Mục lục
#MeTooVietNam: Những vụ tố cáo tác động mạnh đến dư luận chỉ đếm trên đầu ngón tay
Như Yuki
Dù xuất hiện tại Việt Nam gần nửa thập kỷ nhưng phong trào Me Too chưa thể gọi là đã có mặt ở Việt Nam.
Me Too là phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục được phổ biến rộng rãi nhiều nơi trên thế giới từ năm 2017. #MeToo cho thấy sức mạnh của tiếng nói tập thể, của tinh thần phản kháng từ những con người luôn bị coi là phái yếu.
Phong trào Me Too đã được phụ nữ khắp thế giới đón nhận khi họ ý thức rằng mình cần phải công khai câu chuyện để kẻ đáng xấu hổ là thủ phạm chứ không phải nạn nhân!
#MeToo cũng bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ 5 năm trước, từ vụ quấy rối tình dục hồi tháng 4/2018.
Đến tháng 5/2018, vũ công Phạm Lịch đã tố ca sĩ nhạc rock Phạm Anh Khoa “gạ tình”. Sự im lặng chối tội của Anh Khoa không tồn tại được lâu khi xuất hiện người thứ hai, rồi người thứ ba lên tiếng tố cáo.
Anh Khoa đã buộc phải cúi đầu, khóc xin lỗi các nạn nhân trong một họp báo chóng vánh. Thời điểm đó, nếu không có sức mạnh cộng hưởng từ nhiều nạn nhân cùng lên tiếng, dư luận vẫn tin rằng Phạm Lịch dựa hơi Anh Khoa để nổi tiếng.
Mới đây, hashtag #MeToo một lần nữa trỗi dậy mạnh mẽ sau lời tố cáo bị hiếp dâm từ 23 năm trước của nhà thơ Dạ Thảo Phương. Câu chuyện gây xôn xao văn đàn khi người bị tố cáo là ông Lương Ngọc An – Phó tổng biên tập, Thư ký toà soạn Báo Văn Nghệ.
Dù câu chuyện đã xảy ra từ 23 năm trước, tuy nhiên, sự lên tiếng của nhà thơ Dạ Thảo Phương đã có tác động rất tích cực trong việc giúp nhiều nạn nhân có thể đồng cảm và tự lên tiếng để bảo vệ bản thân mình. Và nhiều người nhận thức được rằng việc lên tiếng khi bị xâm hại tình dục, chưa bao giờ là quá muộn.
Có thể nói, với các vụ tố cáo liên quan đến tình dục gây tác động mạnh đến dư luận chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dù đã nhen nhóm xuất hiện tại Việt Nam gần nửa thập kỷ nhưng phong trào Me Too chưa thể gọi là đã có mặt ở Việt Nam.
Những sự việc này chỉ là manh nha để chúng ta có thể liên tưởng đến #MeToo trên thế giới, chứ thực sự chưa có một tổ chức nào đứng ra phát động và cổ vũ phong trào #MeToo tại Việt Nam. Dù vậy, sức ảnh hưởng lớn từ dư luận và tiếng nói mạnh mẽ của cộng đồng hiện nay sẽ là một tín hiệu tích cực để nhân cơ hội này đẩy mạnh hơn nữa tiếng nói tố cáo của phụ nữ.
Câu chuyện của nhà thơ Dạ Thảo Phương hiện nay chính là một hình thức phản tỉnh xã hội rất lành mạnh. Giúp mỗi người chúng ta nâng cao nhận thức và hiểu biết về quấy rối, tấn công và xâm hại tình dục – một vấn nạn có quá nhiều sự “giấu kín” xuyên suốt mấy thập kỉ và cả hiện tại.
CUỐN NHẬT KÝ- MỘT CHỨNG CỨ TỘI ÁC
NHỮNG THÁNG NGÀY ĐEN TỐI
SỰ KỲ DIỆU CỦA LÒNG TỬ TẾ
Minh Thi: VÌ SAO TÔI CÓ CƠ SỞ ĐỂ KHÔNG TIN ÔNG LƯƠNG NGỌC AN
Hàm Anh Phan Thủy
Dạ Thảo Phương: TÔI PHẢN ĐỐI MỌI HÀNH ĐỘNG BẤT CHÍNH VÀ KÍCH ĐỘNG BẠO LỰC
Nguyen Thu Quynh: Tố cáo hiếp dâm: Giữa cá nhân và hệ thống nam quyền
Dạ Thảo Phương: Tôi còn quốc tịch Việt Nam, sẵn sàng về nước giải quyết vụ việc!
“Tôi vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Tôi luôn sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc này một cách công khai”.
Đây là câu trả lời của nhà thơ Dạ Thảo Phương khi phóng viên Infonet hỏi chị có sẵn sàng về nước nếu cơ quan chức năng yêu cầu để phục vụ công tác điều tra sau đơn tố cáo của ông Lương Ngọc An tố cáo bà có hành vi “vu khống”.
Nhà thơ Lương Ngọc An vừa được Hội Nhà văn điều chuyển thôi không giữ chức Phó TBT Báo Văn nghệ. Cảm xúc của bà thế nào khi nghe tin này?
Dạ Thảo Phương: Đây là những tháng ngày khó khăn, đầy tổn thương, bất ổn của tôi và người thân.
Với tư cách là một nạn nhân, với trách nhiệm của một công dân và một người cầm bút, tôi đã cố gắng hết sức, chịu đựng cơn sóng thần tổn thương và phiền luỵ để đưa sự thật ra ánh sáng công luận.
Nhà thơ Dạ Thảo Phương và Lương Ngọc An |
Tôi rất trân trọng và biết ơn từng nỗ lực của mỗi cá nhân và tổ chức trong việc lên tiếng vì sự thật, vì văn minh và công bằng xã hội, ủng hộ những nạn nhân bị xâm hại tình dục như tôi. Cho dù, mỗi hành động đó là công khai hay thầm lặng, mạnh mẽ hay nhỏ nhẹ, thẳng thắn hay khéo léo.
Tuy nhiên, tôi phải khẳng định rõ ràng: mục đích của tôi và chúng ta nhất quyết không phải là tấn công một chức vụ hay một đời sống cá nhân, càng chắc chắn không phải là gây phiền phức, khó xử cho bất cứ một tập thể, tổ chức nào.
Điều quan trọng nhất là sự thật phải được trả lại đúng tên.
Kẻ phạm lỗi phải công khai nhận chính xác trách nhiệm của mình. Đó là biểu hiện đầu tiên và tối thiểu cho thấy sự chuyển hoá trong nhận thức, hiểu được việc mình đã làm là sai ác, là không thể được chấp nhận, từ đó sẽ tự kiểm soát bản thân, không tiếp tục săn lùng các nạn nhân khác khi có cơ hội.
Chẳng gì có thể lấy lại được những mất mát, tổn thương, oan khuất mà tôi và người thân đã phải âm thầm chịu đựng hơn 20 năm nay. Tôi không đòi hỏi sự công bằng tuyệt đối. Nhưng tôi không đồng ý với sự thật nửa vời, và tôi tin tất cả những người tôn trọng sự thật cũng sẽ nhận thức như tôi.
Muốn ngăn chặn tệ nạn xâm hại tình dục, trước hết ta phải gọi đúng tên của nó chứ không như nhiều vụ việc lâu nay, bị tráo đổi thành “xô xát”, “gây mất trật tự, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan”, “sinh hoạt cá nhân không lành mạnh”… hay “nựng”.
Mọi tội lỗi đều có thể tha thứ. Tôi cũng rất muốn được buông bỏ quá khứ thống khổ, kết thúc hành trình tìm công lý cho mình ở đây. Nhưng chừng nào kẻ phạm lỗi chưa nhận chính xác tội lỗi của mình, sự tha thứ sẽ đồng nghĩa với dung túng cho cái ác, để nó lẩn lủi, tiếp tục gây hại cho xã hội.
Với quyết định của Hội nhà văn, bà có hài lòng với cách xử lý này không?
Dạ Thảo Phương: Việc điều chuyển cán bộ của Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay hay bất cứ cơ quan, tổ chức nào, nếu nó không liên quan gì đến tôi, tôi hiểu đó là công việc và quyền của họ, tôi không bình luận.
Tôi hoàn toàn hiểu mình không có quyền đề nghị ai làm điều gì nằm ngoài chức năng, quyền hạn của họ. Khi gửi thư tố cáo lần này, tôi cũng chỉ phản ánh sự thật về nhân cách đồi bại của một nhân sự cấp cao đương chức của họ. Còn ứng xử thế nào trước thông tin về sự đồi bại đó là tuỳ thuộc vào cách họ nhận thức vấn đề.
Một lần nữa đưa sự thật ra ánh sáng, tôi đã mong đợi nó được đối xử một cách khác, không lặp lại quá khứ.
Nếu cách xử lý của lãnh đạo Báo Văn nghệ cách đây 22 năm có sự tôn trọng thân phận con người, có sự thấu đáo, công tâm, minh bạch thì đã không tồn tại sự oan khuất dẫn đến câu chuyện ngày hôm nay.
Được biết, trước đó vào ngày 14/4 sau hơn một tuần im lặng, ông Lương Ngọc An cũng đã chính thức lên tiếng, trên Facebook cá nhân và báo chí cho biết đã gửi đơn ra công an tố cáo chị vì hành vi “vu khống”, bà đón nhận tin này như thế nào? Hiện bà đã nhận được thông tin nào từ cơ quan chức năng về lá đơn này chưa?
Dạ Thảo Phương: Tôi có nghe đồn Lương Ngọc An làm gì đó để đưa việc này ra pháp luật. Tôi không xác minh tin đồn mà đợi sự liên lạc chính thức từ các cơ quan chức năng.
Tôi và các luật sư của mình mong có cơ hội được công khai trình bày sự thật cùng các chứng cứ trước toà.
Nếu việc này xảy ra, tôi hy vọng vụ việc của tôi sẽ được báo chí và dư luận lan toả rộng hơn nữa, để khích lệ những nạn nhân khác còn trong bóng tối dám cất lên tiếng nói tố cáo thủ phạm, và góp phần đẩy lùi tệ nạn xâm hại tình dục.
Đặc biệt, tôi mong muốn pháp luật xử lý, dư luận lên án quyết liệt tệ nạn xâm hại danh dự và cảm xúc của các nạn nhân dám tố cáo thủ phạm.
Tôi chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ cơ quan chức năng về vấn đề này. Thư tố cáo Lương Ngọc An mà tôi gửi Báo Văn nghệ và Hội Nhà văn Việt Nam có kèm hộ chiếu và các thông tin cá nhân cần thiết của tôi. Tôi tin các cơ quan chức năng sẽ dễ dàng liên lạc được với tôi khi họ thấy cần thiết.
Trong trường hợp cơ quan công an đề nghị bà về nước phục vụ công tác điều tra, bà có sẵn sàng không?
Dạ Thảo Phương: Tôi luôn sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc này một cách công khai, công bằng trong phạm vi pháp luật cho phép. Tôi cho đó là quyền lợi của mình.
Một câu hỏi có phần riêng tư, hiện bà có còn quốc tịch Việt Nam hay không? Bà có tự tin với những bằng chứng mình đã có hay không?
Dạ Thảo Phương: Tôi vẫn còn quốc tịch Việt Nam.
Không liên quan đến câu hỏi này lắm, nhưng tôi muốn nói thêm rằng, dù là một “công dân quốc tế”, nay sống nước này mai sống nước khác, nhưng tôi vẫn luôn ý thức và cảm thấy mình là một người Việt Nam.
Tôi yêu đất nước này. Đó là một tình yêu đặc biệt, khác tất cả tình yêu tôi dành cho những đất nước mà tôi từng sống. Việt Nam là nơi tôi sinh ra và trải qua hết thời hoa niên tuổi trẻ. Đây là gốc rễ của tôi, là nơi có gia đình và nhiều bạn bè thân yêu của tôi, cũng như những người đọc trân quý của tôi. Tôi có thể đang không sống ở Việt Nam, nhưng Việt Nam luôn sống trong tôi.
Với hồ sơ hiện có, tôi và các luật sư của tôi rất tự tin. Tất nhiên, kết quả cụ thể thế nào không ai có thể khẳng định trước khi có tranh biện và phán quyết cuối cùng của phiên toà. Nếu thoát khỏi cái vòng kim cô “hết thời hiệu xử lý”, tôi và các luật sư của mình sẽ có điều kiện đưa vụ việc này ra ánh sáng pháp luật.
Cách đây mấy ngày, nhà văn Bùi Mai Hạnh đã can đảm kể lại việc chị từng bị Lương Ngọc An cưỡng hiếp không thành ở nhà riêng của chị nhiều năm trước. Sự lên tiếng của chị đã được đông đảo dư luận hưởng ứng, bản thân tôi cũng rất ngưỡng mộ và biết ơn chị.
Tôi hy vọng các nạn nhân bị xâm hại tình dục hãy dũng cảm cất lên tiếng nói của mình, hãy tìm đến các chuyên gia để nhận được sự trợ giúp, hãy tin tưởng vào sự ủng hộ của công luận tiến bộ và sự bảo vệ của pháp luật.
