Seite auswählen

„Sau cuộc tấn công vào Ukraine, nhiều người cảm thấy họ không thể ở lại một nước Nga giờ đây đã trở thành kẻ xâm lược. Họ không thể cho phép một cuộc chiến được tiến hành dưới danh nghĩa của họ. Nhiều người trong số họ đã tham gia vào các cuộc biểu tình phản chiến trong những ngày đầu của cuộc chiến – những cuộc biểu tình bị đàn áp tàn bạo.“

Mikhail Viktorovich Zygar

Bùi Vĩnh Phúc dịch

 

Mấy lời dẫn của người dịch:

Mikhail Viktorovich Zygar là một nhà báo, nhà văn người Nga. Từ năm 2010 đến năm 2015, ông giữ chức vụ tổng biên tập của mạng truyền hình Nga độc lập Dozhd. Bài tiểu luận mang tính xã hội, chính trị và văn học này của ông được dịch giả chuyển từ bản Anh ngữ The Intellectual Exodus from Russia / Escaping Putin, được đăng trên tuần báo Der Spiegel ngày 15.3.2022.

Tiểu luận này đã được viết từ cuộc chiến đang xảy ra tại Ukraine, nhưng chắc hẳn nó đã được suy ngẫm từ nhiều năm trước. Nó mở rộng vấn đề thời sự hiện nay và trình bày được những khía cạnh quan yếu về các mặt xã hội, chính trị và văn học Nga trong khung cảnh cuộc sống đời thường cũng như cuộc sống chính trị và văn học của nước Nga và người Nga, đặc biệt là của giới trí thức đất nước này.

Exodus (viết hoa) là tên một quyển sách, gọi là sách Xuất Hành, trong Kinh Thánh, mô tả sự ra đi của dân Do Thái khỏi Ai Cập; vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi từ này được dùng để chỉ bất kỳ một cuộc ra đi hàng loạt nào. Nguyên ngữ của từ này, được đưa vào sử dụng trong tiếng Anh (từ tiếng Latinh), bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp Exodos, với nghĩa đen là “con đường đi ra ngoài”. Từ này trong tiếng Hy Lạp được hình thành bằng cách kết hợp tiền tố ex- (nghĩa là “ra khỏi”) và hodos, “đường” hoặc “cách”. Có rất nhiều từ phái sinh của hodos trong tiếng Anh, trong đó bao gồm cả các từ episode, method, odometer, và period. Ngoài ra, cũng còn có nhiều từ ngữ khoa học dẫn thẳng đến nguồn của từ hodos. Anode và cathode được dùng để chỉ các điện cực âm và dương của một diode, và hodoscope dùng để chỉ một dụng cụ để theo dõi đường đi của các hạt ion-hóa. 

Trong tiếng Anh, những từ cùng nghĩa (dĩ nhiên với những nghĩa tố mang những độ phản chiếu đậm nhạt khác nhau) với exodus bao gồm mass departure, withdrawal, evacuation, leaving, exit, migration, emigration, hegira, diaspora, flight, escape, retreat, fleeing (sự ra đi hàng loạt, rút lui, di tản, rời đi/bỏ đi, lối ra/đường thoát, di trú, di cư, sự chuyển đổi chỗ ở (của Muhammad từ Mecca sang Medina vào năm 622 trước công nguyên; đưa đến nghĩa tổng quát cũng gần như exodus hay migration), lưu vong, chuyến bay/cuộc trốn chạy, trốn thoát, rút lui, chạy trốn).

Tựa đề bài dịch, cũng như những cách chuyển ngữ các khái niệm ra đi, di cư, chuyển đổi chỗ ở, rời đi/bỏ đi, ra đi hàng loạt, trốn chạy, lưu vong… được diễn trong bài, đều từ gốc exodus và những từ/ngữ phái sinh của nó được tác giả sử dụng trong các ngữ cảnh khác nhau của bài.

Tất cả những từ, ngữ, khái niệm này, đổ ập vào bài viết, khiến nó mang lại một hiệu ứng bục mở, đứt xé, rách toang, vỡ nát, và đau đớn. Tuy nhiên, tất cả đều được viết ra với một ngôn ngữ và thái độ mang tính phân tích bình tĩnh. Dù không thiếu những nét xót xa, trầm thống.

Bùi Vĩnh Phúc 

Mikhail Viktorovich Zygar

Nước Nga hiện đang trải qua một cuộc tháo chạy mang tính vô hình nhất trong lịch sử – cuộc di cư hàng loạt của các nhà báo, các nghệ sĩ và các lập trình viên. Họ là một phần của truyền thống lâu đời của những người trí thức đã buộc phải chạy trốn khỏi sự cai trị thô bạo của Moscow. 

