan chi lễ Hương Đạo Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, cho thấy dấu hiệu bước đầu sai phạm ở đây thuộc về vị đại diện chính quyển xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, Vĩnh Long theo các nội dung tại Điều 5 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (đã dẫn ở trên).
Theo tài liệu của Vụ Cao Đài – Ban Tôn giáo Chính phủ, thì, “Hiện nay, đạo Cao Đài có 64 Ban Đại diện, 16 Đại diện ở 35/38 tỉnh, thành phố.
Họ đạo là cấp cơ sở của đạo Cao Đài, nơi nào có 500 tín đồ trở lên được lập một Họ đạo có Thánh thất làm nơi thờ tự. Ban Cai quản có nhiệm vụ quản lý công việc tại Thánh thất, phụ trách 4 phòng Công – Lương – Thơ – Lễ. Ban Trị sự gồm các chức việc có nhiệm vụ lo về luật đạo giúp đỡ tín đồ chấp hành tốt và lo việc từ thiện chăm sóc cuộc sống của tín đồ tại địa phận quản lý”.
Như vậy rất đơn giản, nếu như trường hợp “thiết lễ Thượng Thánh Tượng Thiên Nhan chi lễ Hương Đạo Tân Hạnh” được coi là một hình thức sinh hoạt tôn giáo tập trung, thì ở đây nếu có vi phạm, đó là chưa thực hiện thủ tục hành chánh về đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, chứ không phải là “sinh hoạt tôn giáo trái phép” như ghi ở giấy mời của chính quyền xã Tân Hạnh, Long Hồ, Vĩnh Long.
Tin tức cho thấy không ghi nhận việc chính quyền xã Tân Hạnh lập biên bản đối với hành vi vi phạm hành chính như quy định tại Điều 64 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, do đó rất dễ đưa đến tâm lý của người dân là chính quyền đang có hành vi cản trở người đang thực hiện nghi thức theo tôn giáo Cao Đài.
Phạm Lê Đoan
VNTB (04.04.2022)
Việt Nam phải tôn trọng tôn trọng sự khác biệt của chính người dân mình
ĐCSVN phải tôn trọng nhân quyền, tôn trọng sự khác biệt của chính người dân Việt Nam trước khi năn nỉ người ngoài phải tôn trọng sự khác biệt của hệ thống chính trị của mình.
Chiều 30/3, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tái khẳng định rằng “Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam”, nhưng bày tỏ mong muốn chính phủ Hoa Kỳ tôn trọng “thể chế chính trị và sự khác biệt” của Hà Nội, theo tin VOA ngày 31/3.
Phân biệt đối xử, không tôn trọng sự khác biệt của bất cứ những ai, những tổ chức, tôn giáo hay kể cả những biểu tượng không phù hợp với chủ nghĩa cộng sản là bản chất của chế độ cộng sản từ ngày ĐCSVN đặt chân vào Việt Nam.
Bám víu vào ý thức hệ cộng sản, tính giai cấp, đấu tranh giai cấp, người cộng sản đã tách rời lịch sử dân tộc và nhân dân Việt Nam ra khỏi đảng của họ. Họ viết lại, thậm chí chà đạp lên lịch sử, các vua chúa, các anh hùng dân tộc từ xa xưa và nhất là trong thời cận đại.
“Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” là phương châm đấu tranh giai cấp của cộng sản. Vụ cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ, cường hào đã giết hại hàng trăm ngàn người, các vụ Nhân Văn Giai Phẩm , Xét Lại đã tiêu diệt rất nhiều trí thức. Hàng loạt tu sĩ bị bỏ tù, bị giết. Tu viện, chùa chiền, thánh thất, nhà thờ bị trưng dụng làm hợp tác xã, nơi nuôi trâu bò.