Điều cuối cùng sau câu chuyện này, bà mong muốn điều gì?
Dạ Thảo Phương: Tôi biết rằng thời hạn hiệu lực của pháp luật đối với vụ việc của tôi đã hết. Nhưng tôi vẫn quyết định đưa Sự Thật đau lòng của tôi ra ánh sáng, như một bước trong quá trình tự chữa lành tận gốc cho những tổn thương sâu sắc của bản thân, và như thực hiện một nghĩa vụ công dân.
Tôi mong muốn rằng, sự ủng hộ ấm áp của công luận, sự vào cuộc công tâm của báo chí trước vụ việc của tôi sẽ là một nguồn động viên khích lệ với các nạn nhân bị xâm hại tình dục khác. Các nạn nhân sẽ có sự tự tin và kiến thức để lên tiếng tự bảo vệ mình tốt hơn cô gái trẻ người non dạ là tôi 23 năm trước. Mỗi cá nhân trong cộng đồng sẽ được trang bị kiến thức tốt hơn để mình và người thân không trở thành nạn nhân, cũng không trở thành kẻ gây tội.
Tôi đặc biệt mong muốn công luận có thái độ văn minh và kiên quyết với tệ nạn tấn công nạn nhân. Nạn nhân ở đây là người bị xâm hại tình dục. Nạn nhân còn là gia đình của họ và gia đình của thủ phạm- những người phải chịu rất nhiều tổn thương, bất ổn dù họ hoàn toàn vô tội. Xin hãy bảo bọc họ bằng sự tử tế, thái độ công bằng và lịch sự như quý vị đã hào hiệp dành cho tôi. Xin đừng bị cuốn vào cái bẫy của hận ghét vô minh. Xin hãy để lòng tôn trọng sự thật và tình yêu mến con người dẫn dắt mọi hành động, lời nói của chúng ta.
N. Huyền(thực hiện)
Nhà thơ Dạ Thảo Phương lên tiếng sau đơn tố cáo từ ông Lương Ngọc An
Sau loạt tố cáo trên trang cá nhân của cựu nhà báo Văn nghệ Dạ Thảo Phương đối với Phó TBT báo Văn nghệ Lương Ngọc An, VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với chị xung quanh câu chuyện này.
Sau nhiều ngày im lặng, mới đây Phó TBT báo Văn nghệ Lương Ngọc An có chia sẻ trên trang cá nhân, dù không nói câu chuyện chị chia sẻ đúng hay sai nhưng động thái của anh An là “báo công an” những người vu khống mình. Chị nhìn nhận sự việc này như thế nào?
Tôi nghe đồn Lương Ngọc An có làm gì đó để đưa việc này ra luật pháp, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan nào chính thức làm việc với tôi về vấn đề này.
Nếu cái vòng kim cô “hết thời hiệu xử lý được hoá giải”, tôi và các luật sư của mình sẽ có điều kiện được trình bày lại sự việc cùng các chứng cứ tại toà, ở một mức độ sâu sắc, tỉ mỉ và có tính pháp lý. Hy vọng thông tin về phiên toà này sẽ được lan toả rộng hơn, khích lệ các nạn nhân bị xâm hại tình dục khác còn đang phải giấu nỗi đau của mình trong im lặng hoang mang.
Tôi mong mỏi các nạn nhân khác của Lương Ngọc An (nếu có) sẽ bước ra ánh sáng cùng tôi, tố cáo. Nhà văn Bùi Mai Hạnh vừa công bố trên FB, nhiều năm trước, chị đã bị Lương Ngọc An cưỡng bức không thành tại nhà riêng. Tôi ngưỡng mộ và biết ơn trước sự can đảm và minh bạch của chị.
Thêm mỗi nạn nhân bị xâm hại tình dục dám đứng lên tố cáo, là thêm một sự minh chứng về sự trưởng thành của cộng đồng. Cộng đồng chúng ta ngày hôm nay văn minh hơn chính nó sau mỗi lần lên tiếng của các nạn nhân. Họ và người thân, sau những tổn thương do thủ phạm gây ra lại phải chịu thêm lần nữa vì tệ nạn tấn công nạn nhân từ một bộ phận chưa văn minh trong dư luận. Nhưng những tổn thương đó có ý nghĩa. Nó đánh động lương tâm và tư duy của toàn xã hội, là dịp để các chuyên gia chia sẻ tới cộng đồng những thông tin, kiến thức đúng đắn, bổ ích.
Tôi biết ơn và kính trọng tới những nạn nhân đã đứng ra tố cáo thủ phạm trước tôi, và sự bao bọc ấm áp, nhiệt thành của những tiếng nói lương tri trong xã hội. Chính các bạn đã tiếp cho tôi nguồn động lực to lớn để dám bước ra khỏi bóng tối im lặng khổ đau hơn 20 năm qua, đàng hoàng lên tiếng đòi trả lại tên cho sự thật.
Tôi cũng hy vọng các nhà lập pháp sẽ xem xét lại về thời hiệu xử lý các vụ án hiếp dâm. Từ trải nghiệm của bản thân, tôi biết lĩnh vực này có tính chất đặc biệt riêng tư, khó nói và sự phá huỷ của nó rất sâu sắc, ảnh hưởng đến cả cuộc đời nạn nhân. Nếu thời hiệu xử lý tính đến những điểm đặc biệt này, nạn nhân sẽ có thêm cơ hội đưa tội ác ra ánh sáng pháp luật.
Khi quyết định nói ra câu chuyện của mình, những ngày qua cuộc sống của chị thay đổi ra sao?
Đó là những ngày tháng rất khó khăn. Đầy hoang mang, tổn thương, sợ hãi… tôi không kể hết được bằng lời. Trước khi công khai, tôi đã tìm đến các chuyên gia xã hội học như tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, tiến sĩ Khuất Thu Hồng, TS Nguyễn Phương Mai, các tổ chức uy tín về lĩnh vực này cũng như các luật sư và một số trí thức mà tôi kính trọng. Họ đã trao cho tôi những trợ giúp tuyệt vời, đầy chuyên nghiệp và tử tế.
Tôi được cảnh báo trước các rủi ro, đặc biệt là sự suy sụp tâm lý do tệ nạn tấn công nạn nhân và được trang bị các kỹ năng tự bảo vệ mình. Mặc dù vậy, khi phải đối mặt với những bình luận bịa đặt, phi lý và đầy ác ý tôi vẫn bị cảm thấy đau đớn. Khi đó, TS Đặng Hoàng Giang đã an ủi tôi: “Chúng không lan nhiều bằng những lời ủng hộ em. Quan trọng là họ là thiểu số”. Điều đó đúng, nhưng không phải vì vậy mà tôi bớt đau. Giống như đi vào một khu vườn toàn cây lá hiền thiện, từ đâu phóng đến mấy mũi dao hiểm ác. Tuy dao ít hơn cây lá, nhưng vẫn làm ta chảy máu. Bên trong, tôi như trải qua một cơn đại phẫu thuật không thuốc gây mê.
Nhưng khác với trước đây, tôi biết giờ đây tôi không một mình. Bên cạnh tôi còn có sự đồng hành của rất nhiều tấm lòng chính trực và hào hiệp của cộng đồng. Tôi thật sự biết ơn.
Gia đình phản ứng ra sao trước sự việc này đã được ‘ngủ yên’ hơn 20 năm và giờ đây mới được chị công bố?
Tôi đã tưởng mình rất hiểu những người thân của mình, cho đến khi chuyện này xảy ra. Tôi đã nghĩ họ là mắt xích quan trọng nhất nhưng cũng dễ gẫy vỡ nhất trong vòng tròn quan hệ của tôi. Hoá ra tôi đã nhầm. Họ đối mặt với chuyện này một cách can trường, và trao tôi sự ủng hộ vô điều kiện. Tôi biết họ đang có rất nhiều lo âu, bất ổn, tổn thương, nhưng chúng tôi vẫn sẽ đi bên nhau. Cùng trải qua những ngày tháng khó khăn này, chúng tôi cảm nhận rõ hơn tình yêu thương, sự gắn bó và lòng tin dành cho nhau.
Nhân đây, tôi muốn ngỏ một lời đề nghị tha thiết tới dư luận. Tôi hy vọng mọi người hãy đối xử với gia đình của tôi cũng như gia đình của Lương Ngọc An một cách tỉnh trí, công bằng, có trách nhiệm. Họ hoàn toàn không có lỗi gì và đang ở tình trạng rất dễ tổn thương. Hãy để yêu thương, hiểu biết và sự lịch thiệp dẫn đường cho mọi hành động, lời nói của chúng ta.
Được biết, chị đã công bố email của Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng xác nhận là đã viết email đó, chị có hài lòng với phần hồi đáp của ông?
– Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều quen biết tôi từ năm tôi 19 tuổi. Anh cũng là sếp đầu tiên của tôi, là người nhận tôi về làm việc tại Văn nghệ Trẻ khi tôi mới ra trường, lúc đó tờ báo còn chưa thôi nôi. Anh là một nhà thơ tôi rất yêu quý và kính trọng cả về tài năng và nhân cách. Đó cũng là lý do tôi đã tin cậy gọi điện cho anh tâm sự về quyết định này trước khi tôi chính thức công khai.
Thoạt tiên khi nhận được email tôi lại tưởng là tin giả của ai đó. Sau đó nghe nói anh Nguyễn Quang Thiều khẳng định là thật.
Tôi thất vọng về nội dung thư nhưng tôi tránh không nói nhiều về việc này vì thực sự không muốn bị hiểu lầm hay vu cáo là tôi có ý đồ phe phái văn chương hay suy luận khác. Tôi đã và đang hết sức cố gắng để tránh sự phức tạp này. Tôi không đánh đổi danh dự của bản thân và gia đình, máu và nước mắt thống khổ của tôi hơn 20 năm qua vì những lý do như vậy.
Tại sao sau nhiều năm chị mới đưa câu chuyện của mình lên mạng xã hội? Thông điệp cuối cùng của chị là gì?
Tôi đã nghĩ sẽ chôn giấu mãi những năm tháng tột cùng đau đớn này trong im lặng, vì đó là điều cuối cùng và duy nhất tôi có thể làm để gìn giữ sự bình ổn trong cuộc sống của mình và người thân.
Nhưng gần đây, đọc những bình luận tấn công các nạn nhân bị xâm hại tình dục khi họ đứng ra tố cáo, tôi bàng hoàng, đau xót. Những cô gái ấy trẻ dại như tôi của ngày xưa, và nếu đứa con đầu tiên của tôi còn sống đến bây giờ, cháu cũng gần gần tuổi họ. Lúc đó tôi chợt hiểu ra, tệ nạn xâm hại tình dục và tệ nạn tấn công nạn nhân vẫn đang không ngừng săn đuổi những nạn nhân kế tiếp, và sự im lặng cầu an, hèn nhát trước đây của tôi đã góp phần vào việc dung dưỡng tệ nạn đó.
Tôi hy vọng sự lên tiếng của mình có thể khích lệ một nạn nhân nào đó, để họ đừng phải mất đến 23 năm quý giá của cuộc đời sống trong đau khổ dằn vặt như tôi trước đây. Tôi có một con trai 14 tuổi và con gái 6 tuổi. Tôi hy vọng con tôi và con cái của các bà mẹ khác sẽ được lớn lên trong một xã hội văn minh, an toàn hơn.
Tình Lê
Phạm Thị Hoài: Khi nhà thơ không hoàn toàn cưỡng dâm
14-4-2022
Ông nhà thơ, người vừa bị một nữ đồng nghiệp tố cáo tội cưỡng dâm, trả lời báo chí rằng ông “không có ý kiến gì, vì cũng chưa biết việc này sẽ đi đến đâu và làm như thế nào“, hơn nữa “theo quan điểm cá nhân thì những lời viết này không phải đúng hoàn toàn đâu“, nhưng “như thế nào thì chưa nói vội“. Vài câu mà thâu tóm một chân dung. Ngôn ngữ tiết lộ hết.
Ông không có ý kiến vì “chưa biết việc này sẽ đi đến đâu“. Chờ đã. Hạ hồi phân giải. Như thể tùy tình thế mà ông sẽ có ý kiến phù hợp. Như thể việc này “đi đến đâu” thì ý kiến đến đó. (Nhân tiện, tôi không thể nghe nổi cái điệp khúc “sai đến đâu, xử đến đó“, một công thức luật pháp rất nôm na, rất phổ biến và rất được ưa chuộng ở Việt Nam. Nó giả định một sự trùng khớp thô thiển giữa tội ác và hình phạt. Nó cụ thể hóa đến mức ngô nghê nhất những nguyên tắc tất yếu trừu tượng của luật pháp trong một xã hội hiện đại. Nó vỗ về một dân chúng khát khao công lý bằng kiểu ngôn ngữ dân dã dễ nhớ, để che lấp sự bất lực hệ thống của guồng máy luật pháp Việt Nam hiện tại. Xử “đúng người, đúng tội” chỉ là bước đầu tiên trên hành trình công lý. Toàn bộ những chặng đường phức tạp còn lại là kiến tạo những cơ sở, điều kiện và phương tiện để thỏa đáng câu hỏi: Xử như thế nào.) Nhưng vụ việc này không thể có diễn tiến nào khác, kể cả về khía cạnh luật pháp với thời hiệu tố tụng đã hết. Chỉ có những lời cáo buộc nghiêm trọng của một phụ nữ, khác với ông, đã lên tiếng, bất chấp những tổn thương mới. Chỉ có một dư luận sẽ nhanh chóng hóng một tin nóng khác để tung hứng và nhấn chìm. Vụ việc này dĩ nhiên không “đi đến đâu“. Cứt trâu đã hóa bùn.