Không biết có bao nhiêu người đã rời khỏi nước Nga trong hai tuần qua, nhưng chắc chắn chúng ta đang nói về hàng trăm nghìn người. Đây có lẽ là cuộc di cư ít được nhìn thấy một cách rõ ràng nhất trong lịch sử. Khi cả thế giới tập trung vào cuộc chiến kinh hoàng ở Ukraine, một cuộc di cư hàng loạt của các nhà báo, nghệ sĩ, diễn viên và lập trình viên Nga đã bắt đầu.

Theo ước tính sơ khởi của chính quyền Georgia, khoảng 20.000 đến 25.000 người Nga đã đến Tbilisi kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Tbilisi luôn là thành phố nổi tiếng của người Nga với những món ăn tuyệt vời, với rượu ngon, và những con người hiếu khách. Nhưng bây giờ có quá nhiều người Nga ở đây. Dòng người nhập cư đang khiến nhiều người trong nước lo ngại. Một số cư dân của Tbilisi đã bắt đầu thu thập chữ ký để thực hiện một bản kiến ​​nghị đưa ra các yêu cầu về thị thực đối với công dân Nga.

Một cây cầu bắc qua sông Kura ở Tbilisi, Georgia. Ảnh của Mint Images. 

Và hành vi của các nhà chức trách đã được thể hiện một cách trái ngược nhau: Một mặt, Georgia đã nộp đơn chính thức xin gia nhập Liên minh Châu Âu. Mặt khác, ít nhất hai nhà báo Nga nổi tiếng từng phản đối cuộc chiến ở Ukraine, và lâu nay thường chỉ trích Putin, đã bị đuổi ra khi họ cố gắng thực hiện các thủ tục nhập cảnh để vào đất nước này. Georgia là nơi kết thúc của làn sóng di cư Nga gần đây nhất, và nhiều người trong số họ nhận thức được rằng nơi này còn lâu mới là chốn an toàn nhất cho mình.

Sự ra đi của tầng lớp trung lưu Nga khỏi đất nước, bắt đầu vào Chủ nhật, ngày 27 tháng Hai, mỗi ngày lại mỗi bị cơn hoảng loạn xâm chiếm. Đó là ngày hầu hết các nước châu Âu đóng cửa không phận họ đối với máy bay Nga. Nhiều người Nga nghĩ rằng biên giới rồi sẽ sớm bị phong tỏa và sẽ không có lối thoát.

Kết quả là giá vé từ Moscow đến Istanbul, Dubai, Yerevan, Baku, Bishkek và thậm chí Ulaanbaatar tăng gần 10 lần. Trí thức của Nga bay loạn ra mọi hướng, đi những đường vòng kỳ lạ nhất. Thật vậy, sự sợ hãi về những biên giới bị đóng cửa vẫn là một trong những nỗi ám ảnh dai dẳng nhất của tất cả các cư dân cũ của Liên Xô.

Trong hơn 20 năm Putin làm tổng thống, khi sự tôn trọng nhân quyền và quyền tự do ngôn luận tiếp tục bị suy giảm, nhiều người Nga đã thiết lập một đường ranh giới đỏ cho chính mình, vượt qua đường biên đó họ sẵn sàng di cư: nếu biên giới bị đóng lại. Đằng sau đó là một cơn chấn thương lịch sử mà xã hội Nga vẫn chưa vượt qua được, dù nó đã nằm ở đấy trong quá khứ hơn một trăm năm. Vào tháng Mười năm 1917, những người Bolshevik tổ chức một cuộc đảo chính và lật đổ chính phủ lâm thời cấp tiến. Vài tháng sau, họ đóng cửa các biên giới, cấm việc đi ra nước ngoài, việc xuất khẩu tiền và vật dụng có giá trị ít hẳn lại. Giới quý tộc Nga, các nhà thơ của Thời Đại Bạc (Silver Age), các nghệ sĩ tiên phong xuất chúng, các vũ công múa ba lê Nga, các nhà khoa học, các nhà văn và các nhà báo buộc phải tìm cách trốn chạy, từ bỏ tất cả của cải tài sản của mình.

Tiêu biểu cho thời kỳ này là câu chuyện của nhà thơ huyền thoại Zinaida Gippius và chồng bà là Dmitry Merezhkovsky, người nhiều lần được đề cử giải Nobel văn học. Nhờ vào những mối quan hệ có ảnh hưởng, họ đã cố gắng một cách thần diệu để có được công việc làm giáo viên thực địa vào năm 1919, dạy lịch sử nghệ thuật Nga cho các binh sĩ Hồng Quân.

