TTO – Sau mười năm biên soạn, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn vừa hoàn thành quyển sách ‘Người xưa cảnh tỉnh’ dù sức khỏe của ông không tốt. Tập sách này còn có một phần tổng thuật và luận giải thú vị do nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh chấp bút.
Công trình của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn là lục lại trên các báo có từ ngót trăm năm trước những bài mang nội dung cảnh tỉnh, than phiền về thói hư tật xấu của người Việt.
Tất cả 259 thói hư tật xấu liệt kê trong sách này đều là những thói tật rất cũ, lâu đời, nhưng nay đọc lại thấy hóa ra người Việt mình cũng chưa thay đổi được bao nhiêu.
Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh xoay quanh cuốn sách này.
Công trình của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn là lục lại trên các báo có từ ngót trăm năm trước những bài mang nội dung cảnh tỉnh, than phiền về thói hư tật xấu của người Việt.
Tất cả 259 thói hư tật xấu liệt kê trong sách này đều là những thói tật rất cũ, lâu đời, nhưng nay đọc lại thấy hóa ra người Việt mình cũng chưa thay đổi được bao nhiêu.
Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh xoay quanh cuốn sách này.
* Ông thấy phương pháp làm việc của tác giả sách có những ưu, khuyết gì, và còn những gì mặc dù mong muốn nhưng chưa đưa được vào sách này?
– Cách làm tế nhị của tác giả Vương Trí Nhàn là khéo mượn lời người xưa để nói chuyện của người Việt hôm nay, bằng cách sưu tập ghi lại ý kiến phê phán có tính xây dựng của hầu hết những nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động cách mạng tiêu biểu trong giới trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Rồi chỉ công phu thêm vào phần chú giải những từ ngữ cũ cho giới trẻ dễ đọc dễ hiểu, không cần bình luận thêm gì, mà cứ để cho các vị trí thức tiền bối đã quá cố đó tự nói ra, như thể họ đang tâm huyết “giảng đạo” cho thế hệ hậu bối.
Đây là cách làm ít đụng chạm, cũng là một trong những thủ thuật cơ bản của nghề viết lách. Đó là ưu điểm. Còn khuyết điểm thì chưa thấy gì rõ rệt. Những gì cần được đưa thêm thì đã có nội dung tổng thuật luận giải trong phần 2 của sách.
* Đọc qua nội dung sách, thấy có những thói tật được nêu ra rất xác đáng, như thói phí phạm thời gian, không có nghề nào đạt tới trình độ chuyên nghiệp, tham giàu cho mau, đặc biệt là thói ưa kiện tụng nhưng tinh thần thượng tôn pháp luật lại không bằng người… Ông có suy nghĩ tại sao ở người Việt, những thói hư tật xấu có “đất sống” và có thể sống lâu đến vậy?
– Thói hư tật xấu của người Việt không chỉ còn có “đất sống” mà trong bối cảnh lịch sử cụ thể hiện tại, có khi còn phát triển thêm rất nhiều thứ xấu mới mà trước kia không có hoặc có nhưng ít.
Đây là điều tôi đã đề cập khá kỹ trong phần 2 của sách, khi nói về thói xấu/khuyết tật của “người Việt công quyền”, một trong những nguyên do chính yếu tạo nên mọi thứ trì trệ hôm nay làm cho đất nước phải bị kìm hãm lâu trong vòng chậm tiến.
Ví dụ bệnh xơ cứng giáo điều (cả về mặt tư tưởng lẫn hành động), tệ đùn đẩy trách nhiệm (do phương thức quyết định tập thể), tính không dám nói thẳng nói thật (vì sợ bị chụp mũ), bệnh giả dối và lối sống hai mặt (vì sợ mất quyền lợi), chủ nghĩa lý lịch, bệnh tham quyền cố vị…
Nói cho gọn, nguyên do của những thói hư tật xấu cũ lâu đời là do nếp sống tiểu nông và nền văn hóa phong kiến chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hóa “hũ tương” đặc sệt không lối thoát của Trung Quốc; còn nguyên do những thói hư tật xấu mới hiện nay là do cách tổ chức quản lý lệch lạc trong đời sống xã hội.
Chính vì vậy, phần giảm bớt thói xấu thì ít mà phần cộng thêm thì nhiều, tạo nên một tiền đề rất khó khăn cho sự phát triển đúng hướng của đất nước trong tương lai.
* Để người Việt bỏ dần các thói tật kể trong sách này, nên bắt đầu từ đâu và đi theo hướng nào, theo ông?
– Không gì bằng tác động của giáo dục và luật pháp. Điều đáng băn khoăn nhất là cả nền giáo dục và nền luật từ nhiều chục năm nay còn quá nhiều chỗ hỏng, lấy cái hỏng để xây dựng nên điều tốt là việc rất khó.
Hơn nữa, nếu chương trình giáo dục tốt, văn bản luật pháp được biên soạn cẩn thận, nhưng người trên không làm gương cho kẻ dưới thì khó hi vọng làm nên trò trống gì cả.
Về hành động phải tập trung thực hiện xuyên suốt, tổng quát và nói gọn cũng không ra ngoài phương châm/đường lối “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” (mở mang dân trí, nâng cao chí khí của dân, làm cho đời sống nhân dân được no đủ), như cụ Phan Châu Trinh đã từng vạch ra hồi đầu thế kỷ trước.
24.1.2019
Nguồn: Tuổi Trẻ