Dĩ nhiên ông có quyền im lặng. Và cả quyền im lặng về sự im lặng của mình, song không có ý kiến vì “chưa biết làm như thế nào” thì thảm hại. Chẳng lẽ có một cách “làm” nào khác ngoài hai lựa chọn: Hoặc bác bỏ lời cáo buộc. Hoặc công khai nhận tội, xin lỗi, từ chức. Không có “con đường thứ ba” để tính toán “làm như thế nào“. Chúng ta không ở trong một truyện cổ tích để thi dù là trí khôn vặt lưu truyền cho đời sau.
Chúng ta cũng không ở một cuộc họp cơ quan, chẳng hạn ở báo Văn nghệ mà ông hiện là Phó Tổng Biên tập, một chức vụ không mấy thực danh và lại càng ít thực quyền song cũng đủ để gắn với một kiểu ngôn ngữ mà tôi gọi là ngôn ngữ cán bộ nhà nước. Mùi cán bộ nhà nước ở bất kỳ ai từng sa vào chốn đó dù chỉ dăm ba tháng thật khó lẫn. Nó xộc ra từ điệu ngồi dáng đứng, từ cách hất mặt chỉ tay, từ sự loay hoay thu vén đầu tóc, từ trang phục không đi chệnh đường lối thẩm mĩ quốc doanh, và trước hết từ một tổng thể ngôn ngữ của không chỉ nội dung mà còn là từ vựng, công thức diễn đạt, thậm chí thói quen mở đầu và điều chỉnh tiết tấu một câu. Cán bộ nhà nước có một bộ nhiễm sắc thể đặc biệt, xoắn vào duỗi ra không hề giống phần đồng loại còn lại. Họ chỉ cần mở miệng là tôi biết nói chuyện với người ngoài hành tinh còn dễ hơn. Họ có thể phát ngôn trôi chảy một câu như “Theo quan điểm cá nhân thì cá nhân tôi không có quan điểm cá nhân” mà không nhất thiết là những nhà trào phúng vi hành hay những ca rối loạn nhân cách. Vợ bảo, mồm anh hôm nay thối quá. Ông chồng cán bộ có thể đáp, theo quan điểm cá nhân thì không hoàn toàn thối. Ông cán bộ nhà thơ báo Văn nghệ cũng “theo quan điểm cá nhân” mà đánh giá vụ bê bối của chính cá nhân mình.
Rằng lời tố cáo cưỡng dâm “không hoàn toàn đúng đâu“. Như thể ngoài cưỡng dâm hay không cưỡng dâm còn một khả năng nữa là không hoàn toàn cưỡng dâm. Có lẽ nạn nhân của vụ không hoàn toàn cưỡng dâm cũng không hoàn toàn có thai. Trong mô thức vận hành thi ca, tư duy dường như không đóng vai trò đáng kể; thậm chí phần lớn nhà thơ Việt quan niệm rằng tư duy cản trở cảm xúc mà cảm xúc mới là nhất, ăn nhau ở dạt dào cuồn cuộn, ở thiết tha nhức nhối, khắc khoải se lòng hoặc xé lòng. Chưa ai khen Nguyễn Du thông minh, có lập luận sáng tỏ vững chắc. Tôi không là người duy nhất bỏ phiếu cho thi ca hưởng quy chế tối huệ, ưu đãi đặc biệt, thiết nghĩ tuy có chút mê muội nhưng nhìn chung nó vô hại, rốt cuộc thì nhân loại đâm đầu vào những thứ kinh hoàng và mất thời gian hơn nhiều. Nhưng trước một nhà thơ không hoàn toàn cưỡng dâm thì xã hội nên đặt thơ ca sau rào chắn, đó là chỗ quá nguy hiểm cho lý trí thông thường. Song thực ra ông cũng là nạn nhân hay sản phẩm của một môi trường, nơi người dân thì đơn giản phạm tội, trong khi cán bộ chỉ “sai phạm” vì “thiếu trách nhiệm” – tức không vô trách nhiệm mà không hoàn toàn có trách nhiệm – hay “buông lỏng quản lý” – tức vẫn có quản lý nhưng không hoàn toàn. Tôi đã định đề nghị xử lý vụ nhà thơ cán bộ không hoàn toàn cưỡng dâm này là sai phạm do thiếu trách nhiệm giám sát dục tính và buông lỏng quản lý khuy quần. Song Ban Chấp hành Hội Nhà văn – mà ông nhà thơ là ủy viên! – vừa quyết định vô can, lý do là không có thẩm quyền và không đủ cơ sở.
Tôi đã khó nín cười trước những lời “không có ý kiến” của ông nhà thơ, song đến lời cuối, khi ông lấp lửng “như thế nào thì chưa nói vội” thì hết cười mà lạnh người. Như thể ông đang có tất cả thời gian trên đời để ngồi đó rung đùi, chờ thời điểm thích hợp sẽ tung ra ngón chí tử để dư luận ngã ngửa và đối phương cứng họng. Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào nhé. Xem hồi sau sẽ rõ. Tiếng Việt quả thật kỳ diệu. Ba chữ “chưa nói vội” dựng nên một diện mạo, một không khí, những liên tưởng và hình dung kịch bản khác hẳn “chưa nói được”, “chưa thể nói” hay thậm chí “chưa vội nói”. Thực ra chỉ một chữ “vội“, ở chính xác một vị trí, đã bóc trần một tính cách. Những người đàn ông như thế sẽ làm tất cả để nạn nhân của họ phải chùn lòng.
(Tuần báo Trẻ, 14/4/2022)
_______
Mời đọc thêm: Nhà thơ Lương Ngọc An sẽ thôi giữ chức Phó tổng biên tập Báo Văn nghệ (TN).
Phó TBT Lương Ngọc An gửi đơn tố cáo nhà thơ Dạ Thảo Phương
Trên trang cá nhân, ông Lương Ngọc An cũng có những chia sẻ dài. Ông viết: ”Hơn một tuần qua với tôi thật dài. Sững sờ trước những gì diễn ra vào buổi tối 6/4 không phải chỉ vì tên mình, hình ảnh của mình, cùng những bài thơ vô tội đang bị đem ra mổ xẻ, phê phán một cách gay gắt trên mạng xã hội; mà còn bởi vì tôi không hiểu nổi vì sao bỗng dưng lại xảy ra chuyện đó. Một câu chuyện tôi không muốn nhắc lại thêm một lần nữa không phải chỉ vì sự đúng sai, bởi dù đúng hay sai thì cũng chẳng vui vẻ gì.
Tôi đã từng trả giá cho những sai lầm của mình từ hơn 20 năm qua. Suốt hơn 20 năm qua, ai dám bảo sự im lặng là không có sóng. Giữa cái lý với cái tình, khi không thể đồng hành thì tránh đi chẳng phải tốt hơn sao. Trả lời báo chí: “Không biết nói gì lúc này” không phải là né tránh, mà là muốn nghĩ kỹ hơn về chuyện này và chọn thời điểm thích hợp để bớt tổn thương những người không có liên quan.
Vì câu chuyện này mà gia đình, người thân, bạn bè cũng phải chịu đựng bao uất ức, áp lực từ dư luận trên mạng xã hội. Mà uất ức ấy, áp lực ấy có đáng không? Tệ hơn nữa, có những người xưa nay chẳng oán thù gì bỗng nhân chuyện này mà nhảy ra nói những điều oan nghiệt, dựng chuyện vu khống chẳng ngượng mồm. Bất nhân quá. Chuyện người ta có thể giết nhau bằng lời nói là có thật. Nhưng có lẽ chết vì lời thì không dễ thế.
TẠ DUY ANH: CHUYỆN CỦA HẠNH
Bùi Mai Hạnh: “AI CÓ TAI THÌ NGHE”
Lê Hiếu Nhơn: SCANDAL giải cứu SCANDAL
Thái Hạo: Bình luận
CHỈ LÀ ĐỒNG NGHIỆP BÌNH THƯỜNG
BỊ ĐÁNH ĐẬP, CƯỠNG HIẾP
BỊ ĐEO BÁM, THAO TÚNG
TẠI SAO TÔI KHÔNG DÁM KÊU CỨU
DẠ THẢO PHƯƠNG: ÁNH SÁNG
Tôi phỏng vấn Dạ Thảo Phương
Lương Ngọc An không kiện Dạ Thảo Phương mà báo cho công an
14-4-2022
LGT: Sau hơn một tuần im lặng, có lúc đóng luôn Facebook, biến khỏi thế giới mạng, cuối cùng, Lương Ngọc An, Phó tổng Biên tập báo Văn Nghệ, cũng đã lên tiếng về vụ bê bối mà nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo. Tuy nhiên, Lương Ngọc An không kiện Dạ Thảo Phương ra tòa, mà ông ta chỉ báo … cho công an, mang công an ra dọa lại người tố cáo mình.
Chiều 14-4-2022, Lương Ngọc An viết trên Facebook: “Không nói hay chưa nói?
Hơn một tuần qua với tôi thật dài. Sững sờ trước những gì diễn ra vào buổi tối 6/4 không phải chỉ vì tên mình, hình ảnh của mình, cùng những bài thơ vô tội đang bị đem ra mổ xẻ, phê phán một cách gay gắt trên mạng xã hội; mà còn bởi vì tôi không hiểu nổi vì sao bỗng dưng lại xảy ra chuyện đó. Một câu chuyện tôi không muốn nhắc lại thêm một lần nữa không phải chỉ vì sự đúng sai, bởi dù đúng hay sai thì cũng chẳng vui vẻ gì.
Tôi đã từng trả giá cho những sai lầm của mình từ hơn 20 năm qua. Suốt hơn 20 năm qua, ai dám bảo sự im lặng là không có sóng. Giữa cái lý với cái tình, khi không thể đồng hành thì tránh đi chẳng phải tốt hơn sao. Trả lời báo chí: “Không biết nói gì lúc này” không phải là né tránh, mà là muốn nghĩ kỹ hơn về chuyện này và chọn thời điểm thích hợp để bớt tổn thương những người không có liên quan.
Vì câu chuyện này mà gia đình, người thân, bạn bè cũng phải chịu đựng bao uất ức, áp lực từ dư luận trên mạng xã hội. Mà uất ức ấy, áp lực ấy có đáng không? Tệ hơn nữa, có những người xưa nay chẳng oán thù gì bỗng nhân chuyện này mà nhảy ra nói những điều oan nghiệt, dựng chuyện vu khống chẳng ngượng mồm. Bất nhân quá. Chuyện người ta có thể giết nhau bằng lời nói là có thật. Nhưng có lẽ chết vì lời thì không dễ thế.
Với tôi, cái đáng sợ không phải là đối mặt với sự thật, vì điều đó đã diễn ra từ hơn 20 năm qua rồi. Điều mà tôi không muốn là sự tổn thương của những người không đáng bị tổn thương khi nhắc lại chuyện này. Đã có những người bạn khuyên tôi nên giải quyết câu chuyện theo cách mà họ cho là đúng. Có nhiều người không phải bạn bè cũng đề xuất những giải pháp hết sức khách quan. Tôi đã lắng nghe, và nhận thấy để hài hòa tất cả, thì không gì bằng dùng ý của người xưa: Cái lý lớn nhất cũng chính là cái tình lớn nhất, tôi xin cảm ơn thịnh tình của tất cả mọi người. Tôi cũng xin lỗi những người bạn đã vì tôi mà bị xúc phạm những ngày qua. Xin lỗi cơ quan, gia đình đã vì chuyện này mà xáo trộn, vất vả. Tôi xin được giải quyết việc này theo cách tôi cho là cần thiết”.
***
Facebooker Khoa Le bình luận: “Theo như mình hiểu là: Ông này thừa nhận 20 năm trước đã mắc ‘sai lầm’, và không thể đối mặt với sự thật nên lựa chọn ‘tránh đi’.
Bây giờ, mặc dù đối mặt với sự thật ko phải là ‘cái đáng sợ’, nhưng thay vì đối mặt với nó thì ông ta thưa với công an, lấy lý do để người khác không bị ‘tổn thương’ vì cái ‘sai lầm’ mà chính ông ta đã mắc.
Thưa với công an thế nào thì có 3 khả năng: 1 là tự thú. 2 là đòi xử lý người tố cáo ông ta. 3 là đòi xử lý những người chửi bới người thân ông ta.