Điều đó đã giúp họ rời Petrograd (nay được gọi là St. Petersburg), bất chấp hệ thống cấp giấy phép nghiêm ngặt mà những người Bolshevik đã đưa ra cho việc ra vào thành phố. Khi đến mặt trận, họ bỏ chạy và đi bộ qua biên giới băng qua vùng băng giá của Vịnh Phần Lan. Sau đó, họ mất khá nhiều thời gian để đi từ Phần Lan đến Paris, nơi họ sở hữu một căn apartment. Họ mở cửa bằng chìa khóa của mình và ổn định cuộc sống lưu vong một cách an toàn. Tất nhiên, họ là một trường hợp ngoại lệ – tất cả những người khác cũng gặp khó khăn khi rời Nga, nhưng không phải ai cũng đều sở hữu tài sản ở Paris.

Hàng trăm nghìn người đã rời bỏ nước Nga trong những năm đó, trong số này có nhiều người đã trở thành những ngôi sao ở nước ngoài, có những đóng góp to lớn cho nền văn hóa và khoa học thế giới: Nabokov, Rachmaninoff, Stravinsky, Diaghilev, Ayn Rand, Bunin, Chagall, Kandinsky, Sikorsky. Và rồi có những người bạn và đồng nghiệp của họ đã cố hết sức tìm cách ra đi – nhưng cuối cùng đã không thể.

Nhà thơ Nga Alexander Blok. Ảnh của Heritage Images/Getty Images

Nhà thơ vĩ đại người Nga Alexander Blok, bị ốm nặng, xin được ra nước ngoài điều trị, nhưng chính phủ Liên Xô đã chỉ cấp thị thực xuất cảnh mang tính giễu cợt cho ông chứ không cho vợ ông. Mikhail Bulgakov, nhà văn Nga vĩ đại và là tác giả của cuốn tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita, trong vài thập kỷ, đã cố gắng di cư khỏi nước và đã viết nhiều lá thư cho Stalin, xin ông nếu họ không để ông ta biểu diễn các vở kịch của mình ở Nga, thì có thể ít nhất cho phép ông ra nước ngoài. Nhưng mọi yêu cầu của ông đều bị từ khước.

Điều đáng sợ, đáng phẫn nộ, là đã có những đợt chính phủ bắt nạt giới trí thức tiểu tư sản tương tự trong suốt lịch sử văn hóa của Nga. Các nhà khoa học, nhà văn và nghệ sĩ Nga luôn muốn tự do di chuyển trong bối cảnh toàn cầu và tương tác, giao tiếp với các đồng nghiệp của họ; tuy nhiên, chính quyền luôn cố gắng kiểm soát họ đến mức nghẹt thở. Kết quả là, tất cả giới trí thức Nga ngày nay lớn lên với những câu chuyện kinh hoàng về cách chế độ độc tài tiêu diệt những người thông minh và có học thức nhất – ngay cả khi nó chưa đàn áp họ, nó đã bóp nghẹt họ trong vòng tay ôm của mình.

 

Trong lịch sử Liên Xô, có hai thái độ khác nhau đối với vấn đề di cư. Một mặt, một số lượng lớn người đã bỏ đi. Mặt khác là những người sống theo nguyên tắc và tỏ ra khinh thường những người di cư. Tượng trưng cho nhóm sau này là đại thi hào Anna Akhmatova. Năm 1922, bà đã viết bài thơ Tôi không phải là một trong những người rời bỏ đất nước mà trẻ em ở các trường học Nga ngày nay vẫn phải ghi nhớ. Bản thân Akhmatova cũng đã phải chịu một số phận bi thảm. Năm 1921, người chồng đầu tiên của bà, nhà thơ Nikolay Gumilyov, bị bắn. Năm 1935, con trai của bà là Leo bị bắt, và Anna đã trải qua những năm tháng sau đó trong nhà tù Kresty ở Leningrad, nơi bà viết Requiem, bài thơ nổi tiếng nhất của bà. Người chồng cuối cùng của nhà thơ, Nikolay Punin, qua đời ở Gulag năm 1953.

Nhà thơ Anna Akhmatova và nhà văn Nikolay Gumilyov với con trai của họ. Ảnh của ITAR-TASS 

Bài thơ Requiem bao gồm những dòng mà Akhmatova đã viết vào lúc cuối đời và thường được trích dẫn ở Nga như một bằng chứng cho thấy việc di cư là một điều tuyệt đối bất khả về mặt đạo đức: “Tôi đã chọn ở lại với người dân của mình: nơi mà Thảm họa đã dẫn dắt họ, tôi đã ở đó”, Akhmatova viết những điều này năm năm trước khi qua đời.

Những dòng này thường xuyên được trích dẫn trong những năm gần đây bởi những người phản đối Tổng thống Putin – những người chọn ở lại và chiến đấu hơn là rời bỏ đất nước của họ. Những dòng thơ ấy tượng trưng cho số phận cao cả và anh hùng của những người đã chọn ở lại quê nhà, chịu đựng sự tra tấn và đàn áp (số phận của chính Akhmatova là một câu chuyện khủng khiếp về một người phụ nữ bất hạnh, bị giày vò đau đớn, và cô đơn).