Đảng CS lùa quân xâm lược miền Nam, giết hàng ngàn người dân Huế trong dịp tết Mậu Thân 1968. Sau năm 1975, người cộng sản giết, bắt, bỏ tù dài hạn, không xét xử hàng trăm ngàn trí thức, văn nghệ sĩ, nhà tư bản, nhân viên quân cán chính chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Cho đến nay, sau gần nửa thế kỷ “giải phóng, quét sạch bóng quân thù”, chế độ độc tài đảng trị vẫn không ngừng phân biệt đối xử, không tôn trọng sự khác biệt của nhân dân. Hàng trăm người bất đồng chính kiến, đặc biệt những nhà báo, người tranh đấu cho dân quyền, dân chủ, tự do tôn giáo bị bắt, bỏ tù. Án tù cho những người bị bắt về sau càng ngày càng nặng với những tội danh mơ hồ, bất công.
Những điều kể sơ lược ở trên kéo dài suốt thời gian ĐCSVN nắm quyền từ một số vùng nông thôn, rừng núi hẻo lánh cho đến ngày họ may mắn thống trị hoàn toàn Việt Nam cho thấy sự phân biệt đối xử, không tôn trọng khác biệt là sự đi thụt lùi của họ với tiến bộ của loài người, hay nói khác, khi người cộng sản càng đoạt được lợi thế, tính man rợ cộng sản chủ nghĩa càng tăng lên, tinh thần con người theo nghĩa phổ quát của nhân loại của họ càng bại hoại.
Hiện đại, đất nước cần có sự vượt thoát lên nhanh chóng theo đà tiến của loài người, cần nhiều tinh hoa, trí thức, cần nhiều sáng kiến, tranh đua để tiến bộ thì ĐCSVN kìm hãm dân tộc bằng cách loại bỏ các thành phần đối kháng đang mong muốn xây dựng một xã hội tốt hơn.
Trong tuyên ngôn độc lập Hồ Chí Minh viện dẫn hai bản Tuyên ngôn của hai quốc gia văn minh hàng đầu thế giới là bản “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1776 của Mỹ và bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” năm 1791 của Cách mạng Pháp. “Mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, “Con người sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.”
Hồ Chí Minh và đàn em của ông ta học theo, nói vậy mà không thi hành như vậy. Tất cả các khuyến cáo từ các nước văn minh dân chủ như Mỹ, Pháp. Đức, Úc, Anh, Hà Lan…đến chính phủ Việt Nam về vấn đề nhân quyền, tự do, dân chủ đều bị ĐCSVN khước từ, viện dẫn sự khác biệt văn hóa, chế độ chính trị và yêu cầu những khác biệt đó phải được tôn trọng.
Thúc đẩy nhân quyền là một nội dung cơ bản trong chính sách đối ngoại của những nước dân chủ tự do, -trong đó có Hoa Kỳ và Pháp mà HCM bảo rằng học theo-, trên thế giới và ngay cả của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam tham gia và công nhận nhiều văn kiện trong đó có tuyên ngôn quốc tế nhân quyền. Nhưng các khuyến nghị của các quốc gia khác, hay của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền đều bị Việt Nam chối bỏ hay hứa lần lữa mà không chịu thực hiện. Ngay cả những lời hứa tôn trọng quyền con người, trong các hiệp ước thương mại, hay tại các hội nghị đối thoại giữa các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, các chức sắc tôn giáo… về xây dựng một thế giới mà ở đó nhân quyền được chấp nhận, được tôn trọng và bảo vệ cũng bị Việt Nam phớt lờ.
Việt Nam không tôn trọng sự khác biệt hay những cam kết của họ đối với nhân quyền vị họ không tin vào giá trị phổ quát của tự do dân chủ. Tính kiêu ngạo cộng sản khiến nhãn quan của họ lệch hướng, loạn thị. Họ chỉ tin vào giá trị đạo đức cộng sản đặt trên duy vật biện chứng, vô thần và sự thống trị của giai cấp vô sản đã lỗi thời, lạc hậu.
Nhiều chính trị gia trên thế giới không ngừng kêu gọi chính quyền Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, không phân biệt đối xử, dừng mọi bắt bớ và đàn áp đối với những người bất đồng chính kiến.