Nếu là 1 thì không cần phải úp mở như stt này viết, còn nếu là 3 thì vô ích vì bao nhiêu người chửi, xử lý sao hết. Nên 2 là khả dĩ nhất.
Mà nếu 2 là đúng thì đây nói ngắn gọn là kẻ bị tố cáo hãm hiếp người khác yêu cầu công an bịt miệng và xử lý người tố cáo mình, cũng là nạn nhân bị chính ông ta hiếp dâm (allegedly).
Cá nhân mình cho rằng đây không phải điều một người thực sự vô tội sẽ làm và nên làm. Correct me if I’m wrong” (Hãy cho tôi biết nếu tôi sai).
***
Nhà hoạt động Trịnh Hữu Long viết: “Lương Ngọc An không kiện, mà báo công an”.
Lương Ngọc An lên tiếng về đơn tố cáo của Dạ Thảo Phương. Theo những gì Facebook Lương Ngọc An đăng thì đây không phải đơn kiện. Vì kiện thì phải gửi tòa án dân sự.
Địa chỉ của những bưu phẩm này là… các cơ quan công an, bao gồm:
– Giám đốc Công an Hà Nội
– Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao PA05 Công an Hà Nội
– Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ PA03 Công an Hà Nội
Như vậy Lương Ngọc An chọn con đường tố cáo/tố giác tội phạm và muốn nhờ công an “xử lý” Dạ Thảo Phương theo thủ tục xử phạt hành chính hoặc tố tụng hình sự, thay vì con đường kiện ra tòa dân sự để tranh cãi sòng phẳng. Điều này tương tự vụ Vinfast méc công an sau khi bị một Youtuber đánh giá chất lượng xe.
Nếu công an ra tay, Dạ Thảo Phương sẽ có khả năng bị truy tố và kết tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ (Điều 331). Hoặc ít nhất là bị xử phạt hành chính.
Xin lưu ý: Lương Ngọc An KHÔNG kiện Dạ Thảo Phương ra tòa. Mà báo công an“.
Hội Nhà văn phản hồi đơn tố cáo Phó tổng báo Văn nghệ cưỡng hiếp, gia đình Dạ Thảo Phương lên tiếng
‘Chúng tôi chỉ muốn thức tỉnh lương tri của Lương Ngọc An, hãy có động thái hối lỗi, muốn qua câu chuyện đau lòng của Phương để làm thế nào để ngăn chặn tệ nạn xâm hại tình dục, ngừng tấn công nạn nhân bị xâm hại tình dục”
Đây là chia sẻ của nhà thơ Hàm Anh (chị gái nhà thơ Dạ Thảo Phương – người đứng đơn tố cáo PTBT Báo Văn nghệ Lương Ngọc An đã cưỡng hiếp chị hơn 20 năm trước) sau khi nhận được thư phản hồi từ Hội Nhà văn Việt Nam.
Chị Hàm Anh cho biết đã đọc đến thuộc làu tất cả bộ hồ sơ Phương còn giữ, trong đó có bản tường trình thuật lại vụ việc xảy ra ngày 14/4/2000 do anh Lê Tâm đứng ra viết, có chữ ký của anh Thành Chương, chị Tạ Kim Liên, Phong Điệp…; các đơn tố cáo của Phương năm 2000, năm 2003; tường trình của Lương Ngọc An năm 2000, năm 2003; các biên bản làm việc của các bộ phận chức năng, lãnh đạo Báo Văn nghệ…
“Cá nhân tôi rất biết ơn các anh chị đã đứng tên trong bản tường trình thuật lại vụ việc, biết ơn các anh chị Đỗ Bạch Mai, Đăng Bẩy, Tạ Kim Liên là những người đã thực hiện các buổi phỏng vấn Lương Ngọc An, Dạ Thảo Phương, ghi chép các biên bản. Tôi cảm nhận rằng các anh chị đã cố gắng khách quan, bảo vệ nạn nhân nhưng có thể vì nhiều lý do mà những cố gắng ấy không có kết quả.
Cách xử lý của lãnh đạo Báo Văn nghệ thời kỳ đó khiến gia đình tôi và dư luận đặt nhiều dấu hỏi.
Chúng tôi hiểu rằng, Lương Ngọc An mới đẩy Phương của chúng tôi mấp mé bờ vực thôi, nhưng cách xử lý chưa thỏa đáng của lãnh đạo Báo Văn nghệ, những hành xử sau đó và những đàm tiếu ác ý xung quanh Phương ngày đó mới thực sự đẩy hẳn Phương xuống vực sâu”, chị Hàm Anh nhận định.
Chị Hàm Anh cho rằng, sau hơn 20 năm xảy ra sự việc Phương chỉ gửi đơn tố cáo đến Hội nhà văn và Báo Văn nghệ mà không gửi đi đâu khác là vì “chúng tôi trông chờ ở những cơ quan hội đoàn văn nghệ ấy một tiếng nói của tình người chứ không phải chỉ là một tiếng nói của các quy trình, thủ tục hành chính lạnh lẽo…”.
Chị Hàm Anh cũng thông tin thêm, quyết định đưa câu chuyện đau lòng của Phương ra công luận là một quyết định vô cùng khó khăn của Phương. Nó không khác gì chấp nhận để bánh xe đoàn tàu nghiến qua tim óc, thân thể mình một lần nữa.
“Và lần này, tôi và cả gia đình sẵn sàng cùng Phương chịu nỗi đau ấy để sự thật của Phương, nỗi ám ảnh kinh hoàng của Phương được đưa ra công luận.
Khi Phương đưa vụ việc ra công luận, chúng tôi đã tham khảo luật sư và các chuyên gia về xâm hại tình dục.
Dù căm phẫn, đau đớn trước tội ác của kẻ thủ ác, chúng tôi không hành động vì lòng hận thù. Chúng tôi chỉ muốn giúp Phương nói lên sự thật mà trước đây Phương cố gắng gửi tố cáo lên Ban lãnh đạo Báo Văn nghệ nhiều lần nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.
Kẻ thủ ác đã lợi dụng tâm lý hoảng loạn, sợ bị mang tiếng, thị phi của Phương để khống chế và tung tin ngụy tạo thành một mối quan hệ nam nữ khiến vụ việc bị dìm đi, Phương phải chịu trù dập, miệng lưỡi thế gian – thật biết bao thống khổ với một cô gái còn non nớt kinh nghiệm đời sống và thiếu hiểu biết về cách đối phó khi bị bạo hành, xâm hại tình dục”, chị Hàm Anh cho hay.
Người chị gái của Dạ Thảo Phương cũng cho biết, trước khi khơi lại chuyện cũ, chị Phương có trao đổi với chị. Tất cả gia đình ruột thịt, bạn bè thân thích đều có ký ức đau buồn về những năm tháng Phương đột nhiên thay đổi, tính cách như bị biến dạng đi vì nỗi đau đớn.
Phương từng tự tử nhiều lần không thành vì được mẹ cố gắng theo dõi hết sức. Những lần đưa Phương đi rửa ruột là những ký ức mà giờ đây khi biết toàn bộ lý do vì sao Phương bị khủng hoảng tinh thần đến vậy khiến “chúng tôi như là những con cua bị xé ra làm hai nửa”.
“Những năm tháng đó là giai đoạn nhận thức của xã hội chưa tiến bộ được như bây giờ. Mà thực ra, như bạn thấy đấy, cho đến tận bây giờ, cùng với gia đình, dư luận xã hội lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ đến thế mà vẫn có những câu hỏi, ý kiến ngầm ý hoặc trực diện ác độc tấn công nạn nhân, thì thử hỏi, nếu ngày ấy nếu Phương nói hết ra liệu Phương có bảo vệ được quyền lợi của mình không hay vẫn sẽ lại phải dùng cái chết để minh oan cho mình?”, chị Hàm Anh đau đớn nói.
Trả lời câu hỏi “với phản hồi của Hội nhà văn Việt Nam, gia đình sẽ làm gì tiếp theo”, chị Hàm Anh cho biết: “Chúng tôi chỉ biết ở bên nhau, bảo ban nhau giữ cho tấm lòng được trong sáng, tôn trọng sự thật và pháp luật, tin tưởng vào lương tri của con người”.
“Chúng tôi không đòi Lương Ngọc An phải đền tội, chẳng có gì đền lại được hơn 20 năm qua của Phương và gia đình chúng tôi.
Chúng tôi chỉ muốn thức tỉnh lương tri của Lương Ngọc An, hãy có động thái hối lỗi, muốn qua câu chuyện đau lòng của Phương để nâng cao nhận thức của tất cả mọi người về tệ nạn xâm hại tình dục, làm thế nào để ngăn chặn tệ nạn xâm hại tình dục, ngừng tấn công nạn nhân bị xâm hại tình dục”, chị Hàm Anh cho hay.
N. Huyền
Phó tổng Báo Văn nghệ bị tố cưỡng hiếp: Hội nhà văn trả lời Dạ Thảo Phương
Đây là phản hồi chính thức từ Hội nhà văn Việt Nam tới chị Dạ Thảo Phương. Như Infonet đã đưa tin trước đó, vào tối 6/4, tài khoản mạng xã hội Dạ Thảo Phương đã đăng tải nội dung thư tố cáo PTBT Báo Văn nghệ Lương Ngọc An cưỡng dâm và vu khống chị nhiều năm trước.
Thư chị gửi tới BCH Hội nhà văn Việt Nam, Báo Văn nghệ và một số cá nhân khác. Trong đơn, chị Dạ Thảo Phương cũng cho biết, lý do đến tận bây giờ mình mới lên tiếng vì: “Tôi cần phải lên tiếng. Đó là một đòi hỏi bức thiết của cá nhân tôi, với tư cách là một nạn nhân khổ đau oan ức, cũng là một đòi hỏi của thực tế xã hội đối với trách nhiệm của một công dân, đòi hỏi của lương tri đối với một người cầm bút”.
Ngày 11/4, phóng viên hỏi kết quả giải quyết đơn tố cáo của chị Dạ Thảo Phương gửi đến Hội nhà văn Việt Nam tố cáo PTBT Báo Văn nghệ Lương Ngọc An cưỡng hiếp chị hơn 20 năm trước tới Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, qua tin nhắn, ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho biết “Hội nhà văn đã có thư trả lời chị Dạ Thảo Phương rồi”.
Phóng viên liên lạc với gia đình, chị Hàm Anh – chị gái Dạ Thảo Phương cho biết, “Phương nhận được email từ một người là Hoàng Tuyền Nguyễn đính kèm theo thư gửi không có dấu hiệu nhận biết là thư của BCH Hội nhà văn Việt Nam”.
Thư do gia đình chị Dạ Thảo Phương cung cấp như sau:
Thư của BCH Hội nhà văn Việt Nam gửi bà Dạ Thảo Phương (Phan Thị Thanh Thuý).
Hà Nội, ngày 10/4/2022
Kính gửi bà Dạ Thảo Phương (Phan Thị Thanh Thuý)
Ngày 6/4/2022, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã nhận được thư ngỏ của bà gửi đến qua email. Nội dung thư “tố cáo hành vi cưỡng hiếp” của ông Lương Ngọc An, hiện đang là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Phó tổng Biên tập báo Văn nghệ.
Sau khi nghiên cứu kỹ nội dung, tính chất của thư ngỏ của bà, cùng việc nghe báo cáo trực tiếp từ lãnh đạo Báo Văn nghệ và trao đổi với ông Lương Ngọc An về vụ việc liên quan trước đây đã xử lý theo hồ sơ, BCH Hội nhà văn Việt Nam xin trả lời như sau:
1. Vụ việc mà bà trình bày xảy ra từ năm 2000 và đã được Báo Văn nghệ giải quyết căn cứ theo những chứng cứ tại chỗ, trong phạm vi quyền hạn hành chính của cơ quan. Ở thời điểm đó, các đương sự (bà và ông Lương Ngọc An) đều không có đơn thư gửi các cơ quan hữu quan để đưa ra xử lý theo quy định của pháp luật. Như vậy vụ việc đã được giải quyết về mặt hành chính trong nội bộ Báo Văn nghệ.
2. Đến nay, sau 22 năm, bà gửi thư ngỏ tới đông đảo các thành phần, trong đó có BCH Hội nhà văn Việt Nam trình bày lại sự việc với mục đích “Sự thật này sẽ được lắng nghe và đáp lời bằng những hành động thiết thực…”. Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam chân thành lắng nghe, chia sẻ với bà. Tuy nhiên về phương diện pháp lý, Ban Chấp hành Hội nhà văn nhận thấy không có cơ sở thoả đáng cũng như thẩm quyền để xử lí hành chính lại vụ việc xảy ra năm 2000 tại Báo Văn nghệ. Để làm sáng tỏ vụ việc khi thời gian đã lùi xa 22 năm, bà nên gửi đơn, thư tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền pháp lý để được tiến hành theo đúng trình tự của pháp luật.
Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ, có trách nhiệm cao nhất với các cơ quan pháp luật trong trường hợp được yêu cầu để bảo vệ danh dự, uy tín và quyền lợi hợp pháp của những người có liên quan.