Cuộc thảo luận về việc “đã đến lúc, hay vẫn chưa đến lúc phải bỏ đi?” đã trở thành chủ đề bàn tán vụn phổ biến nhất ở Moscow trong 20 năm qua. Một số, viện dẫn Akhmatova, nói rằng việc bỏ đi sẽ là điều không thể chấp nhận được. Chỉ một thiểu số tin rằng các xu hướng chính trị đang trở nên đáng sợ đến mức di cư là một lựa chọn đạo đức duy nhất có thể.

Cách đây tám năm, trong thời gian chiếm đóng Crimea, hai trong số các hãng truyền thông nổi tiếng nhất của Nga bị tấn công: Đài truyền hình Dozhd (lúc đó tôi là tổng biên tập) và tờ báo điện tử Lenta.ru. Các nhân viên tại Dozhd đã quyết định ở lại. Sau khi các nhà cung cấp xóa chương trình khỏi danh sách của họ, đài truyền hình đã bị mất hầu hết người xem, nhưng sau đó đài bắt đầu phát sóng trên Internet và giữ được tính độc lập của mình. Các nhân viên tại Lenta.ru đều quyết định cùng nhau rời bỏ nước Nga và thành lập cơ sở truyền thông độc lập mới là Meduza ở Latvia.

Vào cuối năm 2021, Meduza và Dozhd được tuyên bố là “những đặc vụ nước ngoài” gần như cùng lúc. Và tuần trước, hồi chuông báo tử vang lên: Quốc hội Nga đã thông qua luật đánh đồng bất kỳ thông tin trung thực nào về cuộc chiến với tội phản quốc, và giờ đây thì tất cả các nhà báo phải đối mặt với án tù 15 năm vì công việc của họ. Đài truyền hình Dozhd đã đình chỉ hoạt động và hầu hết nhân viên của họ vội vã bay đến Istanbul hoặc Yerevan. Trong khi đó, Meduza đã bị chặn ở Nga. Tuần trước, tất cả nhân viên của Dozhd đã rời Nga cùng với các nhà báo từ các cơ sở truyền thông độc lập khác, cũng như các nhà khoa học, các diễn viên và các thầy cô giáo.

Điều kỳ lạ nên nói ở đây: lý do không chỉ là nỗi lo sợ cho sự an toàn của chính họ. Không chỉ là nỗi sợ hãi về những biên giới bị đóng kín khiến họ chịu gông cùm trong nhiều năm. Sau cuộc tấn công vào Ukraine, nhiều người cảm thấy họ không thể ở lại một nước Nga giờ đây đã trở thành kẻ xâm lược. Họ không thể cho phép một cuộc chiến được tiến hành dưới danh nghĩa của họ. Nhiều người trong số họ đã tham gia vào các cuộc biểu tình phản chiến trong những ngày đầu của cuộc chiến – những cuộc biểu tình bị đàn áp tàn bạo. Họ so sánh Putin với Hitler và nói rằng họ không thể ở lại cái đất nước đã gây ra chiến tranh.

Khi bỏ đi, họ đã biết rằng bây giờ họ đang bị nguyền rủa ở khắp mọi nơi. Rằng họ sẽ được chào đón ở nước ngoài với tư cách là “người của Putin”, chứ không phải là những người đã chiến đấu tuyệt vọng, mặc dù không thành công, chống lại hắn trong 20 năm.

Tuy nhiên, dòng người bỏ đi vẫn không bị gián đoạn. Và các nhà chức trách ở Điện Kremlin có vẻ khá hài lòng về diễn biến này: Người di cư bị cấm mang theo tiền bạc của họ, và các thành viên Quốc hội Nga đã đưa ra đề xuất rằng người di cư phải bị tước quyền công dân và tài sản của họ bị quốc hữu hóa. Và Putin, tất nhiên, thoải mái hơn nhiều vì những người chỉ trích ông bỏ ra nước ngoài. Lenin gọi những người trí thức là “cứt đái” của quốc gia và làm mọi thứ trong khả năng của mình để khiến họ ra đi hoặc biến mất. Cũng giống như thế, Putin đã loại bỏ thứ “cứt đái” này khỏi ông một cách hiệu quả.

Rất có thể, người Nga sẽ sớm trở thành [những con người thuộc về] một trong những quốc gia bị chia rẽ lớn nhất thế giới. Một phần, những người chiến thắng, sẽ sống ở Nga, được bao quanh bởi một bức tường. Những người khác, những người thua cuộc, sẽ ở bên ngoài, ở ngoài vòng, ở phía bên kia của bức tường.

Và họ sẽ đợi cho bức tường ấy sụp đổ vào một ngày nào đó.

 

Mikhail Viktorovich Zygar

Bùi Vĩnh Phúc dịch

(05.04.2022)

http://vanviet.info