Đạo luật Magnitsky toàn cầu (Global Magnitsky Act) quy định chế tài các cá nhân, quan chức mà Hoa Kỳ cho là vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới. Đạo luật này được ban hành, áp dụng trên quy mô toàn cầu, ủy quyền cho chính phủ Hoa Kỳ xử phạt những người mà họ coi là vi phạm nhân quyền, đóng băng tài sản của họ và cấm họ vào Hoa Kỳ. Cho đến nay hàng trăm quan chức Việt Nam gồm cả những người trong quân đội, công an, cảnh sát và tòa án đã sẵn sàng bị đưa vào danh sách bị chế tài bởi đạo luật này.
Ngoài ra Khashoggi Ban, lệnh trừng phạt và hạn chế thị thực do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố đối với các cá nhân và gia đình họ liên quan đến các mối đe dọa và hành hung các nhà hoạt động, bất đồng chính kiến, và nhà báo sẽ không được dung thứ. Hy vọng luật này sẽ được áp dụng cho những nhân viên trong chính quyền Việt Nam, những người liên quan đến việc bắt giữ, hành hạ, xét xử và giam cầm những nhà báo, blogger dám cất tiếng nói trái chiều với ĐCSVN.
Theo tổ chức Đo Lường Những Yếu Tố Có Ý Nghĩa, Human Rights Measurement Initiative (HRMI), những vấn đề lớn về quyền con người ở Việt Nam bao gồm việc tước đoạt sinh mạng trái luật hoặc tùy tiện của chính quyền; tra tấn bởi các nhân viên chính phủ; bắt và giam giữ người tùy tiện của chính quyền; tù nhân chính trị; những vấn đề lớn về tính độc lập của tư pháp; sự can thiệp tùy tiện hoặc trái luật vào đời sống riêng tư; hạn chế nghiêm trọng tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do Internet, bao gồm bắt và truy tố tùy tiện những người chỉ trích chính quyền, kiểm duyệt, đóng các trang mạng, ra các luật về hành vi phỉ báng mang tính chất hình sự; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình và tự do lập hội; hạn chế đáng kể tự do đi lại, trong đó có việc cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động; công dân không có khả năng thay đổi chính quyền một cách hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng; hạn chế sự tham gia chính trị; các hành vi tham nhũng lớn; buôn bán người; hạn chế đáng kể quyền tự do lập hội của công nhân; sử dụng lao động trẻ em cưỡng bức.
Báo cáo đáng tin cây của Human Right Watch “Trong năm 2019 Việt Nam không làm gì mấy để cải thiện hồ sơ yếu kém về nhân quyền của mình. Chính quyền tiếp tục hạn chế tất cả các quyền dân sự và chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và quyền tự do thực hành tín ngưỡng và tôn giáo. Bất kể một tổ chức hay nhóm nào bị coi là có nguy cơ đối với sự độc tôn quyền lực của ĐCSVN đều bị chính quyền cấm thành lập và hoạt động.
Nhà cầm quyền chặn đường truy cập tới các trang mạng và yêu cầu các công ty viễn thông và/hoặc mạng xã hội phải gỡ bỏ các nội dung bị coi là nhạy cảm về chính trị. Những người lên tiếng phê phán chế độ độc đảng phải đối mặt với nguy cơ bị công an đe dọa, sách nhiễu, cản trở việc đi lại, bị hành hung thân thể, câu lưu, bắt giữ và tù giam. Các nghi can bị bắt có thể bị công an giam giữ hàng tháng trời mà không được tiếp xúc với luật sư và bị thẩm vấn thô bạo. Các tòa án do đảng kiểm soát kết án các nhà hoạt động và blogger dựa trên các cáo buộc ngụy tạo về an ninh quốc gia. Trong năm 2019, chính quyền đã kết án ít nhất là 25 người trong các vụ án có động cơ chính trị.”
Người dân Việt Nam cũng mong muốn chính phủ xem dân là đối tác và phải tôn trọng sự khác biệt để phát triển tự do dân chủ. ĐCSVN cần làm hòa với dân tộc và tôn trọng sự khác biệt của dân chúng trước khi xin các chính quyền khác tôn trọng mình.
ĐCSVN phải tôn trọng nhân quyền, tôn trọng sự khác biệt của chính người dân Việt Nam trước khi năn nỉ người ngoài phải tôn trọng sự khác biệt của hệ thống chính trị của mình.
Người Tân Định
VNTB (02.04.2022)