Xin trân trọng.
BCH Hội nhà văn Việt Nam
Ngoài thư nhận qua email trên, chị Dạ Thảo Phương chưa nhận thêm được bất cứ phản hồi nào liên quan đến vụ việc.
Do thư không có người ký cũng không có dấu nên đến giờ gia đình chị Dạ Thảo Phương vẫn đang hồ nghi: Không biết đây có phải là phản hồi chính thức từ phía Hội Nhà văn hay không?
Để xác thực thông tin, phóng viên gửi bức thư này cho Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thiều xác nhận đây chính là thư mà Hội đã gửi cho chị Dạ Thảo Phương.
Ý kiến Đỗ Hoàng Diệu
8.4.2022
BÁC SĨ LÊ PHƯƠNG: TÔI SẴN SÀNG RA TÒA LÀM CHỨNG
NHÀ VĂN LÊ MINH HÀ: LÀM ƠN!
NHÀ THƠ NGUYỄN THÀNH PHONG: MỘT CÂU CHUYỆN RẤT BUỒN TỪ VĂN NGHỆ TRẺ
NGUYỄN THÚY QUỲNH STATUS
CHU MỘNG LONG: THẢ THÍNH SIÊU DÍNH: DÍNH GÌ?
Nhân chứng viết tường trình vụ Phó tổng báo Văn nghệ bị tố cưỡng hiếp: ‘Dù trăm năm thì vẫn cần xem xét lại’
‘Mấy hôm nay, dư luận đặt ra vấn đề thời gian Dạ Thảo Phương tố bị cưỡng hiếp…nhưng thực ra hai mấy năm hay mấy trăm năm thì vẫn cần được xem xét lại’, hoạ sĩ Lê Tâm người chứng kiến sự việc nói.
Sáng 8/4, trao đổi với PV Infonet, hoạ sĩ Lê Tâm người chứng kiến vụ việc xảy ra hơn tại Báo Văn nghệ xác nhận bản tường trình mà chị Dạ Thảo Phương chia sẻ trong thư ngỏ tố cáo PTBT báo Văn nghệ là “do tôi viết”.
“Việc này sự tham gia của tôi là ghi lại được một văn bản tường trình, trong đó ghi rất rõ sự việc diễn ra”, hoạ sĩ Lê Tâm nói.
“Quan điểm của tôi hay tất cả những người khác thì việc người phụ nữ bị hại cần phải được giải quyết, xem xét một cách đầy đủ”, Hoạ sĩ Lê Tâm chia sẻ quan điểm về sự việc.
Theo ông, ở thời điểm đó vụ việc chưa được xử lý đầy đủ, thấu đáo. Từ cách xử lý đó, dẫn đến câu chuyện đeo đẳng với người trong cuộc đến hơn 20 năm.
“Có những việc giấu kín sau một thời gian không giải quyết, đến một lúc nào đó sẽ quay trở lại”, hoạ sĩ nói và cho rằng Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Văn nghệ cần xem xét lại sự việc để rõ ràng mọi việc.
“Không nên để hiện tượng như này kéo dài bởi sẽ không chỉ là một trường hợp này mà còn rất nhiều trường hợp khác nữa. Thực tế phụ nữ chịu thiệt thòi rất nhiều từ cách xử lý của bản thân cho đến góc nhìn của xã hội về sự việc. Đã có rất nhiều góc nhìn khác nhau, không phải góc nhìn nào cũng ủng hộ.
Tất nhiên những người mà có cách nhìn nghiêm túc sẽ mong muốn việc này được giải quyết một cách đầy đủ dù câu chuyện đã xảy ra hơn 20 năm rồi.
Mà thực ra hai mấy năm hay mấy trăm năm thì vẫn cần được xem xét lại”, hoạ sĩ Lê Tâm nhấn mạnh.
Từ khi thư ngỏ tố cáo của Dạ Thảo Phương được tung lên mạng, đã có nhiều ý kiến cho rằng đã quá thời hạn hiệu lực để xem xét nhưng hoạ sĩ Lê Tâm cho rằng “điều đó không có ý nghĩa”.
“Cho dù có văn bản quy định về điều này nhưng sự việc này là vấn đề nghiêm trọng, cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Không chỉ riêng vấn đề này mà tôi nghĩ vấn đề nào cũng vậy. Thời hạn là do con người quy định, đặt ra, hoàn toàn chủ quan. Hiện tượng này, sự việc này là vấn đề nghiêm trọng, cơ quan chức năng phải làm việc theo trình tự. Còn việc xem xét lại, tìm lại các manh mối liên quan để giải quyết vấn đề theo tôi không có thời hạn”, hoạ sĩ Lê Tâm cho hay.
Những bình phẩm hèn hạ
7-4-2022
Một đêm muộn, nhà thơ Dạ Thảo Phương gọi cho tôi từ Đức. Chị bày tỏ sự bối rối trước những điều chính mình đang nghĩ và cảm thấy. Chị gửi cho tôi biên bản của một cuộc cưỡng hiếp, bạo hành, vu khống và hãm hại chính trị từ hơn 20 năm trước – dài nhiều nghìn chữ. Những gì tôi đọc đêm đó tạo cảm giác đau đớn và dằn vặt hơn những gì các bạn đọc bây giờ rất nhiều. Văn bản trên mạng bây giờ, đã là một sự kìm nén cảm xúc của tác giả.
Tôi đã khách quan và sẽ khách quan. Tôi nói với nữ nhà thơ, rằng tất cả những điều này, về một con người khác, chỉ có chị có thể chịu trách nhiệm. Không ai nói thay lời chị được. Tôi cũng không thể khuyên chị nên tố cáo, hay đừng tố cáo. Khi người ta đang khủng hoảng, đẩy người ta về đâu cũng là tạo nghiệp, khuyên gì cũng là tôi có tội. Chị tự quyết định. Tôi chỉ bảo, vì chị nói rằng tâm lý mình đang yếu – mà không ai biết rằng cuộc công bố này có thể dẫn đến đâu – nên chị hãy tìm cách giải quyết tâm lý của mình trước khi làm bất kỳ điều gì, vì khi đã bàn đến “trầm cảm”, thì kẻ thù số 1 cho tính mạng của chúng ta, chính là bản thân mình.
Hôm nay chị đã quyết định xuất bản lời tố cáo. Đẩy viên đá từ đỉnh đồi và nhìn nó lăn, chấp nhận đất có thể sụt dưới chân mình. Dù tôi tin những gì đã đọc, nhưng đó là một cảm giác rất cá nhân, tôi không có ý định thuyết phục người khác tin theo.
Tôi viết status này chỉ để chia sẻ một điều. Lác đác đã có người hỏi: “Tại sao đến giờ mới tố cáo?”. Hơn hai mươi năm rồi, chẳng phải thế là vô lý hay sao? Tôi sẽ chỉ phân tích một đoạn ngắn trong status của Dạ Thảo Phương, để nói về một điều mà tôi hiểu.
Đó là khi nữ nhà thơ nói rằng chị muốn tố cáo, vì chị đọc được các bình luận trong những vụ bạo lực tình dục gần đây. Những bình luận tấn công nạn nhân, và chính là loại dư luận đã làm nhân vật 23 năm trước không dám lên tiếng. Nó làm chị đau lòng và cảm thấy cần lên tiếng.
Khoan bàn đến sự thật. Hãy nói về tính hợp lý: đó là một mệnh đề mà tôi hiểu. Vì tôi cũng ngột ngạt khi đọc được, nghe được những bình phẩm về nạn nhân của bạo lực tình dục gần đây. Những luận điểm kiểu “Con này thật ra cũng là loại...”, hoặc “Lúc đầu toàn tự nguyện, xong đến lúc cơm không lành canh không ngọt mới tố cáo…”, hoặc “Làm gì có ai hiếp được, chẳng qua là...”.
Kinh tởm hơn nữa – và có thể bạn không nhận ra cái u nhọt này trong não mình – là trong các vụ việc mà kẻ bị tố cáo có địa vị chính trị – rất hay có luận điểm “con này gài bẫy”. Gài bẫy chứ, vì từ đầu sao vào phòng với người ta, hay đồng thuận đi hát karaoke với ông kia; vì chẳng qua là chuyện đấu đá chính trị ấy mà; vì thích thì gào to lên lúc đấy là được sao giờ mới tố; và vì cơ bản, là các bạn biết con mẹ nó hết về cuộc đời rồi, làm gì có tình huống nào làm khó được các bạn, các bạn có bao giờ biết chịu nhục trước cường quyền là cái gì đâu (thề).
Nhưng các bạn không nhận ra rằng ngay trong thời điểm các bạn hạ thấp những cô gái này trong hệ quy chiếu với quyền lực, tiền bạc, nam tính; ngay trong thời điểm bạn bình phẩm “con này gài bẫy (ấy mà)”, chính bạn đã tôn thờ cường quyền đến mức ngu muội. Chính bạn, nói với bản thân: “Có cái gì trên đời quan trọng bằng tiền và quyền đâu? Trong chuyện này không có gì để xem xét hết, nhân phẩm con c*c. Đầu tao lúc này chỉ nghĩ đến tiền và quyền của ông kia thôi, đ*o nghĩ được cái gì khác chúng mày ạ. Đây là gài bẫy, chỉ có thể là gài bẫy”.
Luận điểm này, chính là bằng chứng cho thấy chúng ta có thể hèn hạ đến mức độ nào khi nghĩ về quyền lực.
Tất nhiên, bạn biết tính tôi, ngày thường đọc những điều đó, tôi chỉ lầm bầm: “ĐM bọn hèn hạ”, rồi đóng facebook đi làm việc. Nhưng hôm nay, tôi cầu khẩn mọi người nghĩ lại về cách ứng xử với những người tố cáo tấn công tình dục. Bạn hỏi rằng tại sao những người bị lạm dụng, bị tấn công không tố cáo? Vì bầu không khí chung của cả xã hội, vẫn đang sẵn sàng ném vào mặt một người phụ nữ thứ giọng điệu kiểu: “Chẳng qua là” và “Con này cũng là loại”. Người ta có quyền sợ. Và thật ra, họ rất nên sợ. Thứ dư luận này đáng sợ đến mức, nếu có ai đó khuyên nhau thôi nhịn nhục mà sống tiếp, cũng không hẳn là lời khuyên sai.
Làm ơn đi, nghĩ kỹ một chút và nhận ra rằng trong đầu mình – ngay cả khi bạn là nữ giới – vẫn còn định kiến giới, vẫn còn cái tư tưởng nhìn phụ nữ từ trên xuống và nghĩ “cũng phải như nào thì thằng kia mới thế”. Bạn có quyền khách quan, và nói thẳng ra rằng lời tố cáo này với tôi không đáng tin – nó chỉ là cáo buộc – và ủng hộ nguyên tắc suy đoán vô tội cho anh kia. Nhưng khách quan không đồng nghĩa với bình phẩm. Không đồng nghĩa với tấn công nạn nhân.
Kịch bản mà Dạ Thảo Phương viết trong lời tố cáo của mình, rằng một tay đàn ông có thể dễ dàng diễn ngôn một cuộc lạm dụng tình dục, có đơn tố cáo, thành (Thật ra là) lúc đầu đồng thuận nhưng (chẳng qua là) chia tay cô ấy muốn làm ầm lên, vì sao đó vẫn rất dễ tưởng tượng. Dù đã hai mươi mấy năm đi qua và xã hội tưởng đã rất trưởng thành.
Tháo Hạo: Bằng chứng của tội ác?
7-4-2022
Tôi biết Dạ Thảo Phương tình cờ qua Facebook, nhờ mấy bài thơ gõ vội và ném lên màn hình. Một hôm Phương bỗng vào Inbox, chị nói thích chúng. Tôi search google thì thấy… à ra là một nhà thơ từng nổi tiếng. Chúng tôi nói chuyện về thơ, mỗi lúc một nhiều. Bỗng một ngày Phương bảo với tôi rằng chị sắp công bố một sự thật chấn động mà bản thân đã giấu kín suốt 23 năm qua. Tôi nghe. Ừ, một nạn nhân của cưỡng hiếp. Nhưng đã 23 năm rồi…
Trong cảm giác của tôi, câu chuyện của 23 năm trước chỉ là một ký ức, giờ là lúc nói ra khi người ta đã bình tâm và an ổn. Chúng tôi chat với nhau, rồi Phương nói “chị call được không”…
– Mình xin lỗi Hạo, mình không gõ được nữa…
Rồi Phương òa khóc. 23 năm rồi còn khóc nấc lên như vậy ư… “Ba ngày rồi mình không ngủ được, từ khi vụ Ngô Hoàng Anh quấy rồi các bạn nữ, nỗi đau của mình sống lại, cơn trầm cảm lại tái phát…”.
