Mục lục
Xin hỏi kit test Việt Á sản xuất ở đâu và 19 tỉ đồng xài việc gì?
Ngày 5.4, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng uỷ Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015 – 2020, 2020 – 2025 bằng hình thức Cảnh cáo; thi hành kỷ luật Trung tướng Đỗ Quyết và Thiếu tướng Hoàng Văn Lương bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015 – 2020, 2020 – 2025.
Trước đó, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Thượng tá Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự – Học viện Quân y về tội “Tham ô tài sản” quy định tại Khoản 4 Điều 353 và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Khoản 3 Điều 356, Bộ luật Hình sự và Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng Phòng Trang bị, vật tư – Học viện Quân y, về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng” theo Khoản 4 Điều 222, Bộ Luật Hình sự.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhận định, những vi phạm trong vụ Việt Á đã gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Từng bước xử lý và công bố rõ ràng, rành mạch về vụ án, nhiều cá nhân có hành vi sai phạm bị khởi tố, bắt tạm giam, nhưng có những câu hỏi mà người dân, dư luận chờ đợi được trả lời.
Trước hết là Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu chế tạo bộ kit phát hiện SARS-CoV-2. Tổng kinh phí chi từ ngân sách cho nhiệm vụ này là 18,98 tỉ đồng, vậy thì số tiền này chi xài vào việc gì, nghiên cứu cái gì?
Kit test của Công ty Việt Á sản xuất ở đâu?
Phóng viên Lao Động từng đi thực tế và ghi nhận, cơ sở sản xuất của Công ty Việt Á chỉ hơn chục m2 ở Bình Dương, không đủ điều kiện, thiết bị để sản xuất được một số lượng bộ kit lớn, bán cho các tỉnh thành với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng.
Cơ sở sản xuất bí ẩn, công trình nghiên cứu mập mờ, sản phẩm không biết nguồn gốc từ đâu ra, sao lại qua mặt được cả Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Y tế?
Vụ kit xét nghiệm: 2 cán bộ Học viện Quân y liên quan thế nào đến Việt Á?
Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với thượng tá Hồ Anh Sơn (phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự) và đại tá Nguyễn Văn Hiệu (trưởng phòng trang bị, vật tư thuộc Học viện Quân y) vì liên quan đến vụ kit xét nghiệm Việt Á.
Thượng tá Hồ Anh Sơn bị khởi tố về tội “tham ô tài sản”, trong khi đại tá Nguyễn Văn Hiệu bị khởi tố tội “vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng”. Các quyết định tố tụng của cơ quan điều tra đều được Viện Kiểm sát quân sự trung ương phê chuẩn.
Dính líu nhiều cán bộ quân đội
Diễn tiến việc khởi tố, bắt giam này diễn ra theo sau kết luận tại kỳ họp thứ 12 của Ủy ban Kiểm tra trung ương liên quan đến vụ kit xét nghiệm Việt Á.
Cụ thể, theo kết luận, Ban thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của cấp ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số cán bộ, lãnh đạo học viện vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng trong quá trình đề xuất, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 phục vụ công tác phòng chống dịch và việc mua sắm vật tư, kit xét nghiệm từ Công ty cổ phần công nghệ Việt Á.
Các cán bộ của học viện được nêu tên trong kết luận bao gồm: trung tướng Nguyễn Viết Lượng – bí thư Đảng ủy, chính ủy; trung tướng Đỗ Quyết – phó bí thư Đảng ủy, giám đốc học viện; thiếu tướng Hoàng Văn Lương – ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, phó giám đốc học viện kiêm giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự; thượng tá Hồ Anh Sơn, đại tá Nguyễn Văn Hiệu và lãnh đạo, cán bộ một số đơn vị thuộc học viện “cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”.
Thượng tá Hồ Anh Sơn là chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia “nghiên cứu, chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019”, sau này Công ty Việt Á sản xuất và kinh doanh, đã được cấp 18,98 tỉ đồng kinh phí nghiên cứu từ ngân sách nhà nước.
Nhận tiền nhà nước nghiên cứu, nhưng tư nhân hưởng lợi
Theo báo cáo tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học cấp nhà nước ngày 29-10-2021, tổng kinh phí chi từ ngân sách cho nhiệm vụ này là 18,98 tỉ đồng. Thời gian thực hiện theo hợp đồng đã ký kết từ tháng 2-2020 đến tháng 7-2021. Thời gian thực tế thực hiện từ tháng 2-2020 đến tháng 10-2021 (sau khi được gia hạn thêm đến tháng 10-2021).
Tuy nhiên, trong báo cáo này cũng ghi rõ sản phẩm khoa học đã được ứng dụng là kit xét nghiệm RT-PCR phát hiện chủng 2019-nCoV đã được ứng dụng từ tháng 3-2020 đến nay, cơ quan ứng dụng là Học viện Quân y và các đơn vị xét nghiệm SARS-CoV-2 trên toàn quốc, mà không có tên Công ty Việt Á.
Tương tự, ở phần danh mục sản phẩm khoa học dự kiến ứng dụng – chuyển giao (nếu có) là bộ sinh phẩm RT-PCR sàng lọc chủng 2019-nCoV, với thời gian dự kiến ứng dụng từ tháng 9-2021 đến tháng 9-2022 cũng chỉ ghi tên đơn vị dự kiến ứng dụng là Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y. Thực tế bộ sinh phẩm này đã được bán tới các bệnh viện và trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh thành từ tháng 3-2020, việc triển khai bán hàng đều do Việt Á thực hiện.
Cho đến nay, việc vì sao đề tài do ngân sách nhà nước cấp kinh phí nghiên cứu hoàn toàn nhưng khi bán hàng thì sản phẩm lại thành của tư nhân, hay vì sao Việt Á không có tên trong danh sách đơn vị ứng dụng dự kiến, lại sớm nắm được quyền bán sản phẩm… vẫn chưa rõ ràng. Trả lời trên báo chí sau khi ông Phan Quốc Việt bị khởi tố, ông Hồ Anh Sơn, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, khẳng định sai phạm của Công ty Việt Á không liên quan đến nghiên cứu kit xét nghiệm.
Theo ông Sơn, giai đoạn 1 các nhà khoa học đảm nhiệm chế tạo sản xuất quy mô phòng thí nghiệm, giai đoạn 2 doanh nghiệp (tức Công ty Việt Á) chủ trì. Việc từ đâu nghiên cứu do Nhà nước chi trả hoàn toàn mà Việt Á lại được nhận quyền chuyển giao “giai đoạn 2” hiện vẫn đang tìm hiểu.
Trong thông tư 02/2020 do Bộ Khoa học và công nghệ ban hành: Toàn bộ số tiền Nhà nước thu được từ việc phân chia lợi nhuận cho đại diện chủ sở hữu nhà nước (phần kinh phí ngân sách đầu tư), trong các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sẽ phải nộp vào ngân sách nhà nước. Trong khi đó, test kit sản phẩm của nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia này lại do Việt Á bán khắp các tỉnh thành suốt từ năm 2020-2021, tính đến cuối 2021 Việt Á đã thu về khoảng 4.000 tỉ đồng theo thông tin từ cơ quan công an.