– Xin lỗi Hạo, nếu mình nói có lộn xộn khó hiểu, mình bị mất kết nối ngôn ngữ. Phương khóc…
Cuộc điện thoại bị gián đoạn liên tục vì Phương không thể tiếp tục nói. Chúng tôi đã gọi điện cho nhau nhiều lần sau đó, có những lần cuộc thoại kéo dài cả 2 giờ đồng hồ. Lần nào chị cũng khóc. Việc kể lại câu chuyện như tự mình cầm dao mổ lại vết thương đã liền sẹo từ lâu, hay đúng hơn là tự mình chọc vào vết nội thương chưa lành, làm cho nó bị hở miệng, sâu hoắm.
Một tháng nay không mấy khi chị ngủ. Một tháng gần như thức trắng. Chị không ngủ được. Sự đau đớn và cơn trầm cảm làm chị hoảng loạn. Lần nào đang nói chuyện chị cũng òa khóc và không thể tiếp tục.
Tôi đọc những gì chị viết. Đọc được vài đoạn lại phải bỏ máy đứng dậy đi ra sân hút thuốc. Nó quá sức chịu đựng của một con người. Nếu đúng là sự việc đã diễn ra như thế thì đó là một tội ác man rợ, bắt một người con gái yếu đuối làm nô lệ tình dục, khống chế cô ta, cười cợt, nhạo báng và khiêu khích con người trước mắt thiên hạ – một thiên hạ toàn văn nhân thi sĩ danh nổi như cồn. Người con gái bị mang ra làm trò tiêu khiển như một con chuột nhắt trong nanh vuốt của con mèo, giữa thanh thiên bạch nhật, trải suốt mấy năm trường thống khổ.
Phương nói, chị sẽ đưa sự việc ra ánh sáng, nhưng giờ chị không làm được việc gì cả, đầu óc quay cuồng, không biết bắt đầu từ đâu. Rồi một tuần trôi qua, hai tuần… một tháng… Phương loay hoay, vấp té, nhớ nhớ quên quên… Một hôm Phương nhắn “ngày mai”. Rồi ngày mai cũng đi qua, không thấy gì. Chị bấn loạn. Đã biết bao cái “ngày mai” như thế trôi đi…
23 năm! 23 năm rồi, tôi là một người không phải loại vô cảm nhưng cũng không tài nào tưởng tượng được một sự việc đã xảy ra ở 23 năm trước mà lại còn có thể “thao túng” con người ta đến mức khủng khiếp như vậy. Nói chuyện với chị, nghe giọng run rẩy, nghe tiếng khóc và và sự lộn xộn trong ngôn từ, tôi mới dần dần cảm nhận được sự tàn hủy ghê gớm của tội ác cưỡng hiếp.
Đó là một bản án chung thân, là một nhà tù khổ sai vĩnh viễn đối với đời một con người.
Ai có thể hiểu chị? Ai có thể cảm nhận được nỗi đau của những người phụ nữ bị cưỡng hiếp đang khiếp đảm co rúm trong bóng tối ở ngoài kia? Từ bản thân mình mà suy, tôi đã bật ra trong đầu cái câu cay đắng rằng “không ai cả”, không ai có thể hiểu và cảm thấu nỗi đau ấy. Và tôi hiểu tại sao chị đã nhiều lần tự tử, nhiều lần cha mẹ đã phải đưa chị đến bệnh viện để rửa ruột. Và tôi lại càng hiểu vì sao nạn nhân cô độc, không ai có thể cảm nhận được cơn đau ấy. Nó xé nát nạn nhân ra như người ta xé một con cua sống.
Câu chuyện của chị, tôi không chứng kiến, nó cũng chẳng có bằng chứng nào thuyết phục ngoài một bản tường trình của những người như họa sĩ Thành Chương, nhà thơ Nguyễn Việt chiến, Lê Tâm, Phong Điệp… những người đã chạy tới và trực tiếp nhìn thấy Lương Ngọc An đang nằm đè lên chị trong phòng làm việc khi họ nghe tiếng la hét, kêu cứu của chị. Và hình ảnh ấy sau này đã được lãnh đạo báo văn nghệ kết luận là “xô xát, đánh nhau”! Nhưng, qua triền miên mất ngủ, qua sự hoảng loạn, qua nước mắt, qua sự run rẩy, qua cơn loạn thần, qua tiếng nấc nghẹn của chị, tôi biết chắc rằng chị đã phải trải qua một cuộc hành hình tàn bạo nhất trong đời một con người, mà di chứng còn để lại là những cơn trầm cảm, những hồn xiêu phách lạc, những sự ngây ngây dại dại cho tới bây giờ…
Chúng ta đòi bằng chứng của tội ác, đúng vậy, cần bằng chứng. Nhưng chừng ấy chưa đủ, phải đến với nhau bằng sự thấu cảm và lòng tri âm, bằng không ta cũng chỉ thấy kẻ ác và nạn nhân, mà không thấy con người.
PHẠM LƯU VŨ: THẢ THÍNH…
13.4.2022
Nhà thơ ‘thả thính’ siêu ‘dính’
Chưa hỏi anh có bao nhiêu bài thơ tình song cứ xem những gì anh “bắn” trên “nhà ảo” của mình, có thể tạm đoán con số ấy khó mà tính được. Viết cực nhiều thơ tình nhưng không viết vội, viết ẩu. Cho nên, mỗi lần Lương Ngọc An thả thính, chị em “tỉnh” người, hào phóng “bắn tim”.
Lương Ngọc An không phải người đầu tiên viết về hoa sữa. Nhắc đến hoa sữa, nhiều người nhớ ngay mấy câu thơ dễ thương (và dễ thuộc) của cố thi sĩ Nguyễn Phan Hách: “Tuổi 15 em lớn từng ngày/Một buổi sáng bỗng thành thiếu nữ/Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ/Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ”. Nhưng khi hoa sữa của họ Lương được tung lên mạng xã hội, vẫn khiến người ta hưởng ứng rào rào. Bài thơ viết dưới dạng văn xuôi cực “bắt tai”: “Biết nói gì về hoa Sữa đây em, khi hoa lãng tử đã rụng đầy vai áo. Lúc thơm thảo hoa tận cùng thơm thảo, lúc phù du hoa dứt áo phù du (…) Nói thêm gì về hoa Sữa em ơi. Hoa cứ phát tán trong mắt người lúng liếng. Đã bao lần soi bóng mình bên suối, lại nhớ về hàng cây hoa Sữa, đứng nghiêng nghiêng xõa tóc gội đầu… Bên hồ Thiền Quang có lần tôi và em cùng nắm tay nhau, cùng líu ríu chạy trốn cơn mưa dùng dằng mùa hạ. Hoa đuổi phía sau hôn đầy tóc, đầy vai, đầy má. Hoa chạy phía trước rạp mình làm thảm đón chân ta…”.
Bài thơ này trước đó đã được in trong tuyển tập “Thơ mười năm đầu thế kỷ XXI”. Có người khẳng định “Hoa sữa” là bài thơ hay nhất, thơ nhất trong tuyển tập dày hàng ngàn trang với hàng trăm tác giả.
Trai Hà thành nên hoa Sữa có lẽ là loài hoa ám ảnh nhất với nhà thơ. Có khi Lương Ngọc An là thi sĩ viết nhiều nhất về hoa Sữa cũng nên: “Suốt đời ta mang nợ cùng hoa Sữa em ơi/Nên dẫu có theo hoa đến trọn đời vẫn khắc khoải một thời thơm thảo. Mãi đến buổi hoa trở mình rũ áo, mới nhận ra mình cũng kiếp phù du… Nên chẳng thể nào thanh thản nổi vơi mùa Thu. Ta cứ thế đi, về giữa hai nỗi nhớ. Thả một cánh hoa xuống vai em bỏ ngỏ, một chút tàn như thế, có nặng không”…Hay: “Anh chẳng nghĩ mọi điều rồi giản đơn đến thế/Mình chia tay nhau như tiễn một mùa thu/Giọt nước mắt dẫu chắt chiu từ bao nỗi niềm hoa Sữa/Cũng chẳng long lanh xa hơn một gò má bao giờ…”
Không chỉ nặng lòng với hoa Sữa, Lương Ngọc An còn phải lòng cúc họa mi. Không biết chừng đây chỉ là cách anh lấy lòng chị em? “Trong cái buồn dịu dàng se sắt buổi đầu Đông, những hạt mưa dửng dưng mà thon thót càng làm cho lòng thêm hiu hắt. Cúc Họa mi tưởng nhỏ nho dung dị mà hóa đa đoan, cứ gọi về một tình yêu giấu mặt; Một nỗi nhớ vu vơ mà bỗng hóa cồn cào”… Trông phong trần thế mà Lương Ngọc An rất dễ dàng rung động với hoa. Ngọn cải ngồng cũng từng đi vào thơ thi sĩ: “Mặc ai hoa cúc hoa nhài/Với hương hoa bưởi với gai hoa hồng/Cho ta làm ngọn cải ngồng/Liu riu thắp chút nắng hong mắt người”.
Lương Ngọc An quan niệm thế nào là thơ tình? “Trộm nghĩ, thơ gì chẳng là thơ tình, làm gì có chuyện phân biệt thơ tình với thơ tán (cả trai lẫn gái), miễn có kết quả coi như ổn. Thơ tán mà tán được thì cũng đáng gọi là thơ tình. Thơ tình mà đọc xong chẳng ai động lòng thì coi không bằng thơ tán”. Cứ từ cách nói của thi sĩ mà suy ra, thì những dòng thơ đong đưa của Lương Ngọc gọi là thơ tình cũng được, thơ tán cũng đúng, vì đều ra kết quả khiến chị em thích thú: “Nắng dễ thương như một mảng ngực trần/Mùa hào phóng để áo Đông trễ cổ/Miền ngực em bao nhiêu khát thèm từng ngủ vùi trên đó/Tiếc cho chiều chỉ có gió xuýt xoa…”
Càng ngày lượt theo dõi facebook Lương Ngọc An càng cao, chắc chỉ em chiếm một lượng không nhỏ? Chẳng biết phái đẹp mê thơ Lương Ngọc An hay mê người, vì thi sĩ thường xuyên dùng ảnh mình để minh họa cho thơ. Chẳng ai nghĩ con người sở hữu vẻ ngoài không thi sĩ lắm, lại là kẻ “thả thính” siêu “dính” trên mạng xã hội: “Nắng sẽ già trong đuôi mắt chân chim/Gió cũng mồi bên mái tóc chẳng còn xanh đủ nữa/Chiều chết sớm vào giờ tan nhà trẻ/Đêm mùa Thu, hoa cúc rụng cầm canh…/Có kỷ niệm nào đủ nhớ cho lành/Có lãng quên nào lại bỏ quên kỷ niệm”.
Năm nay, Lương Ngọc An dự định ra đời một cuốn thơ nhỏ xinh, trích những câu thơ tình/thơ tán tâm đắc nhất, do chính anh tuyển chọn, để gửi tới phái đẹp như một món quà, bởi không họ làm sao anh viết nổi thơ tình?
Lương Ngọc An: Khúc đời thường văn chương cay mắt sóng
Không thể nào nghĩ được rằng Lương Ngọc An đã vào lứa U60. Mắt sáng trẻ trung, môi hồng tươi tắn, tóc cua còn nhiều phần xanh mát, nhìn chị em lúc nào cũng như muốn gửi thơ tình sao đã U60?
Lương Ngọc An lúc nào cũng được coi là nhà thơ trẻ. Anh làm báo Văn nghệ từ khi giải ngũ (1990), tiếp đó học trường Viết văn Nguyễn Du khóa 5 (1993-1997) rồi sau đó về làm Văn nghệ trẻ.
Lương Ngọc An lúc nào cũng được coi là trẻ vì anh có quãng thời gian dài gắn với Văn nghệ trẻ, tờ báo nổi trội còn hơn cả đấng khai sinh. Lương Ngọc An tiếp đó làm tờ Văn nghệ (già) đầy sóng gió một thời cũng chẳng sao.
Đến bây giờ, anh đã là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam – Phó Tổng Biên tập báo Văn nghệ cũng là thuận theo thời cuộc với khả năng nội lực của anh.
Tôi thấy ít người ghềnh thác như anh. Có thác ghềnh mới sỏi nấu thành cơm được. Chơi với anh trên ba mươi năm, từ khi tôi nhập học Viết văn Nguyễn Du khóa 6 (1998-2002) đã được gặp, nhất là được nghe thơ anh. Tôi đã thấy sẵn ở đó sự quyết liệt, tự trẫm mình, tìm tai ách trong ngang tàng, ngạo nghễ:
Chung nhau nốt chén này đi
Rồi đem sầu muộn mà di dưới giày
Vỏ chai đập vỡ một ngày
Rồi không say cũng giả say mà cười.
Thơ như thế, êm đềm làm sao được.
Đã thế, lại còn tự tuyên ngôn:
Mặc ai hoa cúc hoa nhài
Với hương hoa bưởi, với gai hoa hồng
Cho ta làm ngọn cải ngồng
Liu riu thắp chút nắng hong mắt người…
Thì trách nào thiên hạ chả ghét cho.
Lương Ngọc An từng là lính tăng – thiết giáp. Sắc lính đậm chất kỹ thuật nhưng cũng rất đa tình. Từng có một thời, truyện ngắn “Hồi ức binh nhì” của nhà văn Nguyễn Thế Tường được chuyển thành phim gây xôn xao dư luận về cách tán tỉnh chị em của mấy tướng xe tăng. Ai đời dám sử dụng tháp pháo đu người lên nòng súng quay qua hàng rào đột kích vào gặp gỡ lính nữ thông tin rồi thề non hẹn biển. Lính xe tăng là thế. Đã lên xe là cùng một hướng mà đã “rắp tâm” quay nòng pháo cho đồng đội theo mệnh lệnh trái tim vượt hàng rào thép gai cũng đặc biệt khác thường.
Những năm gần đây, Lương Ngọc An đằm tính một cách khác thường. Ngày xưa, lúc nào cũng hăm hở ra đi, đi để tan sông nát bến cũng chỉ vì gương mặt thơ, gương mặt anh em bầu bạn. Nay vẫn còn đó một Lương Ngọc An, nhưng đã trầm hậu và thanh thoát, luôn tìm theo nguồn ngọn để trở về. Phải đâu ngọn núi lửa đã tìm cho mình một khúc du ca riêng tĩnh lặng.
Có lẽ do được rèn luyện từ sắc lính đặc biệt này với bản tính mỗi học viên trường Viết văn Nguyễn Du đều không giống người thường nên Lương Ngọc An đã sớm mang trong mình những phẩm chất vừa như mọi người thường vừa ngược chiều mây bay gió thổi.
Tương truyền rằng, thời trai trẻ, Lương Ngọc An tậu một con “thiết giáp” phân khối lớn kềnh càng ngang dọc khắp trong Nam ngoài Bắc. Ngày đó còn chưa ai biết đến mũ bảo hiểm là gì, chiếc đầu trọc lốc của họ Lương phơi sương phơi nắng dãi dầu quanh năm suốt tháng. Trời nắng đã vậy, trời mưa cũng một mực để cho muôn vàn giọt to giọt nhỏ giáng thẳng xuống mặt mũi người ngợm trong lộ trình thiên lý Bắc – Trung – Nam.
Một hôm, khi đoàn nhà văn quân đội vượt đèo Hải Vân (khi đó còn chưa có đường hầm xuyên đèo), tới giữa đỉnh đèo trời nắng như đổ lửa, ai nấy trố mắt dõi nhìn một thanh niên cưỡi chiếc xe phân phối lớn siết ga máy nổ đoành đoành như xe tăng khói tuôn mờ mịt vượt dốc tay áo lên đèo. Có lúc, tưởng chừng dốc đứng cua gấp, nhựa đường nóng chảy lóa nhóa trơn trượt sẽ hất văng cả xe và người xuống vực mà ái ngại, thì đoành đoành đoành, chiếc xe đã đỗ xịch ngay giữa đỉnh đèo.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, vốn người Quảng Bình mắt sáng tiếng vang nói như reo lên:
– Trời đất! Lương Ngọc An!
Anh em trợn mắt nhìn quả đúng là Lương Ngọc An ngực phanh trần, đầu trọc như sư, đeo cặp kính đen đã chít đầy bụi đỏ.
Nhà thơ họ Lương luôn tạo ra những bất ngờ như thế.
Đó cũng là ưa thích của Lương Ngọc An.
Lại có chuyện thật như đùa. Khi Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức cuộc thi bút ký đón chào thiên niên kỷ mới đã nhận được nhiều tác phẩm lần lượt được giới thiệu trên các số báo và tờ phụ san do nhà văn Lê Lựu cầm trịch. Lương Ngọc An quyết định đã thi phải có gì đó khác thường, người đời không theo được mới nghĩ ra cách một mình cưỡi lên con chiến giáp từ Hà Nội vượt dãy Hoành Sơn, vượt Hải Vân Sơn vào thẳng mạn Bình Định, Phú Yên quyết chí ra khơi một chuyến.
Những năm đó, việc đi biển không phải dễ dàng. Các làng nghề câu cá ngừ đại dương cũng hiếm có. Lương Ngọc An quyết định theo một thuyền câu cá ngừ lênh đênh hàng tháng trời mãi tận vùng đảo Hoàng Sa nơi tổ tiên các dũng binh Bình Định đã từng được các đời vua Nguyễn sung vào đội Hoàng Sa đi khai khẩn cắm mốc chủ quyền. Đời này nối đời kia, vì mưu sinh cũng là vì thôi thúc của dòng máu tổ tiên, các đội câu cá ngừ đại dương đã nối đời trọn kiếp lênh đênh trên biển thẳm.
Đi được cỡ già nửa hải trình, các bạn thuyền mới hỏi tay nhà báo, nhà thơ đầu trọc rằng ông đã mổ ruột thừa chưa? Nhà thơ ngơ ngác không hiểu chuyện gì? Việc quái gì quan tâm ruột thừa ở nơi trùng khơi mênh mang sóng bạc đẹp như chốn thần tiên thế này bèn thật thà mỉm cười bảo tôi quý nhất ruột thừa nên nó vẫn còn nguyên, chưa chia tay khổ chủ. Đám thủy thủ trong đó có thuyền trưởng là một người bạn thân trợn mắt bảo: “Ông giết tôi rồi! Từ đây về đất liền rồi quay ra mất nửa tấn dầu hơn cây vàng đấy bố ạ. Bố mà có chuyển ruột thừa, hoặc là làm mồi cho cá, hoặc chạy kịp vào bờ thì e rằng con ngựa sắt của bố cộp vào đấy cũng chưa đủ tiền dầu”.
May suốt hơn tháng giời lênh đênh trên biển trở thành một thợ săn cá ngừ thực thụ, bụng dạ họ Lương vẫn vững chắc như thường.
Bút ký “Những thợ săn trên biển” của Lương Ngọc An đoạt giải nhất Văn nghệ quân đội được giới văn bút thán phục, ra đời từ một chuyến đi đậm chất giang hồ như thế.
Khí chất của Lương Ngọc An cũng thật khác thường và hết sức nhất quán. Những năm 1997-2006, tôi khi đó còn là phóng viên Truyền hình Quân đội nhân dân, nhà ở thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm – Hưng Yên). Vùng đất Như Quỳnh những năm đó, các doanh nghiệp theo chủ trương về các khu công nghiệp tổ chức sản xuất rất đông. Mảnh đất Như Quỳnh, Văn Lâm rất sôi động. Thầy dạy toán của tôi là Cao Hưng Lâm khi đó giữ chức Chủ tịch huyện đã phải tiếp đón và xử lý khối lượng công việc khổng lồ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Đồng thời, lúc đó, nhà văn Lê Lựu cũng đang khai sinh Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam được ông Đoàn Duy Thành – Trưởng phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam hết sức ủng hộ và đã làm được những việc rất hữu ích. Càng lạ lùng hơn, các nhà văn, nhà báo thường xuyên về mảnh đất Như Quỳnh giống như một mô hình mẫu với hàng chục doanh nghiệp lớn sau này là những tập đoàn “khổng lồ”… Trong những người bám sát và quan tâm tới sự phát triển toàn diện của mảnh đất Văn Lâm, có nhà văn Lê Lựu, nhà văn Hoàng Quốc Hải và đặc biệt là nhà thơ Lương Ngọc An.
Lương Ngọc An những tháng ngày lăn lộn ở Văn Lâm về kinh tế chắc cũng mù tịt giống như nhà văn Hoàng Quốc Hải nhưng những đóng góp của hai vị Hoàng – Lương về văn hóa, nhất là về bảo vệ môi trường càng về sau càng thấy đúng. Tuy nhiên, vốn là một người thơ đúng nghĩa, Lương Ngọc An đã bắt gặp ở đó những Nguyễn Thành, Nguyễn Văn Thích và đặc biệt là Nguyễn Thành Tuấn – một người thơ đồng tuế với anh, cũng là dân nghiện thơ, sống chết chỉ có thơ. Hai ông xoắn bện vào nhau như hình với bóng. Lúc đó, Nguyễn Thành Tuấn là đương kim Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hưng Yên – Tổng Biên tập Tạp chí Phố Hiến. Hai ông này thơ phú đàm đạo suốt đêm quên vợ con, quên trời đất.
Lương Ngọc An làm nhiều thơ tình, hay nhất phải kể đến chùm bài về mùa thu và hoa sữa. Đã có nhiều người cho rằng đây chính là thành tựu lớn nhất của Lương Ngọc An. Bình luận về văn chương, nhất là thơ ca, ở những trường hợp độc đáo như Lương Ngọc An, mỗi người mỗi khác cũng là chuyện bình thường.
Cũng như tôi luôn cho rằng, ngoài cung cách sống trọng nghĩa liên tài, luôn hết mình vì bạn bè, vì văn chương chữ nghĩa, thì phần đáng kể nhất của Lương Ngọc An chính là những bài thơ về chiến tranh và người lính từng đoạt giải cao trong cuộc thi thơ của Văn nghệ quân đội. Trong bài “Tản mạn về Bà mẹ anh hùng” từ cách đây hai mươi năm, Lương Ngọc An đã viết:
Nếu như bà nội con thành Bà mẹ anh hùng,
Nghĩa là ngày hôm qua, cha đã không về nữa.
Nghĩa là ngày hôm nay, không có một đứa trẻ là con vừa ra đời sau cánh cửa.
Nên cha viết khúc ca dâng những Bà mẹ anh hùng…
…
Run run con nắm bàn tay
Không đành nắm chặt – xương gầy dễ đau
Không chia với mẹ một câu
Chia vui sợ tủi… chia sầu sợ oan
Những vần thơ như thịt da hồn cốt của biết bao thân phận đã phải chịu tận cùng mất mát hy sinh để góp nên hình hài đất nước.
Đó mới chính là Lương Ngọc An.
Những năm gần đây, Lương Ngọc An đằm tính một cách khác thường. Ngày xưa, lúc nào cũng hăm hở ra đi, đi để tan sông nát bến cũng chỉ vì gương mặt thơ, gương mặt anh em bầu bạn. Nay vẫn còn đó một Lương Ngọc An, nhưng đã trầm hậu và thanh thoát, luôn tìm theo nguồn ngọn để trở về. Phải đâu ngọn núi lửa đã tìm cho mình một khúc du ca riêng tĩnh lặng.
Điều này thiết tưởng cũng không cần rạch ròi minh định. Những gì ta đã sống qua. Những gì đang diễn ra và bước tiếp, hãy để cho người đời tự tìm lấy câu trả lời, cũng là một cách thuận thảo tự nhiên.
Kẻ từng cưỡng hiếp tôi đang là Phó Tổng biên tập báo Văn Nghệ
6-4-2022
Ngày 3.4 là ngày sinh nhật tôi, ngày mẹ cha mang tôi đến với cuộc đời.
Sinh nhật tôi năm nay, tôi muốn được sinh ra một lần nữa – Bằng việc mang ra ánh sáng một Sự Thật tôi đã phải chôn giấu trong im lặng thống khổ 23 năm nay.
Có lẽ những gì tôi kể ra sẽ hơi dài với bạn. Nhưng đó là gần một nửa thời gian tôi đã sống trên mặt đất này, với rất nhiều khổ đau, mất mát, oan ức.
Tôi hy vọng tiếng nói này của tôi sẽ được bạn lắng nghe.
Tôi hy vọng tôi sẽ được tái sinh trong một thế giới được chiếu sáng bởi Sự Thật, lòng Chính Trực, Tình Người.
Xin cảm ơn tất cả các bạn.
DẠ THẢO PHƯƠNG
***
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
THƯ NGỎ
(Tố cáo hành vi cưỡng hiếp của Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ Lương Ngọc An)
Kính gửi: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Kính gửi: Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Kính gửi: Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Kính gửi: Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.
Kính gửi: Nhà văn Khuất Quang Thuỵ, Tổng biên tập Báo Văn nghệ.
Kính gửi: Ban biên tập Báo Văn nghệ.
Kính gửi: Các nhà văn, nghệ sĩ, trí thức và tất cả những người yêu văn chương nghệ thuật
Tôi là Dạ Thảo Phương (Tên khai sinh: Phan Thị Thanh Thuý, sinh ngày 03.04.1974). Từ năm 1996 đến năm 2003, tôi là phóng viên, biên tập viên tại ban Văn nghệ Trẻ, thuộc Báo Văn nghệ, trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.
Tôi viết thư này để tố cáo hành vi cưỡng dâm và vu khống trước đây của Lương Ngọc An, kẻ hiện nay đang là Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.
Tôi sẵn sàng đối chất với Lương Ngọc An trước sự chứng kiến của lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, lãnh đạo Báo Văn nghệ, chồng tôi, và các luật sư. Nếu không dám đối chất công khai với tôi trước sự chứng kiến của những bên này, mọi bịa đặt được đưa ra từ phía Lương Ngọc An đều vô giá trị và là vu khống.
Nếu cho là tôi nói sai sự thật, Lương Ngọc An hãy kiện tôi ra toà.
TÔI BỊ CƯỠNG HIẾP
Trưa ngày 14.04.2000, khi tôi ở một mình trong phòng biên tập Văn nghệ Trẻ, Lương Ngọc An đã xông vào cưỡng hiếp tôi. Trong lúc chống cự hoảng loạn, tôi kêu cứu, nhiều đồng nghiệp đã chạy tới và bắt quả tang Lương Ngọc An đang nằm đè lên tôi, bóp cổ tôi, trong khi tôi đang giãy giụa chống cự, váy áo bị xô vò, ngón tay bị bật máu. Nhờ sự can thiệp của các đồng nghiệp, hành vi cưỡng hiếp [của] hắn chưa kịp thành công.
Sự việc này đã được các nhân chứng thuật lại trong bản tường trình gửi báo Văn nghệ vào ngày 20.4.2000 (có văn bản đi kèm).
Nhưng đây chỉ là một lần tôi may mắn thoát khỏi hành vi bỉ ổi của Lương Ngọc An.
Trước đó, từ tháng 7.1999 đến tháng 4.2000, Lương Ngọc An đã nhiều lần thao túng, khống chế, bạo hành, cưỡng bức tôi như một nô lệ tình dục.
TÔI BỊ VU KHỐNG
Khi sự việc xảy ra, tôi là một cô gái trẻ mới ngoài 20 tuổi, chưa chồng, vừa tốt nghiệp đại học đã về ngay báo Văn Nghệ làm việc. Khi đó, tôi chỉ có kiến thức sách vở và niềm đam mê sáng tác, nhưng không nhiều kinh nghiệm sống và bản lĩnh xã hội.
Tôi sinh ra trong một gia đình miền Bắc truyền thống vốn rất sợ đàm tiếu xung quanh. Khi bị tấn công, điều tôi lo nghĩ nhất không phải là bản thân, mà là gia đình mình. Tôi đã sợ nếu mình bị đàm tiếu liên quan đến người khác giới, bố mẹ tôi sẽ chết vì nhục nhã. Trước những hành động đốn mạt của Lương Ngọc An, cô gái trẻ non nớt là tôi khi đó chỉ biết chống cự kịch liệt đến sức cùng lực kiệt nhưng không dám kêu cứu, không dám tố cáo thủ phạm, thậm chí còn lo sợ lộ ra mình đã bị cưỡng hiếp.
Cũng vì những sợ hãi này, tôi đã chưa bao giờ dám nói ra, ngay cả với mẹ mình, cũng như với cơ quan, dư luận: Do bị Lương Ngọc An cưỡng hiếp, tôi đã có thai, và đã không giữ được đứa con đầu tiên của mình. Đó là một đau đớn khôn tả, một ám ảnh khôn nguôi mà tôi đã phải một mình ôm giữ đến tận hôm nay.
Sau sự kiện ngày 14.4.2000 đã nhắc ở trên, vì có nhiều người làm chứng nên tôi mới dám viết đơn tố cáo Lương Ngọc An. Tuy nhiên, anh ta không những không sợ hãi, ăn năn mà còn quay ngược lại trắng trợn vu khống tôi. Lương Ngọc An đã bịa ra một câu chuyện, trong đó nói anh ta và tôi có quan hệ tình cảm, anh ta muốn bỏ tôi nên tôi gây căng thẳng. Vụ việc ngày 14.4.2000 đã bị anh ta thay đổi bản chất từ sự thật là cưỡng dâm thành “xô xát”!
Sự bịa đặt này là hoàn toàn trắng trợn và vô lý. Tôi chưa bao giờ có mối quan hệ tình ái hay tình dục đồng thuận với anh ta. Mọi hành vi tình dục anh ta có với tôi đều do anh ta đánh đập, đe doạ, cưỡng bức tôi.
Anh ta viết tường trình bịa đặt là muốn bỏ tôi và “cố tình tránh tiếp xúc” với tôi, vậy tại sao lại xông vào phòng biên tập khi tôi chỉ có một mình, dùng vũ lực đè tôi xuống?
Tôi chỉ là một người phụ nữ gầy yếu. Anh ta là một người đàn ông khi đó ngoài 30 tuổi, cựu lính tăng và nhiều năm lái xe cho báo Văn nghệ. Tôi không thể nào đủ sức khoẻ ép buộc anh ta vào phòng, kéo anh ta nằm đè lên mình. Nếu muốn níu kéo anh ta, tại sao tôi lại chống cự đến mức bị anh ta cắn bật máu ngón tay, tại sao tôi lại kêu cứu đến mức bị anh ta bóp cổ?
Nếu là sự đồng thuận, tại sao tôi lại phải gọi điện cho gia đình và bạn gái anh ta nhờ họ bảo vệ tôi khỏi sự đeo bám của anh ta? Anh ta đã tráo đổi bản chất những cuộc điện thoại này của tôi thành “ghen tuông”, nhưng chính họ lại khẳng định với đại diện của Công đoàn Báo Văn nghệ là tôi không hề ghen tuông. (Biên bản cuộc họp ngày 26.3.2003 tại báo Văn nghệ – Vì điều này liên quan đến một phụ nữ khác, đã có chồng, nên tôi chưa công bố văn bản ở đây).
Tôi đã luôn phủ nhận rõ ràng những bịa đặt trắng trợn của anh ta trong mọi đơn thư khiếu nại, đòi hỏi thủ phạm phải nhận trách nhiệm, cơ quan phải có văn bản rõ ràng về bản chất sự việc.
Lãnh đạo cơ quan trực tiếp xử lý vụ việc của tôi là ông Trương Vĩnh Tuấn – Phó Tổng biên tập phụ trách hành chính Báo Văn nghệ, lúc đó mới kiêm thêm phụ trách ban Văn nghệ Trẻ. Lương Ngọc An nhiều năm là nhân viên phòng hành chính chuyên lái xe và giúp việc cho ông Tuấn.
Tôi không thể hiểu sao khi đó, với hành vi đó, với văn bản tường trình giấy trắng mực đen đó, cơ quan chỉ kết luận anh ta “gây lộn xộn ở cơ quan”?! Ông Trương Vĩnh Tuấn cũng nhiều lần, trong các cuộc họp, tráo đổi bản chất sự việc thành “hai người đánh nhau, làm mất trật tự nơi làm việc”.
Ông Trương Vĩnh Tuấn đã nhiều lần ngăn cản quyền tố cáo, khiếu nại của tôi, trù dập và vu khống tôi, thậm chí cấm tôi in bài, đe doạ đuổi việc tôi. Nhiều cuộc họp, văn bản liên quan đến sự việc đã bị ém nhẹm, không được kịp thời thông báo cho tôi và công bố trước cơ quan. Thái độ mập mờ khó hiểu của lãnh đạo cơ quan khi đó đã đặt những dấu hỏi trong dư luận, gây nhiều tổn thương sâu sắc đến danh dự và tinh thần tôi.
Thủ phạm Lương Ngọc An, chưa từng nhận trách nhiệm về hành vi cưỡng dâm và vu khống của mình, vẫn thường xuyên đến báo Văn nghệ, có những cuộc gặp gỡ khó hiểu ở phòng làm việc của Phó Tổng biên tập Trương Vĩnh Tuấn. Tháng 4.2002, anh ta chính thức trở lại làm việc tại báo Văn nghệ. Và hiện nay, anh ta đang là Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam!
Thật là một sự ngang nhiên chà đạp Sự Thật, nhạo báng Công Lý.
TẠI SAO GIỜ ĐÂY TÔI LÊN TIẾNG
Tội ác cưỡng dâm, vu khống của Lương Ngọc An cùng những trù dập, vu cáo của Trương Vĩnh Tuấn cho đến nay vẫn chưa từng một lần được nhìn nhận công khai, công bằng. Bóng tối của Cái Ác đè nặng lên Sự Thật năm xưa luôn âm thầm ám ảnh cuộc sống hiện tại của tôi.
Trong thời gian bị đánh đập, cưỡng hiếp rồi lại bị trù dập, bị vu cáo, tôi đã nhiều lần tự tử không thành.
Hậu quả của nó làm tôi từng phải vật vã trải qua những năm tháng dài sợ hãi giao tiếp, có những thời điểm thậm chí nói chuyện bình thường với chồng con cũng là việc rất khó khăn. Tôi bị mất kết nối với ngôn ngữ, né tránh xuất hiện lại trong giới văn chương. Là một người viết, yêu mến cuộc sống và nhận diện bản thân qua công việc sáng tạo, đây là một nỗi đau có sức phá huỷ sâu sắc đối với tôi.
Gần đây, tôi có theo dõi một số vụ nạn nhân bị xâm hại tình dục đứng ra tố cáo. Đọc những bình luận tiêu cực như làn mưa dao trút xuống họ và người thân, tôi bàng hoàng. Con quỷ là tệ nạn xâm hại tình dục đã cán vụn vỡ cuộc đời của cô gái trẻ là tôi 23 năm trước, đến giờ vẫn không ngừng săn đuổi các nạn nhân tiếp theo của nó. Xu hướng tấn công, đổ lỗi cho nạn nhân của một bộ phận thiếu hiểu biết trong xã hội vẫn vô tình dung dưỡng cho con quỷ này, làm nó ngày càng trở nên hung hiểm.
Thực trạng này cần phải thay đổi.
Tôi không muốn có thêm bất cứ nạn nhân nào phải trải qua những nỗi thống khổ tôi từng trải.
Tôi cần phải lên tiếng. Đó là một đòi hỏi bức thiết của cá nhân tôi, với tư cách là một nạn nhân khổ đau oan ức, cũng là một đòi hỏi của thực tế xã hội đối với trách nhiệm của một công dân, đòi hỏi của Lương Tri đối với một người cầm bút.
Tôi hiểu, sự việc của tôi xảy ra ở giai đoạn trước. Một số người trong quý vị có thể nghe nói tới nhưng không biết được Sự Thật, nhiều người trong quý vị không biết hoặc không liên quan. Bản thân tôi cũng đã sợ hãi, không dám trình bày hết nỗi đau của mình. Tôi hoàn toàn không muốn việc tố cáo của tôi gây ảnh hưởng tới ai ngoài cá nhân thủ phạm.
Nhưng tôi phải viết thư tố cáo này gửi tới các quý vị, vì: Lương Ngọc An, thủ phạm cưỡng dâm tôi năm xưa, sau khi gây ngần đó tội ác vẫn chưa một lần nhận trách nhiệm về tội lỗi của hắn – biểu hiện đầu tiên của việc hối cải, sửa mình. Giờ đây, y trong Ban biên tập Báo Văn nghệ và Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam – những nơi lẽ ra chỉ nên có những người cầm bút vừa có tài vừa có nhân cách, xứng đáng gánh vác trách nhiệm quy tụ và phát triển nền văn học ở Việt Nam.
23 năm trước, khi cưỡng dâm tôi, Lương Ngọc An chỉ là một lái xe mới được cất nhắc lên làm phóng viên của báo Văn nghệ, về chính danh chưa có quyền lực gì đặc biệt. Nay hắn đã tha lôi sự đồi bại của mình leo lên những vị trí quyền lực lớn hơn nhiều, công việc cho phép gặp gỡ giao tiếp và quyết định cơ hội nghề nghiệp của bao nhiêu cộng tác viên, văn nghệ sĩ trí thức, trong đó có nhiều người là phụ nữ trẻ.
Vì vậy, tôi thấy mình phải có trách nhiệm tố cáo sự thật này với quý vị, với giới văn chương, trí thức, với cộng đồng, góp phần vạch trần và ngăn chặn Cái Ác.
MONG ĐỢI
Hiện, tôi là một phụ nữ 48 tuổi, có gia đình. Chồng tôi 52 tuổi, là nhà báo lâu năm, làm việc tại một trong những hãng thông tấn uy tín nhất thế giới. Con trai tôi 14 tuổi và con gái tôi 6 tuổi. Bố mẹ tôi nay đều đã già yếu, chỉ mong được sống nốt những ngày tháng yên bình, nhìn con cháu an vui.
Đứng ra tố cáo sự thật này, tôi biết mình đang đặt cuộc sống ổn định của bản thân và gia đình trước những nguy cơ tổn thương, thậm chí nguy hiểm. Nhưng tôi không có lựa chọn khác.
Tôi hy vọng Sự Thật này sẽ được lắng nghe và đáp lại bằng những hành động thiết thực của quý vị để cộng đồng chúng ta ngày càng trong sạch, văn minh hơn.
Điều này rất có ý nghĩa với tôi cũng như nhiều nạn nhân bị xâm hại tình dục khác còn phải chịu đựng âm thầm trong bóng tối.
Tôi hy vọng ai đó cũng là nạn nhân của bạo lực tình dục sẽ thấy họ không còn hoàn toàn đơn độc và sợ hãi khi muốn lên tiếng, không còn phải mất đến hơn hai mươi năm quý giá của cuộc đời để âm thầm cố gắng vá víu tổn thương như tôi.
Xin chân thành cảm ơn.
Nicosia, ngày 03 tháng 04 năm 2022.
Kính thư
Dạ Thảo Phương
(Phan Thị Thanh Thuý)